Powered By Blogger

Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Tiền sử Việt Nam (VII)



Tiền sử Việt Nam (VII)
 
Người viết: Hà Hữu Nga

Theo đặt hàng của GS. Phan Huy Lê (2005)


Lưu ý đầu trang: Đây là bản draft đầu tiên tôi [Hà Hữu Nga] viết theo đặt hàng của GS. Phan Huy Lê, dưới sự hướng dẫn của GS. Trần Quốc Vượng. Vì vậy xin có ba lưu ý quan trọng:

1. Bản draft này được lưu ở đây với tư cách cá nhân và là bản draft chưa được chỉnh sửa.
2. Mọi hình thức sử dụng như: sao chép, trích dẫn v.v…là không hợp lệ.  
3.Vì GS. Trần Quốc Vượng ốm nặng và mất trước khi đọc bản draft này vào năm 2005 nên mọi sai sót có trong draft đều thuộc về người viết; nhiều quan điểm trong bài viết không chắc đã được GS. Trần Quốc Vượng đồng ý. 

3.5. Quá trình hình thành Nhà nước sơ khai ở Việt Nam và Đông Nam Á

Trong số các lý thuyết nghiên cứu quá trình phát triển tổ chức xã hội tiền sử có lẽ không lý thuyết nào đưa ra được một mô hình rõ ràng bằng mô hình phát triển nhóm - bộ lạc -  thủ lĩnh địa - nhà nước do các nhà nhân học Mỹ đề xuất từ giữa thế kỷ XX. Tuy nhiên khi áp dụng vào lý giải quá trình hình thành nhà nước tại khu vực Đông Nam Á, lý thuyết này đã bộc lộ nhiều hạn chế. Đối với các nhà tiền sử học phương Tây thì các hạn chế liên quan đến mô hình ấy được họ cho là i) hầu hết các công trình nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á không được thực hiện theo khuôn khổ khảo cổ học nhân học Mỹ [Taylor, Keith W. 1992] (1); ii) còn thiếu các dữ liệu khảo cổ học, và có rất ít các bằng chứng khảo cổ học trực tiếp về giai đoạn tiền nhà nước của khu vực này từ 200 năm trước CN đến 800 năm sau CN; iii) các dữ liệu đã có thì lộn xộn, không thống nhất với các dữ liệu của các khu vực khác trên thế giới, vì vậy không thể so sánh được [Bentley, G. Carter 1986]; iv) việc áp dụng các mô hình tiến hóa vào khu vực này tỏ ra không mấy thành công. Hơn nữa không thể cố ép các xã hội tiền nhà nước vào khuôn khổ mô hình thủ lĩnh địa và các mô hình tiến hóa khác [Wisseman C. Jan 1992] (3). Trong khi đó khái niệm “thủ lĩnh địa” lại chính là một mô hình đề xuất về tính chất tập trung của ba biến số: “kiểm soát kinh tế, tiềm lực quân sự, và sự chính thống hóa lễ thức” trong “các xã hội trung gian đó” [Earle, Timothy, ed. 1991]. Một vấn đề cơ bản trong việc nghiên cứu quá trình hình thành của nhà nước là người ta không đưa ra được một định nghĩa thống nhất về thủ lĩnh địa là gì, và ngay cả việc coi những thực thể chính trị như thế nào là nhà nước cũng vẫn còn cần phải tranh luận. Theo họ, “Nhiều thực thể được dán nhãn “nhà nước sớm” như Angkor cũng mới chỉ có những đặc tính của các thực thể giống-thủ lĩnh địa - hoặc thậm chí là bộ tộc, nhất là ở quyền thừa kế không thể chế hóa, và người ta thường dựa vào tư cách ân uy của thủ lĩnh” [White C. Joyce. 1995].

Mặt khác, các đặc trưng giống-thủ lĩnh địa là “tính chất phân hóa thứ bậc xã hội đã rõ ràng”, trong đó các “thủ lĩnh đã tăng cường việc kiểm soát việc phân phối các hàng hóa uy tín trong vùng, cho các cộng đồng phụ thuộc vào xã hội của ông ta” [Wolter, O. W. 1982]. Có một thực thể nào đó giống-thủ lĩnh địa đã phát triển ở đây từ giữa đến cuối thiên niên kỷ I trước CN dựa vào sự xuất hiện của các phân cấp cư trú trong vùng [Higham, Charles F. W. 1989]. Tuy nhiên bằng chứng về các mối tương liên thủ lĩnh địa như chiến tranh, kế thừa bền vững cấp bậc xã hội, sự thống nhất về hệ tư tưởng, hoặc sự kiểm soát kinh tế của giới tinh hoa vẫn chưa hề rõ ràng. Bằng chứng chắc chắn về quyền lực chính trị tập trung hoặc sự chuyển đổi trong phân tầng xã hội với khả năng tiếp cận khác nhau đối với các nguồn chiến lược cũng chưa thấy có. Các nhà nhân học Mỹ cho rằng việc nghiên cứu các xã hội phức hợp Đông Nam Á lâu nay chỉ tập trung vào các cấu trúc thứ bậc giữa thượng tầng và hạ tầng xã hội [Welch, David and Rudith R. McNeill 1991]. Vì vậy cần phải có một khái niệm trung tâm dùng để thảo luận về quá trình xuất hiện nhà nước trong khu vực này.
           
Trong khi đó cách tiếp cận của Earle về quyền lực, sự thống trị, phân tầng xã hội, việc kiểm soát các nguồn, các lưu vực sông, kiểm soát trao đổi hàng hóa uy tín, chiến tranh, phụ thuộc, trung tâm, giới tinh hoa, và ân uy của thủ lĩnh...vv lại quá tập trung vào mối quan hệ theo chiều dọc (thứ bậc). Các vấn đề phức tạp như vậy được các nhà nghiên cứu cho là có thật và quan trọng, nhưng cách tiếp cận các vấn đề đó thì lại đơn tuyến. Và các nhà nhân học Mỹ đã đề xuất khái niệm thay thế, đó là lý thuyết mạng để giải quyết vấn đề này. Họ cho rằng các yếu tố then chốt của lý thuyết mạng phải là một cấu trúc thứ bậc linh họat và sự phân hóa xã hội theo bình tuyến hoặc phân cấp bên. Trong số các nhà nhân học phương Tây, Joyce White là người tiên phong dùng mô hình mạng để lý giải tiền sử Đông Nam Á, cho dù trước bà 13 năm mô hình này đã được đề xuất ở Việt Nam và vẫn được áp dụng cho đến bây giờ [Hà Hữu Nga 1982]. Bà cho rằng quá trình phát triển xã hội tại vùng trung tâm Đông Nam Á lục địa chí ít từ thiên niên kỷ II trước CN có những đặc trưng nổi bật và bền vững như sau: i) đa nguyên văn hóa; ii) các nền kinh tế bản địa được đặc trưng bởi: ii.a. các đơn vị sản xuất dựa trên cơ sở hộ, ii.b. sự chuyên môn hóa kinh tế dựa trên cơ sở cộng đồng, ii.c. các cơ chế phân phối sản phẩm mang tính cạnh tranh, đa trung tâm và trùng lặp, không có độc quyền của một trung tâm duy nhất; iii) hệ thống vị thế xã hội linh động trong thực tiễn và bao gồm cả sự thành đạt cá nhân; iv) các chiến lược giải quyết xung đột và tập trung quyền lực chính trị có khuynh hướng hình thành các liên minh bằng cách hợp tác - cạnh tranh ở trung tâm, và tái thỏa thuận định kỳ (trong khi đó chiến tranh, kiểm soát, chinh phục, hoặc các hành vi bạo lực khác chỉ là thứ yếu). Từ đó, White đã đưa ra mô hình phát triển xã hội Đông Nam Á như sau: i) địa phương hóa văn hóa vật chất một cách rõ ràng; ii) sự phát triển của các cộng đồng thủ công chuyên môn hóa; iii) tính chất cá nhân thể hiện rõ trong việc xử lý một số ngôi mộ khác thường chiểu theo các lễ thức mang tính cá nhân, căn cứ vào các vai trò kinh tế và/hoặc xã hội; rất hiếm có bằng chứng về chiến tranh hoặc bạo lực có tổ chức. Joyce White coi mô hình này là một mô hình mạng, vì nó nhấn vào tính chất linh động trong việc xác định vị thế, trong các mối quan hệ chính trị và việc phân hóa bên về phương diện kinh tế và xã hội [White C. Joyce 1995].

Trước hết có thể nói rằng White đã đúng khi phê phán cách tiếp cận tiến hóa đơn tuyến nhóm - bộ lạc - thủ lĩnh địa - nhà nước và áp dụng lý thuyết mạng vào việc nghiên cứu quá trình xuất hiện nhà nước tại Đông Nam Á, bởi vì ở khu vực này sự phân hóa xã hội không rõ ràng, đặc biệt không có phân hóa bền vững theo chiều dọc [Trần Quốc Vượng 1974, 1993, 1996, 2000]. Tuy nhiên việc bà sử dụng nghiên cứu trường hợp lưu vực sông Mun Chi (Thái Lan) làm “vùng hạch” để khái quát cho toàn bộ vấn đề xuất hiện nhà nước sớm ở Đông Nam Á thì lại là một sai lầm về phương pháp luận, vì Đông Nam Á chỉ là một tên gọi do người phương Tây đặt ra cho một khu vực địa lý rộng lớn. Đó không phải là một thực thể đơn nhất về kinh tế, văn hóa, xã hội, và chính trị, vì vậy không thể coi Thái Lan là đại diện cho toàn bộ sự phát triển của Đông Nam Á được. Sai lầm thứ hai của White có lẽ còn lớn hơn khi bà cho rằng khó mà tập trung được cả ba biến số mà Earle đưa ra: “kiểm soát kinh tế, năng lực quân sự, và sự chính thống hóa lễ thức” trong “các xã hội trung gian” trên con đường tiến tới hình thành nhà nước. “Trong khi đó việc kiểm soát kinh tế và năng lực quân sự lại không nhất thiết là vấn đề trung tâm đối với các xã hội nhà nước sớm trong khu vực này” [White C. Joyce 1995].

Việc Earle và các nhà nghiên cứu phương Tây sử dụng khái niệm “chính thống hóa lễ thức” thay thế cho khái niệm chính trị học hiện đại “thể chế” là một cố gắng thích nghi ngôn ngữ sử dụng để mô tả xã hội tiền sử Đông Nam Á. Tuy nhiên thực chất của chính thống hóa lễ thức chính là quá trình xây dựng thể chế, và đó chính là xây dựng cấu trúc thượng tầng xã hội. Nói cách khác, đó là hình hài của một nhà nước sơ khai. Về phương diện này cách tiếp cận của Earle là duy vật, mạch lạc và hoàn toàn chính xác. Trong khi đó White đã sai ở chỗ là tuy sử dụng mô hình mạng, nhưng về phương diện tri thức luận bà vẫn hoàn toàn tư duy theo lối đơn tuyến. Các thể chế, hay nói khác đi, những hình thức của nhà nước chỉ xuất hiện trên cơ sở một nhóm người đã có khả năng kiểm soát, và trên thực tế đã thực thi việc kiểm soát kinh tế. Và việc kiểm soát đó phải là trung tâm của vấn đề.

White đã đan một tấm lưới tri thức để đánh bắt con cá của vấn đề hình thành nhà nước sơ khai. Thế nhưng bà lại cắt bỏ cái rốn của tấm lưới, vì cho rằng sự kiểm soát kinh tế ấy “không nhất thiết phải là vấn đề trung tâm”. Trong khi đó, bất cứ quá trình hình thành nhà nước nào cũng gắn liền với việc chinh phục các cộng đồng khác và/hoặc chống lại sự chinh phục của các cộng đồng khác. Về khía cạnh này, chiến tranh đã trở thành một thuộc tính của quá trình hình thành nhà nước. Bằng sự phù phép của White, “năng lực quân sự” cũng lại “không nhất thiết là vấn đề trung tâm đối với các xã hội nhà nước sớm trong khu vực này”. Thiện chí ca ngợi người Thái của White là đáng trân trọng và không thể chối cãi, vì ở phương Tây, nước Mỹ của bà đã có “Pax america” – Hòa bình kiểu Mỹ; ở Đông Á đã có “Pax japona” - Hòa bình kiểu Nhật; thì ở Đông Nam Á cũng phải có một “Pax thailanda” - hòa bình kiểu Thái. Nhưng trên thực tế không một nền hòa bình nào không xây dựng nhà nước của nó dựa trên sức mạnh kinh tế và tiềm lực quân sự. Quên đi hay cố tình bỏ qua tất cả những vấn đề cốt yếu đó, White đã nhấn mạnh đặc biệt vào quá trình hình thành nhà nước ở Đông Nam Á lục địa thông qua các hệ thống liên minh chính trị – xã hội để cấu tạo nên bóng dáng của một Đông Nam Á cần được bảo trợ. Bà khẳng định rằng “các hệ thống chính trị lịch sử tộc thuộc và lịch sử ở Đông Nam Á cũng bộc lộ những yếu tố chung trong việc nhấn mạnh vào tính linh động và sự hình thành liên minh” [White C. Joyce 1995]. Bà lấy người khác để nói hộ mình “điều có tính chất quyết định cho sự thành công của các thủ lĩnh là thể hiện tài năng ngoại giao thông qua việc duy trì các mối quan hệ liên cá nhân” [Wolter, O. W. 1982, 17-18], hoặc “đàm phán hòa bình hoặc trao đổi bằng thương mại” [Hall, Keneth R. 1985] “mặc dù đã có nhiều cuộc chiến tranh được ghi chép lại, nhưng các sử gia không coi đó là hành động có tổ chức chính yếu đối với các thủ lĩnh giai đoạn sớm” [Wolter, O. W. 1982, 17-18], và “chí ít thì sự lãnh đạo hòa bình và việc xây dựng liên minh cũng luôn luôn được nhấn mạnh” [Hall, K. R. 1985].

Dường như White và hầu hết các nhà nghiên cứu phương Tây đều có chung một lối nhìn mập mờ đối với quá trình hình thành nhà nước sớm ở khu vực Đông Nam Á lục địa. Theo họ, đó là một quá trình hướng tâm vào phong cách ân uy của vị thủ lĩnh, nó đối lập với thực chất ly tâm giữa nhà nước và dân chúng [White C. Joyce 1995]. Dân chúng bị thu hút về phía các thủ lĩnh và hướng về trung tâm nên đã tạo ra một sự thống trị mở rộng hoặc một tình thế bức bách mở rộng lãnh thổ [Wisseman C. Jan 1985]. Và hệ quả tất yếu của động thái hướng tâm của dân chúng đối với nhà nước là ở chỗ nhà nước không chú trọng kiểm soát lãnh thổ bằng việc kiểm soát lao động, vì vậy mà nhà nước tập trung vào việc kiểm soát con người. “Cuộc chiến để kiểm soát con người được thực hiện bằng cách hình thành các liên minh chính trị với giới điền chủ địa phương. Và đây mới là mối bận tâm chính yếu của những người cai trị” [Hall, Keneth R. 1985]. Tuy nhiên White cũng đã có một lập trường rõ ràng khi đồng ý với Aung-Thwin rằng “mật độ dân số thấp luôn luôn là một vấn đề của các nhà nước Đông Nam Á. Việc xây dựng mối quan hệ thần thuộc tạo cơ sở cho việc tuyển dụng lao động chứ không phải là việc xác định các mối quan hệ vị thế trong phân tầng xã hội. Các thủ lĩnh lôi cuốn những người đi theo, thậm chí là toàn bộ cả một vùng bằng cách đảm bảo an ninh, ban cấp đất, ban thưởng tước vị, che chở và cho quyền được tiếp cận với nguồn nước nhằm tạo cơ hội khuyếch trương ảnh hưởng đối với dân chúng. Trong bối cảnh đó, các khái niệm ‘nô lệ’ hay ‘nông nô’ mà sử sách vẫn nói chính là những loại thần thuộc được bảo trợ” [Aung-Thwin M. 1985].

Đằng sau động thái nghiên cứu lịch sử hình thành nhà nước ở khu vực Đông Nam Á, các nhà nhân học phương Tây muốn nói một điều là trước khi du nhập ảnh hưởng Ấn Độ và Trung Quốc, vùng này vẫn nguyên vẹn là một xã hội không có lịch sử. Nhưng có lẽ đó cũng không phải là một ẩn ý, vì qua Wheatley, White đã phát biểu một cách không hề dấu giếm rằng: các nhà nước ở miền Bắc Việt Nam được Trung Quốc áp đặt [Wheatley, Paul 1979; White C. Joyce 1995]. Ngày nay, trong trào lưu của nền kinh tế tri thức, nhiều khía cạnh lý thuyết về vấn đề nhà nước đã được bổ sung hoặc được làm rõ thêm, trong đó có vấn đề về mối quan hệ giữa hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc. Trước đây trong lý luận về nhà nước người ta không đề cập đến loại hình sản xuất tri thức và thông tin. Người ta cố gắng đối lập tuyệt đối hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc để chứng minh cho sự vận động biện chứng của các loại hình nhà nước. Giờ đây vấn đề này đã được làm sáng tỏ, và thậm chí người ta còn đưa ra khái niệm nhà nước điện tử. Nhà nước điện tử là một loại hình nhà nước lấy sản xuất thông tin làm phương thức tồn tại của mình. Trong xã hội tiền sử Việt Nam đã có một hình thức nhà nước tồn tại dựa vào phương thức này. Đó chính là nhà nước Đông Sơn của người Việt cổ. Việc sản xuất ra hệ thống biểu tượng chính là một hình thức sản xuất thông tin tiền sử [Hà Hữu Nga 2004, 117 - 139]. Trống đồng là sản phẩm của một nền kinh tế biểu tượng, và bản thân nó là một biểu tượng quyền lực tập trung của các thế lực kiểm soát xã hội về kinh tế, tiềm năng quân sự, và tạo dựng thể chế. Chính chức năng sản xuất biểu tượng đã làm cho mối quan hệ giữa thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở trở nên liên tục, không có gián đoạn. Và như vậy bản thân nhà nước cũng có chức năng sản xuất, chứ không phải là một cơ thể ăn bám xã hội. Phương thức sản xuất của nhà nước chính là sản xuất ra các chính sách, các quyết định, nó góp phần điều chỉnh hợp lý các nguồn tài nguyên trong xã hội. Không có phương thức sản xuất đó xã hội không thể tồn tại, vận hành và phát triển được. Vì vậy việc nghiên cứu quá trình hình thành nhà nước ở Việt Nam và Đông Nam Á cần có một định nghĩa mới về nhà nước. Chỉ có như vậy thì việc nghiên cứu nền văn minh Đông Sơn của người Việt cổ mới có được đầy đủ ý nghĩa.
___________________________________


Tài liệu Tham khảo

Aung-Thwin, Michael 1985. Pagan: the Origins of Modern Burma. Honolulu: University of Hawaii Press., p. 87.

Bellwood P. 1997. Prehistory of the Indo-Malaysian Archipelago. 2nd Edition. Honolulu: University of Hawaii Press.

Bentley, G. Carter 1986. Indigenous States of Southeast Asia. Annual Review of Anthropology 15: 275 – 305.

Bowler, Sandra 2001. Nguồn gốc Châu á Khảo cổ học và Nhân học, trong Bức khảm văn hoá Châu á - Tiếp cận Nhân học (Grant Evans chủ biên), bản tiếng Việt, do Cao Xuân Phổ dịch, Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc, Hà Nội 2001. Trang 51.

Bùi Vinh 1993. Khai quật di chỉ Làng Còng (Thanh Hoá) – 1992. Trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1992, Hà Nội, trang 50 -51.

Bùi Vinh 2003. Cư dân văn hoá Đa Bút trong các đợt biển tiến (Nhận thức qua tư liệu Địa - Khảo cổ học ở Làng Còng và Hang Sáo). Tạp chí Khảo cổ học, số 2 (122) (III-IV), trang 3-15.

Chử Văn Tần 1976. Tìm hiểu quá khứ xa xưa của Tây Bắc. Khảo cổ học, số 18-1976, trang 40-53.

Ciochon R.L, 1988. Gigantopithecus the King of all apes. Animal Kingdom, Vol. 91, No. 2, 1988.

Colani, M. 1928. Notice sur la préhistoire du Tonkin, BSGI, vol. XVIIIV, 1, pp. 71-72.

Diệp Đình Hoa 1978: Về những hiện vật kim loại ở buổi đầu thời đại đồ đồng thau Việt Nam, Tạp chí Khảo cổ học số 2, trang 11-20.

Donald, M. 1991. Origins of the Modern Mind: Three Stages in the Evolution of Culture and Cognition. Cambridge, MA: Harvard University Press.

Đào Qúi Cảnh 2004. Vấn đề nông nghiệp trong văn hoá Hoà Bình ở Việt Nam. Trong Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội. Trang 64.

Đào Thế Tuấn 1988.   trang 44. Về những hạt gạo cháy phát hiện ở Đồng Đậu (Vĩnh Phú) năm 1984. Tạp chí Khảo cổ học, số 4, trang 44-46.

Earle, Timothy, ed. 1991. Chiefdom: Power, Economy and Ideology. New York: Cambridge University Press.

Eblen, Ruth A. and William R. Eblen, Editors 1994. The Encyclopedia of the Environment. The René Dubos Center for Human Environments. Huston Mifflin Company, Boston New York 1994. p. 4.

Eisler R. 1987. The Chalice and The Blade: Our History, Our Future. New York, Harper & Row, 1987.

Gardner, H. 1997. Thinking about thinking. New York Review of Books. 9-10-1997.

Gorman C.E. 1970. Excavations at Spirit Cave, North Thailand: some interim interpretations. Asian Perspectives 13: 79-107.

Gorman C.E. 1971. The Hoabinhian and after: subsistence patterns in Southeast Asia during the late Pleistocene and early Recent periods. World Archaeology 2 (3): 300 – 320.

Grenier, Louise 1998. Working with Indigenous Knowledge, a Guide for Researchers. International Development Research Centre, Ottawa, Canada.  pp. 1-9.

Hà Hữu Nga 1982. Thời đại đá mới Việt Nam: Môi trường – Văn hóa và một mô hình tổng quát. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1982. Hà Nội.
         
Hà Hữu Nga, Nguyễn Cường, và Bùi Vinh 1996. Báo cáo Khai quật di chỉ Mai Pha (Lạng Sơn). Tư liệu Viện Khảo cổ học.

Hà Hữu Nga 1998. Có một nền văn hoá Soi Nhụ tại khu vực vịnh Hạ Long. Kỷ yếu Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1997. Hà Nội 1998, trang 91.

Hà Hữu Nga, Nguyễn Văn Hảo 1999. Hạ Long thời tiền sử. Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội 1999.

Hà Hữu Nga 2000. Soi Nhụ – Nền văn hoá cổ nhất hiện biết trên vịnh Hạ Long.  Hội thảo Vịnh Hạ Long 5 năm di sản Thế giới, do UBND Tỉnh Quảng Ninh – Bộ Văn hoá Thông tin và Uỷ ban UNESCO Việt Nam tổ chức, Hạ Long 4-2000, trang 72-80.

Hà Hữu Nga 2004. Khảo cổ học Đông Bắc Việt Nam từ những hệ thống sinh thái nhân văn tới các cấu trúc xã hội tiền nhà nước. Trong Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam, Tập I, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, năm 2004. Trang 117-139.

Hà Văn Tấn 1962. Về vấn đề người Indonesian và loại hình Indonesian trong thời đại nguyên thuỷ Việt Nam. Thông báo Khoa học Đại học Tổng hợp, Sử học I, trang 168 – 202.

Hà Văn Tấn 1976. Nguồn gốc văn hóa Phùng Nguyên và vấn đề Tiền Việt Mường (một giả thiết công tác mới).

Hà Văn Tấn 1982. Từ Bàu Tró đến Sa Huỳnh. Trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1980, Hà Nội, trang 142-144.

Hà Văn Tấn 1984. Lớp dăm đá vôi ở Ngườm với khí hậu cuối Pleistocene ở Đông Nam á. Kỷ yếu Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1984, trang 18-20.

Hà Văn Tấn 1986. Kỹ nghệ Ngườm trong một phối cảnh rộng hơn. Tạp chí Khảo cổ học, số 3, 1986, trang 3-10.

Hà Văn Tấn (chủ biên) 1998. Khảo cổ học Việt Nam. Tập I. Thời đại đá Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội. Trang 76.

Hà Văn Tấn (chủ biên) 1999. Khảo cổ học Việt Nam. Tập II. Thời đại kim khí Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội. 

Hà Văn Tấn, Nguyễn Xuân Mạnh,...1985. Khai quật lần thứ hai di chỉ Thành Dền (Hà Nội), trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1984, trang 95.

Hà Văn Tấn (chủ biên) 1998. Khảo cổ học Việt Nam. Tập I. Thời đại đá Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội. Trang 60 – 63.

Hà Văn Tấn, Bùi Vinh và Võ Qúi 1990. Những dấu hiệu về một nền văn hoá khảo cổ mới ở Hà Tuyên. Tạp chí Khảo cổ học, số 1-2-1990. trang 34-38.

Hall, Keneth R. 1985. Maritime Trade and State Development in Early Southeast Asia. Honolulu: University of Hawaii Press.

Higham, Charles F. W. 1989. The later Prehistory of Mainland Southeast Asia. Journal of World Prehistory 3: 235 – 282.

Hoàng Xuân Chinh và Nguyễn Văn Bình 1978. Điều tra khảo cổ học thời đại đá cũ ở Đồng Nai và Sông Bé. Kỷ yếu Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1978.

Hodder, Ian 1991. Reading the Past – Current Approaches to Interpretations in Archaeology. Second Edition. Cambridge University Press. pp. 121-149.

Lê Văn Thuế, Vũ Thế Long 1976. Nghiên cứu di tích xương răng động vật ở di chỉ Hoa Lộc (Thanh Hóa). Trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1976, Hà Nội, trang 145.

Lê Văn Thuế – Vũ Thế Long 1986. Di cốt động vật ở Hang Dơi (Lạng Sơn). Trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1985, Hà Nội 1986, trang 49.

Lê Xuân Diệm – Phạm Quang Sơn – Bùi Chí Hoàng 1991. Khảo cổ học Đồng Nai thời Tiền sử. Nhà xuất bản Đồng Nai.

Lưu Tỳ, Nguyễn Thế Tiệp, Nguyễn Tứ Dần ... 1985. Đặc điểm địa mạo thềm lục địa Việt Nam và các vùng lân cận, Tạp chí Khảo cổ học, số 2-1985, trang 16 – 18.

Mansuy H. 1924. Stations préhistoriques dans les carvenes du massif calcaire de Bacson (Tonkin). MSGI. Vol. 11,No. 2.

Mansuy H. 1925. Stations préhistoriques de Keo Phay (suit) de Khac Kiem (suit) de Lai Ta (suit) et Bang Mac dans le massif calcaire de Bac Son (Tonkin). MSGI. Vol. 12, No. 2.

Mansuy H. et M. Colani 1925. Néolithique inferieur (Bacsonien) et néolithique superieur dans les Haut Tonkin. MSGI. 12, f.3.

Mansuy, H. 1925. Nouvelles de cauvertes dans les carvens du massif calcaire de Bac Sơn (Tonkin). MSGI. Vol. 12, N0 1, p. 34.

Mithen, Steven J. 1996. The Prehistory of the Mind: The Cognitive Origins of Art, Religion and Science. Cambridge: Cambridge University Press.

Nguyễn Cường 2002. Văn Hoá Mai Pha. Sở Văn hoá Thông tin Lạng Sơn, trang 90.

Nguyễn Duy và Nguyễn Quang Quyền 1966. Nghiên cứu về hai sọ cổ ở Quỳnh Văn – Nghệ An. Trong Một số báo cáo về Khảo cổ học Việt Nam. Hà Nội, trang 351-366.

Nguyễn Duy Tỳ, Đào Linh Côn 1985. Kỹ thuật luyện kim đồng thau ở địa điểm Dốc Chùa. Tạp chí Khảo cổ học, số 3, trang 24-30.
   
Nguyễn Đình Khoa 1986. Con người thuộc văn hoá Hoà Bình. Tạp chí Khảo cổ học số 1-1986.

Nguyễn Khắc Sử 1983. Sự phát triển kinh tế và tổ chức xã hội của cư dân cổ Cúc Phương, Tạp chí Khảo cổ học, số 1 - 1983, trang 20.

Nguyễn Khắc Sử 1995. Văn hóa Biển Hồ ở Tây Nguyên. Tạp chí Khảo cổ học, số 3- 1995, trang 7 – 16.

Nguyễn Khắc Sử và cộng sự 1998. Báo cáo điều tra khảo cổ học vùng ngập nước tỉnh Lai Châu (chủ biên). Tư liệu Viện Khảo cổ học.

Nguyễn Kim Thuỷ 2004. Cư dân Đa Bút qua tài liệu Sinh khảo cổ. Tạp chí Khảo cổ học, số 1 (127) (I-II), trang 15-23.

Nguyễn Lân Cường 1977. Di cốt người cổ ở hang Con Moong. Kỷ yếu Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1976. Hà Nội 1977. Trang 112

Nguyễn Lân Cường 1988a. Trở lại vấn đề niên đại của hoá thạch người ở Việt Nam. Tạp chí Khảo cổ học số 1-2, 1988, trang 4-11.

Nguyễn Lân Cường 1988b. Di cốt người cổ trên đất Lạng Sơn. Tuyển tập luận văn Hội nghị khoa học Xứ Lạng, Lạng Sơn 1988, trang 39.

Nguyễn Lân Cường 1992. Những hoá thạch người cổ ở Việt Nam và Đông Nam á trong thời kỳ Pleistocene. Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam á, số 1, trang 5-12.

Nguyễn Lân Cường 1996. Đặc điểm nhân chủng cư dân văn hoá Đông Sơn
ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1996.

Nguyễn Thị Kim Dung 1986. Báo cáo khai quật công xưởng Tràng Kênh lần thứ hai. Tư liệu Viện Khảo cổ học.

Nguyễn Thị Kim Dung, Đặng Văn Thắng...1995. Đồ trang sức trong mọ chum ở Cần Giờ. Trong Khảo cổ học, số 2, trang 27-45.

Nguyễn Trung Chiến 2003. Mối quan hệ và liên hệ ở bình tuyến đá mới hậu Hoà Bình – Bắc Sơn ven biển Đa Bút – Quỳnh Văn – Cái Bèo – Bàu Dũ. Tạp chí Khảo cổ học, số 4 (124) (VII-VIII), 2003, trang 11 - 12.

Nguyễn Trường Kỳ 1983. Bước đầu tìm hiểu nghề thủy tinh ở nước ta. Tạp chí Khảo cổ học, số 1, trang 47-54.

Nguyễn Văn Long và Lê Trung Khá 1977. Về những hiện vật đá cũ mới tìm được ở Vườn Dũ (Sông Bé) và Gia Tân (Đồng Nai). Tạp chí Khảo cổ học, số 4-1977.

Patte E. 1932. Le Kjokkenmodding néolithique de Dabut et ses sépultures (province de Thanh Hoa, Indochine). BSGI, Vol. XIX, pt.3, 1932.

Phạm Đức Mạnh 1985. Qua đồng Long Giao. Tạp chí Khảo cổ học, số 1, trang  37 – 68.

Phạm Quang Sơn 1978. Bước đầu tìm hiểu sự phong phú văn hóa hậu kỳ đá mới, sơ kỳ đồng thau ở lưu vực sông Đồng Nai. Tạp chí Khảo cổ học, số 1, trang 35-40. 

Phạm Thị Ninh 1995. Văn hoá Bàu Tró - đặc trưng và loại hình.Luận án Phó tiến sĩ, Khoa học lịch sử, Hà Nội, trang 9 – 11.

Sahlins. M.D., and E. R. Service, eds. 1960. Evolution and Culture. Ann Arbor: University of Michigan Press.

Saurin E. 1939. Les cranes préhistoriques inédit de Lang Cuom. Far Eastern Association of Tropical Medicine 10ème Congrès. T. I. Hanoi.

Saurin E. 1956. Outilage Hoabinhien à Giap Khau, Port Courbet (Nord Vietnam). BEFEO. Vol. XLVIII, No. 2, 1956.

Sharer, Robert J. and Wendy Ashmore 1992. Archaeology Discovering Our Past. Second Edition. Mayfield Publishing Company, Mountain View, California. London . Toronto. Pp. 561-562.

Taylor, Keith W. 1992. The early Kingdoms. Pp. 137 - 182 in The Cambridge History of Southeast Asia, N. Tarling, ed. Cambridge: Cambridge University Press. P. 181. 

Tỉnh uỷ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh 2001. Địa chí Quảng Ninh. Tập I, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, trang 421.

Trần Quốc Vượng 1974. Vài suy nghĩ tản mạn về trống đồng. Trong Khảo cổ học, số 14, Hà Nội, tr. 71-81.

Trần Quốc Vượng 1986. Văn hoá Hoà Bình, văn hoá Thung lũng. Tạp chí Khảo cổ học, số 2-1986, trang 1- 6.

Trần Quốc Vượng 1993. Mấy nét khái quát lịch sử cổ xưa về cái nhìn về biển của Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 1, 1993.

Trần Quốc Vượng 1996. Mấy ý kiến về trống đồng và Tâm thức Việt cổ. Trong Theo dòng lịch sử - Những vùng đất, thần và tâm thức người Việt. Nxb. Văn hóa, Hà Nội, tr 39-65.

Trần Quốc Vượng 2000. Việt Nam và biển Đông, Tạp chí Văn hoá dân gian, số 3(71), 2000.

Trình Năng Chung 1991. Kỹ nghệ Ngườm và văn hoá Bắc Sơn, Tạp chí Khảo cổ học, số 2, trang 16 – 21.

Verneau R. 1909. Les cranes humains du gisement de Pho Binh Gia (Tonkin). L’Anthropologie. No. 20: 545-549.

Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam 1969. Những hiện vật tàng trữ tại Viện Bảo tàng Việt Nam về văn hoá Bắc Sơn, Hà Nội, trang 140.

Vũ Quốc Hiền, Chu Văn Vệ 1996. Công cụ đá và đồ trang sức bằng vỏ nhuyễn thể ở di chỉ Bích Đầm (Khánh Hòa). Trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1976, Hà Nội, trang 90.

Vũ Thế Long, Lê Trung Khá, và Hoàng Văn Dư 1977. Khai quật Thẩm ồm (Nghệ An) đợt I. Kỷ yếu Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1977, trang 13.

Vũ Thế Long 1982. Về những chiếc răng vượn khổng lồ. Kỷ yếu Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1982, trang 67-69.

Vũ Thế Long 1984. Người Hoà Bình và thế giới động vật. Tạp chí Khảo cổ học, số 1-2, 1984. Trang 126.

Vũ Thế Long, Hà Hữu Nga 2004. Phát hiện công cụ thời đại đá cũ ở Đak Lak. Kỷ yếu Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2003. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.

Wheatley, Paul 1979. Urban genesis in mainland South East Asia. Pp. 288 – 303 in Early South East Asia: Essays in Archaeology, History and Historical Geography. R. B. Smith and W. Watson, eds. New York: Oxford University Press.

Weidenreich, F. 1943 “The skull of Sinanthropus pekinensis”, Palaeontologica Sinica (n.s. D), Vol. 10, pp. 1 – 298.

Welch, David and Rudith R. McNeill 1991. Settlement, agriculture and population changes in the Phi Mai region, Thailand. Pp. 210 – 228 in Indo-Pacific Prehistory 1990: Proceedings of the 14th Congress of the Indo-Pacific Prehistory Association, Yogyakarta, Indonesia, vol. 2. Bulletin of the Indo-Pacific Prehistory Association 11.

Wisseman C. Jan 1985. Theater States and Oriental Despotisms: Early Southeast Asia in the Eyes of the West. Hull: University of Hull Center for South-East Asian Studies Occasional Paper no. 10., p.9.

Wisseman C. Jan 1992. Trade and settlement in early Java: integrating the epigraphic and archaeological data. Pp. 181 – 197 in Early Metallurgy, Trade and Urban Centers in Thailand and Southeast Asia. I. Glover, P. Suchitta, and J. Villiers, eds. Bankok: White Lotus.

White C. Joyce. 1995. Incorporating Heterarchy into Theory on Socio-Political Development: The Case from Southeast Asia. In Heterarchy and the Analysis of Complex Societies. Robert. M. Ehrenreich, Carole L. Crumley, and Janet E. Levy, eds. Archaeological Papers of the American Anthropological Association, Number 6. Arlington, Va.: American Anthropological Association. Pp. 101 – 123.

Wolter, O. W. 1982. History, Culture, and Region in Southeast Asian Perspectives. Singapore: Institute of Southeast Asian Studies.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét