Lạc Long Quân nghĩa là gì?
An Chi
Thưa cùng người đọc:
Trên trang mạng leminhkhai.wordpress.com ngày 27 tháng 5 năm
2010 có một bài viết ngắn: “Lạc” vương hoặc “Hùng” vương có không? Hay cả hai đều không có?” do tôi (Hà Hữu Nga) dịch và đăng
ở đây, ngay trước bài “Lạc Long Quân nghĩa là gì?” này của An Chi. Bài của học giả An Chi tôi
xin phép được chép lại phần văn bản từ trang mạng http://tunguyenhoc.blogspot.com/ ngày thứ Hai, 13 tháng Hai,
năm 2012. Cả hai tác giả Le Minh Khai và
An Chi đều phủ nhận chữ 貉 này có âm đọc là “lạc”, và đều đề xuất dùng âm “hạc” cho cái tên quen thuộc
Lạc Long Quân, và gọi là “Hạc” Long Quân*. Vì cho rằng đây là một vấn đề quan trọng về lịch sử, văn hóa Việt Nam, nên chúng tôi mong muốn
chuyển tải đến những ai liên quan - quan tâm, và mong rằng các vị sẽ có các
trao đổi giúp làm rõ vấn đề mà hai tác giả Le Minh Khai và An Chi đặt ra.
Mỹ hiệu Lạc
Long Quân 貉龍君 thường được diễn Nôm thành “Bố
Rồng”, “Cha Rồng” mà không thấy ai thắc mắc rằng đây là một cách hiểu “cà
thọt”: nếu chữ long là rồng thì chữ lạc bỏ đi
đâu? Người chép truyền thuyết thời xưa ghi lại lời của Lạc Long Quân tự xưng
“Ta là giống rồng” chẳng biết có ghi thiếu hay không. Còn nếu quả Lạc Long Quân
chỉ tự giới thiệu như thế thì hiển nhiên ông ta quên nói với vợ con mình
rằng Lạc Long là giống rồng gì (nếu lạc là
định ngữ của long), hoặc là giống rồng và giống gì nữa (nếu lạc
long là một danh ngữ đẳng lập). Còn chúng tôi thì hiểu rằng Lạc
Long là Hạc và Cá Sấu.
Tên của “Lạc
Long Quân” 貉龍君 bị đọc
sai ở chữ 貉. Chữ
này tuyệt nhiên không có âm “lạc”. Đầy đủ nhất và cũng thuộc loại đáng tin nhất
là Hán ngữ đại tự điển của Hán ngữ đại tự điển Biên
tập uỷ viên hội (Thành Đô – Hồ Bắc, 1993) đã ghi cho nó 3 âm (không kể âm hậu
khởi trong tiếng Bắc Kinh, không có hình thức Hán Việt (HV) tương ứng):
– 1. mạch (mạc
bạch thiết 莫白切);
– 2. hạc (hạ
các thiết 下各切);
– 3. mạ (mạc
giá thiết 莫駕切).
Nó không hề
có âm “lạc”. Xin nhớ rằng chữ 貉 bị đọc sai thành “lạc” này
khác với chữ “lạc” trong Lạc Việt, mà tự hình là 雒, cũng có khi viết thành 駱. Hai chữ này mới đúng là “lạc”. Thế
mà lại có những người, có lẽ do không tra cứu, khảo chứng về tự hình, về phiên
thiết, lại cứ đi phân biệt 3 chữ “lạc”: (lạc 雒 bộ chuy 隹, lạc 駱 bộ mã 馬 và lạc (!) 貉 bộ trãi 豸), làm cho việc nghiên cứu về cổ sử
Việt Nam thêm rắc rối. Tiêu biểu nhất là tại Hội nghị nghiên cứu thời kỳ Hùng
Vương lần thứ 2, tháng 4 năm 1969, trong bài tham luận “Về Hùng Vương và xã hội
Hùng Vương”, học giả Hoa Bằng cũng chính thức đọc chữ 貉 thành “lạc” khi điểm lại các
chữ lạc (Xin xem. Hùng Vương dựng nước, tập II,
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972, tr.287). Thực ra, ở đây, ta chỉ có hai chữ
“lạc” mà thôi: lạc 雒 bộ chuy 隹 và lạc 駱 bộ mã 馬.
Vậy thì, với
3 âm “mạch”, “hạc” và “mạ” của nó, chữ 貉 trong tên của “Lạc (?) Long
Quân” phải đươc đọc như thế nào? Chẳng thấy ai đọc nó theo một trong ba âm trên
đây. Ai cũng đọc nó thành “lạc” mà không ngờ rằng đây là một cách đọc sai, ít
nhất cũng không phải là một cách đọc theo đúng phiên thiết.
Vậy cái sai
này do đâu mà ra? Chúng tôi cho là nó chỉ có thể xảy ra từ đầu thế kỷ XX, đặc
biệt là với quyển Việt-nam sử-lược của Lệ Thần Trần Trọng Kim,
xuất bản lần đầu tiên năm 1921. Đây là một quyển sử có ảnh hưởng sâu rộng đối
với nhiều thế hệ người Việt Nam và trong nửa đầu của thế kỷ XX thì nó gần như
là một quyển sách độc tôn về lịch sử tương đối đầy đủ và có hệ thống của đất
nước và dân tộc. Tại tr.23 của bản do Nxb Tân Việt - Hanoi, in và phát hành tại
Saigon năm 1949, Trần Trọng Kim viết:
“
Lạc-long-quân lấy con gái vua Đế-Lai tên là Âu-Cơ, đẻ một lần được một trăm
người con trai.”
Về tên của
Lạc-long-quân, cũng ở tr.23, Trần Trọng Kim còn chú thích cả chữ Hán là 貉龍君 nữa. Tuy nhiên, ta không thể
hoàn toàn đổ lỗi cho Trần Trọng Kim được vì các tác giả về sau có trách nhiệm
phải khảo chứng, chứ không thể nghe theo ông một cách mù quáng (nếu đúng là họ
đã nghe ông). Rất có thể là trước cả Trần Trọng Kim cũng đã có người/nguồn
đọc như thế, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng sở dĩ cách đọc đó trở nên phổ biến là
do quyển sử của học giả họ Trần.
Vậy thì giữa
ba âm mạch, hạc và mạ, chữ 貉 phải được đọc theo âm nào? Chúng
tôi cho rằng đó là âm “hạc” vì thiển nghĩ cái tên “Hạc Long Quân” hẳn
phải có liên quan đến địa danh Bạch Hạc 白鶴, mà Đại Nam quốc sử diễn ca có
nhắc đến:
Hùng Vương
đô ở Châu Phong
Ấy nơi Bạch
Hạc, hợp dòng Thao Giang.
Đặt tên là
nước Văn Lang,
Chia mười
lăm bộ bản chương cũng liền.
Bốn câu thơ
này gợi ý cho chúng ta rằng ông Hạc Long Quân xuất thân nơi đất Bạch Hạc (mặc
dù chữ “hạc” viết khác – ở đây, ta chỉ nói về mặt âm) là chuyện có lý vì Bạch
Hạc thời xưa là một vùng sông nước mênh mông nên ở đó mới có nơi được đặt tên
là Động Đình (để ví với Động Đình hồ bên Tàu
chăng?). Trong Truyền thuyết Hùng Vương (in lần II, có sửa
chữa, Chi hội Văn nghệ dân gian Vĩnh Phú, 1972), Nguyễn Khắc Xương đã chú thích
rõ:“ Động Đình ở đây ( trong truyền thuyết “Hùng Hải trị nước” – AC) chỉ địa
phận Hưng Hoá ngày nay, từ ghềnh Ngọc Tháp về tới bến Trung Hà thuộc sông Thao.
Vùng này hàng năm vào mùa nước thường bị ngập lụt, lại có nhiều đầm hồ.”
(tr.36). Hiện ta đang có một cụm địa danh đáng chú ý. Ngoài vùng đầm hồ
Động Đình, ta lại có núi Động Đình, thuộc tỉnh Hưng Hoá,
mà Đại Nam nhất thống chí đã chép như sau: “Cách châu Yên 6
dặm về phía Nam, núi rất cao, ngọn núi trùng điệp, khe ngòi bọc quanh, năm Tự
Đức thứ 3 liệt vào hàng danh sơn, chép trong điển thờ.” (Bản dịch của Phạm
Trọng Điềm do Đào Duy Anh hiệu đính, tập IV, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1992, tr.
305). Ta lại có địa danh Hạc Trì, nay là tên một huyện của tỉnh Phú
Thọ. Rất có thể là do người chép truyền thuyết biến Động Đình ta thành Động
Đình Tàu nên mới sinh ra chuyện biên giới nước Văn-lang “Bắc giáp hồ Động-đình
(Tàu), Nam giáp nước Hồ-tôn, Tây giáp Ba-thục, Đông giáp biển Đông-hải”, như đã
chép trong Lĩnh Nam chích quái. Chứ chúng tôi thì cho rằng Văn Lang
là một nước ra đời “tại chỗ” – vùng trung du Bắc Bộ – chứ không phải tít tận
bên Tàu. Vâng, tại chỗ, với những di chỉ khảo cổ học thuộc Văn hoá Phùng
Nguyên, Văn hoá Đồng Đậu, Văn hoá Gò Mun, v.v..
Chúng tôi
muốn đi theo hướng tiếp cận này, chứ không tin theo thuyết của Đào Duy Anh cho
rằng hình chim trên trống đồng Ngọc Lũ là hình chim Lạc, mà ông đã cất công
phân tích và chứng minh trong mục “Lai lịch người Lạc-việt”, thuộc chương III
của Cổ sử Việt Nam (Nxb Xây Dựng, Hà Nội, 1955, tr.51-56), rồi
sau đó nhiều tác giả cũng đã mặc nhận mà nói theo, cơ hồ tạo nên cái thuyết
hoàn toàn vô căn cứ hiện hành “hình chim trên trống đồng là hình chim Lạc”. Đào
Duy Anh viết:
“Chữ
lạc 雒 hay X (Xin
xem Ảnh 1** - chữ này không lên được), có khi viết là 駱, là chỉ một loài hậu điểu ở miền Giang Nam, tương
tự với loài ngỗng trời. Có thể chim lạc là vật tổ của người Lạc Việt.” (Sđd,
tr.53).
Thực ra,
chữ lạc X này của Đào Duy Anh lại
không tồn tại; còn hai chữ kia (雒 và 駱) thì không có cái nghĩa mà ông đã
nêu vì cái nghĩa này lại thuộc về chữ lạc 鵅 bộ điểu 鳥 (chứ không phải bộ chuy 隹 hay bộ mã 馬).
Vậy ta không
có bất cứ căn cứ xác thực nào để gọi đó là chim Lạc cả. Huống chi, trên đồ
đồng, mà ngay cả trên trống đồng Ngọc Lũ, đâu phải chỉ có hình khắc của một
loài chim! Ta chỉ có thể căn cứ vào những hình khắc đó mà đoán định rằng phần
lớn – chứ không phải tất cả – những con chim có hình được đúc là những con
thuộc bộ Cò (Ciconiiformes, cũng được dịch là bộ Hạc), có chân dài, mỏ dài và
cổ dài. Theo chúng tôi thì trong những hình chim lớn nhất ở vành thứ 10 (từ
trong ra) trên mặt trống đồng Ngọc Lũ có hình của con Hạc (Ảnh 2) **.
Tóm lại,
chữ hạc 貉 ở đây có thể “thông” với chữ hạc 鶴 về mặt ngữ
âm và trong tâm thức của người ghi chép truyền thuyết thì đây chỉ là
cái tên của một loài chim thuộc bộ Hạc mà thôi.
Đến như
chữ long 龍 thì chẳng có khó khăn gì để tái lập âm HV xưa của nó
là luồng, đồng âm với luồng trong tiếng Tày-Nùng hiện
đại, cũng có nghĩa là rồng. Trong quá khứ xa xăm thì chữ này vốn dùng để chỉ co
cá sấu, như chúng tôi đã trình bày trong bài “Con rồng chẳng qua là con cá sấu
lên đời”, trên Kiến Thức Ngày Nay Xuân Canh Thìn (năm 2000), với
bút hiệu Huệ Thiên. Vậy không phải ngẫu nhiên mà luồng là một trong hai âm tiết
của thuồng luồng mà thuồng luồng là một giống cá sấu. Thật
vậy, trong Cổ sử Việt Nam (Nxb Xây dựng, Hà Nội, 1955), Đào
Duy Anh đã viết: “Người mình gọi con crocodile (một loài cá sấu nhỏ
– AC) là thuồng luồng mà sách chữ Hán của ta cũng gọi là giao
long. Về sau trong các sông ở Bắc nước ta, giống crocodile thành hiếm,
thỉnh thoảng thấy một con, người ta cũng gọi là thuồng luồng, nhưng người
thường không biết hình dạng nó thế nào nên tưởng tượng nó là một giống thủy
quái hình dạng như rắn” (Sđd, tr.26). Từ điển tiếng Việt do
Văn Tân chủ biên (Nxb KHXH, Hà Nội, 1967) cũng giảng thuồng luồng là
“cá sấu” (nghĩa 2), bên cạnh nghĩa 1 là “loài vật dữ ở dưới nước, hình rắn, hay
hại người”. Con luồng (<long s=""> này cũng có mặt trên
trống đồng Ngọc Lũ, ở vòng tròn trong cùng trên mặt trống. Ta thấy giữa những
cánh sao của ngôi sao 14 cánh là những hình quạt bằng nhau, giữa mỗi hình quạt
có hình một mũi tên chỉa về phía tâm của hình tròn, mỗi bên có một cái hình tựa
như một quả trứng nhỏ (Ảnh 3) **. Mỗi hình quạt đó chính là một cái đầu
cá sấu nhìn trực diện cách điệu hoá từ cái đầu của một con cá sấu thật chỉ nổi
lên khỏi mặt nước với hai con mắt (là hai “quả trứng” trong Ảnh 2) **
còn thân hình của nó thì trầm ở dưới nước (Ảnh 4) **.</long>
Trang
mạng http://vi.oldict.com cũng khẳng định rằng “Tô-tem của
người Việt nguyên thuỷ là con cá sấu.”
Thế là trong
tên của Lạc Long Quân, ta thấy có Hạc và Cá
Sấu, đều là hai loài động vật mà tập tính sinh hoạt đã tìm thấy ở môi
trường của vùng đầm hồ Động Đình và sông Thao những điều kiện hoàn toàn
thích nghi. Lạc Long Quân là vua của vùng đầm hồ Động Đình, nơi đó, đứng đầu
các loài sống dưới nước là Cá Sấu còn đứng đầu các loài có thể bay trên trời là
Hạc. Ý nghĩa của cái tên Lạc Long Quân, theo chúng tôi, là như thế.
_____________________________________________
Ghi chú của Hà Hữu Nga:
*
Với tôi thì 貉 tuyệt nhiên có âm lạc và mong sớm được quay trở lại thảo luận về chữ này.
** Xin người
đọc xem ảnh tại trang gốc được dẫn nguồn ở dưới đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét