Powered By Blogger

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Mười tám đời vua Hùng


Mười tám đời vua Hùng

 

Le Minh Khai

 

Người dịch: Hà Hữu Nga

 

Lời người dịch: Trên trang mạng leminhkhai.wordpress.com có một số bài viết ngắn đề cập đến các vấn đề quan trọng về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Chúng tôi cố gắng dịch và chuyển tải đến những ai liên quan - quan tâm, và mong rằng các vị sẽ có các trao đổi giúp làm rõ vấn đề mà tác giả Le Minh Khai đặt ra nhằm thúc đẩy học thuật phát triển. 


Mọi người đều biết rằng các vua Hùng được giả định là trị vì trong 18 đời. Tuy nhiên nguồn thông tin đó có được từ đâu?

Những nguồn tư liệu sớm nhất về các vua Hùng là Lĩnh Nam Chích quái Đại Việt Sử ký Toàn thư, mà cả hai đều được biên soạn vào cuối thế kỷ XV. Cả hai bộ sách này đều không nói bất cứ điều gì về 18 đời vua các vua đó.

Trong khi đó có một nguồn tư liệu Trung Quốc dựa vào các thông tin thu thập được vào đầu thế kỷ XV, khi Việt Nam bị nhà Minh chiếm đóng, có đề cập đến 18 đời vua. Tuy nhiên cuốn An Nam Chí nguyên ấy của Cao Hùng Trưng lại ghi rằng các “Lạc” vương trị vì 18 đời chứ không phải là Hùng vương.

Thông tin này thấy trong một đoạn cổ tích và được sử dụng để giải thích một số di tích cổ được gọi là “Lạc Vương cung”. Sau đó nó được dẫn lại trong bộ chính sử Khâm định Việt sử thông giám cương mục được biên soạn trong thế kỷ XIX, như một bằng chứng để khẳng định là có 18 đời vua Hùng Vương.

Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục trước hết chép như sau: “Kinh Dương Vương sinh con là Sùng Lãm, gọi là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, sinh trăm con trai. Ấy là tổ tiên của Bách Việt, suy tôn người trưởng lên làm Hùng Vương, nối ngôi vua, dựng nước gọi là nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu; truyền nối mười tám đời đều gọi là Hùng Vương”.

Sau đó sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục giải thích việc truyền 18 đời vua như sau: “An Nam Chí nguyên của Cao Hùng Trưng chép: Giao Chỉ khi chưa đặt làm quận huyện, bấy giờ có ruộng Lạc, theo nước triều lên xuống mà làm ruộng, khai khẩn ruộng ấy là Lạc dân, thống trị dân ấy là Lạc Vương, người giúp việc là Lạc Tướng: đều dùng ấn đồng thao xanh. Nước gọi là Văn Lang. Phong tục thuần hậu, mộc mạc, chưa có chữ nghĩa, còn dùng lối thắt nút dây làm dấu ghi nhớ; truyền được 18 đời”.  

Đoạn này có nói đến “dây thao xanh” thực ra có nguồn gốc trong một văn bản tiếng Hán sớm và có cả thông tin duy nhất ghi về các quân trưởng địa phương vùng châu thổ Sông Hồng trước khi người Hán thống trị.

Hai câu cuối trong đoạn trên không có trong nguyên bản, mà là sự sáng tạo của người Việt. Vào cuối thế kỷ XIV và đầu thế kỷ XV, các học giả Việt Nam đã tạo ra một cổ sử cho vùng đất này, và họ đã làm thế bằng cách dựng đặt dựa trên một nguồn sử liệu hạn chế về quá khứ đã tồn tại.

Một điều rất đáng chú ý là thông tin mà Cao Hùng Trưng ghi chép có vẻ như để thể hiện một hình ảnh chớp nhoáng của truyền thống này như nó đã được bịa ra. Ông đã ghi lại thông tin về các Vua “Hùng” mà không hề có một dẫn chiếu nào về việc họ đã trị vì bao nhiêu đời.

Cái sự kiện các Vua Hùng đã trị vì 18 đời mà ngày nay được coi là hiển nhiên ấy thì thực tế dường như là do các học giả Việt Nam trong thế kỷ XIX đã tham khảo công trình của Cao Hùng Trưng và đã đưa thông tin này vào bộ Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục.

Vậy là giờ đây chúng ta biết rằng các Vua Hùng đã trị vì 18 đời là nhờ ở thực tế các học giả Việt Nam trong thế kỷ XIX đã tham khảo công trình của một học giả Trung Quốc từ thế kỷ XV ghi lại thông tin về các Lạc Vương trị vì 18 đời trong thời cổ đại…


Nguồn: leminhkhai.wordpress.com/2011/10/19/the-18-generations-of-hung-kings/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét