Powered By Blogger

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Vương Dương Minh chinh phạt Man - Di


Vương Dương Minh chinh phạt Man - Di

Leo K. Shin

Người dịch: Hà Hữu Nga

Vào ngày 11/4/1528 王陽明 Vương Dương Minh (Vương Thụ Nhân 王守仁 1472-1529), Đại học giả, bậc Phu tử Nho học lừng danh, sau đó đã được bổ làm Tổng đốc Lưỡng Quảng, chỉ huy tối cao các tỉnh Giang Tây, Hồ Quảng, Quảng Đông, và Quảng Tây, đã ban ra một mệnh lệnh tấn công bất ngờ chống lại cái gọi là man tặc người Dao ở vùng đèo 斷藤 Đoạn Đằng [Bứt mây] và 八寨 Bát Trại [tám trại] ở Trung Quảng Tây. Hơn 13.000 lính hầu hết là người man và người di, theo một báo cáo của Vương, đã tham gia vào cuộc công kích kéo dài ba tháng. Tổng số có khoảng 3000 “man tặc” đã bị chặt đầu, trong đó có hơn 1000 tên gia thuộc của chúng bị bắt giữ. Tuy nhiên mức thiệt hại của quân triều đình chỉ được báo cáo một phần sự thật. Trong quá trình chiến dịch, hàng ngàn người dân từ các vùng chiến sự đã bị chết trôi hoặc chết đói, trong khi đó vô số làng mạc đã bị phá huỷ. Đối với Vương Dương Minh, cuộc đột kích chống lại cái gọi là bọn Dao tặc là một cuộc khải hoàn tuyệt đỉnh. Nó không chỉ là “bài học một lần nhớ đời để sửa trị hàng chục ngàn Dao tặc” như ông khẳng định, mà còn thành công trong việc “làm tan vỡ cái ung nhọt mưng mủ trong hàng trăm năm.” 1 Việc Vương Dương Minh phụ trách một chiến dịch tắm máu như vậy không có gì đáng ngạc nhiên. Một thời gian dài trước khi được thừa nhận chính thức là một trong 4 Đại phu tử Nho gia uy quyền nhất thời nhà Minh, trong đó có 薛瑄 Tiết Tuyên (1392 - 1464), 胡居仁 Hồ Cư Nhân (1434 - 1484), 陳獻章 Trần Hiến Chương (1428 – 1500) – Vương đã trở nên nức tiếng vì luôn trăn trở về các vấn đề biên cương, và vì năng lực chỉ huy quân sự của ông.

Theo một Biên niên sử được một học trò của ông soạn thì điều đặc biệt đáng lưu ý là ngay khi còn vị thành niên, Vương Dương Minh đã khảo sát một số vùng sơn cùng thủy tận có vị trí chiến lược quân sự tại miền Bắc, ở đó ông đã “khao khát một ngày nào đó sẽ bình định và quán xuyến được cả bốn cõi sơn hà nhà Minh”. Mặc dù thực sự nung nấu các tham vọng cai trị ngay từ khi còn trẻ, nhưng vẫn không có gì đảm bảo chắc chắn về điều đó. Có một thực tế là đôi lúc ông đã thực sự thể hiện bằng ngôn từ và các hành động quan tâm nghiêm túc đến việc quân. Chẳng hạn, vào năm 1499, trong cuộc triều kiến lần đầu tiên của ông với Hoàng Đế Hoằng Trị, Vương Dương Minh lúc đó 29 tuổi vừa đỗ đệ nhị giáp tiến sỹ, đã bộc trực dâng tấu sớ chỉnh trị công việc biên cương. Trọng tâm lập luận của ông là nhà Minh cần tuyển lựa và bồi dưỡng thêm nhiều hiền tài về quân sự hơn nữa. Vương không chỉ quan tâm và dấn thân vào việc xây dựng chính sách. Trong thực tế ông đã đích thân tham gia nhiều chiến dịch quân sự. Từ năm 1517 đến 1518 ông đã chỉ huy đàn áp một số cuộc nổi dậy ở các tỉnh Phúc Kiến, Giang Tây, Hồ Quảng và Quảng Đông. Đáng kể nhất là vào năm 1519 ông đã phụ trách việc bắt giữ Ninh vương 朱宸濠 Chu Thần Hào và một người chú của Hoàng đế đương triều, vì đã âm mưu chiếm đoạt vương quyền. 2    

Nhưng việc sử dụng sức mạnh đôi khi tưởng là hợp thức với trật tự đạo đức mà chúng ta gọi là Khổng giáo, quyết định của Vương Dương Minh tham gia vào cuộc chiến thanh trừng “Dao tặc” ở Đoạn Đằng và Bát Trại vẫn dấy lên một số vấn đề hệ trọng. Nếu Vương thực sự hành động dựa trên lập trường chính trị, mà chí ít ở một mức độ nào đó là dựa trên nguyên tắc, vậy thì tại sao ông lại quyết định tấn công cái gọi là Dao tặc khi chỉ hai tháng trước đó ông đã cố gắng xoa dịu được các tù trưởng Điền Châu ở tây Quảng Tây?. Trong khi người ta có thể đồng ý với Philip Ivanhoe rằng “việc nhìn nhận nhiều phương diện trong cuộc đời Vương như một mớ mâu thuẫn căng thẳng về nhu cầu cách mạng” chỉ là áp đặt vô trách nhiệm tính đa cảm của thời đại chúng ta vào một nhà tư tưởng thời Minh, mà người ta vẫn có đủ lý lẽ để hỏi tại sao các hoạt động quân sự của Vương Dương Minh có thể giúp ta hiểu rõ hơn cái gọi là nhãn kiến nhân đạo của ông. Đặc biệt trong việc làm sáng tỏ quyết định tấn công “Dao tặc” của ông, người ta phải gọi như thế nào về quan điểm nhân tính và lý tưởng mà ông hằng tuyên về cái nguyên lý bao trùm vũ trụ “Thiên Địa Nhân vạn vật nhất thể”? [夫人者,天地之心,天地萬物本吾一體者也 phù nhân giả, thiên địa chi tâm, thiên địa vạn vật bản ngô nhất thể giả giã. Dịch nghĩa: Kìa, con người là cái tâm của Trời Đất đấy! Trời Đất vạn vật cùng ta nhất thể vậy. 王陽明,答聶文蔚 Vương Dương Minh đáp Nhiếp Văn Uý – ND*]. Trong khi các trí thức Nho học từ lâu đã thừa nhận tầm vóc của Nho nghiệp Vương Dương Minh, thì hầu hết đều coi những lựa chọn chính sách của ông vừa là sự khuyếch trương tự nhiên cái triết học đạo đức của ông lại vừa là một dấu hiệu rõ ràng về hành vi đạo đức giả của ông. Mục đích của tiểu luận này là đưa ra một viễn cảnh khác. Trong khi tìm cách để xác định ý nghĩa các quyết định quân sự của Vương nhằm làm sáng tỏ các lập trường triết học của ông, tôi cũng muốn định vị thái độ của ông đối với những sắc dân man di trong bối cảnh rộng lớn hơn của diễn ngôn chính trị thời thịnh trị của nhà Minh. Để làm được như vậy, tiểu luận này không chỉ tập trung vào hàng loạt cách trả lời của các quan lại – học giả thời Minh, mà còn tập trung vào các hạn chế quan điểm của họ nữa. Cần phải lưu ý rằng tôi không sử dụng thuật ngữ “Dao tặc”, “đạo tặc”, hoặc, “Hoa”, “Hoa Hạ”, “man di” như những cái nhãn đã được đưa gắn; ở đây tôi khai thác các thuật ngữ này chỉ để mô tả Vương Dương Minh và lũ quan lại nhà Minh đã nhìn nhận thế giới xung quanh họ như thế nào mà thôi.3      

Các rắc rối ở Quảng Tây

Những chiến dịch cuối cùng của Vương Dương Minh thực sự bắt đầu không phải ở Đoạn Đằng hoặc Bát Trại mà trong chính 土司 thổ ty Điền Châu. Như đã biết, ngay từ thời Tần, nhà nước trung ương tập quyền đã trở thành chỗ dựa cho các thổ tù bảo vệ biên ải tại các vùng mà lũ vua quan trung ương không đủ khả năng hoặc không muốn kiểm soát trực tiếp. Cho dù các luật lệ và các quy định thống trị guồng máy đã thay đổi theo thời gian, nhưng nguyên tắc hướng dẫn sự vận hành của chúng thì vẫn được duy trì ở mức nhất quán cao: để đổi lấy cái vẻ bề ngoài trật tự trong các vùng đất biên cương, nơi cư trú chủ yếu của các sắc dân bản địa, nhà nước trung ương tập quyền, ở một mức độ nào đó, rất mong muốn để cho các tù trưởng độc lập và để họ tự cai trị theo cách của mình. Đối với trường hợp nhà Minh, việc lựa chọn chính sách tiếp tục bám lấy các tù trưởng đã được thực hiện ngay từ đầu và liên tục về sau. Tiếp theo cuộc chinh phạt của ông ở vùng Hồ Quảng năm 1364, Chu Nguyên Chương, tương lai sẽ trở thành Minh Thành Tổ [1368-1398], đã tái bổ nhiệm nhiều tù trưởng ở đó vào các vị trí mà họ đã giữ dưới thời Nguyên Mông. Trong khi đó thực tiễn cho thấy các lãnh thổ bản địa đã được mở rộng đến tất cả các tỉnh ở vùng biên phía nam. Thật khó xác định được con số chính xác các thổ ty ở bất cứ thời điểm nào, nhưng rõ ràng là vào cuối đời Chu Nguyên Chương, tối thiểu có 46 thủ lĩnh địa được công nhận ở riêng Quảng Tây. 4

Mặc dù thể chế thổ ty ở một mức độ nhất định đã vận hành như nó đã được xác định, nhưng vào nửa sau của thế kỷ XV, thủ lĩnh địa Điền Châu rõ ràng đã trở nên một nguồn rắc rối chủ yếu. Nằm ở trung tâm của cái vùng xoáy bạo loạn dường như bất tận là sự tranh giành gay gắt giữa các thổ tù đầy tham vọng cũng như sự bất lực hoặc không muốn củng cố quyền lực và luật lệ của bọn vua quan trung ương. Tuy nhiên trong khi lịch sử bạo loạn ở Điền Châu kéo dài và rất hỗn độn thì tình huống lại trở nên rất rõ ràng: các thủ lĩnh nhiều tham vọng hoặc những người họ hàng ganh tỵ quyền lực của vị tù trưởng đương nhiệm sẽ dần dần chiếm lấy địa vị tù trưởng bằng cách dàn cảnh lật đổ hoặc bằng âm mưu hợp tác với các tù trưởng cơ hội ở các thủ lĩnh địa xung quanh. Kết quả là hàng loạt yêu sách và phản yêu sách đã được các quan lại ở các địa phương của nhà Minh đưa ra. Họ là những người vốn chủ yếu quan tâm đến việc nhanh chóng khôi phục trật tự hơn là tái điều chỉnh các cuộc tranh chấp ngôi vị. Nhưng trong khi hệ thống quan lại nhà Minh dao động sợ bị cuốn vào cuộc chiến ở địa phương thì họ lại có nhu cầu hành động khi tình trạng bạo loạn như vậy đe doạ sự bền vững đã được thể chế thủ lĩnh địa, tù trưởng hứa hẹn đảm bảo. Trong trường hợp Điền Châu, chiến tuyến đã được vạch ra vào đầu thế kỷ XVI. Không chỉ có tù trưởng 岑猛 Sầm Mãnh mới liên tục thách thức nhà Minh bằng cách không đưa quân lính tham gia vào các chiến dịch của triều đình, mà ông ta còn đe doạ tấn công chiếm lấy các thủ lĩnh địa bên cạnh. Khi Sầm Mãnh ngày càng lâm chiến sâu hơn thì áp lực để kiềm chế quyền lực của ông ta cũng ngày càng tăng. Vào năm 1525, trong tình trạng Sầm Mãnh bị bất ngờ, triều đình nhà Minh cuối cùng đã phát động một chiến dịch quyết định chống lại vị tù trưởng hùng mạnh nhất Quảng Tây ấy. 5   

Vì những căng thẳng tột độ ở Điền Châu vào tháng 6 năm 1527, Vương Dương Minh lúc đó 54 tuổi đã được lệnh đi Quảng Tây. Mặc dù vào lúc đó Sầm Mãnh đã bị tiêu diệt, nhưng một số thổ tù địa phương đã làm việc dưới quyền ông vẫn tiếp tục kháng cự. Nhiệm vụ của Vương là tái lập trật tự trong vùng một lần cho xong. Tuy nhiên vẫn còn một câu hỏi nghi vấn là tại sao trong số toàn bộ các quan lại cao cấp, Vương Dương Minh lại được lựa chọn bổ nhiệm; phải chăng , như người ta đã suy luận: một trong số các đồng liêu học giả trọng thần với ông ngày càng muốn tách rời ảnh hưởng của ông xa khỏi Hoàng đế. Về phương diện này, mặc dù Vương bị ép phải tự hưu trí trong một số năm và sức khoẻ của ông lúc đó ngày càng trở nên xấu đi, thì rõ ràng các trứ tác và ghi chép của ông cho thấy Vương vẫn luôn làm việc cho triều đình. Trong một lần triều kiến Hoàng đế, ông đề nghị được miễn cái sứ mệnh Tổng đốc Lưỡng Quảng, nhưng Vương Dương Minh không được phép, sau đó ông còn tự nguyện đánh giá tình hình Điền Châu. Chiếc chìa khoá để khôi phục lại trật tự trong vùng, theo ông, chính là không làm phức tạp thêm cơ cấu điều hành quân sự hiện tồn, mà phải trao quyền cho vị Tổng đốc Quảng Tây. Mặc dù 姚鏌 Diêu Mạc (1465-1538), người tiền nhiệm của Vương, có thể phạm phải một số sai lầm nào đó, nhưng vấn đề quan trọng là vị tổng đốc phải có cơ hội để thành công. Chỉ sau khi Diêu Mạc đã không còn bất cứ lựa chọn nào khác, Vương dâng tấu, thì triều đình mới nên chọn một quan lại quen thuộc vùng đó để thay thế ông ta. 6

Cuối cùng, Vương Dương Minh cũng chấp nhận vị trí mới và đến Quảng Tây vào tháng 12/1527, sau khi ông đã bộc lộ các suy nghĩ của mình về tình hình ở Điền Châu. Trong một bản tấu đệ trình sau một thời gian ngắn ở Quảng Tây, ông đã làm cho nhiều người phải ngạc nhiên bằng lập luận cho rằng dù tù trưởng Điền Châu có đáng bị trừng phạt đi nữa thì các quan lại nhà Minh cũng phải chịu trách nhiệm một phần trước triều đình về tình trạng lộn xộn ở vùng này. Đặc biệt Vương đã chỉ rõ rằng mặc dù nhà Minh đã có một tổng hành dinh quân đội liên tỉnh để đặc biệt giải quyết các vấn đề ở các vùng biên cương phía nam thông qua việc kết hợp giữa các quan lại tự mãn và xao nhãng công việc thì cũng chính họ đã góp phần làm cho lực lượng quân sự địa phương “mỗi ngày một rệu rã”. Đúng như Vương đã nhận thấy “ ở bên trên, không chỉ huy cao cấp nào còn có thể trông cậy được, ở bên dưới, không tên lính nào còn đủ khả năng chiến đấu”. Đúng ra khi áp đặt trật tự, bộ máy quân sự ở các tỉnh phương nam thực sự thể hiện sự tín nhiệm ngày càng tăng của triều đình nhà Minh đối với các tù trưởng địa phương và bọn lính của họ. Đối với Vương Dương Minh, giải pháp là rất rõ ràng. Thay vì dựa vào những người lính địa phương để thực hiện các chiến dịch quân sự, thì liệu trong và ngoài Quảng Tây triều đình nhà Minh có cải cách quân đội sao cho có thể sử dụng được lực lượng tại chỗ để giữ gìn trật tự hay không?. 7

Liên quan đến các rắc rối ở Điền Châu, Vương gợi ý rằng triều đình cần thay đổi cung cách xử lý vấn đề ở đây. Cho đến khi Vương Dương Minh được bổ nhiệm Tổng đốc Quảng Tây, chiến lược của người tiền nhiệm Diêu Mạc là cực kỳ tàn nhẫn. Không chỉ Sầm Mãnh thực sự bị buộc phải tự sát mà các tù trưởng khác đã làm việc dưới quyền thủ lĩnh Điền Châu đều trở thành mục tiêu bức hại. Trong quan điểm của Vương, việc các quan lại triều đình nhà Minh truy sát tàn nhẫn 盧蘇 Lư Tô và 王受 Vương Thụ, hai tù trưởng hàng đầu của địa phương chính là một sai lầm đặc biệt. Theo ông, cho dù hai thủ lĩnh đó có là đồng đảng của Sầm Mãnh thì họ cũng không phải là những kẻ ương ngang, ngoan cố. Họ chỉ trở nên nghịch ngạnh và táo tợn sau khi các quan lại nhà Minh coi họ là mục tiêu truy sát mà thôi. Theo ông, để khôi phục lại trật tự tại Điền Châu, thì triều đình cần phải tạm đình chỉ việc truy sát và tạo cơ hội để họ quy thuận. Nếu Lư Tô và Vương Thụ quyết định quy phục thì nhà Minh có thể tránh được một cuộc xung đột triền miên, hao người tốn của, nếu họ không quyết định như vậy thì lúc đó triều đình “mới không nuối tiếc trong việc tiêu diệt họ”.8    

Có lẽ tiên liệu được tác động của sự chỉ trích của ông, trong một tấu sớ tiếp theo, Vương Dương Minh đã phác hoạ thêm 10 nguyên do để nhà Minh nên sử dụng biện pháp thuyết phục hơn là sức mạnh trong việc giải quyết vấn đề Điền Châu. Lập luận của ông gồm ba phần. Trước hết một cuộc chiến hao người tốn của không chỉ tiêu huỷ các nguồn lực của triều đình mà còn làm mất đi hàng chục nghìn sinh mạng vô tội. Cho dù sống sót được qua cuộc chiến thì nhiều người vẫn trở thành nạn nhân của đói khổ và cướp bóc hoành hành. Thứ hai, việc kéo dài cuộc chiến làm cho các viên chỉ huy quân đội bị khủng hoảng vì kiệt sức và trở nên xa lánh đội ngũ binh lính địa phương là những kẻ do triều đình điều động đến tham chiến miễn cưỡng tại vùng Hồ Quảng. Vương cảnh báo, cho dù triều đình có bắt được Lư Tô và Vương Thụ thì kết quả cũng vẫn làm tăng quyền lực cho các tù trưởng đã cung cấp quân lính cho cuộc chiến. Thứ ba, cho dù triều đình có chiến thắng thì vùng Điền Châu vẫn bị tàn phá. Không chỉ còn lại một số ít người canh tác đất đai, mà triều đình còn phải đồn trú quân đội thường trực tại đó để duy trì trật tự. 9 Cho dù vô tình hay có sắp xếp thì vào đầu năm 1528, Vương Dương Minh cũng đã thực hiện được một bước đột phá. Ngay khi đến thành 南寧 Nam Ninh ở tây nam Quảng Tây, với các kế hoạch hành quân chống lại hai vị tù trưởng đã được vạch sẵn, Vương đã tuyên bố rằng toàn bộ quân triều đình được điều đến tham gia chiến dịch sẽ án binh bất động. Ý nghĩa của hành vi này không phải là thua Lư Tô hoặc Vương Thụ. Mặc dù hai tù trưởng trước hết trở nên hoài nghi, nhưng sau nhiều nỗ lực thương thuyết thông qua trung gian, cuối cùng Lư Tô và Vương Thụ đồng ý quy hàng. Trong hai lần thỉnh nguyện tới Vương Dương Minh, các tù trưởng địa phương đã tìm cách làm cho trường hợp của họ đơn giản trở thành nạn nhân của hoàn cảnh. Ngay khi các lực lượng của triều đình bắt đầu tiến sát đến vùng đất Điền Châu vào đầu mùa hạ năm 1526, theo thỉnh cầu của Lư Tô và Vương Thụ, thì không người nào là đồ đảng của Sầm Mãnh có thể thoát khỏi bị nghi ngờ hoặc truy sát. Các tù trưởng địa phương yêu cầu triều đình nhà Minh tha bổng cho họ và phải tuyên bố là họ vô tội. Cuối cùng khoảng 70.000 người đã theo hai thủ lĩnh Lư Tô và Vương Thụ đầu hàng nhà Minh. 10

Nhưng trong khi việc “bình định” các thủ lĩnh địa phương đối với Vương Dương Minh đang tiến triển tốt đẹp thì chỉ còn một nhiệm vụ quan trọng cần phải giải quyết. Đó là việc giờ đây Vương phải tập trung xây dựng giải pháp lâu dài cho Điền Châu. Ngay từ đầu rõ ràng là ông đã tiếp cận vấn đề về địa vị tù trưởng theo một cách thức khác với người tiền nhiệm của mình. Đối với ông, để vãn hồi được trật tự tại Điền Châu thì triều đình phải tiếp tục tái sử dụng các tù trưởng địa phương. Không giống với đa số các quan lại nhà Minh, Vương không coi bản thân thể chế thổ ti là một sai lầm. Ông cho rằng giống như ở vùng Trung Nguyên, triều đình đều phân biệt giữa các đơn vị hành chính rộng và phức tạp với các đơn vị tương đối nhỏ và đơn giản, thì ở các vùng biên cương, nơi mà phong tục tập quán và thực tiễn khác với chuẩn mực chung thì việc phân biệt giữa các thủ lĩnh địa vẫn do các tù trưởng cai quản là hợp lý. Dù một số quan lại phàn nàn rằng việc tiếp tục duy trì chế độ thổ ti tại Điền Châu là tiếp tay làm sói mòn uy tín của triều đình, Vương vẫn cho rằng vấn đề chính là liệu việc tổ chức một bộ máy riêng như vậy có hiệu quả hay không mà thôi. “Nếu thanh toán các tù trưởng mà cư dân địa phương được ổn định thì tại sao triều đình lại phải lâm vào tình trạng rắc rối với việc duy trì chế độ thổ ti?” Vương nêu câu hỏi một cách hùng biện và chặt chẽ. “Nhưng nếu phế bỏ chế độ thổ ty mà người dân địa phương vẫn nổi loạn thì phải chăng tất cả các vị quan thanh liêm chính trực, thương dân đều muốn làm cho các sắc dân đó nổi loạn bằng cách kiên quyết phế bỏ các tù trưởng của chúng?”. 11   

Đặc biệt, để vãn hồi trật tự tại Điền Châu, Vương đề xuất các biện pháp sau đây. Trước hết cần bổ nhiệm một thái thú thường trực ở vùng này vừa để giám sát, vừa để thúc đẩy phát triển canh nông. Nếu vị thái thú được bổ nhiệm mà không điều hành trực tiếp lãnh địa này thì ông ta sẽ tại vị với tư cách là một đại diện của triều đình để cho thấy triều đình luôn hiện diện ở đó. Thứ hai, vì người Điền Châu rõ ràng vẫn mong muốn có một thành viên gia tộc họ Sầm cai quản họ, hoặc Vương Dương Minh yêu sách như vậy, nên triều đình nhà Minh nên bổ nhiệm một người con của Sầm Mãnh làm tù trưởng thay cho cha mình. Vị tù trưởng mới cần phải có một thời gian dài chịu đựng thử thách dưới sự giám sát của vị thái thú phụ trách ở đó, nhưng ông ta vẫn phải được coi như là một trung gian quyết định giữa triều đình và các sắc dân địa phương. Thứ ba, để phân tán quyền lực, triều đình cần bổ nhiệm một số 巡檢司 tuần kiểm ty, phụ tá cho tù trưởng. Trong ý đồ của Vương, mỗi tuần kiểm ty sẽ phụ trách một vùng nhỏ ở Điền Châu, và tất cả đều làm việc dưới sự giám sát của thái thú. Thứ tư, cần phải phục hồi giáo dục.Trong khi có lẽ còn sớm để tái lập hệ thống trường sở chính thức của triều đình trong vùng thì Vương cho rằng cần phải có một vị huấn đạo ở vùng bên cạnh định kỳ tới Điền Châu để thúc đẩy công việc giáo dục ở đó. 12    

Việc truy sát các “tặc đảng Dao”

Mặc dù không phải là nhiệm vụ chính thức của mình, nhưng trong thời gian Vương Dương Minh làm tổng đốc Quảng Tây, tình hình Điền Châu đã khiến ông chú ý đến các rắc rối tại Đoạn Đằng và Bát Trại. Giống như trường hợp Điền Châu, vùng Đoạn Đằng luôn thu hút sự quan tâm của các quan lại triều đình ngay từ đầu thế kỷ XV. Trải trên một chiều dài khoảng 60 km dọc theo con đường thủy Kiềm Giang khúc khuỷu, đèo Đoạn Đằng trở thành một vị trí chiến lược trong mạng lưới giao thông Quảng Tây. Những đoàn thuyền chở đầy ngũ cốc và muối từ các trung tâm Ngô Châu ở miền đông của tỉnh luôn luôn phải qua vùng đèo này để đi sâu vào miền tây Quảng Tây. Từ cuối thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XVI, các tấu sớ của hệ thống quan lại địa phương luôn luôn nhắc đến cái gọi là các “tặc đảng Dao” thường xuyên tấn công các thương thuyền và cướp bóc các vùng lân cận. Để chống trả các cuộc tấn công ấy, năm 1465, triều đình nhà Minh quyết định mở một chiến dịch quân sự trong vùng. Khoảng 190.000 lính chủ yếu là người địa phương do các tù trưởng cung cấp đã được điều động cho chiến dịch này. Các tấu sớ cho thấy chỉ riêng ở vùng đèo Đoạn Đằng đã có 320 bản làng bị phá huỷ, trong đó hơn 3200 tặc đảng đã bị chặt đầu. Nhưng chiến dịch đã không đem lại tình hình ổn định lâu dài. Các cuộc tấn công cái gọi là “tặc đảng” vẫn tiếp tục. Vào những năm 1520, các quan lại nhà Minh rõ ràng đã chuẩn bị một chiến dịch quân sự quyết định trong vùng. 13 

Như trong trường hợp Đoạn Đằng, vùng Bát Trại cũng là nơi nảy sinh nhiều rắc rối cho triều đình nhà Minh. Ngay từ đầu năm 1376, không lâu sau khi nhà Minh khởi nghiệp, nhiều tấu sớ cho thấy các “tặc đảng” vùng Bát Trại bắt đầu tấn công các lị sở của triều đình. Điều gây ra các rắc rối tại vùng Bát Trại hoặc còn được gọi là Thập Trại, theo các tấu sớ chính là vị trí và cấu trúc địa lý của nó. Các quan lại nhà Minh thấy rằng các sắc dân Bát Trại dễ dàng tấn công các vùng khác thuộc trung Quảng Tây và tàn phá nhà cửa, trang trại hoặc khu dân cư cách xa khu vực cư trú của chúng là vì địa hình khép kín bởi các rãy núi ở đây. Ngay khi phát hiện ra bất cứ dấu hiệu di chuyển nào của các đội quân triều đình thì các “tặc đảng man di” Bát Trại đã nhanh chóng bố phòng tại các vị trí chiến lược trên các vùng đèo núi. Trong suốt thế kỷ XV, triều đình nhà Minh đã cố xác lập trật tự tại vùng Bát Trại, nhưng vẫn không đem lại kết quả đáng kể và lại càng không có tác dụng lâu dài nào. Đã xảy ra một sự cố là một quan chức triều đình đã thất bại trong một chiến dịch và đã ra lệnh chặt đầu một số người lính thân cận của mình để mạo nhận những thủ cấp ấy là của các “tặc đảng”. Mặc dù không có sự cố gì nghiêm trọng trong các văn bản triều đình vào đầu thế kỷ 16, nhưng rõ ràng là nhiều quan chức đã được huy động nhằm tái kiểm soát vùng này vào những năm 1520.

Trong khi Vương Dương Minh có thể đã nhận ra ngay từ rất sớm rằng việc cố gắng chống lại các “tặc đảng Dao” là cấp bách thì các đồng liêu của ông càng thúc bách, làm cho sứ mệnh này trở nên cấp thiết hơn. Trong một tấu sớ của ông lên Hoàng đế đã cho thấy dù một số lượng lớn bọn man di đã quy phục nhà Minh ngay sau chiến dịch Điền Châu, nhưng các tặc đảng Dao ở đèo Đoạn Đằng vẫn tiếp tục cướp phá các vùng dân cư lương thiện. Kết quả là “dân số ngày càng suy giảm, và các làng mạc còn lại thì dân cư ngày càng trở nên thưa thớt”. Trong một điệp văn khác được Vương trích dẫn, bọn quan lại trong đó có 林富 Lâm Phú, sau này sẽ kế nhiệm Vương làm tổng đốc Quảng Tây cũng báo cáo rằng các tặc đảng Dao Bát Trại vẫn tiếp tục quấy phá bất kể thắng lợi của nhà Minh tại Điền Châu. Theo Lâm Phú và bọn quan lại khác thì “tháng nào, tuần nào cũng có báo cáo về các cuộc cướp phá của bọn man di”. Cho dù hàng trăm lần thỉnh cầu về các hoạt động thanh trừng tặc đảng Dao, nhưng vẫn chưa hề có một cuộc động binh quyết định nào. Theo quan điểm của bọn quan lại nhà Minh, đã đến lúc phải thực thi giải pháp: “Chừng nào tặc đảng Dao chưa bị diệt sạch thì dân cư vẫn không thể sống yên ổn được”15.   

Vào mùa xuân năm 1528, câu hỏi đặt ra đối với Vương Dương Minh không phải là có tấn công tiêu diệt các tặc đảng Dao nữa không, mà là tấn công như thế nào thì hiệu quả nhất. Trong mắt ông, có hai cách thức rõ ràng: một là mở một chiến dịch quân sự quy mô lớn, hai là mở một trận tấn công chớp nhoáng. Mặc dù có nhiều lợi thế trong việc mở chiến dịch quy mô lớn, nhưng Vương Dương Minh kết luận rằng việc giải quyết vấn đề đèo Đoạn Đằng và Bát Trại cần phải có một phương án khác. Trong một thỉnh mệnh đệ trình hoàng đế, ông cho rằng chiếc chìa khóa của thành công là yếu tố bất ngờ. Nếu tin tức về cuộc tấn công sắp tới bị lan truyền khắp nơi thì cho dù có dàn trận với hàng trăm ngàn tên lính, cũng khó mà thắng lợi một cách dễ dàng. Trong kế hoạch tấn công, ông quyết định tận dụng một vài cơ hội hiếm hoi. Trước hết vì ông đã được toàn quyền hành động theo quyết định của mình, nên Vương cho rằng giờ đây ông cần linh hoạt ra lệnh tấn công mà không phải chờ quyết định của triều đình nữa. Thứ hai, một bộ phận lớn quân lính địa phương vùng Hồ Quảng mãn hạn lính, trên đường từ Quảng Tây trở về nhà thì không còn cần thiết cho Điền Châu nữa. Đối với Vương Dương Minh, đây chính là một cơ hội trời cho để bất ngờ tấn công vào các tặc đảng Dao ở đèo Đoạn Đằng. Thứ ba, sau khi Lư Tô và Vương Thụ quy hàng, theo Vương, họ đã háo hức góp công và tham gia vào các cuộc hành quân của quân nhà Minh. Theo ông thì việc tham gia của những người lính địa phương Điền Châu sẽ là sự quảng bá cho các thành công của quân triều đình.16 Chiến lược của Vương Dương Minh rõ ràng đã thu phục được người dân bởi tính chất bất ngờ của nó. Trong khu vực đèo Đoạn Đằng trước tiên người ta chuẩn bị đón nhận cuộc tấn công của các toán quân người bản xứ Hồ Quảng. Để đề phòng, nhiều người đã chuyển gia đình và gia súc của họ lên núi cao. Nhưng theo một tấu thư do Vương Dương Minh trình lên triều đình thì quân triều đình đã không để lộ bất cứ dấu hiệu dàn quân nào nên người ta dần dần bắt đầu ít cảnh giác. Cuối cùng các sắc dân Đoạn Đằng phải đương đầu với một cuộc tấn công được tổ chức chặt chẽ, và họ đã bị tiêu diệt. Theo Vương, trong một cuộc tấn công, hơn 600 người đã bị chết đuối khi cố vượt qua sông. Cuối cùng vùng Đoạn Đằng chỉ còn lại hơn 1100 tặc đảng Dao bị vây khốn và bị chặt đầu; vào khoảng 600 gia đình tặc đảng bị bắt. Tương tự như vậy, tại vùng Bát Trại, các sắc dân địa phương cũng bị bất ngờ. Một tấu thư cho biết tiếp sau các trận tấn công chính vào vùng này, hơn 4000 tặc đảng địa phương đã chạy toán loạn lên núi.17  

Đối với Vương Dương Minh, cuộc tấn công bất ngờ ấy là một thắng lợi tuyệt đối. Ông nhận thấy rõ rằng các nỗ lực không ngừng của quân triều đình đã khuất phục được các tặc đảng Dao vùng Đoạn Đằng và Bát Trại. Chắc chắn đã đạt được một số thành tựu, nhưng về tổng thể thì toàn vùng vẫn còn nhiều bất ổn. Với mục đích nỗ lực thiết lập trật tự, Vương thấy rõ các cuộc chiến do 韓觀 Hàn Quán [chết năm 1414], tổ chức ở thời đầu nhà Minh, và 韓雍 Hàn Ung, 1422-1478 tổ chức trong thời Minh Thành Hóa, 1465-1487, là đặc biệt đáng chú ý, nếu chỉ tính đến quy mô của các đội quân được huy động. Trong các chiến dịch của Hàn Ung, với khoảng 190.000 quân lính triều đình tham gia, nhưng kết quả vẫn rất khiêm tốn. Ngược lại, Vương đã kiêu hãnh tấu trình lên hoàng đế kết quả trận công kích bất ngờ của chiến dịch vừa rồi của ông như một chiến công lẫy lừng. Cho dù chiến dịch kéo dài trong vòng ba tháng, nhưng số lượng quân lính huy động không đến 16.000 tên, và chi phí chỉ vào khoảng một phần mười so với một chiến dịch quy mô lớn, mà đã tiêu diệt được trên 3000 tặc đảng; về mọi phương diện, đó thực sự là một kỳ công.18    

Sau các chiến dịch quân sự ở Đoạn Đằng và Bát Trại, Vương Dương Minh lại đề xuất hàng loạt biện pháp để duy trì một cuộc sống yên bình dài lâu cho vùng này. Tuy nhiên không giống với trường hợp Điền Châu, các đề xuất của ông trong thời gian này đều liên quan đến việc củng cố hiện trạng tại các vùng gặp nhiều rắc rối. Trước hết Vương khuyến nghị di chuyển vệ [một đơn vị quân đội thời Minh với 3600 lính ND*] 南丹 Nam Đan hiện thời đóng tại 賓州 Tân Châu về vùng Bát Trại. Vương cho rằng vì Bát Trại là cội nguồn của mọi rắc rối ở vùng trung Quảng Tây nên việc bố trí 500 lính thuộc vệ này tại trung tâm Bát Trại sẽ không hiệu quả. Thứ hai ông còn trình tấu chuyển trị sở quận 思恩 Tứ Ân đến một địa điểm giao thông thuận lợi hơn. Vì về mặt hành chính, Bát Trại thuộc quận Tứ Ân, nên Vương cho rằng trong tương lai nó sẽ làm giảm bớt cơ hội của các tặc đảng nếu người Hoa và bọn man di trong vùng có thể quan hệ với nhau thường xuyên và dễ dàng hơn tại một trị sở quận mới. Vừa quan tâm đến việc củng cố vị thế cai trị hiện thời của triều đình tại Bát Trại và các khu vực xung quanh, ông vừa đề xuất thành lập hai hạt thị mới ở vùng Tứ Ân mở rộng. Không những thế, Vương còn lưu tâm đến các điều kiện và các nhu cầu khác biệt của các sắc dân đèo Đoạn Đằng. Vấn đề cốt tử để chặn đứng các bất ổn trong tương lai tại vùng Đèo, theo ông là vì triều đình đã không lập thêm một đơn vị hành chính nữa hoặc xây dựng một đội quân hùng hậu để răn đe các sắc dân man di trong vùng; đúng ra thì những chiến dịch vừa rồi của Vương Dương Minh là để củng cố việc kiểm soát khu vực này sao cho không còn xảy ra các rắc rối nữa. 19   

Rõ ràng Vương Dương Minh tin chắc các hoàn cảnh khác nhau đòi hỏi những phản ứng khác nhau. Trong khi đối đầu với các tù trưởng Điền Châu, ông thấy rõ bọn man di không phải là kẻ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tình trạng lộn xộn ở đó. Tốt hơn hết nên chuyển đổi Điền Châu thành một đơn vị hành chính thông thường, chính vì vậy mà ông kết luận rằng cần phải để các thổ tù địa phương tiếp tục cai trị vùng này. Ngược lại, việc thanh toán các tặc đảng Dao ở Đoạn Đằng và Bát Trại đã cho thấy rõ ràng rằng bọn man di chịu trách nhiệm về hành động bạo loạn nơi đây đều đã chạy khỏi vùng ranh giới của chúng. Đối với ông và các đồng liêu của ông, thực sự đã đến lúc nhà Minh cần phải nện cho bọn tặc đảng nơi đây những cú chí tử.

Mặc dù cách tiếp cận của Vương đối với các vấn đề “man di” có vẻ không nhất quán, nhưng có lẽ sẽ hữu ích hơn khi coi các lựa chọn chiến lược của ông như là những suy tư không chỉ về các thực thể kinh tế-xã hội và chính trị trong nội bộ dân chúng, mà còn là các quan điểm triết học của ông liên quan đến thực chất của vấn đề “man di”. Trong khi Vương Dương Minh tin vào khả năng có thể chuyển hóa hoặc khai hóa cho bọn man di, thì ông vẫn tin chắc rằng những quá trình khai hóa đó cần diễn ra bằng các bước khác nhau, bằng những hình thức khác nhau, tùy thuộc vào các hoàn cảnh khác nhau.20  

Thực chất vấn đề “Man Di”

Để đánh giá đúng được các hoạt động quân sự của Vương Dương Minh giúp  hiểu được rõ ràng hơn tầm nhìn của ông với tư cách là một nhà triết học thì điều quan trọng là chúng ta cần phải xem xét kỹ càng hơn các lập trường của ông ở các ranh giới giữa “Hoa” và “man di”. Một mặt, Vương dường như không đặc biệt quan tâm đến bọn man di khi ông xây dựng các tư tưởng của mình, nhưng các trứ tác và tấu sớ của ông vẫn thể hiện một niềm tin rằng bọn “man di” về thực chất không khác với các đối tác người “Hoa” của chúng. Đối với Vương và các đồng liêu Nho gia của ông thì Trời, Đất, vạn vật đều được phú bẩm cùng một thứ gọi là lý. Nhưng ngược lại với cách lý giải chính thống hiện hành, Vương Dương Minh cho rằng lối “gắn kết”, “mô thức”, hoặc “nguyên lý” ấy với tư cách là lý thì không cần phải tìm kiếm ở bên ngoài bản ngã. Thay vào đó ông cho rằng mọi người cần phải tập trung vào cái nội khí của mình sao cho 本性 bản tính của mình không còn bị ô trọc, để có thể tự thể hiện một cách đầy đủ, và vì vậy mà thể hiện một cách viên mãn cái lý phổ quát mà nó chứa đựng. Đối với Vương, việc phân biệt giữa người “Hoa” và bọn man di không phải ở chỗ liệu họ có chung một 本性 bản tính hay không, vì điều đó là đương nhiên, mà là cái 氣質之性 khí chất chi tính, chứ không phải là trạng thái bản nguyên của tính tự thể hiện như thế nào. Theo ông thì 氣質之性 khí chất chi tính của bọn man di gần với khí chất chi tính của thú vật hơn so với khí chất chi tính của người Hoa Hạ, điều đó liên quan đến một sự thật là giống như các loài điểu thú, bọn “man di” để cho dục vọng của mình làm đồi bại khí chất của bọn chúng; bằng việc làm như vậy, chúng đã để cho bản tính của mình bị ô trọc.21    

Chắc chắn là Vương Dương Minh rất quan tâm đến tính chất nguyên sơ của bọn man di. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong các trứ tác và tấu sớ của ông trong những năm ông bị phát vãng đi đồn trú tại vùng đông bắc Quý Châu. Mặc dù trong tình trạng bị câu lưu ở một tỉnh thuộc cực Tây Nam Trung Quốc, nhưng Vương đã tích lũy được hàng loạt tri thức mang tính đột phá, mà đối với ông, tình trạng bị trừng phạt không nghi ngờ gì nữa, chính là một kinh nghiệm chấn thương theo nhiều cách. Ông không chỉ phải chịu bị giáng cấp trong sự nghiệp quan trường của mình, mà trong môi trường xa lạ xung quanh ông cũng đã phải chiến đấu thường xuyên cho chính phẩm giá của mình, nếu không nói là phải chiến đấu cho cả sự sinh tồn của bản thân mình nữa. Các bình chú về những hiểm họa của cuộc sống tại Quý Châu giữa vô số bọn man di khác nhau thể hiện trong nhiều bài thơ, trong các thư từ và các tiểu luận được viết trong cảnh lưu đày, giúp đánh giá được tốt nhất những điều kiện khắc nghiệt mà ông đã phải trải qua. Chẳng hạn trong một bức thư vào năm 1508 viết cho Mao Cổ Am, Hiến phó Quý Châu [王陽明,答毛憲副書: Vương Dương Minh đáp Mao Hiến phó thư], trong đó Vương nhẹ nhàng, nhưng kiên quyết khước từ lời Mao khuyên ông xin lỗi một đại quan trong tỉnh vì một cuộc cãi vã; ông cũng đã nhận thấy rất rõ ràng về hiểm họa đang đe dọa mình. Đối với ông, việc sống giữa các sắc dân man di là sống trong 瘴癘 chướng lệ, khí độc rừng núi và bệnh hủi; sống với 蠱,魑魅魍魎 cổ, si mị võng lượng, các loài độc hại, và yêu ma quỉ quái. Tuy nhiên, khi đến môi trường mới, ông đã chấp nhận một thực tế là phải日有三死焉 nhật hữu tam tử yên, một ngày ba lần đối mặt với cái chết. Điều làm ông yên lòng, như ông đã gợi ý trong thư gửi cho Mao Hiến phó, chính là việc ông nhận ra rằng cho dù ông không thay đổi được thời điểm chung cục của cuộc đời, nhưng ông đã lựa chọn để giữ vững các nguyên tắc đạo đức đã trở thành máu thịt. Một khi không còn sợ phải chết trong vùng đất của bọn man di, thì tại sao ông lại phải làm tổn thương đến các nguyên tắc đạo đức của mình bằng cách thỏa hiệp đến mức phải xin lỗi?22  

Nhưng khi Vương Dương Minh cảm thông với tình trạng thiếu lễ nghĩa trong các sắc dân man di thì cũng lúc đó ông nhận ra rằng đó không phải là một mối ác cảm bẩm sinh đối với lễ nghĩa của các sắc dân man di, mà chỉ là tính giản phác và đức chân thực của chúng. Cái nhìn đồng cảm này có lẽ không thể hiện rõ ràng trong hồi tưởng sau này của ông về công việc khảo cứu và các trải nghiêm đó ở Quý Châu. Bằng việc đặt tên cho thư phòng của mình là 何陋 Hà lậu, Sao mà thô lậu vậy, theo một đoạn trong sách Luận Ngữ [子欲居九夷. 或曰: 陋如之何?子曰: 君子居之,何陋之有? Tử dục cư cửu di. Hoặc viết: “Lậu như chi hà?” Tử viết: “Quân tử cư chi, hà lậu chi hữu?”. Dịch nghĩa: Khổng tử  muốn đến với các sắc dân Đông di. Có kẻ nói: “Bọn đó bỉ lậu lắm”. Phu tử đáp: “Nơi người quân tử ở thì đâu còn bỉ lậu nữa?” 論語,子. Luận ngữ, Tử Hãn, IX.13, ND*], rõ ràng là Vương đã tưởng nhớ đến tư tưởng của Khổng tử: nơi người 君子 quân tử mẫu mực ở thì tình trạng bỉ lậu sẽ nhanh chóng tan đi. Nhưng trong hồi ức của mình, Vương đã tìm cách thể hiện một sắc thái riêng. Ông thấy rõ ràng bọn man di địa phương nói “tiếng chim” thích sống trong các vùng rừng rú, không có quần áo tốt để vận, không có các nghi lễ trang trọng để theo, thì mọi sự là do ít giao tiếp với 諸夏 chư Hạ, bọn người Hoa đẹp đẽ, chứ không phải là bẩm chất của chúng. Trong thực tế Vương cho rằng đặc biệt khi so với thói đạo đức giả và chất xảo trá của một số bọn chư Hạ thì tính bộc trực của bọn man di lại không hề bỉ lậu chút nào.23

Đối với Vương Dương Minh, cái mà bọn người Hoa và bọn man di đều có chung không phải là bẩm tính của chúng, mà chính là 良知 lương tri. Theo Vương, vì là người nên bọn man di cũng được phú cho ý thức đạo đức, khi sống trong điều kiện tự nhiên ý thức đó khiến chúng hành động thích ứng với mọi trạng huống. Cái mà lương tri thể hiện trong mọi con người, và thậm chí ở cả thú vật nữa, rõ ràng là một ý tưởng mang tính phê phán trong triết học Vương Dương Minh. Trong một lá thư viết cho 聶豹 Nhiếp Báo (1487-1563), Vương Dương Minh đã cố gắng cắt nghĩa cho kẻ sẽ là môn sinh của mình sau này về việc hiểu thấu tư tưởng 良知 lương tri sẽ giúp cho người ta hiểu rõ trật tự thế giới đã được định đoạt như thế nào. Ông cho rằng bằng cách tận hiến các nỗ lực của mình cho việc thanh lọc thói vị kỷ, và vì vậy mà mở rộng được tri thức đạo đức bẩm sinh của mình, con người có thể chia sẻ với kẻ khác về ý nghĩa phổ quát của khái niệm đúng - sai. Đó chính là nguyên tắc 視人猶己,視國猶家 thị nhân do kỷ, thị quốc do gia: coi người như mình, coi nước như nhà. Ông kiên trì rằng thời của các vua hiền, mặc dù vẫn có những kẻ bị tuyên phạt tử hình nhưng bọn lê dân không hề ca thán. Đó không chỉ là vì các vị vua hiền đã nói và làm bằng cả lương tri của mình, mà còn là vì 有血氣者 – hữu nhi khí giã, bọn hữu tình đều có chung bẩm khí, kể cả những sắc dân bắc địch thấp hèn 蠻貊 Man Mạch.24

Quan điểm của Vương Dương Minh về bẩm tính chung giữa bọn Hoa Hạ và bọn man di nhung địch không nghi ngờ gì nữa, đã được hiểu trong bối cảnh lý tưởng 以天地萬物為一體 dĩ thiên địa vạn vật nhất thể của ông. Như Trần Vinh Tiệp đã lưu ý, mặc dù tư tưởng 萬物一體 vạn vật nhất thể đã có từ thời cổ đại, nhưng chính Vương Dương Minh mới là người làm cho tư tưởng này có ảnh hưởng sâu rộng. Cách thức mà Vương hiểu tư tưởng này rõ ràng là từ một đoạn trong một bức thư gửi cho người bạn 顧璘 Cố Lân (1476-1545) của ông: Lương tri của bậc thánh hiền coi Trời-Đất-vạn vật là nhất thể. Thánh hiền coi bách tính trong thiên hạ là một nhà, không phân biệt trong, ngoài, thân, sơ. Thánh nhân coi bách tính là anh em con cháu, và mong muốn tất cả đều được no đủ, vẹn toàn, được học hành, sao cho hoàn thiện được tâm nguyện vạn vật nhất thể. 25

Đối với Vương Dương Minh, thánh hiền không chỉ là những kẻ có khả năng làm cho vạn vật trở nên nhất thể. Mọi chúng, kể cả bọn man di nhung địch cũng đều có khả năng đó. Giống như các thánh nhân, chỉ khi nào rũ bỏ được tham dục vật chất ích kỷ, che mờ tâm trí thì người ta mới có thể đối xử được với người theo khuôn thước 己所不欲,勿施於人 kỷ sở bất dục vật thi ư nhân, điều gì mà mình không muốn thì không làm cho người khác [論語,顏淵篇, Luận ngữ, Nhan Uyên thiên]. Để làm rõ thêm quan điểm của ông, trong sách 大學問 Đại học vấn, Vương Dương Minh đã mở rộng tư tưởng của Mạnh Tử. Mạnh Tử đã chỉ ra một cách sâu sắc cái tác động của 不忍人之心 bất nhẫn nhân chi tâm - lòng bất nhẫn, bằng ví dụ về nỗi kinh hoàng, thương xót của những kẻ chứng kiến đứa trẻ bò sát miệng giếng, 今人乍見孻子將入於井皆有怵惕側隠之心 Kim nhân sạ kiến nhụ tử tương nhập ư tỉnh, giai hữu truật dịch trắc ẩn chi tâm. Dịch nghĩa: Ví thử có những kẻ bỗng thấy đứa trẻ sắp rơi xuống giếng sâu, ai mà chả kinh sợ, động lòng thương xót [孟子書,公孫醜章句上 Mạnh Tử thư, Công Tôn Sửu chương cú thượng – ND*].

Theo Vương, đối với trường hợp đứa trẻ bò đến miệng giếng thì đó là loại tình cảm 其仁之與孺子而為一體 kỳ nhân chi dữ nhụ tử vi nhất thể. Dịch nghĩa: kẻ thấy đứa trẻ và bản thân đứa trẻ đang bị nguy hiểm chính là một thể. Tương tự như vậy khi 見瓦石之毀壞而必有顧惜之心焉,是其仁之與瓦石而為一體也. 陽明,大學問 kiến ngõa thạch chi hủy hoại nhi tất hữu cố tích chi tâm yên, thị kì nhân chi dữ ngõa thạch nhi vi nhất thể dã. Dịch nghĩa: nhìn thấy ngói tan, đá nát tất sinh lòng tiếc nuối, thì những kẻ kia và đá ngói chính là một thể vậy [Vương Dương Minh, Đại học vấn ND*]. Đối với Vương, khái niệm vạn vật nhất thể có thể hiểu bằng hai cấp độ: không chỉ coi bọn người “Hoa Hạ” và bọn man di nhung địch là nhất thể mà còn phải coi bọn man di nhung địch là những kẻ cũng có cùng năng lực cảm thông với vạn vật.26

Mặc dù Vương Dương Minh kiên trì rằng chúng nhân đều có chung bản tính, có chung lương tri và lương năng để làm thành nhất thể Thiên, Địa, Nhân và vạn vật, nhưng ông vẫn cho rằng cái 氣質之性 khí chất chi tính của bọn man di nhung địch gần với khí chất chi tính của thú vật hơn là 氣質之性 khí chất chi tính của bọn Hoa Hạ. Vì vậy mà hoàn toàn có thể và cần phải hóa, khai hóa bọn đó. Trong một bài phú mừng việc hoàn thành thư phòng đã được nói đến, Vương so sánh bọn man di với 未琢之玉 vị trác chi ngọc, viên ngọc chưa mài [楚人和氏得玉璞楚山中,奉而獻之厲王。厲王使玉人相之,玉人曰:石也。王以和為誑,而刖其左足。及厲王薨,武王即位,和又奉其璞而獻之武王。武王使玉人相之,又曰:石也。王又以和為誑,而刖其右足。武王薨,文王即位,和乃抱其璞而哭於楚山之下,三日三夜,泣盡而繼之以血。王聞之,使人問其故曰:天下之刖者多矣,子奚哭之悲也?和曰:吾非悲刖也,悲夫寶玉而題之以石,貞士而名之以誑,此吾所以悲也。王乃使玉人理其璞而得寶焉,遂命曰:和氏之璧。出自:韓非子,和氏。Sở nhân Hòa thị đắc ngọc phác Sở sơn trung, phụng nhi hiến chi Lệ vương. Lệ vương sử ngọc nhân tương chi, ngọc nhân viết: “thạch dã”. Vương dĩ hòa vi cuống, nhi nguyệt kì tả túc. Cập Lệ vương hoăng, Vũ vương tức vị, Hòa hựu phụng kì phác nhi hiến chi Vũ vương. Vũ vương sử ngọc nhân tương chi, hựu viết: “thạch dã”. Vương hựu dĩ hòa vi cuống, nhi nguyệt kì hữu túc. Vũ vương hoăng, Văn vương tức vị, Hòa nãi bão kì phác nhi khốc ư Sở sơn chi hạ, tam nhật tam dạ, khấp tận nhi kế chi dĩ huyết. Vương văn chi, sử nhân vấn kì cố. Viết: “Thiên hạ chi nguyệt giả đa hĩ, tử hề khốc chi bi dã”? Hòa viết: “Ngô phi bi nguyệt dã, bi phu bảo ngọc nhi đề chi dĩ thạch, trinh sĩ nhi danh chi dĩ cuống, thử ngô sở dĩ bi dã”. Vương nãi sử ngọc nhân lí kì phác nhi đắc bảo yên, toại mệnh viết “Hòa thị chi bích”. “Hàn Phi tử. Hòa thị”. Dịch nghĩa: Người nước Sở họ Hòa nhặt được một hòn đá ngậm ngọc ở Núi Sở, bèn hiến Lệ Vương. Vương sai thợ ngọc xem khám, thợ nói: đá đấy! Vương nghĩ Hòa lừa dối nên sai chặt chân trái của y. Kịp lúc Lệ Vương mất, Vũ vương lên thay, họ Hòa lại đem hòn đá ngậm ngọc dâng lên. Vương sai thợ ngọc xem khám, thợ vẫn nói: đá đấy! Vũ vương nghĩ Hòa lừa dối bèn chặt nốt chân phải. Vũ vương chết, đến lượt Văn vương lên ngôi, Hòa ôm hòn đá ngậm ngọc vào chân núi Sở, khóc dòng ba ngày ba đêm, khóc đến chảy máu mắt. Vương nghe được sai người đến hỏi: Thiên hạ thiếu gì kẻ bị chặt chân, cớ gì đau xót nhường ấy? Hòa đáp: Ta nào có đau xót vì bị chặt chân; ta đau xót vì ngọc quý bị xem là cục đá, kẻ sĩ băng tâm lại bị coi là lừa lọc; ta vì đó đau xót. Văn vương nghe vậy, sai thợ ngọc xem khám cẩn thận, hóa ra là viên ngọc quý, bèn gọi là “Bích ngọc họ Hòa”. Hàn Phi Tử, Thiên XIII: “Họ Hòa”. Sách Mạnh tử cũng nói đến câu truyện về viên đá ngọc: 今有璞玉於,雖萬鎰,必使玉人彫琢之.至於治國家,則曰'姑舍女所學而從我'則何以異於教玉人彫琢玉哉?. Kim hữu phác ngọc ư thử, tuy vạn dật, tất sử ngọc nhân điêu trác chi. Chí ư trị quốc gia, tắc viết: “cô xá nữ sở học nhi tòng ngã”,  tắc hà dĩ dị ư giáo ngọc nhân điêu trác ngọc tai? Dịch nghĩa: Nay có hòn đá ngậm ngọc ở đây, đáng giá hàng vạn dật vàng, kẻ làm vua tất sai thợ ngọc giũa mài cho tinh xảo. Còn việc trị quốc thì khiến chúng rằng: Khoan nào, gác tài học của các ngươi lại đó mà làm theo ý muốn của ta. Lẽ nào nhà vua lại không làm giống như đưa ngọc cho bọn thợ giỏi cắt mài? 孟子.梁惠王下 Mạnh Tử, Lương Huệ vương, Hạ]. Vương Dương Minh còn so sánh bọn man di với 未繩之木 vị thằng chi mộc, khúc gỗ chưa được bật mực để đẽo sửa cho thẳng thớm. Cho dù bọn man di lâu nay buông thả mình trong ma mị và bất chấp nghi lễ, nhưng ông vẫn coi bọn chúng hệt như hòn đá ngậm ngọc, khúc gỗ chưa bật mực để chỉnh sửa; vì thế đã đến lúc bọn man di cần phải được khai hóa với sự giúp đỡ của một bậc phu tử. Có thể tìm thấy những tình cảm tương tự trong trứ tác Tương từ kí tưởng nhớ đến vị Hoàng đệ không mấy tiếng tăm của vua Thuấn, thánh quân. Trong bài ký, Vương cho rằng bọn man di địa phương thờ cúng không phải là ông Tương nguyên mẫu, mà là một ông Tương đã được cải hóa. Vì vậy theo Vương, ngôi miếu không chỉ là bằng chứng rõ ràng về ý nghĩa trọng đại của sự khai hóa, mà còn là chính sức mạnh của sự khai hóa. 27

Nhưng trong khi Vương Dương Minh coi công nghiệp khai hóa bọn man di là rất đáng làm thì ông lại cho rằng công nghiệp khai hóa đôi khi cần phải được thực hiện dần dần. Đối với ông, đó chính là trường hợp canh cải vùng Điền Châu. Trong một trứ tác, ông đưa ra hàng loạt biện pháp để vãn hồi trật tự nơi đây, ông còn sử dụng hình tượng ẩn dụ minh họa cho ý tưởng khôn ngoan để các tù trưởng địa phương tiếp tục cai trị Điền Châu bằng cách thức truyền thống:蓋蠻夷之性,譬猶禽獸麋鹿,必欲制以中土之郡縣,而繩之以流官之法,是群麋鹿於堂室之中,而欲其馴擾帖服Cái man di chi tính, thí do cầm thú mi lộc, tất dục chế dĩ trung thổ chi quận huyện, nhi thằng chi dĩ lưu quan chi pháp, thị quần mi lộc ư đường thất chi trung, nhi dục kì tuần nhiễu thiếp phục, chung tất xúc tôn trở, phiên ki tịch, cuồng khiêu nhi hãi trịch hĩ. Dịch nghĩa: Tính khí của bọn man di chẳng khác nào cầm thú hươu nai, nên việc cố kiềm quản chúng bằng chế độ quận huyện vùng Trung Nguyên sẽ dẫn đến hậu quả giống hệt như nhốt bầy hươu nai vào một căn phòng, khác nào khiêu khích bọn thú lành đã quy phục…陽明,處置平復地方以圖久安疏 “Xử trí bình phục địa phương dĩ đồ cửu an sơ”. Kết quả sẽ là sự phá hủy hoàn toàn sự ổn định vốn có. Cách tốt nhất để yên trị bầy mi lộc đó là để cho chúng được rong ruổi tự do trong những khuôn khổ xác định rõ ràng và được giám sát chặt chẽ. Điều mà Vương Dương Minh suy nghĩ về Điền Châu, như đã thấy, là để cho bọn man di trong vùng tiếp tục được các thổ tù địa phương cai quản, nhưng cần phải có một quan chức triều đình thường trực trong vùng để giám sát chúng. Vương cho rằng sớm muộn gì thì bọn man di Điền Châu cũng sẽ chấp nhận sự cai trị của người Hoa Hạ.28   

Ngay cả trong thời gian động binh chinh phạt Dao tặc Đoạn Đằng và Bát Trại, Vương Dương Minh vẫn cho rằng mọi cố gắng của bọn quan lại Minh Triều nhằm khai hóa lũ man di suy cho cùng cũng phải để cho bọn chúng hoàn thiện được các tình cảm tự nhiên của mình. Tâm tư đó của Vương có lẽ thể hiện rõ ràng nhất trong một điệp văn gửi cho các quan chức theo ông chinh phạt Dao tặc, trong đó Vương khước từ yêu cầu của các quan chức dưới quyền ông xin đóng một đội quân lớn tại các khu vực có rắc rối. Ông cho rằng đôi khi cũng cần phải xử dụng sức mạnh, nhưng 處夷之道,攻心為上 xử di chi đạo công tâm vi thượng, xử lý bọn man di phải lấy phép đánh vào tình cảm của chúng làm đầu. Muốn có được phép cư xử để bọn man di thấy thoải mái, Vương khuyên, thì các quan chức triều đình phải học chữ nhẫn. Ông cho rằng tiền nhân đã làm cho Thiên, Địa, Nhân và vạn vật nhất thể, nhờ đó mà có được quyền năng 通天下之志 thông thiên hạ chi lý, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa hiểu lòng người. Khi thực hiện bất cứ ý đồ nào họ cũng có thể 順其情而使之 thuận kỳ tình nhi xử chi, thuận theo tình mà xử lý sự vật, 乘其機而動之 thặng kỳ cơ nhi động chi, nắm chắc cơ hội mà hành động, và 及其時而興之 cập kỳ thời nhi hưng chi, thúc đẩy để thành công rộ lên đúng lúc. Vì vậy mà không bao giờ thất bại. Vương cho rằng đó là cách thức hành động đúng đắn để khai hóa man di.29    

Ranh giới giữa Hoa và Man di

Để đánh giá được tầm quan trọng to lớn của các vị trí mà Vương Dương Minh đảm nhiệm thì điều quan trọng là chúng ta phải đặt các ý nghĩa đó trong bối cảnh rộng lớn hơn của các tranh biện về tri thức và chính sách triều Minh. Mặc dù các hoàng đế đầu triều Minh như Chu Nguyên Chương (1328-1398) và Chu Lệ (1402-1424) đã trải nghiệm niềm kiêu hãnh thống nhất quyền lực của nhà nước tập quyền, nhưng vào giữa thế kỷ 15, niềm tin chính trị song hành với sự hưng thịnh của nhà Minh rõ ràng đã bị thay thế bởi một tình trạng thật mong manh. Đặc biệt bị ám ảnh bởi sự tan rã của hệ thống bảo lũy Thổ Mộc vào năm 1449, trong đó Hoàng đế Chu Kỳ Trấn (1435-1449, 1457-1464) đã bị sắc dân Oirats vùng tây Mông Cổ bắt giữ bất ngờ, triều đình nhà Minh vào nửa sau thế kỷ 15 bằng nhiều cách đã bị chia rẽ bởi lập trường khác nhau giữa bọn quan lại có thiên hướng chấp nhận tình thế phòng thủ phần nào và những kẻ hăng hái kiên quyết chống lại kẻ thù. Liên quan đến các vùng phía bắc, như Arthur Waldron đã chỉ rõ, các cuộc tranh cãi cay cú và nảy lửa đã dẫn đến tiếp tục xây dựng bức vạn lý tường thành tốn kém, không hiệu quả dọc theo biên giới. Ngược lại, liên quan đến các vùng biên ải phương nam, bọn man di nơi đây tính khí dường như hòa hiếu, không gây ra mối hiểm họa nào đáng kể với triều đình nhà Minh như bọn bắc địch Mông Cổ đã làm được thì cuộc tranh cãi lại tập trung vào việc làm thế nào để khai hóa được bọn man di hòa hiếu đó. Lũ quan lại nhà Minh dường như chia hai, một bọn thì thiên về việc bảo vệ biên cương giữa người Hoa Hạ và bọn man di, còn bọn quan lại khác lại chủ trương tích cực khai hóa bọn man di.30

Về bọn quan lại giai đoạn trung Minh kiên định lập trường cho rằng ranh giới giữa Hoa Hạ và man di phải được phòng vệ thì một kẻ uyên bác nhất và lợi khẩu nhất không ai khác chính là 丘濬 Khâu Tuấn (1421-95). Là kẻ sinh ra ở 瓊山 Quỳnh Sơn, tại cực nam của đảo Hải Nam ngày nay, có lẽ Khâu là một trong số quan lại hiếm hoi có địa vị cao trong triều thời đó đã từng sống với bọn man di ngay từ nhỏ. Là một học sỹ Hàn Lâm viện Hoàng gia tại kinh đô nhà Minh trong thời kỳ hệ thống bảo lũy Thổ Mộc tan rã, Khâu Tuấn rõ ràng cũng đã chịu ảnh hưởng bởi cú chấn thương tinh thần khi gã hình thành quan điểm này. Trong số các trứ tác của Khâu thì công trình có ảnh hưởng nhất, được nhiều người nhắc đến nhất là tập 大學衍義補 Đại học diễn nghĩa bổ. Cho dù bị gắn vào phần bổ sung cho một công trình của 真德秀 Chân Đức Tú (1178-1235), nhưng kiệt tác đó của Khâu là một cách cấu trúc khác, không tập trung vào đạo đức học, mà chủ yếu tập trung vào công việc cai trị. Năm 1487, Diễn nghĩa bổ đã được đệ trình tân hoàng đế Chu Hựu Đường (1487-1505), được chia thành 160 quyển, ngay lập tức trở thành tác phẩm bậc thầy và là bản thiết kế tổng thể cho chiến lược hành động của triều đình. Trong khi Khâu đặc biệt quan tâm đến các vấn đề biên giới phía Bắc thì trong Diễn nghĩa bổ ông ta cũng cho rằng cần phải nghị luận chi tiết về các vấn đề man di đã nổi lên ở miền nam.31

Cơ sở cho các lập luận của Khâu Tuấn trong Diễn nghĩa bổ là niềm tin của ông ta cho rằng một phần của 天下之理 thiên hạ chi lý chính là ranh giới giữa Hoa và di. Theo quan điểm của Khâu, từ rất lâu rồi Hoa đã cư chiếm trung tâm, trong khi di thống trị tại các vùng biên ải. Theo thời gian, Hoa bắt đầu 混而同 hỗn nhi đồng với kẻ khác, trong khi di lại phát triển thành một loại khác biệt về tính khí và tập quán. Để thái bình thịnh trị, ông ta cho rằng các thánh quân 中國 Trung Quốc đã quyết định giới hãm man di trong các lãnh thổ của chúng chứ không phải là khai hóa chúng. Các rắc rối lãnh thổ của các triều đại trước đây, đặc biệt là triều Hán và triều Đường đã nảy sinh từ sự thất bại của các bậc quân vương trong việc 謹內外之防 cẩn nội ngoại chi phòng, phòng vệ cẩn mật biên giới giữa trung tâm và ngoại biên, để ngăn ngừa tình trạng 混華夷之俗 hỗn hoa di chi tục, pha trộn phong tục giữa Hoa Hạ và man di. Để tránh những sai lầm như vậy, đặc biệt liên quan đến vùng biên giới phía bắc, Khâu cho rằng các hoàng đế nhà Minh cần phải chống lại những cám dỗ, đặc biệt là sự thúc bách cho phép bọn nhung địch vào định cư trong vùng Trung Nguyên. Đối với Khâu, việc vạch ranh giới rạch ròi giữa Hoa và man di thì đã có bằng chứng của các ngọn núi dòng sông tách bạch giữa ta và chúng. Theo Khâu, sẽ là sai lầm nếu nhà Minh cố chọc thủng các ranh giới tự nhiên đó.32

Đối với trường hợp các vùng biên cương phía nam, nơi bọn man di sống lâu đời cùng với người Hoa Hạ thì Khâu Tuấn cho là việc tái khẳng định ranh giới giữa Hoa và man di nhà Minh cần sử dụng cách hành xử vượt thắng, nhưng phải linh hoạt. Trước hết trong các vùng dân số bọn man di lớn như Điền Châu thì nhà Minh cần chấp nhận sử dụng nhiều thổ tù địa phương và cần xác lập ranh giới giữa các lãnh địa đó một cách rõ ràng. Triều đình không những cần bọn chúng tham gia vào các chiến dịch quân sự mà còn cần chúng củng cố bền vững các vùng biên giới bằng cách kiểm tra chéo quyền lực của chính chúng với nhau. Thứ hai, trong các vùng được coi là không cần thiết phải sử dụng thổ tù địa phương thì Khâu Tuấn khuyến cáo rằng cần phải hạn chế nghiêm khắc các mối quan hệ Hoa và man di. Các thương nhân người Hoa muốn vào vùng rừng núi để buôn bán với bọn man di thì cần phải bị hạn chế bằng chế độ hàng đổi hàng. Không được phép sử dụng tiền mặt và bọn man di chỉ được phép trao đổi các sản phẩm địa phương của chúng mà thôi. Khâu cho rằng bằng những hạn chế như vậy “cho dù bọn chúng có tiền cũng bằng thừa; nếu bọn chúng muốn dùng tiền thì cũng chẳng có gì để cho chúng mua”. Trong trường hợp không có các biên giới tự nhiên thì dứt khoát phải có các đường biên giới do nhân tạo.33  

Nhưng trong khi Khâu Tuấn kiên trì nhu cầu củng cố biên giới giữa Hoa và man di thì ngược lại, bọn khác trong đám quan quân nhà Minh lại cho rằng cần phải nhanh chóng khai hóa bọn man di ở các vùng biên cương và thống nhất chúng dưới sự trị vì của chư Hạ. Trong số những kẻ kiên định lập trường này có 姚鏌 Diêu Mạc (1465-1538) là người chỉ huy cuộc chiến chống lại Điền Châu trước khi gã bị triều đình thay bằng Vương Dương Minh. Đối với Diêu, việc cho phép các tù trưởng địa phương tiếp tục cai trị các lãnh địa như Điền Châu chẳng khác nào thả hổ về rừng để rồi cuối cùng chuốc họa. Với Diêu, vấn đề không phải là có nên biến Điền Châu thành quận huyện hoặc bổ nhiệm các quan lại cai trị vùng này hay không; mà vấn đề là phải làm sao để đảm bảo rằng việc bổ nhiệm vào các vị trí cai trị phải đúng người. Mặc dù trong các vùng được khai hóa thực sự có những trường hợp các quan lại mới được bổ nhiệm đã gây ra nhiều rắc rối và tai họa chẳng hơn gì sự cai trị của các thổ tù địa phương, vì vậy Diêu Mạc tin rằng vấn đề là phải chọn đúng người để bổ nhiệm, chứ không phải là việc thực hiện quá trình khai hóa.34

Đối với bọn quan lại như Diêu Mạc thì việc cải hóa các lãnh địa thổ ty thành quận huyện thực sự là một nhiệm vụ cần thiết. Trong một bài ký về Điền Châu, Diêu cũng khuyến cáo cần phải tái lập 儒學 Nho học cho vùng này.  Ông ta cho rằng phải “thông qua nhân tính mà thay đổi tập tính và đạo đức và phải dùng trường học để nuôi dưỡng nhân tính”. Mặc dù trước đó đã có Nho học ở Điền Châu, nhưng theo Diêu thì tù trưởng Sầm Mãnh đã độn thổ nho học bằng cách xua đuổi cả thầy lẫn trò. Vì vậy việc khôi phục nho học cần phải có đốc học và người trợ tá cho ông ta. Cần phải ưu tiên cho học trò Điền Châu, nhưng bước đầu cũng phải chấp nhận các học trò từ bên ngoài đến học. Hơn nữa đối với Nho học thì Diêu cũng gợi ý cần thành lập các 社學 xã học, một hình thức trường học cộng đồng. Bằng cách phổ biến đến tận thôn xóm các kinh sách của các đại nho triều Minh và các giáo huấn đạo đức trong các kinh sách đó Diêu tin rằng các xã học ấy sẽ giúp 變而為華 biến nhi vi hoa, làm cho bọ man di thay đổi được tâm tính và man tục của chúng. Ông tin rằng nếu các xã học được thành lập quy chỉnh thì chỉ “sau mười đến hai mươi năm sẽ có nhân tài xuất hiện ở vùng này”.35

Nhưng những kẻ xướng xuất đầy tin tưởng như vậy đối với dự án khai hóa như Diêu Mạc cũng phải thừa nhận rằng không phải mọi thứ đều có thể được thực hiện ngay một lúc được. Mặc dù Diêu tin tưởng rằng lãnh địa Điền Châu cần được cải hóa, thì gã cũng sắt đá tin rằng để tạo thuận lợi cho việc cai trị, các quan chức được bổ nhiệm đến đó cần phải bao dung với tập tục địa phương. Đặc biệt gã cho rằng ở Điền Châu từ rất lâu đời rồi đã phân chia thành giáp, gồm có 50 thành đầu hoặc đầu mục chịu trách nhiệm thu tô thuế từ người dân. Mặc dù nhà Minh về phương diện lý thuyết sẽ thu được nhiều thuế hơn nếu họ thay đổi hệ thống thu thuế bằng hệ thống được áp dụng ở Trung Nguyên, nhưng Diêu cho rằng tổng chi phí để thay thế hệ thống ấy có lẽ là quá lớn, chẳng biết bao giờ mới bù đắp được. Trong khi “cần thiết phải bổ nhiệm bộ máy quan lại thì 純用漢法不可也 thuần dụng Hán pháp bất khả giã, việc thuần túy áp dụng phép tắc cai trị của người Hán cho vùng này lại không thể được”. Đối với trường hợp Điền Châu, các quan lại cần tiếp tục sử dụng hệ thống cai trị địa phương, nhưng nên ban phong quan tước cho các đầu mục ở đó. Ngoài ra bọn quan lại ở đây cần hạ thấp mức tô thuế phân bổ cho các đầu mục này và không được chất thêm gánh nặng các nhu cầu khác lên các đầu mục ở đó. Diêu cho rằng vấn đề cốt lõi là cải hóa các vùng thổ tù thành hệ thống quận huyện ngay khi nào có thể, cho dù điều đó có nghĩa là không phải tất cả những gì có ở Trung Nguyên cũng phải áp đặt vào đây.36

Mặc dù sau này Vương Dương Minh đã đảo lộn nhiều chính sách của Diêu Mạc, nhưng lập trường của ông về nhu cầu khai hóa bọn man di thì lại thực sự gần với lập trường của Diêu hơn của Khâu Tuấn. Chắc chắn là Vương thiên về việc bảo lưu thể chế tù trưởng, một lập trường mà một kẻ vô cùng thận trọng là Khâu Tuấn cũng đồng ý. Nhưng cả Vương và Diêu đều nhất trí rằng mục đích tối hậu của sự hiện diện của nhà Minh tại các vùng biên cương là cải hóa bọn man di và cả hai đều cho rằng để khôi phục dáng vẻ trật tự ở Điền Châu thì bọn quan lại ở đây cần phải kết hợp các thực tiễn địa phương thành một loại hình nào đó. Nhưng trong khi Vương Dương Minh và Diêu Mạc đồng ý về mục tiêu và tối thiểu là về một nguyên tắc chủ chốt trong việc cư xử với man di, như chúng ta đã thấy, thì rõ ràng là các chiến lược của Vương đều dựa trên cơ sở suy nghĩ thấu đáo, đặc biệt là về điều kiện nhân sinh, và về quy luật tự nhiên, thiên lý nói chung. Ngược lại Diêu Mạc nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc kiểm soát của nhà Minh, nhất là trong các trường hợp phép tắc cai trị địa phương đã tỏ ra không ổn, thì Vương lại ra sức tìm kiếm những bản tính chung không chỉ giữa chư Hoa và bọn man di mà còn giữa con người và vạn vật trong vũ trụ nữa.

Các chiến dịch cuối cùng

Các chiến dịch cuối cùng của Vương Dương Minh đã không còn tạo ra được hòa bình lâu dài nữa. Việc trông đợi vào phương cách khác có lẽ cũng chỉ là đặt quá nhiều niềm tin vào bạo lực mà thôi. Lãnh địa Điền Châu hóa ra lại bị ném trở lại vào tình trạng lộn xộn không lâu sau khi Vương chết. Cho dù Vương và kẻ kế nhiệm ông tại Quảng Tây là 林富 Lâm Phú đã định để cho 岑邦相 Sầm Bang Tướng, đứa con còn niên thiếu của Sầm Mãnh làm tù trưởng tập sự và thậm chí còn trao cho Bang Tướng đầy đủ trách nhiệm đã được cắt giảm rất nhiều đối với Điền Châu, nhưng trong thực tế thì 盧蘇 Lư Tô lại là tên tù trưởng có thể nắm quyền lực ở hậu trường. Vào năm 1534 Lư đã hội đủ các điều kiện bên ngoài để có thể sắm vai đó; năm đó Lư đã lệnh cho Bang Tướng phải chết và sắp xếp để Sầm Chi, một người anh em họ trẻ hơn cả Bang Tướng trở thành tên tù trưởng con rối trong tay y. Nhưng cách tiếm quyền như vậy chỉ càng thúc đẩy thêm tình trạng rối loạn. 岑邦佐 Sầm Bang Tá, một người anh của Bang Tướng và là thổ tù của một lãnh địa tách biệt đã phát động một cuộc tấn công vào Điền Châu. Các thổ tù khác trong vùng cũng sát cánh bên y. Lư Tô cố cứu vãn tình trạng đầy thách thức đó, nhưng vào năm 1538 y đã buộc phải rời khỏi Điền Châu. Tuy nhiên, sự nghiệp do Lư Tô để lại vẫn không kết thúc được các rắc rối trong vùng. Năm 1550 một kẻ tên 莫葦 Mạc Vi ở lãnh địa kế bên đã xác quyết rằng thực ra y là bác họ của Sầm Chi và đã tìm cách tiếp quản Điền Châu bằng sức mạnh. Theo tài liệu để lại thì điều đó chỉ có thể thành hiện thực với sự trợ giúp của các tù trưởng lân cận, chỉ có như vậy thì Điền Châu mới chống đỡ được sự tấn công của quân triều đình.37     

Tại trung Quảng Tây các rắc rối liên quan đến các tặc đảng man di cũng vẫn tiếp tục quấy rầy triều đình nhà Minh. Ở vùng đèo Đoạn Đằng chẳng hạn, ngay sau chiến dịch của Vương Dương Minh thì việc kiểm soát vùng lãnh thổ rất quan trọng này rõ ràng là một cuộc chiến cam go giữa Dao man địa phương và các tù trưởng do triều đình chính thức bổ nhiệm. Vào năm 1538, các điều kiện ở vùng đèo đã bắt đầu làm cho quan quân triều đình thấy rõ ràng là cần phải phát động một chiến dịch tấn công tiếp theo. Hơn 50.000 tên lính đã tham gia chiến dịch này. Kết quả là tên đầu đảng Dao 侯公丁 Hầu Công Đinh đã ngay lập tức bị giết chết và hơn 4.500 đàn ông, đàn bà Dao bị giết, bị bắt hoặc được “bình định”. Các rắc rối cũng vẫn tiếp tục tại vùng Bát Trại. Cho dù trong vài thập kỷ sau chiến dịch của Vương Dương Minh bọn quan quân nhà Minh đã nỗ lực cài cắm một số tù trưởng cai trị vùng này, nhưng chính các tác nhân đó lại gây ra nhiều vấn đề hơn là những thành quà đạt được. Vào năm 1579 quan quân nhà Minh lại một lần nữa phát động cuộc tấn công. Lần này hơn 100.000 lính tham gia chiến dịch. Tổng số 15.000 tặc đảng và gia đình chúng đã bị giết hoặc bị bắt.38  

Chắc chắn Trung Quốc thời Minh là một đất nước bạo lực. Trong khi có nhiều nguyên do cho tình trạng bạo lực đặc hữu nơi biên cương phía nam này thì rõ ràng là niềm tin của nhiều sĩ phu triều Minh về tính ưu trội của văn minh “Hoa Hạ” đã thực sự hạn chế các lựa chọn giải pháp của bọn đó. Trong khi Khâu Tuấn thiên về chính sách biệt phái và mong khôi phục cái mà ông ta cho là hành xử của các thánh đế xưa, trong đó ranh giới giữa Hoa và man di đã được phân định rõ ràng thì Diêu Mạc lại nhất quyết rằng man di ở các vùng biên cương nhà Minh phải chịu sự cai trị của người Hoa Hạ để tránh các hiểm họa về sau. Ngay cả Vương Dương Minh, kẻ vốn tin rằng con người đều có chung bản tính và lương tri, không chút ngờ vực về nhu cầu cải hóa hoặc khai hóa bọn man di. Đối với ông, vấn đề không phải là liệu có cần khai hóa bọn man di hay không, mà là khai hóa bọn đó như thế nào. Nhưng hệt như người phải cẩn trọng để không nhất thiết phải hợp nhất lối nói khoa trương của các sĩ phu nhà Minh với hành động của bọn họ thì người đó cần phải lưu tâm, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc quân chủ, đến quyền năng của chính lối nói đó. Trong khi việc khẳng định tính ưu trội về lối sống của mình có thể là một sức mạnh hợp nhất – một cái gì đó mà chúng ta có thể quan sát được một cách sống động trong thời đại của mình – thì việc chấp nhận một cách không phê phán các tín điều nào đó có thể dễ dàng làm cho ta trở nên mù lòa không thể nhận ra được các giải pháp khác nhau.
________________________________

ND*: Người dịch chú

Tác giả: Phó Giáo sư Lịch sử và Nghiên cứu Châu Á, Đại học British Columbia, Hoa Kỳ. Ông sinh ra tại Hồng Kông, tốt nghiệp cử nhân Hóa học năm 1989, và có học vị Tiến sĩ về Đông Á Học năm 1999 tại Đại học Princeton.  

Nguồn: The Last Campaigns of Wang Yangming, Brill, Leiden, 2006 T’oung Pao XCII.

Chú thích

1. Vương Dương Minh, 八寨斷藤峽捷音疏 Bát Trại Đoạn Đằng hạp tiệp âm sớ [Tấu sớ về các trận thắng tại Bát Trại và Đoạn Đằng], trong 陽明全書 Dương Minh toàn thư (1572), Sibu beiyao ed. (repr., Đài Bắc: Trung Hoa Thư cục, 1985), 15:6b-14a (từ đây viết tắt là YMQS); về số quân lính, xem 15:6b- 7a, 8a; về số thương vong, xem 15:11a; trích dẫn, xem 15:12b.

2. Kể cả bài vị của Vương Dương Minh trong 先師廟 Tiên sư miếu, xem 申時行 Thân Thời Hành (1535-1614) et al., eds., 明會典 Minh hội điển (1587; Bắc Kinh, Trung Hoa Thư cục, 1989), 91.520-21. Để biết thêm về bối cảnh trí thức và chính trị thời này, xem Hunglam Chu, “The Debate over Recognition of Wang Yang-ming,” Harvard Journal of Asiatic Studies 48, no. 1 (1988): 47-70. Để biết tiểu sử chính xác của Vương Dương Minh, xem Trần Vinh Tiệp “Wang Shou-jen,” in Dictionary of Ming Biography, 1368-1644, ed. L. Carrington Goodrich and Chaoying Fang (New York: Columbia University Press, 1976), 1408-16. Để biết được người mở đường nghiên cứu ít phê phán về Vương Dương Minh, xem Yü-chüan Chang, Wang Shou-jen as a Statesman (1940; repr., Arlington, VA: University Publications of America, 1975). Để biết các nghiên cứu mới đây thảo luận về tư tưởng và công nghiệp chính trị của Vương, xem 張祥浩 Trương Tường Hạo, 王守仁評傳 Vương Thủ Nhân bình truyền  ([Nanjing]: Nam Kinh Đại học Xuất bản xã, 1997). Để biết các cuộc điền dã của Vương đến vùng đèo biên cương, xem 錢德洪 Tiền Đức Hồng (1496-1574), comp., 年譜 Niên phổ [Chronological biography], in YMQS, 32:2b. Để biết thêm về các tấu sở của Vương, xem 陳言邊務疏 Trần Ngôn biên vụ sớ, trong YMQS, 9:1-9a; về bản dịch, xem Wang Yang-ming [Wang Yangming], Instructions for Practical Living and Other Neo-Confucian Writings by Wang Yang-ming, trans. Wing-tsit Chan (New York: Columbia University Press, 1963), 284-92; Chang, Statesman, 169-84. Để khảo cứu them về sự dính líu của Vương vào các vấn đề biên cương, xem Taniguchi Fusao 谷口房男, Cốc khẩu Phòng nam 王守仁と少数民族 Vương Thủ Nhân nhi thiểu số dân tộc, trong 華南民族史研究 Hoa Nam dân tộc sử nghiên cứu (Tokyo: Ryokuin shobu, 1997), 211-30. Để biết thêm về cuộc bạo loạn của Zhu Chenhao, xem James Geiss, “The Cheng-te Reign, 1506-1521,” in The Cambridge History of China, vol. 7, The Ming Dynasty, 1368-1644, Part 1, ed. Frederick W. Mote and Denis Twitchett (Cambridge: Cambridge University Press, 1988), 423-30.

3 Để có thêm nhận xét của Philip Ivanhoe, xem Ethics in the Confucian Tradition:The Thought of Mengzi and Wang Yangming, 2nd ed. (Indianapolis: Hackett, 2002), xiv. Để biết hai quan điểm giữa triết học đạo đức và triết học chính trị của Vương, xem 蕭公權 Tiêu Công Quyền, 中國政治思想史 Trung Quốc chính trị tư tưởng sử, (Taipei: Lianjing, 1982), 600-606; 徐復觀 Từ Phục Quan, 政治家としての王陽明 Chính trị gia chính như Vương Dương Minh, trong 陽明学の世界 Dương Minh học tại thế giới, Chủ biên Okada Takehiko 岡田武彦 Cương điền Vũ ngạn (Tokyo: Meitoku Shuppansha, 1986), 216-34. Để biết Vương Dương Minh là một kẻ thù của người dân, xem chẳng hạn 楊成志 Dương Thành Sỹ: 王陽明與少數民族 Vương Dương Minh dữ thiểu số dân tộc, 廣西民族研究 Quảng Tây Dân tộc Nghiên cứu, 1985, số 1:1-6; 楊世璐 Dương Thế Lộ, 王守仁對廣西少數民族的剿撫述評 Vương Thủ Nhân đối Quảng Tây thiểu số dân tộc đích tiễu phủ thuật bình, Quảng Tây Dân tộc Nghiên cứu, 1985, no. 2:28-34. Một số nguồn tư liệu khẳng định rằng Vương được bổ nhiệm đến Quảng Tây theo đề xuất của Thượng thư đầy quyền lực 桂萼 Quế Ngạc (chết năm 1531) Quế hy vọng lợi dụng tình hình biến loạn tại An Nam, nay là Bắc Việt Nam để tái chiếm lãnh thổ này. Nhưng có vẻ như Vương không bao giờ có ý định thực hiện mong muốn của vị Thượng thư đó; xem 田汝成 Điền Nhữ Thành (jinshi 1526), 炎徼紀聞 Viêm kiếu kỷ văn (pref. 1558), 嘉業堂叢書 Gia nghiệp đường tùng thư ed., 1:9a; 張廷玉 Trương Đình Ngọc (1672-1755) et al., eds., 明史 Minh sử (1739; Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1974), 195.5167. Đối với vấn đề liên quan đến việc sử dụng các nhãn hiệu, xem Leo K. Shin, The Making of the Chinese State: Ethnicity and Expansion on the Ming Borderlands (Cambridge: Cambridge University Press, 2006), esp. chap. 1.

4. Về lịch sử thể chế thổ ty, có thể xem một số công trình mới xuất bản trong những năm gần đây, chẳng hạn, 吳永章 Ngô Vĩnh Chương, 中國土司制度淵源與發展史 Trung Quốc thổ ti chế độ uyên nguyên dữ phát triển sử (Thành Đô: Tứ Xuyên Dân tộc Xuất bản xã, 1988); 龔蔭 Cung Ấm, 中國土司制度 Trung Quốc Thổ ty chế độ (Côn Minh: Vân Nam Dân tộc Xuất bản xã, 1992). Về thực tiễn chế độ thổ ty dưới triều Minh, xem Shin, Making of the Chinese State, chap. 3. Để có danh sách đầy đủ về các thổ ty ở Quảng Tây, xem Cung Ấm, Trung Quốc Thổ ty chế độ, 997-1158.

5. Để biết thêm về bạo loạn ở Điền Châu, xem Minh sử, 318.8244-54; có thêm thảo luận, xem Shin, Making of the Chinese State, chương 3.

6. Để biết rõ về cuộc chiến chống Sầm Mãnh, xem Tian Rucheng, Yanjiao jiwen, 1:1-9a; phần thảo luận kỹ, xem Taniguchi Fusao, 思恩田州叛乱始末記 Tư Ân Điền Châu bạn loạn thủy mạt kí, 163-89. Để biết việc bổ nhiệm Vương Dương Minh, xem 明實錄 Minh Thực lục (1418-mid-17th century; repr., Taipei: Trung ương Nghiên cứu viện Lịch sử, 1961-66), 世宗實錄 Thế tông Thực lục, 76.1697, 77.1709-10, 78.1741-42. Để biết về bối cảnh chính trị của việc bổ nhiệm, xem Timothy Brook, “What Happens When Wang Yangming Crosses the Border,” in The Chinese State at the Border, ed. Diana Lary (Vancouver, University of British Columbia, forthcoming). Để biết thêm về các tấu sớ của Vương Dương Minh, xem 辭免重任乞恩養病疏 Từ miễn trọng nhậm khất ân dưỡng bệnh sớ, YMQS, 14:1-2a.

7. 赴任謝恩遂陳膚見疏 Phó nhậm tạ ân toại trần phu kiến sớ, trong YMQS, 14:2-5a; trích dẫn, xem 14:2b.

8. Ibid.; trích dẫn, xem 14:3b.

9. 奏報田州思恩平復疏 Tấu báo Điền Châu Tư Ân bình phục sớ, YMQS, 14:5b-12, esp. 8-10a. Các lý lẽ của Vương ở đây là do nhớ lại 歐陽修 Âu Dương Tu (1007-72) liên quan đến cái gọi là các tặc đảng man ở Hồ Nam; xem 歐陽文忠公文集 Âu Dương văn trung công văn tập, Sibu congkan chubian suoben ed., 105.811-12.

10. “Zoubao Tianzhou Sien pingfu shu,” esp. 5b-7a, 10b-11. Chi tiết về cuộc thương thảo, xem Tian Rucheng, Yanjiao jiwen, 1:3b-4a.

11. 處置平復地方以圖久安疏 xử trí bình phục địa phương dĩ đồ cửu an sớ,  YMQS, 14:14-23a; phần trích dẫn, xem 14:14b.

12. Ibid., esp. 14:15b-23a. Một nguyên do khiến Vương Dương Minh quyết định cài dòng dõi họ Sầm làm thổ ty Điền Châu, theo một giải thích sau này là để ngăn cản Lư Tô và Vương Thụ thâu tóm quá nhiều quyền lực; xem 唐順之 Đường Thuận Chi (1507-60), 廣右戰功錄 Quảng hữu chiến công lục, bản chép tay năm 1559), Baibu congshu jicheng ed., ye 5.

13 Về quyết định của Vương phát động các chiến dịch chống Dao tặc, xem 征勦稔惡猺賊疏 Chinh tiễu nhẫm ác Dao tặc sớ, trong YMQS, 15:1-2. Xem them diễn giải về bạo loạn tại vùng đèo Đoạn Đằng trong Tian Rucheng, Yanjiao jiwen, 2:1-19a. Để có tư liệu và nhận định mới, xem chẳng hạn 高言弘 Cao Ngôn Hoằng và 姚舜安 Diêu Thuấn An, 明代廣西 農民起義史 Minh đại Quảng Tây nông dân khởi nghĩa sử (Nanning: Quảng Tây Dân tộc Xuất bản xã, 1984), 19-51; 張益桂 Trương Ích Quế và 徐碩如 Từ Thạc Như, 明代廣西農民起義史稿 Minh đại Quảng Tây nông dân khởi nghĩa sử cảo (Nanning: Quảng Tây Dân tộc Xuất bản xã, 1988, 78-100. Để biết thêm về cuộc chiến năm 1465-66, xem Frederick W. Mote, “Các triều đại Thành Hóa và Hoằng Trị, 1465-1505,” in The Cambridge History of China, 377-80.

14 Để biết thêm về các lý giải bạo loạn tại Bát Trại, xem 蘇濬 Tô Tuấn (1541-99), ed., 廣西通志 Quảng Tây Thông chí (1599; repr., Taipei: Xuesheng shuju, n.d.), 33:42-44. Có thể xem thêm các nghiên cứu mới đây như, 明代廣西 農民起義史 Minh đại Quảng Tây nông dân khởi nghĩa sử (Nanning: Quảng Tây Dân tộc Xuất bản xã, 1984), 19-51; 張益桂 Trương Ích Quế và 徐碩如 Từ Thạc Như, 明代廣西農民起義史稿 Minh đại Quảng Tây nông dân khởi nghĩa sử cảo (Nanning: Quảng Tây Dân tộc Xuất bản xã, 1988, 78-100.

15. “Zhengjiao ren’e Yao zei shu,” 15:1-2; phần trích dẫn, xem 15:1. Mặc dù cũng có một số báo cáo chính thức, nhưng dường như các đại diện của nhà nước Trung ương thường đổ lỗi cho tình trạng bạo loạn tại Quảng Tây là do cái gọi là Dao tặc đảng; xem Shin, Making of the Chinese State, chương 4.

16. Ibid.

17. “Bazhai Duanteng xia jieyin shu,” 15:6b-14a, esp. 6b-9b.

18. Ibid., esp. 9b-14a.

19. 處置八寨斷藤峽以圖永安疏 xử trí Bát Trại Đoạn Đằng hạp dĩ đồ vĩnh an sớ, trong YMQS, 15:14b-20.

20. Tian Rucheng (Yanjiao jiwen, 1:8b), nhiều tác giả triều Minh lặp lại rằng Vương Dương Minh hối tiếc vì chiến lược Điền Châu. Nhưng vì chúng ta không có bất cứ chứng cứ độc lập nào để nói rằng ông đã khẳng định như vậy, nên việc giải thích về khẳng định này là chưa chắc chắn.

21. Để có được một kiến thức nhập môn về triết học đạo đức của Vương Dương Minh, đặc biệt là so với triết học đạo đức của Mạnh tử, xem Ivanhoe, Ethics. Để biết thêm so sánh của Vương về tính khí của man di với tính khí của điểu thú, xem chẳng hạn YMQS, 14:15a. Để biết them về thái độ của Vương Dương Minh đối với man di, xem Kandice Hauf, “‘Goodness Unbound’: Wang Yang-ming and the Redrawing of the Boundary of Confucianism,” in Imagining Boundaries: Changing Confucian Doctrines, Texts, and Hermeneutics, ed. Kai-wing Chow, On-cho Ng and John B. Henderson (Albany: State University of New York Press, 1999), 129-35.

22. Xem them trả lời của Vương cho Mao Hiến phó, xem 答毛憲副 Đáp Mao Hiến phó, in YMQS, 21:1b-2a. Về trải nghiệm của Vương ở Quý Châu, đặc biệt liên quan đến các mối quan hệ của ông với người dân địa phương, xem Tu Wei-ming, Neo-Confucian Thought in Action: Wang Yang-ming’s Youth (1472-1509) (Berkeley and Los Angeles: University of California Press, 1976), 129-37; 余懷彥 Dư Hoài Ngạn, ed., 王陽明與貴州文化 Vương Dương Minh dữ Quý Châu văn hóa (Guiyang: Guizhou jiaoyu chubanshe, 1996), 62-72.

23. 何陋軒記 Hà lậu hiên ký, YMQS, 23:4; Tu, Neo-Confucian Thought, 135.

24. Để biết Vương trả lời Nhiếp, xem 傳習錄 Truyền tập lục, YMQS, 2:29b-30a; về bản dịch, xem Vương Dương Minh: Instructions, 166-67.

25. Truyền tập lục, 2:11b; Wang, Instructions, 118. Đoạn phát triển thêm được các học giả gọi là 拔本塞源 bạt bản tắc nguyên, sau đoạn chính trong phần này.

26. Để biết thêm về các bình xét của Trần, xem Wang, Instructions, xxxix. Còn thực nghiệm tư tưởng của Vương, xem “Đại học vấn” trong YMQS, 26:1b; Wang, Instructions, 272.

27. Để biết thêm ẩn dụ về “mộc vị thằng”, xem YMQS, 23:4b. Bài ký Tương Miếu, xem 象祠記 Tương từ kí, trong YMQS, 23:5b-6b; để biết thêm các thảo luận, xem Đỗ, Neo-Confucian Thought, 130-31; Hauf, “‘Goodness Unbound,’” 133-35.

28. “Chuzhi pingfu difang yi tu jiu an shu,” 14:15.

29. 綏柔流賊 Tuy như lưu tặc, in YMQS, 18:20b-22b.

30. Arthur Waldron, The Great Wall of China: From History to Myth (Cambridge: Cambridge University Press, 1990), chaps. 5-9.

31. Để biết rõ về Khâu Tuấn, xem Goodrich and Fang, Dictionary of Ming Biography, 249-52. Có thể xem them Hung-lam Chu, “Ch’iu Chün (1421-1495) and the ‘Ta-Hsüeh Yen-I Pu’: Statecraft Thought in Fifteenth-Century China,” Ph.D. diss., Princeton University, 1983. Về quan điểm của Khâu trong phòng thủ biên cương, xem đoạn 馭夷狄 Ngự di địch, trong Đại học Diễn nghĩa bổ (1487; repr., Taipei: Qiu Wenzhuang gong congshu jiyin weiyuanhui, 1972), juan 143-56.

32. Khâu Tuấn, Đại học Diễn nghĩa bổ. Xem thêm 李焯然 Lý Chước Nhiên, 丘濬“大學衍義補”對明代邊防的檢討 khâu tuấn“ đại học diễn nghĩa bổ” đối minh đại biên phòng đích kiểm thảo, trong Yamane Yukio 山根幸夫教授退 休記念明代史論叢 san căn hạnh phu giáo thụ thối hưu kí niệm minh đại sử luận tùng, ed. 明代史研究会明代論叢編集委員会, minh đại sử nghiên cứu hội minh đại luận tùng biên tập ủy viên hội vol. 1 (Tokyo: Kyåko shoin, 1990), 627-44.

33. Khâu Tuấn, Đại học Diễn nghĩa bổ, 153:6-7a, 11b-13, 14b-17a; phần trích dẫn, xem 153:15b.

34. 條陳處置兵後地方疏 Điều trần xử trí binh hậu địa phương sớ, trong Diêu Mạc, 東泉文集 Đông tuyền văn tập (1547), Thư viện Trung ương Quốc gia, Đài Bắc, microfilm, 4:51-62; xem thêm 4:52b.

35. Ibid., 4:57b-58b.

36. Ibid., 4:55-57.

37. Để hiểu them về cách lý giải bạo loạn ở Điền Châu sau chiến dịch của Vương Dương Minh, xem Tian Rucheng, Yanjiao jiwen, 1:4b-8a; Su Jun, Quảng Tây Thông chí, 31:37b-40a; Minh sử, 318.8252-53.

38. Để rõ về chiến dịch đèo Đoạn Đằng năm 1538, xem Tian Rucheng, Yanjiao jiwen, 2:7b-11a. Về chiến dịch đèo Bát Trại, xem Su Jun, Quảng Tây Thông chí, 33:42-49a. Các nghiên cứu mới đây có 明代廣西 農民起義史 Minh đại Quảng Tây nông dân khởi nghĩa sử (Nanning: Quảng Tây Dân tộc Xuất bản xã, 1984), 42,47, 92, 94; 張益桂 Trương Ích Quế và 徐碩如 Từ Thạc Như, 明代廣西農民起義史稿 Minh đại Quảng Tây nông dân khởi nghĩa sử cảo (Nanning: Quảng Tây Dân tộc Xuất bản xã, 1988, 95-100, 72-77.