Powered By Blogger

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2019

Khái niệm giá trị trong kinh tế học di sản và vài gợi ý ứng dụng ở Nghệ An*


Hà Hữu Nga

David Throsby, một nhà kinh tế học văn hóa nổi tiếng cho rằng giá trị là một khái niệm cơ bản làm cơ sở cho bất kỳ đánh giá nào về tầm quan trọng hoặc tính hữu ích của di sản và di sản văn hóa. Giá trị di sản có nhiều chiều kích khác nhau. Vì vậy cần phải xác định được giá trị của di sản nhằm đưa ra các quyết định hợp lý, đặc biệt là cho khu vực công. Cần phải xem xét một số khác biệt cơ bản giữa các loại giá trị khác nhau có liên quan đến di sản, nhất là giá trị cá nhân so với giá trị tập thể và giá trị riêng so với giá trị chung. Cần phải phân biệt rõ ràng giữa những giá trị được bao gồm trong một bản phân tích kinh tế về di sản và những giá trị có thể nằm ngoài các tính toán tài chính nghiêm ngặt (Throsby, David 2007).

1. Các khái niệm giá trị trong kinh tế học di sản

Phân tích kinh tế có thể trợ giúp đắc lực cho việc đánh giá giá trị của các dự án liên quan đến di sản. Tuy nhiên có một thông lệ phổ biến là các chuyên gia di sản có xu hướng coi các nhà kinh tế là vô cảm và quá tập trung vào việc đo lường tài chính mà thường coi nhẹ ý nghĩa văn hóa thực sự của các tài sản di sản. Nhưng trong thực tế, việc định giá di sản và đánh giá kinh tế về các dự án liên quan đến di sản lại đóng góp to lớn cho việc ra quyết định về lĩnh vực này. Về vấn đề kinh tế học di sản và giá trị di sản, có lẽ khái niệm cơ bản nhất có liên quan chính là giá trị, vì suy cho cùng thì tầm quan trọng, ý nghĩa của một hạng mục di sản chính là giá trị di sản. Khi đề cập đến giá trị trong kinh tế học di sản, người ta đặc biệt lưu ý: i) Phân biệt giữa giá trị cá nhân và giá trị tập thể; ii) Phân biệt giữa giá trị tư nhân giá trị công cộng; iii) Phân biệt giữa giá trị kinh tế và giá trị văn hóa, liên quan đến việc xem xét giá trị của vô số sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ văn hóa (Hutter và Throsby, 2008).

1.1. Giá trị và các khái niệm liên quan

1.1.1. Giá trị: Trong kinh tế học, khái niệm giá trị có một lịch sử lâu dài, chí ít là t Adam Smith, giá trị đã, đang và sẽ còn là một vấn đề gây tranh cãi đáng kể. Tuy nhiên, mô hình chi phối của Kinh tế học Tân cổ điển tuyên bố đã giải quyết được câu hỏi, bằng cách xác định giá trị khá rõ ràng xuất phát từ tiện ích cá nhân. Trong một thế giới theo trào lưu Tân cổ điển với hầu hết những người tiêu dùng tối đa hóa tiện ích, thì giá trị phát sinh thông qua các quá trình trao đổi trong các thị trường hoạt động hoàn hảo. Ngay cả khi thị trường thất bại, như trong trường hợp điển hình về hàng hóa công cộng, thì chính việc sẵn sàng chi tiền (WTP - willingness to pay) của cá nhân người tiêu dùng đã thể hiện rất rõ giá trị của hàng hóa đang được nói đến. Vì vậy, đề cập đến giá trị kinh tế của di sản theo mô hình này, chính là đề cập đến các loại giá trị mà các cá nhân nhận ra và sẵn sàng trả tiền bằng cách này hay cách khác. Các hạng mục giá trị di sản có thể được phân loại theo khuôn khổ này đã được thể hiện rất rõ ràng và được phổ biến rộng rãi trong các văn liệu kinh tế học di sản (Rizzo và Throsby, 2006). Các hạng mục tương ứng với những cách thức trải nghiêm di sản của các cá nhân, kể cả bằng cách tiêu thụ trực tiếp hoặc sử dụng trực tiếp, hay bằng các phương tiện gián tiếp thông qua việc không sử dụng, như một ngoại ứng hữu ích, hoặc ngoại ứng dương.

1.1.2. Giá trị sử dụng: Trong kinh tế học di sản, đây là loại giá trị mà các cá nhân, hộ gia đình hoặc doanh nghiệp nhận được thông qua việc tiêu thụ trực tiếp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ di sản. Các giá trị này được phản ánh trong các quy trình thị trường và có thể quan sát được, ví dụ, trong giá trị thực tế cho thuê hoặc được cho là thuộc các công trình di sản sử dụng làm nhà ở hoặc cơ sở thương mại. Giá trị sử dụng trực tiếp của di sản cũng được dành cho khách du lịch đến thăm các di sản; có thể được đo bằng phí vào cửa, hoặc bằng các giá trị thặng dư của người tiêu dùng được ước tính bằng các phương pháp như phân tích chi phí đi lại (Throsby, David 2007). Khi đánh giá giá trị sử dụng trực tiếp đặc biệt liên quan đến chất lượng di sản của một công trình lịch sử được sử dụng cho mục đích thương mại, thì giá trị di sản trên thực tế là giá trị biên. Khi mua một sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, kể cả hàng hóa dịch vụ từ các di sản, trước hết người tiêu dùng quan tâm đến lợi ích, tính hữu dụng, hay nói chính xác là giá trị sử dụng mà người tiêu dùng kỳ vọng có được khi sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Chính công dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tạo nên giá trị sử dụng, và bản thân giá trị sử dụng phụ thuộc vào công dụng của nó. Tuy nhiên kinh tế học hiện đại lại cho rằng ngoài thuộc tính công dụng còn nhiều yếu tố khác tạo nên giá trị sử dụng của sản phẩm (Friedman, David 1990). Trong khi đó, giá trị sử dụng chính là sự cảm nhận của một cá nhân về sự thỏa mãn nhu cầu và sự thích thú của mình thông qua việc sử dụng một sản phẩm vật chất hay một dịch vụ. Thuộc tính thụ cảm bởi người tiêu dùng là một bộ phận quan trọng cấu thành nên giá trị sử dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra giá trị sử dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lượng cung so với cầu, sức mua, sự sẵn sàng chi trả. Đối với các công trình di sản có thể có giá trị cho thuê nhất định với tư cách không gian thương mại. Giá trị cho thuê của các công trình như vậy có thể cao hơn nếu mọi người thích sống trong các công trình di sản hoặc làm việc trong một khu vực đã được xếp hạng di sản; hoặc cũng có thể thấp hơn, nếu như công trình trở nên bất tiện vì thiết kế hoặc/ và tiện nghi cổ xưa của nó. Nhìn chung, thị trường cho thấy rằng các loại giá trị sử dụng trực tiếp này là tích cực, khi các nghiên cứu về tác động của việc xếp hạng di sản đối với giá nhà đất hoặc các công trình khác chủ yếu cho thấy ưu thế tích cực của nó (Deodhar, 2007). Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì các tài sản di sản nói chung đòi hỏi những người làm dịch vụ di sản phải tạo ra giá trị thông qua việc tăng giá mua hoặc cho thuê các tài sản đó.

1.1.3. Giá trị không sử dụng: Khía cạnh thứ hai của việc định giá cá nhân là giá trị không sử dụng hoặc giá trị sử dụng thụ động mà các cá nhân trải nghiệm nhưng không được phản ánh trong các quy trình thị trường vì chúng có nguồn gốc từ các thuộc tính của di sản văn hóa, mà các thuộc tính đó có thể phân loại là các loại hàng hóa công không có đối thủ và không thể loại trừ. ba loại giá trị sử dụng thụ động, liên quan giống nhau với di sản, đó là: i) Giá trị tồn tại: các cá nhân luôn coi di sản là giá trị, đơn giản vì nó tồn tại; ii) Giá trị lựa chọn: các cá nhân luôn mong muốn giữ cho các hạng mục di sản được đmở cho sự lựa chọn mà họ có thể được tiêu thụ các dịch vụ của chúng trong tương lai; và iii) Giá trị để lại: các cá nhân mong muốn truyền lại các tài sản di sản cho các thế hệ tương lai. Tất cả các nguồn giá trị này làm phát sinh nhu cầu bảo tồn di sản có thể được thể hiện bằng việc các cá nhân sẵn sàng chi tiền (WTP) cho các hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ di sản. Các phương pháp tốt nhất đã được phát triển để đo lường mức độ sẵn sàng chi trả, bao gồm phương pháp định giá ngẫu nhiên (CVM - contingent valuation method) và mô hình lựa chọn (Louviere Jordan J, Flynn Terry N., Carson Richard T., 2010). Lý do khiến cho các kỹ thuật này dễ dàng áp dụng cho kinh tế học di sản chính là xuất phát từ sự tương đồng giữa các khái niệm về vốn tự nhiên và vốn văn hóa. Vốn tự nhiên bao gồm tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học, trong khi vốn văn hóa theo nghĩa kinh tế học, được tạo thành từ các tài sản văn hóa, cả hữu hình và vô hình, các “hệ sinh thái hay mạng văn hóa, và tính đa dạng văn hóa (Throsby, 2003). Do đó, các kỹ thuật định giá kinh tế về lợi ích được tạo ra từ vốn tự nhiên có thể được chuyển trực tiếp sang vốn văn hóa, như có thể thấy trong số lượng ứng dụng phương pháp định giá ngẫu nhiên ngày càng tăng đối với di sản văn hóa (Navrud và Ready, 2002).

1.1.4. Giá trị tập thể: Theo David Throsby, trong trường hợp di sản, người ta có thể đặt vấn đề: Liệu tồn tại những lợi ích chung của di sản vốn không thể tính được cho các cá nhân mà vẫn quan trọng đối với việc ra quyết định không? Trong thực tế còn có một vấn đề quan trọng khác, đó chính là xã hội. Giá trị văn hóa là một khái niệm đa diện phản ánh các phẩm chất như giá trị thẩm mỹ, giá trị biểu tượng, giá trị tinh thần hoặc lịch sử gắn liền với một hạng mục di sản cụ thể. Tất nhiên những phẩm chất như vậy có thể ảnh hưởng đến việc định giá riêng đối với các loại tài sản được đề cập và sẽ được phản ánh trong bất kỳ phân tích kinh tế nào. Nhưng vẫn còn một hàm nghĩa trong đó một số giá trị như vậy chỉ có thể được thực hiện đầy đủ trong khuôn khổ tập thể, và không thể được thể hiện một cách hợp lý trong các định giá riêng về tiền tệ (Throsby, David 2007). Chẳng hạn, khái niệm bản sắc: chúng ta cho rằng di sản văn hóa Nghệ An rất quan trọng vì nó thể hiện bản sắc Nghệ An, nó kể những câu chuyện của Nghệ An chúng ta, nó giúp xác định chúng tangười Nghệ. Nhưng lại không dễ chuyển dịch giá trị này thành hành động sẵn sàng chi tiền (WTP); thực sự rất khó tìm được cách thể hiện giá trị của bản sắc về phương diện tài chính. Tuy nhiên, bản sắc lại chính là một cái gì đó có giá trị cho xã hội nói chung và ảnh hưởng rõ ràng đến việc ra quyết định liên quan đến di sản văn hóa (Throsby, David 2007). Trong thực tế chính là di sản đóng góp cho loại giá trị văn hóa này, cho nên cần phải đưa giá trị đó vào các bài toán phân tích chi phí-lợi ích (CBA: Cost-benefit Analysis) của một dự án di sản nhất định. Theo cách này, có thể làmviệc trả giá văn hóa để đạt được kết quả kinh tế mong muốn hoặc ngược lại, phải trả giá kinh tế cần thiết để đạt được kết quả văn hóa mong muốn (Throsby, 2003).

1.1.5. Giá trị tư nhân/ công cộng: Còn một khác biệt cơ bản rất quan trọng trong việc xem xét giá trị của di sản văn hóa là sự khác biệt giữa giá trị tư nhân và giá trị công cộng, hoặc giữa lợi ích riêng và lợi ích chung. Đồng thời việc xếp hạng di sản cũng ảnh hưởng to lớn đến giá trị công cộng; thực ra ý định thiết yếu của quá trình xếp hạng di sản là để bảo vệ lợi ích phi thị trường, hoặc giá trị của các hạng mục di sản công chúng đã trải nghiệm hoặc thụ hưởng nói chung. Thực chất của vấn đề ở đây chính câu hỏi về phân phối: Ai hưởng lợi,Ai trả tiền? Một lần nữa cho thấy rõ ràng phương pháp phân tích chi phí - lợi ích là phương pháp thích hợp có thể sử dụng để đánh giá các chi phí bỏ ra và các lợi ích thu về (Throsby, David 2007). Sự phân biệt giá trị tư nhân/ công cộng được ghi nhận trong lĩnh vực thẩm định đầu tư rộng hơn, trong đó sự khác biệt giữa việc phân tích chi phí - lợi ích tư nhân và xã hội có thể được nhận thức rất rõ. Việc phân tích chi phí - lợi ích xã hội của cùng một dự án sẽ điều chỉnh phân tích tư nhân thành: i) Tài khoản thuế và chuyển nhượng; ii) Sử dụng giá bóng1, không phải giá thị trường; iii) Sử dụng tỷ lệ chiết khấu thấp hơn, phản ánh tỷ lệ ưu tiên thời gian xã hội; iv) Bao gồm tất cả các hiệu ứng phi thị trường (hàng hóa công cộng, các ngoại ứng); và v) Thừa nhận bất kỳ giá trị văn hóa hoặc lợi ích tập thể nào không được tính đến. Đối với các mục đích chính sách công, việc đánh giá giá trị xã hội phải hướng dẫn các quá trình hình thành và thực thi chính sách, vì đó chính là các công cụ của chính phủ ở tất cả các cấp trung ương, vùng, tỉnh, huyệnxã, với tư cách là người bảo vệ lợi ích công cộng.

1.1.6. Giá trị biên: Do giá trị sử dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cung so với cầu, sức mua, mức độ sẵn sàng chi trả (WTP), cho nên việc tăng khối lượng tiêu thụ một sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ  trong một thời điểm nào đó thì những khoái cảm và lợi ích đối với người tiêu thụ sẽ giảm dần cho đến một giới hạn giá trị sử dụng được giả định sẽ bằng không. Đối với kinh tế học di sản, giả sử người ta có 5 tour tham quan một di sản nhất định nào đó, mỗi tour sẽ mang lại cho người tiêu dùng là 4 đơn vị giá trị sử dụng; nếu 5 tour này phục vụ cho một người tiêu dùng, thì ta giả định kết quả là: thưởng thức tour thứ nhất, người tiêu dùng thu được giá trị là 4; đến tour thứ hai giá trị người tiêu dùng thu dược sẽ nhỏ hơn quả thứ nhất vì thích thú của họ giảm đi; cứ như vậy đến tour thứ 3, 4, 5, giá trị thu được sẽ càng nhỏ dần (Freeman, M. A. Herriges, J.A. & Kling, C.L. 2014).

Tương quan giữa Lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ - Tổng giá trị - Giá trị biên
Số tour trong di sản
Tổng giá trị
Giá trị biên
Tour 1
4
4
Tour 2
7
3
Tour 3
9
2
Tour 4
10
1
Tour 5
10
0

Giá trị biên là phần tăng thêm giá trị sử dụng của một sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khi tiêu thụ vượt qua ngưỡng cầu, khi lượng tiêu thụ càng vượt xa ngưỡng cầu thì giá trị biên của sản phẩm càng giảm xuống cho đến khi bằng 0. Đối với kinh tế di sản khái niệm giá trị biên cần được tính toán cẩn thận: i) Khi một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh tế di sản đưa hàng hóa, dịch vụ vào tiêu thụ trong một khu vực nào đó cần phải dự báo kỹ về khả năng cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp khác và còn phải tính toán mức cầu hàng hóa, dịch vụ trong một thời hạn nhất định để tránh tình trạng ứ đọng vốn do số hàng hóa, dịch vụ vượt quá ngưỡng cầu, sẽ xuất hiện giá trị sử dụng biên, làm giảm lợi ích của sản phẩm; ii) Bên cạnh đó, việc quảng bá hàng hóa, dịch vụ nhằm lôi kéo sự chú ý của khách hàng cũng phải tính toán đến giá trị biên; cần trưng bày sao cho không gây ra hiện tượng giá trị biên nhằm tránh làm giảm sự hấp dẫn đối với người tiêu dùng (Friedman, David 1990).

2. Ngoại ứng và chi phí trong kinh tế học di sản

2.1. Khái niệm ngoại ứng: Ngoại ứng (hay ngoại tác) là một thuật ngữ kinh tế đề cập đến chi phí hoặc lợi ích phát sinh hoặc thụ nhận bởi bên thứ ba. Tuy nhiên, bên thứ ba không kiểm soát việc tạo ra chi phí hoặc lợi ích đó. Một ngoại ứng có thể là tích cực hoặc tiêu cực, và có thể xuất phát từ việc sản xuất hoặc tiêu thụ hàng hóa hoặc dịch vụ. Một ngoại ứng có thể không ảnh hưởng đến cái thực thể gây ra chính ngoại ứng đó (Barnett, A. H.; Yandle, Bruce 2009). Ô nhiễm phát ra từ một nhà máy làm bẩn môi trường xung quanh và ảnh hưởng đến sức khỏe của cư dân, góp phần hủy hoại di sản gần đó là một ngoại ứng tiêu cực. Tác động của lực lượng lao động được đào tạo tốt đối với chất lượng của các hàng hóa, dịch vụ di sản là một ví dụ về một ngoại ứng tích cực (Robert H. Frank 2003). Ngoại ứng tạo ra từ giá trị di sản là ngoại ứng tích cực, đây là loại giá trị di sản văn hóa mà các cá nhân trải nghiệm có phần khác biệt so với các loại trên, mặc dù nó đòi hỏi cả đặc trưng sử dụng và không sử dụng. Điều đó xuất phát từ thực tế là di sản có thể tạo ra sức lan tỏa tích cực. Một công trình hoặc địa điểm di sản, chẳng hạn, có thể làm phát sinh một ngoại ứng hữu ích nếu người đến thăm hoặc thậm chí chỉ qua đường được những cảm xúc tích cực từ việc quan sát các phẩm chất thẩm mỹ hoặc lịch sử của nó (Buchanan, James & Craig Stubblebine 1962). Ví dụ, những người dù là hàng ngày đi làm qua di tích Đền Cuông, xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An - là nơi tương truyền An Dương Vương đã tự vẫn sau khi giết chết con gái yêu Mỵ Châu - không khỏi trào dâng lòng thương cảm, nỗi đau sót bởi cảnh nước mất nhà tan mà cha con An Dương Vương đã phải hứng chịu. Chính những lan tỏa tình cảm tích cực ấy vẫn là một giá trị di sản tiềm tàng to lớn và có thể được xác định; chính giá trị ấy là để dành cho mọi cá nhân đến thăm viếng, hoặc chỉ đi ngang qua di tích này (Robert H. Frank 2003).

2.2. Ngoại ứng và chi phí: c ngoại ứng bao gồm cả tiêu cực và tích cực, các ngoại ứng làm tăng tổng chi phí cho nền kinh tế và xã hội làm cho nó trở thành các ngoại ứng tiêu cực. Các ngoại ứng trở thành tiêu cực khi các chi phí xã hội lớn hơn chi phí tư nhân. Một số ngoại ứng là tích cực khi đạt được lợi ích tích cực ở cả cấp độ tư nhân và cấp độ xã hội. Nghiên cứu và phát triển (R&D) được các công ty thực hiện có thể là một ngoại ứng tích cực. R&D làm tăng lợi nhuận tư nhân của một công ty nhưng cũng mang lại thêm lợi ích là làm tăng mức độ hiểu biết chung cho xã hội. Tương tự, sự nhấn mạnh vào giáo dục cũng là một ngoại ứng tích cực. Các công ty được hưởng lợi từ việc thuê được các nhân viên có trình độ giáo dục tốt bởi vì họ có nhiều kiến ​​thức và kỹ năng hơn. Một ngoại ứng là một chi phí hoặc lợi ích cho bên thứ ba, vốn là bên không kiểm soát được các khoản chi phí hoặc lợi ích đó được tạo ra như thế nào. Ngoại ứng có thể là tích cực hoặc tiêu cực và có thể phát sinh từ việc sản xuất hoặc tiêu thụ hàng hóa hoặc dịch vụ. Ô nhiễm là một ngoại ứng tiêu cực phổ biến, gây ra các khoản chi phí ảnh hưởng đến toàn xã hội. Thuế là một cách để khắc phục các ngoại ứng tiêu cực (Varian, Hal 1994).

3. Phân tích chi phí – lợi ích trong đo lường giá trị kinh tế học di sản

3.1. Vai trò của phân tích chi phí – lợi ích trong đo lường giá trị kinh tế học di sản

Phân tích chi phí - lợi ích có thể đóng một vai trò hữu ích trong bảo tồn di sản bằng cách giúp: i) Tìm kiếm và đánh giá một cách có hệ thống các chi phí và lợi ích của việc kiểm kê các địa điểm di sản tiềm năng, mang lại lợi ích cho cộng đồng; ii) Thừa nhận rõ ràng việc cần phải các chi phí đáng kể cung cấp cho các di sản thuộc sở hữu tư nhân vì lợi ích cộng đồng; và iii) Ưu tiên danh mục đầu tư của các địa điểm di sản nào mang lại cho cộng đồng những kết quả mà cộng đồng tìm kiếm và sẵn sàng chi trả; iv) Giúp những người có trách nhiệm cân nhắc trước khi ra các quyết định liên quan đến di sản; v) Giúp định lượng tác động của các đề xuất chính sách đối với các nhóm khác nhau trong xã hội. Phân tích chi phí - lợi ích rất hữu ích trong việc ứng dụng cho phát triển kinh tế di sản, vì nó: i) Thúc đẩy tính minh bạch; ii) Duy trì quan điểm lợi ích toàn cộng đồng; iii) Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh; và iv) Lấy phân tích chi phí – lợi ích làm cơ sở chọn lựa các đề xuất và các chính sách khi chọn lựa thực hiện các hạng mục liên quan đến kinh tế di sản (Bogaards, Rod 2007).

3.2. Các bước phân tích chi phí – lợi ích

Việc phân tích chi phí - lợi ích có thể được thực hiện theo các bước sau: i) Xác định rõ việc lựa chọn chính sách và đề xuất thích hợp để giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh tế di sản; ii) Xác định tất cả các chi phí và lợi ích có liên quan của từng lựa chọn chính sách và đề xuất thuộc các hạng mục kinh tế di sản; iii) Đo lường các chi phí và lợi ích của từng lựa chọn chính sách và đề xuất một cách chính xác bằng tiền; iv) Lựa chọn các phương pháp đo lường từ các bằng chứng, dữ liệu đáng tin cậy, tốt nhất là từ các thị trường; v) Chiết khấu các chi phí và lợi ích trong tương lai theo vị trí của chúng một cách đúng lúc; vi) Phân tích độ nhạy2 khi có sự không chắc chắn về các tác động dự đoán; vii) Cung cấp các số liệu cuối cùng về chi phí ròng hoặc lợi ích ròng cho từng lựa chọn đề xuất, chính sách, bằng cách sử dụng các thông tin được xử lý dựa trên các dữ liệu chính xác, và viii) Thực hiện việc xếp hạng các lựa chọn chính sách và đề xuất liên quan đến việc thực hiện các hạng mục kinh tế di sản địa phương (Cowen 1998).

4. Một số gợi ý ứng dụng khái niệm giá trị trong thực hành kinh tế di sản ở Nghệ An

4.1. Phát triển kinh tế di sản trên nền tảng hệ giá trị chung của di sản văn hóa xứ Nghệ, bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh: Kinh tế học di sản nghiên cứu những lợi ích hoặc giá trị mà kinh tế di sản tạo ra, đó là các giá trị sử dụng và giá trị không sử dụng. Giá trị sử dụng là những lợi ích thu được từ việc sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp một di sản; chúng bao gồm: i) lợi ích tài chính; ii) các đặc trưng thẩm mỹ; iii) cải thiện hình ảnh cộng đồng; iv) cơ hội sử dụng một địa điểm di sản hoặc một mạng địa điểm di sản cho mục đích sinh sống, thương mại, du lịch, giải trí hoặc các mục đích xã hội. Các giá trị phi sử dụng là những lợi ích vô hình liên quan đến việc bảo tồn di sản (Hà Hữu Nga 2017, tr. 32-37). Đó là: i) Giá trị tồn tại: lợi ích liên quan đến tri ​​thức một địa điểm di sản đã được bảo tồn, ngay cả khi người tiêu dùng không tự mình đến thăm; ii) Giá trị lựa chọn: những lợi ích thu được từ việc có quyền lựa chọn vào thăm một địa điểm di sản; iii) Giá trị thừa kế: giá trị thu được từ việc biết rằng một địa điểm di sản có thể được thừa kế cho các thế hệ tương lai (Pagiola, S. 1996). Căn cứ vào định nghĩa kinh tế học di sản dựa trên nền tảng các giá trị ở trên, cũng như căn cứ vào sự thống nhất về hệ giá trị địa kinh tế, địa văn hóa, lịch sử và con người xứ Nghệ thì việc ứng dụng khái niệm giá trị vào thực hành kinh tế di sản ở Nghệ An, không thể và không nên tách rời khỏi Hà Tĩnh. Đúng như người xưa đã chép: “Tỉnh Nghệ An, phía nam giáp Quảng Bình, phía bắc giáp Thanh Hóa, phía tây giáp Ai Lao, phía đông giáp biển” (Bùi Dương Lịch 1993, tr. 33); nói cách khác, việc thực hành kinh tế di sản ở Nghệ An chính là, và phải là việc thực hành kinh tế di sản ở Xứ Nghệ nói chung, bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh. 

4.2. Phát triển kinh tế di sản trên nền tảng những giá trị độc nhất của di sản văn hóa xứ Nghệ: Bên cạnh các ưu thế nổi bật và không thể chối cãi về các giá trị sử dụng do tính đa dạng, phong phú và tiêu biểu của mình thì di sản văn hóa xứ Nghệ còn bao gồm hệ thống giá trị phi sử dụng hiếm có, thậm chí không có ở những vùng đất khác, tạo thành: i) Giá trị tồn tại tạo ra các lợi ích liên quan đến tri ​​thức một địa điểm di sản đã được bảo tồn, ngay cả khi người tiêu dùng không tự mình đến thăm; ii) Giá trị thừa kế thu được từ một địa điểm di sản được thừa kế cho các thế hệ tương lai. Một trong vài địa điểm di sản tạo thành hệ thống giá trị tồn tại và giá trị thừa kết đó chính là làng Kim Liên và làng Hoàng Trù, quê hương của người sáng lập ra nước Việt Nam mới, Hồ Chí Minh. Về phương diện giá trị tồn tại và giá trị thừa kế này, ở xứ Nghệ còn có thể kể ra hàng loạt địa điểm di sản khác như: Hệ thống di chỉ khảo cổ học sò điệp ven biển Quỳnh Lưu, di chỉ khảo cổ học Làng Vạc xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Đàn (nay thuộc Thị xã Thái Hòa); di chỉ khảo cổ học Đồng Mỏm, xã Diễn Thọ (Nho Lâm), huyện Diễn Châu; hệ thống đền thờ nổi tiếng linh thiêng như: Đền Cuông, Đền Ông Hoàng Mười, Đền Hồng Sơn, Đền Cờn, Đền Quả Sơn, Đền Bạch Mã, Đền Chiêu Trưng (Thạch Hà), Đền Thanh Liệt, Đền Vua Quang Trung, Đền Chín gian, v.v…( “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”). 

4.3. Phát triển kinh tế di sản trên nền tảng những giá trị đặc sắc của vùng văn hóa sông Lam: Sông Lam còn có tên gọi Ngàn Cả hay sông Cả “Ở cách huyện Chân Lộc 10 dặm về phía nam, là sông lớn vùng Nghệ An, xưa gọi là sông Thanh Long; có hai nguồn: một là nguồn Hiếu, hai là nguồn Tương. Nước nguồn Hiếu phát nguyên từ động Thanh, huyện Quế Phong, phủ Quỳ Châu…qua phía đông chợ Hiếu, vì thế tục gọi là nguồn Hiếu…đến ngã ba Tào Giang hợp với nguồn Tương. Nguồn Tương từ bãi đá huyện Kỳ Sơn…rồi hợp với nguồn Hiếu chảy về phía đông 26 dặm tức là bến lỵ sở phủ Tương Dương, vì thế tục gọi nguồn Tương…hợp với sông La…rồi đổ ra cửa Hội Thống. Bản triều năm Minh Mệnh thứ 17 đúc cửu đỉnh, khắc hình tượng vào Tuyên đỉnh; năm Tự Đức thứ ba, liệt vào hàng sông lớn, chép vào điển thờ” (Quốc sử quán Triều Nguyễn 1994, tr.166-168). “Sông này vào quãng xã Trung Lâm…giữa dòng có hai hòn đá…ngày xưa một ở phía nam, một ở phía bắc…sau chúng dần dần xích lại gần nhau, dường như có vẻ muốn làm thân với nhau. Tục gọi là Đá Ông, Đá Mụ (Bùi Dương Lịch 1993, tr. 164). Vì nhiều nguyên do, trong đó có cả nguyên do về nền tảng hệ giá trị chung của di sản văn hóa xứ Nghệ, cũng như nguyên do về những giá trị độc nhất, đặc biệt là vai trò sản sinh và kết nối hầu như toàn bộ hệ thống di sản văn hóa xứ Nghệ, kể cả những nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc ít người ở Tây Nghệ An – Hà Tĩnh, nên người viết bài này muốn gọi sông Lam là “Con sông di sản xứ Nghệ”, và việc phát triển kinh tế di sản ở khu vực này chính là phát triển trên nền tảng di sản “Vùng văn hóa sông Lam”.

4.4. Phát triển kinh tế di sản trên nền tảng phát huy những giá trị nhân văn vô giá của xứ Nghệ: Nói tới giá trị nhân văn (human values) của một vùng đất chính là nói về giá trị con người của vùng đất đó. Có lẽ Bùi Dương Lịch, một người xứ Nghệ nổi tiếng sinh tại thôn Yên Hội, xã Châu Phong, Đức Thọ là một trong những người hiểu rõ khí chất và giá trị của người Nghệ nhất: “Người Nghệ An khí chất chất phác đôn hậu…cho nên làm việc gì cũng giữ gìn cẩn thận, bền chí ít khi bị xao động bởi những lợi hại trước mắt…chăm chỉ nghề gốc, giữ gìn lễ nghĩa, tôn vua, thân với người trên…Vì thế triều Lê khi sáng nghiệp và khi trung hưng đều dùng người xứ Nghệ để thu phục thiên hạ…Người phương Bắc khen người Nghệ An: “Thuần, giản mà hiếu học”. “Binh lính Nghệ An ngày xưa gọi là thắng binh, khéo dùng thì đủ để trở nên vô địch trong thiên hạ…vì họ quen sự cần cù gian khổ, sợ lễ tục luật pháp, thân với người trên và liều chết vì bậc trưởng… [Người Nghệ] có lòng tôn quân, thân thượng và biết lễ nghĩa liêm sỉ…chịu khổ, nhẫn nại, cần cù kiệm ước đã quen nền nếp. Kẻ sĩ không chuộng hoa phấn…Người các trấn thường cười là hủ lậu,…keo kiệt” (Bùi Dương Lịch 1993, tr. 211, 214, 217, 223). Mượn cách nói của các nhà hiện tượng luận (phenomenologist), tôi muốn nói rằng ở Việt Nam, có thể coi các giá trị nhân văn xứ Nghệ là một hiện tượng, đặc biệt là kể từ thời cận đại đến nay với rất nhiều nhà tư tưởng, những người yêu nước, các nhà cải cách, các chính khách, các nhà khoa học, các nhà cách mạng vĩ đại xuất thân từ xứ Nghệ mà chúng ta đều biết rõ. Để có hiện tượng này không phải là một sớm một chiều, mà đó là cả một quá trình dài xứ Nghệ hội tụ nhiều yếu tố của một vùng địa linh nhân kiệt. Ba trong số các yếu tố đó cần phải được tiếp tục làm rõ: i) Từ rất sớm đây là vùng biên viễn thường xuyên tiếp xúc, đối đầu với các quốc gia phát triển sớm ở phương Nam như Lâm Ấp, Chiêm Thành, Chân Lạp nên cần người tài và điều kiện đòi hỏi sản sinh hiền tài; ii) Các triều đình Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê cử rất nhiều người tài vào trấn nhậm, làm quan xứ Nghệ; iii) Nhiều người tài, vì nhiều lý do, từ các vùng đất khác nhau di cư tìm cơ hội lập nghiệp tại xứ Nghệ. Vì vậy kinh tế di sản xứ Nghệ hoàn toàn có thể phát triển thành công trên nền tảng những giá trị nhân văn quý giá của xứ Nghệ.      

4.5. Phát triển kinh tế di sản trên nền tảng kết nối và phát huy những giá trị dòng họ lâu đời của xứ Nghệ: Tài liệu “Dân cư và xã hội Nghệ An” công bố năm 1990 cho biết ở Nghệ An có tới 341 họ, kể cả các họ người dân tộc thiểu số ở vùng núi. Nhiều dòng họ ở xứ Nghệ được cả nước biết đến vì có những đột khởi cá nhân, tạo thành các họ bề thế như họ Hồ, họ Nguyễn Cảnh, họ Nguyễn Đình, họ Nguyễn Trọng, họ Lê, họ Hoàng, họ Trần, họ Đặng, họ Cao, họ Phan, họ Ngô, họ Đinh, họ Phạm, họ Tôn, họ Phan Huy, họ Nguyễn Huy của người Việt, họ Lò Cầm, họ Lang, họ Vi của người Thái, v.v…. Các nhân vật đột xuất của xứ Nghệ như Mai Hắc Đế, Quang Trung, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đức Đạt, Cao Xuân Dục, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế, Hồ Chí Minh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Hãn, v.v…làm tăng thêm giá trị của gia đình, dòng họ xứ Nghệ xuất hiện trong những thời kỳ khác nhau, trong điều kiện lịch sử, xã hội khác nhau (Dương Văn An 1997; Phan Văn Các 1996; Vũ Ngọc Khánh 1996; Ninh Viết Giao 1997; Nguyễn Danh Phiệt 1997; Viện Văn học 1997; Hoàng Thúc Trâm 1998; Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển 2006; Phạm Hồng Tung 2009). Cái tạo nên những nhân vật đột xuất ấy chính là những hệ thống giá trị, các truyền thống của cộng đồng, gia tộc, vùng miền, quốc gia, đến lượt mình, những nhân vật ấy lại góp phần làm dạng danh chính các cộng đồng, gia tộc, vùng miền, quốc gia ấy (Ninh Viết Giao 1997, tr. 26-28). Chúng tôi cho rằng việc phát triển kinh tế di sản trên nền tảng kết nối và phát huy những giá trị dòng họ lâu đời của xứ Nghệ hoàn toàn có thể sử dụng tư tưởng của Chương trình OCOP (One Commune One Product - Mỗi xã một sản phẩm) của Chương trình xây dựng Nông thôn mới (Thủ tướng Chính phủ 2018) để phát động chương trình OKOP (One Kinship One Product - Mỗi dòng họ một sản phẩm) của Nghệ An, bao gồm các hàng hóa, dịch vụ kết tinh các giá trị của các dòng họ lâu đời cho việc phát triển kinh tế di sản, kinh tế du lịch xứ Nghệ.     

5. Kết luận

Có thể nói trên đất nước ta, hiếm thấy vùng đất nào có một nguồn tài nguyên di sản phong phú và đặc sắc, có khả năng tạo ra cả “giá trị sử dụng” và “giá trị không sử dụng” vô tận để phát triển kinh tế di sản như xứ Nghệ. Vấn đề còn lại là chính quyền và người dân xứ Nghệ cần dựa trên bộ công cụ kinh tế học di sản để trả lời minh bạch và trả lời bằng hành động cụ thể 5 câu hỏi sau: i) Làm gì để phát triển kinh tế di sản xứ Nghệ?; ii) Ai tham gia vào việc phát triển kinh tế di sản xứ Nghệ?; iii) Phát triển kinh tế di sản xứ Nghệ ở những khu vực cụ thể nào?; iv) Khi nào thì phát triển kinh tế di sản ở một khu vực cụ thể nào đó?; v) Làm thế nào để phát triển thành công kinh tế di sản ở một khu vực cụ thể nào đó? Và chỉ có như vậy thì xứ Nghệ mới có thể tạo dựng được một nền kinh tế di sản phát triển bền vững.    
_______________________________________________

* Lưu ý: Bài viết này thuộc bản quyền của UBND tỉnh Nghệ An, vì vậy mọi cách sao chép, sử dụng, cần phải được sự cho phép của UBND tỉnh Nghệ An, riêng việc tham khảo, trích dẫn cần ghi rõ: Hà Hữu Nga (2019). Khái niệm giá trị trong kinh tế học di sản và vài gợi ý ứng dụng ở Nghệ An. In trong: Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, Tài liệu hội thảo khoa học Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế di sản tỉnh Nghệ An. Vinh, ngày 8 tháng 5 năm 2019, tr. 9-23.

Ghi chú

1. Giá bóng thường được gọi là giá trị tiền tệ được gán cho chi phí hiện không thể biết hoặc khó tính toán rõ ràng. Giá bóng dựa trên nguyên tắc sẵn sàng chi tiền (WTP) - trong trường hợp không có giá thị trường, thước đo chính xác nhất về giá trị của hàng hóa hoặc dịch vụ là những gì mọi người sẵn sàng đánh đổi để có được nó. Giá bóng thường được tính dựa trên các giả định và tiền đề nhất định, vì vậy, nó thường mang tính chủ quan, ít chính xác.

2. Phân tích độ nhạy là nghiên cứu về các cách thức mà tính bất chắc trong đầu ra của mô hình hoặc hệ thống toán học có thể được chia tách và phân bổ cho các nguồn bất chắc khác nhau trong các đầu vào của nó. Một thực tiễn liên quan là phân tích tính bất chắc, chủ yếu tập trung vào định lượng độ tính bất chắcsự lan truyền tính bất chắc; cách tốt nhất là phân tích tính bất chắc và độ nhạy nên được tiến hành song song (Saltelli, A. 2002).

Tài liệu dẫn  

Barnett, A. H.; Yandle, Bruce (2009). The end of the externality revolution. Social Philosophy and Policy.26 (2): 130-50.

Bogaards, Rod (2007). Cost Benefit Analysis and Heritage Regulation. Workshop The Economics of Heritage: integrating costs and benefits of heritage into government decision making, Canberra, 11 October 2007.

Buchanan, James & Craig Stubblebine (1962). Externality. Economica. 29 (116): 371–84.

Bùi Dương Lịch (1993). Nghệ An ký, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội. 

Carson, Richard T.; Wilks, Leanne; Imber, David (1994). Valuing the Preservation of Australia's Kakadu Conservation Zone. Oxford Economic Papers. 46 (Special Issue on Environmental Economics): 727–749.

Cowen, T. (1998). Using Cost-Benefit Analysis to Review Regulation, Department of Economics, George Mason University, Fairfax, VA, January.

Deodhar, Vinita (2007). Economic Valuation of the Benefits of Local Heritage Policy Programs, Ph.D. thesis, Department of Economics, Macquarie University, Sydney.

Dương Văn An (1997). Ô châu cận lục, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội. 

Freeman, M. A. Herriges, J.A. & Kling, C.L. (2014). The Measurement of Environmental and Resource Values – Theory and Method. Third edition. Resources for the future press. Washington DC. 

Friedman, David (1990). The Consumer: Marginal Value, Marginal Utility, and Consumer Surplus. In Price Theory: An Intermediate Text, Published by South-Western Publishing Co. 

Hà Hữu Nga (2017). Khái lược về Kinh tế học di sản. Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 354, 10-12, 2017.

Hoàng Thúc Trâm (1998). Quang Trung – anh hùng dân tộc 1788 – 1792. Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

Hutter, Michael and David Throsby (eds.) (2008). Beyond Price: Value in Culture, Economics, and the Arts. New York: Cambridge University Press.

Louviere Jordan J, Flynn Terry N., Carson Richard T. (2010). Discrete Choice Experiments Are Not Conjoint Analysis". Journal of Choice Modelling. 3 (3): 57–72.

Navrud, Ståle and Richard C. Ready (eds.) (2002). Valuing Cultural Heritage: Applying Environmental Valuation Techniques to Historic Buildings, Monuments and Artifacts. Cheltenham: Edward Elgar.

Nguyễn Danh Phiệt (1997). Hồ Quý Ly. Viện Sử học & Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

Ninh Viết Giao (1997). Văn hóa các dòng họ ở Nghệ An với sự nghiệp thực hiện chiến lược con người Việt Nam đầu thế kỷ XXI. Trong Văn hóa các dòng họ ở Nghệ An (Kỷ yếu hội thảo khoa học), Nxb. Nghệ An, Nghệ An 1997.

Pagiola, S. (1996). Economic Analysis of Investments in Cultural Heritage: Insights from Environmental Economics, World Bank Staff Paper, Washington DC.

Phạm Hồng Tung (2009). Nội các Trần Trọng Kim – bản chất, vai trò và vị trí lịch sử. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Phan Văn Các (1996). Nghiên cứu các dòng họ - cơ sở khoa học và phương hướng giải quyết các vấn đề đặt ra. Trong Cội nguồn, Hội thảo Khoa học: Dòng họ với truyền thống dân tộc, do Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Thông tin các dòng họ tổ chức, Tập 1.

Quốc sử quán Triều Nguyễn (1994). Đại Nam Nhất thống chí, tập 2, Nxb. Thuận Hóa.

Rizzo, Ilde and David Throsby (2006). Cultural heritage: economic analysis and public policy, in Victor Ginsburgh and David Throsby (eds.), Handbook of the Economics of Art and Culture. Amsterdam: Elsevier/North-Holland, pp. 983-1016.

Robert H. Frank (2003). Are Positional Externalities Different from Other Externalities, Brookings Institution, Washington, D.C., June, 2003).

Saltelli, A. (2002). Sensitivity Analysis for Importance Assessment". Risk Analysis. 22 (3): 1–12.

Simons, Robert and Kimberly Winson-Geideman (1998). Determining Market Perceptions on Contaminated Residential Property Buyers using Contingent Valuation surveys, Journal of Real Estate Research 27-2, 2005, pp. 193-220

Throsby, David (2003). Determining the value of cultural goods: how much (or how little) does contingent valuation tell us?, Journal of Cultural Economics, 27(3–4): 275-285.

Throsby, David (2007). The Value of Heritage, Heritage Economics Workshop ANU, 11–12 October 2007. 

Thủ tướng Chính phủ (2018). Quyết định 490/QĐ-TTg 2018 phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020. Hà Nội 2018. 

Varian, Hal (1994). A Solution to the Problem of Externalities When Agents Are Well Informed. The American Economic Review. Vol. 84 No. 5

Viện Văn học (1997). Nguyễn Huy Tự và Truyện Hoa Tiên, Kỷ yếu Hội thảo nhân 200 ngày mất (1990) và 250 năm ngày sinh (1993). Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (2006). Phan Công gia phả: Gia Thiện – Hà Tĩnh. Nguyễn Ngọc Nhuận dịch và chú giải, Phan Huy Lê hiệu đính, Nxb. Thế giới, Hà Nội.  

Vũ Ngọc Khánh (1996). Dòng họ Việt Nam – Từ nguồn gốc đến vận mệnh. Trong Cội nguồn, Hội thảo Khoa học: Dòng họ với truyền thống dân tộc, do Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Thông tin các dòng họ tổ chức, Tập 1.