Giải học giới Việt Nam: Đinh Gia
Khánh
Le Minh Khai
Người dịch: Hà Hữu Nga
Lời người dịch: Trên trang mạng leminhkhai.wordpress.com có một số bài viết ngắn đề
cập đến các vấn đề quan trọng về lịch sử, văn hóa Việt Nam; đề cập đến các nhà
nghiên cứu lịch sử, văn hóa hàng đầu của Việt Nam. Chúng tôi cố gắng dịch và
chuyển tải đến những ai liên quan - quan tâm, và mong rằng các vị sẽ có các
trao đổi giúp làm rõ vấn đề mà tác giả Le Minh Khai đặt ra nhằm thúc đẩy học
thuật phát triển.
Đinh Gia Khánh (1924-2003) là người có công trong việc xây dựng bộ môn văn hóa dân gian ở Việt Nam.
Ông viết nhiều về lĩnh vực này. Vào giai đoạn cuối trong sự nghiệp của mình,
ông đã nỗ lực đặt văn học dân gian Việt Nam trong một bối cảnh rộng lớn hơn,
thể hiện ở công trình Văn hoá dân
gian Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á xuất bản năm 1993. Đinh Gia
Khánh là một nhân vật được nể trọng trong số các học giả tại Việt Nam, và các ý
tưởng của ông, theo tôi biết thì đều được đưa ra một cách nghiêm túc. Vì vậy
tôi tò mò muốn biết ông đã rút ra các đặc trưng Đông Nam Á ra sao khi đặt Việt
Nam vào bối cảnh vùng để thảo luận.
Cuốn sách có
nhiều điều thu hút sự chú ý của tôi, vì vậy tôi sẽ đề cập đến cuốn sách này
thêm nữa. Tuy nhiên, một trong những điểm đầu tiên mà tôi muốn đề cập đến là ở
chỗ cuốn sách cực kỳ thể hiện tư tưởng Việt-trung tâm, và điều mà Đinh Gia
Khánh đã thể hiện lại chính là cái mà ông biết rất ít về những gì mà các học
giả phương Tây đã viết về lĩnh vực này tại Đông Nam Á, cho dù ông đã lặp đi lặp
lại với người đọc rằng các vấn đề mà ông giải quyết đều đã được “giới khoa học
quốc tế” xác nhận. Các học giả Việt Nam vẫn sử dụng các từ “khoa học/nhà khoa
học” theo cách thức người Phương Tây sử dụng các từ “học thuật/học giả”. Tuy
nhiên, tôi vẫn cho rằng đây không chỉ là trường hợp những con người khác nhau
sử dụng các từ ngữ khác nhau cho cùng một khái niệm, vì nhất thiết phải có một
ý nghĩa đối với các học giả Việt Nam mà các sự vật như thông tin lịch sử có thể
được “chứng minh” và theo nghĩa đó thì ngay cả lịch sử cũng là “khoa học”. Nói
cách khác, ngôn ngữ, và ở một mức độ nào đó là niềm tin về lịch sử Marxist vẫn
kiên định tồn tại ở Việt Nam.
Quay trở lại
với cuốn sách của Đinh Gia Khánh, ông khẳng định rằng trong “giới khoa học quốc
tế” ba thuật ngữ được sử dụng để thảo luận về tiền sử tại Đông Nam Á. Đó là:
“văn hóa Hòa Bình” (để chỉ văn hóa Đá cũ), “văn hóa Bắc Sơn” (để chỉ văn hóa Đá
mới) và “văn hóa Đông Sơn” (để chỉ văn hóa thời đại Đồ đồng). Các thuật ngữ này
tất nhiên có nguồn gốc từ các địa điểm tại Việt Nam, nơi đã phát hiện được các
hiện vật Đá cũ, Đá mới, và Đồ đồng đó. Sau đó Đinh Gia Khánh tiếp tục cho rằng
ông không chắc điều đó có phải là tình cờ không, nhưng thực tế thì các hiện vật
được phát hiện tại các địa điểm ở Việt Nam đều được lấy là chuẩn để xác lập các
thời đại này, phù hợp với một thực tế là Việt Nam chính là trung tâm của Đông
Nam Á (nếu bạn xác định Đông Nam Á, như Đinh Gia Khánh đã làm, là trải rộng từ
sông Dương Tử ở Trung Quốc đến Indonesia, và từ Myanmar đến Philippines – điều
đó với tôi là ổn).
Nhưng đó đơn
giản là dối trá. Các nhà nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á chia thành các thời đại
Đá cũ, Đá mới, Đồ đồng, và họ sử dụng các thuật ngữ đó. Lý do để Đinh Gia Khánh
bám lấy ý tưởng đó vì ông chỉ đọc một số ít cuốn sách của các học giả phương
Tây, mà một trong số đó là công trình xuất bản năm 1962 của học giả người Pháp George Cœdès, Les peuples de la
péninsule indochinoise: histoire — civilizations. (Các dân tộc trên bán đảo
Đông Dương: Lịch sử - Văn minh). Như đầu đề của cuốn sách đã chỉ rõ đây là một
công trình về bán đảo Đông Dương, chứ không phải là Đông Nam Á. Cœdès đã sử
dụng các thuật ngữ như “Bacsonian” (Bắc Sơn, thuộc Bắc Sơn) để mô tả văn hóa
tiền sử vì vào năm 1962 đó là nghiên cứu khảo cố học do các học giả Pháp thực
hiện tại Việt Nam là thân thuộc nhất đối với Cœdès, và nổi tiếng nhất trong
vùng vào thời kỳ đó. Tuy nhiên các công trình nghiên cứu khảo cổ học tại các
địa điểm như Ban Chiang, Thái Lan vào cuối những năm 1960 đến những năm 1970 đã
đem lại cho “giới khoa học quốc tế” một bức tranh tiền sử trong vùng phức tạp
hơn nhiều, còn vào những năm 1990, khi Đinh Gia Khánh công bố cuốn sách này thì
các thuật ngữ như “Bắc Sơn” đã không còn được “giới khoa học quốc tế” sử dụng
để chỉ bất kỳ cái gì khác ngoài một văn hóa Đá mới tại Việt Nam. Hơn nữa các
phát hiện tại các địa điểm như Ban Chiang đã cho thấy về Việt Nam không có bất
cứ cái gì là trung tâm trong thời tiền sử của bán đảo Đông Dương cả, nên hãy để
cho toàn bộ Đông Nam Á được yên. (Xem các trang 44-46 cuốn Văn hoá dân gian
Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á [1993 Nxb. KHXH Hà Nội]).
Nguồn:
leminhkhai.wordpress.com/deconstructing-vietnamese-scholarship-dinh-gia-khanh/2010/04/14/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét