Lê Lợi và Hắc Y đế
Le Minh Khai
Người dịch: Hà Hữu Nga
Lời người dịch: Trên
trang mạng leminhkhai.wordpress.com có một số bài viết ngắn đề cập đến các vấn
đề quan trọng về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Chúng tôi cố gắng dịch và chuyển
tải đến những ai liên quan - quan tâm, và mong rằng các vị sẽ có các trao đổi
giúp làm rõ vấn đề mà tác giả Le Minh Khai đặt ra nhằm thúc đẩy học thuật phát
triển.
Có nhiều lĩnh vực lịch sử trong đó “các
sự kiện” luôn được nghiền ngẫm lâu dài. Nhưng lịch sử tiền hiện đại Việt Nam
lại không phải là trường hợp đó. Ngược lại, các nhà sử học đã vét rỗng bề mặt
của các chứng cớ văn bản để viết lịch sử Việt Nam, và kết quả là vẫn còn lại
quá nhiều điều mà chúng ta không biết, và quá nhiều thứ mà chúng ta tưởng là đã
biết thì lại không phải như vậy.
Tôi luôn tự tìm cách đọc một bản thảo
lịch sử tiền hiện đại theo cách sau: tôi phát hiện ra một đoạn không
có ý nghĩa gì. Sau đó tôi bắt đầu đọc các văn bản có liên quan để xem liệu có
thể luận đoán được ý nghĩa của nó hay không và trong suốt quá trình đó tôi trăn
trở với các loại ý tưởng và hiểu biết mới. Trường hợp cuối tuần này là một tước vị quan
phương khó hiểu khiến tôi phải vật lộn theo đúng cung cách đó.
Trong thế kỷ XV, khi Lê Lợi chiến đấu
chống nhà Minh và đám tòng phục người Việt của họ để giành quyền kiểm soát
vương quốc, ông đã được một người Thái vùng Mường Mộc giúp đỡ. Sau đó địa
phương này được xác định là Mộc Châu, và ngày nay là một huyện của tỉnh Sơn La.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép
về sự việc đó như sau:
嘉興鎮木忙父道車可參等歸[10/36a] 順。
Gia hưng trấn mộc mang phụ đạo xa khả
tham đẳng quy thuận.
Dịch
nghĩa: Bọn phụ đạo Mường
Mộc trấn Gia Hưng Xa Khả Tham cùng theo về (10/36a).
授可參入内司空同平章事,知陀江鎮。
Thụ khả tham nhập nội tư không đồng bình
chương sự, tri đà giang trấn.
Dịch
nghĩa: Trao cho Khả Tham
chức Nhập nội 1 Tư không Đồng bình Chương sự, cai quản 2
trấn Đà Giang.
“Phụ
đạo” là chuyển ngữ một
cương vị thủ lĩnh Thái “phu tao”. Các chính thể Thái được gọi là “mường”
và thật ra thì Việt Nam cũng có thể chế mường tương tự trong một trấn ở
vùng núi Tây Bắc. Người Việt có thể nhận thức rõ rằng họ kiểm soát vùng này
bằng cách gộp nó vào một trấn, một loại đơn vị hành chính, nhưng trong thực tế
thì trấn lại bao gồm mường do một phụ đạo cai quản, điều đó cho thấy người
Việt kiểm soát không đáng kể, nếu thực sự có một sự kiểm soát nào đó đối với
các vùng như vậy.
Dù sao thì Xa Khả Tham cũng đã giúp Lê
Lợi và đã được ban thưởng vì công lao đó. Nhưng lại khó mà hiểu được một cách
chính xác ông đã được ban thưởng như thế nào, vì tước vị mà ông được ban thưởng
không thực sự có mấy ý nghĩa 3. Chắc chắc phải có một lỗi sao chép,
in ấn nào đó (một hiện tượng RẤT thường gặp trong Đại Việt sử ký toàn thư) vì những chữ này không thể hiện một tước
vị rõ ràng, vì vậy tôi buộc phải đoán rằng ở đây nguyên ủy có lẽ có chủ kiến gì
đó.
Để biết được Lê Lợi thực sự muốn ban cho
Xa Khả Tham tước vị gì, tôi đi tìm ở một số nguồn tư liệu khác. Cần nhớ rằng Đại
Việt sử ký toàn thư là nguồn tư liệu sớm nhất về thông tin này, vì vậy các
nguồn tư liệu muộn hơn thực sự không thể được coi là chính xác hơn, nhưng chí
ít tôi cũng tò mò xem các nguồn khác có thể nói được điều gì.
Và sau đây là những gì mà tôi tìm được
trong sách Đại Nam nhất thống chí của thế kỷ XIX:
車可參佐黎太祖定天下,以功賜國姓,封司空,許木州為食邑。子孫世襲。
Xa Khả Tham tá Lê Thái tổ định thiên hạ,
dĩ công tứ quốc tính, phong tư không, hứa mộc châu vi thực ấp. Tử tôn thế tập.
Dịch
nghĩa: Xa Khả Tham giúp
Lê Thái tổ định thiên hạ, vì có công nên được ban quốc tính, phong tước Tư không4
và cho Mộc Châu làm thực ấp. Con cháu được thế tập.
Ở đây lại thấy tước vị khác hẳn, chỉ có
hai từ 5 cũng thấy ở tước vị ghi dài hơn trong Đại Việt sử ký toàn thư. Sách
Nhất thống chí còn ghi rằng Xa Khả Tham được 封 phong tước ấy. Vậy là toàn bộ tước vị đó đã
được ghi khác nhau 5. Sách này cũng ghi rằng Xa Khả Tham được ban
quốc tính họ Lê, nhưng trong Đại Việt sử ký toàn thư, việc ban quốc tính
được ghi ở đoạn sau, vì vậy thực ra thì không khác.
Vậy là vẫn chưa rõ Xa Khả Tham được phong
tước gì, nên tôi tìm đến một văn bản khác nữa, đó là sách Hưng Hóa phong thổ
lục của Hoàng Trọng Chính, được viết năm 1778. Đây là một cuốn địa chí về
một vùng núi Bắc Việt Nam, những dòng sau viết về Xa Khả Tham và Lê Lợi:
車可參以兵佐高皇定天下,有功賜國姓,司徒國功公,許木州為食邑。號黑衣帝,其子孫世襲。
Xa Khả Tham dĩ binh tá cao hoàng định
thiên hạ, hữu công tứ quốc tính, tư đồ quốc công công, hứa mộc châu vi
thực ấp. Hiệu hắc y đế, kì tử tôn thế tập.
Xa Khả Tham vì có công đem binh giúp Cao
Hoàng [Lê Lợi] định thiên hạ có công được ban quốc tính, [tước vị này hoàn toàn
tào lao và vô nghĩa!!!] 6 tư đồ quốc công công, cho Mộc Châu làm
thực ấp. Danh xưng hắc y đế. Con cháu được thế tập.
Khi tìm được thông tin này, từ trong tâm
trí tôi hiện về một bình chú tôi mới đọc được của một học giả lớn người Thái là
Cầm Trọng. Năm 1978, Cầm Trọng viết trong cuốn Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam
như sau: “Người Thái ở Tây Bắc là một bộ phận của dân tộc Việt Nam. Ý thức quốc
gia Việt Nam thống nhất ở họ đã có từ lâu rồi”.
Vào năm 1978, các học giả Việt Nam buộc
phải nói như vậy. Thật không may, cho đến tận bây giờ tình hình về cơ bản vẫn
không thay đổi. Nói không may là vì điều mà những đoạn này thể hiện lại chính
là câu truyện về các mối quan hệ Thái – Việt đã không bao giờ được kể. Nếu
người ta gạt sang một bên cái huyền thoại dân tộc chủ nghĩa mà mọi dân tộc sống
trong phạm vi các đường biên giới Việt Nam vẫn tin tưởng kể từ buổi đầu thống
nhất Việt Nam với tư cách là một dân tộc, và nhìn vào các nguồn sử liệu cả của
người Việt lẫn người Thái thực sự ghi chép thì họ sẽ thấy rằng quá khứ phức tạp
hơn nhiều.
Công bằng mà nói thì đã có một tập sách
khởi đầu một quá trình như vậy. Năm 1977, Đặng Nghiêm Vạn chủ biên một tập Tư
liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái, trong đó có một số thông tin từ các
nguồn sử liệu Thái. Tuy nhiên thật không may là các tư liệu này chỉ là những
tóm tắt các nguồn sử liệu trên chứ không phải là các bản dịch, vì vậy mà thiếu
tính chính xác mà các sử gia đòi hỏi. Công trình này cũng bị méo mó bởi một
thực tế là những người cộng tác như Cầm Trong nói trên, đã phải nhấn đi nhấn
lại rằng người Thái luôn luôn là một bộ phận của dân tộc Việt Nam thống nhất,
và vì vậy mà không thể xem xét thấu đáo tính phức tạp của quá khứ.
Tuy nhiên quá khứ là phức tạp. Trường hợp
Xa Khả Tham đã thể hiện rất rõ điều này. Và nếu Xa Khả Tham thực sự được coi là
Hắc Y đế 7, cho dù chỉ có những con người thuộc mường của ông cai trị coi ông như vậy thì điều đó cũng hoàn toàn
làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về lịch sử “Việt Nam”, và nó càng làm tăng
thêm tính phức tạp của vấn đề.
_______________________________________
Ghi
chú của người dịch:
1. Đối với trường hợp Xa Khả Tham, Le
Minh Khai [Liam C. Kelley] dịch 入内司空同平章事 nhập
nội tư không đồng bình chương sự là
the
Inner Offices Manager of Affairs theo kiểu word-for-word như thế có lẽ đã không thể
hiện chính xác nghĩa của hai từ 入内 nhập
nội đã được Lê Thái Tổ ban cho Xa cũng như các quan văn võ đại thần thân tín
khác [Xem Phan Huy Chú: Lịch triều Hiến
cương Loại chí, Tập I, Dư địa chí,
Nhân vật chí, Quan chức chí. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992, tr. 447].
Trong khi đó hai từ Inner Offices trong
tiếng Anh mà Le Minh Khai dùng để dịch 入内 nhập nội lại không hề mang nghĩa ân
sủng vua ban để được coi là gần gũi thân cận với
nhà vua. Có lẽ cách dịch đó đã được Le Minh Khai quy chiếu vào trường hợp sớm
nhất dùng 入内 nhập nội theo nghĩa một cơ quan, đó là đời Tống Nhân
Tông, niên hiệu Cảnh Đức (1004 - 1007) đã lập ra 入内内侍廳 nhập
nội nội thị sảnh, chuyên lo hầu hạ ăn ở cho vua và hoàng hậu. Nhưng cần phải
lưu ý rằng đã vào 内侍 nội thị thì đều phải là hoạn quan. Đối với trường hợp
Việt Nam thì “Chức hành khiển mà có thêm hai chữ 入内 nhập nội là theo triều Lý, chuyên
dùng hoạn quan làm chức ấy” [Đại Việt Sử ký Toàn thư. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985,
T.II, tr.86]. Vì vậy 入内 nhập nội cần phải được hiểu trong những văn cảnh cụ thể
khác nhau. Một ví dụ khác cho thấy rất rõ không thể đơn giản dịch 入内 nhập
nội là Inner Offices như Le Minh Khai đã làm: “Thời Thánh Tông, thượng tướng Quang Khải khi mới được phong làm nhập nội
thái úy, kiêm hàm hành khiển thấy có 2 chữ 入内 nhập nội liền tâu rằng:
“Thần từ bên ngoài vào, cho nên thêm chữ 入内 nhập nội, còn các hành khiển khác
đều là hoạn quan, sao lại thêm chữ 入内 nhập nội, xin bỏ chữ 入 nhập đi”. Thánh Tông nghe theo”. [Đại Việt Sử ký Toàn thư. Nxb. Khoa học
Xã hội, Hà Nội, 1985, T.II, tr.86]. Như vậy càng thấy rõ rằng Inner Offices của
Le Minh Khai đúng là chỉ thích hợp với hoạn quan. Còn đối với trường hợp Xa Khả
Tham, và tất cả bá quan văn võ thân cận nhất vì đã từng sống chết cùng Lê Lợi
mà được ban tước 入内 thì không lẽ nào bọn họ lại chấp nhận đều là hoạn quan;
riêng Xa Khả Tham, không lẽ nào ông vừa làm hoạn quan trong cung, lại vừa cai
quản trấn Đà Giang cho Lê Thái Tổ?. Có vẻ như Le Minh Khai cũng không hoàn toàn yên tâm với việc dịch hai từ đó
nên đã thêm where he served as? ngay
sau Inner Offices. Và chính việc thêm
cái where he served as? ấy đã tố cáo kiến thức lịch sử lỗ mỗ của Le Minh
Khai. Ông không hề biết đó là tước vị, là hàm, mà đinh ninh rằng đó phải là một
chức vụ trong triều đình, trong cung vua, nên phải cố tìm cho ra đó là chức vụ
gì và ở đâu. Nếu theo cách
hiểu của Trần Quang Khải thì thay vì dùng Inner
Offices cho trường hợp Xa Khả Tham và các “入内 nhập nội” khác thời Lê
Lợi, nên dùng Inward Officers, chỉ có như vậy thì may ra còn có thể hiểu được.
Riêng cụm từ Manager of Affairs thì
không hề chuyển tải được chút nghĩa nào của tất cả các từ thể hiện tước vị
trên. Nó không hề thể hiện nghĩa của từ 入内
nhập nội, cũng chẳng đúng với Tư không, và lại càng không thể hiện được gì về 同平章事 đồng bình chương sự. Trong khi ai đã từng
học chút ít chữ nho, đọc chút ít sử Trung Quốc và Việt Nam thì đều biết Đồng
bình Chương sự là cách gọi tắt của chức 同中書門下平章事 Đồng Trung
thư Môn hạ Bình chương sự, chức vụ vào hàng Tể tướng bắt đầu được đặt ra từ đời
唐高宗永淳元年 Đường Cao Tông, Vĩnh Thuần nguyên niên, năm 682 SCN. Ở
Việt Nam, thời nhà Lý, cũng có tước vị này. Bản thân vua Lý Nhân Tông cũng được
vua Tống phong chức, hệt như Lê Lợi phong cho Xa Khả Tham vậy: "Đinh Mão
1087...Tống Triết Tông gia phong vua (Nhân Tông) làm Đồng Bình Chương Sự"
[Đại Việt Sử lược, Nxb. Tổng hợp - Bộ môn Châu Á học Đại học Tổng hợp, Tp. Hồ
Chí Minh 1992, tr.171]; "Mùa hạ, tháng 6 (1105), thái úy Lý Thường Kiệt
chết, tặng chức Nhập nội điện đô trị kiểm hiệu thái úy bình chương quân quốc
trọng sự" [Đại Việt Sử ký Toàn thư. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội,
1983, T.I, tr.299]. Không hiểu tại sao Le Minh Khai lại dùng một cụm từ tiếng
Anh chẳng đúng cho trường hợp nào đối với tước vị của Xa Khả Tham?
2.
Khác với cách ngắt đoạn cho
câu 授可參入内司空同平章事,
知陀江鎮
[thụ khả tham nhập nội tư không
đồng bình chương sự, tri đà giang trấn] được Le Minh Khai dẫn ở trên (đặt dấu
phảy sau chữ 事), người dịch
sách Đại Việt Sử ký Toàn thư [Nxb.
Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985, T.II, tr.274] dường như hiểu câu đó là 授可參入内司空同平章事知, 陀江鎮 [thụ
khả tham nhập nội tư không đồng bình chương sự tri, đà giang trấn] (đặt dấu
phảy sau chữ 知), có nghĩa là
chức đó của Xa Khả Tham không phải là “nhập nội tư không đồng bình chương sự”,
mà là “nhập nội tư không đồng bình chương sự tri”. Trong thực tế không thấy có
chức tước nào như vậy. Không thấy Le Minh Khai nhắc đến chi tiết này, nhưng
theo tôi, dù việc dịch sang tiếng Anh có vấn đề, và vấn đề không phải là dịch,
vì Le Minh Khai là một giáo sư người Mỹ, mà vấn đề là ông đã hiểu sai; nhưng
cách ngắt đoạn trong phần dẫn sách của ông theo tôi thì chính xác.
3. Tôi không hiểu tại sao một giáo sư Sử
học chuyên về lịch sử cổ trung đại Việt Nam của Đại học Hawaii Manoa
[University of Hawaii at Manoa] như Le Minh Khai lại cho rằng những thứ mà Lê
Lợi ban thưởng cho Xa Khả Tham sau đây lại không rõ ràng, và hơn thế, không có
ý nghĩa?: i) tước vị 入内司空同平章事 nhập
nội tư không đồng bình chương sự (quyền uy ngang tể tướng); ii) được ban quốc
tính (thời quân chủ được mang họ vua không hề là một phần thưởng tào lao và vô
nghĩa); iii) bổng lộc thực ấp Mộc Châu; iv) cai trị toàn bộ trấn Đà Giang; v)
con cháu được thế tập. Tôi buộc phải tự trả lời mình bằng hai khả năng: i) tri
thức lịch sử Việt Nam thực sự lỗ mỗ của Le Minh Khai; ii) ông ấy muốn nói về
một điều gì đó khác với sự thực lịch sử về quan hệ giữa Lê Lợi và Xa Khả Tham,
và hơn thế, giữa hai dân tộc Kinh và Thái ở Việt Nam! Và rõ ràng trong trường
hợp Le Minh Khai viết về quan hệ giữa Lê Lợi và Xa Khả Tham thì là cả hai. Le
Minh Khai đã không thể giấu được lỗ hổng kiến thức [không chỉ ở bài viết này mà
còn ở hầu hết các bài viết khác về Việt Nam mà tôi đã và sẽ dịch đăng trên
Tiếng vọng Kattigara này]. Còn riêng điều mà ông muốn nói về quan hệ hai dân
tộc Kinh - Thái ở Việt Nam thì chúng ta đã thấy quá rõ ở bài viết này rồi, cho
dù ông diễn giải nó trên cơ sở một hiểu biết không đến nơi đến chốn, nên sai
kinh khủng, và đáng tiếc là bằng một tiền định kiến không gì lay chuyển nổi về
hiện thực lịch sử mà ông dùng để phân tích - dù phân tích kiểu gì thì kết luận
cũng đã có trước rồi. Đối với tôi, ông đã tạo thành một trường phái sử học về
lịch sử Việt Nam có tên gọi là khaiism.
4. Tôi không biết dựa vào đâu mà Le Minh
Khai, khi dẫn Đại Nam nhất thống chí viết
về Xa Khả Tham, lại dịch tước vị 司空 tư không mà Lê Lợi phong cho ông
sang tiếng Anh là Minister of Works,
Thượng thư Bộ công? Trong khi đó sách Đại
Nam nhất thống chí chỉ chép: “…Xa Khả Tham, giúp Lê Thái Tổ bình định đất
nước, vì có công được cho quốc tính chức tư không, cho đất Mộc Châu làm thái
ấp, con cháu được thế tập”. [Quốc sử quán Triều Nguyễn 1992. Đại Nam nhất thống chí, Nxb. Thuận Hóa,
Huế. T4., tr.273]. Phải chăng tác giả căn cứ vào lịch sử sớm nhất của hai chữ 司空 Tư
không trong sách Thượng thư,
thiên Thuấn điển, trong đó Hạ Vũ được
Đế Nghiêu giao chức Tư không để trị thủy, bình thổ, một công việc của Thượng
thư bộ công sau này?: [伯禹作司空…平水土 bá vũ tác
tư không…bình thủy thổ, 尚書, 舜典 – Thượng thư, Thuấn điển]. Tuy nhiên, lúc này khi Lê Lợi đang cầm
quân đánh nhau với giặc Minh, chưa xây dựng được một chính quyền trong thời
bình, nên Tư không là một hàm cấp để cầm quân và bàn chính sự, chứ chưa phải là
một chức vụ như thượng thư chẳng hạn. Và khi Xa Khả Tham được ban hàm Tư không,
ông không hề được giao chức Thượng thư Bộ công, mà được giao cai quản trấn Đà
Giang. Một ví dụ khác chứng tỏ Tư không thời Lê Lợi không phải Thượng thự Bộ
công, mà là hàm ban cho các tướng cầm quân: năm 1425 có tư không Lê Lễ [Đại
Việt Sử ký Toàn thư, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985, T.II tr.255], đến 1427
thêm tư không Xa Khả Tham, tư không Lê Nhân Chú [Đại Việt Sử ký Toàn thư, Nxb.
Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985, T.II, tr.274]. Hơn nữa thời Lê Thái tổ mới đặt
hai bộ: Bộ Lại và Bộ Lễ, chỉ đến tận khi Nghi Dân cướp ngôi (1459) mới đặt sáu
Bộ [Phan Huy Chú: Lịch triều Hiến
cương Loại chí, Tập I, Dư địa chí,
Nhân vật chí, Quan chức chí. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992, tr. 466],
cho nên thời chiến tranh [1427] lại càng không thể có Bộ Công mà trao cho các
Tư không được.
5. Thật ra thì Le Minh Khai đã không đọc
kỹ hoặc không đọc hết, cho dù không nhiều, những gì mà Nhất thống chí
ghi về Xa Khả Tham nên mới nhận xét như thế. Tại mục Nhân vật, có ghi
rất rõ: "Đầu đời Lê, Khả Tham hết sức giúp dập. Thái Tổ trao chức nhập
nội tư không đồng bình chương sự, cai quản thượng bạn Đà Giang, lại ban cho
kim ngư đại, tước trụ quốc, quan phục hầu..." [Quốc sử quán Triều Nguyễn
1992. Đại Nam nhất thống chí, Nxb.
Thuận Hóa, Huế. T4., tr.328].
6. Thật đáng ngạc nhiên là tác giả Le Minh Khai lại chèn thêm một bình
luận thiếu thận trọng như thế này.
7. Trong Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Nam nhất thống chí không thấy dòng
nào ghi Xa Khả Tham có danh xưng Hắc Y đế như trong Hưng Hóa phong thổ lục
của Hoàng Trọng Chính.
Nguồn: leminhkhai.wordpress.com/2010/Sep07/
lại đi từ cực nọ sang cực kia!
Trả lờiXóa