Powered By Blogger

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2024

Chuyển đổi sử dụng đất trồng lúa - trường hợp Đồng bằng sông Cửu Long

Hà Hữu Nga

Lưu ý: Đây là Bản thảo lần I bài tham gia Hội thảo Khoa học Chuyển đổi sử dụng đất cho phát triển của Viện Nghiên cứu ứng dụng Văn hóa và Du Lịch, dự kiến tổ chức vào tháng 5 năm 2024, vì vậy mong bạn đọc không sử dụng dưới bất cứ hình thức nào ngoài việc góp ý cho người viết để hoàn thiện. 

1. Nội hàm khái niệm

1.1 Đất nông nghiệp và đất nông nghiệp khác  

Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất nông nghiệp khác là một trong tám loại đất nông nghiệp đã được Luật đất đai quy định như sau: i) Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; ii) Đất trồng cây lâu năm; iii) Đất rừng sản xuất; iv) Đất rừng phòng hộ; v) Đất rừng đặc dụng; vi) Đất nuôi trồng thủy sản; vii) Đất làm muối; và viii) Đất nông nghiệp khác. Đất nông nghiệp khác được xác định cụ thể gồm: đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh. (Quốc hội 2013, Điểm h Khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013).

1.2. Lý thuyết chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp

Về phương diện lý thuyết, quá trình chuyển đổi đất trồng lúa sang đất nông nghiệp khác, cho dù bất cứ lý do gì, thì đó cũng không đơn giản chỉ là vấn đề “chuyển đổi đất”, mà nguyên do sâu xa của hiện tượng đó chính là quá trình chuyển đổi tất yếu trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của một địa phương, vùng hoặc quốc gia trên cơ sở khai thác một trong những nguồn lực chủ đạo là đất đai. Vì vậy muốn hiểu rõ bản chất của các quá trình “chuyển đổi đất trồng lúa sang đất nông nghiệp khác” thì chúng ta buộc phải xem xét gốc rễ của vấn đề, chính là quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cho dù các quá trình đó có nguyên nhân từ sự phát triển nội tại của cơ cấu kinh tế ngành; hay có nguyên nhân từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa địa phương, vùng, quốc gia; hay có nguyên nhân từ các quá trình biến đổi môi trường, sinh thái, khí hậu, v.v...    

1.2.1 Khái niệm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp là tổng thể các mối quan hệ chủ yếu theo tỷ lệ về số lượng và chất lượng tương đối ổn định của các yếu tố kinh tế – xã hội có liên quan đến sản xuất nông nghiệp trong khoảng thời gian và không gian nhất định. Những nội dung chủ yếu của cơ cấu nông nghiệp theo những quan hệ được xác lập trong thực tiễn nông nghiệp nước ta như sau: quan hệ giữa nông-lâm-ngư nghiệp; quan hệ giữa trồng trọt, chăn nuôi và ngành nghề; quan hệ giữa sản xuất nông nghiệp, các ngành chế biến và dịch vụ; quan hệ giữa công nghiệp-nông nghiệp-dịch vụ và quan hệ giữa các thành phần kinh tế trong nông nghiệp.

Cơ cấu kinh tế là một tổng thể hệ thống kinh tế bao gồm nhiều yếu tố có quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau trong những không gian và thời gian nhất định, trong những điều kiện kinh tế xã hội nhất định; nó được thể hiện cả về mặt định tính và định lượng, cả về chất lượng và số lượng, phù hợp với những mục tiêu được xác định của nền kinh tế. Theo Lê Đình Thắng (1994) Chuyển đổi cơ cấu kinh tế là các thay đổi về cơ cấu kinh tế và thể chế cần thiết cho sự tăng trưởng liên tục của sản phẩm quốc dân (GNP), bao gồm sự tích luỹ của vốn vật chất và con người, sự thay đổi về nhu cầu, sản xuất, lưu thông và việc làm. Ngoài ra còn các quá trình kinh tế xã hội kèm theo như thay đổi môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu, đô thị hoá, biến động dân số, thay đổi thu nhập (Chenery, 1988).

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp là sự thay đổi cơ cấu ngành trong khu vực nông nghiệp. Đối với khu vực nông lâm ngư (nông nghiệp theo nghĩa rộng), sự chuyển dịch theo xu hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp và tăng tỷ trọng lâm nghiệp, ngư nghiệp. Xu hướng chung của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp là ban đầu tập trung vào việc tự túc lương thực, sau đó chuyển sang sản xuất cây thức ăn gia súc và chăn nuôi, rồi các cây có dầu, đạm, rau và hoa quả. Một xu hướng khác diễn ra đồng thời trong nông nghiệp là chuyển dịch từ nông sản tươi sang nông sản chế biến của kinh tế hàng hóa (Lê Quốc Doanh, 2006). Theo Lê nin: “Sản xuất hàng hóa chính là cách tổ chức kinh tế xã hội, trong đó sản phẩm đều do những người sản xuất cá thể riêng lẻ sản xuất ra, mỗi người chuyên làm ra một thứ sản phẩm nhất định, vì vậy muốn thoả mãn các nhu cầu của xã hội thì phải có mua bán sản phẩm, đó chính là quá trình sản phẩm trở thành hàng hoá trên thị trường” (Lê nin, 1974). Như vậy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa là quá trình thay đổi cơ cấu giữa các ngành sản xuất cây trồng, vật nuôi, chế biến sản phẩm, từng bước đa dạng hóa và chuyên môn hóa sản phẩm nông nghiệp theo nhu cầu thị trường nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân và giải quyết các vấn đề xã hội (an ninh lương thực, nghèo đói, môi trường...). (Lê Quốc Doanh 2006).

Đặc trưng chủ yếu của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp không cố định mà luôn vận động, biến đổi. Sự tồn tại của nó mang tính khách quan phụ thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và phân công lao động xã hội. Xu thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và các thể chế ở mỗi nơi và mỗi giai đoạn cụ thể (Lê Quốc Doanh, 2006). Đã có đề xuấtchia quá trình phát triển ra làm 4 giai đoạn, trong đó vai trò của nông nghiệp giữ các vị trí khác nhau:

Giai đoạn 1 bắt đầu phát triển: Trong giai đoạn này, nông nghiệp còn chiếm phần lớn trong sản phẩm vùng, quốc gia, nguồn tích luỹ chủ yếu lấy từ nông nghiệp. Nguồn thu nhập của các nông hộ và của nhà nước chủ yếu có nguồn gốc từ các nông sản tự cấp tự túc, trao đổi, buôn bán trên thị trường và các khoản thuế trực tiếp hay gián tiếp đánh vào nông nghiệp.

Giai đoạn 2, nông nghiệp đóng góp chủ yếu vào quá trình tăng trưởng. Trong giai đoạn này, một phần nguồn lợi thu được từ nông nghiệp được đầu tư trở lại cho nông nghiệp, trong đó có các khoản đầu tư cho nghiên cứu & triển khai và cơ sở hạ tầng. Sản lượng nông nghiệp tăng lên đem lại những khoản đóng góp to lớn cho tỷ lệ tăng trưởng kinh tế.

Giai đoạn 3, lao động nông nghiệp chuyên sản xuất lương thực thuần túy như lúa gạo, bắt đầu giảm; giữa nông nghiệp và công nghiệp có một sự mất cân đối, nhất là trong năng suất lao động và mức thu nhập. Để thu hẹp được khoảng cách này, nông nghiệp phải được liên kết trong toàn bộ nền kinh tế thông qua sự phát triển của thị trường lao động, tín dụng, liên kết giữa các ngành kinh tế nông nghiệp, giữa kinh tế nông thôn và đô thị. Nhưng trong nhiều xã hội đã xuất hiện tình trạng càng liên kết với nền kinh tế chung thì nông nghiệp càng mất tính ổn định và nếu không có sự điều tiết của nhà nước thì càng bị phụ thuộc vào các lực lượng thị trường. (Timmer 1988; Meier 1995)

Giai đoạn 4, bắt đầu lúc lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 20% tổng số lao động, khi mà phần chi tiêu cho ăn uống trong ngân sách hộ thành thị cũng giảm xuống còn khoảng 30%. Thu nhập của nông dân bị giảm bớt do việc phải áp dụng các kỹ thuật mới và giá nông sản thấp. Trong điều kiện này, cần phải trợ giá cho nông nghiệp để giữ một số nông dân ở nông thôn và bảo đảm an toàn lương thực.

Ở 4 giai đoạn khác nhau này, chính sách đối với nông nghiệp phải thay đổi cho thích hợp với điều kiện của từng giai đoạn và giải quyết các mâu thuẫn chủ yếu cho sự phát triển. Theo Todaro (1982), sự phát triển của nông nghiệp từ tình trạng tự cấp sang sản xuất hàng hoá trải qua 3 giai đoạn: i) Giai đoạn 1, sản xuất tự cấp, độc canh, tập trung vào một hay hai cây lương thực, chủ yếu với cư dân Đông Nam Á là lúa gạo; ii) Giai đoạn 2, chuyển tiếp sang canh tác đa dạng và đa canh, ngoài cây lương thực còn có thêm rau, quả, cây hàng hoá, chăn nuôi; iii) Giai đoạn 3, chuyển sang chuyên môn hoá vào một nông sản chính, đầu tư tăng năng suất, lấy lợi nhuận làm mục tiêu. Như vậy, có thể thấy các nước có lực lượng lao động trong nông nghiệp cao và có mức đóng góp của nông nghiệp vào GDP thấp như Việt Nam đang chuyển từ giai đoạn 2 sang giai đoạn 3 của quá trình phát triển nông nghiệp, do đó, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa là tất yếu, khách quan, phù hợp với sự vận động của thực tiễn. (Todaro 1982; Timmer 1988)

1.2.2. Các mối quan hệ ngành trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp chịu sự tác động to lớn, mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp phụ thuộc hết sức chặt chẽ vào điều kiện kinh tế – xã hội, những điều kiện tự nhiên nhất định. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp không bó hẹp trong một không gian lãnh thổ, mà luôn gắn liền với quá trình phân công lao động và hợp tác với bên ngoài. (Đỗ Hoài Nam 1996)

Chuyển đổi giữa nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp: Đây là mối quan hệ theo nghĩa rộng của khái niệm nông nghiệp bao gồm các ngành sản xuất lấy đất đai, rừng, biển làm tư liệu sản xuất chủ yếu và đối tượng sản xuất là giới sinh học. Trong quá trình CNH, HĐH đất nước ta thực hiện nền kinh tế mở để các địa phương, các vùng và các cơ sở sản xuất kinh doanh có điều kiện hợp tác, liên doanh, khai thác tiềm năng thế mạnh để tạo nguồn lực đẩy mạnh sản xuất. (Lê Đình Thắng 1998)

Chuyển đổi giữa trồng trọt, chăn nuôi và ngành nghề: Đây là cơ cấu phản ánh mối quan hệ phát triển một cách toàn diện nhằm đạt hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp theo nghĩa hẹp. Đặc điểm của trồng trọt là có tính thời vụ cho nên phải phát triển chăn nuôi, ngành nghề là vừa hỗ trợ cho trồng trọt phát triển như cung cấp phân bón, tiêu thụ sản phẩm. Trên cở sở đó làm tăng mức thu nhập cho các hộ nông dân, nâng cao hiệu quả kinh doanh nông nghiệp.

Chuyển đổi giữa sản xuất nông nghiệp với các ngành chế biến và dịch vụ: Cơ cấu này phản ánh các mối quan hệ được xác lập theo một tỷ lệ cân đối cả về số lượng và chất lượng, giữa các khâu của quá trình tái sản xuất nông nghiệp. Quan hệ này phải được cân đối lại một cách thường xuyên, liên tục khi trình độ sản xuất trong nông nghiệp được nâng lên. Trong hệ thống kinh tế nông nghiệp, khâu sản xuất nông nghiệp là khâu quan trọng hàng đầu, nó cung cấp sản phẩm cho đời sống xã hội. Khâu chế biến bao gồm chế biến các sản phẩm cho người, sản phẩm cho vật nuôi và có phân bón cho cây trồng. Đồng thời nó là thị trường tiêu thụ các hàng hóa, dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp. Dịch vụ vừa là khâu cung cấp các yếu tố sản xuất cho đầu vào, vừa đảm nhiệm khâu tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất (đầu ra).

Chuyển đổi cơ cấu lao động giữa trồng trọt - chăn nuôi - lâm nghiệp và dịch vụ: Đây là sự phản ánh của phân công lao động xã hội theo ngành gắn với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn trong quá trình công nghiệp hoá nông nghiệp - nông thôn ở nước ta. Có thể hiểu đây là cấp độ thấp (cùng loại) của cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp - dịch vụ, nhưng được khu biệt lại ở địa bàn nông thôn. Ngành nghề trong khu vực nông thôn đã mở rộng kéo theo sự thay đổi của cơ cấu lao động. Lao động trong nhóm hộ nông - lâm nghiệp - thuỷ sản đã có sự chuyển dịch theo hướng tỷ lệ hộ thuỷ sản, lâm nghiệp tăng lên, còn tỷ lệ hộ nông nghiệp giảm đi. Dịch vụ ở đây được hiểu là các ngành nghề ở nông thôn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. (Lê Đình Thắng 1998)

1.2.3. Tiêu chí đánh giá chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế trong nông nghiệp

Cơ cấu giá trị trong GDP: Liên Hợp quốc dùng 2 chỉ tiêu là GDP và GNP để đánh giá quy mô và tốc độ tăng trưởng của cải vật chất của mỗi quốc gia. Các nhà kinh tế học hiện đại sử dụng chỉ tiêu GDP như một trong những thước đo khái quát nhất, phổ biến nhất để đo lường, đánh giá về tốc độ tăng trưởng, trạng thái và xu hướng chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế. Trong đánh giá quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong nông nghiệp ở một tỉnh thuần nông thì cơ cấu GDP giữa các ngành kinh tế là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất phản ánh xu hướng vận động và mức độ thành công của công nghiệp hoá. Tỷ lệ phần trăm của các ngành cấp I (khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ) là một trong những tiêu chí đầu tiên đuợc dùng để đánh giá quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành của nền kinh tế. (Nguyễn Sinh Cúc 1996).

Cơ cấu lao động: Cơ cấu lao động là một chỉ tiêu rất quan trọng đánh giá quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong nông nghiệp. Cơ cấu lao động đang làm việc trong nền kinh tế được phân bố như thế nào vào các lĩnh vực sản xuất khác nhau. Các nhà kinh tế học đánh giá cao chỉ tiêu cơ cấu lực lượng lao động đang làm việc trong nền kinh tế. Bởi vì phân tích cơ cấu lao động xã hội mới là chỉ tiêu phản ánh sát thực nhất mức độ thành công của nền kinh tế – xã hội của quá trình CNH, HĐH nói chung và CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nói riêng.

Cơ cấu hàng xuất khẩu: Trong điều kiện một nền kinh tế đang phát triển theo hướng CNH, HĐH và Đô thị hóa nhất là CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, thì cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu cũng được xem như một trong những tiêu chí cơ bản đánh giá mức độ thành công của quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong nông nghiệp. Quy luật phổ biến của quá trình CNH (đối với phần lớn các nước đang phát triển hiện nay) xuất phát từ một nền kinh tế nông nghiệp, thì tỷ trọng trong cơ cấu GDP và lao động nông nghiệp chiếm phần lớn lao động xã hội, và giá trị xuất khẩu ít ỏi, phần rất lớn là sản phẩm nông nghiệp hoặc sản phẩm của công nghiệp khai thác ở dạng nguyên liệu thô (chưa qua chế biến). Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ, nguyên vật liệu phục vụ quá trình phát triển công nghiệp lại rất lớn nên tình trạng khan hiếm và thiếu hụt ngoại tệ luôn là một điểm yếu mang tính kinh niên. (Ngô Đình Giao, 1994).

1.2.4. Những nhân tố ảnh hưởng đến chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế trong nông nghiệp

Nhóm nhân tố về vị trí địa lý, khí hậu và tài nguyên thiên nhiên: Cơ cấu kinh tế của một nước, một vùng, bao giờ cũng dựa trên ưu thế về địa lý và khí hậu. Vì vậy, ở những vị trí địa lý khác nhau và vùng khí hậu khác nhau thì việc xác định cơ cấu kinh tế cũng khác nhau. Nếu điều kiện tự nhiên thuận lợi, con người có thể lợi dụng những yếu tố đầu vào “miễn phí” để tạo ra những sản phẩm với chi phí thấp nhất và chất lượng cao nhất.

Nhóm nhân tố về điều kiện xã hội và tác động của khoa học công nghệ: Khi khoa học công nghệ đã phát triển, tạo ra các điều kiện sản suất thuận lợi cho nông nghiệp, nó bao gồm các lĩnh vực tác động trực tiếp đến đối tượng sản xuất nông nghiệp như các ngành: công nghệ sinh học, công nghệ cấy ghép, gen, lai tạo giống, mà quan trọng là khai thác đất đai, nâng cao điều kiện của sản xuất nông nghiệp như tư liệu sản xuất, kết cấu hạ tầng, lưu thông sản phẩm, bảo quản nông sản sau thu hoạch. Khoa học công nghệ cũng tạo thêm nhiều ngành nghề mới cho nông nghiệp như dịch vụ nông nghiệp, chế biến nông sản, thú y… làm cho nông nghiệp có sự thay đổi to lớn, thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyên môn hoá, hợp tác hoá trong sản xuất, làm cho cơ cấu nông nghiệp thay đổi cả về số lượng và chất lượng, cả bề rộng và chiều sâu. (Nguyễn Quân 2008, tr. 10)

Nhóm nhân tố thuộc về trình độ phát triển của phân công lao động trong nước và quốc tế: Phân công lao động là chuyên môn hoá sản xuất giữa các ngành, các vùng và trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Nó có tác dụng làm đòn bẩy cho sự phát triển về năng suất lao động, hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu kinh tế nông nghiệp nói riêng. Phân công lao động là cơ sở chung cho mọi nền sản xuất hàng hoá. Nhưng phân công lao động đặc thù thì phân chia ngành lớn thành loại và thứ hay còn gọi là ngành chức năng. Như trong nông nghiệp được phân thành ngành trồng trọt và ngành chăn nuôi, ngành trồng trọt lại được phân thành ngành chức năng như cây công nghiệp, cây lương thực, cây thực phẩm…

Nhóm nhân tố thuộc về các lợi thế: Đó là các lợi thế tuyệt đối và lợi thế so sánh, lợi thế của các nước phát triển muộn về kinh tế, tác động không nhỏ đến hình thành cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Trong điều kiện toàn cầu hoá hiện nay việc mở rộng kinh tế đối ngoại là một tất yếu khách quan mang tính quy luật, vì nó bắt nguồn từ yêu cầu của quy luật phân công lao động hợp tác quốc tế, từ sự phân bố không đồng đều về lao động, tài nguyên và sự phát triển không đồng đều về trình độ công nghệ, bắt nguồn từ đời sống, sản xuất của mỗi nƣớc ngày càng đƣợc quốc tế hoá. Vì vậy, đòi hỏi cần sử dụng sao cho có hiệu quả lợi thế tuyệt đối. Lợi thế so sánh nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nói chung và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nói riêng. Rút ngắn khoảng cách lạc hậu giữa các nước kinh tế kém phát triển với các nước phát triển về kinh tế.

Nhóm nhân tố thuộc về cơ chế chính sách: Cơ cấu chính sách thực sự có tác động rất mạnh đến xu hướng vận động tổng quát của sự hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kể cả cơ cấu ngành, cơ cấu thành phần và cơ cấu vùng lãnh thổ của nền kinh tế. Trong điều kiện phát tiển nền kinh tế hành hoá, kinh tế thị trường, việc nghiên cứu các tác động của các yếu tố thị trường là nội dung không thể bỏ qua đối với các chính sách về cơ cấu kinh tế. Sở dĩ như vậy là vì mức độ ảnh hưởng của chúng đối với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng mạnh mẽ không kém các nhân tố đầu vào của sản xuất.

2. Cơ sở thực tiễn

Về cơ cấu nông nghiệp, trong 10 năm qua, vùng ĐBSCL luôn đóng góp trên 55% tổng sản lượng lương thực, quyết định thành công chiến lược an ninh lương thực Quốc gia và có vai trò chủ đạo trong xuất khẩu gạo (hơn 90%, từ năm 2010 đến nay mỗi năm trung bình 5,5-7,0 triệu tấn). Đồng thời, vùng ĐBSCL cũng cung cấp trên 70% lượng trái cây, trên 75% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng của cả nước. Diện tích trồng lúa trên 1,9 triệu ha, tổng sản lượng dao động trong khoảng 24,5-25,5 triệu tấn. Diện tích nuôi thủy sản 750.000-800.000 ha, tổng sản lượng dao động từ 1,6-1,8 triệu tấn. Diện tích cây ăn quả 280.000-290.000ha, sản lượng trên 3 triệu tấn. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL năm 2017 khoảng 282 nghìn tỷ đồng. Tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hàng năm đạt khoảng 13-15 tỷ USD, trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản gần một nửa, dao động từ 6-7 tỷ USD. (Bộ Tài nguyên và Môi trường 2022, tr.24)

Vùng ĐBSCL chiếm 50% sản lượng lúa gạo, 70% lượng trái cây và đóng góp 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 5,31% (đạt 99,4% kế hoạch). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, nông – lâm – ngư nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn (khu vực I chiếm 33,1%, khu vực II chiếm 25,25%, khu vực III chiếm 41,65%). GRDP bình quân đầu người ước đạt 43,06 triệu đồng/người/năm. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13,2 tỷ USD, tăng 4,4% so cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, gạo, thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 5,96 tỷ USD, tăng 6,1% so cùng kỳ. (Bộ Tài nguyên và Môi trường 2022, tr.25)

2.1. Thực tiễn luật pháp và chính sách

Cơ sở thực tiễn của việc chuyển đổi đất trồng lúa sang đất nông nghiệp khác đã được luật hóa trong Luật Đất đai, bao gồm: i) Đất trồng cây hàng năm; ii) Đất trồng cây lâu năm; iii) Đất rừng sản xuất; iv) Đất rừng phòng hộ; v) Đất rừng đặc dụng; vi) Đất nuôi trồng thủy sản; vii) Đất làm muối; và viii) Đất nông nghiệp khác. (Quốc hội 2013, Điểm h Khoản 1 Điều 10, Luật Đất đai 2013). Để hướng dẫn thực hiện luật đất đai, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 về quản lý sử dụng đất trồng lúa. (Chính phủ 2015) Đến lượt mình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Thông tư số 19/2016/TT-BNNPTNT ngày 27/6/2016 hướng dẫn chi tiết Điều 4 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP về quản lý sử dụng đất trồng lúa. Tiếp đó Thông tư số /2017/TT-BNNPTNT ngày tháng năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 19/2016/TT-BNNPTNT, hướng dẫn chi tiết về quản lý sử dụng đất trồng lúa và hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm theo quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và các quy định khác của pháp luật liên quan.

Nghị định số 35/2015/NĐ-CP quy định rõ: i) Đất trồng lúa là đất có các điều kiện phù hợp để trồng lúa, bao gồm đất chuyên trồng lúa nước và đất trồng lúa khác; ii) Đất chuyên trồng lúa nước là đất trồng được hai vụ lúa nước trở lên trong năm; iii) Đất trồng lúa khác bao gồm đất trồng lúa nước còn lại và đất trồng lúa nương; iv) Đất trồng lúa nước còn lại là đất chỉ phù hợp trồng được một vụ lúa nước trong năm;…viii) Cây hàng năm là loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá 01 (một) năm, kể cả cây hàng năm lưu gốc để thu hoạch không quá 05 (năm) năm; ix) Cây lâu năm là loại cây được gieo trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm; x) Kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa là hình thức kết hợp giữa trồng lúa với nuôi trồng thủy sản gồm: Trồng một vụ lúa và một vụ nuôi trồng thủy sản hoặc trồng lúa đồng thời kết hợp với nuôi trồng thủy sản.. (Chính phủ 2015, Chương I, Điều 3. Giải thích từ ngữ)

Ngoài ra, Nghị định 35/2015/NĐ-CP cũng quy định điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản cụ thể như sau: i) Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại: Không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa; ii) Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của cấp xã (sau đây gọi là kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa); iii) Trường hợp trồng lúa đồng thời kết hợp với nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, nhưng phục hồi lại được mặt bằng khi chuyển trở lại để trồng lúa. (Chính phủ 2015, Chương II, Điều 4. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa)

Sau đó, các điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản đã được Nghị định số 62/2019/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa ban hành ngày 11 tháng 7 năm 2019 sửa đổi và bổ sung như sau: i) Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa; ii) Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của cấp xã (sau đây gọi là kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa), đảm bảo công khai, minh bạch; iii) Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm phải theo vùng, để hình thành các vùng sản xuất tập trung và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương; iv) Trường hợp trồng lúa đồng thời kết hợp nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120 cm, khi cần thiết phải phục hồi lại được mặt bằng để trồng lúa trở lại.” (Chính phủ 2019, Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 của Nghị định 35/2015/NĐ-CP)

2.2. Thực tiễn biến đổi khí hậu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở ĐBSCL

Kịch bản về biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL cho thấy, có tới 60-75% diện tích một số tỉnh trong vùng sẽ bị ngập lụt vào năm 2050, trong đó khoảng 26,7% dân số và 31% diện tích đất của vùng sẽ bị ảnh hưởng. Đến năm 2030, có khoảng 45% diện tích vùng ĐBSCL bị nhiễm mặn, gây thiệt hại khoảng 17 tỷ USD (World Bank, 2020).

Dự báo trong thời gian tới, tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến nhanh; các tác động dài hạn đã được dự báo, nhận diện, tuy nhiên những tác ngắn hạn là khó lường, khó dự báo do tính thất thường, cực đoan. Vì vậy, trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất phát triển nông nghiệp theo 3 tiểu vùng có xem xét đến các hệ sinh thái nông nghiệp trong từng tiểu vùng: 1) Vùng thượng ĐBSCL: phát triển nền nông nghiệp đa dạng, có tính đến thích ứng với lũ cực đoan; là vùng trọng điểm về sản xuất lúa và cá tra theo hướng hiện đại, bền vững; là vùng đóng vai trò điều tiết và hấp thu lũ cho ĐBSCL. 2) Vùng giữa ĐBSCL: phát triển nông nghiệp miệt vườn điển hình, là trung tâm chuyên canh trái cây lớn nhất của Vùng và cả nước; phát triển một số vùng lúa gạo tập trung, thủy sản nước ngọt, rau màu, cây công nghiệp và thủy sản nước lợ. 3) Vùng ven biển ĐBSCL: phát triển nền nông nghiệp dựa chính vào nước mặn và lợ, phát huy lợi thế thủy sản; luân canh mặn - ngọt phù hợp điều kiện đặc thù theo mùa; tập trung phát triển hệ thống nông - lâm kết hợp theo hướng sinh thái, hữu cơ, kết hợp du lịch sinh thái. (Bộ Tài nguyên và Môi trường 2022).

Tiểu vùng thượng đồng bằng ĐBSCL, sinh kế nông nghiệp theo truyền thống liên quan đến thích ứng với điều kiện lũ theo mùa (nghĩa là có một vụ lúa nổi theo mùa, sau đó là xviiiSả dẩng ủđt nông nghiộp và sinh kũ bến vớng ự ừưng bấng sông Cảu Long: Các kịch bản và đề xuất chính sách trồng rau màu và đánh bắt cá tự nhiên). Trong hai thập kỷ qua, tiểu vùng này đã có sự chuyển đổi nhanh chóng từ hệ thống lúa 1 vụ sang hệ thống lúa năng suất cao 2 vụ và 3 vụ. Tổng diện tích lúa của tiểu vùng này đạt 734.000 ha (sản lượng 9,6 triệu tấn) vào năm 2017, trong đó hệ thống lúa 2 vụ và 3 vụ lần lượt chiếm tỷ lệ 60% và 36%. Diện tích trồng cây ăn quả cũng đã được mở rộng trong năm năm qua. Dù hiện tại chỉ chiếm một diện tích nhỏ 48.500 ha (15% tổng diện tích) nhưng diện tích cây ăn quả trong tiểu vùng này có tốc độ tăng trưởng cao nhất, khoảng 7% mỗi năm trong giai đoạn 2012–2017. Nghề làm vườn phát triển nhanh chóng ở những nơi nông dân chuyển đổi hệ thống lúa 3 vụ giá trị thấp sang vườn cây ăn quả. Sự phát triển nhanh chóng của hệ thống đê bao để tạo điều kiện trồng lúa vụ ba ở tiểu vùng thượng đồng bằng đã làm giảm không gian chứa lũ. Điều này làm tăng tình trạng ngập lụt ở các tỉnh hạ nguồn vào mùa lũ và tăng xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển vào mùa khô. Ngoài ra, mạng lưới đê bao cao có thể giúp trồng lúa vụ ba ở bên trong đê vào mùa lũ nhưng lại ngăn nước lũ mang theo phù sa và các chất dinh dưỡng đi theo, dẫn đến suy giảm độ phì nhiêu của đất ở những vùng trồng lúa 3 vụ. Lợi nhuận từ canh tác lúa rất thấp và việc làm cũng giảm do cơ giới hóa tăng. (Worl Bank Group 2021, tr., xvii)

Tiểu vùng giữa ĐBSCL là tiểu vùng dẫn đầu của Việt Nam về nghề làm vườn, mặc dù lúa vẫn là loại cây trồng quan trọng. Từ đầu những năm 1990, đã có sự chuyển đổi từ hệ thống lúa 1 vụ sang 2 vụ và 3 vụ. Sau đó, từ năm 2005 đến năm 2017, một phần đáng kể diện tích lúa đã được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, làm vườn hoặc trồng các giống lúa chất lượng cao. Nuôi trồng thủy sản nước ngọt (như nuôi cá tra và tôm càng xanh) và chăn nuôi ở tiểu vùng này cũng phát triển mạnh hơn so với các vùng khác ở ĐBSCL. Do sự phát triển các đê sông gần đây ở tiểu vùng thượng đồng bằng và đê ven biển ở tiểu vùng ven biển và ảnh hưởng ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, tiểu vùng giữa càng dễ bị ảnh hưởng của lũ lụt theo mùa, xâm nhập mặn và ô nhiễm nguồn nước. Sinh kế nông nghiệp ở tiểu vùng này đang khó khăn hơn do người nông dân phải nỗ lực để thích ứng với lũ theo mùa và xâm nhập mặn. (Worl Bank Group 2021, tr. xviii)

Tiểu vùng ven biển ĐBSCL là tiểu vùng dẫn đầu của Việt Nam về nuôi tôm và thủy sản nước lợ. Trước những năm 1990, đánh bắt cá và tôm tự nhiên ở rừng ngập mặn là sinh kế chính của nông dân tiểu vùng ven biển. Trong ba thập kỷ qua, nuôi tôm quảng canh và thâm canh ở tiểu vùng này đã phát triển nhanh chóng dẫn đến giảm mạnh diện tích rừng ngập mặn và nguồn thủy sản tự nhiên. Khai thác quá mức nước ngầm để nuôi tôm đã làm cạn kiệt nguồn nước ngầm và gây sụt lún đất nghiêm trọng. Trong những năm 1990, chính phủ đã đầu tư vào các dự án thủy lợi lớn để chuyển nước ngọt từ sông Hậu đến vùng ven biển nhằm hỗ trợ sản xuất lúa. Nhiều sông và kênh nhỏ đã bị ngăn cách với các sông chính và mất đi ảnh hưởng của thủy triều từ biển do hệ thống đê và cống ngăn mặn được xây dựng để bảo vệ sản xuất lúa. Việc mất khả năng tự lọc sạch, đồng thời liên tục phải tiếp nhận nhiều hóa chất từ nông nghiệp thâm canh và nuôi trồng thủy sản khiến nguồn nước cho nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt ở đây bị ô nhiễm nặng. (Worl Bank Group 2021, tr. xviii)

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế có vị trí hết sức quan trọng cả về chính trị, quốc phòng - an ninh của đất nước. Vùng có diện tích đất tự nhiên chiếm 12,2% diện tích đất của cả nước, dân số khoảng 18 triệu người. Tổng sản phẩm nội vùng chiếm 12% tổng sản phẩm quốc nội. Vùng là một trong những vựa lúa lớn nhất nước ta, trung tâm sản xuất thủy sản và trái cây có vị trí hàng đầu, đóng góp 31,37% GDP toàn ngành Nông nghiệp với hơn 50% sản lượng lúa, hơn 65% sản lượng nuôi trồng hải sản, 70% sản lượng trái cây, 95% sản lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu. Đồng thời, trong vùng có nhiều tiềm năng về dầu khí, năng lượng tái tạo, như: năng lượng gió, năng lượng điện mặt trời và năng lượng thủy triều… là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt như mạng lưới sinh thái với vườn cây, rừng cây rộng lớn, có 4 khu dự trữ khí quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là khu Ramsar của thế giới (Phan Thị Cẩm Giang 2023). Tuy nhiên, về chăn nuôi gia súc, gia cầm của ĐBSCL so với các vùng miền khác trong nước là khiêm tốn: lợn 8,9%; gà 13,7%; vịt 30,3%; trâu 0,98%; bò thịt 15,5%; bò sữa 11,1%; dê 16,2%; cừu 0,73%; thỏ 11,7% có thể đứng vị trí thứ 4, chỉ khá hơn Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. (Nguyễn Văn Thu và Nguyễn Thị Kim Đông 2023)

2.3. Chính sách phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long

2.3.1. Quan điểm về phát triển nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 2-4-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” nhằm tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng ĐBSCL trên tất cả các lĩnh vực... Nghị quyết đã đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, gồm các giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; về phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Các nhiệm vụ, giải pháp này được cụ thể hóa thành 47 chỉ tiêu, nhiệm vụ và dự án cụ thể, gồm 14 chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030, trong đó có giao nhiệm vụ các địa phương trong vùng khẩn trương lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch.

Liên quan đến phát triển nông nghiệp bền vững nói chung và chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở ĐBSCL theo hướng bền vững nói riêng, Đảng và Nhà nước chủ trương: i) Tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp quá mức vào tự nhiên; sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên thiên nhiên; ii) Chủ động, tích cực thích ứng và tận dụng cơ hội từ biến đổi khí hậu, coi nước mặn và nước lợ là nguồn tài nguyên cho phát triển cây trồng vật nuôi thích hợp; xem xét các kịch bản cực đoan để chuẩn bị các giải pháp giải quyết tình huống khẩn cấp; iii) Thay đổi tư duy về an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long dựa vào cây lúa; xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo phù hợp với thị trường, dựa trên hệ thống canh tác đã hình thành và từng bước điều chỉnh theo lộ trình, tránh xáo trộn ảnh hưởng đến đời sống người dân; iv) Tận dụng tối đa các cơ hội và lợi thế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế để thúc đẩy phát triển sản xuất, mở rộng thị trường cho nông sản; v) Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, đặc biệt trong chiến lược chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở vùng ĐBSCL. (Thủ tướng Chính phủ 2020: II. Quan điểm, Mục tiêu)

2.3.2. Định hướng phát triển và chuyển đổi cây trồng đồng bằng sông Cửu Long

Liên quan đến định hướng phát triển nông nghiệp bền vững nói chung và chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở ĐBSCL theo hướng bền vững nói riêng, Đảng và Nhà nước chủ trương: i) Xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo; tăng tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản và trái cây, giảm tỷ trọng lúa gạo; phát triển các ngành hàng khác theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để đa dạng hóa hệ thống sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển vùng gắn với du lịch nông nghiệp, sinh thái đặc thù; ii) Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, ưu tiên các nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống rủi ro thiên tai; iii) Chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với những thay đổi về điều kiện tự nhiên và thị trường, các yếu tố nội tại, tài nguyên, con người, tiến bộ khoa học công nghệ, biến nguy cơ thành thời cơ, biến bất lợi thành lợi thế; iv) Thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai hình thành các hộ nông dân quy mô lớn, tổ chức nông hộ thành các hợp tác xã kiểu mới, liên kết với doanh nghiệp; v) Ưu tiên phát triển chế biến và thương mại trong chuỗi giá trị nông nghiệp; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung giải quyết 3 vấn đề: giống, thức ăn và chế biến; tăng cường canh tác bền vững, giảm tối đa sử dụng vật tư, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng tỷ lệ chế biến sản phẩm giá trị gia tăng; phát triển các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho vùng chuyên canh, các khu, cụm công nghiệp chế biến, các trung tâm dịch vụ hậu cần, chuỗi lạnh để kết nối thị trường. (Thủ tướng Chính phủ 2020: III. Định hướng phát triển)

2.3.3. Định hướng chuyển đổi các ngành cây trồng chủ lực vùng đồng bằng sông Cửu Long

Liên quan đến định hướng chuyển đổi và phát triển các ngành cây trồng chủ lực vùng ĐBSCL theo hướng bền vững nói riêng, Đảng và Nhà nước đã đề ra những danh mục và các chie tiêu cụ thể sau: i) Về lúa gạo: Đến năm 2030, diện tích canh tác lúa toàn vùng còn 1,6 triệu ha (giảm khoảng 300 nghìn ha, chuyển sang canh tác trái cây và nuôi trồng thủy sản). Diện tích gieo trồng lúa còn 3,1 triệu ha (giảm 1 triệu ha do giảm diện tích canh tác và giảm vụ); sản lượng lúa dự kiến còn 17,3 triệu tấn (giảm 6,3 triệu tấn); ii) Về trái cây: Đến 2030, mở rộng diện tích trái cây, dự kiến tổng diện tích trái cây đạt khoảng 650 nghìn ha (tăng thêm 150 nghìn ha ở vùng chuyển đổi và vùng linh hoạt), chủ yếu chuyển đổi từ các vùng đất lúa kém hiệu quả ở các khu vực bị xâm nhập mặn, khu vực có địa hình cao; các cù lao màu mỡ; iii) Về lâm nghiệp: Phục hồi và phát triển rừng là nhiệm vụ trọng tâm; kết hợp hài hòa giữa bảo vệ rừng tràm, rừng ngập mặn với phát triển các sinh kế từ rừng, đặc biệt là thủy sản sinh thái dưới tán rừng (tôm, cua, cá...); phát triển các mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng; iv) Về du lịch sinh thái: Phát triển hệ sinh thái nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long làm nền tảng cho phát triển du lịch, gắn với bảo vệ và phát triển rùng ngập mặn ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển du lịch miệt vườn. (Thủ tướng Chính phủ 2020: III. 3. Định hướng phát triển các ngành chủ lực)

______________________________________

Còn nữa...

Tài liệu dẫn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2017). Thông tư số 19/2017/TT-BNNPTNT: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT- BNNPTNT ngày 27/6/2016 hướng dẫn chi tiết điều 4 Nghị định số 35/2015NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 về quản lý sử dụng đất trồng lúa và hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm theo quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 2017.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2021). Quyết định số 3550 QĐ-BNN-TCTS Phê duyệt Đề án phát triển Nuôi trồng thuỷ sản bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Hà Nội, ngày 12 tháng 08 năm 2021.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (2022). Báo cáo Quy hoạch Tổng hợp Lưu vực sông Cửu Long 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Hà Nội.

Chenery H. (1988). Structural transformation, In Handbook of development economics, North-Holland, 1: 197-202.

Chính phủ (2015). Nghị định số: 35/2015 NĐ-CP về Quản lý, sử dụng đất trồng lúa, Hà Nội ngày 13 tháng 04 năm 2015.

Chính phủ (2017). Nghị định số: 62/2019 NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định ngày 13 tháng 04 năm 2015 của Chính phủ về Quản lý, sử dụng đất trồng lúa, Hà Nội ngày 11 tháng 7 năm 2019.

Chính phủ (2019). Nghị định số 62/2019/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2019.

Đỗ Hoài Nam (1996). Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành và phát triển các ngành trọng điểm, mũi nhọn ở Việt Nam. Nxb. Khoa học Xã hội-Nhân văn, Hà Nội.

Lê Đình Thắng (1994). Khái niệm về cơ cấu kinh tế nông thôn. Hội thảo khoa học về Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn Việt nam. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

Lê nin V.I. (1974). V.I. Lê nin toàn tập, Tập 2, Nhà xuất bản Tiến Bộ, Mát-xcơ-va.

Lê Quốc Doanh (2006). Nghiên cứu luận cứ khoa học để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong Báo cáo tổng kết đề tài cấp nhà nước, Mã số KC 07.17.

Ngô Đình Giao (1994). Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH nền kinh tế quốc dân. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Nguyễn Quân (2008). Vấn đề đầu tư cho khoa học và công nghệ, Tạp chí Hoạt động Khoa học, số tháng 8-2008, tr. 9-12

Nguyễn Sinh Cúc (1996). Chuyển dịch cơ cấu kinh tế quốc dân giai đoạn 1996 - 2000. Tạp chí Cộng sản, Số 9.

Nguyễn Văn Thu và Nguyễn Thị Kim Đông (2023). Hiện trạng và định hướng phát triển chăn nuôi vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học Công nghệ Chăn nuôi - Số 138. Tháng 4/2023

Phan Thị Cẩm Giang (2023). Kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Tạp chí Công Thương, Số 18 tháng 8 năm 2023

Quốc hội (2013). Luật đất đai, Luật số: 45/2013/QH13, Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2013.

Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định Số 324/QĐ-TTg: Phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích nghi với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng song Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hà Nội, ngày 02 tháng 3 năm 2020.

Timmer C. P. (1988). The Agricultural transformation, Handbook of development economics, North-Holland, 1: 275-331.

Todaro M.P. (1982). Economic development in the third world, Longman, New York, London.

World Bank. 2020. “The First Mekong Delta Region Development Policy Operation (P172780)”. https://documents1.worldbank.org/curated/en/text/

Worl Bank Group (2021). Sử dụng đất nông nghiệp và sinh kế bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long: Các kịch bản và đề xuất chính sách. Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế năm 2021/ Ngân hàng Thế giới.