Kinh tế học Phật giáo - Trung đạo
trong Thương trường (III)
Ven. P.A. Payutto
Người dịch: Hà Hữu Nga
Xung đột và Hài hòa
Trong cuộc
cạnh tranh cho những dục vọng mù lòa và vô minh của mình, con người đã không sáng
tỏ được cái gì là lợi lạc chân chính và cái gì là lậu hoặc trong cuộc đời mình.
Họ không biết được cái gì dẫn họ tới lợi lạc, cái gì cuốn họ vào vòng xoáy lậu
hoặc. Chìm đắm trong vô minh, con người chỉ có thể nuôi dưỡng các dục vọng của
mình. Trong gắng gỏi tuyệt vọng đó, con người đôi khi vẫn sáng tạo ra không ít
lợi lạc, nhưng đôi khi họ lại hủy hoại các lợi lạc đó. Nếu có tạo ra được các lợi
lạc thì đó cũng chỉ là ngẫu nhiên so với mục đích chính yếu của họ, còn trong hầu
hết các trường hợp, để thỏa mãn dục vọng, người ta gây hại vô số cho cuộc sống.
Vì tranh giành nhau, và tranh giành thế giới xung quanh mình để thỏa mãn các dục
vọng, con người đã tạo ra sự xung đột liên miên với chính mình, với các xã hội
của mình, và với cả môi trường tự nhiên. Có những xung đột về lợi ích; một cuộc
sống bị vô minh dẫn dắt thì chứa đầy bất hòa và xung đột.
Nếu có bất
cứ điều gì đối với bản chất của con người cần phải xem xét dưới góc độ kinh tế thì
đó chính là việc con người không quá khác biệt với các loài động vật mà thậm chí
có lẽ còn xấu hơn vì chúng ta đặc biệt có tài trong việc theo đuổi các hành vi
có hại cho sự thịnh vượng chân chính của thế giới. Rất may là con người còn có
nhiều phẩm chất khác nữa. Phật giáo dạy rằng con người có khả năng thiên bẩm để
phát triển. Trong khi Phật giáo chấp nhận một thực tế là con người luôn luôn khát
khao chiếm hữu ngoại giới thì nó cũng thừa nhận rằng con người còn khát khao đối
với chất lượng cuộc sống hoặc sự thịnh vượng chân chính, khát vọng tự hoàn thiện
và vươn tới cái thiện. Điều đó chỉ xuất hiện khi cuộc sống đã thoát khỏi vô
minh, tránh được sự cám dỗ của dục vọng. Các vấn đề dục vọng của con người có
thể được giải quyết bằng cách vươn tới tri thức. Vì vậy sự phát triển của con
người thực sự gắn chặt với sự phát triển của tri thức. Trong Phật giáo, loại
tri thức đó được gọi là Bát Nhã (pañña) - Tuệ.
Khi vô minh được thay bằng tuệ thì người ta có thể
phân biệt được cái gì là lợi lạc chân chính, cái gì không. Trong ánh sáng của
Tuệ, các dục vọng sẽ tự nhiên trở thành khát vọng đem lại lợi lạc. Trong Phật
giáo khát vọng đạt tới lợi lạc chân chính được gọi là dhammachanda (Pháp
dục – khát vọng chân chính), kusalachanda (Thiện dục), hoặc nói một cách
ngắn gọn là chanda.
Mục tiêu của chanda là dhamma (Pháp)
hoặc kusaladhamma (Thiện xảo pháp), chân lý và cái thiện. Chân, thiện phải
đạt được thông qua sự nỗ lực hành trì, vì vậy chanda hướng tới hành động,
đối lập với tanha hướng tới tìm kiếm. Chanda hiện khởi từ yoniso-manasikara
(tuệ quán), cũng đối lập với tanha là một phần của dòng phản ứng vô minh
tiềm thức.
Tóm lại:
1. Tanha được dẫn dắt hướng tới cảm xúc; nó
dẫn người ta tới tìm kiếm các đối tượng để cố thỏa mãn các lợi ích của bản thân
và bị vô minh đưa dẫn.
2. Chanda được dẫn dắt hướng tới lợi lạc, dẫn
tới nỗ lực và hành động, và được đặt cơ sở trong nội quán.
Khi trí huệ thăng tiến, chanda bắt đầu chiếm
ưu thế trong khi dục vọng vô minh của tanhan mất đi sức mạnh của nó. Bằng
tu tập và tự tinh tiến, chúng ta ngày càng bớt vô minh và tanha ngày càng
chịu sự kiểm soát của trí huệ và chanda. Điều đó dẫn đến một cuộc sống
thiện xảo hơn, tinh tiến hơn và mối quan hệ với ngoại giới càng trở nên gắn bó.
Với trí huệ và chanda, chúng ta không còn nhìn
cuộc sống bằng nhãn kiến xung đột lợi ích nữa. Thay vào đó, chúng ta không ngừng
làm cho cuộc sống trở nên hài hòa hơn giữa lợi ích của cá nhân con người, lợi ích
của xã hội với lợi ích của tự nhiên. Xung đột lợi ích trở thành hài hòa lợi ích.
Điều đó trở thành hiện thực bởi vì cuối cùng một cuộc sống lợi lạc thực sự chỉ
có thể thành tựu khi cá nhân, xã hội và môi trường phục vụ lẫn nhau. Nếu có
xung đột giữa bất cứ quyển nào thì kết quả sẽ là những vấn đề xảy ra cho tất cả
các quyển đó.
Đạo đức và hai loại dục
Như chúng ta đã thấy, Phật giáo thừa nhận có hai loại nhu
cầu khác nhau: 1) tanha, là loại dục
vọng đối với những sự vật thoả mãn khoái lạc 2) chanda, là loại khát vọng thoả mãn niềm vui, hạnh phuc đích thực. Tanha dựa vào sự mê muội, trong khi đó chanda dựa vào trí tuệ và vì vậy nó là một
phần của tiến trình giải quyết vấn đề.
Cả tanha và chanda đều dẫn đến sự thoả mãn, nhưng là
những loại thoả mãn khác nhau. Khi đưa ra ví dụ về hành động ăn, con người bị dẫn
dắt bởi tanha sẽ tìm cách để thoả mãn
sự thèm muốn khoái lạc cảm giác mà trong trường hợp này là sự thèm muốn về vị
giác. Ở đây sự thoả mãn nảy sinh từ việc trải nghiệm mùi vị của thức ăn. Nhưng khi
được hướng dẫn bởi chanda, thì các thèm
khát được định hướng để tạo ra sức khoẻ. Chúng ta không bị bắt buộc phải ăn quá
no nê, hoặc ăn những loại thức ăn khiến cho chúng ta phát ngấy vì vị ngon của nó.
Thay vào đó, chúng ta ăn để thoả mãn cơn đói và để nuôi cơ thể. Ở đây trạng thái
thoả mãn nảy sinh từ niềm tin chắc rằng cơ thể khoẻ mạnh nhờ ăn uống. Chúng ta
thưởng thức món ăn nhưng không phải theo cách dẫn đến hối hận, ăn năn.
Chanda dẫn đến hiệu quả và hành động dựa trên tri thức và tư
duy rõ ràng. Ngược lại tanha dẫn đến
việc kiếm tìm mù quáng dựa trên vô minh. Cả hai loại dục vọng nội tại này đều
thúc đẩy hành vi, nhưng với những hệ quả đạo đức hoàn toàn khác biệt nhau.
Trong Phật giáo, giá trị đạo đức của hành vi có thể được xét đoán bằng việc nó được
thúc đẩy bởi tanha (trên bề mặt) hay chanda (trong nội tâm) và bởi vô minh
hay trí huệ. Khi xem xét giá trị đạo đức của hành vi kinh tế, chúng ta phải xác
định loại trạng thái tinh thần nào thúc đẩy nó. Khi lòng tham (tanha) điều khiển các quyết định kinh tế
thì về phương diện đạo đức hành vi có khuynh hướng vụng về. Nhưng nếu khát vọng
được chanda hạnh phúc thúc đẩy thì về
phương diện đạo đức, hành vi mang tính khôn ngoan. Bằng cách định giá hành vi
kinh tế theo cách đó, chúng ta nhận ra các trạng thái tinh thần, hành vi đạo đức
và hành động kinh tế gắn chặt với các mối quan hệ nhân quả.
Đối với một Phật tử, hành vi kinh tế phải là phương tiện
cho một cuộc sống lương thiện. Sản xuất và tiêu thụ và những hành vi kinh tế khác
không phải là những cứu cánh tự thân; chúng chỉ là phương tiện và cứu cánh phải
đến là sự phát triển của hạnh phúc bên trong mỗi cá nhân, bên trong mỗi xã hội
và bên trong mỗi môi trường.
Trái ngược với quan niệm sai lầm cho rằng Phật giáo chỉ dành
cho những kẻ thoát ly cuộc sống, các Phật tử thừa nhận rằng đạt tới sự thịnh vượng
là một trong những hành vi cơ bản của cuộc sống, và Đức Phật đã dạy nhiều về
con đường đúng đắn để đạt được sự thịnh vượng. Nhưng chúng ta luôn luôn nhấn mạnh
rằng mục đích của sự thịnh vượng là tạo điều kiện cho sự phát triển tiềm năng
con người một cách cao nhất. Trong Phật giáo có nói tới ba cái đích trong cuộc
sống: sự khởi đầu, trung đích và cái đích tối hậu. Cái đích khởi đầu là sự thuận
lợi về vật chất một cách hợp lý và an ninh về kinh tế. Tuy nhiên an ninh vật chất
chỉ là một nền tảng cho hai cái đích trừu tượng hơn và cao hơn - đó là sự an lạc
tinh thần và trạng thái giải thoát.
Hầu hết mỗi đời người đều dành cho công việc mưu sinh. Nếu
kinh tế học có bất cứ vai trò nào có thể sắm được trong việc giải quyết vấn đề
con người thì toàn bộ các hoạt động kinh tế – sản xuất, tiêu thụ, lao động và
tiêu tiền phải đóng góp vào niềm an lạc và hiện thực hoá các tiềm năng cho một
cuộc sống lương thiện và đầy đủ. Đó là thứ mà chúng ta có thể làm. Thực chất của
kinh tế học Phật giáo nằm ở đây, trong việc đảm bảo rằng hành động kinh tế làm
tăng tiến chất lượng cuộc sống của chúng ta.
Những cân nhắc đạo lý trong hoạt động kinh tế
Một nguyên tắc cơ bản của kinh tế học hiện đại là người
ta sẽ chỉ đồng ý bỏ ra một cái gì đó khi họ có thể đổi lấy một cái gì khác mà họ
cảm thấy công bằng hoặc thoả mãn. Nhưng nguyên tắc này chỉ cân nhắc sự thoả mãn
xuất phát từ việc làm chủ các hàng hoá vật chất. Đôi khi chúng ta có thể trải
nghiệm ý nghĩa thoả mãn bằng cách chia sẻ cái gì đó mà không hề nhận lại bất cứ
cái gì hữu hình như khi bố mẹ cho con cái mình những món quà: vì tình yêu thương
mà họ dành cho con cái, nên họ cảm thấy thoả mãn hơn cả việc họ nhận lại được một
cái gì đó. Nếu con người có thể trải rộng tình yêu thương của mình đến tất cả
những người khác chứ không phải là hạn chế nó trong phạm vi gia đình riêng của
họ thì họ có thể chia sẻ những thứ gì đó mà không nhận lại bất cái gì, và cảm
thấy thoả mãn hơn khi làm như vậy. Sự thoả mãn này không phải xuất phát từ khát
vọng có được mọi vật để làm cho họ sướng khoái (tanha), mà từ một khát vọng đem lại hạnh phúc cho những người
khác (chanda) [*].
Một nguyên tắc kinh tế khác khẳng định rằng giá trị của hàng
hoá được xác định bởi nhu cầu. Nguyên tắc này được minh hoạ một cách kinh điển
bằng câu truyện về hai người thuỷ thủ bị đắm tàu dạt lên một hoang đảo: một người
có một bao gạo còn người kia thì có một trăm hạt chuỗi vàng. Thông thường chỉ cần
một hạt chuỗi vàng là đủ, quá đủ để mua toàn bộ bao gạo. Nhưng giờ đây hai người
đều nhận ra rằng họ đã bị mắc kẹt trên hòn đảo mà không có cách gì thoát ra được
và không có gì đảm bảo rằng họ sẽ được cứu thoát khỏi hoang đảo. Vậy là giá trị
của hàng hoá đã thay đổi. Giờ đây người có gạo có thể đòi tất cả một trăm hạt
chuỗi vàng cho một phần gạo của anh ta, hoặc anh ta có thể từ chối trao đổi với
bất cứ giá nào.
Tuy nhiên vấn đề đạo đức lại không xuất hiện trong cuộc
thảo luận này. Các nhà kinh tế học có thể khẳng định rằng bản thân kinh tế học
chỉ quan tâm đến nhu cầu, mà không quan tâm đến phẩm chất đạo đức của nó, nhưng
thực tế thì những cân nhắc về phương diện đạo đức lại thực sự tác động đến cầu.
Trong ví dụ hai người đàn ông đắm tàu còn có những khả năng khác bên cạnh việc
trao đổi. Người có vàng có thể ăn trộm gạo khi chủ nó không để ý, hoặc anh ta có
thể giết chết người kia để chiếm lấy toàn bộ bao gạo. Mặt khác, hai người cũng
có thể trở thành bạn và giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ cho nhau cho đến những hạt gạo
cuối cùng mà không hề nảy sinh nhu cầu mua bán ở đây.
Trong thực tiễn đời sống có thể xảy ra bất cứ trường hợp
nào đó trong số các trường hợp trên. Các yếu tố như đạo đức cá nhân hoặc những
loại tình cảm như lòng tham và nỗi khiếp sợ cũng có thể tác động đến kết quả
kinh tế. Một nhu cầu không dừng lại ở tội ác hoặc hành vi ăn trộm sẽ nảy sinh
những kết quả khác nhau từ người nhận ra những kiềm chế về mặt đạo đức.
Có một cách để đánh giá phẩm chất đạo đức của hoạt động
kinh tế là nhìn vào các hiệu quả mà nó gây ra ở cả ba cấp: ở cấp độ tiêu dùng cá
nhân; ở cấp độ xã hội và ở cấp độ môi trường. Chúng ta hãy trở lại ví dụ về cái
chai whiskey và bữa cơm Tàu. Rõ ràng là mặc dù những giá cả thị trường của chúng
có thể như nhau, nhưng các chi phí kinh tế lại không ngang bằng nhau. Chai
whiskey có thể làm hại sức khoẻ của người uống, buộc anh ta phải chi tiền điều
trị thuốc men. Nhà sản xuất whiskey có thể để cho mùi hôi thối của quá trình sản
xuất bay vào không khí. Sự ô nhiễm này có những tác động trở lại về phương diện
kinh tế, buộc chính phủ phải tiêu tốn các nguồn lực cho việc làm sạch môi trường.
Hơn nữa một người uống và chịu đựng một dư vị khó chịu sẽ làm việc một cách thiếu
hiệu quả, hoặc anh ta bị say và đâm xe, phải chịu những phí tốn kinh tế lớn hơn.
Sau đó sinh ra những hiệu quả xã hội bất lợi: uống rượu có thể làm nảy sinh thêm
tội ác, làm tổn hại thêm nhiều cho xã hội.
Dù có những vấn đề về đạo đức, nhưng tất cả họ đều có khía
cạnh kinh tế. Họ ngụ ý về nhu cầu thiết yếu của việc nhìn vào các chi phí kinh
tế trên một phạm vi rộng lớn hiện thời – không chỉ trong khuôn khổ của các mức
giá cả thị trường. Ngày nay có một khuynh hướng tính cả các chi phí môi trường
trong các bảng quyết toán kinh tế. Một số nhà kinh tế vẫn gộp chúng vào trong
chi phí thành phẩm. Nhưng điều này là không đủ. Trong trường hợp chai whiskey,
ngoại trừ các chi phí môi trường, vẫn còn các chi phí về xã hội, đạo đức và sức
khoẻ – việc sản xuất không có hiệu quả, các tai nạn xe hơi, bệnh gan, tội ác –
tất cả đều có những dính líu về phương diện kinh tế [**].
Một phương pháp thứ hai để đánh giá chất lượng đạo đức của
hoạt động kinh tế là xác định loại dục vọng nào là cội nguồn của nó. Những hoạt
động kinh tế phi đạo đức nhất là các hoạt động nuôi dưỡng tanha trong
khi lại làm sói mòn cơ sở của hạnh phúc. Các ngành thương mại thuốc lá, thuốc
phiện và gái điếm là những ví dụ về các hoạt động kinh tế có hại chỉ nhằm hướng
tới việc thoả mãn khoái lạc.
Càng ngày con người càng bị điều khiển bởi tanha thì càng ngày họ càng huỷ hoại hạnh
phúc thực sự của họ. Nguyên tắc này không chỉ được áp dụng cho những thói xấu rõ
ràng, mà còn áp dụng cho tất cả mọi hoạt động kinh tế. Vì vậy trong các quyết định
liên quan đến tiêu thụ, sản xuất và sử dụng công nghệ, chúng ta cần phải học cách
phân biệt giữa hai loại khát vọng và phải thực hiện các lựa chọn khôn ngoan.
Còn nữa...
Ghi chú:
[*] Chanda, khi được hướng vào các tồn tại khác
thì được gọi là thiện chí (metta), khát
vọng lợi lạc chúng sinh.
[**] Theo cách hiểu trên, việc hiện nay kinh tế học chính
thống chấp nhận các chi phí môi trường (vì việc theo đuổi lợi ích làm nảy sinh đe
dọa hủy hoại môi trường sống) trong họat động kinh tế trong khi vẫn bỏ qua các
chi phí đạo lý và xã hội (vì mối đe dọa chưa đủ để thu hút sự chú ý của con người)
như một mục tiêu, thì điều đó thực sự là bất thường – một ví dụ rõ ràng về tính
chủ quan trong tư duy kinh tế.
Nguồn: Buddhist Economics – A Middle Way for the Market place by Ven. P.A.
Payutto. Translated into English by Dhammavijaya and Bruce Evans; Compiled by
Bruce Evans and Jourdan Arenson. http://www.buddhanet.net/cmdsg/payutto.htm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét