Powered By Blogger

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Kinh tế học Phật giáo - Trung đạo trong Thương trường (IV)


Kinh tế học Phật giáo - Trung đạo trong Thương trường (IV)

Ven. P.A. Payutto

Người dịch: Hà Hữu Nga


Chương III: Quan điểm Phật giáo về các Khái niệm kinh tế

Những mô hình cơ bản về hoạt động kinh tế thường được trình bày trong các sách giáo khoa kinh tế như sau: các nhu cầu vô hạn được kiểm soát bởi sự khan hiếm; tính khan hiếm đòi hỏi phải lựa chọn; lựa chọn lại kéo theo chi phí cơ hội (tức là chọn cái này có nghĩa là phải từ bỏ cái khác); và mục đích cuối cùng là thoả mãn tối đa [1]. Các khái niệm cơ bản xuất hiện trong mô hình này – nhu cầu, lựa chọn, tiêu thụ và thoả mãn – miêu tả các hoạt động cơ bản cuộc sống của chúng ta từ một viễn cảnh kinh tế học. Các khái niệm này dựa trên một định đề nhất định về thực chất của con người. Không may là các định đề mà các nhà Kinh tế học hiện đại xác lập về bản chất con người lại là những thứ rất lộn xộn.

Khác thế, Phật giáo đưa ra một bức tranh nhất quán và minh bạch về bản chất của con người: một quan điểm bao gồm vai trò của đạo đức và hai lần bản chất khát vọng của con người. Giờ đây chúng ta có thể xem xét một số khái niệm kinh tế dưới ánh sáng của tư duy Phật giáo.

Giá trị

Trong chương trước chúng ta đã thảo luận hai loại khát vọng chanda tanha. Hai loại khát vọng đó kéo theo hai loại giá trị mà chúng ta có thể gọi là giá trị thật và giá trị giả. Gía trị thật được tạo ra bởi chanda. Nói cách khác, giá trị thật của một loại hàng hoá được xác định bằng sự thoả mãn nhu cầu hạnh phúc của nó. Ngược lại, giá trị giả được tạo bởi tanha - đó là khả năng thoả mãn khát vọng khoái lạc của hàng hoá.

Để xác định giá trị của một vật chúng ta cần phải tự hỏi mình xem loại khát vọng nào – tanha hay chanda – qui định nó. Các bộ quần áo đúng mốt, trang sức đắt tiền, các loại xe xa xỉ và các biểu tượng vị thế khác hàm chứa giá trị giả ở mức độ cao vì chúng chỉ phục vụ cho tính chất phù hoa và dục vọng khoái lạc của con người. Một chiếc xe xa xỉ có thể cũng có cùng một chức năng với một chiếc xe rẻ tiền, nhưng nó lại đòi hỏi một cái giá cao hơn chủ yếu vì giá trị giả của nó. Nhiều khoái lạc trong xã hội tiêu thụ ngày nay được cho là đương nhiên – các môn thể thao, những thứ ly kỳ, giật gân và đủ các hình thức tạp nham không kể hết được - được tạo ra chỉ với mục đích thoả mãn tanha, mà không hề có một mục đích thực tiễn nào và thường hết sức tai hại đối với hạnh phúc thật sự của con người. Hầu hết các trường hợp quảng cáo cũng khích động cho các giá trị giả. Những người quảng cáo kích thích khát vọng bằng cách đưa ra các hình ảnh khoái lạc đối với các sản phẩm mà họ rao bán. Họ cố gắng làm cho chúng ta tin rằng bất cứ người nào mua một chiếc xe đắt tiền cũng sẽ vượt lên khỏi đám đông và trở thành thành viên của xã hội thượng lưu, hoặc bằng cách dùng bất kỳ đồ uống nhẹ nào chúng ta cũng sẽ có vô số bạn bè và sẽ là người hạnh phúc.

Gía trị thật của một vật thường bị làm lu mờ bởi giá trị giả của nó. Thèm khát, ngã mạn và dục vọng về sự cám dỗ nhục dục và thị dục làm che mờ mọi xét đoán về giá trị thật của mọi vật. Chẳng hạn bao nhiêu người suy ngẫm về giá trị thật hoặc các nguyên do của việc ăn và mặc?

Tiêu dùng

Vấn đề tiêu dùng cũng hệt như vấn đề giá trị. Chúng ta phải phân biệt sự tiêu dùng của mình có mục đích thoả mãn loại khát vọng nào: đó có phải là nhu cầu về những thứ có giá trị thật, hay nó chỉ chiều theo các khoái lạc được tạo bởi các giá trị giả? Tiêu dùng được coi là một trong những mục tiêu của hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, lý thuyết kinh tế và Phật giáo định nghĩa tiêu dùng hoàn toàn khác nhau.

Mọi người đều đồng ý rằng tiêu dùng là việc làm giảm nhẹ đi hoặc để thoả mãn dục vọng hoặc khao khát. Kinh tế học hiện đại định nghĩa tiêu dùng đơn giản là việc sử dụng các loại hàng hoá và dịch vụ để thoả mãn nhu cầu. Tuy nhiên Phật giáo lại phân biệt giữa hai loại tiêu dùng có thể coi là tiêu dùng “đúng” và tiêu dùng “sai”. Tiêu dùng đúng là việc sử dụng các hàng hoá và dịch vụ để thoả mãn khát vọng về một niềm an lạc thật sự. Đó là tiêu dùng có mục tiêu và đúng mục đích. Tiêu dùng sai nảy sinh từ tanha; đó là việc tiêu dùng các loại hàng hoá và dịch vụ nhằm thoả mãn dục vọng hoặc tự thưởng.

Trong khi điểm nhìn Phật giáo dựa vào dòng quan hệ nhân quả thì tư duy kinh tế chuyên môn hoá lại chỉ đồng nhất một bộ phận của mối quan hệ đó: nhu cầu hướng dẫn tiêu dùng, còn tiêu dùng thì dẫn đến thoả mãn nhu cầu. Đối với hầu hết các nhà kinh tế thì đó là cứu cánh, họ không cần biết cái gì xảy ra sau đó. Theo quan điểm đó thì tiêu dùng là bất cứ cái gì, miễn là nó tạo ra sự thoả mãn. Rất ít khi người ta nghĩ đến liệu niềm an lạc có bị ảnh hưởng bởi lối tiêu dùng đó không.

Tiêu dùng có thể thoả mãn các khát vọng khoái lạc, nhưng mục đích thực sự của tiêu dùng phải đem lại sự an lạc. Chẳng hạn cơ thể chúng ta cần nuôi nấng bằng đồ ăn thức uống. Vì vậy việc tiêu thụ thực phẩm là một đòi hỏi cho sự an lạc đó. Tuy nhiêm đối với đa số người thì ăn cũng là một phương tiện để trải nghiệm khoái lạc. Nếu khi ăn người ta trải nghiệm được vị ngon thì người ta nói rằng như vậy là đã cơn thèm. Các nhà kinh tế có xu hướng tư duy theo cách đó khi cho rằng việc trải nghiệm sự thoả mãn là cùng đích của tiêu thụ. Nhưng vấn đề cốt tử lại là: Mục đích thật của tiêu thụ đồ ăn là gì: đã thèm hay đảm bảo sự an lạc?

Theo quan điểm Phật giáo thì khi tiêu dùng làm tăng tiến sự an lạc, thì đó là thành công. Mặt khác, nếu tiêu dùng chỉ sản sinh ra các cảm giác đã thèm thì như vậy là thất bại. Trong trường hợp tồi tệ nhất, tiêu dùng thông qua tanha sẽ huỷ hoại mục tiêu đích thực của nó là làm tăng tiến an lạc. Việc nuông chiều dục vọng bất chấp hậu quả thì thường dẫn đến cái hại và làm mất đi sự an lạc. Hơn nữa tiêu dùng mang tính ép buộc tràn lan trong các xã hội tiêu thụ lại làm nảy sinh sự không thoả mãn. Rất lạ là kinh tế học, khoa học về sự an lạc và thoả mãn của con người lại chấp nhận và thực sự tán dương loại tiêu dùng làm thất bại việc thực hiện các mục tiêu của riêng nó.

Ngược lại, tiêu dùng đúng đắn luôn luôn đóng góp cho sự an lạc và tạo dựng cơ sở cho sự phát triển thêm các tiềm năng của con người. Điều này thực sự quan trọng, nhưng lại thường bị các nhà kinh tế học bỏ qua. Tiêu dùng được hướng dẫn bởi chanda sẽ thực sự làm thoả mãn khát vọng của con người; nó đóng góp cho sự an lạc và phát triển tinh thần. Điều này là đúng trên phạm vi toàn cầu. Nếu mọi hoạt động kinh tế đều được hướng dẫn bởi chanda thì người ta sẽ gặt hái được nhiều hơn một nền kinh tế mạnh mẽ và một sự tiến bộ vật chất – các hành vi như vậy sẽ đóng góp vào toàn thể sự phát triển con người và tạo điều kiện cho nhân loại hướng đến một cuộc sống an lạc hơn và được hưởng thụ một niềm hạnh phúc chín muồi hơn.

Sự điều độ

Vấn đề trung tâm của Phật giáo là trí tuệ điều độ. Khi mục đích của hoạt động kinh tế được coi là để thoả mãn các nhu cầu thì hoạt động kinh tế lại kết mở và không được định nghĩa rõ ràng – khát vọng không có tận cùng. Theo cách tiếp cận Phật giáo, hoạt động kinh tế phải được kiểm soát bằng chất lượng hoá nhắm tới đạt được an lạc chứ không phải là “thoả mãn tối đa” được tìm ra bởi tư duy kinh tế truyền thống. An lạc với tư cách là một mục tiêu hoạt động với chức năng kiểm soát các hành vi kinh tế. Chúng ta không còn phải đấu tranh với nhau để thoả mãn các khát vọng không cùng nữa. Thay vào đó, các hành vi của chúng ta được định hướng nhằm đạt được an lạc. Nếu hoạt động kinh tế được định hướng như vậy thì các mục tiêu của nó sẽ rõ ràng và các hành động của nó sẽ được kiểm soát. Như vậy sẽ đạt được sự cân bằng. Không còn sự thái quá, không còn tiêu thụ quá mức hoặc sản xuất quá mức. Trong mô hình kinh tế cổ điển các khát vọng không cùng được kiểm soát bởi sự khan hiếm, nhưng trong mô hình Phật giáo chúng được kiểm soát bởi một sự nhận thức sâu sắc về tính điều độ và mục tiêu an lạc. Cân bằng kết quả sẽ tự nhiên loại bỏ được các tác động có hại của các hoạt động kinh tế không có kiểm soát.

Các ni sư Phật giáo trì giới trước mỗi bữa ăn bằng cách đọc đoạn Kinh sau đây: “Khi nội quán chúng ta thụ trai không phải vì mục đích hưởng lạc, không phải vì ham mê hoặc thích thú với hương vị, mà chỉ đơn giản là để duy trì cơ thể, để tiếp tục tồn tại, để chấm dứt cơn đói, để được sống một cuộc sống cao thượng hơn. Khi thụ trai chúng ta làm nguôi đi cảm giác hành hạ của cái đói và cũng ngăn ngừa cái cảm giác đau đớn khác của bội thực. Vì vậy mà chúng ta có thể sống một cuộc đời tự tại, không ân hận, và thực sự thanh thản [M.I.10; Nd.496].

Mục đích của sự điều độ không hạn chế trong phạm vi các tu viện: ở bất kỳ nơi nào mà chúng ta sử dụng các vật, chẳng hạn như đồ ăn, quần áo mặc, thậm chí ngay cả giấy và điện năng chúng ta cũng cần phải mất thời gian để cân nhắc về mục đích thực sự của việc sử dụng chúng chứ không phải chỉ sử dụng chúng một cách tác trách. Bằng việc suy ngẫm về phương pháp ấy, chúng ta có thể tránh được việc tiêu dùng vô trách nhiệm và vì vậy mà hiểu được “con đường trung đạo”, hiểu được “một lượng vừa đủ”.

Chúng ta cũng bắt đầu coi tiêu dùng như một phương tiện cho một cứu cánh là sự phát triển của tiềm năng con người. Khi coi sự phát triển con người là mục đích, chúng ta sử dụng đồ ăn không chỉ đơn giản vì sự khoái khẩu mà đồ ăn đem lại, mà còn để cung cấp năng lượng tinh thần và vật chất cần thiết cho sự phát triển của tinh thần và tri thức hướng đến một cuộc sống an lạc.

Không tiêu thụ

Thiếu vắng phương tinh thần, tư duy kinh tế học hiện đại ra sức cổ vũ cho một sự tiêu thụ tối đa. Nó tán dương người ta ăn nhiều – mỗi ngày 3- 4 lần hoặc hơn nữa. Nếu ai mà ăn được 10 lần một ngày thì lại càng tốt. Ngược lại, một kinh tế Phật giáo hiểu rằng không tiêu thụ mới có thể đóng góp cho sự an lạc. Cho dù các nhà sư chỉ ăn một bữa mỗi ngày, nhưng họ lại phấn đấu để đạt được sự an lạc ít phụ thuộc vào việc ăn uống.

Trong những tuần chay, một số người tu tại gia cũng nhịn ăn sau bữa trưa, bằng cách làm như vậy họ đã đóng góp vào sự an lạc. Việc bỏ không ăn bữa tối giúp họ dành thời gian cho thiền định và suy ngẫm về những giáo lý của Đức Phật. Thân thể được nhẹ nhàng và tâm ý cũng bình thản khi cái dạ dày không bị căng đầy. Vì vậy Phật giáo nhận ra rằng bất kỳ nhu cầu nào cũng có thể được thoả mãn dù không tiêu thụ, một lập trường mà tư duy kinh tế học truyền thống sẽ thấy là không dễ gì hiểu nổi. Việc nhịn ăn cũng có vai trò trong việc thoả mãn các nhu cầu tinh thần và phi vật chất của chúng ta.

Tất nhiên mục đích của ta không phải là giảm ăn chỉ còn mỗi ngày một bữa. Giống như tiêu thụ, không tiêu thụ cũng chỉ là một phương tiện để đạt tới mục đích mà tự thân nó không phải là mục đích. Nếu việc chay tịnh trong ăn uống không dẫn đến an lạc thì nó sẽ là vô nghĩa, chẳng khác nào chúng ta tự ngược đãi bản thân mình vậy. Vấn đề không phải là tiêu thụ hay không tiêu thụ mà là những lựa chọn của chúng ta có dẫn đến sự phát triển bản thân mình không.

Tiêu thụ quá mức

Xã hội ngày nay cổ vũ cho sự tiêu thụ quá mức. Trong cuộc tranh đấu không có hồi kết thúc để tìm kiếm sự thoả mãn thông qua tiêu thụ, rất nhiều người đã huỷ hoại sức khoẻ của bản thân mình và làm hại người khác. Hành động uống rượu chẳng hạn, thoả mãn được một cơn thèm khát, nhưng lại là nguyên nhân gây nên bệnh tật, làm cho gia đình bất hạnh và gây nên nhưng tai nạn không thể tránh khỏi. Những người ăn cho sướng miệng thì thường hay ăn quá nhiều và làm cho mình bị đau yếu, bệnh tật. Những người khác thì lại không suy nghĩ gì về các giá trị mà vung tiền vào những thứ vớ vẩn để thoả mãn ham muốn. Một số người thậm chí còn trở nên thiếu vitamins và một số loại khoáng chất mặc dù hàng ngày họ ăn rất nhiều. (Thật khó tin là tình trạng thiếu dinh dưỡng lại thường xuyên được thông báo). Ngoại trừ những hành động tự thân không tốt, thì việc ăn quá nhiều là tước đoạt khẩu phần của người khác.

Vì vậy chúng ta không thể nói rằng một thứ có giá trị chỉ đơn giản là vì nó đem lại khoái lạc và mãn nguyện. Nếu tìm kiếm sự thoả mãn trong đồ vật thì không bao giờ chúng ta có thể làm giàu được chất lượng cuộc sống, kết quả sẽ là huỷ hoại phúc lợi thực sự, dẫn đến ảo tưởng và tình trạng nhiễm độc, làm hại sức khoẻ và sự an lạc.

Một nguyên tắc kinh tế học cổ điển tuyên bố rằng giá trị thực chất của hàng hoá nằm ở khả năng đem lại sự thoả mãn cho người tiêu dùng. Trong trường hợp này chúng ta có thể chỉ ra bằng những ví dụ ở trên, nơi mà tiêu thụ thái quá và thoả mãn thái quá có cả những kết quả tích cực lẫn tiêu cực. Quan điểm Phật giáo là: lợi ích của hàng hoá và dịch vụ nằm ở chính khả năng đem lại cho người tiêu thụ ý nghĩa của sự thoả mãn bằng việc làm tăng tiến chất lượng sống của người tiêu dùng. Mệnh đề phụ này lại rất thiết yếu. Tất cả những định nghĩa dù là về hàng hoá, dịch vụ hoặc sự thịnh vượng xã hội hay cá nhân đều phải được thay đổi theo cách đó.

Sự mãn nguyện

Trong khi không đề cập đến vấn đề kinh tế học về phương diện kỹ thuật, tôi muốn thêm vào một số ý kiến về chủ đề sự mãn nguyện. Sự mãn nguyện là một đức hạnh thường bị hiểu lầm và vì nó gắn liền với tiêu dùng và sự thoả mãn nên dường như nó xứng đáng được thảo luận.

Mục tiêu ngầm ẩn của kinh tế học là một nền kinh tế năng động mà trong đó mọi nhu cầu và khao khát đều được đáp ứng và không ngừng đổi mới trong một chu trình không bao giờ ngừng và tăng trưởng mãi mãi. Toàn bộ cơ chế đó được cung cấp năng lượng bằng tanha. Từ cái nhìn Phật giáo, sự tìm kiếm không mệt mỏi để thoả mãn các ham muốn tự thân nó đã là một loại khổ ải. Phật giáo cho rằng việc dứt bỏ các ham muốn ấy hoặc trạng thái mãn nguyện là một mục tiêu khôn ngoan hơn.

Các nhà kinh tế học truyền thống có lẽ sẽ phản đối rằng nếu không có ham muốn thì toàn bộ nền kinh tế sẽ trở nên trì trệ và đông cứng lại. Tuy nhiên điều đó dựa trên một sự hiểu lầm về thực chất của tình trạng mãn nguyện. Người ta hiểu lầm tình trạng này vì họ không phân biệt được hai loại khát vọng khác nhau là tanhachanda. Chúng ta lẫn lộn chúng với nhau và trong khi đưa ra tình trạng mãn nguyện thì lại bỏ mất cả hai. Một con người mãn nguyện phải được coi như là một người không hề ham muốn bất cứ điều gì. Hiểu như vậy là lầm lẫn.

Rõ ràng là những con người mãn nguyện sẽ có ít nhu cầu hơn những người bất mãn nguyện. Tuy nhiên một định nghĩa đúng đắn về sự mãn nguyện phải được xác định phẩm chất bằng các điều kiện mà nó ngụ ý về sự vắng mặt của nhu cầu giả, đó là tanha; còn chanda, khát vọng an lạc thì vẫn luôn còn đó. Nói cách khác, con đường đi đến sự mãn nguyện thực sự kéo theo sự giảm thiểu khát vọng giả về khoái lạc nhục cảm, trong khi cần phải cổ vũ tích cực và ủng hộ cho khát vọng về chất lượng sống.

Hai quá trình này – giảm thiểu tanha và khuyếch trương chanda – luôn tương hỗ nhau. Khi chúng ta dễ dàng thoả mãn với các món vật chất, thì chúng ta lại dành thời gian và năng lượng để phung phí vào việc săn lùng các đối tượng tanha. Thời gian và năng lượng mà chúng ta dành dụm đến lượt mình có thể được sử dụng vào việc phát triển niềm an lạc, đó chính là mục tiêu của chanda. Tuy nhiên khi bắt đầu phát triển các điều kiện khôn ngoan, sự mãn nguyện vẫn không phải là một phẩm chất có lợi. Các điều kiện thiện xảo phải được hiện thực hoá thông qua cố gắng. Quá nhiều mãn nguyện liên quan đến chanda đã dễ dàng trở thành tính tự mãn và vô cảm. Trong mối quan hệ này Đức Phật đã chỉ ra rằng việc đạt tới giác ngộ của ông phần nhiều là kết quả của hai phẩm chất: sự cố gắng không ngừng nghỉ và không bằng lòng với các điều kiện thiện xảo [D.III.214; A.I.50; Dhs. 8, 234].

Còn nữa...


Nguồn: Buddhist Economics – A Middle Way for the Market place by Ven. P.A. Payutto. Translated into English by Dhammavijaya and Bruce Evans; Compiled by Bruce Evans and Jourdan Arenson. http://www.buddhanet.net/cmdsg/payutto.htm.


Ghi chú:

1. Trong tạp chí "Economics '73-'74," Nhiều tác giả, 1973, The Dushkin Publishing Group, Inc., Guildford, Connecticut.

D. =              Digha Nikaya (3 vols.) (Trường bộ kinh – 3 tập)
A. =              Anguttara Nikaya (5 vols.) (Tăng nhất A hàm, Tăng nhất bộ kinh 5 tập)
S. =               Samyutta Nikaya (5 vols.) (Kinh A hàm bộ 5 tập)
Vin. =           Vinaya Pitaka (5 vols.) (Luật tạng, 5 tập)
Vism. =        Visuddhimagga (Thanh tịnh đạo luận)
Comp. =       Compendium of Philosophy (Abhidhammatthasangaha) (A tì đạt ma bát tăng già luận)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét