Powered By Blogger

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Đọc quá khứ – những cách tiếp cận lý giải Khảo cổ học hiện nay (V)


Đọc quá khứ – những cách tiếp cận
lý giải Khảo cổ học hiện nay (V)

Ian Hodder

Người dịch: Hà Hữu Nga


3. Khảo cổ học cấu trúc

Khi Edmund Leach (1973) gợi ý rằng KCH chuyển từ chức năng luận sang cấu trúc luận, bằng cách đi theo con đường của nhân học xã hội, rõ ràng ông đã không ý thức được rằng KCH cấu trúc đã tồn tại rồi. Đặc biệt công trình của Leroi – Gourhan (1965), tương tự như một vài khía cạnh trong công trình của Levi-Strauss, đã được tranh luận rộng rãi. Chắc chắn rằng cấu trúc luận đã chưa bao giờ thống trị bộ môn này, nhưng sức hấp dẫn to lớn của nó thì không thể chối cãi được (Bintliff 1984; Deetz 1983; Huffman 1981; 1984; Kent 1984; Leone 1978; Miller 1982a; Muller 1971; Richard and Thomas 1984; Schnapp 1984; Small 1987; Sorensen 1987; Van de Velde 1980; Yates 1989). Những bài viết được đề cập ở chương này gợi ý rằng giờ đây người ta đã có thể nói về một KCH cấu trúc.

Nhưng tại sao mãi mà KCH chưa đạt tới trình độ phân tích về “các tập hợp khác biệt có cấu trúc” và tại sao ảnh hưởng của nó lại mờ nhạt đến như vậy? Tại sao cấu trúc luận lại chưa bao giờ tạo nên một sự chọn lựa rõ ràng trong KCH? Câu trả lời đầu tiên đối với những câu hỏi này là ở chỗ cấu trúc luận tự thân nó không phải là một cách tiếp cận mạch lạc, vì nó bao trùm những tập hợp rất đa dạng, từ ngôn ngữ cấu trúc của Saussure, Ngữ pháp tạo sinh của Chomsky đến Tâm lý học phát triển của Piaget và Phân tích ý nghĩa “chiều sâu” của Levi Strauss. Trong KCH tính chất đa dạng này được phản ánh trong những khác biệt giữa các phân tích hình thức của Washburn (1983) và Hillier et al (1976), cách lý giải theo trường phái Piaget của Wynn (1979); xem thêm Paddaya 1981), và loại phân tích Levi-Strauss được Leroi- Gourhan thực hiện (1965; 1982).

Câu trả lời thứ hai liên quan đến tính chất khác biệt đó, một vài cách tiếp cận cấu trúc luận trong KCH có thể phù hợp với KCH quá trình, thì hầu như lại không được lưu ý, và kết cục cũng như vậy đối với KCH Mới. Fritz (1978) chẳng hạn, đã thảo luận về giá trị thích nghi của các mã biểu tượng và không gian. Thực ra thì có rất nhiều mối tương đồng gần gũi giữa phân tích hệ thống và cấu trúc luận, và dưới đây chúng ta sẽ thấy là cả hai đều bị phê phán như nhau. Sự tương đồng rõ ràng nhất giữa hai phương pháp là ở chỗ cả hai đều quan tâm đến “tính hệ thống”.Tiêu điểm là mối liên hệ giữa các thực thể: mục đích của cả phân tích hệ thống lẫn phân tích cấu trúc là đưa ra một lối tổ chức nào đó cho phép chúng ta kết hợp tất cả các bộ phận vào một tổng thể mạch lạc. Trong phân tích hệ thống thì cấu trúc đó là một lưu đồ, đôi khi có các phương trình toán mô tả các mối liên hệ giữa các phụ hệ thống, mà hệ thống thì rộng lớn hơn, hoặc nhiều hơn các bộ phận cấu thành, nhưng nó lại tồn tại trong cùng một cấp độ phân tích. Mặc dù trong cấu trúc luận, các cấu trúc tồn tại ở một cấp độ sâu hơn, nhưng các bộ phận lại liên kết với một tổng thể bằng những đối lập nhị phân, bằng các qui tắc tạo sinh...vv. Trong cả hai cách phân tích và cấu trúc thì mối liên hệ giữa các bộ phận là quan trọng nhất.

Một tương đồng nữa giữa lý thuyết các hệ thống và cấu trúc luận là cả hai đôi khi vẫn được khẳng định là liên quan đến sự phân tích nghiêm nhặt các dữ liệu có thể quan sát. Trong một vài loại KCH cấu trúc (nhất là loại mà tôi mô tả là phân tích hình thức) thì các cấu trúc và các liên tưởng khái niệm được coi là kinh nghiệm chủ nghĩa và có thể đo lường. Trong lý thuyết hệ thống thì có sự gắn kết chặt chẽ với chủ nghĩa thực chứng, trong đó bằng cách đo lường sự đồng biến giữa các biến số có thể quan sát trong thế giới thực tại thì hệ thống có thể được xác định và phân biệt. Trong khi chủ nghĩa thực chứng là một “hệ tư tưởng” được thể hiện bởi một số nhà phân tích hình thức và cấu trúc trong KCH, chúng ta sẽ thấy rằng khi phân tích các hệ thống thì không thể đảm bảo được “tính chất cứng” hiển nhiên của dữ liệu và tính nghiêm nhặt của phương pháp.

Câu trả lời thứ ba cho câu hỏi về việc tại sao cấu trúc luận lại không bao giờ đưa ra được một tập hợp các phương án rõ ràng trong KCH là ở chỗ khi một vài loại cấu trúc luận (chẳng hạn như phân tích hình thức) được cho là nghiêm nhặt và “cứng”, thì những loại khác (nhất là công trình mô hình hoá của Levi-Strauss) lại “mềm” và phi khoa học. Đặc biệt người ta còn cho rằng không thể phân biệt được các giả thuyết về các cấu trúc ý nghĩa, nhất là vì phần nhiều các phân tích cấu trúc bên ngoài KCH lại quan tâm đến các huyền thoại. KCH với sự nhận thức thống trị tự thân là  thực chứng và duy vật hiếm khi có đủ tự tin để dấn thân vào bất cứ  một vũ đài nào như vậy. Như Wylie (1982) đã chỉ rõ tất cả các loại KCH đều vượt lên khỏi tư liệu để lý giải chúng, và cấu trúc luận thì cũng không khác về phương diện này. Nhưng viễn cảnh khoa học thống trị của KCH thì lại là phản đề của cấu trúc luận.

Trong KCH ba nguyên do trên, liên quan đến phản ứng hoài nghi về các quan điểm của Leach thì loại cấu trúc lụân là thứ dễ được xếp vào KCH quá trình và sẽ được thảo luận trước tiên, chính là việc phân tích hình thức có nghĩa là miêu tả thế giới thực tại hơn là tiên đoán các bản chất bên trong.

Phân tích hình thức và ngữ pháp tạo sinh

Với ngôn ngữ cấu trúc của Saussure, ký hiệu tự thân nó là có tính võ đoán và có tính qui ước. Nói cách khác bất cứ biểu tượng nào (chuỗi hạt, con vịt, mũi tên) có thể được sử dụng để biểu nghĩa cho một vị thủ lĩnh; không nhất thiết phải có mối liên hệ giữa vật biểu nghĩa (chuỗi hạt) và vật được biểu nghĩa (cương vị thủ lĩnh). Vì tính chất võ đoán đó, phân tích ý nghĩa của Saussure tập trung vào các tập hợp khác biệt tạo thành cấu trúc. Vì vậy chuỗi hạt biểu thị “cương vị thủ lĩnh” được đối lập với tình trạng thiếu hoặc không có chuỗi hạt, hoặc sự có mặt của một loại hiện vật khác, biểu thị “không phải cương vị thủ lĩnh”. Phân tích là thuộc về hình thức chứ không phải là nội dung.

Các phân tích hình thức trong KCH được minh hoạ tốt nhất bằng công trình của Washburn (1983) là người tập trung vào các qui luật đối xứng có thể được xác định và được so sánh trong một văn hoá và giữa các văn hoá với nhau. Việc nghiên cứu mẫu hoa văn gốm chẳng hạn, vẫn có thể phân loại mà không dựa vào các motif trang trí, nhưng lại dựa vào các motifs được sắp xếp, tổ chức đối xứng. Các loại đối xứng chủ yếu được nhận ra ở Fig. 2. Vì vậy vấn đề cần quan tâm không phải là các hình dấu phảy, tam giác hay ngôi sao được sử dụng làm thành motif trang trí, vì nghiên cứu dân tộc học (chẳng hạn Hardin 1970) đã chỉ ra rằng nội dung trang trí không phải là một chỉ số tốt biểu hiện các mối liên hệ nhóm. Người ta cho rằng để tập hợp thành nhóm văn hoá thì cấu trúc mẫu trang trí là phép đo lường chắc chắn hơn.

Về nhiều phương diện, phân tích đối xứng là phi tạo sinh. Nó liên quan đến việc xem xét mô hình như nó tồn tại, tĩnh, trên bề mặt chiếc bình, và liên quan đến việc xác định cấu trúc cơ sở. Mặt khác, đối xứng có thể coi là một qui luật tạo ra các mô thức. Chomsky nhấn mạnh đến tính sáng tạo “qui tắc-thống trị”, và trong một phân tích về việc trang trí quả bí của người Nuba nước Sudan, chúng tôi đã khẳng định về một loại ngữ pháp tạo sinh (Hodder 1982a) theo những phân tích do Faris công bố (1972).

Việc nói về một ngôn ngữ hoặc một ngữ pháp trang trí chính là lưu ý tới các nguồn gốc phân tích cấu trúc trong ngôn ngữ cấu trúc của Saussure. Trong trường hợp người Numba thì ngữ pháp của họ bắt nguồn từ một motif chéo (Fig. 3:1). Cả các “từ” và các “qui tắc ngữ pháp” đều được gợi ý và được chứng minh là có thể tạo ra hàng loạt trang trí trên quả bí, từ những mẫu thiết kế được tổ chức cao (Fig.3:10) đến những mẫu thiết kế rõ ràng là “ngẫu nhiên”. Vì vậy dải motif cái nơ ở Fig.3:15 có thể được tạo ra bằng cách lấy một “từ” hình tam giác gắn vào với một từ khác bằng góc (chứ không phải bằng cạnh). Vậy là motif “cái nơ” đó theo một qui tắc khác được quay những góc 900 để tạo ra hình khác...vv. Trong tất cả các hoa văn quả bí được mô tả ở Fig. 3, thì các qui tắc phải được tuân thủ là: các từ kết hợp với nhau ở góc (chứ không phải ở cạnh...vv).

Washburn (1983: 138) cho rằng việc phân tích đối xứng cho phép so sánh và đo lường một cách khách quan và hệ thống các mẫu trang trí qua thời gian và trải trên những khu vực rộng lớn. Các phân tích hình thức về cấu trúc khu cư trú (chẳng hạn Hillier et al 1976; Fletcher 1977) có lẽ là một lời hứa hẹn tương tự. Trong toàn bộ các trường hợp đó thì dường như chúng ta có thể miêu tả các cấu trúc và kiểm tra chúng một cách nghiêm nhặt bằng dữ liệu. Có thể tiến hành các phép thử bằng thống kê (Fletcher 1977) và các loại hình ngữ pháp được mô phỏng trên computer (Hodder 1982a) để xem liệu chúng có thực sự tạo ra các mô hình có thể quan sát được không. Công trình như vậy có vẻ không bị vướng vào một chuỗi niềm tin liều lĩnh: rõ ràng là không xác định được ý nghĩa và có sự nghiêm nhặt khoa học đáng kể. Phương pháp phân tích như vậy thuần tuý là hình thức. Kết quả là một công trình như vậy có thể dễ dàng được xếp vào KHC Mới thực chứng – nó không báo trước sự bất chắc nào, đặc biệt là khi gắn kết với những lý giải các hệ thống (xem ở dưới).

Tuy nhiên có phải thực sự trường hợp phân tích hình thức không liên quan gì đến việc ấn định ý nghĩa và chúng không liên quan gì đến nội dung không? Chúng ta hãy lấy ví dụ phân tích của Washburn về mẫu trang trí vạch lon <<<<<<. Mối bận tâm của bà là xoá bỏ “cái nhãn hoa văn chủ quan” hình “vạch lon” đi (1983: 143), và bà đã thay bằng “Lớp 1 – 110: các thiết kế một chiều được tạo bởi phản ảnh gương theo bình tuyến”. Washburn gợi ý rằng mẫu trang trí vạch lon đã được tạo ra bằng cách đặt một trục nằm ngang qua các “vạch lon” và coi phần ở trên là một phản ánh gương của phần ở dưới:

<<<<<< = ---- = phản ánh gương theo chiều ngang

Một phân tích khác lấy các đơn vị mẫu trang trí không phải là các dấu văn chéo đơn, mà là các vạch lon

<<<<<< = dịch chuyển

Washburn đã cố gắng tránh những nhập nhằng như vậy bằng cách xác định đơn vị phân tích chính xác là yếu tố bất đối xứng nhỏ nhất (chẳng hạn như dấu phẩy). Tuy nhiên những đường thẳng rõ nét và những hình tròn không thể được ghép vào một sơ đồ như vậy, và định nghĩa, tự thân nó cũng là võ đoán: trong khi nó có thể trợ giúp cho việc phân tích khách quan, thì nó cũng có thể che dấu những cấp độ liên hệ đối xứng khác như trong ví dụ về hình vạch lon ở trên. Tương tự như vậy, trục qui chiếu đối xứng được tìm ra là một lý giải chứ không phải mô tả các dữ liệu. Nhìn theo chiều góc khác thì việc phân tích đối xứng là một mô tả trong một tập những quyết định mang tính giải thích. Vậy là các phân tích đó can dự vào việc gán ý nghĩa cho nội dung – chúng không chỉ là những mô tả hình thức để trợ giúp cho việc so sánh. Việc tìm hiểu một dấu hiệu trên một chiếc bình như là một “đơn vị phân tích” hoặc như một “motif hoa văn” chính là việc gán nghĩa cho cái dấu hiệu đó, để lý giải nội dung của nó và cho dù chúng ta muốn hoặc không muốn, thì  nó vẫn bao gồm cả việc cố gắng coi cái mẫu đó như chính người tiền sử nhận thức về nó.

Trong tập sách này tôi sẽ trở lại với vấn đề ấy sau, nhưng hiện giờ điều quan trọng là thừa nhận chủ quan tính nằm sau tính khách quan do Washburn đề xuất không có cách nào đưa ra khỏi công trình của bà được. Hơn nữa, một chủ quan tính như vậy là một bộ phận cần thiết cho toàn bộ một phân tích KCH. Chúng ta đã thấy tính chất lan tỏa của các vấn đề nhận thức trong triết học Hậu-thực chứng (tr. 15 – 18). Tất cả các phân tích KCH đều dựa trên những phân loại mang tính chủ quan (các loại bình, các di chỉ cư trú...vv) và những mối liên hệ hệ thống hoặc cấu trúc không thể quan sát (các hồi tiếp âm hoặc dương, những mối quan hệ trao đổi...vv). Trong việc áp đặt hình đa giác của Thiessen vào một mô hình cư trú chẳng hạn, chúng ta không bao giờ có thể đoan chắc rằng “các đơn vị phân tích của” chúng ta (di chỉ hoặc giao điểm trong mô hình cư trú) thực sự có thể so sánh hay không. Chúng ta phải gán nghĩa cho chúng (là các di chỉ cư trú, thị trấn, thành phố) trước khi chúng ta có thể gợi ý về những mối liên hệ cấu trúc và hệ thống giữa hoặc bên dưới chúng.

Vậy là thực chất “cứng” của phân tích hình thức chỉ là hão huyền. Sự phân tích đối xứng đó chẳng hạn, có thể được chèn vào KCH mà không có sự cố nào là vì tổng thể KCH được hướng dẫn bởi cùng một hệ tư tưởng của chủ nghĩa thực chứng, kết quả là có rất ít nỗ lực vượt khỏi những đối xứng trong trang trí gốm để hiểu được nội dung của các thông điệp. Việc lý giải ý nghĩa biểu tượng đã bị coi nhẹ nhằm hỗ trợ cho những mối liên hệ trực tiếp giữa tính đối xứng và các quá trình tương tác xã hội. Chẳng hạn Washburn cho răng “tính đồng nhất trong cấu trúc hoa văn trang trí dường như là chỉ số của cấu trúc văn hoá đồng nhất và sự tăng cường tương tác văn hoá” (1983: 140). Đây có thể là một giả thuyết thành công, được “thử” bằng những lý giải dân tộc học và được áp dụng thành công vào các dữ liệu KCH (ibid), nhưng bằng việc kết nối hình thức trang trí với xã hội một cách trực tiếp như vậy chúng ta đã bỏ qua cái khả năng rất thực là cấu trúc trang trí đó có thể có những ý nghĩa khác nhau trong những ngữ cảnh văn hoá khác nhau. ở mức độ nào chúng ta có thể khẳng định rằng những cấu trúc trang trí được xác định một cách chủ quan sẽ có những ẩn ý xã hội phổ biến? Vì vậy cần phải có một sự phân tích nghiêm nhặt và khoa học để kiểm tra những ý nghĩa biểu tượng làm trung gian giữa cấu trúc (của trang trí) và các chức năng xã hội.

Khi chúng ta đòi hỏi ý nghĩa của những đối xứng hoặc những cấu trúc hình thức khác, khi chúng ta tự hỏi liệu các đối xứng trong trang trí gốm là những biến thể của những thay đổi trong việc tổ chức không gian di chỉ, hoặc trong việc thực hành tang lễ, và khi chúng ta liên hệ những cấu trúc đó với các cấu trúc trừu tượng trong tư duy, chúng ta đã bắt đầu vận động từ phân tích hình thức đến phân tích cấu trúc.

Có thể cho rằng việc qui các khái niệm vào các bộ phận hoặc các tổng thể của các cấu trúc như trong công trình của Leroi –Gourhan (1965, 1982) không hề khác với việc gán ý nghĩa cho các dấu hiệu được vạch ra trên bình khi xác định các motif trang trí. Có lẽ khác biệt duy nhất chỉ là ở chỗ việc gán ý nghĩa trong loại công trình sau như ví dụ về trường hợp các phân tích cẩn thận và thuyết phục của Washburn đã được che đậy bằng khoa học khách quan. Mặt khác, công trình trước đây của Leroi-Gourhan lại liên quan đến một cố gắng tự ý thức để ấn định ý nghĩa. Đồng thời loại công trình Leroi-Gourhan có tiềm năng “khoa học” hơn theo nghĩa nó thực sự liên quan đến việc đưa những ý nghĩa của ai đó ở bên ngoài vào một đối tượng mở chứ không phải áp dụng chúng một cách ngấm ngầm.

Tuy nhiên trong KCH chúng ta thường thấy các cấu trúc được xác định và so sánh mà không xem xét đầy đủ nội dung ý nghĩa – phê phán này có thể được khoả lấp đi chẳng hạn trong công trình về Gốm đá mới Hà Lan (Hodder 1982b). ở đây đã xác định được sự thay đổi cấu trúc bằng những trang trí hình cây lá giới hạn trong một trật tự đối lập được bố trí theo hàng ngang và theo hàng dọc so với các chuỗi “thêm vào” được chia khu vực theo chiều ngang (Fig. 4). Những mẫu trang trí được giới hạn trước liên quan trực tiếp đến những thực thể xã hội được giới hạn (các nhóm họ hàng, nhưng cũng có thể xem Tilley 1984 để thấy một quan điểm khác), trong khi những mẫu trang trí thêm vào sau thể hiện sự kết hợp các nhóm trong các mạng lưới xã hội mở rộng. Việc lý giải như vậy vẫn chưa hợp lý, vì không có lý do gì để chúng ta đảm bảo bất cứ mối quan hệ nào giữa việc trang trí những chiếc bình và những thuộc tính tổ chức xã hội đó. Trước khi lý giải các chức năng xã hội của hoa văn chúng ta cần có một khái niệm nào đó về ý nghĩa của các mẫu trang trí và những chiếc bình. Cần phải xem liệu những chiếc bình có phải dùng ở nhà, mang tính nghi lễ hoặc thể hiện uy thế không, liệu những hoa văn trang trí có khác nhau giữa những chiếc bình có công dụng khác nhau không, liệu những hoa văn được bố trí trên những đồ vật khác thì ngữ cảnh của hoa văn trang trí là gì trong cái tổng thể văn hoá đó...vv. Khi chúng ta tiếp cận được với các ý nghĩa ngữ cảnh này thì việc kết nối các cấu trúc trang trí với các chức năng xã hội mà chúng thể hiện sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Thêm một ví dụ nữa để làm sáng tỏ vấn đề này. Arnold (1983) đã chỉ rõ những nguyên tắc cơ bản của việc tổ chức và sử dụng không gian xã hội và môi trường ở Qinua (Peru) thể hiện trong việc bố trí không gian trang trí trên những đồ đựng có vẽ màu. Không gian môi trường xung quanh cái cộng đồng làm gốm đó được bố trí thành một loạt khu vực sinh thái được quây bít theo chiều ngang từ đồng bằng lên đến miền núi, mà toàn bộ các khu vực đó cần phải được khai thác để cộng đồng có thể sống tự cấp tự túc. Arnold đã liên hệ việc phân chia khu vực theo chiều ngang trong môi trường của họ với các trang trí được chia ô cũng theo chiều ngang trên những chiếc bình; hơn nữa các khu vực môi trường được khai thác cố định không thay đổi đó được phản ánh trong hiện tượng không mấy biến đổi trong các motif ở các ô tương đương trên những chiếc bình. Arnold đã coi việc phân chia cắt chéo môi trường và xã hội thành hai cộng đồng gắn liền với hệ thống thuỷ lợi được phân chia là ngang bằng với việc sử dụng tính đối xứng song phương trong trang trí gốm.

Arnold đưa ra rất ít thông tin ngữ cảnh ủng hộ cho những mối liên hệ được giả thuyết hoá giữa môi trường và cấu trúc trang trí. Vấn đề là ở chỗ tại sao người ta lại phải tin rằng có một mối liên hệ giữa hai loại phân vùng đó? Đó không phải là một ví dụ về việc nhà phân tích đang chơi với các mô hình và luôn luôn phát hiện ra một cái gì đó để gán vào đấy chứ? Trước khi các lý giải này trở nên đáng tin cậy thì những cấu trúc trừu tượng (các khu vực theo chiều ngang, các đối xứng song phương) đều phải được đặt trong ngữ cảnh sử dụng và nội dung ý nghĩa trong những tình huống văn hoá riêng biệt. Arnold đã đề cập vắn tắt rằng những chiếc bình được phân tích là những bình nước có cùng một chức năng với việc bố trí không gian cộng đồng dựa trên việc phân phối nước. Tính chất hợp lý của việc lý giải như vậy nên được tăng cường bằng việc khai thác thêm những mối gắn kết và liên tưởng như vậy. Có bất cứ biểu trưng hình vẽ nào gợi ý rằng những chiếc bình, những khu vực, các motif ấy “có nghĩa” là những khu vực môi trường, cao/thấp...vv không?

Trong các ví dụ trên thì cấu trúc trang trí được liên hệ với những cấu trúc khác mà không xem xét đầy đủ đến ngữ cảnh sử dụng các hiện vật có liên quan, hoặc không xem xét đầy đủ nội dung ý nghĩa của chúng. Hầu hết những trường hợp như vậy có thể thuộc về các phân tích cấu trúc các mô hình cư trú. Chẳng hạn Fritz (1978) đã xác định những mối quan hệ đối xứng trong việc tổ chức di chỉ ở Chaco Canyon. Những đối xứng cân bằng và bất cân bằng (được sắp xếp theo phương Tây Đông, Bắc Nam) xuất hiện ở giữa và bên trong cả hai khu vực và trong khu cư trú. Vậy là một mặt, các bố trí cấu trúc được coi là thích nghi, liên quan đến cấu trúc xã hội phân cấp, mặt khác liên quan đến các mối quan hệ đối xứng về phương diện xã hội. Trong khi quan tâm đến việc gán các ý nghĩa văn hoá (chẳng hạn thiêng/tục) cho những đối lập về không gian, thì tính chất hợp lý của lý lẽ sẽ tăng lên nếu chú ý nhiều hơn đến nội dung của không gian cư trú trong bối cảnh Chaco Canyan. Chúng ta cần phải đợi thêm bằng chứng về các di chỉ khác nhau và các bộ phận khác nhau của di chỉ trong mô hình cư trú được sử dụng làm bằng chứng.

Nếu không có một quan niệm nào đó về nội dung nghĩa của các yếu tố không gian hoặc trang trí thì khó mà nhận ra được các cấu trúc ý nghĩa có thể được lý giải như thế nào khi liên hệ với các khía cạnh của cuộc sống. Nhưng các ý nghĩa được gán cho như thế nào? Trong trường hợp này chúng ta có thể quay trở lại với công trình tiên phong của Leroi-Gourhan. Chắc chắn ông đã gán nghĩa (đàn ông, đàn bà) cho những bức tranh trên các vách hang thời đá cũ, và giá trị công trình của ông đã được tranh luận dưới nhiều góc độ. Theo tôi, những khiếm khuyết trong công trình của ông không phải xuất phát từ việc cố lý giải ý nghĩa, vì như chúng ta đã thấy, việc ấn định ý nghĩa cho văn hoá vật chất là bước phân tích cần thiết. Đúng ra những thiếu sót ấy bắt nguồn từ các thông tin hạn chế của chúng ta về thời đại đá cũ và xuất phát từ một sự thiếu thiện chí trong việc phê phán tính phổ biến của những định đề riêng của chúng ta. Leroi-Gourhan có ít thông tin liên quan đến các ký hiệu được sử dụng trong nghệ thuật tranh tường. Các mẫu trang trí có thể bị hạn chế  vào một mức độ nhất định thông qua sự hạn chế của những lĩnh vực văn hoá khác (mộ, hiện vật, không gian cư trú) để xác định các liên tưởng giữa chúng. Chúng ta không thể dễ dàng xác định những ý nghĩa riêng của các motif trang trí này trong bối cảnh Đá cũ Tây Nam Pháp, đơn giản là vì các dữ liệu rất hạn chế.

Để lý giải nội dung ý nghĩa, người ta cần phải quyết tâm thực hiện những trừu tượng hoá từ những liên tưởng và đối lập trong di tích KCH. Điều này có thể được thực hiện bằng cách quan tâm hơn, và nghiêm nhặt hơn ở nơi – không giống như thời đại Đá cũ – có nhiều thông tin liên tưởng hơn dưới dạng những loại dữ liệu khác nhau. Một ví dụ về việc phân tích ngữ cảnh, mang tính liên tưởng trong đó các ý nghĩa được ấn định và các mối liên hệ được thực hiện giữa các cấu trúc xuất hiện trong các hoạt động khác nhau, được McGhee (1977) đưa ra bằng việc xem xét các di tích KCH tiền sử thuộc văn hoá Thule ở Canada Bắc cực. Ngay từ đầu ông đã thấy ngà voi và xương thú biển được tập hợp cùng với các đầu mũi lao ngạnh, trong khi các đầu mũi tên lại được làm bằng gạc hươu. Khi cố gắng tìm hiểu sự phân đôi này, McGhee đã xem xét các tập hợp ngà voi và gạc hươu khác cũng thuộc văn hoá Thule. Ngà voi được sử dụng làm công cụ, vũ khí săn thú biển: kính chắn tuyết, khung xuồng kayak, vòng khoá cổ chó,...vv. Những thứ khác được làm bằng ngà voi lại liên quan đến phụ nữ và với các hoạt động trong mùa đông: hộp đựng kim, giá đê khâu, các trang sức của phụ nữ, tượng người đàn bà-con chim nhỏ. Mặt khác gạc hươu lại gắn liền với các động vật có vú trên đất liền, đặc biệt là tuần lộc caribou, đàn ông và cuộc sống mùa hạ trên đất liền. Vì vậy cấu trúc tiếp theo xuất hiện dựa trên những tập hợp ngữ cảnh sừng hươu và ngà voi:

đất liền: biển:: mùa hè: mùa đông :: phụ nữ :: gạc hươu: ngà voi

Tập hợp những khác biệt cấu trúc ấy được soi sáng thêm thêm bằng cách chỉ ra rằng không có những lý do chức năng để nhất thiết phải sử dụng ngà voi và gạc hươu làm các công cụ đi săn và các loại vũ khí khác nhau. Hơn nữa bằng chứng dân tộc học và lịch sử đã chỉ ra rằng khái niệm môi trường của người Inuit được tập trung xung quanh sự phân đôi giữa đất liền và biển cả. Thịt caribou và động vật biển có vú không thể được nấu chung trong một nồi. Da caribou không được khâu trên băng biển. Trong huyền thoại của người Inuit lịch sử cũng thấy có các liên tưởng giữa đàn bà và động vật có vú ở biển và giữa đất liền, đàn ông và cuộc sống mùa hè cũng. Bằng chứng như vậy không chứng tỏ thực chất khác biệt cơ bản đối với các dữ liệu KCH; nó chỉ đơn giản cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin ngữ cảnh hơn liên quan đến cấu trúc được đặt thành giả thuyết và các ý nghĩa của chúng.

Phân tích của McGhee là một ví dụ rõ ràng về việc phân tích cấu trúc có khả năng đạt tới sự nghiêm nhặt khi kết hợp với phân tích về ngữ cảnh và nội dung (chẳng hạn như trong văn hoá Thule thì ngà voi tập hợp cùng với thú biển và phụ nữ). Điều đó dường như hữu lý giúp ta hy vọng rằng khi bản chất “cứng” của khoa học KCH trở nên sáng tỏ thì một số loại phân tích cấu trúc luận liên quan đến việc ấn định ý nghĩa sẽ trở nên bình thường và dễ chấp nhận hơn. Có những tiềm năng to lớn để công việc phân tích trở nên cẩn trọng hơn mà cho đến giờ vẫn hiếm khi được khai thác. Chẳng hạn như có thể xác định những khác biệt trong việc sử dụng các bộ phận phải/ trái, trước/ sau, trung tâm/ ngoại vi của các ngôi nhà, các khu cư trú, các nghĩa địa, mồ mả, các vị trí thực hành nghi lễ...vv. Những phân đôi khác giữa lễ thức và đời thường, cuộc sống và cái chết cũng có thể được phát hiện.Tất cả những phân tích cấu trúc như vậy bao gồm một sự áp đặt nội dung ý nghĩa nào đó.

Thêm một ví dụ nữa về việc quan tâm tiềm năng là thuần hoá/ hoang dã liên quan đến bên trong/ bên ngoài khu cư trú. Richard và Thomas (1984) đã chỉ ra rằng các khu vực “bên trong” của khu Công trình Vòng đá thuộc thời đại đồ đồng ở Anh lại không có xương của những loài động vật hoang dã tương đương với các loài được thuần dưỡng mặc dù tất cả xương của động vật hoang dã đều thấy xuất hiện ở rìa của di chỉ này. Thomas (1988) và Thorpe (1984) đã lưu ý về những tính chất qui tắc trong việc đặt xương lợn và xương bò vào các mộ và khu vực xung quanh mộ Đá mới ở Anh. Việc “sắp xếp có cấu trúc” như vậy không chỉ xuất hiện trong các ngữ cảnh nghi thức. Trong thời đại đá mới Trung Âu có một sự thay đổi theo thời gian từ việc đổ bỏ đồ phế thải vào các hố dọc theo các cạnh nhà đến việc đổ bỏ đồ phế thải cách xa nhà về phía rìa của khu cư trú (Hodder 1990a). Việc thải “cứt” đã đánh dấu những gianh giới văn hoá và xã hội quan trọng nhất giữa sạch và bẩn, giữa văn hoá và tự nhiên, giữa ta và họ. Việc thay đổi trong hành vi thải rác trong thời đại đá mới châu Âu gắn liền với việc xác định ngày càng rõ ràng các gianh giới nhóm vượt khỏi qui mô hộ gia đình. Điều đó chứng tỏ những nhóm lớn hơn ngày càng phân gianh giới rõ ràng hơn, do vậy phế thải “cứt” trước hết được sử dụng để đánh dấu các gianh giới xung quanh nhà, lại được dùng để giúp xác định các thực thể lớn hơn. (Có một công trình khác nghiên cứu biểu tượng các gianh giới khu cư trú, xem Hall 1976). 
________________________________________________

Còn nữa…


Tác giả: GS. Ian Hodder sinh năm 1949, tốt nghiệp cử nhân tại Đại học London năm 1971, nhận học vị tiến sĩ tại Đại học Cambridge năm 1975, trở thành giáo sư Đại học Cambridge từ năm 1977. 

Nguyên bản: Reading the Past – Current approaches to Interpretation in Archaeology. Second Edition. Cambridge University Press 1991.



Tài liệu Tham khảo

Arnold, D., 1983. Design Structure and Community Organisation in Quinua, Peru. In D. Washburn (ed.), Structure and Cognition in Art, Cambridge University Press.


Bintliff, J. L., 1984. Structuralism and Myth in Minoan Studies. Antiquity 58, 35–8.

Deetz, James, 1983. Scientific Humanism and Humanistic Science: A Plea for Paradigmatic Pluralism in Historical Archaeology. Geoscience and Man 23, 27–34.

Faris, J., 1972. Nuba Personal Art, London: Duckworth.

Fletcher, R., 1977. Settlement Studies (Micro and Semi-Micro). In D. L.Clarke (ed.), Spatial Archaeology, New York: Academic Press.

Fritz, J., 1978. Paleopsychology Today: Ideational Systems and Human Adaptation in Prehistory. In C. Redman et al. (eds.), Social Archaeology: Beyond Dating and Subsistence, New York: Academic Press.

Hall, R. L., 1976. Ghosts, Water Barriers, Corn, and Sacred Enclosures in the Eastern Woodlands. American Antiquity 41, 360–4.

Hardin, M., 1970. Design Structure and Social Interaction: Archaeological Implications of an Ethnographic Analysis. American Antiquity 35, 332–43.

Hillier, B., Leaman, A., Stansall, P., and Bedford, M., 1976. Space Syntax. Environment and Planning Series B3, 147–85.

Hodder, I., 1982a. Symbols in Action. Cambridge University Press.

Hodder, I., 1982b, Sequences of Structural Change in the Dutch Neolithic. In I. Hodder (ed.), Symbolic and Structural Archaeology, Cambridge University Press.

Hodder, I., 1990a. The Domestication of Europe. Oxford: Blackwell.

Huffman, T. N., 1981. Snakes and Birds: Expressive Space at Great Zimbabwe. African Studies 40, 131–50.

Huffman, T. N., 1984. Expressive Space in the Zimbabwe Culture. Man 19, 593–612.

Kent, S., 1984. Analysing Activity Areas. Albuquerque: University of New Mexico Press.

Leach, E., 1973. Concluding Address’, in A. C. Renfrew(ed.), The Explanation of Culture Change, London: Duckworth.

Leone, M., 1978. Time in American Archaeology. In C. Redman et al. (eds.), SocialArchaeology: Beyond Subsistence andDating,New York: Academic Press.

Leroi-Gourhan, A., 1965. Prehistorie de l’art occidental, Paris: Mazenod.

Leroi-Gourhan, A., 1982. The Dawn of European Art, Cambridge University Press.

McGhee,R., 1977. Ivory for the Sea Woman: The Symbolic Attributes of a Prehistoric Technology. Canadian Journal of Archaeology 1, 141–59.

Miller,D., 1982a. Artifacts as Products of Human Categorisation Processes. In I. Hodder (ed.), Symbolic and Structural Archaeology, Cambridge University Press.

Muller, Jon 1971. Style and Culture Contact," in Man across the Sea. edited by C. L. Riley et al.,.

Paddaya, K., 1981. Piaget, Scientific Method, and Archaeology. Bulletin of the Deccan College Research Institute 40, 325–64.

Richards, C., and Thomas, J., 1984. Ritual Activity and Structured Deposition in Later Neolithic Wessex. In R. Bradley and J. Gardiner (eds.), Neolithic Studies: A Review of some Current Research, Oxford: British Archaeological Reports British Series, 133.


Schnapp, A., 1984. Eros en chasse. In La Cit´e des images, Paris: Fernand Nathan.


Small, D., 1987. Toward a Competent Structuralist Archaeology. Journal of Anthropological Archaeology 6, 105–21.


Sørensen, M. L. S., 1987. Material Order and Cultural Classification: The Role of Bronze Objects in the Transition from Bronze Age to Iron Age in Scandinavia. In I. Hodder (ed.), The Archaeology of Contextual Meanings, Cambridge University Press.


Thomas, J., 1988. The Social Significance of Cotswold-Severn Burial Practices. Man 23, 540–59.

Thorpe, I., 1984. Ritual, Power and Ideology: A Reconstruction of EarlierNeolithic Rituals in Wessex. In R. Bradley and J. Gardiner (eds.), Neolithic Studies, British Archaeological Report 133.

Tilley, C., 1984. Ideology and the Legitimation of Power in the Middle Neolithic of Southern Sweden. In D. Miller and C. Tilley (eds.), Ideology, Power and Prehistory, Cambridge University Press.

Van de Velde, P., 1980. Elsloo and Hienheim: Bandkeramik Social Structure, Analecta Praehistorica Leidensia 12, Leiden: University of Leiden.


Washburn, D. (ed.), 1983. Structure and Cognition in Art. Cambridge University Press.

Wylie, M. A., 1982. Epistemological Issues Raised by a Structuralist Archaeology. In I. Hodder (ed.,), Symbolic and Structural Archaeology, Cambridge University Press.

Wynn, T., 1979. The Intelligence of later Achenlian Hominids. Man 14, 371–91.
 
Yates, T., 1989. Habitus and Social Space: Some Suggestions about Meaning in the Saami (Lapp) Tent ca. 1700–1900’, In I. Hodder (ed.), The Meanings of Things, London: Unwin Hyman.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét