Powered By Blogger

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Thiếu vắng Ký ức Lịch sử “Việt Nam” sớm


Thiếu vắng Ký ức Lịch sử “Việt Nam” sớm

Le Minh Khai

Người dịch: Hà Hữu Nga


Lời người dịch: Trên trang mạng leminhkhai.wordpress.com có một số bài viết ngắn đề cập đến các vấn đề quan trọng về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Chúng tôi cố gắng dịch và chuyển tải đến những ai liên quan - quan tâm, và mong rằng các vị sẽ có các trao đổi giúp làm rõ vấn đề mà tác giả Le Minh Khai đặt ra nhằm thúc đẩy học thuật phát triển. 


Khi các học giả trung đại Việt Nam viết các bộ sử đầu tiên về vùng đồng bằng Sông Hồng họ đã cấu trúc các bộ sử đó xung quanh nguyên tắc chính trị 正統 chính thống được truyền từ người trị vì này đến người trị vì khác.

[Đại] Việt sử lược bắt đầu dòng chính thống này với Triệu Đà, một người sinh ra tại tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), sau đó đã thiết lập vương quốc của ông ta tại khu vực Quảng Đông ngày nay và tự coi mình là hoàng đế vào thế kỷ III TCN (Trước Công nguyên).  

Sau đó một sứ bộ triều đình nhà Hán đã khuyên Triệu Đà bỏ “Đế hiệu” vì vậy mà người nối nghiệp ông ta được mô tả trong các văn liệu Trung Quốc và trong [Đại] Việt sử lược là vương, Văn vương, vương là một thuật ngữ có thể chấp nhận được đối với người đứng đầu một chính thể tự nhận là trung thành với nhà Hán, đó là điều mà nhà Hán thuyết phục Triệu Đà tuân thủ.

Sau đó sách Đại Việt sử ký toàn thư đã khơi sâu dòng chính thống đó tới tận Kinh Dương Vương, và truyền qua các vủa Hùng tới Triệu Đà.

Giống như các bộ sử Trung Quốc, Đại Việt sử ký toàn thư cũng xác định rằng Triệu Đà đã bỏ Đế hiệu và người kế nghiệp đã dùng “Văn Vương”.

Thực ra thì Đại Việt sử ký toàn thư không chỉ theo nội dung các bộ sử thuộc các triều đại sớm của Trung Quốc về phương diện này, mà thong tin được đưa ra trong nhiều trường hợp là chuyển dịch đúng nguyên văn từng từ.

Điều đó dẫn đến nhiều câu hỏi được đặt ra: Liệu những công trình như [Đại] Việt sử lượcĐại Việt sử ký toàn thư có phải là một phần của truyền thống lịch sử Việt? Có phải các sáng tạo thời trung đại có dựa vào các nguồn sử sách Trung Quốc hiện có không? Nói cách khác, liệu chúng có bao gồm bất cứ ký ức lịch sử nào, hoặc các bộ sử đó có được biên soạn bằng cách sao chép những gì đã có của các học giả Trung Quốc?  

Khảo cổ học có thể giúp chúng ta trả lời các câu hỏi này. Trong những năm 1980, các nhà khảo cổ học Trung Quốc đã khai quật mộ của người mà họ tin là kế nghiệp Triệu Đà là Văn Vương. Tuy nhiên rất đáng ngạc nhiên là họ đã phát hiện được trong mộ một chiếc ấn có ghi 文帝行璽 “Văn Đế hành tỷ”.

Trong khi các nguồn sử liệu Việt Nam và Trung Quốc đều cho rằng Triệu Đà thôi không dùng “Đế hiệu” nữa thì phát hiện khảo cổ học này đã cho thấy không có chuyện Triệu Đà bỏ “Đế hiệu”.  Không những thế người kế vị ông ta cũng vẫn sử dụng “Đế hiệu”.

Như tôi đã nói ở trên, các bộ Việt sử đầu tiên được viết xoay quanh nguyên lý “chính thống”. Trong  thực tế việc Triệu Đà đã tuyên xưng Hoàng đế là rất quan trọng đối với các bộ sử này, vì ông ta là nhân vật đầu tiên ở “phương Nam” đã làm như vậy.

Khi đã biết rõ tầm quan trọng của quan niệm ấy, thế mà tại sao các bộ sử này lại không chỉ rõ là người kế nghiệp của ông ta vẫn dùng đế hiệu?

Họ đã không đề cập đến sự kiện này vì không có ký ức lịch sử và không có truyền thống lịch sử trong vùng. [Đại] Việt sử lược Đại Việt sử ký toàn thư là sản phẩm của quá trình sáng tạo lịch sử diễn ra trong thời trung đại. Không có ký ức lịch sử trong các công trình đó.

Vậy thì điều đó đưa ta tới một vấn đề còn lớn hơn. Nếu các sử gia Việt không nhớ “Văn Đế” thì làm sao mà họ có thể nhớ nổi các vua Hùng sớm hơn?


Nguồn://leminhkhai.wordpress.com/2012/04/10/the-absence-of-historical-memory-in-early-vietnam/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét