Powered By Blogger

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Bi ký Chăm ở Biên Hòa



Bi ký Chăm ở Biên Hòa

Antoine Cabaton

Người dịch: Hà Hữu Nga

Tại ngôi chùa An Nam có tên gọi Bửu Sơn, thuộc làng Trước Bình, Bình Thạnh, thị trấn Phước Vinh Thượng, cách Nha Thanh tra Biên Hòa 800 m về phía Tây Bắc, và cách Sài Gòn 20km, có thể thấy một minh văn Chăm khắc trên một tấm bia nửa hình elip cao 85cm, gắn liền với một bức tượng thần Visnu cao 150cm [1]. Trên bia có 9 dòng chữ không ngang bằng nhau, dòng thứ nhất dài 32 cm, trong khi đó dòng áp chót thì lại dài đến 65cm.  Các chữ có chiều cao từ 30 – 33 mm, thường được chạm sâu khoảng 2mm, được sắp xếp rất ngăn nắp, và tự dạng gợi lại dáng chữ của minh văn Bến Làng, có niên đại 1358 saka [1436 công lịch], gồm có ba mảnh đã được Bergaigne sao chép lại [2].

Minh văn này viết bằng chữ Chăm pha trộn với các từ tiếng Phạn lặp lại các âm được ông Bergaigne và ông Ayinonier đã phiên âm và dịch một phần [3]. Một vài mẫu tự đáng chú ý vẫn còn được bảo lưu trong cách viết chữ Chăm hiện nay rất đáng được xem xét. Các từ Nauk và Glaun, chẳng hạn, đã được phiên âm theo từng ký hiệu, bằng cách phân biệt khi विराम* virāma [dấu ngắt giọng] được viết lên phía trên, gần như thẳng hàng theo trục dọc tính từ ngoài cùng bên phải của dấu hiệu sử dụng ưa thích đó.   Tất cả đều là từ yān được viết với bán nguyên âm, dài và  अनुनासिक*anunāsika, âm mũi; còn hiện nay thì nó được viết là [...]. Cuối cùng nét cong lớn vượt hẳn lên các từ khác, chính là cái ký hiệu mà tôi đã lưu ý với ông Finot trong cách phiên âm của tôi cho cho cái dấu ngã uue, mà người Chăm vẫn thường dùng thay thế cho cái âm hầu mũi विराम* virāma ngắt giọng ưa thích của họ.

Phần ghi niên đại, thật không may, lại là phần bị mất mát nhiều nhất trên minh văn, nên rất đáng ngờ. Được thể hiện bằng cả chữ số và các từ biểu trưng lạ lẫm, nhưng lại không hề có các dữ liệu phụ thêm (nhật thực, nguyệt thực, ngày trong tuần) cho phép xác định rõ. Tuy nhiên như chúng tôi đọc được [4], thì có thể chấp nhận cả sự tương đồng của cái ký tự lớn trên tấm bi ký này với các dấu hiệu đó của minh văn năm 1358 saka đã dẫn ở trên để làm cơ sở cho việc định niên đại. Vấn đề thực sự là cái tên của vị hoàng tử có tên là Nauk Glaun Vijaya, con trai của Sri Jaya Simhavarman V, vị vua có thể được coi là thuộc tấm bi ký núi Bến Làng, các mảnh của tấm bi ký Bình Định [5]. Nauk Glaun Vijaya, người chiến thắng quân An Nam, đã hiểu rõ vương quốc có tên gọi Brah Kānda; đã đánh thắng nhiều trận, sau đó quay về Champa, dựng tượng Visnu và rất ưa dùng các chiến lợi phẩm thu được của người Khmer để xây dựng các cơ sở tôn giáo. Tấm bi ký này có niên đại 1441 (hoặc 1461) SCN, một vài năm trước khi kinh đô Chăm bị chiếm (1446 SCN) hoặc việc phá hủy hoàn toàn đất nước Champa vào năm 1471 SCN.

Về phương diện địa lý, thì minh văn này bên cạnh những cái tên Kvir (Cambodia) và Yvan (An Nam), còn cho chúng ta biết về một nước nào đó có tên là Brah Kānda, mà ông Aymonier, dù không có cơ sở hợp lý, vẫn thiên về cái tên gốc của Chân Lạp [6].

Cuối cùng, việc xây dựng công trình tưởng niệm kỳ lạ này là một  bằng chứng rõ ràng về sự tồn tại của tục thờ cúng Visnu trong vương quốc cổ Champa.

Việc có thêm một tấm bi ký đen có thể là cách quan tâm đến thực chất tâm lý và một cái gì đó có tính mỉa mai, đó là: khúc khải hoàn khoa trương này lại là một Khúc hát Thiên nga**. Hai mươi năm sau, và có thể còn ít hơn nữa, nếu chúng ta chấp nhận niên đại 1383 saka – người Chăm đã hoàn toàn bị người An Nam đánh bại, và chỉ còn để lại lời ai ca sau:

ḍuiṣṣak sā båḥ nơgar аnnơk yụơn paḍar čaṃ yău kabav;
anak čaṃ baṣaiḥ adhᴉā bơṅ ᴉā mơta yụā yụơn paḍar

Hổ thay cho xứ sở ta! Lũ trai Yuôn đã choàng ách trâu lên cổ dân Chăm;
Trong đám con Chăm kẻ Bà Sế ừng ực nuốt lệ, bởi lũ Yuôn đã đóng ách lên rồi!

Nội dung bài minh:

(1). |svasti| pu põ ku nan sῡnnu
(2) yāṅ põ ku Çrī Jaya Siṅhavarmmadeva
(3) uraṅ Ṅauk glauṅ vijaya paripāla rāṣṭra sei tmũ
(4) jaya di nagara Yvan ma udyāṇna gulāc tok nagara
(5) Braḥ Kānda nī yuddha aneka sei tmũ gulāc jẽ nagara Ca
(6)mpa di çaka loka saṣṭārthānalaḥ ṇdapaḥ pakrãttha (?) Tri
(7) bhavanākrānta nī ṅan vijitta sa trā si sei tmũ jaya di Kvīr
(8) tmũ vuḥ bhogopabhoga yathā deva liṅga vukān rei sei jmai tmũ
(9) jẽ nagara Kvīr jẽ nagara Campa sadākāla.

“Con trai của Çrï Jaya Simhavarman, Ṅauk Glauṅ Vijaya che chở cho xứ sở; đã đánh bại [7] nước Yuôn; đã bị bỏ lại (trên chiến trường), rồi lại trở về [8] coi giữ xứ Braḥ Kānda này. Người đã thắng nhiều trận đánh và quay trở về xứ sở Champa (năm saka) (được xác định bằng) các vùng sáu mươi (hoặc tám), ba, đám sậy (hoặc lửa)[9]. Người đã cung kính dựng lên [10] Tribhuvanakranta bằng chiến lợi phẩm [11] thu được của người Kvīr (Khmer). Người dâng [12] tất cả những gì chiếm được lên các vị thần, các lingas, và không bao giờ quên hưởng niềm vui cả ở xứ sở Khmer lẫn xứ Champa.

Ghi chú bổ sung -  Bản sao minh văn Biên Hòa được công bố ở trên đã được thực hiện dựa trên các nét rất khó nhận dạng. Vì vậy ông Aymonier đã có nhã ý gửi cho tôi bản sao mới nhờ hảo ý của ông Rodier, Thống đốc Nam Kỳ; bản sao đó nét chữ rất rõ ràng. Ông Aymonier cũng đã đến để cùng đồng thuận dịch bài minh, ngoại trừ niên đại ông đưa ra để đọc:

loka-aṣṭa-ardha-anala = 1282 saka.

Việc hiệu chỉnh dường như có thể chấp nhận; nó cũng gần với sự thật lịch sử mà niên đại trong bài viết của chúng tôi đề cập đến thời gian Champa vẫn còn có thanh thế [13].
________________________________

Nguồn: Antoine Cabaton L'inscription chame de Bien-Hoa, Bulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient. Tome 4, 1904. pp. 687-690.

Ghi chú của người dịch: 

* Các chữ Phạn này là do tôi tự dịch ra để hiểu nghĩa của từ mà thôi.
 
** Chant du cygne [κύκνειο άσμα] cách ngôn Khúc hát Thiên nga là ẩn dụ về sự gắng gỏi cuối cùng trước thời khắc lâm chung. Người Hy Lạp cổ đại tin rằng trước khi chết Thiên nga cất tiếng hát một bài hát mê hồn mà nó không bao giờ hát trong suốt cuộc đời. Tham chiếu sớm nhất về niềm tin này thấy trong vở kịch Agamemnon của Aeschylus từ năm 458 TCN. Trong vở kịch, Clytemnestra so sánh cái chết của Cassandra với một con Thiên nga đã cất tiếng hát khúc Bi ca chung cục cuộc đời. Phaedo của Plato đã ghi lại lời của Socrates nói rằng mặc dù Thiên nga biết hát từ lúc còn nhỏ, nhưng nó không bao giờ hát hay như tiếng hát lúc lâm chung. Truyện ngụ ngôn Thiên nga bị nhầm là ngỗng của Aésop đã đã lồng vào đó huyền thoại Tiếng hát Thiên nga như sau: “Một chú Thiên nga bị tóm vì người ta tưởng là ngỗng, thế là nó cất lên khúc hát dạo đầu trước cái chết đang đợi mình. Người ta đã nhận ra giọng hát mê hồn của nó, và nhờ vào giọng hát của mình mà nó đã được cứu sống”.


Chú thích:

1. Voir B. E. F. E.-O i, 18.

2. L'ancien royaume de Campa, dans L’Indo - Chine, d'après les inscriptions (Journal Asiatique, janvier 1888, pp. 18-19).

3. Première élude sur les inscriptions chames (Journal Asiatique, janvier-lévrier 1891.pp. 7 et 84-85;

4. 1363 ou 1383 çaka.

5. Aymonier, loc. land., pp. 82-83.

6. Nouvelles observations sur le Founan (Journal Asiatique, septembre-octobre 1903,p. 340, n. t).

7. tmῡ = tāmơṅ “usage, jouissance, possession ; fortuné, propice, favorable”.

8. gulāc = gulač (bahn. gleč) “tourner, retourner, revenir”.

9. 1363 (ou 1383). — Sasta (pour sasti) = 60, est incorrect et inaccontumé, car on emploie dans les dates non les dizaines, ou les centaines, mais les unités seulement. On pourrait lire asta = 8, l'a initial étant presque identique à s [...] et l'on obtiendrait alors la date de 1383, mais historiquement 1363 convient mieux. Nala ou anala est inconnu comme symbole numérique, mais ne peut évidemment être que 1.

10. Je traduis faute de mieux ndapah par le mot tapah “oeuvre pie, acte de piété” de la langue moderne — skr. tapas, et je suppose que pakràttha = skr. prakrta, sans perdre de vue ce que cette interprétation a de conjectural.

11. ? vijita.

12. vuh = buh “donner, confier, remettre”. Ex.: buh kà čei jö “il le conserva au service du prince”.

13. [Je prends la liberté de proposer une troisième interprétation. La date me semble devoir se lire: loka astārdhāualah nrapah = 1343 (nrapah = nrpah = rājā = soniah = 1). Je reviendrai prochainement sur cette question en étudiant quelques autres inscriptions du même personnage - L. Finot].

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Trò hai mặt trong học thuật Trung Quốc?




Trò hai mặt trong học thuật Trung Quốc?

Le Minh Khai

Người dịch: Hà Hữu Nga

Hôm qua tờ New York Times đăng một bài viết về một quỹ học bổng mới được tạo ra sẽ giúp cho người không phải Trung Quốc đến học tập, nghiên cứu tại Trung Quốc. “Ông trùm quỹ tư Stephen A. Schwarzman, được một đội quân của hầu hết các công ty tài chính vững chắc của phương Tây kiếm lợi ở Trung Quốc hỗ trợ, tạo dựng một quỹ học bổng 300 triệu USD cho việc học tập tại Trung Quốc mà ông hy vọng sẽ cạnh tranh với quỹ học bổng Rhodes Scholarship về danh tiếng và ảnh hưởng”.

Quỹ Rhodes Scholarship là một quỹ danh tiếng vẫn hỗ trợ cho việc học tập nghiên cứu tại Đại học Oxford. Vậy thì có phải việc tạo ra quỹ học bổng mới này cho thấy rằng công trình của các học giả Trung Quốc giờ đây đã đạt tới trình độ ngang với các đối tác của họ ở những nơi chẳng hạn như tại Vương quốc Anh? Các học giả Trung Quốc giờ đây đã là những tay chơi đồng hạng trong giới học thuật quốc tế (điều đó có nghĩa gì vậy)?

Tôi tự hỏi mình điều này vào sáng nay khi tôi vào trang blog Tiếng vọng Kattigara và thấy một bản dịch bài viết của Lý Huy, một giáo sư tại Đại học Phục Đán; bài viết có nhan đề là Common Origin of the Austronesian and Daic Populations. [1] Đây là một bài viết tham gia hội nghị được công bố trong một tạp chí có tên là Communication on Contemporary Anthropology, “một tạp chí mở cho cả các tác giả chuyên nghiệp lẫn không chuyên đánh giá”.

Tôi quan tâm đến việc cố gắng hiểu những tộc người khác nhau hiện sống tại Đông Nam Á đã đến đó như thế nào, và họ từ đâu đến, ...v.v., vì vậy mà tôi đã quyết định đọc bài viết này. Đoạn tóm tắt tuyên rằng “Trong bài viết này, chúng tôi đã phát hiện ra mối quan hệ gần gũi giữa các cư dân Nam Đảo và Daic tại miền nam Đông Á, và đã tái dựng quá trình phát sinh của hai nhóm cư dân bằng cách sử dụng các nhiễm sắc thể Y dòng cha và ti thể DNA dòng mẹ”.   

Vậy là bài viết khai thác thông tin có được từ DNA để xem xét quá khứ. Tôi không biết nhiều về lĩnh vực này, vì vậy không thể thực sự đánh giá được loại học thuật này, nhưng tôi dù sao thì cũng cứ đọc hết bài viết.

Khi thực sự đọc bài viết tôi thấy không hề có một chú thích, một tài liệu dẫn nào, và cũng không hề có thảo luận về phương pháp. Đồng thời nó lại cực kỳ chi tiết. Chẳng hạn như đoạn sau:

“Trong khoảng thời gian từ 5000 đến 3000 năm trước người Mân Việt ở Phúc Kiến và Nam Việt ở Quảng Đông đã phân cực và sinh ra một số nhóm mới di cư khỏi vùng hạch. Các nhóm cư dân này thường được gọi là người Âu, có nghĩa là người ngoài. Thực ra thì người Đông Âu đã di cư theo hướng bắc ra ngoài nhóm Mân Việt đến nam Chiết Giang, còn người Tây Âu chuyển về phía tây, đi khỏi nhóm Nam Việt đến Quảng Tây. Người Tây Âu hòa hợp với người Lạc Việt và trở thành tổ tiên của người Tráng-Thái. Cũng trong khoảng thời gian đó, nhóm Kadai [仡央 Ngật Ương*] di chuyển theo hướng tây bắc đến Quý Châu và tạo dựng nên một vài vương quốc chẳng hạn như Dạ Lang. Họ đồng hóa một số lớn cư dân bản địa là người 百濮* Bách Bộc ở đó, vốn nói tiếng mẹ đẻ là nguyên Nam Á [Proto-Austro-asiatic]. Các phát hiện này đã được xác định dựa trên cơ sở sự lưỡng phân trong cấu trúc di truyền của người Kadai” [仡央 Ngật Ương*].

Toàn bộ điều này thực sự có vấn đề. Lý Huy hoàn toàn chấp nhận không phê phán việc sử dụng tên gọi các chính thể và các tộc người mà chúng ta có thể tìm được trong các văn bản cổ, như Nam Việt hoặc Âu (“Âu” nghĩa là “người ngoài”? Ngoài với ai? Làm sao chúng ta biết điều đó?). Ở những chỗ khác ông cũng làm hệt như vậy với những tập hợp di vật khảo cổ học (Lương Chử, ...v.v). Lý Huy còn kết nối các nhóm tộc người đương đại với các nhóm tộc người trong quá khứ, một thứ mà các học giả ở nơi khác, chẳng hạn Bắc Mỹ đã phản bác nhiều thập kỷ nay.   

Rõ ràng là Lý Huy đã làm đúng cái thứ mà các học giả bên ngoài Trung Quốc đã thải hồi, tôi chắc chắn rằng bài viết này không bao giờ có thể được chấp nhận công bố tại một nơi như Bắc Mỹ, thế nhưng Lý Huy đã công bố ở Bắc Mỹ.

Đặc biệt là ông viết một bài về một chủ đề tương tự - Paternal Genetic Affinity between Western Austronesian and Daic Populations – Mối quan hệ Di truyền dòng cha giữa người Nam đảo phía Tây và các cư dân Daic – đã được công bố trong tạp chí BMC Evolutionary Biology. Thực ra thì Lý Huy là một trong số vài tác giả của bài viết này, nhưng rõ ràng là ông đã cùng những người khác tiến hành “các nghiên cứu di truyền phân tử”, còn ông thì “đã tham gia vào thiết kế nghiên cứu và [cùng những người khác] thực hiện các phân tích thống kê”, ông đã giúp thu thập mẫu, và ông “đã đọc và duyệt bản thảo cuối cùng”.

Không giống với bài viết được công bố ở Trung Quốc, bài viết này có thêm các chú dẫn, phương pháp luận được giải thích rõ ràng, và bài viết không sử dụng các thuật ngữ như Nam Việt, Mân Việt, Âu, ...v.v. Nó hoàn toàn khác với loại nghiên cứu (kể cả nội dung và tính chất), cho dù về cơ bản nó vẫn cùng một chủ đề.

Rất đáng chú ý là bài viết này chú thích rằng [顧問主席* cố vấn chủ tịch] “tư vấn trưởng” của Communication on Contemporary Anthropology Truyền thông Nhân học Hiện đại là 金力* Li Jin, Kim Lực, một nhà di truyền học chuyên về các xác ướp vùng thung lũng 吉林* Cát Lâm [Tarim] thì lại không nhất quán. Ông đã nói về một “nòi giống Đông Á” mà người ta phát hiện được trong DNA của các xác ướp này trong một vài bối cảnh, nhưng lại không có trong bối cảnh công bố ở Bắc Mỹ (Blog này [2] có nói về vấn đề này ở một mức độ nào đó).

Vậy thì điều gì đang diễn ra ở đây? Có phải các học giả Trung Quốc đang lá mặt lá trái? Hay đây chỉ là cái mà họ phải làm để tồn tại?

Quỹ học bổng mới đề xuất mà tôi đã nhắc đến ở đầu bài viết này là một cái gì đó mà tôi tin chắc là chính phủ Trung Quốc muốn làm liều. Khi nó đến với giáo dục và học thuật thì trong thời buổi khó khăn này, các quốc gia ở châu Á đang phải hết sức cố gắng để đạt được thứ hạng và uy tín. Nhưng trong trường hợp Trung Quốc và một vài nơi khác nữa, điều này vẫn đang diễn ra trong một xã hội mà cùng một lúc người ta phải ra sức kiểm soát giáo dục và học thuật.

Vì vậy tôi tự hỏi phải chăng hai bài viết của Lý Huy chính là dấu hiệu về một nơi mà toàn bộ điều đó đang diễn ra. Các học giả Trung Quốc sẽ có các công trình nghiên cứu chất lượng đủ khả năng công bố ở các nơi như Bắc Mỹ, Australia và Anh thì đồng thời ở nhà họ cũng lại trình ra rác rưởi.

Tất cả câu truyện này dường như quá vô lý. Người ta trưởng thành bằng cách học rác rưởi, và sau đó sẽ lại phải gạt bỏ những thứ rác rưởi đã học, sao cho có thể học được một điều gì đó mới mẻ đến mức họ có thể tạo ra được một nền học thuật “tầm cỡ quốc tế”. Nhưng đồng thời với việc hành động như vậy, họ lại vẫn phải nhớ đến thứ rác rưởi mà họ đã trưởng thành cùng, vì họ sẽ vẫn phải trình thêm rác rưởi nữa ở nhà.

Cần phải cải thiện tình trạng đó.
___________________________

Nguồn: Duplicity in Chinese Scholarship? Trên http://leminhkhai.wordpress.com/2013/04/21/.


Chú thích:

1. Đó là bài: Lý Huy 2013, Cội nguồn chung của các cư dân Nam Đảo và Daic, http://Kattigara-Echo.blogspot.com/Thứ ba, ngày 19 tháng ba năm 2013.

[2] Bài dẫn: Almost Lost in Translation; trên blog http://languagelog.ldc.upenn.edu/nll/?p=2347; May 23, 2010 @ 10:32 pm · Filed by Victor Mair under Language and politics, Lost in translation.

Ghi chú của người dịch:

1. Bài viết của tác giả có ba hình ảnh và biểu đồ, bạn đọc có thể tham khảo trong bản gốc tại trang http://leminhkhai.wordpress.com/2013/04/21/.

* Các từ có dấu sao là do tôi chú thêm vào để biết rõ một số địa danh, tộc danh và tên người Trung Quốc vốn dễ bị lầm, lẫn nếu chỉ có phiên âm Latin.