Powered By Blogger

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Giải học giới Việt Nam: Phạm Đức Dương


Giải học giới Việt Nam: Phạm Đức Dương

Le Minh Khai

Người dịch: Hà Hữu Nga


Lời người dịch: Trên trang mạng leminhkhai.wordpress.com có một số bài viết ngắn đề cập đến các vấn đề quan trọng về lịch sử, văn hóa Việt Nam; đề cập đến các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa hàng đầu của Việt Nam. Chúng tôi cố gắng dịch và chuyển tải đến những ai liên quan - quan tâm, và mong rằng các vị sẽ có các trao đổi giúp làm rõ vấn đề mà tác giả Le Minh Khai đặt ra nhằm thúc đẩy học thuật phát triển.


Năm 1982, nhà ngôn ngữ học Phạm Đức Dương đã viết một bài rất quan trọng về vai trò của những người nói tiếng Tày Thái thời lịch sử sớm Việt Nam, có tên gọi “Cội nguồn mô hình văn hóa – xã hội lúa nước của người Việt qua cứ liệu ngôn ngữ” (Phạm Đức Dương, Nghiên cứu lịch sử 206 (1982): 43-52).

Trong bài viết này Phạm Đức Dương đã phát hiện ra có một số lượng lớn từ vựng giống nhau giữa cái mà người Việt Nam gọi là Tày Thái (tức Tai) và Việt Mường (tiền thân về phương diện ngôn ngữ của các ngôn ngữ Việt và Mường hiện đại) liên quan đến nông nghiệp lúa nước, các thực hành kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị gắn liền với canh tác lúa nước. Hơn nữa, toàn bộ các từ này đều có nguồn gốc Tày Thái, điều đó có nghĩa là người Việt Mường đã học nghề làm nông lúa nước của người Tày Thái.  

Phạm Đức Dương đã cung cấp một khối lượng bằng chứng đáng kể để hỗ trợ cho khẳng định của mình. Ông chỉ rõ rằng tất cả các từ về lúa, gạo/khẩu, đến thủy lợi như mương phai (hệt như vậy trong tiếng Thái), đến cọn nước, guồng/cuống, đều được sử dụng chung trong các nhóm Việt Mường và Tày Thái.

Vì vậy khi Phạm Đức Dương cung cấp những bằng chứng chắc chắn về vốn từ vựng chung giữa các nhóm Tày Thái và Việt Mường liên quan đến nông nghiệp lúa nước thì các nỗ lực giải thích về thực chất các mối tương tác lẫn nhau giữa hai nhóm tộc người này trong quá khứ lại có rất nhiều vấn đề.

Có chỗ thì ông tuyên bố rằng người Việt Mường học về nông nghiệp lúa nước và các cấu trúc chính trị - xã hội Tày Thái tại các vùng trước núi, rồi sau đó tiến về vùng châu thổ Sông Hồng và riêng rẽ phát triển. Có chỗ thì ông lại nói về người Tày Thái và Việt Mường cùng sống tại vùng châu thổ Sông Hồng trong một bối cảnh là người Tày Thái có một vốn hiểu biết tinh xảo hơn so với người Việt Mường.

Chẳng hạn Phạm Đức Dương lưu ý đến tầm quan trọng của những con đê đối với người Việt Mường nhằm cố gắng kiểm soát sông Hồng và cho rằng việc đắp đê là xuất phát từ các hoạt động xây dựng mương phai hoặc thành quách, mà cả hai đều do người Tày Thái phát minh trước.

Ông cho rằng người Trung Quốc đầu tiên viết về châu thổ Sông Hồng đã mô tả thế giới của các thể chế chính trị Tày Thái (tức là hệ thống bản mường), nhưng thực ra thì đó lại là “tổ chức chính trị kiểu xã hội Tày Thái cổ mà người Việt Mường đã áp dụng”.

Bài viết của Phạm Đức Dương là một ví dụ hoàn hảo về việc tại sao chủ nghĩa dân tộc và học thuật lại không thể hòa trộn được với nhau. Nghiên cứu ngôn ngữ học của ông cực kỳ sâu sắc, nhưng những nỗ lực lý giải những gì mà ông phát hiện được thì lại bị vướng bởi chính những nỗ lực tìm cách giải thích có thể chấp nhận đối với người Việt, một dân tộc bị chủ nghĩa dân tộc nô dịch về tinh thần.

Điều mà Phạm Đức Dương phát hiện là trong thời cố đại người Tày Thái đã phát triển cao hơn người Việt về phương diện kỹ thuật, và người Việt đã học mọi thứ từ canh tác lúa nước đến xây dựng thành quách từ người Tày Thái. Điều đó thì rõ ràng.

Một vấn đề khác cũng rất rõ ràng là người Việt đã bắt đầu thống trị người Tày Thái. Nếu bạn đọc Đại Việt sử ký toàn thư phần viết về nhà Lý chẳng hạn, thì bạn sẽ phát hiện ra người Việt không ngừng chiến tranh với các nhóm Tày Thái.

Vì vậy lịch sử quan hệ giữa Tày Thái và Việt tại vùng châu thổ Sông Hồng không hề là một câu truyện hòa bình hoặc hạnh phúc. Các mâu thuẫn trong bút thuật của Phạm Đức Dương về quá khứ nảy sinh từ sự bất lực của ông khi phải đối diện với các sự thật. 

Trong một xã hội thống trị bởi chủ nghĩa dân tộc thì lịch sử phải hỗ trợ cho sự thống nhất hài hòa của dân tộc, trong khi nhóm tộc người thống trị phải đứng ở trung tâm của lịch sử. Chẳng hề có cái gì rõ ràng trong cái mà chúng ta có thể thấy về lịch sử các mối tương tác giữa người Việt và người Tày Thái cả, vì vậy điều đó không nên thể hiện ra trong một bài viết dường như có tính “khoa học”. 

Cuối cùng, đáng buồn là bài viết của Phạm Đức Dương mặc dù cung cấp các hiểu biết sâu sắc và vững chắc về ngôn ngữ học, nhưng kết quả học thuật thì lại mang tính dân tộc chủ nghĩa nông cạn hơn nhiều.

Nguồn:leminhkhai.wordpress.com/deconstructing-vietnamese-scholarship-pham-ducduong/2010/07/03/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét