“Lạc” vương
hoặc “Hùng” vương có không?
Hay cả hai đều không có?
Le Minh Khai
Người dịch:
Hà Hữu Nga
Lời người dịch: Trên trang mạng
leminhkhai.wordpress.com có một số bài viết ngắn đề cập đến các vấn đề quan
trọng về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Chúng tôi cố gắng dịch và chuyển tải đến
những ai liên quan - quan tâm, và mong rằng các vị sẽ có các trao đổi giúp làm
rõ vấn đề mà tác giả Le Minh Khai đặt ra.
Câu hỏi liệu
những người đầu tiên cai trị vùng đất Bắc Việt ngày nay vốn được gọi là các
“Lạc” vương hoặc “Hùng” vương chính là một trong những vấn đề tranh cãi nóng
hổi trong suốt cả thế kỷ nay. Học giả người Pháp Henri Maspero là người khai
mào cho cuộc luận chiến này từ đầu thế kỷ XX với một lưu ý là trong các nguồn
sử liệu Hán văn thì các ghi chép sớm nhất về chủ đề này đều có cả hai chữ 雒 lạc và 雄 hùng.Maspero kết luận rằng một người sao chép bản chữ Hán đã viết nhầm chữ 雄 hùng thay vì chữ 雒 lạc (hai chữ này có tự dạng giống nhau, và có nhiều bằng chứng cho thấy trong
những ngữ cảnh khác người ta đã nhầm hai chữ này với nhau), và sau này các sử
gia Việt Nam đã tiếp tục duy trì sự lầm lẫn đó.
Tuy được coi là một học giả tài năng, nhưng các lập
luận của Maspero trong bài viết này đã để lại nhiều điều mà người đọc muốn biết
thêm. Quan điểm của ông cho rằng người Việt đã đơn giản sao chép lẫn lộn hai
chữ mà không nhận ra – đã hạ thấp phẩm giá của người Việt, vì vậy mà không có
gì đáng ngạc nhiên là thậm chí quan điểm ấy còn làm nảy sinh một đại thỏa thuận
trong luận chiến. Vào cuối những năm 1960, đầu những năm 1970, cuộc luận chiến
này đã đạt đến một kết luận mang tính “chính trị” thiên về hùng (về chủ đề này tôi sẽ tiếp tục đề cập đến) nhưng đó lại không
phải là một kết luận học thuật.
Tôi đã đọc nhiều bài viết về đề tài này, tuy chưa phải
là đọc hết. Vì vậy có lẽ đã có người đề cập đến vấn đề mà tôi đặt ra dưới đây.
Dẫu sao thì dù có ai đã đề cập đến thì tôi cũng chưa được đọc. Vì vậy nếu ai
biết vị nào đã đề cập đến vấn đề này thì xin cho tôi được biết.
Trong khi các học giả bàn luận không dứt về việc chữ 雒 lạc chính xác hay chữ 雄 hùng mới chính xác thì tôi lại không hề thấy ai
thảo luận về các đoạn trích dẫn dài hơn, trong đó hai chữ này xuất hiện trong
các nguồn sử liệu chữ Hán sớm. Trong khi đó các đoạn ấy lại đem đến những đầu mối
rõ ràng nhất cho thấy chữ nào là “chính xác”.
Có hai nguồn sử liệu chính cho các cuộc tranh luận
này. Đặc biệt là có một nguồn chữ 雒 lạc, còn nguồn kia thì sử dụng chữ 雄 hùng. Bổ sung cho hai nguồn trên còn có
các nguồn khác liên quan đến vấn đề này, nhưng các nguồn sử liệu khác ấy rõ
ràng là các phiên bản rút gọn của hai đoạn dài hơn thấy trong Giao châu Ngoại vực ký và Nam Việt chí. Ngày nay cả hai công trình
này đều đã thất lạc, nhưng các đoạn được trích dẫn thì vẫn còn.
Trước hết chúng ta hãy xem lại nguồn chủ yếu. 交州外域記 Giao châu Ngoại vực ký là một công trình về phương diện
văn bản học cho thấy niên đại vào khoảng cuối thế kỷ thứ Ba, đầu thế kỷ thứ tư
SCN. Đoạn dưới đây được trích dẫn trong sách 水經注 Thủy Kinh chú của Lịch Đạo Nguyên,
thuộc thế kỷ thứ sáu SCN.
交州外域記曰,交趾昔未有郡縣之時,土地有雒田,其田從潮水上下,民墾食其,名為雒民.設雒王雒侯主諸郡縣.縣多為雒將.雒將銅印青綬.
Giao Châu ngoại
vực kí viết, Giao Chỉ tích vị hữu quận huyện chi thì, thổ địa hữu lạc điền, kì
điền tòng triều thủy thượng hạ, dân khẩn thực kì điền, danh vi lạc dân. Thiết lạc
vương lạc hầu chủ chư quận huyện. Huyện đa vi lạc tướng. Lạc tướng đồng ấn
thanh thụ.
“Giao
châu Ngoại vực ký chép rằng khi chưa chia thành quận huyện, Giao Chỉ đã có
ruộng Lạc, theo nước triều lên xuống, người làm ruộng ấy mà ăn gọi là Lạc dân.
Đặt chế độ Lạc vương, Lạc hầu làm chủ các quận huyện này. Phần nhiều các huyện
đã có các Lạc tướng. Lạc tướng đeo ấn đồng quai thao xanh”.
Điểm đầu tiên cần lưu ý là tác giả này không khẳng định là đã đến vùng đất này thời lạc dân được mô tả đang sống ở đó không. Đoạn này được viết sau khi nhà Hán đã thiết lập “quận huyện” ở vùng đó rồi.
Điểm tiếp theo cần phải lưu ý là
chữ 雒 lạc không thể hiện nghĩa. Nó chỉ thể hiện một âm thanh, có nghĩa là một từ
không thuộc ngôn ngữ Hán. Vậy thì từ này nghĩa là gì? Nhiều học giả diễn giải
nghĩa của nó có cái gì đó liên quan đến lời khẳng định “những mảnh ruộng này
theo nước triều lên xuống”, vì sau đó văn bản tiếp tục “vì vậy (因 nhân) những người…”
(Ghi chú: 潮 có nghĩa là thủy triều, nhưng cũng có nghĩa là mực nước dâng dâng lên. Trong
ngữ cảnh này đối với tôi có ý nghĩa rộng hơn).
Cuối cùng thực sự vẫn còn khúc
mắc khi coi các khẳng định trên là nói về vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng
trước Bắc Thuộc.
Đặt chế độ Lạc vương, Lạc hầu làm
chủ các quận huyện này. Phần nhiều các huyện đã có các Lạc tướng. Lạc tướng đeo
ấn đồng quai thao xanh”.
Vậy thì ai xếp đặt 設 các Lạc
vương? Ai là người có ấn đồng thao xanh? “Quận huyện là thiết chế chính trị của
nhà Hán. Vì vậy tuyên bố này dường như nói rằng có những người trong khu vực
được gọi là “lạc” và sau đó bị nhà
Hán kiểm soát thì có những người “lạc” được bổ nhiệm cai quản vùng đất ấy nhân
danh người Hán – một hiện tượng rất thông thường trong thời gian đó.
(Lưu ý: chữ 王 vương có thể được dịch là “vua” hoặc “vương”. Vì vậy đoạn
này có vẻ chỉ rõ có nhiều người mang tước hiệu vương đó, và trong ngữ cảnh này
tôi dịch chữ đó là “vương”.
Nguồn thứ hai là 南越志, Nam Việt
chí có thể thuộc thế kỷ năm SCN trong sách
太平廣記 Thái Bình Quảng ký, được viết vào thế kỷ thứ mười SCN. 交趾之地頗爲膏腴,徙民居之,始知播植,厥土惟黑壤,厥氣惟雄,故今稱其田為雄,其民為雄民,有君長亦曰雄王,有輔佐焉亦焉曰雄侯,分其地以為雄將.(出南越志).Giao chỉ chi địa
pha vi cao du, tỉ dân cư chi, thủy tri bá thực, quyết thổ duy hắc nhưỡng, quyết
khí duy hùng, cố kim xưng kì điền vi hùng điền, kì dân vi hùng dân, hữu quân
trưởng diệc viết hùng vương, hữu phụ tá yên diệc yên viết hùng hầu, phân kì địa
dĩ vi hùng tướng. (Xuất Nam Việt chí).
Vùng Giao Chỉ đất đai rất tươi tốt. Di dân đến đó, rồi
mới biết trồng cấy. Đất đen xốp màu mỡ, khí đất hùng mạnh. Vì vậy ruộng đất ấy
gọi là hùng điền, dân ấy là hùng dân. Có các bậc quân trưởng cũng gọi là các
hùng vương; còn các phụ tá thì gọi là hùng hầu. Đất đó được phân chia ra mà có
các hùng tướng. (Xuất Nam Việt chí).
Điều đầu tiên cần phải lưu ý là đoạn dẫn “quận huyện” đã biến mất. Sử liệu này không chỉ rõ nó thuộc vào thời điểm nào trong quá khứ, trước Bắc thuộc, như Giao châu Ngoại vực ký đã cho thấy. Vấn đề tiếp theo cần lưu ý là chữ 雄 hùng ở đây lại có nghĩa chứ không phải chỉ là biểu âm. Khí đất hùng mạnh, vì vậy mà dân ở đó gọi là hùng dân.
Nói cách khác, tác giả này đã
không đơn giản mắc lỗi sao chép mà viết chữ 雄 hùng trong khi lẽ ra phải viết chữ 雒 lạc. Thay vào đó, ông đã quyết định biến đổi đoạn này cho phù hợp với nghĩa
của chữ 雄 hùng là hùng mạnh. Để làm điều đó, ông đã them thông tin ở đoạn đầu về đất đai
thì tươi tốt, khí thì hùng mạnh, và sau đó ông trực tiếp gắn kết chữ 雄 hùng với tên đất và người dân ở đó.
Nếu như bằng chứng về cấp độ
“sáng tạo” thông tin ở đây vẫn còn chưa rõ ràng thì chúng ta cần phải chỉ ra
rằng đoạn 厥土惟黑壤 quyết thổ duy hắc
nhưỡng đất xốp đen màu mỡ là một đoạn sao chép rất gần với một dòng trong thiên 禹貢 Vũ Cống, trong sách 尚書 Thượng thư, trong đó có nói
đến 厥土惟白壤 quyết thổ
duy bạch nhưỡng, đất xốp trắng màu mỡ.
Những ai biết về kinh sách Trung Hoa thì sẽ dễ dàng nhận ra rằng đây không phải
là một cách diễn đạt thông dụng. Tác giả này dứt khoát đã bắt chước đoạn này
trong sách 尚書 Thượng thư.
Đoạn tương tự trong Giao châu Ngoại vực
ký không có bằng chứng về sự “vay mượn” như vậy.
Cuối cùng đoạn này cũng không
hề đề cập gì đến các lạc hầu lạc tướng được bổ nhiệm. Thay vào đó, cái mà chúng
ta phát hiện ở đây lại là các quân trưởng - thủ lĩnh tối cao không bị ai kiểm
soát.
Liên kết lại với nhau thì rõ
ràng đoạn thứ hai này là một đoạn thay thế thông tin cho đoạn trích Giao châu Ngoại vực ký. Tác giả đã thay
đổi chữ 雒 lạc cho chữ 雄 hùng trông giống như vậy để
cho có nghĩa, mà không phải chỉ là biểu âm từ một ngôn ngữ ngoại quốc mà nghĩa
của nó lại không rõ ràng. Sau đó ông ta đã thay đổi toàn bộ đoạn trích dẫn này
bằng cách thêm thông tin mới về đất đai màu mỡ (và xóa bỏ thông tin về nước triều)
sao cho chữ 雄 hùng có được một
ngữ cảnh có thể có nghĩa. Và cuối cùng ông ta đã xóa bỏ ngữ cảnh lịch sử mà Giao châu Ngoại vực ký đã cung cấp bằng cách lờ đi bất cứ ý tứ nào về sự thống trị của Hán triều.
Vậy thì người Việt sau đó đã
làm gì? Họ có đơn giản sao chép lỗi lầm ấy như Maspero đã khẳng định không? Không,
họ đã sáng tạo ra một điều gì đó mới mẻ. Đó chính là một tích truyện dài mà các
chi tiết của tích truyện cần phải đợi đến một bài viết mới, nhưng về cơ bản thì
người Việt đã ‘kết hợp” thông tin từ cả hai phiên bản đó. Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ
Liên thì các vua Hùng đặt “tướng văn gọi là Lạc hầu, và tướng võ là Lạc tướng”.
Tuy nhiên cuối cùng thì hầu
hết chúng ta có lẽ đều thấy vào giai đoạn trước công nguyên đã có những người
trong vùng mà người Hán gọi là lạc
(không rõ tại sao, và từ này cũng được sử dụng cho cả những người ở các vùng
khác của khu vực mà ngày nay gọi là Nam Trung Quốc), và họ đã được tuyển dụng
để cai quản vùng đất đối với Trung Quốc chỉ là cấp quận huyện này. Các từ
“vương”, “hầu” đều có nguồn gốc Hán, vì vậy chúng ta có thể giả định rằng lạc không phải là các từ mà các quân
trưởng của họ gán cho các tước vị trên. Trong Giao châu Ngoại vực ký còn đề cập đến những người giữ các chức vụ
này đã được bổ nhiệm để “cai quản các quận huyện” thuộc đơn vị hành chính Trung
Quốc. Nói cách khác, Giao châu Ngoại vực
ký không hề nói bất cứ điều gì với chúng ta về các vị quân trưởng của vùng
này trước thời Bắc thuộc, mà chỉ nói về những người được gọi là lạc, hoặc có lẽ chỉ người Hán mới gọi họ
là lạc.
Vậy thì có tồn tại “Lạc” vương
hoặc “Hùng” vương không? Cho đến khi chúng ta còn có thể nói về điều này thì
không có cả “Lạc” vương lẫn “Hùng” vương. Có vẻ đã có các Lạc vương cộng tác
với người Hán, nhưng chúng ta mới chỉ biết được đến thế. Không nghi ngờ gì nữa,
người lạc có các vị quân trưởng của
họ trước khi người Hán đến, nhưng chúng ta không có cách nào để biết được họ
gọi là gì.
Cám ơn anh đã dịch những bài của GS. Kelly Liam
Trả lờiXóaTác giả cho rằng: Từ 'lạc" không có nghĩa, nên nó không thuộc ngôn ngữ Hán. Do đó từ 'lạc' trong câu "Giao chỉ có ruộng lạc". Là từ mà người dân ở Giao Chỉ dùng để gọi ruộng theo thủy triều lên xuống [Tác giả của Giao châu ngoại vực ký chỉ gọi lại theo người dân ở đó]. Kéo theo từ "Lạc dân" là do tác giả của Giao Châu ngoại vực ký dùng để gọi dân làm ruộng lạc. Còn bản thân dân ở Giao Chỉ có gọi nhau là "Lạc dân" hay không thì chưa chắc chắn được. Vì là tác giả của Giao Châu ngoại vực ký căn cứ trên cơ sở dân làm ruộng lạc nên gọi dân đó là Lạc dân, nên rất có thể tác giả của tác phẩm này tiếp tục gọi quân trưởng của dân ở Giao Chỉ là Lạc vương, Lạc hầu.
Trả lờiXóaNếu dân ở Giao Chỉ gọi ruộng của mình là ruộng lạc, gọi nhau bằng lạc dân, thì không có lý gì lại không gọi quân trưởng của mình là lạc tướng, lạc hầu.
Nếu dân ở Giao Chỉ không gọi nhau là lạc dân, gọi quân trưởng là lạc tướng lạc hầu, mà đó là do người Hán gọi. Thì đúng là chúng ta chưa có cách nào để biết được dân ở Giao Chỉ gọi quân trưởng của mình là gì?
Câu hỏi là: Tác giả của Giao Châu ngoại vực ký, biết rằng: Người dân ở Giao chỉ gọi ruộng theo triều lên xuống là ruộng lạc, mà lại không biết họ gọi nhau bằng gì và gọi quân trưởng của họ là gì?
cảm ơn anh nhé
Trả lờiXóa