Powered By Blogger

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Nhà nước hóa, Chủ nghĩa Dân tộc Nhà nước và các vua Hùng

Nhà nước hóa, Chủ nghĩa Dân tộc Nhà nước và các vua Hùng

Le Minh Khai

Người dịch: Hà Hữu Nga


Lời người dịch: Trên trang mạng leminhkhai.wordpress.com có một số bài viết ngắn đề cập đến các vấn đề quan trọng về lịch sử, văn hóa Việt Nam; đề cập đến các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa hàng đầu của Việt Nam. Chúng tôi cố gắng dịch và chuyển tải đến những ai liên quan - quan tâm, và mong rằng các vị sẽ có các trao đổi giúp làm rõ vấn đề mà tác giả Le Minh Khai đặt ra nhằm thúc đẩy học thuật phát triển.


Có một bài viết rất đáng quan tâm đề cập đến các nguồn tin tức trên Internet Việt Nam và về các blog Việt Nam. Đó là một câu truyện về việc “nhà nước hóa” các lễ hội và học giả Ngô Đức Thịnh sợ rằng hiện tượng đó làm giảm vai trò tham gia, cũng như ý nghĩa của các lễ hội đó đối với những người dân trong vùng.

Lý do cho vấn đề này được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng là vì lễ hội giỗ tổ các vua Hùng hàng năm vừa mới qua đi và cũng giống như các lễ hội khác, chẳng hạn lễ hội đền Trần, lễ giỗ tổ Hùng vương tại tỉnh Phú Thọ cũng cho thấy sự can thiệp ngày càng tăng của các quan chức chính quyền địa phương.

Để rút ngắn bớt câu truyện dài dòng, và điều không được trực tiếp nói ra trong bài viết trên chính là các quan chức quốc gia và địa phương đã nhận thấy rằng sẽ kiếm được rất nhiều tiền nếu biến các lễ hội địa phương thành quy mô quốc gia. Chính vì vậy mà nhà nước ngày càng can thiệp sâu hơn vào các lễ hội.  

Theo bài viết này (Lo nhất: “Nhà nước hóa” lễ hội!), thì sự can dự của nhà nước vào lễ hội Đền Hùng bắt đầu từ thời nhà Nguyễn. Bài viết, dù không trích dẫn bất cứ nguồn nào, vẫn cho rằng nhà Nguyễn đã tạo ra nghi lễ giỗ tổ các vua Hùng, và trong quá trình đó, nghi lễ đã bắt đầu được coi là “Quốc lễ” , mặc dù bài viết cho rằng các vua nhà Nguyễn hiếm khi tham dự.

Nhưng sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, bài viết tiếp tục, Hồ Chí Minh và chính phủ của ông đã phân loại các di tích lịch sử khác nhau thành “di tích quốc gia”, bao gồm đền thờ các vua Hùng tại Phú Thọ. Chính phủ Hồ Chí Minh cũng ấn định một ngày trong năm để tôn vinh các vua Hùng là ngày quốc lễ.

Hiện nay chính phủ Việt Nam đang gắng sức vận động UNESCO gắn biển cho đền thờ này là “di sản văn hóa” Thế giới. Điều đó sẽ làm tăng giá trị của di tích với tư cách là một địa điểm du lịch, và điều đó cũng có nghĩa là tiền.

Khi tham khảo hơn 17.000 trang sách Khâm định Đại Nam Hội điển Sử lệ - Toát yếu luật lệ nhà Nguyễn, tôi không phát hiện được bất cứ tham chiếu nào liên quan đến nghi lễ giỗ các vua Hùng. Tuy nhiên công trình đó liên quan đến các điển lệ có hiệu lực từ trước khi nhà Nguyễn rơi vào chế độ “bảo hộ” của người Pháp.  

Trong khi tôi tìm kiếm các nguồn tư liệu chứng minh cho điều này thì không ai nói cho tôi biết rằng người Pháp là người đầu tiên tạo ra nghi lễ này, để giúp cho nhà Nguyễn xây dựng “Quốc lễ” “thích hợp” làm lợi cho nền quân chủ hiện đại.

Bên cạnh vấn đề nhỏ đó, điều mà tôi thấy bài viết đó chưa phát hiện ra và mối bận tâm của Ngô Đức Thịnh là ở chỗ trong khi sự thật là chúng ta có thể thấy quá trình “nhà nước hóa” các vua Hùng ngày càng tăng trong thế kỷ qua, thì đó chỉ là một kết quả thứ yếu của một lực đẩy nghiêm trọng hơn nhiều của chủ nghĩa dân tộc do nhà nước đỡ đầu để cổ vũ cho các vua Hùng với tư cách là tổ tiên của cả dân tộc.

Chỉ từ cuối những năm 1960 thì các vủa Hùng mới trở thành tổ tiên nghiễm nhiên của dân tộc Việt Nam, và điều đó đã diễn ra dưới sức ép ngày càng tăng của nhà nước để “chứng tỏ” rằng các vua Hùng thực sự có thật! Tôi đã có một số bài viết ngắn về đề tài này.

Vậy là theo Ngô Đức Thịnh thì quá trình “nhà nước hóa” lễ hội đền Hùng tại Phú Thọ là không tốt. Được thôi, nhưng thế còn 50 năm chủ nghĩa dân tộc được nhà nước đỡ đầu thì sao? Điều đó thì tốt, đúng không?


Nguồn: leminhkhai.wordpress.com/17 Apr. 2011/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét