Powered By Blogger

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Người Man núi Tản Viên


Người Man núi Tản Viên

 

Le Minh Khai

 

Người dịch: Hà Hữu Nga

 

Lời người dịch: Trên trang mạng leminhkhai.wordpress.com có một số bài viết ngắn đề cập đến các vấn đề quan trọng về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Chúng tôi cố gắng dịch và chuyển tải đến những ai liên quan - quan tâm, và mong rằng các vị sẽ có các trao đổi giúp làm rõ vấn đề mà tác giả Le Minh Khai đặt ra nhằm thúc đẩy học thuật phát triển. 


Ngày nay nhiều người vẫn coi núi Tản Viên là linh địa của người Việt từ thồi cổ đại. Các tích truyện về thần núi Tản Viên thấy trong các văn bản sớm của Việt Nam, và chúng chứa đựng thông tin về ngọn núi này gắn liền với tích truyện các vua Hùng, được cho là trị vì vào thời kỳ trước công nguyên. Vì vậy sự gắn kết giữa người Việt và ngọn núi này dường như có gốc gác từ thời cổ đại. 

Tuy nhiên có những vấn đề liên quan đến bức tranh thời cổ đại giả định ấy của mối quan hệ giữa người Việt và núi Tản Viên. Trước tiên là các nhà ngôn ngữ học tin rằng người Việt (với khái niệm người Việt tôi muốn nói đến những người nói các phiên bản sớm của thứ ngôn ngữ mà ngày nay chúng ta vẫn coi là tiếng Việt) khởi nguồn đâu đó ở vùng ngày nay là miền trung Việt Nam và một số vùng phía đông của nước Lào. Vào giai đoạn trước công nguyên các tộc người sống trên hầu hết vùng châu thổ sông Hồng đều không phải là người Việt, chẳng hạn như người nói tiếng Tày Thái và Kadai.

Vì vậy trước khi người Việt bắt đầu tiếp xúc với núi Tản Viên thì có lẽ nó đã thân thuộc với những người khác rồi. Mất bao lâu để người Việt biến ngọn núi này thành tín ngưỡng của mình và thế chỗ các cư dân đã cư trú trước đó?

Nếu bạn bỏ qua các tích truyện về núi Tản Viên và các vua Hùng ở phần đầu sách Đại Việt sử ký Toàn thư để tìm kiếm các tham chiếu lịch sử thực sự liên quan đến ngọn núi này trong bộ sử đó thì bạn sẽ thu được các thông tin sau đây:

1) Vào năm 1073 trời mưa lớn liên tục, vì vậy hoàng đế Lý Nhân Tông đã cho rước tượng Phật từ chùa Pháp Vân về kinh đô để cầu mưa tạnh. Hoàng đế cũng cho cúng thần núi Tản Viên.

2) Năm 1129, hoàng đế Lý Thần Tông nghe tâu ở núi Tản Viên có hươu trắng, vua sai người đi bắt được. Giống như tầm quan trọng của voi trắng trong thế giới Thái – Mianmar, có vẻ như con hươu trắng đó được coi như là một dấu hiệu của quyền lực. Tuy nhiên nó (hoặc sự hiện diện của nó trên núi Tản Viên) có thể cũng được coi là liên quan đến mưa vì ngay trước đó, Đại Việt sử ký toàn thư có nói rằng: tháng 2, vua trai giới để cầu mưa, thì rõ ràng là thời gian đó thiếu mưa.   

3) Năm 1145 dựng đền thần núi Tản Viên.

Vậy là vào cuối thế kỷ 11 chúng ta phát hiện ra một vị vua Việt lệnh dâng lễ vật lên núi Tản Viên để cầu mưa. Hơn 70 năm sau một vị vua khác lại cho xây đền thần trên ngọn núi đó. 

Có lẽ trước đó trên núi đã có đền thờ rồi. Nếu đã có rồi thì văn bản lịch sử lẽ ra đã nói rằng nhà vua lệnh cho tôn tạo đền thờ, vì việc tôn tạo đền thờ là một việc rất bình thường. Tuy nhiên chúng ta không biết chắc là đã có đền thờ hay chưa. Dẫu sao thì điều quan trọng là các sử liệu này cho thấy rõ rằng người Việt vào thời điểm đó đang thờ thần núi Tản Viên.

Một vấn đề khác cũng có ý nghĩa là sau các sự kiện trên về núi Tản Viên trong Đại Việt sử ký toàn thư chúng ta còn thấy những tư liệu khác liên quan đến núi Tản Viên, đó là những người man sống xung quanh đó. Năm 1207 “sơn man” (山蠻) núi Tản Viên làm giặc, và năm 1226 “sơn man” đánh lẫn nhau.

Các thông tin đó trong Đại Việt sử ký toàn thư cho thấy có vẻ chắc chắn không phải người Việt đã thờ cúng núi Tản Viên từ thời cổ đại. Ngược lại các sử liệu này có vẻ chứng tỏ việc thờ cúng Tản Viên mới chỉ được bắt đầu vào khoảng thế kỷ 10 – 11 mà thôi.    

Vậy thì liệu các tích truyện về núi Tản Viên và các vua Hùng phải chăng chỉ là thế - các tích truyện?


Nguồn: http://leminhkhai.wordpress.com/2010/06/23/the-savages-of-mount-tan-vien/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét