Kinh tế học
Phật giáo - Trung đạo trong Thương trường (V)
Ven. P.A. Payutto
Người dịch: Hà Hữu Nga
Làm việc
Kinh tế học Phật giáo truyền thống cũng có những hiểu
biết khác nhau về vai trò của lao động. Lý thuyết kinh tế học phương Tây hiện
đại dựa vào quan điểm cho rằng lao động là một cái gì đó mà chúng ta bắt buộc
phải làm để có được tiền cho các nhu cầu tiêu dùng. Đó là khi chúng ta không
làm việc, hoặc “thời gian nhàn rỗi”, mà chúng ta có thể trải nghiệm hạnh phúc
và sự thoả mãn. Làm việc và thoả mãn được coi là những nguyên tắc tách biệt
nhau và nhìn chung là đối lập với nhau.
Tuy nhiên Phật giáo thừa nhận rằng lao động cũng có thể
thoả mãn hoặc không thoả mãn tuỳ thuộc vào loại khát vọng nào thúc đẩy nó. Khi
lao động bắt nguồn từ khát vọng về một sự an lạc thực sự thì tạo ra sự thoả mãn
trong những kết quả trực tiếp và tức thì của bản thân công việc lao động. Ngược
lại khi lao động được thực hiện bên ngoài khát vọng về các đồ vật-khoái lạc,
thì các kết quả trực tiếp của bản thân lao động lại không quá quan trọng. Với
thái độ này, lao động chỉ đơn giản là một nhu cầu không thể tránh khỏi để đạt
được thứ mà mình mong muốn. Sự khác biệt giữa hai thái độ đó đã xác định có
phải lao động sẽ trực tiếp đóng góp cho niềm an lạc hay không? Trong trường hợp
thứ nhất, lao động là một hành động thoả mãn tiềm năng, còn trong trường hợp thứ
hai thì đó là một việc vặt cần thiết.
Là ví dụ về hai thái độ khác nhau chúng ta hãy tưởng
tượng hai cán bộ nghiên cứu. Cả hai đều tìm kiếm phương tiện tự nhiên để kiểm
soát sâu bọ sử dụng trong nông nghiệp. Nhà nghiên cứu đầu tiên, ông Smith mong
muốn những thành quả trực tiếp của công trình nghiên cứu của ông – tri thức và
việc ứng dụng thực tiễn – và tự hào vì công việc của mình. Những phát hiện và
tiến bộ mà ông thực hiện đã đảm bảo cho ông một sự mãn nguyện.
Người thứ hai, ông Jones chỉ làm việc vì tiền và vì lên
chức. Tri thức và việc áp dụng nó, những kết quả trực tiếp của công việc của
ông không thực sự là cái mà ông mong muốn; chúng chỉ là những phương tiện mà
ông có thể kiếm được tiền và địa vị. Ông Jones không thích công việc của mình,
ông thực hiện công việc của mình vì ông cảm thấy ông phải làm.
Công việc được thực hiện để thoả mãn khát vọng hạnh phúc
có thể đem lại sự thoả mãn cố hữu, vì nó được đánh giá cao vì mục đích của
riêng nó. Thành quả và sự tiến bộ trong công việc dẫn đến ý nghĩa phát triển
của sự mãn nguyện trong mỗi giai đoạn phát triển của công việc. Trong ngữ vựng
Phật giáo, điều đó được gọi là làm việc với chanda.
Ngược lại, làm việc mà không có hứng khởi thì được gọi là làm việc với tanha. Những người làm việc với tanha bị thôi thúc bởi khát vọng tiêu
thụ. Nhưng vì không thể vừa đồng thời làm việc và tiêu thụ nên bản thân công
việc không đem lại hứng khởi và mãn nguyện. Cần phải chỉ ra rằng lao động trong
trường hợp đó không thể đem lại sự mãn nguyện, và như vậy được coi là chướng
ngại đối với tiêu thụ. Khi lao động bị coi là chướng ngại đối với tiêu thụ thì
nó có thể trở nên không thể nào chịu nổi. Trong các nước phát triển nó được
thấy trong phạm vi món nợ thuê mua và phá sản, trong đó các nhà tiêu thụ không
thể khoan dung cho sự chậm trễ giữa làm việc và tiêu thụ các đồ vật mà họ mong
muốn.
Trong các nền kinh tế công nghiệp, nhiều nghề nghiệp
không làm cho người ta thỏa mãn, hoặc làm cho nó trở nên khó khăn bằng chính
bản chất của nó. Công việc làm trong nhà máy có thể tẻ nhạt, dễ dãi, vô nghĩa,
thậm chí nguy hiểm cho sức khỏe. Chúng làm ta buồn chán, thất vọng, suy sụp, và
tất cả đều tác động đến năng xuất. Tuy nhiên ngay khi thực hiện những công việc
đầy tớ, hèn mọn vẫn có sự khác biệt giữa hành động với tanha và hành động với chanda.
Thậm chí ngay cả trong hầu hết các công việc đơn điệu mà người ta gặp khó khăn
trọng việc tìm thấy niềm tự hào trong các cố gắng riêng của mình thì một khát
vọng thực hiện tốt nhiệm vụ vẫn có thể giúp ta xua đi cái cảm giác đơn điệu, và
thậm chí còn góp phần làm tăng thêm ý nghĩa của công việc: ngay cho dù công
việc có thể đơn điệu thì người ta vẫn cảm thấy tối thiểu người ta cũng đang tạo
ra các đức tính tốt hơn và có thể hướng lòng nhiệt tình của mình cho công việc.
Như chúng ta đã thấy, việc thực hiện tanha gắn liền với việc tìm tòi và kiếm được các vật dụng đem lại
khoái cảm cho người sở hữu. Trong khi việc tìm kiếm này có thể liên quan đến
hành động, thì mục tiêu của tanha lại
không trực tiếp gắn liền với cung cách nhân quả đối với hành động đã được thực
hiện. Chúng ta hãy nhìn vào hai công việc khác nhau và xác định các quan hệ
nhân quả có liên quan: (1) Ông Smith quét sạch đường phố và được trả 500
USD/tháng; (2) Nếu cô bé Suzie đọc xong cuốn sách cô vẫn đang đọc thì bố sẽ cho
cô bé đi xem phim. Trước hết, nếu coi việc ông Smith quét đường phố là nguyên
nhân của việc ông nhận được tiền công thì có nghĩa là quét đường là nguyên
nhân, và tiền công là kết quả. Nhưng thực ra thì đó là một kết luận sai lầm.
Đúng ra thì người ta phải nói rằng hành động quét đường phố là nguyên nhân của
một hiện thực là đường phố trở nên sạch sẽ; đường phố sạch là một điều kiện để
ông Smith được nhận tiền công dựa trên sự thỏa thuận giữa người chủ và người
làm công.
Toàn bộ các hành động có kết quả xuất hiện như một kết
quả tự nhiên. Kết quả tự nhiên của việc quét đường phố cũng đưa đến việc trả
tiền công. Đây là luật do con người đặt ra. Tuy nhiên tiền không phải là kết
quả tự nhiên của việc quét đường phố: một số người có thể quét đường phố và
nhận được tiền công từ việc làm đó, trong khi nhiều người khác nhận được tiền
công mà không phải quét đường phố. Tiền là một điều kiện nhân tạo hoặc có tính
toán trước về phương diện xã hội. Nhiều vấn đề xã hội đương đại là kết cục của
sự lẫn lộn giữa các kết quả tự nhiên của các hành động và những qui định do con
người đặt ra được thêm vào. Người ta bắt đầu nghĩ rằng một khoản tiền công thực
sự là kết quả tự nhiên của việc quét đường phố, hoặc sử dụng một ví dụ khác,
một khoản tiền công hậu hĩnh chứ không phải là tri thức về y học, là kết quả tự
nhiên của việc nghiên cứu y học.
Đối với trường hợp cô bé Suzie, có thể việc đọc xong cuốn
sách là nguyên nhân và việc đi xem phim với cha là kết quả. Nhưng trong thực tế
thì việc đọc xong cuốn sách chỉ đơn giản là một điều kiện qui định để cô bé
được đi xem phim. Kết quả thực sự của việc đọc sách lại là thu lượm được kiến
thức. Khi mở rộng các ví dụ này, nếu công việc của ông Smith chỉ duy nhất được
dẫn dắt bởi tanha thì tất cả những gì
ông muốn đạt được là 500 USD mà không phải là sự sạch sẽ của các con phố. Trong
thực tế ông không hề muốn đi quét đường nhưng vì nó là một điều kiện cho việc
ông có thể nhận được một khoản tiền công nên ông đã phải làm. Đối với cô bé
Suzie, nếu mong muốn thực sự của cô bé là đi xem phim (chứ không phải là đọc
sách) thì việc đọc sách sẽ không làm cô bé thỏa mãn; cô bé chỉ đọc vì đó là
điều kiện để được đi xem phim.
Khi người ta làm việc chỉ với tanha thì ước vọng thực sự là tiêu thụ chứ không phải là hành động.
Trong trường hợp trên, các hành động của họ – quét đường phố và đọc sách - được
coi là phương tiện để đạt được các mục tiêu thỏa mãn mong muốn – một khoản tiền
công và một lần đi xem phim. Khi hành động bằng chanda, một mặt ông Smith cảm thấy tự hào (ước muốn) vì sự sạch sẽ
của các con đường và cô bé Suzie thì muốn hiểu biết thêm những điều chứa đựng
trong cuốn sách. Với chanda, ước muốn
của họ là phục vụ cho hành động và các kết quả thực sự của các hành động đó.
Sạch sẽ là kết quả tự nhiên của việc quét tước và tri thức là kết quả tự nhiên của
việc đọc sách. Khi hành động được hoàn thành thì đồng thời kết quả cũng hiện
khởi một cách tự nhiên. Khi ông Smith quét đường phố thì chắc chắn sẽ có một
đường phố sạch, và điều đó được đảm bảo bất cứ khi nào ông quét phố. Khi cô bé
Suzie đọc sách thì chắc chắn tri thức hiện khởi và nó hiện khởi bất cứ khi nào
cô bé đọc sách. Với chanda, làm việc
tự thân nó đã là sự thỏa mãn vì tự thân hành động đã đưa lại một kết quả mong
muốn.
Vì vậy mục tiêu của chanda
là hành động và những kết quả thiện lành sẽ hiện khởi từ hành động đó. Khi các
hành động được thúc đẩy bởi chanda
thì ông Smith sẽ quét đường phố bất chấp cả khoản tiền công và cô bé Suzie sẽ
đọc sách mà không cần cha phải hứa dẫn đi xem phim. (Tất nhiên trong thực tế
thì hầu hết mọi người đều làm việc vì một khoản thù lao nào đó, vì đó là một
nhu cầu thiết yếu, nhưng chúng ta vẫn có sự lựa chọn để được tự hào vì công
việc của mình và cố gắng thực hiện tốt công việc đó theo cách chanda, hoặc phải thực hiện công việc đó
chỉ đơn giản vì khoản thù lao. Vì vậy trong các tình huống của cuộc sống thực,
hầu hết mọi người đều được thúc đẩy bằng việc phân biệt các mức độ tanha và chanda).
Như chúng ta đã thấy, các hành động do chanda thúc đẩy và các hành động do tanha thúc đẩy đưa đến những kết quả
khác nhau cả về phương diện mục đích lẫn đạo lý. Khi được thúc đẩy bởi tanha và chúng ta đơn thuần làm việc để
được sở hữu một vật hoặc một phương tiện tiêu thụ không có liên quan, chúng ta
có thể cố tìm bằng được cái vật thể mong muốn đó thông qua những phương tiện khác
cần ít cố gắng hơn. Nếu chúng ta có thể đạt được mục tiêu mà không phải làm bất
cứ việc gì thì thậm chí còn đáng mong muốn hơn nữa. Tuy nhiên nếu thực sự cần
thiết để đạt được mục tiêu đó thì chúng ta sẽ chỉ hành động như vậy một cách
chiếu lệ và miễn cưỡng.
Kết cục xấu nhất của hành động này là một hành vi tội
lỗi. Nếu ông Smith muốn có được tiền nhưng lại không mong muốn làm việc thì ông
ta có thể thấy công việc làm vì tiền ấy là không thể chịu đựng nổi và sẽ viện
đến hành động ăn cắp. Nếu cô bé Suzie muốn đi xem phim nhưng lại không chịu đọc
sách thì cô bé sẽ ăn cắp tiền của mẹ để tự đi xem. Chỉ dựa vào tanha để có được tiền công nhưng lại
không có chanda để làm việc thì người
ta sẽ chỉ thực hiện công việc đủ để nhận được tiền mà thôi. Kết cục sẽ là sự
thờ ơ, lười nhác và một tay nghề vụng về. Ông Smith đơn giản quét đường chỉ để
chờ đến ngày nhận tiền công, còn cô bé Suzie đọc sách chỉ đơn giản để được cha
cho đi xem phim mà không có mục đích nào khác thì cô bé có thể nói dối là đã
đọc xong cuốn sách mà trong thực tế thì cô chưa đọc xong.
Khi tính cẩu thả và không trung thực như vậy xuất hiện ở
nơi làm việc thì người ta cần phải giám sát công việc. Các phương cách này xác
định triệu chứng mà không phải là nguyên nhân và chỉ có thể làm cho tình huống
phức tạp hơn. Chẳng hạn người ta có thể cần phải đưa người vào thanh tra công
việc của ông Smith và kiểm tra số giờ lao động của ông, hoặc anh của cô bé
Suzie có thể phải kiểm tra xem cô bé có thực sự đọc sách hay không. Điều đó
được áp dụng cả với người chủ cũng như với người làm công: người ta thành lập
tòa án lao động để ngăn chặn tình trạng tham lam hoặc vô trách nhiệm của những
người chủ trong việc bóc lột công nhân của họ và bắt họ phải làm việc trong
những điều kiện phi nhân hoặc bất công trong việc trả lương. Khi tanha trở thành động lực thì công nhân
và người chủ đều bị mắc bẫy trong một trò chơi giữ miếng nhau vì mỗi bên đều cố
để đạt cho được mục tiêu của riêng mình.
Tanha leo thang tới một mức độ đáng kể bằng các ảnh hưởng xã
hội. Chẳng hạn khi chủ của các phương tiện sản xuất bị thúc đẩy mù quáng bởi
một khát vọng làm giàu càng nhiều càng tốt thì công nhân của họ rất ít khả năng
có nhiều chanda. Họ sẽ học theo mẫu
người chủ của họ để cố gắng thu lợi nhiều nhưng bỏ công sức ít chừng nào hay
chừng ấy. Khuynh hướng này có thể thấy rất rõ trong các nhà máy, xí nghiệp, văn
phòng, công ty hiện đại. Tuy nhiên dường như là một xã hội càng thịnh vượng thì
khuynh hướng này càng phát triển – đã có, người ta lại càng muốn có nhiều hơn.
Đây là một kết quả của tình trạng tanha
phát triển quá khả năng kiểm soát mà lại không có phương cách thay thế. Trong
khi đó các giá trị mãn nguyện và sự yên bình nội tâm dường như đã biến mất
trong xã hội hiện đại.
Tuy nhiên trong một số hiếm hoi các trường hợp chúng ta
vẫn thấy người chủ và người làm công làm việc với nhau bằng chanda. Tình trạng này xuất hiện khi
người chủ là người có trách nhiệm, có năng lực và quan tâm đến mọi người, vì
vậy họ cần có niềm tin và tình cảm của những người làm công để họ có thể hài
hòa, chăm chỉ và gắn bó với công việc. Thậm chí còn có những trường hợp người
chủ chăm nom người làm đến mức khi công việc kinh doanh của họ thất bại và có
nguy cơ bị phá sản, những người làm công đã sẵn sàng hy sinh và đem hết sức
mình ra gánh vác công việc cùng với chủ để vực công ty đến lúc thịnh vượng trở
lại. Không những không đòi tiền công làm bù, mà họ còn đề nghị cắt bớt một phần
tiền công để giảm gánh nặng cho chủ.
_________________________________________
Còn nữa...
Nguồn: Buddhist Economics – A Middle Way for the Market place by Ven. P.A.
Payutto. Translated into English by Dhammavijaya and Bruce Evans; Compiled by
Bruce Evans and Jourdan Arenson. http://www.buddhanet.net/cmdsg/payutto.htm.
Ghi chú:
1. Trong tạp chí "Economics '73-'74,"
Nhiều tác giả, 1973, The Dushkin Publishing Group, Inc., Guildford,
Connecticut.
D.
=
Digha Nikaya (3 vols.) (Trường bộ kinh – 3 tập)
A.
=
Anguttara Nikaya (5 vols.) (Tăng nhất A hàm, Tăng nhất bộ kinh 5 tập)
S.
=
Samyutta Nikaya (5 vols.) (Kinh A hàm bộ 5 tập)
Vin. = Vinaya Pitaka (5 vols.) (Luật tạng, 5 tập)
Vism. = Visuddhimagga (Thanh tịnh đạo luận)
Comp. = Compendium of Philosophy (Abhidhammatthasangaha) (A tì đạt ma bát tăng già luận)
Vin. = Vinaya Pitaka (5 vols.) (Luật tạng, 5 tập)
Vism. = Visuddhimagga (Thanh tịnh đạo luận)
Comp. = Compendium of Philosophy (Abhidhammatthasangaha) (A tì đạt ma bát tăng già luận)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét