Powered By Blogger

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Bản sắc Dân tộc và Phát triển*


Bản sắc Dân tộc và Phát triển*

Hà Hữu Nga


I. Bản sắc Dân tộc là gì?

Hiện nay, với những biến động dữ dội từng ngày của Thế giới, đặc biệt là sau sự tan vỡ của phe XHCN (Xã hội Chủ nghĩa), sự rút lui của cuộc Chiến tranh lạnh trên quy mô toàn cầu, vấn đề bản sắc dân tộc bỗng nổi lên rầm rộ. Đó là một thực tế mà người ta không thể làm ngơ được. Vì vậy, việc nghiên cứu vấn đề này trở nên thực sự cần thiết.

Trước hết phải thừa nhận rằng trong ngôn ngữ lịch sử của khu vực văn hóa Nho giáo, bao gồm Đông Á và một phần Đông Nam Á, khái niệm bản sắc mang một ngữ nghĩa như hiện tại, ra đời rất muộn, và chủ yếu là do ảnh hưởng khái niệm bản sắc của Châu Âu, cho dù vấn đề bản sắc là một thực tại phương Đông còn sớm hơn ở Châu Âu nhiều. Hiện tượng đó là rất dễ hiểu, bởi vì người Trung Hoa cổ - trung đại vẫn tự coi mình là Trung tâm của Thế giới, là văn minh, văn hóa. Còn xung quanh là man, di, nhung, địch. Vì vậy chẳng cần phải có khái niệm bản sắc mà làm gì. Nhưng họ đã phải trả những cái giá rất đắt để nhận ra rằng vấn đề bản sắc dân tộc là có thật. Và đặc biệt đối với Việt Nam, ông cha chúng ta đã rất tự hào coi nước mình là một quốc gia văn hiến, gồm những phong tục đẹp đẽ, văn minh và đầy những con người hiền tài.

Cần phải khẳng định lại rằng cơ sở của niềm tự hào, lòng tự tin về một quốc gia văn hiến ấy không phải cái gì khác hơn là bản sắc dân tộc. Trong hầu hết các ngôn ngữ châu Âu, khái niệm bản sắc có nguồn gốc trực tiếp từ các từ Latin thời đế quốc La Mã muộn (thế kỷ III - VI), là identitat, identitats. Và các chữ này lại có nguồn gốc từ chữ Latin cổ xưa hơn, đó là chữ idem, có nghĩa là cũng thế, giống như thế. Trong tiếng Pháp, danh từ bản sắc là identité, và trong tiếng Anh là identity. Các động từ identifier (tiếng Pháp) và to identify (tiếng Anh) đều có nghĩa là đồng nhất hóa. Vì vậy một câu hỏi được đặt ra là: Bản sắc có liên quan gì tới tính đồng nhất không? Chúng ta có thể trả lời: bản sắc đã được tạo nên bởi tính đồng nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ nói bấy nhiêu thôi về bản sắc thì vẫn chưa đủ rõ ràng để người đọc có thể hiểu được, hình dung được một cách cụ thể về bản sắc và bản sắc dân tộc. Bởi vì trong cái thực thể gọi là dân tộc ấy chúng ta có những khái niệm khá cụ thể, rõ ràng như lãnh thổ, biên giới quốc gia, lịch sử, nền văn minh của nó … v.v. Còn khái niệm bản sắc thì là lớp khái niệm trừu tượng nhất đối với cái thực thể đó. Và khi coi bản sắc là đồng nhất, có nghĩa là chúng ta đang đề cập tới vấn đề bản thể - một vấn đề tồn tại, nhưng thuần túy trừu tượng và là nguồn gốc của mọi sự vật, hiện tượng, và người ta chỉ có thể cảm nhận được nó gián tiếp thông qua các biểu hiện của nó. Như vậy là ở đây ta có cặp khái niệm bản sắc như là cái bản thể, còn sắc thái như là cái hiện tượng. Vì là đồng nhất cho nên bản sắc, với tư cách là bản thể, chính là cái thống nhất tuyệt đối, là MỘT. Trong khi đó hiện tượng hay các sắc thái là biểu hiện của bản thể trong vô vàn trạng huống, nên hiện tượng là vô cùng phong phú. Vì là phong phú và đa dạng, có nghĩa là khác nhau, không phải là MỘT, nên chúng ta có thể nhận biết nó trực tiếp bằng giác quan. Và tính đồng nhất tương đối của những khác biệt ấy chính là dựa trên tính đồng nhất tuyệt đối của bản thể.

Thoát ra ngoài cái tăm tối bắt buộc của những khái niệm trừu tượng, chúng ta có thể lý giải như sau: Bản sắc của một cộng đồng người, ở trường hợp chúng ta xem xét, cộng đồng ấy là dân tộc, được tạo bởi sự đồng nhất giữa các cá nhân, các nhóm lại với nhau theo những phương thức nào đó. Nguyên lý của sự đồng nhất ấy chính là tôi (ego) tìm thấy bản thân mình (sự giống hệt) trong các cá thể khác, và tìm thấy tôi trong cả cộng đồng. Có rất nhiều phương cách đồng nhất, nhưng tựu trung, có thể qui vào 2 dạng chính:

1)      Đồng nhất cảm tính với những yêu thương, thông cảm, gần gũi, hòa hợp, tin tưởng, hy vọng … v.v. Loại đồng nhất này thể hiện ở một tình yêu chung nào đó: yêu nước, yêu tự do …v.v; hoặc thể hiện ở niềm tin (tín ngưỡng, đặc biệt là niềm tin tôn giáo). Đồng nhất cảm tính thường được các cộng đồng củng cố bằng những sinh hoạt tập thể như hát múa, đặc biệt là lễ hội và các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng khác.

2)      Đồng nhất lý tính thường là thông qua việc nhận thức rõ ràng, có suy tính liên quan tới lợi ích ví dụ như lợi ích kinh tế, quyền lợi giai cấp, quyền lực chính trị, quyền lực tôn giáo …v.v. Loại đồng nhất này thường được củng cố bằng những hình thức tổ chức chặt chẽ và có hệ thống như hệ tư tưởng, hệ thống giáo lý, các tổ chức chính trị, tôn giáo, hệ thống nhà nước, hệ thống quân đội, tổ chức chiến tranh …vv.

Tuy nhiên hai dạng đồng nhất trên luôn có khuynh hướng xâm nhập, bổ xung, thống nhất và đồng nhất với nhau. Và ở đây, tính khuynh hướng ấy chính là sức mạnh của sự đồng nhất. Và chính những phương cách đồng nhất khác nhau tạo thành những bản sắc cộng đồng dân tộc khác nhau. Trong phạm vi một dân tộc, những phương thức đồng nhất khác nhau, tạo thành những nhóm, những hội đoàn, những giai cấp khác nhau. Trong thực tế, không có cộng đồng nào, dân tộc nào chỉ là kết quả của một phương thức đồng nhất duy nhất. Cho dù đó là một cộng đồng tôn giáo đi nữa. Nhưng cũng cần phải thấy rằng tôn giáo là kết quả trước hết của phương thức đồng nhất cảm tính. Loại đồng nhất này có một cội nguồn sâu xa và đôi khi rất tăm tối cho nên sức mạnh của nó cũng thật sâu xa và không dễ lý giải. Nhưng có thể thấy rằng lòng tin tôn giáo là việc đồng hóa bản thân với cái tuyệt đối. Bằng phương thức ấy người ta “được sống”, được tồn tại, được mạnh mẽ, được vĩnh hằng như cái tuyệt đối. Tóm lại là người ta đã nối dài cuộc sống của mình ra, và “được sống” nhiều hơn, nhiều tới vô tận. Đó chính là cội nguồn sức mạnh của niềm tin tôn giáo.

Vì bản sắc mang tính đồng nhất, và nguyên lý của sự đồng nhất ấy chính là việc đối tượng hóa bản thân để nhận biết đối tượng, tìm thấy mình ở đối tượng. Cho nên nói tới bản sắc của một cộng đồng, một dân tộc cũng chính là nói tới ý thức tập thể về một niềm tin chung được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và các niềm tin ấy được đối tượng hóa, trở thành những biểu tượng mang thông tin về những giá trị, những hệ quy chiếu. Có nghĩa là trở thành vật mang chính niềm tin tập thể ấy.

Chúng ta lấy ví dụ về chiếc áo dài Việt Nam. Trước hết nếu nói về công dụng thực tế, quần áo là một vật che thân để bảo vệ cơ thể và sau đó nó là một biểu tượng thông tin văn hóa để nói rằng tôi tôn trọng tôi và tôn trọng người khác khi tôi mang nó. Vậy là chiếc áo, ít nhất cũng có hai chức năng. Nhưng chức năng nào được người ta nhấn vào trong trường hợp chiếc áo dài? Đó rõ ràng là chức năng thứ hai với tư cách là một biểu tượng, một thông tin văn hóa, thẩm mỹ mang những giá trị chung, những niềm tin chung của cộng đồng. Trước hết, chiếc áo hay bất cứ vật gì khác cũng chứa đựng trong nó tính đồng nhất. Với chiếc áo dài thì tính đồng nhất đó lại rất cao: Nó không đặc biệt thể hiện cá tính của người mặc nó; tất cả những chiếc áo dài đặc trưng, đều mầu trắng, đều được cắt may theo cùng một kiểu mẫu khá đơn giản, đều cùng một chất liệu vải rất mỏng, rất trong và mềm mại. Có lẽ trên thế giới này ít có dân tộc nào mà một loại đồng phục có bấy nhiêu thứ đồng nhất lại không gây cho người ta một cảm giác nhàm chán, đơn điệu. Nhưng chiếc áo dài thì không. Tại sao nó lại có được hiệu quả đó?

Để lý giải câu hỏi trên, người viết cố kê ra đây một số giá trị - dù cách làm này rất dễ sa chân vào suy diễn – mà chiếc áo dài là biểu tượng mang các thông tin giá trị ấy. Tất nhiên đây được coi là những giá trị thẩm mỹ phổ biến – đã trở thành đồng nhất tính đối với người Việt:

1)      Đơn giản nhưng không thô sơ
2)      Dịu dàng (thanh thoát, nền nã, duyên dáng) nhưng không yếu mềm  
3)      Trong sáng nhưng không thơ ngây
4)      Gợi cảm nhưng không lộ liễu
5)      Kín đáo nhưng vẫn cởi mở
6)      Tôn vẻ đẹp nữ tính của cơ thể nhưng chủ yếu là tôn vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam.

Có thể kê ra một số phẩm chất Việt Nam khác thể hiện qua chiếc áo dài. Và những cái gọi là giá trị kê ra ở trên, hầu hết phù hợp và là đặc phẩm Việt. Không thiếu bộ quần áo đơn giản nhưng khi mặc lại thành thô sơ. Có những bộ dịu dàng nhưng lại nhiều nét cầu kỳ. Có những bộ trong sáng, nhưng lại chỉ phù hợp với một lượng phụ nữ nhất định nào đó, thuộc giới nào đó, mà không phổ biến cho cả cộng đồng phụ nữ một dân tộc. Có những bộ gợi cảm, nhưng lại thiên về thân xác, chứ không phải thiên về thẩm mỹ. Có những bộ tự do, phóng khoáng, nhưng lại đến mức khiếm nhã. Có những bộ tôn nữ tính, nhưng lại thiên về nghi lễ, trách nhiệm, gợi cảm giác phục tùng nhiều hơn tự do…v.v. Nhưng chiếc áo dài trắng của phụ nữ Việt Nam, đối với hầu hết phụ nữ Việt Nam đều thích hợp và đều làm họ đẹp hơn lên bằng cái đẹp từ chính những giá trị thẩm mỹ cộng đồng kết tinh ở đó.

Tóm lại trong trường hợp chiếc áo dài, về phương diện bản sắc dân tộc và văn hóa, đã có một năng lượng mạnh mẽ đến mức có khả năng dung hòa được mọi thái quá, mọi phân chia để đạt tới một vẻ đẹp bền vững. Đó là vẻ đẹp của tính liên tục mà về phương diện thẩm mỹ người ta gọi bằng một khái niệm quen thuộc đến sắp nhàm chán, đó là sự hài hòa. Không phải dân tộc nào, và không nhiều dân tộc có được loại năng lượng này. Ở đây có một vấn đề rất cơ bản thể hiện mối liên hệ giữa bản sắc dân tộcsáng tạo văn hóa. Phải khẳng định rằng tính đồng nhất, cái bản thể, cái bất biến bao giờ cũng là loại giá trị tiềm ẩn sâu kín nhất, bởi một điều rất đơn giản là nó bị che lấp bởi tính muôn mầu, muôn vẻ của hiện tượng. Trong khi đó, đối với người quan sát thì trước mắt họ đều chỉ là hiện tượng, là chia cắt và khác biệt. Khi nhận ra sự khác biệt có nghĩa là người ta cũng nhận ra toàn bộ thế giới đều khác với bản thân mình. Và điều đó thật dễ dàng và hiển nhiên. Ngược lại, nhận ra được sự giống nhau, hay là tính đồng nhất giữa các sự vật, hiện tượng được quan sát, kể cả tính đồng nhất với chính bản thân người quan sát phải là một quá trình phân tích, tổng hợp, trừu tượng hóa lâu dài của trí tuệ nhân loại thông qua một số lượng nhất định những con người ưu tú nhất của một số thời kỳ lịch sử nào đó mà thôi.

Vậy là chính bí mật của tính đồng nhất là bí mật của sáng tạo văn hóa. Diễn đạt theo cách khác, ta gọi đó là sự hóa thân – đồng nhất tính giữa tác giả - tác phẩm và bản sắc dân tộc. Bí quyết thành công và những giá trị bền vững trở thành những ngọn nguồn mỹ cảm của các tác phẩm dân gian hoặc đạt tới tầm dân gian (như Truyện Kiều) chính là ở sự đồng nhất ấy. Ngược lại, còn có một quá trình tái đồng nhất bằng cách dân gian hóa những tác giả, tác phẩm, các tên tuổi cụ thể. Thậm chí còn huyền thoại hóa nó lên nữa. Đây là một quá trình mà một cộng đồng tái đồng nhất với một giá trị mới. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể coi là một trường hợp như vậy. Trong thời đại mình, ông là một giá trị tột đỉnh của tri thức Việt Nam. Dân gian hóa ông, siêu phàm hóa trí tuệ ông thành nhà tiên tri cho mọi thời đại chính là cung cách người Việt đối tượng hóa tầm mức trí tuệ của chính cộng đồng để chiêm ngưỡng và trên hết, để làm tiêu chuẩn thẩm định những giá trị và định hướng đi cho cả cộng đồng trong những khúc quanh bất tường của lịch sử. Chính vì vậy Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trở thành Siêu – Chiến – Lược – Gia trong lịch sử chính trị Việt Nam. Ông trở thành người đánh cờ với lịch sử trên cái bàn cờ ngổn ngang chính sự sau Lê Thánh Tông và đã đặt Mạc – Lê – Trịnh – Nguyễn vào đúng vị trí lịch sử của họ. Ở tầm mức ấy, ông là tượng trưng cho trí tuệ của cả cộng đồng, cái mà người ta vẫn gọi một cách lầm lẫn là dân gian – vừa lầm lẫn, vừa có chút kẻ cả - vì đối ngược với dân gian là cung đình, là bác học – phía mà các nhà  trí thức mọi thời đều xếp mình vào.

II. Bản sắc Dân tộc có thay đổi không?

Việt Nam cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới được tạo lập trên cơ sở của nền văn minh nông nghiệp. Vì vậy người Việt đã tạo nên một hệ thống giá trị của một cư dân nông nghiệp trong đó thừa nhận những thế lực, những sức mạnh chi phối con người, đều gắn liền với tự nhiên chứ không chỉ là sức mạnh của bản thân con người. Bên cạnh đó Việt Nam còn phải chịu áp lực tâm lý chống lại sự bành trướng của phương Bắc, nên phải sớm cố kết để tranh đấu bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ không gian sinh tồn của mình. Những yếu tố đó chủ yếu góp phần tạo nên những phương thức đồng nhất hóa của người Việt.

Trước hết nông nghiệp Việt Nam là nền nông nghiệp lúa nước mang tính tự nhiên, phân tán và tự cấp tự túc. Đặc trưng lớn nhất của nó là sự phụ thuộc và gắn bó với tự nhiên. Cũng vì nhỏ lẻ và phân tán mà nó còn có một đặc trưng khác – đó là tính thích ứng cao độ với hoàn cảnh và môi trường. Bên cạnh đó, chủ nghĩa bành trướng về sức mạnh quân sự và văn hóa của phương Bắc đã càng làm cho dân tộc Việt phải gắn bó thành một đại gia đình từ từng số phận cá nhân, từng làng xóm riêng lẻ. Điều này rất tương hợp với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Vì thế, sức mạnh cố kết này lại càng được nhân lên.

Chính cuộc sống phân tán, nhỏ lẻ, thích nghi và phụ thuộc vào tự nhiên đã tạo nên kiểu cư trú theo hình thức làng, tạo nên nền văn hóa làng – nền văn hóa của một mạng lưới cấu trúc lặp lại rất đặc sắc với hình thức sinh hoạt cộng đồng chủ yếu là lễ hội càng thúc đẩy tâm lý gắn kết cộng đồng. Và cũng trên cơ sở cuộc sống ấy, tín ngưỡng nội sinh phổ biến của người Việt, bên cạnh tục thờ cúng tổ tiên, chính là tín ngưỡng vật linh, không phát triển thành một tôn giáo độc tôn  nào. Vì vậy các tôn giáo khu vực và thế giới du nhập vào Việt Nam, trước hết đều phải tìm cách thích ứng với tín ngưỡng bản địa. Thế có nghĩa là chúng phải biến đổi so với nguyên gốc. Khuynh hướng biến đổi của các hệ tư tưởng, các tôn giáo ngoại sinh ở Việt Nam là thực dụng và thực tế, mà không phát triển theo hướng siêu hình, thoát ly thế tục, cho dù các tư tưởng và tôn giáo đó có cao siêu đến đâu. Chính quá trình đồng hóa theo cung cách bản địa hóa này đã làm cho hầu hết các tư tưởng và tôn giáo du nhập vào Việt Nam luôn trở nên mới mẻ, sinh động, tích cực và có khuynh hướng hòa vào bản sắc dân tộc. Và cũng phải khẳng định rằng bản sắc dân tộc, trong trường hợp này đã trở thành bộ lọc hữu hiệu. Đó có phải là một hiện tượng phổ biến đối với mọi cộng đồng dân tộc trên thế giới này không? Rõ ràng là không – Bởi vì điều đó phụ thuộc vào phương thức đồng nhất hóa của từng cộng đồng khác nhau. Hầu hết các dân tộc đều có một phương thức chủ đạo nào đó. Và nó khép kín dân tộc ấy lại. Điều đó đặc biệt thấy rõ ở phương thức đồng nhất hóa bằng hệ tư tưởng, tôn giáo, ý thức chủng tộc, ý thức giai cấp hoặc những yếu tố văn hóa đặc thù nào đó. Tất cả những cái đó không có trong quá trình tạo lập bản sắc văn hóa Việt Nam.

Khi chúng ta nói rằng bản sắc Việt Nam được hình thành trên nền tảng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, văn hóa xóm làng và trong áp lực tâm lý cố kết bảo vệ không gian sinh tồn, thế thì bản sắc ấy có biến đổi không, nếu như Việt Nam xây dựng một nền tảng văn minh mới? Trước hết phải khẳng định rằng bản sắc của một dân tộc chỉ thay đổi khi chính dân tộc ấy không còn là mình nữa. Và điều đó giúp ta trả lời câu hỏi trên. Dù chúng ta có tạo lập một nền văn minh mới, mang danh là văn minh công nghiệp, hậu công nghiệp hay là gì đi nữa thì chúng cũng chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng bản sắc dân tộc. Và trước hết, bản sắc dân tộc sẽ và cần phải tạo nên cho nó một hình hài thích ứng với mình, chứ không phải đánh mất mình vào một tương lai đang tới. Ở đây, bản sắc dân tộc tham gia sáng tạo tương lai, chứ không phải tương lai dân tộc sáng tạo ra bản sắc của nó.

Chính vì vậy, việc hoạch định đời sống hiện tại của dân tộc chỉ theo hình mẫu một tương lai nào đó, cũng tệ hại chẳng kém gì ngoại lai hóa những giá trị dân tộc, vì làm méo mó, khuất lấp bản sắc của nó. Đó là một phương cách cắt đứt truyền thống, làm suy yếu, thậm chí cạn kiệt nguồn lực nội sinh của dân tộc và hậu quả phải gánh chịu, chắc chắn sẽ là một sự thụt lùi. Đây chính là bi kịch của hình mẫu phát triển Xô Viết trong một thời kỳ dài.

III. Bản sắc Dân tộc và Phát triển

Trước hết cần phải định nghĩa khái niệm phát triển trong phạm vi xã hội: Phát triển là một trạng thái vận động định hướng. Vì vậy nó hàm chứa hai đặc tính song hành: đó là tính liên tục và tính gián đoạn. Và đặc tính thứ ba, đó là tính hướng đích của ý thức con người.

Trong thực tế tự nhiên cũng như xã hội loài người, có những vận động thiên về tính liên tục. Ngược lại, có những vận động thiên về tính gián đoạn. Cũng có những vận động kết hợp nhịp nhàng giữa liên tục và gián đoạn. Đối với xã hội Việt Nam, rất cần phải làm rõ các hình thái vận động và liên hệ giữa các yếu tố, các cấu phần của nó. Ví dụ như mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng là một hình thái vận động liên tục mang tính đồng nhất cao. Chính vì vậy vai trò của cá nhân là mờ nhạt so với vai trò của cộng đồng. Đây là một khía cạnh, một sắc thái của bản sắc Việt Nam. Ngược lại, trong cấu trúc xã hội và quyền lực nhà nước truyền thống, lại có những vận động gián đoạn. Ví dụ như mô hình làng trong quan hệ với nhà nước trung ương là một thứ gián đoạn cấu trúc nhà nước và gián đoạn quyền lực. Vì vậy để tạo ra tính liên tục quyền lực, người ta đã dùng những cấu trúc bổ sung. Xưa kia người ta sử dụng ý thức hệ và đạo đức Nho giáo làm thành cấu trúc bổ sung cho sự đứt đoạn cấu trúc trên. Ý thức hệ và đạo đức Nho giáo với sức mạnh của Tam cương, Ngũ thường đã tạo thành lực đồng nhất hóa mới cho xã hội Việt Nam, tạo ra tính liên tục quyền lực mang tính chất đạo đức chứ không phải là hành chính. Ngày nay hệ thống đảng và ý thức hệ marxist đã tạo ra tính liên tục quyền lực chính trị, nhưng tính liên tục quyền lực đạo đức truyền thống vẫn còn vai trò to lớn và nên được khai thác cho những mục tiêu phát triển xã hội.  

Cấu trúc làng xã thực sự đã làm gián đoạn mối liên hệ trực tiếp giữa nhà nước và các công dân của nó. Vì vậy sự hiểu biết giữa nhà nước và từng công dân cũng bị gián đoạn thông qua môi trường trung gian là làng xã với các luật tục, thiết chế, các kiểu quan hệ và các chức sắc trong làng, tạo nên kiểu cấu trúc lưỡng phân quyền lực, góp phần làm gián đoạn vận động và phát triển. Chúng ta có thể nhận thấy rằng liên tục quyền lực đạo đức cũng giống như liên tục quyền lực chính trị, có vai trò quyết định trong ổn định trật tự xã hội. Nó là tiền đề, là điểm xuất phát cho một thứ liên tục khác, quyết định cho phát triển. Đó là liên tục quyền lực kinh tế, là năng suất lao động và lượng sản phẩm được làm ra và tiêu thụ. Ngày nay điều đó gắn liền với việc huy động khả năng sáng tạo của con người, mà trước hết và trên hết là từng cá nhân con người. Giải phóng con người cá nhân khỏi phương thức đồng nhất truyền thống của làng xã để huy động nguồn lực con người, chính là tạo ra một quan hệ liên tục, trực tiếp giữa nhà nước và công dân. Đó chính là xu hướng xây dựng tính liên tục quyền lực nhà nước với môi trường trung gian không còn là cấu trúc gián đoạn nữa, mà là Luật pháp, một thứ quyền lực ít tiền lệ nhất ở nước ta. Phải coi đây là một mục tiêu của chiến lược phát triển.

Tuy nhiên cái gọi là giải phóng cá nhân ấy, thoạt nghe có vẻ rất giản đơn, tưởng chừng có thể thực hiện được chỉ bằng một vài mệnh lệnh, chỉ thị hoặc chính sách. Nhưng thực tế, đây là một vấn đề rất tế nhị và phức tạp. Vì nó là vấn đề con người với vô vàn mối dây đan dệt thành những mạng quan hệ, liên hệ rất sâu xa và bền chặt. Và nó cũng chính là phương thức tồn tại hoặc biểu hiện của bản sắc văn hóa Việt Nam. Vì vậy khi nói tới giải phóng cá nhân, có phải là ta đang đề cập tới một cuộc tấn công vào truyền thống, vào bản sắc dân tộc không? Và nhân danh cái gì, sức mạnh nào để tấn công vào chính mình như vậy? Và như vậy có mâu thuẫn gì với quan niệm giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc không? Có sợ thay đổi bản sắc dân tộc thì dân tộc ấy không còn là mình nữa không? Trong vấn đề này, nếu phải nhân danh thì chỉ có nhân danh sự phát triển mà thôi. Và phải thấy rằng ở đây hàm chứa một vận động biện chứng của sự phát triển. Khi chúng ta mong muốn dân tộc ta phát triển, cũng có nghĩa là chúng ta muốn có những thay đổi. Nhưng chỉ có điều cần phải xác định là thay đổi như thế nào, bằng lực lượng nào và cái đích của thay đổi là gì? Tất cả những câu hỏi đó, trước hết liên quan tới những vấn đề thuộc về phương thức phát triển.

Không cần phải quá hiền triết mới có thể nhận ra rằng phát triển là đồng nhất với liên tục, chứ không phải là gián đoạn. Những tham vọng lý giải những bước nhảy vọt trong phát triển xã hội, quyết định phát triển xã hội còn chứa đầy những ảo tưởng giam hãm bởi một tư duy cơ giới luận. Có một thực tế là khi nhìn lịch sử tiến hóa nhân loại thông qua những cái khung gọi là phương thức sản xuất, và tuyệt đối hóa những cái khung đó, người ta dường như chắc chắn thấy rằng tiến hóa là nhảy vọt, có nghĩa là gián đoạn. Điều đó được lý giải bằng những ví dụ chẳng hạn như; người Greek – Roman sáng tạo ra phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ, nhưng cái xã hội đó lại không liên tục phát triển thành phương thức sản xuất phong kiến. Mà phương thức này lại do người German tạo ra. Nhưng bản thân người German cũng không liên tục phát triển lên phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, mà là người Anglo-Xason. Và đến lượt mình người Anglo-Xason không phát triển lên thành phương thức xã hội chủ nghĩa, mà lại là người Slav,…v.v.

Lý giải trên không hàm chứa một tư duy biện chứng, bởi vì nó đã mắc lỗi trong tư duy. Ở đây người ta đã đem đồng nhất phát triển (có nghĩa là tính liên tục) với các cấu trúc cụ thể của từng quốc gia-dân tộc, từng phương thức sản xuất – có nghĩa là tính gián đoạn. Với lối tư duy cơ giới thì logic hình thức quả là có sức mạnh ghê gớm và nhiều khi dẫn dắt người ta tới những sai lầm tệ hại. Hoặc chí ít thì cũng là việc mất công sức để tìm thấy những cái không nên tìm làm gì. Trong trường hợp trên, nếu chúng ta chỉ cần suy nghĩ sâu thêm một chút, hoặc gác sang bên những cái khung được tuyệt đối hóa bằng những phương thức đồng nhất tai hại – và đôi khi nguy hiểm nữa) chúng ta sẽ thấy một chân trời khác hẳn và bao la của bản thể, mà trong mỗi cái gọi là một phương thức kia còn hàm chứa trong nó những cái không phải là nó và thậm chí còn phủ định cả nó. Sẽ chẳng còn gián đoạn, chẳng còn bước nhảy vọt nào nếu chúng ta biết rằng người Roman đã kế thừa di sản và tri thức của người Greek. Người German đã kế thừa di sản và tri thức của người Roman và Greek. Đến lượt mình người Anglo-Xason lại kế thừa di sản và tri thức của cả người Greek, Roman lẫn German. Đối với người Slav, mà cụ thể là cuộc cách mạng tháng mười Nga thì điều đó cũng chẳng kém.

Tính liên tục, không thể chối cãi của phát triển như vậy khiến ta có thể bịa ra ở đây một câu châm ngôn như sau: Sẽ chẳng làm nên cái gì nếu trước đó đã không gần như có đủ mọi thứ. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp kế thừa tri thức và những trí tuệ đã được sáng tạo. Vì vậy ý định xây dựng lý thuyết nhảy vọt trong phát triển xã hội, đặc biệt là xã hội hiện đại, nếu không có một cái nhìn rộng rãi và sâu sắc, đôi khi lại giống việc cố nhảy qua một con sông mà lờ đi những nhịp cầu đã có.

Ngày nay trong giới khoa học ở các nước Thế giới Thứ ba, người ta rất say mê với một cụm từ khá đại ngôn là “Giải pháp truyền thống cho phát triển”. Không chỉ đại ngôn, nó còn khá mơ hồ nữa. Tuy nhiên, như bất cứ cái gì được nói ra, cụm từ này cũng chứa những phần trăm sự thật cần được chỉ rõ. Nó chỉ đại ngôn bởi người nói nó chẳng chỉ ra được cái giải pháp ấy là gì. Để cho có vẻ là biện chứng, chúng ta có thể đặt một câu hỏi ngược lại thế này: “Thế từ trước tới nay người ta chỉ dùng những giải pháp phi truyền thống cho phát triển thôi à? Mà bây giờ anh phải viện tới giải pháp truyền thống?” Trong những kinh nghiệm thừa dư vị đắng cay của các nước đang phát triển, truyền thống thường bị bỏ quên, hiểu sai hoặc làm cho méo mó rất nhiều. Nói một cách vắn tắt đó là sự cắt đứt hoặc đứt đoạn truyền thống. Và thực chất, đó không phải là phát triển, hoặc đó là sự phát triển phải trả giá đắt ngang với thụt lùi và hậu quả thì thật tệ hại, vì đơn giản là không có tính liên tục trong cái gọi là phát triển ấy. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng tính liên tục phải được hiểu cả trong không gian, trong thời gian, trong cấu trúc xã hội cũng như các yếu tố truyền thống. Trong trường hợp này, không gian, thời gian không phải là môi trường, là cái khung chứa các sự kiện, mà chúng chính là những yếu tố cấu thành sự kiện. Chính vì vậy mà các sự kiện mới không đồng nhất, mới đa dạng. Điều đó nói lên rằng tính liên tục cũng chính là tính đa dạng.

Tóm lại, giải pháp truyền thống cho phát triển xã hội Việt Nam còn đồng nghĩa với việc duy trì các phương thức đồng nhất truyền thống, còn là tính liên tục truyền thống. Tuy nhiên bên cạnh đó buộc phải có những phương thức đồng nhất mới mà vẫn không xa rời bản sắc dân tộc. Và chỉ có như vậy thì mới có cái gọi là phát triển.

IV. Bản sắc Dân tộc – Tính khu vực – Tính nhân loại – Tính hiện đại và Phát triển

1. Tính khu vực: Như bất kỳ một cặp khái niệm mang tính đối lập nào, cặp khái niệm nội sinh – ngoại sinh cũng cần phải được hiểu và lý giải một cách biện chứng, đặc biệt trong khi áp dụng vào những trường hợp cụ thể, bởi vì đôi khi nó đã được hiểu một cách thuần túy hình thức. Chúng ta lấy ví dụ trường hợp Nho giáo. Khi đề cập tới Nho giáo ở Việt Nam, ai cũng có thể dễ dàng nói được, và nói một cách hiển nhiên rằng đó là một hệ tư tưởng, một cấu phần văn hóa ngoại sinh và người ta dễ dàng phân biệt rạch ròi, và nếu cần thì tuyệt đối đối lập nó với những gì gọi là nội sinh. Nhưng nếu đi sâu vào các nội dung, thực chất của Nho giáo, chứ không phải cái tên gọi Nho giáo, ta sẽ không còn thấy cái khung nội sinh hay ngoại sinh còn nhiều ý nghĩa nữa, mà thấy rằng các thành tố, các chuẩn mực tham gia cấu thành Nho giáo không chỉ có ở Trung Quốc, mà còn có ở Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực nữa. Cái đó người ta vẫn gọi một cách uyên bác là các mẫu số chung hay các hằng số, …v.v. Và đó chính là cái chung có tính khu vực, mà với nó, các đường biên giới phân chia quốc gia xuất hiện thật muộn mằn và không phải lúc nào cũng có thể chia cắt. Tính khu vực được tạo bởi một hoặc những phương thức đồng nhất hóa. Ta sẽ thấy ngay đặc trưng này nếu làm một ví dụ hoặc đưa ra một giả thiết: Có thể thiết lập một triều đại Nho giáo cho người Pháp ở Paris được không?    

Vì vậy khi đề cập tới cái gọi là Nội sinh – Ngoại sinh, nếu phân biệt nó một cách rạch ròi thì sẽ dễ dàng dẫn tới những hiểu biết sai lầm. Phân tích trên đã để lộ một điều là đường biên phân định cái gọi là bản sắc dân tộc không phải bao giờ cũng rạch ròi nếu ta đặt nó trong mối quan hệ với tính khu vực. Như vậy rõ ràng là về mặt không gian (trong đó có yếu tố thời gian và truyền thống nữa) việc vươn tới phương thức đồng nhất hóa phổ biến của khu vực cũng là một quá trình mang tính liên tục và chính vì vậy mà đối với dân tộc, đó là phát triển.

2. Tính nhân loại: Nhưng không phải xu thế khu vực hóa hoặc sự phát triển nào cũng mang ý nghĩa tích cực. Sự phát triển của chủ nghĩa Fascism ở Châu Âu sau Thế chiến I để dẫn tới thảm họa cho nhân loại ở Thế chiến II là một ví dụ. Ví dụ này cho ta thấy một điều rất rõ ràng là xu hướng khu vực hóa nào xâm hại tới lợi ích của các cộng đồng xung quanh và lợi ích của nhân loại, đi ngược lại lợi ích của các cộng đồng khác thì xu hướng đó bị nhân loại chống lại. Vì vậy có thể định nghĩa một cách ngắn gọn tính nhân loại chính là những giá trị phổ biến được cả nhân loại chấp nhận. Như thế rõ ràng là phương thức đồng nhất hóa phổ biến tạo nên tính khu vực chưa đủ để một dân tộc đạt tới những giá trị cao nhất, đạt tới sự phát triển, mà phải là quá trình liên tục để vươn tới những giá trị phổ biến của nhân loại.

3. Tính hiện đại: Xã hội hiện đại là một trạng thái phát triển của nhân loại mà thực tế khái niệm hậu công nghiệp không chuyên chở hết các nội dung của nó. Vì nếu gọi nó là xã hội hậu công nghiệp có nghĩa là người ta vẫn lấy hệ quy chiếu công nghiệp để định giá nó. Xã hội hiện đại còn được gọi là thời đại thông tin. Tiêu chuẩn này cũng là một sự thiên lệch khác. Bởi vì thông tin, dù hiểu theo nghĩa rộng nhất cũng không phải là khái niệm có thể bao chứa được hết tính chất của thời đại hiện nay, cho dù xã hội hiện đại đã được tạo hình bởi thông tin. Khái niệm làn sóng thứ Ba còn mơ hồ hơn nữa, dù Toffler đã cố gắng xác định những tiêu chuẩn cho từng làn sóng và chính vì vậy mà phương pháp luận của ông không khỏi có đôi chỗ còn tỏ ra khá cơ giới luận, dù rằng bộ óc của ông là cực kỳ sáng suốt… [Tóm lại] một khái niệm thích hợp để định danh cho thời đại và tính hiện đại ngày nay đó chính là XÃ HỘI LIÊN TỤC. Đặc trưng của cấu trúc xã hội liên tục là MẠNG mà thông tin là một thực chất của cấu trúc MẠNG đó. 
__________________________________


* Ghi chú của người viết: Tôi tìm thấy lại bài viết này trong đống sách vở nhàu nát được buộc chặt và vứt lăn lóc trong một góc gác xép đã hơn chục năm nay. Tôi chỉ chợt nhớ ra là đã từng viết một vài cái gì đó về bản sắc khi dịch và post bài Bản sắc và Identity của Le Minh Khai (Liam C. Kelly). Một vài tập viết tay đã úa vàng về bản sắc Việt, tính cách Việt, v.v…đã được moi ra. Riêng tập này tôi ghi trên đỉnh trang đầu tiên như sau: Viết xong 13/12/1996, trước khi đi công tác Khảo cổ học ở Hà Giang. (Viết theo đề nghị của GS. Nguyễn Hồng Phong cho báo Nhân dân số Tết 1997). Tuy nhiên tôi đã không gửi bài viết cho tờ báo, mà buộc túm nó lại cho đến hôm nay. Nó được post đúng như nguyên bản, đến từng dấu phảy, chỉ trừ hai chữ: [Tóm lại] ở dòng thứ ba từ đáy trang cuối cùng. Bài viết không có một tài liệu dẫn nào, có thể vì lúc viết tôi nghĩ việc dẫn tài liệu rườm rà theo kiểu nghiên cứu không thích hợp với báo Nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét