Powered By Blogger

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Khrushchev và việc để lộ tệ sùng kính cá nhân Trần Hưng Đạo*


Khrushchev và việc để lộ tệ sùng kính cá nhân Trần Hưng Đạo*

Le Minh Khai

Người dịch: Hà Hữu Nga


Lời người dịch: Trên trang mạng leminhkhai.wordpress.com có một số bài viết ngắn đề cập đến các vấn đề quan trọng về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Chúng tôi cố gắng dịch và chuyển tải đến những ai liên quan - quan tâm, và mong rằng các vị sẽ có các trao đổi giúp làm rõ vấn đề mà tác giả Le Minh Khai đặt ra nhằm thúc đẩy học thuật phát triển.


Tháng 6 năm 1956, Minh Tranh đã công bố một bài viết trên tạp chí Văn Sử Địa với một tít đề dài và rắc rối: Chống sùng bái cá nhân, nhưng cần nhận rõ vai trò cá nhân trong lịch sử. Rõ ràng bài này đã được viết ra nhằm phản ứng lại các sự kiện đã xảy ra năm trước tại Liên Xô.

Tháng Hai năm đó Nikita Khrushchev đã đọc một bản báo cáo tại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô được tổ chức ở Moscow, có tiêu đề: Về tệ sùng bái cá nhân và các hậu quả của nó. Bản báo cáo này đã làm dấy lên sự chỉ trích nhiều vấn đề liên quan đến sự lãnh đạo của Joseph Stalin và tệ sùng bái cá nhân ông.  

Sự chỉ trích ấy được tiếp tục trong tháng Ba với bài viết đăng trên tờ Pravda (Sự thật) có tiêu đề Tại sao tệ sùng bái cá nhân lại xa lạ với tinh thần của Chủ nghĩa Marxism-Leninism mà một số đoạn đã được Minh Tranh dẫn trong bài viết của ông.

Việc đề cao cá nhân các anh hùng là một yếu tố then chốt trong chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Với báo cáo vạch mặt tệ sùng bái cá nhân của Khrushchev, trong bài viết của mình, Minh Tranh đã tỏ ra là cố tìm cách cứu vãn những “tệ sùng bái cá nhân” thiết yếu đối với chủ nghĩa dân tộc Việt Nam.

Minh Tranh mở đầu bài viết bằng đoạn ghi chú sau: “Xã hội loài người đã tồn tại và phát triển dựa trên cơ sở các cuộc đấu tranh không ngừng; đấu tranh với thiên nhiên và các cuộc đấu tranh xã hội”. Sau đó ông vạch rõ không phải là các cá nhân dấn bước vào các cuộc đấu tranh đó, mà là các nhóm người, đặc biệt là công nhân và những người lao động sản xuất.

Chính vì vậy mà, Minh Tranh tiếp tục, Marx đã tuyên bố rằng “Lịch sử xã hội loài người trước hết là lịch sử những người sản xuất. Thực ra thì điều mà Marx và Engels viết trong Tuyên ngôn Cộng sản vào năm 1848 là “Cho đến nay, lịch sử của toàn bộ xã hội hiện tồn là lịch sử của các cuộc đấu tranh giai cấp”.

Sau đó Minh Tranh tự hỏi phải chăng điều đó có nghĩa là cá nhân không có vai trò gì trong lịch sử. “Không”, ông trả lời. Các cá nhân có vai trò trong các tiến trình lịch sử, tuy nhiên họ không đóng vai trò quyết định. Vai trò đó là do giai cấp công nhân thực hiện.

Rồi ông tuyên bố rằng ở bất cứ nơi đâu người Việt Nam cũng đều tự hào vì lịch sử của mình, tự hào vì các anh hùng đại diện cho dân tộc mình, chẳng hạn như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Quốc Tuấn (tức Trần Hưng Đạo), Lê Lợi, Nguyễn Huệ, và hiện nay là Hồ Chí Minh.

Tiếp theo, Minh Tranh vạch rõ niềm tự hào về một dân tộc khiến cho người ta tôn kính các anh hùng, vì đó là cách thức bày tỏ niềm tự hào đối với dân tộc. Ông cho rằng điều đó hoàn toàn khác với tệ sùng bái cá nhân các anh hùng mà Minh Tranh gọi là một hình thức mê tín, vì các cá nhân được coi như là thần thánh quyết định tất cả, trong khi đó nhân dân thì bị xem thường.

Sau đó Minh Tranh tiếp tục xem xét trường hợp Trần Hưng Đạo. Ông cho rằng Trần Hưng Đạo là một anh hùng vì ông luôn luôn sát cánh cùng nhân dân chiến thắng. Ông không phải là một vị thánh có các quyền năng siêu nhiên.

Còn có rất nhiều vấn đề khác liên quan đến bài viết này, nhưng tôi sẽ dừng lại ở đây. Tôi cũng đưa lên đây một bài viết về một người đã viếng thăm đền thờ Trần Hưng Đạo tại Kiếp Bạc vào năm 1942 để tỏ lòng tôn kính đối với người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo để rồi  được biết ngôi đền đầy những người đến thờ Trần Hưng Đạo như một vị thánh. Tác giả bài viết chỉ trích các hành động “mê tín” ấy, nhưng không đòi hỏi họ loại bỏ.

Bài viết này tiếp tục phân định ranh giới giữa những gì có thể chấp nhận về Trần Hưng Đạo. Khi đề cập đến sự vạch mặt tệ sùng bái cá nhân Stalin của Krushchev, Minh Tranh đã cố lờ đi một tệ sùng bái như vậy đối với Trần Hưng Đạo với tư cách là một cá nhân hoặc một vị thánh siêu nhiên. Đối với Minh Tranh thì Trần Hưng Đạo chỉ có thể được vinh danh như một đại diện của toàn dân tộc.

Trong cuốn sách viết về Trần Hưng Đạo, Phạm Quỳnh Phương cho rằng Trần Hưng Đạo luôn luôn được sùng kính như một anh hùng dân tộc. Nếu đọc những gì viết về ông trong các bộ sử từ Đại Việt sử ký toàn thư trở đi thì rõ ràng là không hề có điều đó. Chỉ đến thế kỷ XX thì Trần Hưng Đạo mới bắt đầu được coi là một anh hùng “dân tộc”, vì chỉ trong thế kỷ XX người Việt Nam mới bắt đầu nghĩ về bản thân mình như một dân tộc, và tìm kiếm nhu cầu để có các “anh hùng dân tộc”.  

Bài viết của Minh Tranh là một phần của quá trình sáng tạo này. Nó được viết trong một bối cảnh khá độc đáo – bởi một người Marxist, ngay sau khi Krushchev tố cáo tệ sùng bái cá nhân Stalin – nhưng nó lại cố tách người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo ra khỏi trường hợp sùng kính ông như một vị thánh theo quan điểm đó.

Những người dân tộc chủ nghĩa Việt Nam cần các anh hùng dân tộc. Việc sáng tạo ra các anh hùng đó là một thách thức với tư cách là các tín điều tôn giáo của những người Việt bình dân và trường hợp đó cũng là sự thách thức tính chính thống của Chủ nghĩa Marxism quốc tế.


Nguồn: leminhkhai.wordpress.com/17Apr. 2011

*Ghi chú của người dịch: Đọc những gì Le Minh Khai viết là một niềm vui khám phá, không phải khám phá những gì Le Minh Khai viết, mà là khám phá ra một bộ mặt của người viết; điều đó đối với tôi thú vị hơn rất nhiều những thứ nhàm chán được viết ra.


1 nhận xét:

  1. (Đọc xong, thích nhất cái ghi chú của người dịch.)

    Thưa bác,

    Về Trần Hưng Đạo, cháu có chút suy nghĩ (không "ăn nhập" gì vô cái đề tài của Le Minh Khai).
    Chục năm trước, cháu có dịp gặp một Anh/Chú từ Bắc vào Nam du lịch. Anh ấy là một "cán bộ Đảng" lần đầu vào Nam, hỏi thăm nhiều về miền Nam, trong đó có vài câu về VNCH.
    Hỏi nhiều, rồi Anh ấy hỏi tiếp câu cuối "Em có biết tại sao Trần Hưng Đạo được dân mình tôn thờ như thần thánh không ?"
    Với tầm nhìn và kiến thức hạn hẹp, cháu chỉ có thể nói "Có lẽ tại ngài là Anh hùng dân tộc, đánh giặc giỏi".
    Anh ấy bảo không hẳn vậy, đó là vì "chính sách" hậu chiến. Ngài đã cho đốt sạch "tàng thư" để không ai bị "truy tố" cho những gì phải làm thời giặc chiếm đóng. Cả dân tộc biết ơn, cả phe chiến thắng lẫn kẻ thua cuộc! Chỉ những cá nhân, làng xã nào cộng tác quá mức, hay quá ác độc thì mới đem xử mà thôi!

    ... ngẫm nghĩ mà buồn ! Nói theo nhà Phật, "dân tộc đang phải qua kiếp nạn quá lớn" !

    Mong chờ những bài viết, bài dịch của bác.
    Kính,
    Nguyễn Quang Toản.

    Trả lờiXóa