Kinh tế học
Phật giáo - Trung đạo trong Thương trường (VI)
Ven. P.A. Payutto
Người dịch: Hà Hữu Nga
Sản xuất và Phi sản xuất
Từ “sản xuất”
là một lầm lẫn. Chúng ta thường nghĩ rằng thông qua sản xuất, các đồ vật mới được
sáng tạo ra, khi trong thực tế đó chỉ là sự thay đổi trạng thái tác động. Một
chất hoặc một dạng năng lượng được biến đổi thành một dạng khác. Sự biến đổi đó
dẫn đến việc tạo ra một trạng thái mới bằng việc phá vỡ một trạng thái cũ. Vì vậy
sản xuất luôn luôn gắn liền với huỷ hoại. Trong một số trường hợp sự huỷ hoại
có thể được chấp nhận, nhưng trong những trường hợp khác thì không thể. Hành
động sản xuất chỉ thực sự được biện hộ khi giá trị của đồ vật sản xuất ra làm
tăng thêm giá trị của cái mà nó phá huỷ đi. Trong một số trường hợp tốt hơn hết
là phải kiềm chế hành động sản xuất. Đây là một sự thật không có gì thay đổi đối
với các nền công nghiệp mà các sản phẩm của nó có mục đích phá huỷ. Trong các
nhà máy sản xuất vũ khí chẳng hạn, không nên sản xuất là cách lựa chọn tốt nhất.
Trong các ngành công nghiệp sản xuất gây ra tình trạng huỷ hoại các nguồn tự
nhiên và làm xuống cấp môi trường thì không sản xuất là cách lựa chọn tốt nhất.
Để lựa chọn, chúng ta cần phân biệt giữa sản xuất với các kết quả tích cực và sản
xuất với các kết quả tiêu cực; sản xuất nhằm làm tăng tiến sự an lạc và sản xuất
phá hoại sự an lạc.
Dưới ánh sáng
đó, không sản xuất có thể là một hành động kinh tế hữu ích. Một người sản xuất
rất ít các sản phẩm vật chất đồng thời cũng có thể là người tiêu thụ rất ít các
nguồn của cải của thế giới và hướng tới một đời sống lợi lạc cho thế giới xung
quanh mình. Một con người như vậy, rõ ràng là giá trị hơn nhiều so với một người
cần mẫn tiêu thụ hàng đống của cải vật chất của thế giới trong khi việc sản xuất
các loại hàng hóa thực sự là có hại cho xã hội. Nhưng kinh tế học hiện đại chưa
bao giờ làm rõ được vấn đề này; ngược lại, nó tán dương những người sản xuất và
những người tiêu thụ (đó chính là phá hoại) những khối lượng vật chất khổng lồ,
chứ không ca ngợi những người sản xuất và tiêu thụ (phá hoại) ít.
Trong kinh tế
học của kỷ nguyên công nghiệp, thuật ngữ sản xuất có một nghĩa rất hẹp. Nó chỉ được
liên hệ với những vật có thể mua và bán – một cuộc đấu bò, mà ở đó mọi người bỏ
tiền ra để xem những con bò bị giết chết thì được coi là đóng góp cho nền kinh
tế, trong khi một đứa trẻ giúp đỡ một người già qua phố thì lại không được coi
là đóng góp cho nền kinh tế; một danh hài kể những chuyện cười trên sân khấu làm
cho khán giả vui thích và đem đến cho họ những giờ phút nghỉ ngơi thoải mái thì
được coi là có tính sản xuất về phương diện kinh tế vì tiền sang tay người khác,
trong khi một nhân viên văn phòng tính tình vui vẻ thì lại không được coi là sản
xuất ra bất cứ cái gì bởi vì tính tình vui vẻ của anh ta lại hướng tới những người
xung quanh anh ta. Cũng không hề có bất cứ bảng quyết toán nào về các chi phí
kinh tế đối với các hành động gây gổ và những diễn ngôn luôn luôn tạo ra tình
trạng căng thẳng ở nơi làm việc đến nỗi mà người ta phải tìm cách làm tiêu tan
căng thẳng bằng những trò giải trí, chẳng hạn như đi xem hài kịch.
Cạnh tranh và Hợp tác
Kinh tế học
hiện đại dựa trên giả định rằng bản chất của con người là cạnh tranh. Mặt khác,
Phật giáo thừa nhận rằng con người có khả năng vừa cạnh tranh, vừa hợp tác. Cạnh
tranh là tự nhiên khi người ta cố để thỏa mãn khát vọng khoái lạc – là khi bị
thúc đẩy bởi tanha – con người sẽ cạnh
tranh một cách quyết liệt. Trong tình trạng ấy, người ta mong muốn có được càng
nhiều càng tốt, và không bao giờ cảm thấy đầy đủ và mãn nguyện. Nếu họ có thể
giành được vật mình mong muốn mà không phải chia sẻ nó cho bất cứ ai khác thì lại
càng tốt. Rõ ràng cạnh tranh là quá khắc nghiệt; tình trạng đó là rất tự nhiên đối
với ai bị tanha dẫn dắt.
Chính bản năng
cạnh tranh ấy làm suy giảm khả năng hợp tác. Một người có thể tập hợp các thành
viên của một nhóm riêng bằng cách kích động họ cạnh tranh với nhóm khác. Chẳng
hạn các nhà quản trị công ty thường vẫn kích động những người làm trong công ty
họ hợp tác để chạy đua với các đối thủ cạnh tranh của họ. Nhưng sự hợp tác ấy lại
hoàn toàn dựa trên cơ sở cạnh tranh. Phật giáo gọi lối hợp tác đó là “hợp tác
giả”.
Hợp tác chân
thực chỉ xuất hiện với mong muốn đem lại sự thịnh vượng bằng chanda. Sự phát triển của con người đòi
hỏi rằng chúng ta cần phải tìm hiểu xem tanha
và chanda tác động đến chúng ta như
thế nào và chúng ta thay đổi năng lượng từ cạnh tranh sang các nỗ lực hợp tác để
giải quyết những vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt nhằm thực hiện được một mục
đích cao cả hơn.
Chọn lựa
“Kinh tế học
không phân biệt nhu cầu nào là một nhu cầu đích thực, một ước muốn kỳ cục, hay
một dục vọng quái đản. Cũng không có vấn đề là kinh tế học phải phán quyết xem những nhu cầu như vậy có
nên được đáp ứng không,” [1] các sách giáo trình kinh tế đều viết như vậy. Nhưng
từ tri kiến Phật giáo thì các lựa chọn của chúng ta đều tối quan trọng, và những
lựa chọn đó đòi hỏi phải được thẩm định phẩm chất. Lựa chọn là một chức năng định
hướng, là trung tâm của Nghiệp (hành động), một trong những giáo huấn quan trọng
của Kinh Phật. Nghiệp không chỉ tác động đến kinh tế học mà còn tác động đến mọi
lĩnh vực của đời sống chúng ta cũng như các môi trường tự nhiên và xã hội của
chúng ta. Các lựa chọn hoặc các quyết định kinh tế thiếu suy tư về đạo lý chính
là những ác nghiệp – chúng đưa lại những kết cục không mong muốn. Các quyết định
kinh tế đúng đắn là những quyết định dựa trên một nhận thức về các chi phí cho
các lĩnh vực môi trường, xã hội và cá nhân, chứ không phải chỉ là trong khuôn
khổ của sản xuất và tiêu thụ. Các quyết định kinh tế ấy đều là Nghiệp. Mỗi khi
có một quyết định kinh tế thì lại xuất hiện một nghiệp, và quá trình xuất hiện
nghiệp lập tức xuất hiện trong vận động, dù tốt hay xấu, dù là cá nhân hay xã hội
và môi trường. Vì vậy điều quan trọng là phải nhận ra sự khác biệt về chất giữa
những quá trình hành động khác nhau để sao cho có được những lựa chọn khôn
ngoan hơn.
Nhãn kiến về cuộc sống
Giờ đây tôi
muốn lùi trở lại một bước để nhìn vào kinh tế học từ một góc nhìn nào đó rộng rãi
hơn. Chúng ta đã thảo luận về các họat động kinh tế khác nhau. Giờ đây chúng ta
có thể hỏi: Mục đích của các họat động ấy là gì? Mục đích cố gắng của chúng ta trong
chuyện mua và bán, sản xuất và tiêu thụ là gì? Hoặc chúng ta có thể hỏi hoặc thậm
chí đề xuất một vấn đề rộng lớn hơn: Mục đích thực sự của cuộc sống là gì?
Mỗi người đều
có một quan điểm riêng về các vấn đề này, mặc dù hầu hết chúng ta đều không biết
gì về chúng cả. Kinh Phật nhấn mạnh rằng các nhãn kiến ấy có một ảnh hướng to lớn
đến cuộc đời của chúng ta. Nhãn kiến trong ngôn ngữ Pali là ditthi. Thuật ngữ này bao gồm tất cả các
loại nhãn kiến ở những cấp độ khác nhau - đó là các quan điểm và niềm tin cá nhân
mỗi chúng ta; các hệ tư tưởng, các quan điểm tôn giáo và chính trị được người
ta tán thành theo nhóm; và các thái độ, các thế giới quan do tổng thể các nền văn
hóa và các xã hội chủ trương.
Các nhãn kiến
khác nhau dẫn tới sự phân rẽ vượt xa khỏi lãnh địa của các trạng thái tinh thần
và các diễn ngôn trí thức. Giống hệt như đạo đức học, các nhãn kiến được kết nối
với dòng nhân duyên. Chúng là những sản phẩm tinh thần “chủ quan” qui định các
sự kiện thành thực tại “khách quan”. Ở cấp độ cá nhân, thế giới quan của một người
tác động tới các sự kiện của đời sống. Ở cấp độ một quốc gia, các nhãn kiến chính
trị và các tập quán xã hội qui định xã hội và phẩm chất của cuộc sống hàng ngày.
Đức Phật đã
khuyên rằng các nhãn kiến là hiểm họa tiềm tàng của toàn bộ các nhân duyên tinh
thần. Các tà kiến có thể gây ra những hủy hoại không thể tưởng tượng nổi. Tội ác
của các cuộc Thập tự chinh, của chủ nghĩa Quốc xã, và của chủ nghĩa cộng sản (quan điểm riêng của tác giả Payutto!- Người
dịch lưu ý) chỉ có thể gọi tên bằng ba trào lưu cuồng tín thảm họa được thổi
bùng lên bằng những tà kiến. Ngược lại, các chính kiến lại lợi lạc cho các năng
duyên (Alambana). Vì thế Đức Phật đã
dạy rằng: “Hỡi chư tăng, ta chưa hề thấy nhân duyên (điều kiện - Aramala) nào lại thực sự là nguyên nhân của
các nhân duyên tà vạy còn chưa khởi lên, và ta cũng chưa hề thấy sự phát xuất nào
của các nhân duyên tà vạy đã khởi lên, như tà kiến…” [A.I.30].
Điều đó không
đề cập ngay vào vấn đề: đằng sau kinh tế học hiện đại là nhãn kiến nào? Đó có
phải là một nhãn kiến chính trực hay tà vạy? Trong tình trạng khủng hoảng của sự
đơn giản hóa thái quá, chúng ta hãy nói rằng mục đích của cuộc sống hiện đại là
tìm cho được phúc lạc. Trong các xã hội hiện đại, nhãn kiến này lan rộng đến mức
ít có ai xem xét thấu đáo và đặt vấn đề về nó. Chính khái niệm “tiến bộ” – về xã
hội, kinh tế, khoa học, và chính trị - đã giả định rằng mục đích tối thượng của
xã hội là vươn tới một trạng thái mà trong đó mọi người đều được hưởng phúc lạc.
Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ đã hàm chứa đầy chất thơ cái tư tưởng đó bằng cách
khẳng định quyền con người đối với “cuộc sống, tự do và sự theo đuổi hạnh phúc”.
Trong khi chắc
hẳn là khát vọng lương thiện, nhãn kiến cho rằng hạnh phúc là mục đích của cuộc
sống lại đã để lộ một sự lẫn lộn cơ bản về chân lý của cuộc sống. “Hạnh phúc” không
là cái gì khác ngoài phẩm chất mơ hồ không được xác định rõ ràng. Nhiều người đã
cho rằng hạnh phúc cũng chính là lạc thú về ý nghĩa và sự thỏa mãn các khát vọng
của họ. Đối với những người này, hạnh phúc vẫn còn là một điều kiện quá xa vời,
là một cái gì đó ở ngoài họ, một phần thưởng nào đó trong tương lai mà người ta
cần phải đuổi bắt. Nhưng phúc lạc lại không thể đạt được bằng kiếm tìm mặc dù có
những nhân duyên dẫn đến phúc lạc, và những nhân duyên này lại là sự phát triển
tinh thần cá nhân.
Từ quan điểm
Phật giáo, có thể thấy rõ rằng con người thường lẫn lộn tanha – khát vọng khôn nguôi về thỏa mãn và lạc thú – với sự theo đuổi
phúc lạc. Đó thực ra chỉ là một nhãn kiến tà vạy, vì dục vọng của tanha là không cùng. Nếu việc theo đuổi
phúc lạc cũng đồng nghĩa với theo đuổi các đối tượng của tanha, thì tự thân cuộc sống đã trở thành khốn khổ. Để nhận ra các
hậu quả của nhãn kiến tà vạy ấy người ta chỉ cần chứng kiến sự suy đồi và tội lỗi
của những con người trong các thành phố hiện đại chồng chất những trò tiêu khiển
và các tụ điểm lạc thú. Thay vì dẫn đến trạng thái thỏa nguyện và thịnh vượng,
việc theo đuổi lạc thú rất thường dẫn tới tính vô độ và kiệt quệ của cá nhân và
xã hội và sự tiêu thụ không bền vững về môi trường.
Ngược lại,
quan điểm Phật giáo về cuộc sống rất ít chất lý tưởng hóa mà lại thấm đẫm thực
tiễn. Đức Phật đã dạy một cách giản dị rằng, “Khổ là có thật” [Vin.I.9;S.V.421;
Vbh.99]. Đây chính là diệu đề đầu tiên và là trung tâm trong Tứ diệu đề của Phật
giáo. Đức Phật đã mô tả khổ là: Sinh khổ; lão khổ, bệnh khổ, tử khổ; buồn,
than, đau đớn và tuyệt vọng đều là khổ; chia ly với người thân yêu -khổ, chấp
nhận điều không mong muốn – khổ; không đạt được điều mình mong muốn – khổ…”.
Còn chút vấn
đề nữa là những nỗi khổ đó tồn tại trong cuộc sống và tất cả đều không dễ chịu,
nhưng khuynh hướng của xã hội chúng ta là chối bỏ chúng. Đặc biệt là cái chết rất
ít khi được người ta nghĩ đến hoặc nói ra như một điều chắc chắn sẽ xảy ra cho
mỗi con người. Tuy nhiên việc khước từ những vấn nạn này vẫn không thể làm cho
chúng biến mất. Chính vì vậy Đức Phật đã dạy rằng cần phải chấp nhận nỗi khổ. Diệu
đề đầu tiên thừa nhận rằng mọi thứ rồi cũng qua đi, để rồi cuối cùng chỉ còn lại
một thế giới vô thường. Đây chính là một chân lý mà Đức Phật dạy ta cần phải đối
mặt – nỗi thống khổ là có thật và chúng là những hiện thực cơ bản của cuộc đời.
Diệu đề thứ
hai lý giải nguyên nhân của nỗi thống khổ. Đức Phật dạy rằng khổ là do dục vọng
vì vô minh (có nghĩa là tanha). Nói cách
khác nguyên nhân của khổ là một năng duyên (điều kiện nội tại). Chúng ta có thể
hỏi: “Dục vọng có phải là nguyên nhân của già lão không?”: dục vọng không phải
là nguyên nhân của già lão, mà đúng ra thì khát vọng về tuổi xuân làm cho già lão
trở thành nguyên nhân của khổ. Già lão là một thực tế không thể tránh khỏi; nhưng
khát vọng về tuổi thanh xuân thì lại không như vậy. Đức Phật dạy rằng người ta
hoàn toàn có thể diệt dục. Đó chính là Diệu đề thứ ba của Đức Phật, diệt khổ. Bằng
sự chối từ hoàn toàn dục vọng, con người sẽ chấm dứt được nỗi khổ. Nhưng làm thế
nào để diệt trừ được dục vọng? Trong Diệu đề thứ tư Đức Phật chỉ ra con đường
chấm dứt nỗi khổ. Đó chính là Bát chính đạo, thông qua rèn luyện thân, khẩu, ý
sao cho hòa hợp với giới luật Bát chính đạo: Chính kiến (Samyak drsti), Chính tư duy (Samyak
- samkalpa), Chính ngữ (Samyak-vàg),
Chính nghiệp (Samyak- karmanta), Chính
mệnh (Samyak- àjiva), Chính tinh tiến
(Samyak- vyàyàna), Chính niệm (Samyak-smrti), và Chính định (Samyak-samàdhi).
Rõ ràng là nhãn
thức Tứ diệu đề của Phật giáo về cuộc sống hoàn toàn trái ngược với nhãn kiến
thông thường của các xã hội hiện đại. Vì vậy Đức Phật dạy rằng “Khổ có thật” thì
xã hội hiện đại lại cho rằng “Hạnh phúc có thật và tôi muốn được hạnh phúc ngay!”. Những ẩn ý liên quan đến
sự khác biệt về nhận thức như vậy là rất lớn. Một xã hội coi mục đích của cuộc
sống là sự theo đuổi hạnh phúc thì đó chính là một xã hội theo đuổi liều lĩnh một
giấc mộng tương lai. Phúc lạc được coi là một cái gì đó không thể thiếu được và
cần phải tìm thấy phúc lạc ở một chốn nào đó khác. Song hành với nhãn kiến này
chính là vỡ mộng, bất nhẫn, suy đồi, và bất lực trong việc giải quyết với các nỗi
khổ và thiếu chú tâm đến thực tại.
Mặt khác, với
một nhãn kiến về cuộc sống đánh giá đúng về thực tại của sự khổ, chúng ta chú ý
nhiều hơn đến giờ phút hiện tại sao cho chúng ta có thể nhận ra các vấn đề khi
chúng xuất hiện. Chúng ta hợp tác với những người khác để giải quyết vấn đề, chứ
không phải là chạy đua với họ để tìm kiếm cho bằng được phúc lạc. Một nhãn kiến
như vậy cũng tác động đến các lựa chọn kinh tế của chúng ta. Việc sản xuất và
tiêu thụ của chúng ta được tăng tốc ít khi hướng tới việc theo đuổi những phần
thưởng mang tính tri thức (tanha) mà đa
phần hướng về việc làm vơi đi những nỗi khổ đau (chanda). Nếu nhãn thức Phật giáo này phát triển trong phạm vi quốc
gia hoặc toàn cầu chứ không phải là tìm cách thỏa mãn từng nhu cầu thì các nền
kinh tế của chúng ta sẽ cố gắng để tạo ra được một trạng thái không còn khổ đau,
hoặc một trạng thái tạo tiền đề cho sự thụ hưởng phúc lạc (hệt như một cơ thể
khỏe mạnh là một cơ thể tạo tiền đề cho việc thụ hưởng phúc lạc).
Chỉ có thông
qua việc tìm hiểu nỗi khổ chúng ta mới có thể nhận ra được khả năng của phúc lạc.
Ở đây, Phật giáo đã phân biệt giữa hai loại hạnh phúc: hạnh phúc phụ thuộc và còn
có một loại phúc lạc hoàn toàn độc lập. Hạnh phúc phụ thuộc là loại hạnh phúc đòi
hỏi phải có ngoại vật. Nó bao gồm bất cứ một thứ hạnh phúc nào phụ thuộc vào thế
giới vật chất, bao gồm của cải, gia đình, vinh quang, tăm tiếng. Hạnh phúc phụ thuộc
là loại hạnh phúc tùy thuộc vào những vật có thể chẳng bao giờ thuộc về chúng
ta theo nghĩa rốt ráo của từ đó, đó là loại hạnh phúc phù ảo và không chắc chắn.
Khác thế, phúc lạc độc lập là loại phúc lạc khởi lên từ trong tâm ta nhờ được rèn
luyện và đạt được một mức độ an bình nội tâm nhất định. Loại phúc lạc ấy không
tùy thuộc vào ngoại vật và vững bền hơn so với hạnh phúc phụ thuộc.
Hạnh phúc phụ
thuộc dẫn tới cạnh tranh và xung đột trong cuộc tranh giành các loại vật dụng.
Bất cứ loại hạnh phúc nào xuất hiện từ những hành động như vậy đều là loại hạnh
phúc tranh giành. Tuy nhiên còn có một loại hạnh phúc thứ ba, trong khi không
cao thượng được như loại hạnh phúc độc lập thực sự, tuy nhiên nó lại chính đáng
hơn nhiều so với loại hạnh phúc giành giật được. Đó là loại hạnh phúc có cơ sở từ
lòng vị tha, hướng tới thịnh vượng và có động cơ từ thiện tâm và từ bi. Mặc dù
phát triển có tính cá nhân nhưng con người vẫn có thể đánh giá đúng được loại hạnh
phúc này là thực hơn - đó là khát vọng đưa hạnh phúc đến cho người khác (loại hạnh
phúc đó Phật giáo gọi là metta- từ tâm).
Với loại hạnh phúc này, chúng ta có thể trải nghiệm hoan lạc trong hạnh phúc của
người khác, hệt như cha mẹ cảm thấy sung sướng trong niềm vui của những đứa con
mình. Loại hạnh phúc này có thể được gọi là “hòa lạc” khác biệt hẳn với loại hạnh
phúc có được từ giành giật. Nó ít phụ thuộc vào việc giành được các của cải vật
chất và nó khởi lên từ cho chứ không phải là nhận. Mặc dù loại hạnh phúc này không
thực sự độc lập, nhưng nó lại ngay chính hơn loại hạnh phúc nảy sinh từ những
giành giật ích kỷ.
Cấp độ chắc
chắn nhất của hạnh phúc là sự giải thoát hiện khởi từ giác ngộ. Đó là loại phúc
lạc vĩnh viễn. Nhưng việc rèn tâm, thông qua học tập và thiền định để đạt tới một
cấp độ thỏa mãn nội tâm nhất định chính là một liều thuốc giải độc đối với tình
trạng bất mãn của xã hội tiêu thụ. Và với sự trong sáng của trạng thái yên bình
nội tâm, thì trí tuệ xuất hiện ngay cả trong những trớ trêu nhất của đời sống chúng
ta: khi tranh giành hạnh phúc, chúng ta tạo ra đau khổ; bằng việc tìm hiểu nỗi
thống khổ, chúng ta phát hiện ra được sự yên bình.
___________________________________________
Còn nữa...
Nguồn: Buddhist Economics – A Middle Way for the Market place by Ven. P.A.
Payutto. Translated into English by Dhammavijaya and Bruce Evans; Compiled by Bruce
Evans and Jourdan Arenson. http://www.buddhanet.net/cmdsg/payutto.htm.
Ghi chú:
1. Trong tạp chí "Economics '73-'74,"
Nhiều tác giả 1973, The Dushkin Publishing Group, Inc., Guildford, Connecticut.
A. = Anguttara Nikaya (5 vols.) (Tăng nhất A
hàm, Tăng nhất bộ kinh 5 tập)
Comp. = Compendium of Philosophy (Abhidhammatthasangaha)
(A tì đạt ma bát tăng già luận)
D. = Digha
Nikaya (3 vols.) (Trường bộ kinh – 3 tập)
S. = Samyutta
Nikaya (5 vols.) (Kinh A hàm bộ 5 tập)
Vin. = Vinaya
Pitaka (5 vols.) (Luật tạng, 5 tập)
Vism. = Visuddhimagga
(Thanh tịnh đạo luận)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét