Powered By Blogger

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Đọc quá khứ – những cách tiếp cận lý giải Khảo cổ học hiện nay (VII)


Đọc quá khứ – những cách tiếp cận
lý giải Khảo cổ học hiện nay (VII)

Ian Hodder

Người dịch: Hà Hữu Nga

4. Khảo cổ học Marxist, Hệ tư tưởng và Thực tiễn

Nếu các nhà KCH đưa quan niệm cấu trúc vào các nghiên cứu quá trình của họ thì phải công nhận rằng các cấu trúc ấy có thể thuộc về nhiều loại khác nhau và xuất hiện ở nhiều cấp độ khác nhau. Có một số cấu trúc khác bên cạnh các cấu trúc tư duy: trong chương này chúng ta sẽ thảo luận về những cách tiếp cận xem xét các cấu trúc trong kỹ thuật học, kinh tế, và đặc biệt là trong các quá trình xã hội.

Không phải là quá khó để nhận ra rằng nhiều quá trình kỹ thuật học khác nhau và thực chất nhiều loại sản phẩm khác nhau có thể bị ảnh hưởng bởi một số đề tài cơ bản chung bao gồm từ hình thức diễn tiến thao tác đến kiểu loại hành vi và những vận động bằng tay có liên quan. Cho dù những hạt ngũ cốc được giã thẳng đứng hoặc được nghiền theo chiều ngang thì cũng vẫn gắn liền với cái cách mà đất sét được đập vụn (theo chiều dọc hay theo chiều ngang) trước khi làm thành chiếc bình. Có lẽ những cố gắng chủ yếu để phân loại những khác biệt như vậy trong một loạt quá trình kỹ thuật đã được Leroi-Gourhan (1943; 1945) thực hiện và người ta đã lại quan tâm đến việc xác định các cấu trúc và những chuỗi thao tác trong lĩnh vực kỹ thuật (Cresswell 1972; Lemonnier 1976; Digard 1979). Đã xuất hiện một loạt lựa chọn và thúc bách đầu tiên với một logic cơ bản cần thiết đối với nhiều quá trình kỹ thuật. Ví dụ như lý giải của Tolstoi (1966: 72) về cái mà ông gọi là “cấu trúc logic” trong việc làm vải vỏ cây:

“Việc lột lấy lớp sợi vỏ là một nhiệm vụ bắt buộc. Nó chứa đựng một quyết định bắt buộc về phần người chế tạo, và có thể được thực hiện theo một trong bốn phương án. Mặt khác, việc luộc lớp vỏ thì lại không bắt buộc. Cần phải có một loại chày đập nào đó, nhưng chỉ có sự lựa chọn mẫu chày hai đầu mới làm nảy sinh vấn đề ngẫu nhiên gắn phần đầu với tay cầm, về vấn đề này thì có 4 giải pháp chính”.

Các mối liên hệ logic giữa các quyết định liên động trong các quá trình kỹ thuật có thể được xem xét như là những cấu trúc kỹ thuật học độc lập, nhưng cũng có thể xem xét các cấu trúc xã hội là cái có vai trò trong các hệ thống kỹ thuật học – và trường hợp này đã được Lemonnier (1983; 1984) thảo luận đầy đủ, bao gồm cả việc xem xét tác động kỹ thuật như một dấu hiệu.

Mối quan tâm chính trong tập sách này là tư tưởng và ý nghĩa, và không may là những mối liên kết giữa cái kỹ thuật và cái tư tưởng lại thường tỏ ra là quá đơn giản. Childe (1949: 22) đã gợi ý rằng sự xuất hiện của chiếc cối nghiền bột trong các lò bánh Athen là nguyên nhân làm mất nhân cách con người. Nhưng khi những chiếc máy được vận hành bằng sức nước, sức gió, hơi nước và điện xuất hiện ở Châu Âu thì đó lại là nguyên nhân của đặc tính hoàn toàn cơ giới. Haudricourt (1962) đã kết nối loại nông nghiệp trồng ngũ cốc và chăn nuôi ở khu vực Địa Trung Hải được đặc trưng bởi “hành động tích cực trực tiếp” đối với các nguồn thực phẩm, với một lối nhìn nhân văn ở phương Tây, nơi mà các thủ lĩnh thường là những người chăn chiên, những người du mục. Nhưng ở phương Đông “hành động tiêu cực gián tiếp” đối với các nguồn lại dẫn tới một lối nhìn khác về tính nhân văn, đặc biệt là ở Trung Quốc và trong Khổng Giáo, trong đó một chính phủ tốt có  nguồn gốc từ đức hạnh của các chủ thể của nó.

Trong khi những nghiên cứu như vậy vẫn còn trừu tượng và khó đánh giá, thì lại có khả năng tổ chức các quá trình kỹ thuật bằng cách liên kết với các cấu trúc ý nghĩa. Miller (1982b) đã cho rằng cách thức phát minh ra các phương pháp chế tạo đồ gốm ở ấn Độ đương đại phải được hiểu trong một tập hợp các thái độ liên quan, chẳng hạn với chế độ đẳng cấp. Một ví dụ khác là nhu cầu tạo ra một lưỡi dao bằng đá flint cần phải tuân thủ nhiều thao tác, trong đó có một số thì phức tạp, có nhiều công đoạn và hình thức chuẩn xác, một số thao tác khác thì lại gián tiếp và đơn giản. Sự khác biệt như vậy bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố từ việc kiếm được một khối đá flint đến tính chất biểu tượng liên quan đến việc chuẩn bị và tiêu thụ đồ ăn, là thứ tự thân gắn kết với những thái độ liên quan đến các giới hạn cơ thể, các gianh giới văn hoá/ tự nhiên, và những thứ tương tự. Nhưng các nhà KCH phải xem xét những cấu phần sau một cách chi tiết.

Mặc dù các cách tiếp cận Marxist có một đóng góp quan trọng để hiểu biết thêm về các mối quan hệ giữa các kỹ thuật và xã hội (Lemonnier 1983; 1984) nhưng mối quan tâm chính của chương này là xem xét đóng góp của KCH Marxist trong việc tìm hiểu mối liên hệ giữa xã hội và hệ tư tưởng. Khi tìm hiểu các cấu trúc xã hội trong ngữ cảnh này, việc đối sánh với các tiếp cận quá trình lại cần phải được xác định. Trong chương này, thuật ngữ cấu trúc xã hội không có nghĩa là mô thức của các vai trò và các mối quan hệ, đúng ra thì nó thuộc về lược đồ tương tác sản xuất nằm sau mô thức đó. Tuy nhiên ở đây, mối quan tâm của tôi không phải là thảo luận về tầm vóc rộng lớn của KCH Marxist là thứ bao trùm cả lĩnh vực nào đó nữa (Spriggs 1984; Trigger 1984). Hơn nữa tôi cũng muốn tóm tắt các kiểu loại cấu trúc xã hội được xác định trong KCH Marxist, trước khi đề cập đến các kiến giải KCH Marxist về hệ tư tưởng.

KCH Marxist

Chúng ta quay trở lại với chủ nghĩa duy vật, mặc dù một số nhà KCH Marxist có lẽ không chấp nhận việc chia tách duy vật/ duy tâm (Spriggs 1984). Dưới đây chúng ta sẽ thấy rằng những khẳng định như vậy hiếm khi được chứng minh trong KCH, và tính tương đồng với KCH Quá trình trong khía cạnh này là rất rõ ràng. Hơn nữa trong việc kết hợp quan niệm cấu trúc Marxist thì đã xảy ra sự tuyệt giao với KCH Quá trình. Như vậy không có nghĩa là KCH Marxist tránh né những luận lý chức năng, vì dưới đây chúng ta sẽ thấy rằng vấn đề không phải như vậy. Cái mới ở đây là một hợp phần bổ sung, đó là toàn bộ các thực tiễn xã hội đều bao gồm những mối quan hệ biện chứng: sự phát triển của xã hội nảy sinh thông qua sự thống nhất của các mặt đối lập. Việc nhấn mạnh hệ thống xã hội hữu hình là những mối quan hệ hàm chứa những tính chất không thể so sánh, được biến thành có thể so sánh và phát sinh sự biến đổi. Vì vậy điều đó thuộc về lĩnh vực mâu thuẫn và xung đột mà chúng ta phải hướng vào để đánh giá thực chất của KCH Marxist.

Trong Chủ nghĩa Marxism cấu trúc của Althusser và những nhà KCH ảnh hưởng ông, có hai loại mâu thuẫn chính, đó là mâu thuẫn giữa những lợi ích của các nhóm xã hội (như trong cuộc đấu tranh giai cấp) và các mâu thuẫn giữa những lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất (được xác định dưới đây). Trong loại mâu thuẫn đầu tiên thì một vấn đề quan trọng của CN Marxism là việc phân hoá giai cấp, trong đó giai cấp thống trị kiểm soát phương tiện sản xuất và tước đoạt giá trị thặng dư. Lợi ích của hai giai cấp là mâu thuẫn nhau vì sự bành trướng của một giai cấp thì xâm hại đến giai cấp kia. Quan niệm phổ biến này đã được áp dụng vào việc phân chia xã hội dựa trên tuổi tác, giới tính, dòng họ...vv, trong các xã hội tiền tư bản chủ nghĩa. Vì vậy Faris (1983) đã cho rằng vào thời Thượng kỳ đá cũ Châu Âu những người đàn ông đã tước đoạt sản phẩm lao động của phụ nữ và duy trì địa vị thống trị bằng cách làm hại đến người phụ nữ. Quan niệm “cấu trúc” trong các nghiên cứu như vậy mặc dầu phát triển yếu ớt, nhưng lại liên quan đến các mối quan hệ sản xuất và tước đoạt nằm khuất sau những mối quan hệ xã hội (giữa đàn ông và đàn bà, thủ lĩnh và thường dân...vv).

Loại mâu thuẫn thứ hai, gắn liền với và thường xuyên nằm dưới loại thứ nhất, là tính chất không thể so sánh về mặt cấu trúc. ở đây các lực lượng sản xuất xung đột với các quan hệ sản xuất. Fiedman (1974) đã có một lối nhìn riêng vào những thuật ngữ này và các mối quan hệ của chúng. Các lực lượng sản xuất bao gồm các tư liệu sản xuất (kỹ thuật học, hệ thống sinh thái: các tư liệu mà nhờ nó một môi trường được biến đổi thành một sản phẩm phục vụ cho con người) và việc tổ chức sản xuất (tổ chức lực lượng lao động). Mặt khác, các mối quan hệ sản xuất là những quan hệ xã hội phù hợp với các lực lượng sản xuất. Những quan hệ xã hội này sẽ phân biệt xã hội này với xã hội khác: chẳng hạn trong một số xã hội quan hệ thân tộc sắp xếp các lực lượng sản xuất, ngược lại, trong xã hội phương Tây hiện đại rất hiếm xảy ra hiện tượng này. Các mối quan hệ sản xuất xã hội tổ chức cách thức sử dụng môi trường bằng những kỹ thuật có sẵn; chúng cũng quyết định ai lao động và sản phẩm lao động bị tước đoạt như thế nào. Trong KCH cũng như trong các lĩnh vực phân tích Marxist khác, sự khác biệt chủ yếu xuất hiện trong tầm quan trọng tương đối đối với các lực lượng và các quan hệ sản xuất. Trong một số công trình, các lực lượng sản xuất có vẻ phát triển dựa trên những mâu thuẫn nội tại giữa các lực lượng và các quan hệ sản xuất. Phân tích của Gilman (1984) về cuộc Cách mạng Thượng kỳ Đá cũ đã thể hiện rõ lập trường này. Ông cho rằng phương thức  sản xuất cây trồng vật nuôi (Sahlins 1972) đặc trưng cho giai đoạn này chứa đựng những mâu thuẫn nội tại: một mặt các nhóm địa phương cần những đồng minh bên ngoài để sinh tồn, nhưng mặt khác, họ lại muốn duy trì sự kiểm soát các nguồn cho riêng mình. Khi kỹ thuật học đã được cải thiện thì mỗi nhóm có khả năng tự túc cao hơn và mâu thuẫn giữa mạng lưới liên minh với nền sản xuất địa phương làm cho các liên minh địa phương bị giới hạn lại để hình thành những phạm vi tương trợ chặt chẽ, và giới hạn các nghĩa vụ vào việc trợ giúp các nhóm khác. Mặc dù Gilman (ibid., 123) khẳng định rằng kỹ thuật học không quyết định một cách riêng rẽ những biến đổi xã hội, và quyết định mang tính duy vật chủ nghĩa là thuộc về biến đổi xã hội chứ không phải là kỹ thuật học, thí dụ, những biến đổi kỹ thuật học tỏ ra là tiên quyết (Fig. 5). Chúng phát sinh với tư cách là kết quả của sự chọn lọc Darwin về những cải thiện thích nghi tiên quyết trong các công cụ đá (ibid).

Trong các phân tích ấy, mâu thuẫn giữa các lực lượng và các quan hệ sản xuất  phát sinh bởi những thay đổi trong lực lượng sản xuất, và như chúng ta sẽ thấy dưới đây, những mâu thuẫn này sẽ dẫn tới những thay đổi trong lĩnh vực phong cách và hệ tư tưởng. Những quan điểm như vậy tỏ ra là chưa đủ, đặc biệt là nếu chúng ta quan tâm đến những lý do biến đổi kỹ thuật học, và những lý do hình thành một cách xác đáng các quan hệ xã hội. Vậy là nhiều nhà Marxist có lẽ sẽ lập luận rằng tối thiểu trong những hình thái xã hội tiền tư bản thì các mối quan hệ sản xuất xã hội thống trị hoặc nằm trong mối quan hệ hai chiều với các lực lượng sản xuất.

Một ví dụ thú vị về quan điểm cho rằng các mối quan hệ xã hội thống trị được Bender (1978) làm rõ thông qua việc lý giải về nguyên nhân lựa chọn nông  nghiệp. Bà cho rằng trước khi lựa chọn làm nông, các nhóm địa phương đã tranh giành quyền thống trị thông qua các nghi thức, tiệc tùng và trao đổi. Những chiến lược thống trị xã hội ấy dẫn tới nhu cầu sản xuất sinh nhai của địa phương ngày càng gia tăng, sau đó dẫn tới mở rộng sản xuất và lựa chọn nông nghiệp. Trong trường hợp này những biến đổi về mối quan hệ giữa con người và môi trường, lực lượng sản xuất đều phụ thuộc vào các quan hệ xã hội.

Những quan niệm như vậy về quá trình phát triển của sự thống trị và phân cấp trong các nhóm bình quân chủ nghĩa đã được Fiedman (1975) phác thảo rõ ràng, sau đó lại được Fiedman và Rowlands (1978) phát triển và ứng dụng vào lý giải sự xuất hiện của các xã hội có nhà nước. Một khía cạnh của mô hình Fiedman, hệ thống hàng hoá uy tín giờ đây đã được ứng dụng rộng rãi trong tiền sử Châu Âu (xem chẳng hạn Bradley 1984; Kristiansen 1979; Frankenstein và Rowlands 1978) và các vùng thuộc Tây Nam và Trung Tây Hoa Kỳ (Bender 1985; McGuire và Howard 1987; Gledhill 1978). Trong toàn bộ các nghiên cứu ấy các mối quan hệ xã hội của sản xuất thống trị, và hệ tư tưởng đặc biệt đóng vai trò thứ sinh. Việc thảo luận về văn hoá vật chất tạo ra ý nghĩa còn ít được đề cập đến.

Vậy là chúng ta đã làm rõ hơn về khái niệm “cấu trúc” trong KCH Marxist – nó đề cập đến những mối quan hệ sản xuất và sự tước đoạt giá trị thặng dư. Một trong những nguyên do cấu trúc này “nằm dưới”, khuất khỏi tầm nhìn là vì nó được che dấu bởi hệ tư tưởng. Gìơ đây chúng ta có thể quay trở về với chủ đề chính của chương này: vai trò của hệ tư tưởng trong mối quan hệ với cấu trúc xã hội trong KCH Marxist là gì?.

Hệ tư tưởng

Các nhà KCH thường sử dụng tuyên bố của Marx vào năm 1859 rằng thượng tầng kiến trúc kết hợp với hệ tư tưởng được thành lập trên và xuất hiện từ hạ tầng cơ sở. Vậy là hệ tư tưởng vận hành bởi việc che dấu các mâu thuẫn và xung đột trong và giữa các lực lượng và quan hệ sản xuất. Sự khác biệt trong việc phân tích các hệ thống cấu trúc tư tưởng và các phân tích Marxist về hệ tư tưởng có thể được nhìn nhận bằng cách so sánh lý giải của Deetz (1988) về sự biến đổi ở Bắc Mỹ vào thế kỷ 18-19 với những lý giải về sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản của Leone (1988) và Paynter (1988). Hầu hết nền KCH Marxist đã đưa ra những lý giải trong đó hệ tư tưởng được quyết định bởi và vận hành trong mối quan hệ với kinh tế. Trong khi mối quan hệ linh động giữa hạ và thượng tầng kiến trúc đôi khi cũng được khẳng định, các ứng dụng trong thực tế hầu hết lại là duy vật luận và chức năng luận (xem dưới đây).

Trong cách tiếp cận Marxist thì hệ tư tưởng được giải thích bằng sự qui chiếu vào các chức năng của nó, nhưng lại vẫn có một hàm ý trong đó văn hoá vật chất là “năng động”. Như trong quan điểm của Wobst (tr. 27), văn hoá vật chất hoạt động sao cho hệ thống có thể vận hành. Tuy nhiên về tổng thể thì tính “năng động” này lại là những thành phẩm khá thụ động của các nhu cầu chức năng, cho dù các nhu cầu này khá khác biệt với những nhu cầu thấy trong KCH Quá trình. Sự khác biệt này đã được Gilman (1984) chỉ rõ trong cách đọc Marxist của ông về bước chuyển tiếp thời Thượng kỳ Đá cũ, ngược lại với những gì mà Wobst đã làm (1976). Đúng ra thì khi coi phong cách Thượng kỳ Đá cũ là chức năng hoá để tạo điều kiện cho những hợp tác trong các nhóm xã hội và để xác định những khác biệt giữa chúng, Gilman lại cho rằng phong cách và nghi lễ phát triển vì sự hợp tác đã thống nhất các mâu thuẫn cố hữu. Khát vọng phá tung các mạng lưới liên minh và tập trung vào việc duy trì sản xuất trong các nhóm địa phương đã dẫn tới các cuộc hôn nhân lân cận không bền vững. Vậy là phong cách và lễ thức giúp tạo ra các nhóm xã hội liên tục đổ vỡ. Văn hoá vật chất ở đây vận hành bằng việc tạo ra cái mặt nạ che dấu hệ tư tưởng, che dấu hoặc biểu hiện sai lệch đi những mâu thuẫn nội tại.

Faris (1983) đã thực hiện một phân tích quan trọng về Thượng kỳ Đá cũ, trong đó hợp thành một cấu trúc tượng trưng “che dấu” xung đột xã hội về phương diện hệ tư tưởng. Ông lưu ý đến một trái ngược giữa tranh bích hoạ Đá cũ Tây Âu và nghệ thuật di động. Nền nghệ thuật bích hoạ ấy chủ yếu mô tả những thú săn lớn đòi hỏi nhiều kỹ năng săn bắt. Nghệ thuật tự thân nó là tinh xảo và đòi hỏi một sự nỗ lực to lớn, kể cả việc xây dựng giàn giáo ở một số chỗ. Ngược lại thực vật và động vật nhỏ mặc dù đã được phát hiện trong tầng văn hoá, như là một phần quan trọng của thực đơn tiền sử, lại không được mô tả. Mặt khác, về một phương diện nào đó các tượng phụ nữ không được thể hiện đúng thực tế. Trong loại hình nghệ thuật di động này, bộ phận sinh dục và cơ quan sinh sản ở phần giữa cơ thể được nhấn mạnh, đánh đổi bằng đôi tay và bộ mặt bị thể hiện thật mờ nhạt – cái hình tượng ấy không phải là một cơ thể lao động. Vậy thì về tổng thể, nền nghệ thuật hang động kia đã nhấn mạnh vào các hoạt động săn bắn của đàn ông, cho dù các hoạt động ấy có thể chỉ tạo ra một phần các nguồn của cải cần thiết cho cộng đồng. Động vật nhỏ, thực vật và việc sản xuất của phụ nữ không được thể hiện; người phụ nữ có vẻ như chỉ thực hiện chức năng sinh sản.

Faris đã cẩn trọng xác định thiên hướng nhận thức riêng của ông trong việc tái dựng quá khứ ấy. Nhưng ở đây, cả hình thức biểu tượng lẫn nội dung đều được xem xét. Cấu trúc của các dấu hiệu đã thể hiện sai vai trò của người phụ nữ trong xã hội – nói các khác, tính chất tượng trưng đã tác động để làm biến đổi các mối quan hệ sản xuất về phương diện hệ tư tưởng. Sự thống trị của đàn ông là dựa trên sự tước đoạt lao động của người phụ nữ, và nghệ thuật hang động đã thần bí hoá mâu thuẫn và ngăn cản sự xung đột. Văn hoá vật chất phải được hiểu vừa như một bộ phận của truyền thống thẩm mỹ, vừa như một bộ phận của hệ tư tưởng trong các chiến lược thống trị xã hội.

Trong cả hai nghiên cứu trên về Thượng kỳ Đá cũ thì hệ tư tưởng đã được lý giải gắn liền với cơ sở kinh tế về phương diện chức năng (các lực lượng và các quan hệ xã hội của sản xuất). Một ví dụ khác do Kristiansen (1984) cung cấp trong nghiên cứu của ông về vai trò của hệ tư tưởng trong việc xây dựng hệ thống mộ táng cự thạch thời đại Đá mới Châu Âu. Mục đích của ông là xác định các chuẩn mực văn hoá và hệ tư tưởng tương hợp như thế nào với các chức năng tái sản xuất vật chất của chúng (ibid., 77). Các công trình cự thạch ấy được mô tả là thể hiện sự mở rộng của sản xuất có tổ chức thông qua cấu trúc huyết thống cộng đồng. Nền sản xuất thặng dư cho các thủ lĩnh của cộng đồng được biến đổi thành tiệc tùng nghi lễ và thờ cúng tổ tiên.

Rõ ràng nghiên cứu của Kristiansen là duy vật chủ nghĩa, nhưng cũng cần phải lưu ý rằng thực tiễn xã hội dựa vào những gì mà hệ tư tưởng được so sánh chỉ có thể  tiếp cận thông qua tự thân hệ tư tưởng – nghĩa là thông qua những lý giải về các công trình cự thạch đó. Vì vậy giống như với các nghiên cứu quá trình được thảo luận ở chương 2, tính chất duy vật chủ nghĩa thể hiện rõ ràng hơn nhiều so với hiện thực. Chắc chắn là không thể xác định được hệ tư tưởng từ cơ sở vật chất, vì cơ sở vật chất chỉ được hiểu thông qua hệ tư tưởng.

Một đặc trưng khác trong công trình nghiên cứu của Kristiansen là hệ tư tưởng là thế giới ý thức của nghi lễ. Những nghiên cứu khác, chẳng hạn như của Leone (1984) đã tập trung nhiều vào các khía cạnh tất yếu vô thức vốn có trong toàn bộ các khía cạnh của đời sống (Althusser 1977). Đối với Leone thì “những tất yếu” ấy – các tư tưởng về tự nhiên, nguyên nhân, thời gian, cá nhân - đều dùng để tự nhiên hoá và để che đậy những bất bình đẳng trong trật tự xã hội. Hệ tư tưởng che đậy tính chất võ đoán của các mối quan hệ sản xuất xã hội, làm cho chúng có vẻ là thường trực từ trong bản chất và vì vậy mà quá khứ trở nên quen thuộc. Leone đã đặc biệt tập trung vào sự bố trí một mảnh vườn thế kỷ 18 được các nhà KCH lịch sử khôi phục lại ở Annapolis, Maryland. Trong thế kỷ 18, việc kiểm soát xã hội của các điền chủ trở nên suy yếu ở một số phương diện, và một số quí tộc điền chủ giàu có chẳng hạn như William Paca người chủ vườn Annapolis đã có những niềm tin mâu thuẫn, một mặt dựa vào lượng của cải to lớn được thừa hưởng phần nào trên lưng người nô lệ, và mặt khác là sự tự do lệ thuộc một cách cuồng nhiệt. Để che đậy mâu thuẫn này, Leone đã gợi ý rằng quan điểm của Paca về quyền lực được đặt vào tự nhiên. Cái lý tưởng của trật tự Georgia trong nhà và ngoài vườn được sắp đặt ngăn nắp theo các qui tắc đối xứng và luật viễn cận. Bằng cách này, tính chất võ đoán của trật tự xã hội đã được tự nhiên hoá, và tầng lớp quí tộc sống biệt lập và tách biệt khỏi cuộc tấn công vào cái trật tự đã thành ấy.Tính cân đối và có tổ chức của khu vườn có vẻ thuyết phục người ta là tự nhiên và có trật tự, vì vậy mà nó làm cho giới tinh hoa trở thành trung tâm kiểm soát xã hội một cách tự nhiên.

Trong ví dụ này, một lần nữa quan niệm duy vật của hệ tư tưởng là rõ ràng – hệ tư tưởng vận hành trong mối liên hệ với các mâu thuẫn đang phát triển trong xã hội thuộc thế kỷ 19. Nhưng đóng góp quan trọng của những nghiên cứu như vậy đối với những vấn đề mà tập sách này quan tâm được phác thảo ở chương 1 là ở chỗ đã có sự cố gắng xem xét các cấu trúc ý nghĩa biểu tượng có thể liên hệ với các cấu trúc và các hệ thống xã hội. Bằng ví dụ của Leone chúng ta đang quay trở về với những cấu trúc tượng trưng, nhưng giờ đây những cấu trúc này đã được kết nối với các cấu trúc xã hội thông qua các quá trình xã hội và hệ tư tưởng. Như chúng ta đã thấy ở chương 3, trong KCH cấu trúc, những mối liên kết như vậy không phải là trung tâm điểm của vấn đề. Tôi muốn sử dụng cách lý giải thuyết phục của Leone về vai trò của văn hoá vật chất trong hệ tư tưởng (có thể lấy thêm các ví dụ của Miller và Tilley 1984) để bắt đầu một phê phán 4 vấn đề về hệ tư tưởng như đã được đề cập trong KCH Marxist.
_________________________________________ 

Còn nữa…

Tác giả: GS. Ian Hodder sinh năm 1949, tốt nghiệp cử nhân tại Đại học London năm 1971, nhận học vị tiến sĩ tại Đại học Cambridge năm 1975, trở thành giáo sư Đại học Cambridge từ năm 1977. 

Nguyên bản: Reading the Past – Current approaches to Interpretation in Archaeology. Second Edition. Cambridge University Press 1991.


Tài liệu Tham khảo

Althusser, L., 1977, For Marx, London: NewLeft Books

Bradley, R., 1984, The Social Foundations of Prehistoric Britain, London: Longman.

Childe,V.G., 1949, Social Worlds of Knowledge, Oxford University Press.

Cresswell, R., 1972, Les Trois Sources d’une technologie nouvelle, in J.M. C. Thomas and L. Bernot (eds.), Langues et techniques, nature et société, Paris: Klinksieck.

Deetz, James, 1988a, History and Archaeological Theory: Walter Taylor Revisited, American Antiquity 53, 13–22.

Deetz, James, 1988b, Material Culture and Worldviewin Colonial Anglo-America, in M. Leone and P. B. Potter (eds.), The Recovery of Meaning, Washington: Smithsonian.

Digard, J.-P., 1979, La technologie en anthropologie: fin de parcours ou nouveau siffle?, L’Homme 19, 73–104.

Friedman, J., 1974, Marxism, Structuralism and Vulgar Materialism, Man 9, 444–69.

Friedman, J., 1975, Tribes, States and Transformations, in M. Bloch (ed.), Marxist Analyses in Social Anthropology, London: Association of Social Anthropologists.

Friedman, J., and Rowlands, M. (eds.), 1978, The Evolution of Social Systems, London: Duckworth.

Gilman, A., 1984, Explaining the Upper Palaeolithic Revolution, in M. Spriggs (ed.), Marxist Perspectives in Archaeology, Cambridge University Press.

Gledhill, J., 1989, Formative Development in the North American South West, British Archaeological Report 47, 241–84.

Haudricourt, A. G., 1962, Domestication des animaux, culture des plantes et traitement d’autrui, L’Homme 2, 40–50.

Kristiansen, K., 1984, Ideology and Material Culture: An Archaeological Perspective, in M. Spriggs (ed.), Marxist Perspectives in Archaeology, Cambridge University Press.

Kristiansen, K., 1989, Value, Ranking and Consumption in the European Bronze Age, in D.Miller, M. Rowlands and C. Tilley (eds.), Domination and Resistance, London: Unwin Hyman.

Kristiansen, K., and Rowlands, M., 1998, Social Transformations in Archaeology, London and NewYork: Routledge.

Lemonnier, P., 1976, La Description des chaines operatoires: contributional etude des systemes techniques, Techniques et Culture 1, 100–5.

Lemonnier, P. 1983, L’Etude des systémes techniques, une urgence en technologie culturelle, Techniques et Culture 1, 11–26.

Lemonnier, P.1984, L’Ecorce battue chez Les Anga de Nouvelle-Guinée, Techniques et Culture 4, 127–75.

Leone, M., 1988, The Georgian Order as the Order of Merchant Capitalism in Annapolis, in M. Leone and P. B. Potter (eds.), The Recovery of Meaning, Washington: Smithsonian Institution Press.

McGuire, R. H., 1992, A Marxist Archaeology, New York: Academic Press and Howard, A. V., 1987, The Structure and Organization of Hohokam Shell Exchange, The Kiva 52, 113–46.

McGuire, R. H., and Paynter, R. (eds.), 1991, The Archaeology of Inequality, Oxford: Blackwell.

Miller, D., 1982b, Structures and Strategies: An Aspect of the Relationship between Social Hierarchy and Cultural Change, in I. Hodder (ed.), Symbolic and Structural Archaeology, Cambridge University Press.

Miller, D., 1984, Modernism and Suburbia as Material Ideology, in D. Miller and C. Tilley (eds.), Ideology, Power and Prehistory, Cambridge University Press.

Paynter, R., 1988, Steps to an Archaeology of Capitalism: Material Change and Class Analysis, in M. Leone and P. B. Potter (eds.), The Recovery of Meaning, Washington: Smithsonian Institution Press.

Paynter, R., and Mc Guire, R. H., 1991, The Archaeology of Inequality: Material Culture, Domination and Resistance, in R. H. McGuire and R. Paynter (eds.), The Archaeology of Inequality, Oxford: Blackwell.

Rowlands, M., 1984, Conceptualising the European Bronze Age and Early Iron Ages, in J. Bintliff (ed.), European Social Evolution, Bradford: Bradford University Press.

Rowlands, M., 1993, The Role of Memory in the Transmission of Culture, World Archaeology 25, 141–51.

Rowlands, M., and Seagraves, B., 1982, Theory and Explanation in Archaeology, New York: Academic Press.

Spriggs, M. (ed.), 1984, Marxist Perspectives in Archaeology, Cambridge University Press.

Tolstoy, P., 1966, Method in Long Range Comparison’, Congreso Internacional de Americanistas 36, 69–89.

Trigger, B., 1984, Marxism and Archaeology, in J.Maquet and N. Daniels (ed.), On Marxian Perspectives in Anthropology, Malibu: Undena.

Wobst, M., 1976, Locational Relationships in Palaeolithic Society, Journal of Human Evolution 5, 49–58.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét