Powered By Blogger

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

Aristotle, Teilahard de Chardin và sự giải thích thế giới


Aristotle, Teilahard de Chardin và sự giải thích thế giới

Anthony Kelly

Người dịch: Hà Hữu Nga


Aristotle vào khoảng 300 năm TCN (Trước Công nguyên) đã lưu tâm tới một sự kiện là vạn hữu tồn tại trên trần thế này đều ngẫu nhiên, tức là phải phụ thuộc vào một cái gì khác cho sự tồn tại của chúng. Từ bản chất ngẫu nhiên đó của vạn hữu, ông cho rằng phải có một thực thể không ngẫu nhiên hoặc tự-tồn tại, một Thượng đế để lý giải cho vạn hữu ngẫu nhiên kia. Ông còn cho rằng Thượng đế có thể không yêu thương con người. Ông đã phân tích về tình bạn, tình yêu và kết luận rằng chỉ có một tình yêu hoặc tình bạn thực sự giữa những sinh vật giống nhau hoặc tốt như nhau. Điều này loại trừ con người. Thượng đế có thể chỉ yêu một tồn tại khác, một thực thể khác, giống mình.

Trong khi Aristotle có thể bàn luận từ Thế giới cho đến Thượng đế thì ông lại không thể bàn ngược trở lại từ Thượng đế đến Thế giới. Thượng đế phải hoàn hảo, nhưng thế giới thì rõ ràng là không hoàn hảo. Tại sao một Thượng đế hoàn hảo lại tạo nên một thế giới không hoàn hảo? Aristotle đã không thể tìm ra một lý giải thỏa đáng cho cái thế giới bất toàn của chúng ta. Sự bất toàn của Thế giới cũng là một vấn đề tôn giáo. Một lý giải tôn giáo thường cho rằng Thượng đế đã tạo ra một thế giới hoàn hảo, nhưng con người đã làm cho nó rối tung lên. Giờ đây chúng ta biết rằng Thế giới đã tiến hóa, nên lý giải như vậy không còn thuyết phục nữa. Và nó cũng chưa bao giờ có sức thuyết phục. Cái câu truyện ba láp kia lẽ ra đã phải cuốn đi cùng với Thượng đế rồi, vậy thì ai đã tạo ra con người?

Một Thượng đế thiện lành và tự tồn tại có thể chỉ yêu thương một thực thể thiện lành và tự tồn tại khác, thực chất là một Thượng đế khác. Vậy thì làm thế nào để có được một Thượng đế khác? Thượng đế không thể tạo ra một Thượng đế khác. Một thực thể được tạo ra - một tạo vật - không thể là tự tồn tại. Vậy là chúng ta gặp phải một vấn đề rắc rối. Một Thượng đế hoàn hảo có thể chẳng cần bất cứ một thứ gì cả. Tình yêu, không cần thiết, có thể chỉ là động cơ để Thượng đế hành động, để Thượng đế làm bất cứ một điều gì. Thượng đế chỉ có thể yêu thương một thực thể thiện lành và tự tồn tại khác. Nhưng sự lý giải duy nhất về tồn tại củ cái thế giới ngẫu nhiên của chúng ta là Thượng đế. Vậy thì lẽ nào Thượng đế lại làm ra một thế giới bất toàn?

Có một giải pháp khả hữu cho vấn đề này. Trong khi Thượng đế không thể tạo ra một Thượng đế khác, thì Người lại có thể khởi đầu một quá trình có thể dẫn tới tự sáng tạo ra một thực thể như vậy. Một quá trình liên quan tới sự tự-sáng tạo, đặc biệt là cái quá trình triển khai sự tự sáng tạo của nó tới lĩnh vực của cái thiện. Quá trình ấy có thể dẫn tới sự sản sinh ra một thực thể giống với Thượng đế. Trong khi Thượng đế là tinh thần, và một cái gì đó cũng có bản chất tinh thần, thì cái ấy có lẽ phải là một sản phẩm lý tưởng của cái quá trình kia, một quá trình tự sáng tạo nhằm vào một sản phẩm tinh thần, có lẽ phải được bắt đầu ở mức thấp hơn tinh thần. Vậy là nó có thể vận động hướng tới một sản phẩm tinh thần cao hơn theo từng chặng một.

Cái gì kia có lẽ đã được tạo ra để làm chỗ dựa cho cái quá trình tự sáng tạo đó có thể bắt đầu. Bước khởi đầu này có lẽ không nhất thiết phải được vận hành một cách quá tự do. Nó có thể được thực hiện tùy thuộc vào những quy luật quyết định luận nghiêm nhặt, nhưng tương tác của các quy luật quyết định luận này lại có thể dẫn tới sự biến đổi các sản phẩm khả hữu. Nếu được khởi đầu trên một quy mô đủ lớn, và việc khai triển trong một khoảng thời gian bất kỳ nào đó là cần thiết thì bước khởi đầu này có thể thực sự tạo ra một nền tảng thích đáng cho sự khởi đầu của giai đoạn tiếp theo, hoặc những giai đoạn đến lượt nó có thể thực hiện được tự do ở những cấp độ lớn hơn. Một loạt chặng đường như vậy có thể thực sự tạo ra một nền tảng cho việc khai mở một bước tiến tinh thần có thể thực hiện toàn bộ tự do trong phạm vi của cái thiện. Một bước tiến tự do tổng thể như vậy có lẽ có thể tạo ra một sự tăng tiến đối với một thực thể thiện lành toàn hảo, một thực thể thiện lành và tự sáng tạo, xứng đáng để được Thượng đế thương yêu.

Aristotle đã không thể đưa ra được một sự lý giải về con người và về thế giới. Ông đã không có một khái niệm tiến bộ về thế giới, và ông cũng không có một bức tranh chính xác về thế giới như chúng ta có được nhờ khoa học. Chúng ta biết được những gì mà Aristotle không biết? Có hai thứ. Rõ ràng nhất là ông đã không biết về Vụ Nổ lớn, hoặc về tiến hóa. Không rõ ràng bằng, nhưng lại quan trong hơn, ông không có được khái niệm về một quá trình tiến bộ. Thế giới của ông là một thế giới tĩnh tại, mà ở đó bất cứ quá trình nào cũng mang tính chu kỳ, không tiến triển, dựa trên những mô hình chu kỳ sinh học, từ hạt đến cây, rồi lại đến hạt.

Chúng ta mang ơn cái viễn cảnh tiến hóa tiến bộ trên thế giới này trước hết là nhờ Teilahard de Chardin. Ông là một nhà cổ sinh học và một tu sĩ dòng Tên. Nhã kiến vũ trụ của ông là động chứ không tĩnh. Khi người ta có thể trông đợi vào cái thế giới quan động thổ và cội nguồn ấy thì cái nhãn kiến động của ông vẫn chứa đựng những yếu tố của một thế giới quan tĩnh, trong đó Thiên chúa hằng ngự trị. Ông là người đầu tiên tìm hiểu vũ trụ như một quá trình tiến hóa của tính phức tạp ngày càng tăng và của ý thức ngày càng tăng, vận động từ Alpha - Khởi điểm đến Omega–Toàn hảo. Nhưng ông cũng nhìn nhận vật chất luôn luôn thấm đẫm tinh thần, xuất hiện từ thời gian này đến thời gian khác thông qua các ngưỡng nhất định. Nhãn kiến này phản ảnh thế giới quan tĩnh tại của Thiên chúa giáo sớm cho rằng Chúa đang thực thi quyền năng kiểm soát toàn bộ Thế giới. Teilahard đã không đưa ra bất cứ lời giải thích nào chẳng hạn như tại sao Chúa lại khởi đầu một quá trình với một thời gian thất thường để đạt tới một mục tiêu định trước. Sự lỹ giải duy nhất về quy mô và khoảng thời gian vũ trụ là nó liên quan tới một quá trình thực sự tự do của sáng tạo, với một kết quả lý tưởng, nhưng lại không cố định.

Chúng ta không cần phải đưa tình thần vào vật chất để lý giải cho sự xuất hiện sau của nó. Vật chất xuất hiện từ vụ Nổ lớn không bao chứa tinh thần. Điều đó phụ thuộc vào những quy luật quyết định luận của hóa học, vật lý và địa vật lý. Nó có khả năng tiềm tàng để phát triển hài hòa với các quy luật này, nhưng vì những quy luật quyết định luận này có thể tương tác với các quy luật khác, nên không một sản phẩm riêng biệt nào có thể được tiên liệu. Một thứ duy nhất có thể được tiên liệu với một mức độ tin cậy nhất định, đó là đôi khi ở một bộ phận nào đó của vũ trụ, cái thời gian vô tận nào đó, những quy luật ấy có thể xuất hiện trên một hành tinh để tạo dựng nền tảng cho sự xuất hiện cuộc sống. Vật chất xuất hiện đầu tiên.

Tiến hóa của vật chất là bước đi đầu tiên của quá trình vũ trụ. Giai đoạn này phụ thuộc vào những quy luật quyết định luận, nhưng sản phẩm thì lại ngẫu nhiên. Tính ngẫu nhiên nằm ở giữa sự quyết định nghiêm nhặt và sự tự do. Sau đó đời sống đã xuất hiện trên trái đất. Đời sống bản năng và thực vật tạo ra giai đoạn thứ hai cho quá trình vũ trụ. Như là một trường hợp đối với vật chất, cuộc sống được khởi đầu dưới dạng đơn giản nhất có thể của nó. Đời sống tiến hóa với sự tự do lớn hơn so với vật chất. Chúng ta mới chỉ đang phát hiện ra những quy luật của cuộc sống, nhưng chúng ta biết rằng cuộc sống cần có tự do để tiến hóa. Đó là lý do tại sao một số loài bị mắc kẹt vào cái chung cục thê thàm của tiến hóa mà bị tuyệt diệt, trong khi những loài khác vẫn có được sự lựa chọn mở. Thực tế thì một vài dạng sống tiến hóa đến giai đoạn có ý thức.

Sau đó đời sống có ý thức xuất hiện và tiếp tục tiến hóa. Từ khoảng 100.000 năm trước sự tiến hóa của Homo sapiens vận động từ lĩnh vực thể chất tới lĩnh vực văn hóa. Dạng tiến hóa này, tiến hóa văn hóa, hầu như đã được thụ hưởng tự do tổng thể. Văn hóa là loại hình tự sáng tạo rõ ràng nhất. Văn hóa tạo ra con người, và con người tạo ra các văn hóa. Cuối cùng, vào khoảng 3000 năm trước, chúng ta thấy những khởi đầu của tiến hóa tinh thần và đạo đức. Điều này trước hết xảy ra trong các văn hóa đã phát triển một nền tảng duy lý thích hợp, có thể hậu thuẫn cho một ý thức thích hợp, có thể hậu thuẫn cho một ý thức đạo đức. Trước cuộc tiến hóa này các văn hóa có các tập tục hơn là các đạo đức. Họ có những luật tắc bộ lạc nghiêm nhặt , nhưng những luật tắc này lại không phụ thuộc vào sự thách thức đạo đức.

Ý nghĩa giai đoạn đạo đức này trong tiến hóa văn hóa đã cho thấy một thực tế là tự do về phương diện tổng thể trong mối liên hệ với quy luật đạo đức. Quy luật đạo đức yêu cầu, nhưng lại có thể không ép buộc. Quy luật đạo đức nói với mọi người cái mà họ phải làm, nhưng họ lại tự do về phương diện tổng thể để có thể lựa chọn xem họ có thực hiện điều đó hay không. Giai đoạn tự do này của quá trình vũ trụ đã mở ra khả năng về một nền văn hóa đạo đức đầy đủ, nhưng nó lại không quyết định một sản phẩm như vậy. Vì vậy quá trình vũ trụ liên quan tới sự tăng cường tự sáng tạo vào địa hạt của cái thiện. Nó có thể dẫn tới việc sản sinh ra một thực thể vừa tự sáng tạo lại vừa thiện lành, và vì vậy mà đáng được Chúa yêu thương. Luận đề này được bảo vệ một cách rộng rãi trong công trình «Quá trình Vũ trụ: Thần học Triết học và Vũ trụ luận» của tôi. (1999a).

Aristotle, Teilahard de Chardin, Hartmann và Vai trò của Tự do

Nicolai Hartmann (1882 – 1950) là một nhà triết học người Latvia. Ông là một người đồng thời với Teilahard de Chardin (1881- 1955). Cả hai đều là những nhà hiện tượng luận, tức là họ đều tìm hiểu và miêu tả những hiện tượng mà họ phải đối mặt. Tuy nhiên viễn cảnh của họ trên trái đất là hoàn toàn khác nhau. Cả hai đều nghiên cứu nhân loại tính, nhưng trong khi Teilahard tìm cách định vị con người trong một góc quét rộng của nguồn gốc vũ trụ - sự tiến hóa của vũ trụ từ khởi điểm của nó – và từ một viễn cảnh tôn giáo ; thì Hartmann lại nghiên cứu con người trong những góc độ hẹp hơn, và từ một viễn cảnh vô thần luận. Mặc dù với thiên hướng ấy, nhưng Hartmann vẫn đặc biệt tập trung vào thực chất tinh thần của con người. Sydney Hook, nhà triết học xét lại Đạo đức học Hartmann đã thừa nhận rằng ông là một nhà phân tích lớn nhất, kẻ từ Aristotle, về những tư tưởng mà con người ta phải sống với nó, và vì những tư tưởng đó mà người ta sống (Stanton Coit 1932, 11). Dường như cả Hartmann lẫn Teilahard đều không biết về công trình của nhau. Tuy nhiên tinh thần công trình hiện tượng học của họ lại có những mối liên hệ gần gũi.

Bằng việc kết hợp tri thức sâu sắc của họ, chúng ta có thể coi công trình của Teilahard đã đi xa hơn một bước và thậm chí có thể coi là đã xác nhận bản chất của giai đoạn tiếp theo trong nguồn gốc vũ trụ, có thể theo cái Trí quyển kia. Những khác biệt của công trình Teilahard và Hartmann đều có nguồn gốc đầu tiên từ những viễn cảnh khác nhau của họ. Teilahard là một tu sỹ và nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu các hóa thạch và tìm hiểu cái quá trình tổng thể của vũ trụ. Hartmann là nhà triết học chỉ quan tâm mô tả một cách chính xác các kết quả tìm kiếm hiện tượng học chi tiết hơn của ông đối với bản chất của nhân loại.

Teilahard nghiên cứu ý nghĩa của các hóa thạch, nhưng Hartmann lại từ chối các nghiên cứu quan tâm tới bất kỳ một kết luận nào có thể được rút ra từ những kết quả nghiên cứu của ông về nhân loại tính. Từ những tìm kiếm hiện tượng học của mình, Hartmann đã phát hiện ra một bản thể luận mới, một cách miêu tả và phân loại mới cái thực tại mà ông phải đối mặt. Bản thể luận của ông đã giúp ông xác định bản chất của tinh thần và hành động của tinh thần liên quan tới tồn tạo của phần thế giới còn lại [Hartmann 1953, 13-24]. Hartmann phân thành 4 tầng tồn tại : vật lý, sinh học hoặc hữu cơ, ý thức hoặc tâm lý và tinh thần. Về 4 tầng tồn tại này, tầng bản thể thấp nhất là vật lý, phụ thuộc vào các quy luật vật lý và hóa học. Tầng này hậu thuẫn cho tầng hữu cơ, cũng phụ thuộc vào cùng các quy luật ấy, giống như tầng vật lý vậy, nhưng thêm vào đó có những quy luật sinh học riêng của mình không thể quy giản vào các quy luật vật lý. 

Tiếp theo là tầng ý thức hoặc tâm lý, đến lượt mình, nó lại được hậu thuẫn bởi tầng hữu cơ. Tầng tâm lý này, ở một mức độ nào đó phụ thuộc vào các quy luật áp dụng cho tầng hữu cơ, những những quy luật này không hoàn toàn thống trị nó, vì nó có những quy luật riêng, như trong những quy luật logic vậy. Tầng cao nhất là tinh thần đến lượt mình được hậu thuẫn bởi đời sống tâm lý và các quy luật áp dụng cho tầng đó, nhưng nó không bị thống trị bởi các quy luật ấy, vì nó cũng có những quy luật tự trị riêng, như trong luật đạo đức vậy. Đối với Hartmann, tinh thần là riêng có ở con người trong tồn tại người, ngược lại với các thuộc tính tâm lý hoặc ý thức, và vật chất hữu cơ cá nhân khác. Giới hạn thông thường tinh thần người vào lý trí theo quan điểm của ông đã coi nhẹ cái khía cạnh tích cực của đời sống tin thần tự thể hiện trong thiện chí của con người, trong hành động và phản động, yêu và ghét, và trong việc tìm hiểu, tư duy và phản ánh [Werkmeister 1990, 157].

Hartmann cũng chỉ ra rằng con người cá nhân phát triển thành một quyển tinh thần chung nhiều hơn tổng số các cá nhân mà nó bao gồm, một quyển tinh thần khách thể hoặc mang tính lịch sử. Đây là lĩnh vực văn hóa người. Dạng tinh thần thứ hai, tinh thần khách thể có một lịch sử. Đó là tinh thần của một nhóm, một cộng đồng, một quốc gia, tồn tại và biến mất cùng với nhóm. Lĩnh vực tinh thần chung này là cơ sở cho một văn hóa người. Tinh thần trong nhãn kiến của Hartmann tồn tại trong những thành tựu của nó. Đó là sự tìm kiếm và phát hiện liên tục những cách tự thể hiện mới và luôn luôn sáng tạo trong suốt một quá trình [Werkmeister 1990, 159-60].

Con người cá nhân là một nhân tố sáng tạo trong thế giới, trong một quá trình mà con người sáng tạo và được sáng tạo ra. Ý thức tinh thần của con người, tạo ra tri thức dự báo của nó đối với Hartmann là «điểm Archimed» để rồi từ đó tinh thần làm cho thế giới vận động. Ông cho rằng tinh thần là thiết yếu đối với con người, và tính ưu thắng của tinh thần thể hiện rõ trong quyền năng dẫn dắt của con người đối với các lực lượng tự nhiên, trong khả năng kiến tạo mục đích và chọn lựa phương tiện để hiện thực hóa nó. Các lực lượng tự nhiên, Hartmann kiên trì, không thể chống lại hành động của tinh thần chừng nào con người hiểu được các lực lượng đó và tôn trọng cái bản chất của chúng. Đó là tính ưu thắng của tinh thần tạo điều kiện cho con người tiến hành những hành động có mục đích [Werkmeister 1990, 165-68].

Tinh thần là tầng cao nhất của tồn tại. Hartmann cho rằng nếu các phạm trù của một tầng đem áp dụng mà không xem xét cẩn thận vào các tầng thấp hơn hoặc cao hơn thì thế giới có thể bị đơn giản hóa thành tư tưởng, nhưng bức tranh thế giới tổng thể lại có thể trở nên lệch lạc. Thông qua phân tích của mình, ông đã sắp xếp thành 4 tầng bản thể của thực tại [Hartmann 1953, 28]. Ông phát hiện ra rằng mỗi tầng trong số 4 tầng trên đều có những phạm trù bản thể độc hữu của nó. Không ở đâu các phạm trù này lại trùng hợp một cách đơn giản với pahmj trù của các tầng khác. Đó là sự khác biệt giữa các phạm trù bản thể luận thống trị trong mỗi tầng, nó phân biệt các tầng với nhau [Hartmann 1953, 47]. Ông cho rằng một dạng bản thể thấp hơn có thể không tạo ra một sự tăng tiến thành một dạng xuất hiện cao hơn, trừ phi nó đã bao gồm những phạm trù của tầng cao hơn. Dạng cao hơn cũng không thể tiến hóa vượt khỏi dạng thấp hơn trừ phi những phạm trù cao nhất đã được gồm chứa trong những dạng thấp nhất [Hartmann 1953, 110]. Nghiên cứu của ông loại trừ khả năng tinh thần được chứa đựng trong vật chất.

Hartmann phân biệt 4 tầng bản thể của ông khỏi các lớp câu trúc thực tại trên thế giới. Đó là một đặc trưng của các tầng bản thể luận của thực tại, mà chúng không trùng hợp với các lớp cấu trúc thực tại chẳng hạn như các khác thể vô sinh, các cơ thể sống, hoặc con người, nhưng lại cắt qua tất cả các khách thể đó. Con người chẳng hạn, không phải chỉ là một tinh thần , nó còn có một đời sống ý thức phi tinh thần. Nó cũng là một cơ thể sống và một cấu trúc vật chất. Về mặt bản thể luận một cái cây bao gồm hai tầng, nhưng con người lại gồm tất cả 4 tầng thế giới. Hartmann nhấn mạnh tới tầm quan trọng của tự do. Ông kiên trì cho rằng những khía cạnh mới của bất cứ một tầng nổi cao hơn nào cũng hoàn toàn tự do trong mối liên hệ với tầng thấp hơn, mặc dù phụ thuộc vào nó. Tính chất tự trị của tầng cao hơn là kết quả sự xuất hiện những phạm trù cao hơn, không thấy ở những tầng mà từ đó nó xuất hiện. Dù có tính tự trị này, nhưng ông vẫn thừa nhận rằng tất cả những tầng cao hơn đều phụ thuộc vào những tầng thấp hơn vì sự tồn tại của chúng. Cái thế giới đầy sinh khí tồn tại dưới nhiều dạng trước khi xuất hiện ý thức và ý thức đã tồn tại trong những con người đầu tiên, ông thừa nhận «thông qua toàn bộ các giai đoạn địa chất mà không hề có niềm khoái lạc tinh thần» [Hartmann 1953, 85, 91]. Tinh thần xuất hiện sau. Teilhard de Chardin cũng thừa nhận mức độ tăng lên của tự do trong suốt những giai đoạn xuất hiện, khi ông lưu ý rằng: «tính chất phức tạp (và mức độ tập trung xuất hiện từ đó) đã làm tăng tiến tự do [Teilhard de Chardin 1974, 43].

Khi thừa nhận rằng những tầng cao hơn phụ thuộc vào những tầng thấp hơn vì sự tồn tại của mình, Hartmann cũng đã đưa ra một quy luật về tự do nhờ vào đó mà tầng cao hơn duy trì được sự độc lập và tự do của nó. Nơi nào không có sự xuất hiện của cái mới, theo Hartmann, thì có thể không có tự do. Ông chỉ ra rằng tự do xuất hiện ở bất cứ nơi nào mà cái mới mang tính chất phạm trù xuất hiện. Mỗi quyết định cao hơn tự nâng mình lên cao hơn cái quyết định thấp, cũng là tự do. Trong một thế giới chỉ gồm có một tầng, Hartmann cho rằng tự do sẽ là một điều không thể có được. Trong cái thế giới ấy chỉ có một kiểu quyết định thống trị tất cả [Hartmann 1953, 128]. Cơ thể sống thể hiện tính tự trị trong mối liên hệ với các quy luật tự nhiên vật chất, còn động vật có ý thức trong mối liên hệ với loại cơ thể sống bản năng và con người tinh thần trong mối liên hệ với các tổ tiên không có tinh thần của nó. Mỗi cố gắng nghiêm túc để định giá tự do chống lại quyết định luận, trong một thế giới không được thừa nhận là phân tầng thì đều thất bại [Hartmann 1953, 124 - 127].

Về vấn đề xuất hiện, ông chỉ ra rằng các phạm trù đời sống hữu cơ, sự trao đổi chất, đồngg hóa, tự điều chỉnh, tự sinh sản, v.v…tất cả đều phải cùng xuất hiện với nhau. Những loài sinh vật cơ bản nhất không thể tự duy trì nếu như một trong ba chức năng cơ bản này biến mất. Đó chính là sự kiện tạo nên khoảng cách định lượng giữa tầng xuất hiện cao hơn và tầng xuất hiện thấp hơn. Các phạm trù củ bất cứ tầng bản thể nào cũng tạo thành một tổng thể tự dung chứa. Sự xuất hiện của một phạm trù như vậy nhất thiết liên quan tới sự xuất hiện của toàn bộ những phạm trù khác [Hartmann 1953, 108].

Sự khác biệt quan trong nhất giữa Hartmann và Teilhard là ở cái cách hiểu về sự chuyển tiếp từ giai đoạn này, hoặc tầng tồn tại này sang giai đoạn khác, hoặc tầng tồn tại khác, như trong sự chuyển tiếp từ vật chất thành đời sống chẳng hạn. Hartmann cho rằng một dạng bản thể thấp hơn không thể phát triển thành một dạng xuất hiện cao hơn, và dạng cao hơn cũng không thể tiến hóa vượt khỏi dạng thấp hơn [Hartmann 1953, 10]. Mặt khác, Teilhard lại phản đối bất cứ phân tách nào giữa các dạng vô cơ và hữu cơ. Đối với ông, vật chất và tinh thần chỉ là những khía cạnh khác nhau của cùng một chất vũ trụ, và tiến hóa chỉ đơn giản là «tinh thần hóa tiến bộ của vật chất» mà thôi [Allison 1995, 790].

Đối với Teilhard toàn bộ vấn đề tinh thần và vật chất đã tồn tại ngay từ đầu, trong trạng thái phôi thai. Chỉ có một hành động sáng tạo duy nhất của Chúa vẫn đang diễn ra và sẽ liên tục diễn ra. Không có sự can thiệp đặc biệt nào của Chúa, vì «Một sáng tạo sẽ không thể tưởng tượng nổi nếu không có bàn tay của Chúa, thậm chí ngay cả trong giai đoạn ngắn nhất của quá trình này, cũng không cần bất cứ một sự can thiệp nào» [Kopp 1964, 42-43]. Một quan niệm như vậy phản ánh khái niệm Chúa thực hiện sự kiểm soát đối với toàn thế giới, mà thực ra thì là một sự can thiệp vĩnh hằng. Quan điểm của Teilhard là thuộc vấn đề niềm tin chứ không phải là khoa học. Trong khi ông là một người phê phán lối nhìn tĩnh tại về thế giới, và là một người biện hộ cho một lối nhìn động về thế giới, thì ông lại phủ nhận thái độ này bằng cách chập nhận lập trường lòng tin về cơ bản dựa trên một thế giới quan tĩnh tại.

Khi những người Thiên chúa giáo đầu tiên chấp nhận một thế giới quan tĩnh, thì họ chỉ đơn giản phản ánh một cái nhìn phổ quát và về cơ bản vẫn không bị thách thức cho đến khi xuất hiện cuộc cách mạng khoa học. Có một mâu thuẫn cố hữu trong việc Teilhard duy trì lập trường niềm tin dựa vào một thế giới quan tĩnh như vậy trong khi ông lại biện hộ cho nguồn gốc vũ trụ luận. Như ông nói, chính khái niệm nguồn gốc vũ trụ là « trái ngược với khái niệm cổ đại và trung cổ về một vũ trụ tĩnh tại» [Teilhard 1974, 18]. Niềm tin này xuất hiện khi Thiên chúa giáo chấp nhận nhãn quan Do Thái về vai trò sáng tạo củ Chúa mà những người Do Thái đã tiếp thu từ Lưỡng Hà cổ đại. Lối nhìn này không chỉ cho rằng Chúa sáng tạo ra tất cả, mà nó còn cho rằng Chúa trông nom toàn bộ vũ trụ, thực thi việc kiểm soát với hết thảy [Kelley 1960, 83]. Sự kiểm soát này khiến Chúa phải chịu trách nhiệm về nạn tàn sát người Do Thái thời Hitler. Đó cũng chính là khởi nguồn cho vấn đề cái ác.

Các nhóm Thiên chúa giáo ngay từ đầu đã cảm thấy học thuyết của Darwin là một sự công kích vào chính trung tâm triết học của họ. Họ thấy có nghĩa vụ phải bảo vệ không chỉ nội dung thần học Mosei về sáng tạo, mà họ còn «đấu tranh một cách tàn khốc cho cái lý thuyết tĩnh tại về nguồn gốc cuộc sống mà trong đó tác giả bản địa của cuốn Sáng Thế ký đã gửi trọn những tuyên ngôn thần học của mình vào đó» [Kopp 1964, 14-15]. Khi đã bắt dầu nhận ra rằng con người đã tiến hóa, phản ứng đầu tiên của họ là sợ hãi. Trước đây họ đã sắp xếp và phân loại mọi thứ sao cho đẹp đẽ và vĩnh hằng trong cái thế giới tĩnh tại của mình, họ tự cảm thấy ở trong cái thế giới đó như là ở trong nhà của mình. Và sau đó họ nhận ra rằng tất cả những điều đó chỉ là ảo tưởng [Kopp 1964, 48].

Hartmann chấp nhận một lập trường dựa trên các chứng cớ hơn là dựa vào lòng tin. Cách tiếp cận khoa học hơn của ông đã bảo với ông rằng không có một sự phát triển không thể tránh khỏi từ tầng này tới tầng khác của thực tại. Ông không cố giải thích những phát hiện trong nghiên cứu hiện tượng học của mình. Tuy nhiên những phát hiện này rõ ràng đã ủng hộ cho thuyết sinh thành vũ trụ như là một sự tiến hóa của vũ trụ, đồng thời họ cũng phản đối bất kỳ một sự chuyển tiếp tự động nào từ tầng thực tại này đến tầng thực tại khác thông qua những cái ngưỡng của Teilhard.  
  
Teilhard bác bỏ bất cứ sự can thiệp nào của Chúa vào quá trình sinh thành vũ trụ là dựa trên niềm tin của ông cho rằng Chúa đã vĩnh hằng can thiệp vào «thậm chí ngay cả ở một quá trình ngắn ngủi nhất của thế giới. Ở đâu đó tôi cũng đã cho rằng niềm tin này là không có cơ sở» [Kelley 1999B]. Teilhard cũng thừa nhận sự tăng trưởng của tự do trong suốt những giai đoạn xuất hiện, khi lưu ý rằng sự tăng tiến của tính chất phức tạp đã gắn liền với sự tăng tiến của tự do. Những nghiên cứu chi tiết hơn của Hartmann cho thấy tự do tăng lên từ tầng này đến tầng kia. Tự do bắt đầu khi các quy luật quyết định của tầng vật lý thừa nhận cái ngẫu nhiên. Nó tăng lên với một mức độ tự do lớn hơn trong giai đoạn sinh học để tiến hóa, ngay cả với mức độ tự do lớn hơn của giai đoạn ý thức. Tự do đạt tới đỉnh điểm với sự tự do hoàn toàn của giai đoạn tinh thần con người trong mối liên hệ với quy luật của giai đoạn đó, quy luật đạo đức.

Phân tích của Hartmann giúp cho chúng ta có thể thấy rằng chỉ có một cách lý giải khả hữu cho hiện tượng Xuất hiện, bước khởi đầu của những tầng thực thể mới, xuất hiện đột ngột trên các tầng sớm. Chúng phải được khởi động ngoại sinh. Điều đó phù hợp với bước khởi đầu nhất thiết là ngoại sinh của Vụ nổ lớn, là hợp lực của cái xuất hiện đầu tiên. Ở một số chỗ khác, tôi cũng đã cho rằng một thần học tự nhiên Hậu-Copernic đã cho thấy Vũ trụ là một quá trình hướng tới tự sáng tạo khả hữu một thực thể giống với Chúa [Kelley 1999b]. Điều đó cho thấy rằng giai đoạn sinh thành vũ trụ kế tiếp Trí quyển có thể con người sẽ sáng tạo một Đức quyển, thuộc về một cộng đồng thuần đạo đức của toàn bộ nhân loại.  
_________________________________________________

Tác giả: Anthony Kelly, nhà triết học, tiến sỹ Thần học người Australia, thỉnh giảng viên Thần học Đại học Flinders.


Tài liệu dẫn

Allison David 1995. Teilhard de Chardin, in the Cambridge Dictionary of Philosophy.
Coit Stanton 1932. Translator's preface to Hartmann's Ethics (see below).
Hartmann Nicolai 1932. Ethics London, Geo. Allen & Unwin
Hartmann Nicolai 1953. New Ways of Ontology Chicago, Henry Regnery Co.
Kelly Anthony B. 1999a. The Process of the Cosmos USA.
Kelly Anthony B. 1999b. Rethinking Christianity in Quodlibet, July 1999.
Kelly J.N.D. 1960. Early Christian Doctrines London, Adam & Charles Black.
Kopp Joseph V. 1964. Teilhard de Chardin Explained Cork, Mercier Press
Teilhard de Chardin 1974. Let Me Explain London, Fontana.
Werkmeister W.H. 1990. Nicolai Hartmann's New Ontology Tallahassee, Florida State University Press.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét