Powered By Blogger

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Việt Nam trước những tấm gương (III)*


Việt Nam trước những tấm gương (III)*

Hà Hữu Nga


Tính cách Việt

Ngày nay Việt Nam đang hướng tới tương lai của sự phát triển trong một bối cảnh chưa từng có suốt chiều dài lịch sử của mình. Có lẽ chưa bao giờ mọi thế hệ người Việt Nam lại nhìn thấy tương lai rõ ràng và vững chắc như bây giờ. Có rất nhiều lý do cho lòng tin đó. Đó có thể là sự từng trải qua những tháng năm chiến tranh khốc liệt. Đó có thể là những thử nghiệm xã hội để bước vào tuổi trưởng thành. Đó có thể là những va chạm, những xung đột, những hòa giải đã được nhận chân. Đó có thể là sự nghi kỵ và lòng tin đã được kiểm nghiệm. Và trên tất cả những cái đó, là quyền được lựa chọn tương lai của một dân tộc. Điều đó cũng có nghĩa là Việt Nam đang đứng giữa Quá khứ và Tương lai. Hiện tại là một [ranh giới]**, nên quá khứ và tương lai quá gần gũi. Chỉ một bước thôi là lùi về quá khứ. Và cũng chỉ một bước thôi là bước vào tương lai. Vì vậy để hướng tới tương lai đó, người Việt buộc phải nhìn nhận lại mình một cách thấu đáo, kể cả những điều sâu kín nhất trong tâm hồn nó.

Hơn nữa, nhu cầu phát triển của Việt Nam đang mở ra cho nó những phạm vi quan hệ rộng lớn hơn bao giờ hết. Các nghiên cứu nghiêm túc về tính cách Việt trong bối cảnh mới sẽ góp phần giúp cho các cộng đồng khác hiểu biết người Việt nhiều hơn, nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, quan hệ và cả sự cảm thông. Không chỉ có thế, vươn tới tương lai cũng có nghĩa là vươn tới một tổ chức xã hội tốt hơn, hiệu quả hơn. Định hướng cho sự phát triển xã hội Việt Nam, vì thế mà không thể không dựa trên cơ sở hiểu biết thấu đáo tính cách dân tộc.

Nhưng trước hết, cần phải nhìn nhận lại khái niệm “tính cách dân tộc” theo một cách thức có tính chất nguyên tắc nào đó. Về phương diện xã hội, một dân tộc là một cộng đồng xã hội mà đơn vị cơ sở của nó là cá nhân. Như vậy là về phương diện nhận thức luận, chúng ta có thể nhìn nhận tính cách một dân tộc trong mối tương tác giữa cá nhân và cộng đồng dân tộc đó. Tính cách dân tộc nằm trong trường tương tác đó. Đường hướng vận động của mối tương tác đó chính là đường hướng vận động chủ yếu của tính cách một dân tộc.

Đương nhiên, không phải trong suốt chiều dài lịch sử của mỗi dân tộc, bao giờ vai trò của cá nhân cũng thể hiện như là một tế bào cơ sở của dân tộc đó về phương diện xã hội. Mỗi cộng đồng người, đặc biệt là mỗi dân tộc có những cấu trúc xã hội đặc thù. Cấu trúc đặc thù đó bao giờ cũng đòi hỏi một loại tế bào cơ sở đặc thù. Về phương diện sinh học, không ai có thể phủ nhận rằng cá nhân là một tế bào cơ sở của một quần thể, nhưng về phương diện xã hội vấn đề lại không đơn giản như vậy. Cá nhân có thể bị hòa tan trong quan hệ nhóm, trong gia đình, dòng họ, phe giáp, đoàn hội rồi từ đó mới có một cấu trúc xã hội rộng lớn hơn, đó là cộng đồng, là dân tộc. Trong bối cảnh đó mối quan hệ giữa một cá nhân và cộng đồng dân tộc mình sẽ bị khúc xạ qua rất nhiều lăng kính. Và ở đây việc nhìn nhận trực tiếp mối quan hệ đó sẽ trở nên khó khăn, phức tạp và không mấy hiệu quả, nếu không nói là đôi khi sẽ phạm cả sai lầm nữa. Ở đây mối quan hệ giữa cá nhân và dân tộc thể hiện trong mối quan hệ cá nhân và nhà nước – không hoàn toàn là mối quan hệ trực tiếp – đương nhiên là thông qua luật pháp thì có nghĩa là các cá nhân đó sẽ có đại diện của mình là một nhóm người, một cấu trúc cộng đồng nào đó trong mối quan hệ với nhà nước trong tư cách là đại diện của cả cộng đồng dân tộc. Các liên kết nhóm truyền thống và tự nhiên không hoàn toàn dựa trên nền tảng luật pháp như vậy chính là mảnh đất của lề thói, phong tục, lệ.

Như vậy là nhà nước luôn có khuynh hướng muốn thiết lập mối quan hệ trực tiếp với từng cá nhân, chi phối từng cá nhân bằng luật pháp, nhưng các cấu trúc nhóm tự nhiên và cổ truyền lại có khuynh hướng hòa tan cá nhân vào trong lòng nó, gián tiếp hóa mối quan hệ giữa cá nhân và nhà nước bằng phong tục và tập quán. Trong điều kiện bình thường, đây là một cuộc đấu tranh không kém phần cam go giữa ý chí của nhà nước và sức mạnh thực tế của tập quán. Trong điều kiện chiến tranh chống ngoại xâm luôn có sự nhân nhượng và lúc đó ý chí toàn dân tộc, thông qua thiết chế nhà nước của nó luôn chiếm ưu thế.

Tuy nhiên ý chí của nhà nước không phải bao giờ cũng đồng nghĩa với sức mạnh thực tế của nó. Chính vì thế lịch sử các nhà nước đều cho thấy một sự nhân nhượng nào đó với các phong tục tập quán đã thành. Sự nhân nhượng đó ẩn giấu sau rất nhiều màu sắc, hình thức cai trị, nó đóng góp vô vàn kinh nghiệm cho kho tàng lịch sử nhà nước của nhân loại. Ở Việt Nam sự nhân nhượng đó đã được đúc kết thành một công thức: “phép vua thua lệ làng”. Thực tế đó chi phối mạnh mẽ tâm hồn, tính cách Việt, đến lượt mình, tính cách Việt cũng lại đóng góp rất nhiều cho việc kéo co giữa làng và nước ấy. Chính công thức đó cũng cho chúng ta thấy rằng lịch sử quan hệ giữa tế bào xã hội Việt với nhà nước chính là lịch sử quan hệ giữa làng và nước chứ không phải là cá nhân và nhà nước. Nhưng trước khi làm sáng tỏ thêm mối quan hệ đó, chúng ta trước hết cần khám phá thêm một bí ẩn rất giản đơn trong tâm hồn Việt thể hiện qua một giấc mơ tập thể vĩ đại của nó.      

Giấc mơ cộng đồng

Đề mục trên không có chút gì là hài hước hoặc thiếu nghiêm túc đối với một công trình nghiên cứu tính cách dân tộc cả. Ngược lại nó đã được gợi ý từ những công trình của một trong những con người vĩ đại nhất, sống ở ranh giới giữa thế kỷ XIX và thế kỷ XX, đó là bác sỹ Sigmund Freud và các học trò của ông. Các công trình nghiên cứu của các ông đã cho thấy, giống như mỗi cá nhân, mỗi dân tộc cũng có những chiều sâu tiềm thức của nó. Giấc mơ là một trong những phương cách khơi dậy các chiều sâu tiềm thức đó. Tất nhiên, trong quan niệm phân tâm học, khái niệm giấc mơ phải được hiểu một cách rộng rãi, chứ không phải chỉ đơn thuần là giấc mơ sinh học trong khi ngủ. Đối với những dân tộc có lịch sử lâu đời thì có lẽ giấc mơ đầu tiên thể hiện qua hệ thống huyền thoại lý giải sự sinh thành của nó. Về một mặt nào đấy, giấc mơ loại đó là một cách tái nhìn nhận, kiểm soát và định hướng cho tính cách của một dân tộc và trên hết, nó biểu hiện sự trưởng thành của ý thức và tính cách dân tộc. Đối với những dân tộc có những giấc mơ cộng đồng như vậy thì người ta có thể tìm thấy điều bí ẩn sâu kín trong tâm hồn dân tộc từ chính những giấc mơ đó.

Có lẽ với hầu hết người Việt Nam câu chuyện về Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở thành một trăm con trai, là tổ của Bách Việt đã trở thành một phần máu thịt trong tâm hồn Việt. Người ta tin vào câu chuyện đó trong phần hồn của nó. Ở một vùng đất kẹt giữa hai nền văn hóa lớn Ấn – Hoa đầy loạn ly và bất chắc này, người ta cần phải có một lòng tin. May thay, đó không phải là một niềm tin tôn giáo thoát ly hoàn toàn với thực tế, không thể kiểm nghiệm. Đó là một niềm tin nhân sinh mà người ta có thể thực hành hàng ngày trong quan hệ với xóm giềng. Đó chính là sợi dây tâm linh bền vững gắn kết cộng đồng qua những cơn thử thách một mất một còn với thiên tai và địch họa. Niềm tin ấy trở thành phổ biến trong bản chất nhị phân của nó. Nó hòa hợp bởi các mặt đối lập tương hỗ rất dễ nhận ra như đực và cái, như tối và sáng, như đêm và ngày…vv. Tất cả những cặp đó đối lập với nhau, nhưng không bài trừ nhau, mà nương vào nhau để tồn tại. Nhìn từ khía cạnh triết học, mối quan hệ lưỡng thế ấy rõ ràng thiên về khả năng duy và hòa. Chính duy trì và hòa hợp là những tính cách rõ nét của dân Việt. Do không thiên về bài trừ nên nó cũng ít khả năng vận động và biến đổi – cái mà ta vẫn gọi là sự chuyển hóa giữa các mặt đối lập. Từ phương diện xã hội học, lưỡng thế ấy mang đậm mầu sắc của một sự dàn xếp và thỏa thuận, mong sao cho mọi thứ đều được bình ổn. Ta hãy xem sau đây, cuộc phân ly đầu tiên trong tâm thức mỗi người dân Việt về tổ tiên Rồng – Tiên của mình:

“ Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm, con của Kinh Dương Vương. Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách việt. Một hôm vua bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về miền nam (có bản chép là về Nam Hải), phong con trưởng là Hùng Vương, nối ngôi vua” [ĐVSKTT 1983, 116-117].   

Chúng ta dễ dàng hình dung ra rằng cuộc phân ly đầu tiên, cái ý niệm lưỡng phân đầu tiên phổ biến trong lịch sử nhân loại được diễn đạt bằng vô vàn hình dạng ngôn ngữ biểu tượng trong rất nhiều cộng đồng người, không đến nỗi thô sơ như nhiều nhà tiền sử học vẫn nghĩ rằng đó là kết quả quan sát sự giao hợp giữa thú đực và thú cái bởi những cư dân chăn nuôi đã có những đàn gia súc được thuần dưỡng. Có thể chấp nhận một điều là khi ngôn ngữ, đặc biệt là chữ viết chưa phát triển thì người ta chưa thể có một hệ thống các khái niệm để diễn đạt tư duy trừu tượng. Và khi ấy, sự so sánh – là bản chất của sự quan sát mang tính phân loại – của con người đã giúp họ mượn các hình tượng cụ thể để biểu đạt cái trừu tượng. Ngôn ngữ tượng trưng đã ra đời trong bối cảnh đó. Và cũng chính trong bối cảnh đó mà ngôn ngữ đã hàm chứa một lưỡng thế mang đầy ý nghĩa. Đó là thời một đi không trở lại trong lịch sử tư duy phổ quát của nhân loại. Hơn bao giờ hết, đó là một thời mà mọi khía cạnh của tư duy, dù cụ thể tới đâu, cũng đều được gắn với cái phổ biến, nâng lên thành cái phổ biến. Tất nhiên đó không phải đơn giản là do ý chí của những nhà tư tưởng từng trải đầy kinh nghiệm tư duy, mà đó trước hết là do đặc trưng nhận thức luận của một thời, mà ở đó đối tượng nhận thức không bị phân cắt và công cụ biểu đạt không bị khuôn cứng vào các khái niệm. Đó là một thời duy nhất mà ở đó tư duy và biểu đạt tư duy thông qua các biểu tượng là đồng nghĩa với biện chứng. Biện chứng có thể được hiểu rất đơn giản là vận động và biến đổi. Tự nhiên đồng nghĩa với vận động và biến đổi, vì thế cũng có thể nói rằng biện chứng là bản chất của tự nhiên.

Trong thời đại của sự phân ly đầu tiên giữa con người và tự nhiên, tư duy luôn mang tính phổ quát, bởi vì lúc đó cái hố ngăn cách giữa con người và tự nhiên không quá sâu – cái hố đó chính là những hệ thống khái niệm được phân cắt rạch ròi. Ở đây, khái niệm “[cuộc] phân ly” đầu tiên được hiểu […] là khi con người đã có một cuộc sống định cư bằng cuộc cách mạng nông nghiệp, nó bắt đầu nhận thức rõ ràng ranh giới giữa nó và tự nhiên bằng cách tái tạo lại tự nhiên thông qua quá trình sản xuất. Mặt khác, khi con người nhận ra sự ngăn cách giữa nó và tự nhiên, cũng là khi con người nghe được tiếng gọi trở về thôi thúc của tự nhiên. Bởi vì từ bản chất của mình, con người cũng là một bộ phận của tự nhiên. Và ở đây, tiềm thức lên tiếng thông qua giấc mơ chung của cộng đồng. Đó là huyền thoại.

Có thể coi huyền thoại là nhịp cầu nối giữa cái hố ngăn cách con người và tự nhiên. Thông qua huyền thoại, tự nhiên luôn hiện lên như là đấng sinh thành, là cha mẹ của con người. Nhưng mỗi dân tộc lại mang trong giấc mơ của mình những hình bóng rất khác nhau về lực lượng sáng tạo. Trong giấc mơ của cộng đồng Việt không có hệ thống các thần, không có hình bóng của đấng tối cao – là cơ sở cho một tôn giáo. Lực lượng sáng tạo ra cộng đồng Việt, trong tiềm thức của họ, không cách xa bao nhiêu so với cái hàng ngày. Ở đó có một cốt lõi hiện thực, đó là một người đàn ông trong vai người cha – đồng nghĩa với người trị vì đất nước là Lạc Long Quân. Một người đàn bà trong vai người mẹ - mà vai trò không kém gì người cha, đã được chia đôi giang sơn với người cha, đó là bà Âu Cơ. Đó đúng là hình mẫu gia đình Việt lý tưởng đảm bảo cho cuộc sống tránh được mọi điểu rủi ro, bất chắc hay phiền tạp.

Ở đây chỉ có một yếu tố phi thường duy nhất, đó là truyện về cái bọc trăm trứng, nguyên ủy của chữ “đồng bào” mà khi cần thiết, người Việt có thể dùng để nói với nhau. Nhưng điều phi thường ấy không đẩy tới thành một yếu tố hàm chứa khả năng tôn giáo, bởi vì cái mà hình tượng tượng trưng đó chứa đựng thì lại rất đỗi bình thường, rất đỗi hàng ngày, đó chính là tình [anh em]. Ý niệm về một cha mẹ chung, một thân phận nguyên ủy bình đẳng chính là sợi dây tinh thần của một kiểu xã hội gia đình chứ không phải là một xã hội công dân. Trong tâm linh của người Việt, sợi dây giàng buộc người ta với nhau thành một cộng đồng, thành một dân tộc, thành một xã hội chính là cái sợi dây được dệt thành từ chất liệu quan hệ gia đình. Đó chính là sự bảo lưu một mối quan hệ phổ biến trong các xã hội tiền sử - mối quan hệ thị tộc. Có lẽ khác với rất nhiều nền văn minh lớn, nơi mà các dân tộc, các quốc gia được hình thành chủ yếu từ những cuộc chinh phục, cướp bóc của cải, đất đai và nô dịch kẻ bại trận, dân tộc Việt cổ đại đã hình thành dần dần bởi những thị tộc – các gia đình lớn, từng nhóm, từng nhóm một từ các vùng núi và trung du kế tiếp nhau khai phá các miền châu thổ, mà trên hết là vùng châu thổ sông Hồng.

Khác với những người dân du mục thảo nguyên, mà với họ, chiếm cư đồng nghĩa với cướp bóc, những thị tộc hái lượm, thủy tổ của người Việt bận tâm trước hết trong việc cư chiếm một vùng đất mới là thiết lập các mối quan hệ. Đầu tiên, đó phải là mối quan hệ với môi trường tự nhiên xung quanh. Môi trường khai thác của cư dân hái lượm ở khu vực này là vô cùng phong phú và đa tạp. Và họ cũng đã có sẵn vô vàn kinh nghiệm trong việc cư xử với tự nhiên theo cung cách đó. Tất nhiên sau đó là những mối quan hệ xã hội, có nghĩa là các mối quan hệ với những thị tộc khác, các nhóm người khác. Có nhiều lý do buộc họ phải thiết lập các mối quan hệ bền vững giữa những nhóm người với nhau. Việc khai phá đồng bằng với sự phát triển tinh xảo của kỹ thuật chế tác đá, đồ gốm, [luyện kim] buộc các nhóm người phải tiến hành trao đổi sản phẩm với nhau. Sự phát triển của nông nghiệp đòi hỏi người ta phải chung sức trong các công trình thủy lợi và khai phá tự nhiên. Cuối cùng, trên tất cả những cái đó là nguy cơ xâm lược và bành trướng từ các quốc gia láng giềng phía Bắc buộc người ta phải đoàn tụ lại với nhau để đối phó.

Người Việt cổ, mà cơ sở xã hội của [họ] là các thị tộc – gia đình lớn, không có trong kho tàng kinh nghiệm quan hệ xã hội của nó bất cứ cái gì khác ngoài kinh nghiệm của các mối quan hệ gia đình. Chính vì thế khi phải liên kết với nhau thành xã hội rộng lớn hơn, người ta đã sử dụng cái nguyên liệu quan hệ duy nhất là gia đình ấy. Mô hình quan hệ thị tộc đã được phóng to lên cho đủ kích cỡ một cộng đồng lớn, một dân tộc. Đương nhiên lúc đó thủ lĩnh cộng đồng hay người cai trị quốc gia mang một hình bóng kép. Ông ta vừa phải đóng vai một người cha của thị tộc – gia đình lớn – quốc gia, vừa phải làm nhiệm vụ của một người cai trị thuần túy. Giai đoạn này chính là thời của huyền thoại. Chỉ có huyền thoại – trong một xã hội chưa có chữ viết, chưa có các phương tiện truyền thông đại chúng – mới thực hiện được nhiệm vụ này bằng lối truyền miệng, bằng sự thêm thắt tự do phóng túng nhất của trí tuệ đại chúng để thỏa mãn khát vọng tinh thần của chính họ. Đó chính là giai đoạn người Việt cổ thoát thai khỏi các mối quan hệ thị tộc nguyên thủy trong cuộc sống tạm thời, di động lang thang kiếm ăn theo mùa, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, để định cư, khai phá đồng bằng với cuộc sống làm nông, thành lập các công xã nông thôn. “Đó là sự kết hợp của các tiểu gia đình trong một khu vực nhất định. Đây là chỗ khác của công xã nông thôn so với công xã thị tộc. Nói khác đi, nếu các thành viên trong thị tộc đều có quan hệ huyết thống với nhau thì các thành viên trong công xã nông thôn không phải đều có quan hệ huyết thống với nhau. Lấy khu vực chứ không phải mối liên hệ huyết thống làm cơ sở kết hợp, đó là đặc trưng của công xã nông thôn về mặt xã hội” [Nguyễn Hồng Phong 1963, 120].

Quá trình hình thành các công xã nông thôn ở Việt Nam gắn liền với quá trình khai phá đồng bằng. Đó cũng chính là quá trình hình thành cộng đồng Việt bền vững, để rồi trở thành dân tộc. Ý thức cộng đồng thể hiện qua huyền thoại Lạc Long Quân – Âu Cơ chính là một giấc mơ cộng đồng. Có thể có nhiều cách hiểu và lý giải về bản chất của giấc mơ, nhưng từ góc độ điều khiển học và tin học, có thể nhìn nhận giấc mơ là một phương thức phản hồi thông tin và thực hiện chức năng tái điều chỉnh hệ thống. Chỉ đơn thuần từ góc độ sinh học thôi chúng ta cũng có thể nói rằng nếu không có những giấc mơ thì có lẽ con người sẽ không còn là chính nó nữa. Một lần nữa phải nhắc lại rằng giấc mơ ở đây được hiểu theo nghĩa rộng trong đó phần nào hàm cả nghĩa ước mơ. Trong giấc mơ về một bố mẹ chung của người Việt, thông tin kinh nghiệm quan hệ xã hội truyền thống đã được phản hồi trở lại cộng đồng thông qua câu truyện huyền thoại. Trước hết nó thực hiện chức năng kiểm nghiệm phản ứng của cộng đồng, sau đó nó thực hiện chức năng tái điều chỉnh cho phù hợp với những phản ứng đó để tiếp tục duy trì độ bền vững của hệ thống. Ở đây mọi phản ứng đều theo chiều thuận, có nghĩa là cơ chế phản hồi thông tin ấy là phù hợp với hệ thống cộng đồng Việt, cái được thiết lập trên những tế bào cơ sở mang tính đồng nhất với chính bản thân nó và với hệ thống lớn.

Tài liệu Tham khảo

ĐVSKTT 1983. Đại Việt Sử ký Toàn thư [ĐVSKTT], Bản khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Tập I, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Nguyễn Hồng Phong 1963. Tìm hiểu tính cách dân tộc. Nhà xuất bản Khoa học, Hà Nội.  

Ghi chú:

* Trong cuộc đời vô định của một người không đặt ra bất cứ một mục tiêu gì để đạt tới, tôi may mắn có được mấy bậc thầy, mà một trong số đó là GS. Nguyễn Hồng Phong. Chính Ông là người đã truyền cảm hứng để tôi viết những tập úa vàng từ 1982 đến tập này [1995-1996], dù lúc đó thường thường một tuần chỉ có ba ngày ăn cơm, còn lại thì úp bụng xuống sàn nhà mà viết, lăn quay ra mà viết, viết trong các cơn sốt xuất huyết, trong các cơn cảm cúm quanh năm, luôn viết khi đầu ong ong, bụng lép kẹp, viết để quên đi mùi vị phở Thìn Bờ Hồ, phở Thìn Lò Đúc và cà phê Nhân thoang thoảng ngay bên kia đường. Khi bắt tay vào viết tập này, tôi đã đặt cho nó cái đầu đề là Tính cách Việt, nhưng giờ đây, tôi chọn cái tên từ năm 1982 là: Việt Nam trước những tấm gương - cái đầu đề gần với lối nghĩ và cách viết của mình - để đặt tên chung cho cả tập, còn Tính cách Việt thì được dùng cho một đề mục ở trên.

** Trừ để ghi chú tài liệu dẫn, còn những từ được đặt trong dấu móc [ ] là để nói rằng nó đã được sửa không còn đúng như nguyên văn bản năm 1995 - 96 nữa; chẳng hạn trong bản chép tay thì từ ranh giớilằn ranh, nhưng giờ đây đọc lại tôi vã cả mồ hôi, vì thấy đó là đặc sản của người khác, nên tôi đổi lại là ranh giới; tuy nhiên để tôn trọng tính lịch sử của văn bản, việc sửa đổi này chỉ là cực chẳng đã. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét