Powered By Blogger

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Kinh tế học Phật giáo - Trung đạo trong Thương trường (VII)


Kinh tế học Phật giáo - Trung đạo trong Thương trường (VII)

Ven. P.A. Payutto

Người dịch: Hà Hữu Nga


Chương 4: Vai trò của sự thịnh vư­ợng trong Phật giáo
Mặc dù Phật giáo đ­ược đặc tr­ưng nh­ư một tôn giáo khổ hạnh, thì chủ nghĩa khổ hạnh thực sự đ­ược trải nghiệm với và bị chối bỏ bởi Đức Phật trư­ớc khi ngài đại ngộ. Chừng nào Phật giáo còn đư­ợc quan tâm thì ý nghĩa của từ “chủ nghĩa khổ hạnh” thật là mờ mịt và không nên được sử dụng mà không có sự định tính. Thuật ngữ “nghèo khổ” cũng làm cho ngư­ời ta lầm đ­ường lạc lối. Các khái niệm Phật giáo quen thuộc là mãn nguyện (santutthi) hay tiết dục (appicchata). Nghèo khổ (dadiddiya) trong Phật giáo không bao giờ đ­ược cổ vũ hay ngợi ca. Vì Đức Phật đã nói “Đối với các gia đình trên thế gian này, nghèo đói là khổ” [A.III.350]; “Điều tồi tệ trên thế gian này là nghèo khổ và nợ nần” [A.III.352].
Thực tế thì việc sở hữu của cải bởi bất cứ ai cũng đều đ­ược ca ngợi và cổ vũ trong Kinh Pali, khi xác định rằng của cải là một cái gì đó phải đ­ược tìm kiếm. Trong các giới luật của Đức Phật với các c­ư sĩ, thì hữu ích nhất và đ­ược ca ngợi nhiều nhất phần lớn là những ng­ười có tài sản, ví dụ như­ Cấp Cô Độc (Anathapindika) chẳng hạn. Ngay cả các nhà sư­ là những ng­ười không mong cầu tìm của cải, là ng­ười th­ường xuyên đ­ược nhận các đồ cúng dư­ờng thì thỉnh thoảng cũng vẫn được coi là một phẩm chất tốt. Nhà sư­ Sivali chẳng hạn, đã đư­ợc Đức Phật ca ngợi như­ là một trong số “những con ngư­ời xứng đáng nhất đư­ợc nhận đồ cúng dư­ờng”. Tuy nhiên những bình luận này cần phải đư­ợc giải thích rõ.
Chủ đề chính trong các kinh bổn Phật giáo là ở chỗ không phải của cải đư­ợc ngợi ca hoặc phiền trách, mà là cái cách kiếm đ­ược và sử dụng của cải. Đối với các nhà s­ư, như­ đã đề cập đến ở trên, không phải là cách đạt đư­ợc của cải như­ vậy bị khiển trách, cũng không phải sự nghèo khổ là cái đư­ợc ngợi ca. Những phẩm cách đáng bị quở trách là lòng tham, sân, si trong việc giành được và tích trữ của cải. Việc tìm kiếm của cải là có thể chấp nhận nếu nh­ư nó hữu ích cho việc thực hành chính đạo hoặc nếu nó làm lợi cho các thành viên của Tăng đoàn. Như­ng như­ vậy không có nghĩa là các nhà s­ư nên có của cải riêng.
Chừng nào đ­ược Vinaya hoặc Giới Luật tự viện cho phép thì việc có của riêng mới có thể biện hộ đ­ược nếu những của cải đó thuộc về cộng đồng tự viện, nh­ưng nếu một nhà s­ư giàu có bằng những món sở hữu cá nhân thì đó chính là bằng chứng về lòng tham lam và luyến tiếc của ông ta và nh­ư vậy là ông ta không xứng với các giáo lý nhà Phật. Hành động đúng đắn của các nhà s­ư là không sở hữu cái gì ngoài những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống. Vấn đề ở đây không phải là ông ta trở nên giàu hay nghèo, mà là cần có một chút  chăm sóc cá nhân, di chuyển thoải mái, tinh thần mãn nguyện và một chút ư­ớc muốn, và vì cuộc sống của nhà sư­ là tuỳ thuộc vào sự cúng dư­ờng của ngư­ời khác, nên tự bản thân mình phải thanh thản để độ ngư­ời. Vì luôn luôn nay đây mai đó và hầu như­ không có sự chăm sóc cá nhân nên các nhà s­ư có thể giành hầu hết thời gian và công sức cho sự hành thiện của họ dù đó là vì công quả cá nhân họ hay vì xã hội.
“Nhà sư­ mãn nguyện với mấy bộ y để che chở thân thể và khất thực khẩu phần  vừa đủ cho nhu cầu cơ thể mình. Dù đi bất kỳ nơi đâu ông ta cũng có thể chỉ đem theo mấy thứ đó bên mình, giống nh­ư một con chim có đôi cánh, có thể bay đến bất cứ nơi đâu, cũng chỉ phải đem theo đôi cánh của mình” [A.II.209]. Vậy thì đó là sự mãn nguyện và sự tiết chế ư­ớc muốn luôn luôn đi liền với lời nguyện cho sự tinh tiến của điều thiện và từ bỏ điều ác. Đó chính là những phẩm chất đư­ợc ca ngợi. Thậm chí ngay cả sự mãn nguyện và một vài ư­ớc nguyện ít ỏi cũng phải được tiết chế, có nghĩa là chúng phải đư­ợc đi kèm với sự nỗ lực và sự siêng năng, chứ không phải là bởi tính tự mãn và sự vô công rồi nghề. Nhà s­ư tự bằng lòng với bất cứ cái gì mà ông ta có đ­ược sao cho ông ta có thể cống hiến nhiều hơn thời gian và công sức của mình cho sự tinh tiến cá nhân và lợi lạc cho người khác. Nói cách khác, trong khi rất cần có được nhiều của cải thì chính điều đó lại là không tốt nếu như ông ta sở hữu và tích trữ các của cải đó. Vì vậy cách tốt nhất là có được càng nhiều thì phải cho càng nhiều.
“Này, chúng tăng, một nhà sư cần phải thỏa nguyện với bất cứ nhu yếu nào dù đó là quần áo, đồ ăn khất thực, một nơi trú ngụ hoặc một chút thuốc thang mà ông ta kiếm được. Hỡi chúng tăng, một nhà sư liên tục tinh tiến để đoạn diệt các điều bất thiện bằng cách kiên tâm tinh tiến bằng điều thiện và không bao giờ rời bỏ giới luật”. [D.III.226, 296; A. V.23]
Một con đường thì dẫn đến của cải, còn con đường kia thì dẫn đến Niết Bàn. Nếu một nhà sư là môn đệ của Phật, đã học được điều này, thì ông ta sẽ không khát khao vinh quang, mà sẽ tu dưỡng mình ở một nơi vắng vẻ” [Dh.75].

Đối với người thế tục, như đã nói ở trên, không có một ví dụ nào nói rằng nghèo đói được khuyến khích. Ngược lại, nhiều đoạn trong Kinh Phật chủ chương cổ vũ người thế tục tìm kiếm và tích trữ của cải bằng cách chân chính. Trong số những quả nghiệp tốt có cả sự giàu sang [3]. Điều bị quở trách liên quan đến giàu sang chính là cung cách đạt tới sang giàu một cách bất lương. Lời quở trách này là đáng khi người ta kiếm được của cải để rồi trở thành nô lệ cho của cải và cuối cùng phải đau khổ vì của cải. Tương tự như vậy, việc làm giàu phi pháp cũng mắc tội và đáng trách không kém gì việc tích lũy của cải theo cách keo kiệt, và không bao giờ dám bỏ ra để làm phúc hoặc đem lại phúc lạc cho thân bằng quyến thuộc hoặc những người khác. Trái lại, sự phung phí của cải một cách ngu ngốc hoặc hoang tàng hoặc để gây đau khổ cho người khác cũng bị phê phán:

“Hỡi chư tăng, nếu thế gian biết như ta biết về những công quả chung thì người ta sẽ không thọ dụng một mình những công quả chung đó, người ta cũng sẽ không thọ dụng vật ô uế của sự keo kiệt. Ngay cả khi chỉ còn một chút cuối cùng, một mẩu thức ăn cuối cùng thì họ cũng sẽ không thọ dụng mà không chia sẻ cho kẻ khác nếu như có ai đó để mà chia sẻ” [It.18].

Những người giàu sang tốt bụng và đáng ca ngợi là những người tìm kiếm của cải theo cách chính trực và thọ dụng nó để hành thiện và đem lại phúc lạc cho cả họ lẫn người khác. Theo cách đó, nhiều đệ tử của Đức Phật đã cúng dường nhiều hoặc hầu hết của cải để hộ trì tăng đoàn và để xóa bỏ đói nghèo và khổ đau. Chẳng hạn, phú hộ Cấp Cô Độc (Anathapindika) được Kinh Pháp cú (Dhammapada) ghi lại là hàng ngày đã tiêu một phần lớn tiền của để nuôi một tăng đoàn hàng trăm vị cùng với hàng trăm người nghèo khổ. Tất nhiên trong một xã hội lý tưởng dưới sự cai trị của một quân vương chính trực và tài năng, với một nền cai trị hiệu quả, thì sẽ không còn người nghèo, vì chí ít thì tất cả mọi người cũng đều đủ ăn, và các nhà sư sẽ chỉ là một cộng đồng tách riêng, được nuôi dưỡng bằng khoản thặng dư của xã hội thế tục.

Vì vậy, trái ngược với sự hình dung của đại chúng về Phật giáo như một tôn giáo khổ hạnh, Kinh Phật thừa nhận vai trò của tiện nghi vật chất trong sự tạo ra hạnh phúc. Tuy nhiên Phật giáo nhắm vào sự phát triển tiềm năng của con người, và về phương diện này, sự thịnh vượng về mặt vật chất được coi là thứ sinh. Một họat động kinh tế sinh lợi có ích cho sự thịnh vượng có thể đóng góp cho sự phát triển của con người – sự tích lũy của cải cho mục đích riêng không thể làm được.

Chính mệnh

Chính mệnh là một nhân tố trong Bát chính đạo. Nó không được quyết định bởi lượng của cải mà nó sản xuất ra mà đúng ra là được quyết định bởi sự thịnh vượng mà nó tạo ra. Nhiều sinh kế tạo ra thặng dư của cải đã nuôi dưỡng những khát vọng chứ không phải là cung cấp cho bất cứ một nhu cầu thực sự nào. Đối với cá nhân, mục tiêu của sinh kế là đạt được bốn nhu cầu thiết yếu trong sự tồn tại của con người: lương ăn, quần áo, một mái nhà che thân, và một chút thuốc thang. Hơn nữa việc có được tứ yếu phẩm này dù là với số lượng đủ hoặc thừa thì đó  cũng không phải là mục đích tối hậu. Tứ yếu phẩm chỉ là cơ sở cho những nỗ lực để thực hiện những mục tiêu cao hơn.

Một số người mãn nguyện với một số của cải và chỉ cần một lượng của cải tối thiểu để dành năng lượng cho sự tinh tiến tinh thần và tâm linh. Những người khác không thể sống hạnh phúc với một lượng của cải nhỏ bé như vậy; họ phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm vật chất. Tuy nhiên chừng nào sinh kế của họ không bóc lột những người khác thì Phật giáo không lên án sự giàu có của họ. Hơn nữa những ai có thiên hướng từ tâm có thể sử dụng tài sản của họ bằng những cách thức lợi lạc cho xã hội như một tổng thể.

Trái ngược với các giá trị đô thị đương đại, Phật giáo không đo lường giá trị của một con người hoặc một dân tộc bằng sự thịnh vượng của cải. Phật giáo cũng không ngả sang một thái cực trái ngược như các nhà tư tưởng Marxists đã thực hiện và lên án sự tích lũy của cải như một hành động xấu trong chính bản thân hành động ấy. Thay vào đó, Phật giáo đã xác định giá trị đạo đức của sự giàu có bằng những cách mà của cải đã được tích lũy và được đem ra sử dụng.

Tính bủn xỉn

Việc kiếm được của cải bằng những cách thức vô đạo và sử dụng nó cho những mục đích có hại là hai hành động tội lỗi gắn liền với sự giàu có. Vấn đề thứ ba là tích trữ của cải – bằng cách chối từ việc chia sẻ của cải với người khác hoặc đưa nó vào mục đích sử dụng chính đáng. Trong câu chuyện dưới đây, Đức Phật đã kể lại chi tiết tội lỗi của sự bủn sỉn như sau:

Một lần vua Ba Tư  Nặc Câu Tát La (Pasenadi Kosala) viếng thăm Đức Phật. Nhà vua nói với Đức Phật rằng có một người già giàu có nhưng bủn sỉn vừa mới chết mà không thừa kế cho ai khoản tài sản khổng lồ của mình, và nhà vua đã đến giám sát việc trao khối tài sản đó vào ngân khố của vương quốc. Vua Ba Tư Nặc mô tả khối tài sản mà ông đã phải thu về: tám triệu đồng tiền vàng, không kể các loại tiền bằng bạc nhiều không đếm xuể. Và ông nói khi người phú hộ già bủn xỉn đó còn sống, ông ta chỉ ăn cơm tấm với nước dấm, mặc ba mảnh vải thô khâu tay, dùng một chiếc xe ọp ẹp để đi lại, và che nắng bằng mấy tàu lá.

Nhận xét của Đức Phật:

“Thế đấy, thưa Đức Vua. Con người ngớ ngẩn đó kiếm cho bằng được của cải mà không dùng cho bản thân, cũng không chia sẻ cho người thân, cha mẹ, vợ con, người hầu kẻ hạ, bạn bè, tòng thuộc. Ông ta không hề dâng tặng đống của cải quá lớn, nó vốn có thể đem lại lợi lạc cho đời sống tâm linh, phúc lạc cho trần thế, cho chư thiên, và cho các thầy tu hành khất. Số của cải không hề được tiêu dùng và không được ông ta sử dụng đó đã bị các vua chúa sung công, bị kẻ cắp ăn trộm, bị lửa thiêu cháy, bị chôn vùi trong lũ lụt, hoặc bị trao vào tay những kẻ bất xứng. Số của cải của ông ta đã được tích lũy nhưng lại không được sử dụng đã bị biến đi không mục đích. Số của cải của ông ta giống như một hồ nước trong rừng, trong sạch, mát lành nhưng lại chỉ có lũ quỉ tận hưởng chúng. Không ai được uống, không ai được tắm rửa hoặc sử dụng hồ nước đó.

Nếu là một con người khôn ngoan khi có được của cải, ông ta tiêu dùng cho chính bản thân mình, cho mẹ cho cha, cho vợ con, thân hữu, cho kẻ hầu người hạ một cách đầy đủ. Nếu ông ta cúng dường thì đó chính là một công quả lớn, đem lại phúc lạc cho mình, cho mọi người, cho chư thiên, cho các thầy tu hành khất. Số của cải mà ông ta có, nếu được sử dụng chính trực thì sẽ không bị các vua chúa xung công, không bị kẻ cắp ăn cắp, không bị lửa thiêu ra tro, không bị bão lũ cuốn trôi, không bị rơi vào tay những kẻ bất xứng. Nếu số của cải đó được sử dụng một cách chính trực thì nó sẽ không biến đi một cách vô ích. Của cải của ông ta giống như một hồ nước trong rừng, cách xa làng mạc, thị thành, trong lành, mát mẻ, hữu ích. Mọi người có thể uống đã cơn khát, tắm rửa thỏa thích hoặc mặc sức dùng theo ý muốn lợi lạc.

“Kẻ ác, có được của cải đã không sử dụng nó lại cũng không cho ai sử dụng nó, giống hệt như một hồ nước trong một khu rừng ma – nước không được dùng để uống, và không ai dám sử dụng nước ở đó. Người trí có được của cải vừa sử dụng nó, lại vừa dùng để lợi lạc cho người. Một con người như vậy là người mẫu mực, ông ta vừa phù trì cho người thân lại vừa không bị mọi người quở trách. Người ấy đáng được sống cùng thiên giới” [S.I.89-91]. 

 “Thưa quân vương, những người nào khi có được một khối của cải lớn mà không bị nó đầu độc dẫn đến sự lơ là và sự mê đắm khinh xuất để gây hại cho người khác trên thế gian này thì thật là hiếm thấy; những người nào khi có được một khối của cải lớn mà không bị nó đầu độc, không dẫn đến sự lơ là và sự mê đắm khinh xuất để gây hại cho người khác trên thế gian này thì thật sự là một con số còn quá nhỏ” [S.I.74].

Trong các Bộ kinh Phật người keo kiệt còn được ví với một loài chim được gọi là “mayhaka” sống trên cây vả. Trong khi tất cả những con chim khác sống thành đàn trên cây và cùng nhau ăn quả vả, thì con chim kia lại đậu đơn lẻ một mình và kêu “mayham, mayham” (của ta, của ta) [J.III.299-302].

Nói tóm lại, những hành động độc ác gắn liền với của cải có thể xuất hiện dưới ba dạng: làm giàu một cách bất lương; hoặc vô đạo; tích trữ của cải vì mục đích riêng; và sử dụng của cải một cách tàn hại.

Tìm hiểu những giới hạn của giàu có

Những người giàu có đức hạnh sử dụng của cải của mình để làm nhiều việc thiện cho bản thân họ và cho người khác, nhưng trí nhân chân chính hiểu rõ rằng bản thân của cải không thể làm cho họ được giải thoát. Trong những đoạn trích dẫn dưới đây, Đức Phật đã cắt nghĩa về những hạn chế của của cải và chủ chương khuyến khích chúng ta cố gắng đạt tới những gì cao cả hơn những sở hữu vật chất kia.

“Nghiệp, trí, phẩm chất, đạo đức và cuộc sống lý tưởng: tất cả đều là phương tiện để định giá sự thuần khiết của một con người, chứ không phải là của cải hoặc danh tính” [4].

“Ta thấy trong thế gian này những người giàu có thay vì chia sẻ của cải cho những người xung quanh, thì lại trở thành nô lệ của của cải; họ tích trữ của cải và ngày càng mãn nguyện vì của cải”.

“Các vị quân vương chinh phục các vùng đất mới, thống trị những lãnh địa trải dài từ bờ biển này đến bờ biển kia nhưng họ lại không bao giờ thỏa nguyện được với giới hạn của bờ biển dưới quyền mình – họ mong muốn giới hạn ấy mở sang cả bờ bên kia nữa. Cả các vị quân vương cũng như những người dân thường đều phải chết trong ham muốn không cùng của dục vọng và thèm khát. Họ xả thân vì những thèm khát không cùng. Trên đời này không gì có thể thỏa mãn được những dục vọng về cơn khát vật chất”.

Khi người thân nhắm mắt xuôi tay từ giã cuộc đời này, chúng ta thường than van: “Ôi giời ơi, nỡ lòng nào người bỏ chúng tôi mà đi”. Chúng ta cuốn thi thể người thân bằng manh chiếu, đặt trên dàn và thiêu; chúng ta chất thêm củi đốt cho đến khi thi thể ấy ra tro. Tất cả những gì mà con người ấy có thể mang theo chỉ là manh chiếu đã biến thành tro bụi, còn bao nhiêu của cải đều gửi lại thế gian”.

“Khi thời khắc cuối cùng đã định, thì không có bất cứ ai, không thân bằng quyến thuộc nào có thể ngăn được cái điều tất yếu phải xảy ra kia. Toàn bộ của cải đã đành phải để lại, trong khi người chết buộc phải ra đi theo nghiệp của mình. Khi thời khắc đã điểm, ta chẳng thể đem theo được bất cứ vật gì ngay cả chồng, cả vợ cả con, cả đất đai, tiền bạc. Trường thọ không thể có được nhờ của cải, tuổi già không thể xua đi được nhờ của cải. Người trí hiểu rằng cuộc đời này quá ngắn ngủi, bất định, vô thường”.

“Cả người giàu lẫn kẻ nghèo đều phải trải qua mọi ái ố hỉ nộ;  cả người ngu lẫn kẻ trí đều phải trải nghiệm nó. Nhưng kẻ ngu, vì không có trí khôn nên nên bị nó đánh bẫy và cuốn đi. Trong khi đó kẻ trí mặc dù trải qua mọi cảm giác kia nhưng anh ta không lay động. Vì vậy trí tuệ vẫn giá trị hơn của cải, vì nó đưa ta đến những mục đích sống cao cả hơn” [M.II.72-3; Thag.776-784].

Thái độ tinh thần đối với của cải

Một cư sĩ tại gia không chỉ kiếm tìm của cải đúng luật và tiêu dùng của cải đó vì mục đích lợi lạc, mà còn biết thọ dụng sự giải thoát về tinh thần, bằng cách không tham luyến của cải, không đắm chìm cùng của cải, không trở thành nô lệ cho của cải. Đó chính là nơi trần thế và siêu thoát gặp cùng. Đức Phật đã phân người trần (kamabhogi – Dục ái, kẻ tham đắm dục lạc) thành nhiều cấp độ khác nhau theo phương tiện luật pháp: làm giàu theo đúng pháp luật hay phi pháp, tiêu dùng của cải vì hạnh phúc của mình và của người khác hay là thái độ tham lam keo kiệt hoặc trí huệ khôn ngoan, không bị của cải giàng buộc. Loại người cao thượng nhất là người thụ hưởng cuộc sống cả ở nhân giới lẫn thiên giới như sau đây:

Trần thế:

1. Tìm kiếm sự thịnh v­ượng một cách hợp pháp và lư­ơng thiện
2. Phù hợp với nhu cầu riêng
3. Chia sẻ với ng­ười khác và thực hành những hành động chính đáng

Thiên giới:

4. Thọ dụng của cải như­ng phải tránh hoạ tham, sân, si và thủ của đặng để đảm bảo tự do tinh thần.

Một ng­ười như­ vậy đư­ợc gọi là Chính môn đệ tinh tiến hư­ớng đến quả vị Arahan (La Hán). Đặc biệt đáng l­ưu ý ở đây là tính t­ương hợp giữa các phạm vi trần thế và siêu vư­ợt của đời sống kết hợp để tạo nên tổng thể thống nhất của đạo đức học Phật giáo, là một đạo đức học chỉ thành tựu khi đ­ược thống nhất với phạm trù siêu v­ượt.

Tuy nhiên, dù là đại hữu ích, như­ng không nên gán cho của cải một tầm quan trọng thái quá. Các hạn chế của nó liên quan đến việc thực hiện mục đích Niết Bàn cũng nên đ­ược thừa nhận. Dẫu ở cấp độ trần gian nghèo khó là một thứ cần phải tránh, nh­ưng một ng­ười nghèo vẫn không hoàn toàn bị tư­ớc đoạt phư­ơng tiện để hành thiện cho bản thân hoặc xã hội. Thập công đức có thể bắt đầu bằng cho, như­ng còn có cả thực hiện đạo đức, tinh tiến phẩm hạnh tinh thần, giúp đỡ ng­ười khác, và thuyết Pháp. Vì nghèo khổ nên ng­ười ta có thể quá bận tâm đến cuộc mưu sinh, làm bất cứ việc gì cho thành công riêng của mình, nh­ưng khi các nhu cầu cơ bản của đời sống đã đ­ược thoả mãn nếu một ng­ười có phẩm hạnh và có động cơ tinh thần thì không có lý do gì lại không thực hiện đ­ược quả vị La Hán. Trong khi tài sản như­ là một nguồn để đạt đ­ược điều thiện cho xã hội có thể giúp tạo ra những hoàn cảnh nh­ư ý để thực hiện quả vị La Hán thì cuối cùng đó cũng là độ chín muồi tinh thần và trí tuệ, chứ không phải là của cải hiện thực hoá đư­ợc quá trình đó. Tài sản bị sử dụng sai và bị lạm dụng không chỉ gây trở ngại cho sự phát triển cá nhân, mà có thể còn có thể làm hại xã hội nữa.

“Của cải tàn phá kẻ ngu, nhưng không động được đến người tìm kiếm mục đích cao cả” [Dh.335].

Một cuộc sống tự do – là cuộc sống không quá phụ thuộc vào của cải vật chất – là một cuộc sống không chím đắm trong vật chất. Cuộc sống đó đòi hỏi một tri thức minh nhiên về những lợi lạc và giới hạn của các loại của cải vật chất. Không có một trí tuệ như vậy, chúng ta đánh đổi toàn bộ hạnh phúc của mình cho đống của cải vật chất, ngay cả khi chúng không bao giờ đưa ta đến được với những cấp độ trí tuệ cao hơn. Vì bản chất thực của mình mà của cải vật chất không có khả năng thỏa mãn được hoàn toàn khát vọng của con người: chúng không vĩnh hằng và bền lâu, chúng không thể được kiểm soát tối hậu và rõ ràng là cuối cùng chúng cũng tan biến đi. Tham luyến của cải, chúng ta phải chịu những đau khổ không cần thiết. Khi sinh ra, của cải không sinh cùng chúng ta, khi chết đi, chúng ta cũng không thể đem của cải đi cùng.

Được sử dụng một cách khôn ngoan, của cải vật chất có thể giúp giảm bớt khổ đau, nhưng khi sử dụng không khôn ngoan, chúng sẽ chỉ chất thêm gánh nặng cho con người. Nếu biết tiêu dùng của cải một cách chừng mực, chúng ta có thể tìm thấy những giá trị thật của chúng.

Người nào trở nên giàu có bằng cách làm lụng chăm chỉ và sử dụng số của cải đó cho mình và cho người xung quanh thì Phật giáo gọi là thù thắng trong cả nhân giới lẫn thiên giới [D.III.181]. Khi trí huệ được sử dụng để hướng đến kết giải (nissarana-panna) thì người ta không bao giờ bị nô lệ cho của cải, cũng không bao giờ bị của cải đè nặng cuộc đời.

Những đặc tr­ưng chính của Kinh tế học Phật giáo

1. Kinh tế học Trung đạo: hiện thực hoá phúc lạc chân chính

Phật giáo là toàn bộ các Pháp qui về Trung đạo, số lư­ợng vừa đủ và hiểu biết về sự điều độ, và toàn bộ những thuật ngữ này có thể đ­ược coi là đồng nghĩa với ý tư­ởng về sự thăng bằng hoặc quân bình. Trong Kinh Phật, hiểu biết về sự điều độ đ­ược gọi là mattannuta. Mattannuta là sự xác định đặc tr­ưng của kinh tế học Phật giáo. Hiểu biết sự điều độ có nghĩa là hiểu biết một l­ượng tối ư­u, biết đư­ợc bao nhiêu thì “vừa đủ”. Đó là một nhận thức về điểm tối ­ưu mà trong đó việc làm tăng tiến phúc lạc chân chính trùng hợp với kinh nghiệm mãn nguyện. Điểm tối ­ưu hoặc điểm cân bằng đạt đư­ợc khi chúng ta trải qua sự thoả mãn đáp ứng đ­ược nhu cầu chất lư­ợng sống hoặc phúc lạc. Chẳng hạn việc tiêu thụ hoà hợp với Trung đạo, phải đ­ược cân bằng với một số lư­ợng phù hợp để đạt đư­ợc hạnh phúc chứ không phải là thoả mãn các dục vọng. Vì vậy, trái ngư­ợc với ph­ương trình kinh tế học cổ điển về việc tiêu thụ tối đa dẫn đến thoả mãn tối đa, chúng ta có phư­ơng trình tiêu thụ khôn ngoan dẫn đến phúc lạc thực sự.

2. Kinh tế học Trung đạo: không làm hại mình và sinh linh khác

Một ý nghĩa khác của thuật ngữ “Độ l­ượng” – Một l­ượng điều độ – ẩm thực độ lư­ợng) là không làm hại mình và ng­ười khác. Đây là một nguyên tắc quan trọng khác và đ­ược sử dụng trong Phật giáo như­ là một tiêu chuẩn cơ bản của hành động nhân tính, mà không chỉ liên quan đến tiêu thụ, mà là đến toàn bộ hành vi của con ng­ười. Về vấn đề này có thể lư­u ý rằng trong Phật giáo “không làm hại ng­ười khác” không chỉ áp dụng cho con ng­ười mà cho tất cả mọi sinh linh.

Từ quan điểm Phật giáo, các nguyên tắc kinh tế liên quan đến ba khía cạnh tư­ơng hỗ của tồn tại con ngư­ời: con ngư­ời, xã hội và môi tr­ường tự nhiên. Kinh tế học Phật giáo phải hoà hợp với toàn bộ quá trình nhân quả, và để làm đ­ược điều đó nó phải có một mối quan hệ chính xác với tất cả ba lĩnh vực đó, và đến lư­ợt mình, chúng phải hài hoà và tư­ơng hỗ lẫn nhau. Hành vi kinh tế phải xảy ra theo cái cách là nó không làm hại mình (bằng việc làm suy thoái chất lư­ợng sống) và không làm hại sinh linh (bằng cách gây ra những vấn đề xã hội hoặc mất cân bằng môi tr­ường sinh thái).

Thời đại ngày nay đang nổi lên vấn đề môi trư­ờng tại các n­ước đang phát triển. Ng­ười ta đang lo lắng về các họat động kinh tế bắt buộc phải sử dụng các hoá chất độc hại và các nhiên liệu hoá thạch. Những hành vi như­ vậy làm hại đến sức khoẻ các cá nhân và đến phúc lợi xã hội và môi trư­ờng. Chúng có thể bao gồm trong đoạn sau: “hại mình, hại sinh linh” và đã trở thành một vấn nạn đối với loài ngư­ời.
_________________________________________

Còn nữa...

Nguồn: Buddhist Economics – A Middle Way for the Market place by Ven. P.A. Payutto. Translated into English by Dhammavijaya and Bruce Evans; Compiled by Bruce Evans and Jourdan Arenson. http://www.buddhanet.net/cmdsg/payutto.htm.

Ghi chú:
 
3. Xem chẳng hạn, A.II.204; Tiểu kinh Phân biệt (Culakammavibhanga Sutta trong M.III)

4. M.III.262; S.I.34, 55. Người ta cho rằng “action” ở đây có nghĩa là Chính nghiệp (Right Action), “knowledge” là Chính tư duy (Right Thought), và Chính kiến (Right View), Pháp (qualities) là những yếu tố của Định (samadhi), Chính mệnh (Right Livelihood).

5. Xem Phụ lục.

A.        =       Anguttara Nikaya (5 vols.) (Tăng nhất A hàm, Tăng nhất bộ kinh 5 tập)
Comp. =      Compendium of Philosophy (Abhidhammatthasangaha) (A tì đạt ma bát tăng già luận)
D.        =       Digha Nikaya (3 vols.) (Trường bộ kinh – 3 tập)
S.         =       Samyutta Nikaya (5 vols.) (Kinh A hàm bộ 5 tập)
Vin.     =       Vinaya Pitaka (5 vols.) (Luật tạng, 5 tập)
Vism. =       Visuddhimagga (Thanh tịnh đạo luận)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét