Có phải Phùng Hưng là người Thái? Thế
còn Ngô Quyền?
Le Minh Khai
Người dịch: Hà Hữu Nga
Phùng Hưng là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử
Việt Nam. Năm 791 ông đã dấy loạn và tấn công vào trị sở của chính quyền nhà
Đường trong vùng. Sau khi ông mất, người ta đã lập miếu thờ và các triều đại đã
chính thức sắc phong cho ông.
Đối với
người Trung Quốc thì việc ghi chép lại thông tin về các cuộc nổi loạn là rất
bình thường trên khắp đế quốc này, và họ cũng đã ghi chép về cuộc nổi dậy của
Phùng Hưng, nhưng lại không viết gì đến tên ông. Thay vào đó, sử liệu Trung
Quốc quy cho cuộc nổi dậy này thuộc về một nhân vật mà các sử liệu Việt Nam đều
ghi là đã bày mưu cho Phùng Hưng, và người đó chính là Đỗ Anh Hàn [Xem 新校本新唐書/列傳/卷一百七十 列傳第九十五/趙昌 tân giáo bản tân
đường thư/ liệt truyện/quyển nhất bách thất thập liệt truyện đệ cửu thập ngũ/ triệu
xương].
Vậy là trong
khi các nguồn sử liệu Việt Nam có nhiều thông tin về cuộc nổi dậy này hơn so
với các nguồn sử liệu Trung Quốc, thì các thông tin của nguồn Việt Nam lại chủ yếu
khai thác từ một văn bản có tên là Giao Châu ký, do một viên quan cai trị Trung
Quốc tên là Triệu Xương ghi chép về cuộc nổi loạn này [Do đó mới nói là người
Trung Quốc ghi về cuộc nổi loạn này]. Văn bản này đã bị thất lạc, nhưng nó còn
được trích dẫn trong Việt điện U linh tập (VĐULT) vào thế kỷ XIV, trong
đó ghi rằng:
“[2b] Theo sách
Giao Châu ký của Triệu Xương thì Vương họ Phùng, tên Hưng. Đời đời cha truyền
con nối làm tù trưởng biên khố ở châu Đường Lâm, gọi là Quan Lang; gia tư giàu có, sức khỏe lạ thường, có thể bắt hổ vật
trâu. Em là Hãi, cũng rất khỏe, nâng vác mười nghìn cân đá, hoặc giả một chiếc
thuyền nhỏ nặng mười hộc, đi hơn 10 dặm. Hết thảy dân Di, Lạo nghe tiếng đều khiếp
sợ.
Vào đời Đường Đại Lịch [766-779], nhân nước có loạn,
hai anh em cùng nhau đi khắp các ấp láng giềng, thảy đều xin theo về rất là thuận
lợi. Hưng rất thỏa chí bèn đổi tên là Cự Lão; Hãi đổi tên Cự Lực. Hưng xưng là
Đô quân, Hãi xưng Đô Bảo. Theo kế của Đỗ Anh Hàn, người đất Đường Lâm, họ Phùng
đem quân đi tuần ở các châu Đường Lâm, Trường Phong, các nơi đều theo về. Uy
danh đã vang dậy, bèn phao tin muốn đánh Đô hộ phủ. Khi đó quan đô hộ là Cao
Chính Bình đem quân đi đánh họ Phùng không được, buồn bực sinh bệnh mà chết.
Phùng Hưng vào phủ Đô hộ trông coi chính sự được bảy
năm thì mất. Dân muốn lập Hãi, nhưng người phò tá là Bồ Phá Cần, sức khỏe có
thể xô đổ núi, dũng lực hơn người, nhất định không nghe và lập con Hưng là An
đem quân đi đánh Hãi. Hãi tránh Bồ Phá Cần, lên núi Chu Nham, về sau không biết
kết cục thế nào. An tôn Hưng làm Bố Cái Đại vương, vì man tục thường gọi cha là
bố, mẹ là cái [A. 47, 2b-3a].
Việt Điện U Linh là sách rất quan trọng giúp hiểu rõ
giai đoạn chuyển tiếp từ sự cai trị của người Trung Quốc sang tay người Việt
Nam, nhưng cũng đặc biệt khó sử dụng, vì tính không chuẩn mực của văn bản này.
Rút cục thì toàn bộ các tài liệu hiện có đều có vấn đề về văn bản học. Bản quốc
ngữ được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam ngày nay hầu hết dựa trên Việt Điện U Linh
tập, và độ tin cậy là rất thấp, vì bị sửa đổi rất nhiều. Bản tôi sử dụng ở đây [A.
47] ngắn hơn và súc tích hơn, nhưng rõ ràng là vẫn có lỗi.
Chẳng hạn, một vấn đề rõ ràng của bản này (và thực ra
trong các bản khác cũng đều như vậy) viết rằng “Nối đời làm trưởng châu Đường
Lâm” [唐林州]. Từ tiếng
Anh “prefecture” mà tôi dịch là châu, là một thuật ngữ rất dễ lẫn lộn mà tôi đã
đề cập đến ở bài viết trước. Việc sử dụng từ này đã từng thay đổi trong thời
nhà Đường (xem bài viết trước) vì vậy mà không có đơn vị hành chính nhất quán
gọi là châu để cho gia đình ấy cai quản. Hơn nữa, trước thời nhà Đường, châu là
một đơn vị hành chính lớn hơn một quận (commandery), mà tôi coi là một đơn vị
có quy mô cấp tỉnh. Còn 夷長 di trưởng trong đế quốc Trung Hoa thì không cai trị một vùng rộng lớn như
vậy. Theo tôi hiểu, họ cũng không đứng đầu các quận là đơn vị hành chính là
châu đã được thay mới trong thời nhà Đường.
Vấn đề này quan trọng là vì trong thời nhà Đường thì
Đường Lâm lúc thì là tên một châu, lúc lại là tên một huyện tại một vùng ở miền
trung Việt Nam. Vì vậy mà trong cuốn Birth of Vietnam, Keith Taylor cho
rằng cuộc nổi dậy của Phùng Hưng phải xảy ra ở vùng đó. Tuy nhiên Taylor đã
nhầm lẫn, vì có một thực tế là vị trí mà ngày nay có miếu thờ Phùng Hưng là một
vùng ở phía tây Hà Nội. Ông đã giành hẳn một phụ lục để thảo luận về vấn đề
này, nhưng cũng không giải quyết được.
Vấn đề này có thể được giải quyết. Câu trả lời dễ dàng
là Việt điện u linh tập đã không chính xác trong việc gán cho Đường Lâm
là châu. Chúng ta có thể thấy điều này từ một thực tế, như đã đề cập ở trên là 夷長 di trưởng không cai trị cấp châu, là cấp
“vùng” [region] trước thời
Đường hoặc cấp châu [Prefecture] trong thời Đường. Chúng ta có thể thấy điều
này khi xem xét các tư liệu Việt Nam nói về địa danh này.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì Phùng Hưng là
người “Đường Lâm thuộc Giao Châu”, và sau đó ghi chú là ở huyện Phúc Lộc [ngoại
kỷ 5/6a]. Theo cách ghi đó thì Đường Lâm là tên một làng.
Sách Khâm Định Việt sử Thông giám cương mục thế
kỷ XIX cũng trùng hợp về vấn đề này, nhưng lại ghi rằng Đường Lâm thuộc Phong
Châu, chứ không phải Giao Châu, và có ghi chú như sau về Đường Lâm: “Đường Lâm:
Tên xã xưa. Sử cũ chua ở huyện Phúc Lộc. Phúc Lộc nay đổi tên là Phúc Thọ thuộc
tỉnh Sơn Tây. Xét theo Sơn Tây tỉnh sách, xã Cam Lâm thuộc huyện Phúc Thọ, xưa gọi là
Đường Lâm. Phùng Hưng và Ngô Quyền đều là người xã này cả. Bây giờ vẫn còn đền
thờ” [Ngoại kỷ 4/26a-b].
Tôi chưa bao giờ nghe nói đến 山西省冊- Sơn Tây tỉnh sách, nhưng rõ ràng đó phải là một văn bản ghi chép các thông tin về tỉnh này,
và có ghi rằng nơi ngày nay có đền thờ Phùng Hưng trước đây là Đường Lâm.
Dựa trên toàn bộ các thông tin
đó, có thể kết luận rằng Đường Lâm quê Phùng Hưng không phải ở miền Trung Việt
Nam, mà là ở miền Bắc, bên bờ Sông Hồng.
Vậy thì Phùng Hưng là người
vùng châu thổ Sông Hồng, nhưng trong các nguồn sử liệu Việt Nam thì ông lại
được gọi là “di trưởng”. Tại sao lại có chuyện đó? Tôi nghĩ rằng Việt điện U linh sẽ cung cấp cho chúng
ta một số đầu mối, vấn đề còn là ở chỗ văn bản đó, và còn có một đầu mối khác
trong Tân Đường thư có viết Đỗ Anh Hàn, người hiến kế cho Phùng Hưng lại là một
獠酋-lão
tù. Trong khi đó Việt điện U linh
ghi rằng “Hết thảy dân
Di, Lạo nghe tiếng [Phùng Hưng] đều khiếp sợ”.
Vậy thì “Lạo/Lao” phải có điều
gì đó liên quan đến Phùng Hưng và quê hương ông, nhưng các danh xưng dân tộc
thiểu số dễ gây nhầm lẫn. Thật hấp dẫn khi cho rằng tên gọi đó phải thuộc về
các tộc người nói tiếng Tày Thái như người Lào ngày nay chẳng hạn, nhưng vẫn
chưa thể chắc chắn có đúng như vậy không, vì thế cần phải có thêm bằng chứng.
Việt điện U linh ghi rằng Phùng Hưng đổi tên
thành “Khu Lão”*, còn em trai ông đổi thành “Cự Lực”. Sách đó còn nói về một người
có tên là Bồ Phá Cần. Cuối
cùng, Phùng Hưng được con trai tôn là “Bố cái Đại vương, vì man tục gọi cha là bố, mẹ là cái”.
Trong các tộc người nói tiếng Tày Thái có một số từ
được sử dụng rất phổ biến kể cả ở người bình dân cũng như tầng lớp trên. “Khun”
là một từ dành cho người đáng tôn kính. “Phu” có nghĩa là “người”, nhưng là
“một người rất quan trọng”. “Pho” (phát âm như “paw”) có nghĩa là cha, nhưng
cũng được sử dụng để chỉ những nhân vật quan trọng. Và cuối cùng “phi” có nghĩa
là “anh cả” hoặc có thể được sử dụng để chỉ một người đàn ông lớn tuổi hơn
mình.
Giờ đây, khi xem lại một số âm Hán do Pulleyblank khôi
phục trong giai đoạn này thì thấy phù hợp với một số từ tiếng Tày Thái đó. Nên
nhớ rằng nếu những từ Tày Thái này được chuyển tự sang chữ Hán, thì 1) điều đó
đã được thực hiện bởi một người không hề
biết chữ đó trong tiếng tiếng Tày Thái
nói về cái gì; 2) người đó có thể đã bất cẩn trong việc chọn các chữ
thích hợp; 3) các chữ Hán kia không sao được một cách chính xác âm của tiếng
nước ngoài.
區 [khu, âu] = khu[n] [dành cho người đáng kính]
蒲披勤 [bồ phi cần] = Bồ Phá Cần = Pho? Phu? Phi Kin [“Anh cả Lão tù tên là Cần”]
布 = Bố = pho [“cha”]
Anh cả Lão tù tên là Cần nghe có vẻ
lạ, nhưng nếu ta đọc Biên niên sử Tày-Thái của Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan
thì có nhiều tên gọi như vậy. Dù sao thì điều cần phải làm rõ là Phùng Hưng
và/hoặc những người sống ở Đường Lâm được người Hán coi là khác biệt, và cả
người Việt sau này cũng cho là như vậy. Vậy thì vấn đề là họ khác như thế nào?
Liệu đó có phải là những người nói tiếng Tày – Thái? Nếu đúng thế thì thật thú
vị, vì có một nhân vật nổi tiếng khác cũng người Đường Lâm là Ngô Quyền, được
nói đến ở trên, là vị vua đầu tiên của một nước “Việt Nam độc lập” sau 1000 năm
Bắc thuộc. Ngô Quyền cũng có thể là người Thái?**
_____________________________________________
Nguồn: leminhkhai.wordpress.com/08Jun10
Ghi chú của người dịch:
* Trong bản Việt điện U linh của
Lý Tế Xuyên do Trịnh Đình Rư dịch, Đinh Gia Khánh giới thiệu và hiệu đính [Nxb.
Hồng Bàng 2012, tr. 45]; bản dịch Việt điện U linh Tập lục Toàn biên của Ngọc Hồ - Nhất Tâm [Nxb. Cửu Long 1992], có tham khảo bản dịch của Lê Hữu Mục [Khai Trí, Sài Gòn 1961] thì Phùng Hưng đổi tên là Cự Lão, và Phùng Hãi đổi tên
là Cự Lực, với trường hợp Phùng Hưng, không thấy dịch là Khu Lão như Le Minh
Khai viết ở đây.
** Nếu Le
Minh Khai khẳng định Đường Lâm là ở Sơn Tây như trong bài viết này mà lại nghĩ/nói
rằng Phùng Hưng và Ngô Quyền là người Thái thì hơi liều, trừ phi ông ấy chứng
minh được rằng Thái - Mường - Kinh là một.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét