Powered By Blogger

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Văn hóa Soi Nhụ - một cội nguồn của ngữ hệ Nam Đảo


Văn hóa Soi Nhụ - một cội nguồn của ngữ hệ Nam Đảo

Hà Hữu Nga

Lịch sử ngôn ngữ và ngôn ngữ học lịch sử là hai trong số những lĩnh vực khoa học quan trọng nhất mà khảo cố học có thể tiếp cận như là đối tượng nghiên cứu, và như là hệ phương pháp của mình. Tuy đa dạng và phân cắt về địa lý, tuy phức tạp và khác biệt về lịch sử, tôn giáo, chính trị, ý thức hệ, nhưng các nước Đông Nam Á luôn luôn là một thực thể thống nhất về phương diện văn hóa. Cái chất keo của sự thống nhất đó có thể được tạo bởi nhiều yếu tố khác nhau, nhưng nếu không có một yếu tố trung tâm là ngôn ngữ thì không bao giờ Đông Nam Á trở thành một thực thể “thống nhất trong đa dạng” cả.

Tại sao lại là ngôn ngữ? Câu trả lời sẽ trở nên đơn giản nếu chúng ta thừa nhận rằng cuộc cách mạng đầu tiên, quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại chính là cuộc cách mạng biểu tượng. Khác với các cuộc cách mạng kinh tế, công nghệ, xã hội xảy ra trong một thời điểm, cuộc cách mạng biểu tượng là một quá trình mà người ta không dễ gì lần tìm được điểm khởi đầu và khẳng định được điểm kết thúc của nó. Nhưng cuộc cách mạng này có những biểu hiện rất dễ nhận ra và rất dễ chứng minh. Nghệ thuật hang động hậu kỳ đá cũ là một dấu ấn nổi bật của cuộc cách mạng này. Có thể nói rằng một hệ thống biểu tượng là một hệ thống ngôn ngữ. Ngược lại, một ngôn ngữ cũng chứa đựng những hệ thống biểu tượng. Nhà ngôn ngữ học Thụy Sỹ Ferdinand de Saussure (1857-1913), ông tổ của ngôn ngữ học hiện đại, và cũng là ông tổ của cấu trúc luận đã dồn hết tâm trí vào các hình thái và chức năng của ngôn ngữ. Theo ông: “Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu biểu hiện những ý niệm, và do đó có thể so sánh với chữ viết, với chữ của người câm điếc, với các nghi lễ tượng trưng, với các hình thức lễ độ, các tín hiệu nhà bình,…v.v. Nó chính là hệ thống quan trọng nhất trong hệ thống này. Vậy có thể quan niệm một ngành khoa học nghiên cứu đời sống của cùa các tín hiệu trong lòng sinh hoạt xã hội;…chúng tôi sẽ gọi nó là tín hiệu học” [Saussure F. 1973, tr. 40].

Theo Saussure, tín hiệu ngôn ngữ có hai nguyên lý: i) nguyên lý tính võ đoán, vì “mọi phương tiện biểu hiện được chấp nhận trong một xã hội đều dựa trên thói quen tập thể hoặc trên sự quy ước”; ii) nguyên lý tuyến tính của cái được biểu hiện – vì nghe được nên cái biểu hiện (âm thanh) diễn ra trong thời gian, nó có một quảng tính chỉ có thể đô được theo một chiều mà thôi. Để cho hai nguyên lý trên không bị mâu thuẫn, Saussure đã không chấp nhận khái niệm biểu trưng thay cho tín hiệu, vì theo ông, biểu trưng có một đặc tính là không bao giờ hoàn toán võ đoán. Biểu trưng không phải là trống rỗng vì nó có một “mối tương quan thô sơ nào đó” giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện. Biểu trưng công lý là cái cân không phải muốn lấy cài gì thay thế cũng được [Saussure F. 1973, tr. 124]. Tuy không quan tâm nhiều đến ngôn ngữ học lịch sử, nhưng Saussure cũng khẳng định rằng “Ở bất cứ thời đại nào, dù ta có đi ngược lên xa bao nhiêu, ngôn ngữ cũng vẫn hiện ra như di sản của thời đại trước nó…Thực ra một xã hội nào cũng chỉ biết được ngôn ngữ dưới hình thức là một sản phẩm thừa hưởng từ các thế hệ trước và phải chấp nhận nó y nguyên như thế,…Một trạng thái ngôn ngữ nhất định bao giờ cũng là sản phẩm của những nhân tố lịch sử, và chính những nhân tố đó cắt nghĩa tại sao tín hiệu lại bất khả biến, nghĩa là kháng cự lại mọi sự thay thế võ đoán” [Saussure F. 1973, tr. 129].

Một trong những thất bại của cấu trúc luận là bỏ qua phương lịch sử của ngôn ngữ. Điều đó được chính ông tổ Saussure xác nhận : “ Cho nên vấn đề ngôn nguồn gốc của ngôn ngữ không quan trọng đến mức như người ta thường gán cho nó…” [Saussure F. 1973, tr. 129]. Tuy nhiên Saussure đặt tuyên bố đó chỉ trong bối cảnh thuần túy ngôn ngữ mà thôi. Ngược lại, trong địa hạt nhân học nói chung, và đặc biệt là trong lĩnh vực tiền sử thì nguồn gốc ngôn ngữ lại là một vấn đề cốt yếu nhất. Điều đó đặc biệt đúng với trường hợp Đông Nam Á, là quê hương của một ngữ hệ lớn nhất, đó là ngữ hệ Nam Đảo (Austronesian), hay còn gọi là Mã Lai – Đa Đảo (Malayo-Polynesian). Một trong những nhà tiền sử học có nhiều công lao nhất trong việc nghiên cứu nguồn gốc của ngữ hệ này là Peter Bellwood. Tuy nhiên, ông cũng là người mắc sai lầm lớn nhất khi khẳng định rằng quê hương duy nhất của ngữ hệ này là Đài Loan. Sai lầm của Bellwood bắt nguồn từ hai lối nhìn : i) về phương diện lịch sử, ông gắn liền sự phát triển của ngữ hệ này với sự phát triển của nông nghiệp; ii) về phương diện chính trị, phải chăng ông và một số nhà ngôn ngữ học tiền sử khác muốn thấy Đài Loan cần phải trở thành một trung tâm văn hóa duy nhất của toàn bộ khu vực Đông Nam Á ?.

Theo Bellwood, một đặc điểm chính yếu cần phải nhấn mạnh là quá trình phát triển liên tục của tiền sử Đài Loan không cho thấy bất cứ dấu hiệu nào của một sự thay thế dân cư rộng khắp trên đảo, hoặc truyền thống văn hóa tiếp nối văn hóa Dapenkeng (Đại Phần Khanh) vào khoảng 3500/3000 (TCN – Trước Công nguyên). Lịch sử phát triển văn hóa liên tục cho thấy các cư dân nói ngôn ngữ Nam Đảo đã cư chiếm toàn bộ đảo này cho đến thế kỷ XVII (SCN – Sau Công nguyên). Vào khoảng 2500 – 2000 năm (TCN – Trước Công nguyên), sau khi phong cách gốm Đại Phần Khanh tiến hóa thành loại hình trang trí dải băng hoa văn màu đỏ, hoặc gốm văn thừng mang đặc trưng khác biệt vùng thì cũng là lúc những người nông dân Đá mới đầu tiên di cư về phía Nam, đến Philippines và thậm chí cả Indonesia [Bellwood 2004: 134-135]. Và ông gọi đây là “mô hình chuyến tàu nhanh” của quá trình bành trướng ngôn ngữ Nam Đảo ra khỏi Đài Loan [Bellwood 2004: 229]. Thật kỳ lạ, tại sao lại phải là chuyến tàu nhanh ? Và người ta có cảm tưởng rằng trước khi người Đài Loan bản xứ đem ngôn ngữ ra khỏi Đài Loan, toàn bộ các nhóm cư dân Đông Nam Á tiền sử phải chăng là không có ngôn ngữ? Màn phù phép khiên cưỡng của ông phù thủy Bellwood có lẽ chỉ để cho có vẻ thực chứng (positivistic) với nông nghiệp và gốm trang trí dải băng đỏ. Phải chăng người ta không thể học nhau, không thể trao đổi với nhau, hoặc không thể có sự đồng quy trong sáng tạo gốm mà chỉ có duy nhất di cư?

Thật ra không thể có chuyện sau 4500 năm cách ngày nay, chỉ từ khi phát minh ra nông nghiệp, người Malayo-Polynesian ở Đông Nam Á mới học nói. Theo thống kê của chúng tôi với nhóm ngôn ngữ Jarai và Êđê, đều thuộc ngữ hệ Nam Đảo (Malayo-Polynesian) thì ít nhất là có tới 70% vốn từ vựng của các ngôn ngữ này không liên quan gì đến nông nghiệp và phải có trước khi có phát minh ra nông nghiệp. Vậy thì có phải nguồn gốc của chúng đều là từ Đài Loan ? Chắc chắn là không! Vì vậy người ta cần phải đi tìm một nguồn gốc của nhóm ngôn ngữ này sớm hơn 4500 năm nhiều.

Chúng ta đều biết rằng người Nam Đảo (Malayo-Polynesian) là các cư dân sống ở ven biển và các hải đảo. Vì vậy tổ tiên của họ phải là các văn hóa biển. Trong khi đó ở Việt Nam, nền văn hóa biển đầu tiên là văn hóa Soi Nhụ. Người Soi Nhụ đã sinh sống tại khu vực vịnh Hạ Long cách ngày nay chí ít là khoảng từ 23.000 năm trước, vào cuối thời đại Đá cũ, khi mực nước đại dương còn thấp hơn bây giờ rất nhiều [Hà Hữu Nga 1997 : 91-94 ; 2000 : 72-80]. Chúng ta chưa có đủ bằng chứng để nói về một cuộc cách mạng biểu tượng – một dấu ấn phát triển của tư duy ngôn ngữ - của cư dân văn hóa Soi Nhụ, nhưng chắc chắn rằng những con người này đã biết nói, và vốn từ vựng của họ đã có ít ra là vào khoảng 1/3 vốn từ cơ bản của các cư dân Nam Đảo hiện đại. Vậy là trước khi có đợt biển tiến Holocene Trung vào khoảng 5000 năm trước, những người vùng Soi Nhụ có thể qua lại hoặc giao lưu một cách dễ dàng với các cư dân thuộc các đảo Đông Nam Á bằng thuyền bè và kể cả đi bộ. Chính họ đã là một trong những cội ngồn văn hóa và ngôn ngữ của các cư dân biển và hải đảo Malayo-Polynesian. Vì vậy, khi nói tới ngôn ngữ Proto-Malayo-Polynesian thì không thể bỏ qua được nhóm cư dân Soi Nhụ và các văn hóa cùng thời trong khu vực, chứ không chỉ duy nhất là nhóm cư dân bản địa Đài Loan.
_____________________________________

Ghi chú: Bài tham gia Hội nghị Khảo cổ học hàng năm 2005, trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học 2005. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 2006.


Tài liệu dẫn

Bellwood P. 2004. First Farmers – The Origins of Agricultural Societies. Blackwell Publishing.

De Sausure F. 1973. Giáo trình ngôn ngữ học đại cương. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Hà Hữu Nga 1997. Có một nền văn hóa Soi Nhụ tại khu vực vịnh Hạ Long, trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học 1997. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Hà Hữu Nga 1997. Soi Nhụ - Nền văn hóa cổ nhất hiện biết trên Vịnh Hạ Long, trong Hội thảo Vịnh Hạ Long 5 năm di sản Thế giới. UBND tỉnh Quảng Ninh – Bộ Văn hóa Thông tin và Uỷ ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, Hạ Long tháng Tư năm 2000. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét