Powered By Blogger

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Việt Nam trước những tấm gương (IV)


Việt Nam trước những tấm gương (IV)

Hà Hữu Nga


Cá nhân và sự hóa thân vào cộng đồng

Ý niệm ăn sâu vào tiềm thức của mọi người dân Việt về cộng đồng của mình trước hết là [làng]* xã, nơi họ sinh ra, lớn lên, chết đi với vô vàn mối dây liên hệ thân thuộc. Đối với họ, thôn xã hay là làng về một phương diện nào đó được đồng nghĩa với nước. Bởi vì bằng lối sống làm nông hầu hết là tự cấp tự túc của mình người Việt thiết lập các mối quan hệ thường xuyên với bên ngoài rất ít. Làng xã là bầu trời duy nhất mà họ biết rất rõ. Trong môi trường làng xã, mỗi thành viên của làng phải thiết lập những mạng quan hệ chằng chịt với môi trường tự nhiên và xã hội, nơi mà anh ta sống. Tính đồng nhất về các phương thức kiếm sống của mỗi thành viên trong làng góp phần tạo nên tính đồng nhất trong tính cách của hầu hết người Việt.

Với dân làng, sản xuất nông nghiệp không phải là một quá trình bao gồm những mắt xích, những khâu, những công đoạn đòi hỏi sự phân công lao động, hoặc tổ chức lao động xã hội cao. Lao động trong các thôn xã của người Việt, trước hết tuân thủ các quá trình tự nhiên nhiều hơn. Hơn nữa, mỗi thành viên của làng đều có thể tiến hành từ A đến Z một chu trình lao động, mà không cần tới sự phân công lao động xã hội. Đặc trưng đó của lao động đã tạo ra tính biệt lập tương đối của mỗi thành viên hoặc mỗi nhóm người về mặt bản chất xã hội lao động của họ. Tuy nhiên từ bản chất của mình, con người là một loại sinh vật xã hội. Vì vậy, tính xã hội hóa không cao của lao động thôn xã có nguy cơ tách biệt các thành viên, các nhóm người trong một cộng đồng đã được bù đắp lại từ một khía cạnh khác. Đó là từ khía cạnh tinh thần.

Suy cho cùng, bản chất xã hội của con người chính là khả năng đối tượng hóa bản thân mình, tìm thấy bản thân mình ở người khác, ở đối tượng quan hệ với mình, thông qua một loại phương tiện đặc biệt, đó là các nhu cầu. Ở đây nhu cầu của đối tượng càng cao, càng phong phú, thì năng lực của các thành viên trong xã hội cũng càng cao, càng phong phú. Sự phát triển của nhu cầu đồng nghĩa với sự giải phóng năng lực các cá nhân trong xã hội từ trong bản chất của nó, tạo ra sự hài hòa xã hội. Điều đó chỉ có thể có được thông qua các quá trình sản xuất, kể cả sản xuất của cải vật chất, lẫn của cải tinh thần. Phải nhận rằng phương thức sản xuất của các làng xã Việt Nam cổ truyền không thúc đẩy mạnh mẽ được nhu cầu của con người. Tính đơn điệu của sản phẩm thể hiện rõ trong phương thức sản xuất tự cấp tự túc, được bảo lưu rất lâu dài, từ đời này qua đời khác, không giúp cho các cá nhân có thể triển khai được hết khả năng của mình. Thay vào đó là sự ngự trị của kinh nghiệm. Và thế là bản tính xã hội của mỗi con người được hướng vào tinh thần, đôi khi có cả những nẻo đường tinh thần lầm lạc, vô ích hoặc giả tạo nữa.

Năng lực tự nhiên trong mỗi thành viên của xã hội khi không được giải phóng hết thông qua các mối quan hệ xã hội trực tiếp của những quá trình lao động, sản xuất thì nó sẽ được trừu xuất thành các mối quan hệ gián tiếp. Đồng nhất hóa là một dạng quan hệ xã hội như vậy. Đương nhiên về phương diện tinh thần, có nhiều phương cách đồng nhất hóa, nhưng thực chất, đồng nhất hóa là quá trình ngược lại với đối tượng hóa. Đối tượng hóa làm thành tính đa dạng, phong phú; đồng nhất hóa ngược lại, tạo nên sự nghèo nàn, đơn điệu. Tôn giáo là một phương thức đồng nhất hóa để hòa tan cá nhân. Chính vì vậy, tôn giáo không bao giờ góp phần làm cho cuộc sống của con người phong phú hơn lên. Tuy nhiên do cuộc sống biệt lập tương đối và do sống trong một mạng các mối quan hệ chằng chịt với tự nhiên và với xã hội trong một vòm trời thôn xã, cho nên người Việt không có một môi trường thuận lợi cho một tôn giáo phổ biến duy nhất. Ngược lại, họ là một bộ phận của một hệ sinh thái thôn xã mà trong đó họ “có một thái độ tôn giáo đối với tự nhiên, và cư xử với mọi thứ trong tự nhiên với một niềm kính trọng. Đối với họ, cây cối, động vật, mọi hiện tượng tự nhiên đều có linh hồn chẳng khác nào con người. Kết quả là họ đã không cảm thấy họ có thể áp đặt ý chí của mình cho tự nhiên. Họ có thể lấy cái mà họ cần với một thái độ biết ơn kính cẩn và không hề phí phạm các vật phẩm tự nhiên” [Persell C.H. 1987, 503-528].

Thái độ cư xử với tự nhiên theo tinh thần vạn vật hữu linh ấy của người Việt đã tạo nên cho họ một tính cách ôn hòa. Trong bản tính của mình mỗi người Việt đều không muốn thể hiện sự nổi bật so với đồng bào của mình, người ta kỳ thị cái gọi là “chơi trội”. Thật ra đằng sau sự kỳ thị về tính “chơi trội” ấy, người Việt muốn phủ nhận một cái khác, sâu xa hơn thế, đó là cái cá nhân. Người Việt xây dựng xã hội của mình trên nền tảng các mối quan hệ cộng đồng. Nhưng đó không phải là những mối quan hệ thông thường, tôn trọng nhau giữa người và người, mà hơn thế người Việt mong ước có được với nhau những mối quan hệ của những người bà con ruột thịt. Có lẽ hiếm có một dân tộc nào như người Việt, mà trong danh mục các đại từ nhân xưng người ta lại dùng những từ chú, bác, anh, chị, cô, dì…v.v để gọi cả những người không phải là chú, bác, anh, chị, cô, dì thật sự của mình. Hơn thế nữa, đó không chỉ là vấn đề ngôn từ, mà người ta thật sự mong muốn có được những quan hệ ruột thịt với cả người ngoài. Tính cởi mở và hiếu khách của người Việt đã khiến cho không ít người nước ngoài cho là nhẹ dạ.

Kết luận (nhẹ dạ) đó tuy hời hợt, nhưng rõ ràng là có nguyên do của nó. Như chúng ta thấy cuộc sống của những cộng đồng thôn xã với những quan hệ nội bộ rất đặc trưng của nó làm cho con người luôn sẵn sàng chia sẻ với nhau những suy nghĩ. Họ cần phải bàn bạc với nhau mọi vấn đề trước khi đi tới một quyết định nào đó. Rất ít chỗ cho những quyết định cá nhân. Mỗi cuộc chuyện trò, dù là tay đôi, tay ba, hoặc là hơn thế nữa, kết cục cũng đều dẫn tới việc thổ lộ cho nhau nghe, kể cả những điều thầm kín – mà cuộc sống công xã ít tính cá nhân thì cái gọi là những điều thầm kín cũng chẳng có bao lăm để mà phải giữ. Đặc tính đó đã thành một phần máu thịt của người Việt, đến nỗi là cho tới tận bây giờ các phương tiện thông tin đại chúng vẫn suốt ngày dùng chữ “tâm sự”, [“tâm huyết”]. Mỗi cuộc phỏng vấn với một đồng chí nào đó, dù là về bất cứ điều gì thì người ta cũng đề dẫn là : “Đồng chí X tâm sự…” Và ngược lại, có lẽ không ở đâu trên hành tinh của chúng ta, trong các cuộc diễn thuyết, trong các bài nói và viết trước công chúng, [cho công chúng] người ta lại ít dùng chữ “tôi” như ở Việt Nam. Diễn giả, tác giả trong trường hợp này luôn cố gắng ẩn chữ ‘tôi” đi, và thay vào đó bằng đại từ “chúng tôi”, hoặc “chúng ta”**.

Thật ra chúng ta khó có thể chắc chắn rằng đó có phải là đức tính khiêm tốn cố hữu của con người Việt Nam hay không. Nhưng có một điều rõ ràng là hầu hết những bài nói hoặc viết trước công chúng, cho công chúng, tác giả của nó đều nhân danh một nhóm người, một hội đoàn, một tập thể, một sự nghiệp nào đó. Rất ít có trường hợp người ta trình bày một vấn đề tuần túy là những suy nghĩ cá nhân, và sẵn sàng gánh lấy trách nhiệm cá nhân về những suy nghĩ đó. Vả lại cũng không thể đòi hỏi ở tác giả của nó những điều khác thế, bởi vì cấu trúc nhân cách của người Việt là dạng cấu trúc nhân cách cộng đồng. Trong xã hội Việt, mỗi người đều là một thành viên của một vài tổ chức tập thể nào đó. Và trên tất cả những cái đó là ý niệm máu thịt rằng họ là người – có nghĩa là thành viên – của một làng nào đó. Và cho tới thời cận đại, khi thành phố ra đời và phát triển thì ý niệm “làng” vẫn còn nguyên giá trị tinh thần của nó. Theo tập quán Việt, người ta sẽ tái cấu trúc quan hệ làng ở bất kỳ môi trường nào dù cho môi trường đó không hề có chút bóng dáng nào của một cái làng.
   
Từ trong bản chất của tính cách này, đó chính là sự hóa thân vào cộng đồng. Khái niệm này sẽ trở nên dễ hiểu hơn, có khả năng lý giải mạch lạc hơn nếu chúng ta coi đó là dạng nhân cách gián tiếp, hoặc là dạng nhân cách nhân danh, hoặc nhân cách kép mà trong đó lực hướng tâm là nhân cách cộng đồng, chứ không phải là nhân cách cá nhân. Bản thân mỗi người Việt sẽ rất dễ cảm thấy xa lạ nếu có ai gọi họ là: “Này, anh công dân!”. Xã hội công dân là xã hội của những quan hệ trực tiếp, mà phương tiện hữu dụng là luật pháp. Xã hội của người Việt không có truyền thống đó. Nếu người ta dùng khái niệm “công dân” để xưng hô với nhau, người ta sẽ cảm thấy rất khó tiếp xúc với người khác, bởi vì một lý do rất đơn giản là dường như ở đó luật pháp đã cắt đi những mối dây liên hệ thân thuộc cộng đồng để tách mỗi thành viên của cộng đồng thành một cá nhân hoàn toàn độc lập và như thế có nghĩa là đã đặt lên đôi vai của mỗi cá nhân một gánh trách nhiệm không còn cơ hội chia sẻ với cộng đồng, dù rằng gánh trách nhiệm đó chỉ thuần túy mang tính chất tâm lý. Trong trường hợp này, đó không chỉ đơn giản là lời xưng hô, mà đó còn là cuộc đối thoại giữa phong tục và luật pháp, giữa tình cảm và lý trí, giữa truyền thống và cách tân, giữa cá nhân và cộng đồng.

Như đã nói ở trên, trong cái xã hội cổ truyền, do cấu trúc của nó, do sự kém phát triển của [phân công] lao động và sự nghèo nàn của các nhu cầu cho nên năng lực không được giải phóng của các thành viên cộng đồng quay trở lại phương cách đồng nhất hóa và thuần túy mang đặc trưng tinh thần. Tôn giáo và nghệ thuật (ở xã hội Việt đó [chủ yếu] là thơ ca) là những lĩnh vực hoạt động tinh thần rõ nét nhất. Nhưng điều đó lại phụ thuộc vào nhu cầu của người dùng nó. Trong các cộng đồng thôn xã, vạn vật hữu linh là thứ tín ngưỡng phổ biến nhất và phù hợp nhất với một cấu trúc xã hội sống dựa nhiều vào môi trường thiên nhiên như vậy. Còn nhu cầu về nghệ thuật thì cũng tương ứng với cái cấu trúc xã hội đó. Trong các cộng đồng làng quê, không có những người làm nghệ thuật chuyên nghiệp và cũng không có một tầng lớp sành sỏi nghệ thuật chuyên nghiệp, các nhà phê bình chuyên nghiệp. Vì thế nghệ thuật ở các cộng đồng thôn xã là nghệ thuật đại chúng, nghệ thuật dân dã, do những người lao động tự làm ra và thưởng thức. [Thực] trạng đó làm cho nghệ thuật không mang dấu ấn sáng tạo cá nhân. Và nó trở nên đồng nhất về phương diện cá tính dân tộc dân tới tính tượng trưng cao. Vì thế ngay cả ở đây các năng lực cá nhân vẫn không có lối thoát.

Còn một lĩnh vực duy nhất để cá nhân thi thố khả năng của mình, đó là địa vị xã hội. Nhưng ngay cả trong lĩnh vực này tính đồng nhất của các thang bậc xã hội cũng vững chắc như tiền định, và vì thế mà kể cả ở đây, cá nhân vẫn không thoát khỏi vòng quay của quỹ đạo cộng đồng, bởi một điều rất đơn giản là để có được một chút địa vị trong cộng đồng thôn xã, người ta phải pha loãng chính cá nhân của mình vào trong cái cộng đồng ấy. Ngoài ra tính tiền định của địa vị ở các cộng đồng thôn xã còn phụ thuộc rất lớn vào tuổi tác. Anh không thể già hơn những thành viên ra đời trước anh để sớm có được địa vị của họ. Và hơn nữa, trong lứa tuổi anh ở cả một làng anh không phải chỉ có một mình để có thể được xếp vào những địa vị xứng đáng. Về phương diện này, trong các cộng đồng truyền thống, cái cá nhân rõ ràng là đã mắc bẫy trong cái cộng đồng. So với cộng đồng, cá nhân chỉ luôn ở tuổi chưa trưởng thành và luôn phải nối cái cuống nhau của mình để được tiếp sức từ người mẹ cộng đồng.

Tuy nhiên không phải như vậy có nghĩa là trong các cộng đồng Việt cổ, vai trò của mỗi cá nhân bao giờ cũng lu mờ. Ở khu vực thường xuyên có chiến tranh này, vai trò của từng con người cụ thể, trong tình huống đặc biệt của chiến tranh, lại có ý nghĩa rất to lớn. Về phương diện này có lẽ “[Truyện] Ông Gióng” cho ta những lời đáp rõ ràng nhất. Trong câu chuyện có một chi tiết không bình thường về đứa trẻ, về phương diện sinh học, đó là cái không bình thường đáng ngại, chứ không phải là cái phi thường: Gióng đã lên ba nhưng không biết cười, biết nói, cứ đặt đâu nằm đấy trơ trơ. Nhưng đùng một cái, khi nghe thấy tiếng loa của sứ giả tìm người đánh giặc cứu nước, Gióng lập tức ngồi dậy đòi mẹ ra mời sứ giả của nhà vua vào cho Gióng nói chuyện. Gióng bảo sứ giả xin nhà vua đúc cho ngựa, roi, áo giáp và nón tất cả đều bằng sắt để ra trận đánh giặc. Và sau đó như ta thấy, đó là vũ công phi phàm của Gióng. Một trong những chi tiết đáng lưu ý nhất của câu truyện, kể về việc Gióng lớn lên. Có hai thứ tiếp sức cho Gióng: trước hết là tiếng loa kêu gọi tìm người đánh giặc của sứ giả. Thứ hai là việc mẹ Gióng và dân làng nuôi Gióng bằng những đồ ăn dân dã, thông thường gồm có cơm và cà, chỉ có điều là Gióng ăn rất nhiều. Ở đây sự lớn mạnh phi phàm của Gióng là rất dễ hiểu với mỗi người dân Việt. Trước tiên đó là sức mạnh tinh thần được khơi dậy bởi lòng yêu quê hương đất nước khi có giặc ngoại xâm. Khi ấy mỗi con người hàng ngày bé nhỏ, câm lặng, vô danh bỗng trở thành khác hẳn và họ háo hức cảm nhận sứ mệnh, bổn phận giết giặc của mình. Và trong câu truyện này, sự lớn mạnh của người lính giết giặc còn phụ thuộc vào sự đóng góp vật chất rất cụ thể của các thành viên trong cộng đồng, của dân làng.

Từ phương diện [trên], cá nhân vẫn còn nguyên vẹn một cuống nhau nối với người mẹ cộng đồng của mình, kẻ cả vật chất lẫn tinh thần. Cuối cùng câu truyện đã được giải quyết một cách vô cùng hợp lý. Gióng với tư cách là một cá nhân, đã giúp nhà vua và cộng đồng của mình đánh tan lũ giặc xâm lược. Một Gióng siêu phàm như vậy trở lại đời thường như thế nào được? Không thể lại trở thành đứa trẻ câm lặng giữ cộng đồng. Gióng đã bay về trời. Một lý lịch bình dị như vậy, một chiến công phi phàm như vậy, và cuối cùng là một kết cục hư vô, bởi một lý do rất đơn giản là trong xã hội thứ bậc của các công xã nông thôn xưa và sau này là xã hội phân chia [đẳng] cấp thời phong kiến hóa, người ta có thể xếp Gióng vào ngôi thứ nào cho xứng đáng với cá nhân [ông]? Sự phân ly giữa Gióng và cộng đồng theo phương cách đặc biệt ấy làm cho cái trật tự muôn thuở của cộng đồng không hề bị xáo trộn và ở đây sức mạnh cá nhân đã trở thành một giấc mơ che chở và bảo hộ cho cộng đồng, chứ không phải là một sức mạnh được khai triển hàng ngày, trong đời thường. Đó là một phương cách hóa thân vào cộng đồng sau những biến cố đặc biệt.

Trong tâm thức của mình, người Việt không bao giờ chủ trương xây dựng cho mình một hình mẫu anh hùng cá nhân thuần túy. Và điều đó hoàn toàn xa lạ với tính cách Việt. Người anh hùng của cộng đồng Việt phải là người gắn liền với cộng đồng, phải là người đại diện của cộng đồng và sức mạnh của họ chính là sức mạnh bắt nguồn từ cộng đồng. Tính cách này hoàn toàn ngược lại với rất nhiều tính cách của các dân tộc hiện đại, đặc biệt là tính cách Mỹ. Sẽ rất lầm lẫn nếu ta quả quyết rằng trong xã hội hiện đại không còn có huyền thoại nữa. Ngược lại, khi nào còn con người thì còn ước mơ và còn ước mơ thì còn huyền thoại. “Trong văn chương Mỹ, sợi chỉ xuyên suốt là đề tài “người hùng”, một nhân vật phải bắt buộc từ giã cộng đồng, ra đi một mình để mưu làm điều thiện tại một miền đất hoang lạ. Nước Mỹ đã đẻ ra một type nhân vật mang tính huyền thoại nhiều nhất trong số các “người hùng đơn độc”, đó là hình tượng người cao bồi. Cao bồi bao giờ cũng đặc biệt thiện nghệ trong việc bắn súng và một ý thức đặc biệt về sự công bằng. Nhưng điều đó chỉ làm cho nhân cách của anh ta khác lạ so với bao người, khác quá đến nỗi không tìm ra được cho mình một chỗ đứng trong xã hội nữa”.

“Trong nhân vật người thám tử điềm tĩnh, ung dung, một kiểu người hùng Mỹ xuất hiện về sau còn thấy sự ràng buộc chặt chẽ hơn giữa tinh thần cương nghị, kiên quyết với đức tính dũng cảm, tâm trạng cô độc và chủ nghĩa cá nhân. Bức chân dung của người cao bồi cô đơn và người thám tử cứng rắn có thể cho phép ta hình dung được tính cách của chủ nghĩa cá nhân Mỹ. Người dân Mỹ tin rằng chỉ có thể phục vụ được xã hội khi nào anh được độc lập, tự do với xã hội, chỉ có thể cứu vãn được các giá trị khi anh sống tách khỏi mọi người trong xã hội ấy. Chủ nghĩa cá nhân, hiểu theo khái niệm của Mỹ, không hề đồng nghĩa với thái độ ích kỷ. Trên thực tế, đúng là chủ nghĩa cá nhân có đóng một vai trò là nhân tố kích thích cho việc giúp đỡ vô tư, kích thích chủ nghĩa anh hùng, song cũng chính do đó mà thể hiện cái mâu thuẫn sâu sắc hơn hết của những huyền thoại của chủ nghĩa cá nhân, mà đã như vậy thì từ chủ nghĩa anh hùng đến tình trạng vô vọng chỉ cách một bước chân mà thôi. Người anh hùng, khi đã thay đổi niềm tin về con người và xã hội, thì đức tính cao cả xuất chúng có xu hướng đưa anh ta vào trạng thái cô đơn…” [Bellah H. R. 1990, 97-100].

Hình ảnh người hùng chiến đấu đơn độc vì công lý như hình tượng người cao bồi và người thám tử, rất hiếm xuất hiện trong văn chương Việt Nam truyền thống. Có lẽ một trong số hiếm hoi đó là tác phẩm “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu, trong đó có màn người quân tử, kẻ sỹ văn võ song toàn đã ra tay cứu nàng Kiều Nguyệt Nga. Ở đây, hình ảnh người hùng Việt Nam, một “anh Hai” không phải là type con người cô đơn, ra đi vì mục đích công lý. Anh ra đi vì mục đích hoàn toàn khác: danh lợi và địa vị - đi thi để [được] làm quan, để [được] sáng danh tổ tiên, để bõ công đèn sách, để [được] vinh hiển. Hình ảnh người hùng Việt Nam kiểu đó là hình ảnh điển hình của một kẻ sỹ nho học, một bản sao của hình ảnh “người quân tử” trong văn chương Tàu. Thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là dũng – mà một trong những đức lớn của người quân tử là dũng: “Giữa đường nào thấy bất bằng mà tha”.

Nói chung người anh hùng của người Việt không có liên hệ gì với chủ nghĩa cá nhân. Họ trở thành anh hùng không phải trên nền tảng đấu tranh cho tự do cá nhân, cho công bằng, bình đẳng của cá nhân như truyền thống phương Tây, mà hầu hết họ là những anh hùng đại diện cho lý tưởng giải phóng cộng đồng khỏi ách ngoại xâm. Họ trở thành anh hùng trong chính cái nôi của cộng đồng, trong sự gắn bó với lý tưởng, với sức mạnh đoàn kết của cộng đồng. Vì thế họ hòa mình với cộng đồng, và người anh hùng Việt Nam không rơi vào trạng thái cô đơn. Họ không xa lạ với các thành viên của cộng đồng. Về phương diện này, người anh hùng Việt Nam mang đậm nét hiện thực hơn là lãng mạn và thường rơi vào những hoàn cảnh đặc biệt. Với người Việt, không thấy có mẫu rõ nét của người hùng đời thường, người hùng của cuộc sống hàng ngày.
_____________________________________

Còn nữa…

Ghi chú:  

* Trừ để ghi chú tài liệu dẫn, còn những từ được đặt trong dấu móc [ ] là nói rằng nó đã được sửa không còn đúng như nguyên văn bản năm 1995 - 96 nữa; tuy nhiên để tôn trọng tính lịch sử của văn bản, việc sửa đổi này chỉ là cực chẳng đã. 


** Một nhân vật nổi tiếng là nhà thơ Phạm Huy Thông có cách thức sử dụng đại từ “chúng tôi [ta]” rất riêng biệt – một cách khai thác cạn kiệt khả năng biểu ý của nó. Lúc sinh thời ông, trong bất cứ cuộc họp nào của Viện Khảo cổ có mặt ông thì chúng tôi thường được nghe ông nói đại loại: “Hôm nay CHÚNG TÔI và/cùng CHÚNG TA sẽ bàn xem nên làm điều X, Y, Z”, …v.v. 


Tài liệu Tham khảo

Bellah H. R. (chủ biên) 1990. Văn hóa và tính cách của người Mỹ. Nxb. Khoa học Xã hội – Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Persell C.H. 1987. Communities and Ecology. (Tôi chưa tìm lại được phần bị mất (Người - nơi công bố) của tài liệu dẫn này – Hà Hữu Nga ghi chú).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét