Powered By Blogger

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Việt Nam trước những tấm gương (II)*


Việt Nam trước những tấm gương (II)*

Hà Hữu Nga


III. Sự va chạm với các giá trị và sự trở về với giá trị gốc

Bản thân sự ra đời của biểu tượng đã tố cáo một ý thức quy tụ, một khái niệm Trung tâm rồi. Hơn thế nữa, ngôn ngữ của biểu tượng – chiếc trống đồng của người Việt cũng lại mô tả chính điều đó. Sự trùng hợp ấy thể hiện sự chín tới; thể hiện điểm chớm tròn đầy của ý niệm. Đó chưa phải là biểu tượng cô đọng nhất, một bản lĩnh cốt lõi nhất, thể hiện ý chí của cộng đồng. Luật ở đây là luật của Trời Đất nữa chứ chưa phải chỉ là Luật Người. Ý chí tối cao ở đây thuộc về tự nhiên. Tự nhiên chi phối con người. Con người tuân thủ các quy luật của tự nhiên. Và Trời Đất chưa phó thác vận mệnh của cộng đồng cho riêng một cá nhân nào cả. Chưa có một cá nhân với tư cách là một trung tâm. Nhưng có thể đã có, ngay từ đầu, một nhóm người nào đó, nhóm người có nhiều kinh nghiệm, nhiều vốn văn hóa nhất làm kẻ trung gian giữa cộng đồng với lực lượng Thiên nhiên chi phối họ, tất nhiên là theo quan niệm của cộng đồng. Họ có thể là các đại biểu, đại diện cho quyền lợi của cộng đồng. Nhưng với tư cách là một tầng lớp các đại biểu như vậy chính là cái ý thức về vai trò, ý thức về quyền lợi của một lớp người trong mối tương quan với vai trò và quyền lợi của cộng đồng. Nhưng ngay cả tầng lớp này cũng chịu sự hướng tâm vào một quyền lực tập trung và sự ly tâm ra với quyền lợi cộng đồng. Quyền lợi cộng đồng đâm ra thành chiếc lề an toàn ngay cả cho những kẻ muốn chiếm đoạt nó khi kẻ ấy còn ở vị trí trung gian. Và nó cũng trở thành một cái nệm bông cho kẻ thất thế, ngã, nhảy xuống đất. Cộng đồng luôn luôn giang rộng cánh tay đón chào “kẻ chạy lại”. Sự trở về bao giờ cũng mang một ý nghĩa tình cảm sâu nặng. Nó giống như quả chín rụng về cội vậy.

Say mê quyền lực là một trong những bản chất cốt yếu của con người. Điều đó biểu hiện, làm động lực cho chí tiến thủ của một cá nhân hoặc một tập đoàn. Nhưng phương cách để đạt tới quyền lực thì lại thật đa dạng. Nhiều khi người ta khó mà nhận ra nổi. Điều đó lại càng đúng với tính cách của người Việt. Chí tiến thủ như là một lực hướng tâm để đạt tới quyền lực (kể cả với tự nhiên) luôn luôn chịu sự níu lại của lực ly tâm, đó là tinh thần cộng đồng. Vượt lên khỏi cộng đồng, nếu không do cộng đồng đưa lên, là vi phạm đạo đức của cộng đồng. Và ngay cả người được cộng đồng tín nhiệm, hơn ai hết, phải là người mang nặng đạo đức cộng đồng, tinh thần cộng đồng nhất. Sự chan hòa với cộng đồng trong mọi chiều góc của con người ấy, đảm bảo cho sự tồn tại của anh ta. Và hơn ai hết, anh ta là kẻ có khả năng phân thân trong cộng đồng nhiều nhất. Cá tính của anh ta là kết tinh tính cách của cộng đồng. Sẽ thật vô lý khi phải nói rằng cá tính của anh ta không thuộc quyền của anh ta, không thuộc về anh ta. Anh ta trở thành một ý niệm, một tượng trưng, một biểu tượng. Anh là hiện thân luật tắc của cộng đồng. Anh hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của tinh thần cộng đồng. Anh không có quyền chọn lựa. Anh là sự chọn lựa của cộng đồng, cho nên mọi quyết định của anh, mọi chọn lựa của anh là của cộng đồng. Trong nội bộ cộng đồng chính kiến tối hậu của anh là sự hòa giải. Anh không được phép đứng về MỘT PHÍA trong bất cứ cảnh huống nào. Anh là hiện thân của sự HÒA GIẢI. Ở đây, đại hội trí tuệ của cộng đồng trở thành một nhân tố cực kỳ quan trọng. Một bộ tham mưu, một hội đồng cố vấn trở thành linh hồn cho mỗi quyết định quan trọng.

Với tư cách trên, vai trò Thủ lĩnh của người đại diện thường mờ nhạt. Ở đây cái nổi trội là cơ mưu được sử dụng với mục đích nhân đạo cho toàn thể cộng đồng, trước hết bằng khả năng nắm bắt thời cuộc, hiểu được lúc nào là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xuay chuyển tình thế. Người như vậy được coi là người có đạo đức cao trọng, có khả năng tiên tri. Họ đúng ra nên gọi là TINH HOA của cộng đồng. Họ là tinh túy của cả trời, đất, và con người. Chính điều đó cho họ một khả năng lớn nhất cho sự hóa thân vào mọi thành viên trong cộng đồng. Họ có thể được tôn [kính] như thần thánh. Và nhiệm vụ của họ là phải giữ cái phẩm giá ấy. Đạo đức của họ gồm cả nhân đạo và thiên đạo. Nó là vầng hào quang tỏa rạng trong khung cảnh tin cậy vô điều kiện của mọi thành viên trong cộng đồng.

Rõ ràng sự trùng hợp giữa đạo đức, quyền lực, luật tắc theo cơ chế trên đã làm cho lý tưởng có thể hiện thân thành những tấm gương, thành cái đích cho lòng tin vươn tới. Và chính sự định hướng ấy tạo nên sức mạnh cố kết cộng đồng. Sự hiện thân của giá trị cộng đồng ở một con người biểu hiện sự trở về nguyên vẹn với biểu tượng nguyên khởi. Đó là nhân vật lý tưởng, có tính cách huyền thoại. Và chính điều đó cũng biểu hiện giờ phút cáo chung của một biểu tượng, một giá trị truyền thống. Người ta không nên tìm ở những nhân vật như vậy khía cạnh nâng cao, mang tính thời đại. Và lớp áo khoác của thời đại cần phải được bóc tách khi muốn tìm hiểu một chân giá trị, phản ánh, đúng ra là sự tái kết tinh của những giá trị đã từng được kết tinh. Ở những con người này, những giá trị mới mà người ta quan sát và lập luận theo lối tiến hóa luận tầm thường, coi đó là những chân giá trị, thật ra chỉ là những phương tiện để khẳng định những giá trị truyền thống. Sự trở về như vậy sâu xa hơn, tinh túy hơn và sự hóa thân từ đó, vì thế mà cũng tuyệt đối hơn?.

Khái niệm Trở về ở đây hàm nghĩa rằng sự ra đi là cưỡng bách. Đó có thể là một sức ép thô bạo của một áp lực bên ngoài. Đó cũng có thể là sự lầm lẫn trong lựa chọn, thậm chí cả sự mù quáng nữa. Lịch sử không thiếu những ví dụ như vậy ngay cả với tư cách là một cộng đồng người, một dân tộc. Sự lầm lẫn cũng gồm chứa trong đó ý nghĩa cưỡng bách: sự cưỡng bách của định mệnh, sự cưỡng bách tự nhiên vào những thử thách. Một số người […] thường run sợ có tính chất “cách mạng” trước khái niệm “Định mệnh”. Thật ra thì Định mệnh chỉ là lời cảnh cáo sự lầm lẫn của con người trong việc nắm bắt các qui luật mà thôi. Kẻ sợ khái niệm ấy là kẻ không thể nào quan niệm nổi ý nghĩa của TỰ DO. Vì thế sự Trở về đúng nghĩa của nó là biến định mệnh từ chỗ là một gánh nặng u ám thành một phương tiện trong cuộc hành trình của cuộc đời. Nhưng một cuộc trở về trọn vẹn nhất cũng bao hàm trong đó một sự viên mãn tròn đầy nhất. Và đó chính là khởi đầu cho một sự hóa giải ghê gớm nhất. Lúc này thái độ lạc quan hay bi quan là sự chứng tỏ rõ ràng nhất rằng chỗ đứng của anh là ở quá khứ hay tương lai (nếu như lấy hiện tại làm vạch chuẩn). Kẻ nào có một chân đứng ở quá khứ, một chân đứng ở tương lai là kẻ mang trong mình mâu thuẫn của thời đại. Họ sẽ phải chịu những giằng xé đau đớn. Họ làm chủ bên này thì sẽ là khách của bên kia.

Sự gãy vỡ của biểu tượng cũ, của giá trị cũ làm bừng lên một chân trời mới cho nhận thức và hành động. Đây là thời điểm phát triển phong phú nhất của các nhân cách. Mỗi cá thể phải trước hết chịu trách nhiệm về cuộc đời mình: sự chọn lựa và định hướng. Đây là thời điểm ly tâm lớn nhất. Lúc này rất hiếm có một tư cách nào khả dĩ có thể làm cho người ta tin rằng đó là đại diện cho quyền lợi của cộng đồng. Sự giải thích tối hậu lúc này là thuộc về định mệnh, thuộc về một lực lượng nào khác, bên ngoài các lực lượng của xã hội. Đây là thời điểm của các thầy bói. Các nhà tiên tri lúc này là kẻ có sức mạnh thời cuộc.

Sự đổ vỡ của biểu tượng cộng đồng làm cho quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng trở nên sòng phẳng, có tính chất đổi chác. Biểu tượng tối hậu lúc này là cái tôi. Họ dễ tin vào chính bản thân họ. Tin vào sức mạnh của họ. Tin vào sự hèn kém của họ. Như một canh bạc, họ tin tưởng hơn hết vào sự may rủi của cuộc đời. Những cái ấy chi phối cuộc đời họ mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần luật tắc của cộng đồng. Đạo đức vỡ vụn và hướng về cái tôi có tính chất bản năng nhiều hơn, tạo nên khuynh hướng giành giật và khuynh hướng hưởng lạc. Nhưng nhận định trên thuần túy mang tính logic. Không thể “à” lên rằng như thế là người Việt đã hoàn toàn “cách mạng” sau một sự gãy vỡ biểu tượng. Thật ra đối với người Việt, sự gãy vỡ ấy vẫn để lại cho họ những giá trị truyền thống nữa. Người ta vẫn có thể sống bằng nó. Lành làm gáo, vỡ làm môi, chẳng việc gì mà phải vứt bỏ cả.

Tinh thần ấy đã tạo nên một sự giằng níu, chắp vá và cố chấp đến mệt mỏi. Ở đây cuộc sống hầu như không trở thành một hiện thực, thậm chí không có cả trong tiềm năng. Nếu ở đâu đó xuất hiện khả năng ấy thì đó là những biệt lệ. Và sự dồn nén ấy gây nên một hiệu quả ngược lại: tạo thế năng để cho thời gian và không gian trải ra tưởng như vô tận, không thể nào quan niệm nổi.

Điều đó gây nên tâm lý bi quan và thụ động phổ biến. Tạo nên một nền cảnh trầm lắng và nặng lòng cảm khái. Trong một nền cảnh như vậy, mọi sự vận động trở thành lẻ loi, len lách và nhỏ nhoi, thậm chí gây nên một cảm giác vô duyên và tẻ nhạt. Đó là nền cảnh của sự trỗi dậy những mẹo vặt, những trí trá có lớp lang, nặng mùi thời cuộc, thường là dang dở. Sự trở về với những cái tôi bằng phẳng trong nền cảnh cộng đồng như vậy tạo nên một cận cảnh ngổn ngang và một toàn cảnh phẳng lặng mà người ngoài cuộc  khó có thể lý giải.

Sự vỡ lở của biểu tượng cộng đồng như vậy là sự vỡ lở của một thế cân bằng đã được làm cho nhô lên thành một trung tâm, một đỉnh xoay trong nền cảnh như đã phác họa ra ở trên. Thế là cộng đồng phải đứng trước một tấn kịch trớ trêu của sự chọn lựa tổng thể mà trong đó con người, nhất là vai trò của cá nhân chỉ đóng góp một phân nửa. Tấn kịch ấy thường làm mất đi một cơ hội đổi mới. Chẳng ai có thể đoan chắc được rằng sau đây sẽ là sự quay trở lại, hay sẽ vẫn thế này, hoặc sẽ mới mẻ khác thường. Và đúng ra thì phải nói rằng: SẼ CÓ TẤT CẢ NHỮNG CÁI ĐÓ.

Tấn kịch này ít gây nên một chất men hăng say nào, ngay cho cả những cá nhân đắc thời. Còn những người khác thì sống trong tâm trạng hoang mang. Sự phân thân vào bao nhiêu mối quan hệ phức tạp, thường làm cho người ta không định được hướng đi. Thậm chí, ngay cả vị trí của họ cũng khó mà quan niệm nổi. Các cấu phần trong tư duy và hành động của chỉ một cá nhân thôi, cũng xuay chuyển và vỡ lở. Sự trớ trêu của cuộc vỡ lở này nằm ở chỗ: [nó] không hề gây nên sức nổ phá. Nó vỡ lở trong khuôn khổ cho sẵn và chính vì thế mà sự vỡ lở cũng xảy ra thật nhịp nhàng và luôn luôn duy trì được sự cân bằng đã thành của nền tảng cộng đồng.

Những điều trình bày ở trên về quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng trong một vài trạng huống, đã đặt cá nhân trong mối tương quan mang tính tự nhiên với cộng đồng, một thực thể có tính chất thông quát hơn là mang tính lịch sử. Dưới góc độ lịch sử , có lẽ có lý hơn, khi chọn một thực thể cơ sở, một đơn vị đặc thù của cộng đồng. Đơn vị đó có thể là gia đình, một gia đình lớn, thậm chí một thân tộc. Và nếu cũng bằng một phép tính chính xác, tuy nhiên có pha chút hài hước thì sự tồn tại của một đơn vị xã hội như vậy, với thời gian trung bình của một thế hệ là 50 năm, một gia đình khoảng 4-5 thế hệ như thế có tuổi thọ khoảng 250 năm ngang với một đơn vị trong xã hội hiện đại: một cá nhân có tuổi thọ trung bình là 50 tuổi, thì chỉ một tiêu chuẩn ấy thôi lịch sử nước ta đã có thể rút lại chỉ đủ cho sự tồn tại của 16 thế hệ mà thôi. Thật là trẻ trung cái đất nước mới trải qua có 16 thế hệ.

Thật ra có thể lý giải một cách nghiêm túc cho phép so sánh trên từ nhiều góc độ, mà trước hết là từ trách nhiệm xã hội. Ngày nay sự giải phóng con người đã làm cho từng người có thể chọn lựa cho cuộc đời của mình, chọn lựa vai trò xã hội của mình. Họ dám chịu trách nhiệm trước xã hội về sự lựa chọn ấy. Nhưng trong lịch sử kẻ phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng là một người có uy tín. Đó là nhân vật đứng đầu cái gia đình của ông ta. Không có sự lựa chọn cá nhân. Trách nhiệm của cá nhân với xã hội trước hết là trách nhiệm của anh ta với cái danh tiếng của gia đình mình. Anh ta là một mảnh của gia đình. Đối với xã hội cái kết cấu của gia đình còn vững chắc hơn chính cái kết cấu của bản thân anh ta. Điều đó tưởng chừng cực kỳ vô lý, nhưng trong xã hội cộng đồng của người Việt điều vô lý ấy lại trở thành CHÂN LÝ. Bởi vì, với tư cách cá nhân, anh không có gì để tôn thờ trong chính cái “mái nhà” cá nhân anh ta cả. Nhưng trong gia đình, anh còn có bàn thờ của tổ tiên, của cha mẹ. Họ “sống vì mồ mả” của tiền nhân hơn là sống vì chính bản thân mình.

Khái niệm tổ tiên hàm chứa trong đó một lý tưởng, một niềm ngưỡng mộ tuyệt đối mà người ta phải có trách nhiệm vươn tới. Ngoài chất siêu hình về quan niệm tổ tiên ra, khái niệm ấy, biểu tượng ấy còn được vật hóa, hiện thân trong cuộc sống hàng ngày. Trên mảnh đất ngàn đời của tổ tiên, các thế hệ nối tiếp nhau sinh sống. Tổ tiên đã khai phá cho cuộc sống của họ. Và chính sự khai phá ấy cũng là nguồn sinh lực cho bản thân họ và con cháu họ nữa. Người ta cày ruộng, làm nương rẫy trên mảnh đất của tổ tiên. Người ta gieo hạt và gặt hái trên mảnh đất ấy. Và không chỉ là cái quan hệ đối cực giữa hai đầu “tổ tiên” và “chúng tôi” mà thôi, ranh giới giữa lịch sử và hiện tại, giữa tổ tiên và con cháu là không thể tách rời được. Kinh nghiệm sống truyền đời chính là nguồn sinh lực của tổ tiên ban cho con cháu. Không có những đỉnh mới. Tương lai và lý tưởng là ở đằng sau. Cái vươn tới cho hiện tại lại là quá khứ. Quá khứ là cái kho chứa vô tận mà con cháu, thật ra không cần phải làm cho phong phú thêm, họ chỉ có nhiệm vụ giữ gìn nó, tìm tòi và khai thác nó. Nó có vẻ là một nguồn mạch vô tận. Không có SÁNG TẠO. Sáng tạo với đúng nghĩa của từ này là một cái gì đó không tồn tại. Người ta không quan niệm nổi một cái gì đó ở ngoài cái cho sẵn. Kinh nghiệm. Bao giờ cũng là kinh nghiệm. Tiêu chuẩn hoàn toàn là việc NHỚ LẠI hoặc làm SỐNG LẠI cái đã từng có từ lâu đời. Vì vậy TIÊN NGHIỆM cũng là một cái gì đó là thừa và vô ích. Đó là nhận thức luận tự thân của tư duy người Việt. TIẾN LÊN! Đó là một hô ngữ vay mượn. Người Việt không hô như vậy. Bởi vì họ biết rằng không đi lên đâu cả. Nội dung mệnh lệnh Tiến lên của người Việt là: mục tiêu ở phía sau lưng, đỉnh cao thuộc về quá khứ. Người ta chỉ có thể tiến lên bằng lưng. Vì vậy, nếu muốn hạnh phúc cho người Việt, hạnh phúc tìm được bằng con đường ngắn nhất, người ta phải hô: “Lùi lại!”. Đó là một mệnh lệnh hoàn toàn tâm huyết và đứng đắn. Đừng ai cười một mệnh lệnh như vậy cả. Lùi lại. Đó là một bản năng, không cần nhận thức. Người ta không nhìn được cái ở sau lưng mình. Người ta lùi vì từ vô thức đã biết rằng mình từng xuất phát từ một cái đích ở phía lưng. Cái đích ấy là điểm an toàn ĐẦU TIÊN và không có lẽ gì lại không là CUỐI CÙNG của mình. Vì thế người ta lùi lại mà không cần nhìn BẰNG MẮT.

Nhưng thật ra có bao giờ một người tâm huyết và đứng đắn lại hô lên một khẩu hiệu chiếm đoạt hạnh phúc là: Lùi! Lùi lại! Hô lên như thế có nghĩa là đã tự thú nhận rằng: Mắt là một giác quan không cần thiết. Nó, cùng lắm chỉ có thể dùng để trang trí. Hoặc mắt luôn luôn là cái của quá khứ. Nó đã từng quan sát con đường ở phía sau lưng từ trước rồi. Không! Không ai muốn thú nhận như vậy cả. Và càng không muốn, họ càng làm ra vẻ tôn trọng cặp mắt. Tôn trọng đến mức biến tất cả con người thành CON MẮT. Hãy hướng tới! Và người ta hướng tới đỉnh cao (ở phía sau lưng) chỉ còn bằng cách ĐI VÒNG. Mắt có thể lé về bên trái nếu người ta vòng về phía phải. Và ngược lại. Và hơn nữa lấy gì để đảm bảo rằng con đường vòng không làm cho người ta kiệt sức và ngã gục trước khi tới đích?

Chỉ mới có đi vòng và đi lùi chứ chưa bao giờ có một cuộc nào người ta quay lại. Quay lại và đối mặt với quá khứ. Chưa từng có một cuộc đối thoại và đối mặt nào như vậy cả. Nhiều nhất vẫn là đi vòng. Đó là cách đi hợp với cấu tạo tự nhiên của cơ thể: một cặp mắt ở phía trước.

IV. Cuộc đi vòng – Thân phận hoặc Định mệnh

An Dương vương xây thành Loa. Đó là lịch sử hay đó là huyền thoại. Đó là sự thật hay đó là biểu tượng? Lịch sử đã trả lời rằng đó là tất cả. Đó là giá trị của người Việt. Sứ mệnh lịch sử đã được trao vào tay An Dương vương. Có lẽ ông là người đầu tiên trong lịch sử người Việt làm một cuộc thống nhất. Ở đây người ta không thấy nữa, hình bóng một mặt trái cân bằng với ông như bà Âu Cơ ngang bằng với ông Lạc Long. Đã có một cuộc hướng tâm quyết liệt hơn. Nhưng trớ trêu thay, lịch sử vẫn đặt một phần bà Âu Cơ bên cạnh cái vị trí quang vinh của ông. Bà Âu Cơ đã tách ra một phần thành con cháu bà, đại diện cho bà (dù điều đó có phần nào thú nhận rằng bà đã “già yếu”) để giữ chân An Dương vương. Đó là nàng Mỵ Nương xinh đẹp. Mỵ Nương tuy không có cái quyền lực ngang bằng với vua cha như bà Âu Cơ ngang bằng với Lạc Long Quân, nhưng nàng đã làm một công việc cực kỳ hệ trọng. Nàng phá hủy sự nghiệp của vua cha không phải trong suốt cuộc đời ông như một sự níu kéo, mà nàng vô tình lại đã phá sự nghiệp của ông ở ngay cái khâu yếu nhất, vào một thời điểm quyết định nhất công cuộc của vua cha. Đó là một sự va chạm giá trị đầu tiên của người Việt trước một giá trị mới. Trọng Thủy là kẻ đại diện cho cái giá trị ấy.

Trong cuộc hành trình của mình, An Dương vương đã làm một cuộc đi vòng đáng kể. Ông đã đi tới được nơi tận cùng của Loa thành. Ông đã đi tới được đỉnh của cái con ốc khổng lồ của ông rồi. Thế mà ông vẫn không trụ lại được ở đó. Chính con gái ông, một phần máu thịt của ông, một phần của cuộc đời ông đã góp phần làm sụp đổ cái đỉnh mà ông đang lên tới. Tấn kịch cuối cùng là ông phải giết nàng. Ông giết nàng bằng lưỡi gươm uy quyền của ông. Lưỡi gươm cắt đứt đời nàng cũng chính là lưỡi gươm cắt đi một sự giàng buộc, một sự níu kéo An Dương vương. Nhưng ông đâu có trở lại, hoặc thậm chí chỉ có ý định trở lại với cuộc đời, ngay cả điều đó, như một chớp lóe thôi cũng chẳng có. Ông đã đi vào chốn vô cùng. Còn Mỵ Nương, một kẻ đáng lý ra, trước tòa án của lịch sử, đã phải chết, thì cũng chính tòa án ấy lại vực nàng trở dậy và tiếp sức cho nàng. Sau cái chết hờ, nàng trở về trinh nguyên hơn, tròn đầy hơn bao giờ hết. Nàng ngời sáng lên một lòng thủy trung muôn thuở. Nàng trở về bên Trọng Thủy, cùng chàng hưởng hạnh phúc tuyệt đối, như trước kia bà Âu Cơ đã đứng bên cạnh Lạc Long.

An Dương vương đã làm một cuộc hành trình quyết liệt nhất trong lịch sử người Việt, chính vì vậy mà ông đã bị bứt ra khỏi quỹ đạo của người Việt. Không còn con đường nào khác thế giành cho ông. Ông trở thành một người Việt đầu tiên có số phận, bởi vì tự bản thân ông, ông đã đi hết một vòng cuộc đời mình. Không có ai, trong cái cộng đồng muôn thuở của người Việt chia sẻ cái gánh của số phận đặt trên vai ông, dù kẻ đó là thân thích, ruột già. Vả lại cuộc tìm kiếm của ông đã thúc dục ông không muốn vướng bận với một số phận thường tình nào. Nhát gươm cuối cùng bừng lên ở ông như một nhân cách. Phải chăng sự xa lạ ấy đã làm cho người ta nghĩ rằng ông không phải là người Việt chính gốc. Lịch sử đã đôi lần dậy lên những cuộc tìm kiếm tiểu sử của ông. Lẽ thường, một người là lạ thì quê phải ở xa. Nhưng cũng thật thông thường, có những người thật gần gũi nhau, nhưng có lúc lại trở nên xa lạ, đến nỗi người thân cũng không nhận ra. Và có khi người ta không muốn nhận ra.

An Dương vương đã một mình một ngựa trong cuộc chạy đua với lịch sử. Ông không ở trong số những người chỉ có thể chạy tiếp sức. Ông đã không chịu một nền cảnh chạy tiếp sức của cộng đồng. Sự nghiệp của ông là một cuộc đối thoại khả dĩ đầu tiên với sự nghiệp của tiền nhân. Ông là một lý lẽ bị phủ nhận, là một giả thiết của lịch sử. Trong nền cảnh Mỵ Châu – Trọng Thủy, ông thật lẻ loi. Trong cuộc chạy tiếp sức của cộng đồng, ông đã trở thành kẻ chạy tắt, vì vậy ông đã lên đến đỉnh trước tiên.

Cộng đồng Việt. Đó là một khái niệm khó xác định vì cái kết cấu đang thành của nó. Nó trở thành một cái bào thai tiếp tục phát triển ở bên ngoài cơ thể của người mẹ. Trong cái vòng tròn chung ấy, mỗi thực thể thông quát trở thành một cấu phần không thể tách rời. Chưa có gì đòi hỏi nó phải trở thành một cá nhân. Vì thế mỗi số phận gắn liền với nhau, tạo thành một số phận chung. Nhưng dù sao cũng không chỉ là một cuộc xoay theo một chiều. Những xung động của lịch sử xuyên qua những thực thể thông quát không bao giờ đồng đều, luôn có khuynh hướng làm cho chúng trở thành độc lập, thành cá thể. Sự không đều ấy, thường làm cộm lên dòng mạch của cộng đồng, đôi khi gây nên những đứt gãy dòng mạch ấy, tạo nên những khả năng ly tâm lớn hơn.

Ai quan tâm tới ngôn từ biểu thị hành động sống của người Việt, chắc chắn sẽ có một hình dung sống động về khái niệm “xoay xở” của họ. “Xoay xở” biểu hiện một cường độ lớn hơn giữa hai đối cực Cá nhân – Cộng đồng. Nhưng dầu sao nó cũng vẫn thể hiện một phạm vi hành động chật hẹp và ít có khả năng nổ phá thành những lối thoát. Nó như một đứa trẻ con bị mẹ lôi khỏi cái hàng quà mà nó rất mực ưa thích vậy. Nhưng uy quyền của người mẹ vẫn lớn hơn. Nó khó có cơ hội thỏa mãn khi người mẹ không đồng ý một cách lạnh lùng. Nó chỉ có thể đập chân, đập tay thậm chí lăn rãy khi bà mẹ vừa nựng vừa sềnh sệch lôi tay nó đi. Cái cách “xoay xở” của nó không đem lại hiệu quả bao nhiêu.

Sự chưa trưởng thành của cộng đồng còn biểu hiện ở chỗ: thích noi theo. Việc thích noi theo bao giờ cũng gây ra một hậu quả rõ ràng đó là tính không ổn định. Ngoài ra thích noi theo còn chứa trong đó nhu cầu chiêm ngưỡng biểu tượng. Dầu sao, đó cũng là một quá trình chọn lựa giá trị, quá trình thử nghiệm chính bản thân mình. Đôi khi cũng có say sưa các giá trị giả. Sự thức tỉnh điều này thường đòi hỏi nhiều thời gian. Và sự kéo dài thời gian ấy còn phụ thuộc vào mức độ thức tỉnh không đồng đều của các cấu phần cộng đồng. Tính không đồng đều ấy trong một nền cảnh cân bằng gây nên một sự thản nhiên, trì trệ. Tính không đồng đều gây nên tình trạng đa dạng, và thiếu chọn lựa. Nó biểu hiện khuynh hướng hòa đồng không chính kiến và không bản lĩnh. Thậm chí, những vấn đề này rất ít được đặt ra.

Người thiếu bản lĩnh sẽ rất dễ chấp nhận, dễ thích nghi. Thành ra, nếu suy đến cùng thì lại là kẻ có bản lĩnh nhất, cái bản lĩnh bản năng của sự tồn tại (thân xác). Người ta có thể gọi đó là siêu bản lĩnh. Và đó cũng là một trong những khía cạnh của cái giá trị tuyệt đối mà sẽ có lúc trở thành thông quát trong xã hội loài người. Một xã hội cũng vậy. Nếu nó chỉ có bản lĩnh của sự tồn tại thì đó là một xã hội đã ở vị trí chân tường. Nó sẽ bật trở lại vì bị nén. Vũ trụ diễn từ và hành động sẽ triệt tiêu tốc độ, làm rãn thời gian một cách phi kỹ thuật, và đến lượt mình nó cũng làm cho những ưu thế kỹ thuật bị triệt tiêu. Đó gần như là sự đối đầu của hai thế lực mù quáng, ngoài dự kiến của người chịu trách nhiệm. Và nếu nói một cách rộng rãi và chặt chẽ hơn, cả những dự kiến, những trách nhiệm cũng chỉ là những công cụ vô thức của…

(Phần tiếp theo của tập bản thảo đã bị mất hoàn toàn; tuy nhiên tôi còn giữ được một tập khác, cũng tư duy theo dòng mạch này, nhưng mãi 13 năm sau, vào năm 1995 nó mới được bắt đầu).  
_________________________________________


* Ghi chú của người viết:  Tôi đã nói về việc tìm thấy lại một vài tập viết tay úa vàng về bản sắc Việt, tính cách Việt, v.v…trong đó có tập giấy này, được ghi năm 1982. Úa vàng và không còn nguyên vẹn…Hồi đó sách báo, tạp chí và tài liệu tham khảo rất hiếm, kinh phí đi thực địa lại càng hiếm nữa, nên hầu hết những người nghiện viết phải tìm ra một cách gì đó để có thể viết được. Với tôi, khảo cổ học lý thuyết, khảo cổ học nhận thức - hoặc “khảo cổ học bẩn” -  viết chay kiểu này là một cách giết thời gian nhàn rỗi vô tận dùng để lê la ở vài quán nước trà và rượu trắng rẻ tiền. Giờ đây lần giở lại chúng để ngắm nghía về lối nghĩ ngày qua…Và hầu như chẳng có cảm giác gì ngoài vài âm thanh xủng xoẻng vọng lại từ một thời vừa rất xa lại vừa rất gần ấy.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét