Powered By Blogger

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

Quá trình hình thành dân tộc và bản sắc dân tộc (I)

Quá trình hình thành dân tộc và bản sắc dân tộc (I)

Montserrat Guibernau

Người dịch: Hà Hữu Nga


1. Giới thiệu

Trong một thế giới toàn cầu hoá trong đó tính đa dạng dân tộc và tộc người đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết thì bản sắc dân tộc được cấu thành như thế nào? Mối liên kết giữa bản sắc dân tộc và quyền công dân là những gì? Từ khi hình thành đến giờ nhà nước – dân tộc đã được thừa hưởng con đường tiếp cận quyền lực và các nguồn lực thiết yếu vẫn được khai thác để tạo ra một bản sắc dân tộc duy nhất cho tất cả mọi công dân của nó. Sự tăng cường toàn cầu hoá đã thúc đẩy quá trình chuyển hoá của nhà nước dân tộc cổ điển bằng cách phá vỡ thế độc quyền đối với kinh tế, quốc phòng, truyền thông, văn hoá cùng nhiều khía cạnh và chức năng khác nữa. Sự xuất hiện quá trình phụ thuộc lẫn nhau trên quy mô toàn cầu và các lực lượng kinh tế chính trị xuyên quốc gia đang làm thay đổi địa điểm ra các quyết định thực sự. Đồng thời các đơn vị kinh tế và chính trị nhỏ đã ngày càng trở nên thiết thực trong một thế giới toàn cầu hoá, và điều đó phần nào được coi là sự xuất hiện không mong đợi, là cái mà các dân tộc không có nhà nước đang đạt được.

Công trình nghiên cứu này cho rằng nhà nước dân tộc về cơ bản đã chuyển hoá bởi tác động của toàn cầu hoá, tuy nhiên những bước chuyển hoá như vậy thay vì báo hiệu cho một cái chết không thể tránh khỏi của loại hình nhà nước dân tộc thì đã lại thúc đẩy nhà nước dân tộc tái tạo bản chất kinh điển của nó. Hơn nữa vẫn tồn tại một mâu thuẫn cố hữu liên quan đến các tác động của toàn cầu hoá đối với khả năng nhà nước đó tạo dựng được một bản sắc dân tộc duy nhất cho các công dân của nó. Nhưng trong khi quá trình toàn cầu hoá cung cấp cho nhà nước dân tộc các phương tiện mạnh mẽ nhất để đạt được sự đồng nhất hoá văn hoá cho các cư dân của nó, thì nó cũng thúc đẩy khả năng xuất hiện các dòng văn hoá phá vỡ các ranh giới dân tộc và đe doạ độc quyền của nhà nước đối với văn hoá và truyền thông đại chúng.

Phần đầu của bài viết này sẽ xem xét một số đặc điểm chính của loại hình nhà nước dân tộc kinh điển đang thay đổi dưới tác động của các quá trình toàn cầu hoá. Phần này tác giả đề xuất khái niệm nhà nước dân tộc hậu truyền thống để nói về một loại hình nhà nước đã xuất hiện như là kết quả của các quá trình biến đổi cơ bản đối với các quan niệm truyền thống về chủ quyền tối thượng của nhà nước, lãnh thổ và tính chính thống đối với việc kiểm soát tuyệt đối các phương tiện bạo lực. Phần thứ hai tập trung nghiên cứu bản sắc dân tộc. Phần này sẽ xem xét mức độ chuyển hoá dưới tác động của toàn cầu hoá đối với việc nhà nước dân tộc tận dụng các chiến lược chủ yếu để tạo ra một bản sắc dân tộc duy nhất cho toàn thể các công dân của mình.

2. Các định nghĩa

Trước khi thảo luận về các vấn đề này cần phải xác định một sự khác biệt rõ ràng giữa bốn khái niệm chính: nhà nước, dân tộc, nhà nước-dân tộc và bản sắc dân tộc. Có thể sử dụng định nghĩa khái niệm nhà nước của Weber để nói đến “một cộng đồng người đã khẳng định (thành công) độc quyền sử dụng chính đáng sức mạnh vật chất trong một lãnh thổ nhất định” [Weber, 1991: 78], mặc dù không phải tất cả các nhà nước đều thực hiện điều đó, và một số nhà nước thậm chí còn không mong muốn thực hiện nó. Nói đến khái niệm nhà nước là đề cập đến một nhóm người ý thức rõ ràng về việc tạo dựng một cộng đồng có một nền văn hoá chung, gắn bó với một lãnh thổ được phân ranh giới rõ ràng, có một quá khứ chung và một dự phóng chung cho tương lai và khẳng định quyền tự  quản của mình [Guibernau 1996: 47]. Nhà nước – dân tộc là một thể chế chính trị hiện đại đặc trưng bởi sự hình thành một loại hình nhà nước có độc quyền về những gì mà nó khẳng định là việc sử dụng chính đáng sức mạnh trong một lãnh thổ được phân ranh giới rõ ràng và tìm cách thống nhất mọi người dân phụ thuộc vào sự cai trị của nó bằng cách đồng nhất hoá văn hoá và ngôn ngữ. Bản sắc dân tộc dựa trên tình cảm tương thuộc với một dân tộc cụ thể, với những biểu tượng, truyền thống, các vị trí linh thiêng, các nghi lễ, các anh hùng, lịch sử, văn hoá và lãnh thổ của riêng dân tộc đó.

Nhưng vẫn có một thuật ngữ khác cần phải được định nghĩa – toàn cầu hoá. Cho đến nay vẫn chưa có một lý giải duy nhất nào về toàn cầu hoá có được vị thế chính thống và vì vậy mà phần tiếp theo sẽ tóm tắt một số định nghĩa và đánh giá những cách tiếp cận đối với chủ đề này.

Đối với tác giả, khái niệm toàn cầu hoá được dùng để chỉ quá trình tăng cường kết nối toàn cầu về mọi khía cạnh của đời sống xã hội hiện đại. Toàn cầu hoá được đặc trưng bởi sự giao tiếp tức thì và sự phụ thuộc lẫn nhau của con người ngày càng lớn hơn bao giờ hết cho đến khi có cuộc cách mạng công nghệ diễn ra trong vòng hai mươi năm qua. Một hệ quả quan trọng nhất của toàn cầu hoá là việc tái xác định không gian và thời gian. Vấn đề này liên quan đến những thay đổi trong việc nhận thức các giới hạn vật chất của không gian và sự quy giản đầy kịch tính trong thời gian cần thiết để sản xuất và xử lý thông tin.

Thực chất của quá trình toàn cầu hoá là mối quan hệ biện chứng của địa phương và toàn cầu, một quá trình mà các sự kiện địa phương được chuyển hoá và được tạo hình dưới ảnh hưởng của sự tăng cường các kết nối xã hội trải khắp không gian và thời gian. Đồng thời những sự kiện địa phương có được ý nghĩa hoàn toàn mới khi chúng được tách ra khỏi thời gian và không gian được nhận thức nơi chúng xảy ra. Cái địa phương và cái toàn cầu xoắn xuýt lấy nhau trong một mạng lưới mà cả hai nhân tố đó được chuyển hoá với tư cách là kết quả của các mối tương quan riêng của chúng. Toàn cầu hoá tự thể hiện thông qua trạng thái căng thẳng giữa các lực lượng của cộng đồng toàn cầu và các lực lượng đặc thù về phương diện văn hoá, quá trình phân mảnh và đồng nhất hoá về tộc thuộc và văn hoá.   

3. Toàn cầu hoá và nhà nước-dân tộc

Phải chăng toàn cầu hoá báo hiệu sự kết thúc của kỷ nguyên nhà nước dân tộc? Hoặc ngược lại, toàn cầu hoá đang thúc đẩy sự xuất hiện của một loại hình nhà nước dân tộc mới? Khái niệm truyền thống về chủ quyền tối thượng của nhà nước biến đổi đến mức độ nào? Phần này xem xét những biến đổi liên quan đến hệ thống nhà nước dân tộc, năng lực của nhà nước dân tộc trong việc kiểm soát hành chính, sức mạnh của nó trong việc khẳng định độc quyền chính đáng của các phương tiện bạo lực trong một lãnh thổ nhất định và tính lãnh thổ của nó. Từ đây tác giả sẽ thao tác bằng tính phân đôi quá giản đơn giữa “nhà nước dân tộc cổ điển” và nhà nước dân tộc “hậu truyền thống” (hậu cổ điển). Tác giả hoàn toàn tin tưởng vào việc sử dụng phương pháp phân đôi này bởi vì cả hai thuật ngữ đều minh họa cho hai loại hình đối lập lý tưởng về việc nhà nước dân tộc có thể được định nghĩa như thế nào cả trước và sau quá trình toàn cầu hoá. Phần này chủ yếu nhấn mạnh đến việc lý giải các thay đổi chủ chốt tác động đến nhà nước dân tộc trong tính nguyên bản của nó, tức là môi trường “phương Tây”. Vì vậy bất cứ khi nào tác giả đề cập đến khái niệm “nhà nước dân tộc” thì người đọc cần phải hiểu rằng đó là “nhà nước dân tộc phương Tây” và chủ yếu là “nhà nước dân tộc châu Âu”, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt khác.

3.1. Hệ thống nhà nước dân tộc

Không phải đến thế kỷ 19 thì châu Âu mới được chia thành các nhà nước dân tộc được xác định một cách rõ ràng – ngay cả những trường hợp muộn đến năm 1871 của Ý và Đức. Chính xác là từ giai đoạn này trở đi nhà nước dân tộc đã được thừa nhận là đơn vị của quyền lực chính trị par excellence tuyệt đối. Điều đó còn liên quan đến thời gian mà những người dân di cư khỏi châu Âu và thành lập các “nhà nước dân tộc thuộc địa” ở những vùng xa xôi hẻo lánh của thế giới, chẳng hạn như các nhà nước châu Mỹ Latin, Hoa Kỳ, Canada và Úc. Hầu hết các nhà nước này đều được xây dựng sau khi họ đã quét sạch các nhóm dân bản địa hoặc xé lẻ thành những nhóm nhỏ trong tổng thể cư dân toàn quốc. Những nhà nước mới này nói chung đã giành được độc lập sau các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chống lại các cường quyền mẫu quốc.

Thêm vào đó là các đế quốc tạo dựng bởi các nhà nước châu Âu ở các đại lục khác bị phá huỷ từng bước sau Thế chiến II và sinh ra một số lượng đáng kể các nhà nước độc lập mới ở châu Á và châu Phi. Nhiều nhà nước hậu thuộc địa này trở thành các “dân tộc nhà nước”, một thuật ngữ liên quan đến tình huống mà một nhà nước được thiết kế một cách chuyên quyền bằng cách phớt lờ các bản sắc văn hoá và ngôn ngữ của các nhóm rơi vào ranh giới của nó với khát vọng trở thành một dân tộc. Khái niệm “nhà nước không có dân tộc” được áp dụng một cách hoàn hảo vào các nước thuộc Thế giới Thứ ba trong hầu hết các trường hợp, đều không có nghĩa là một dân tộc có trước khi có nhà nước.

Người ta cho rằng ‘nhà nước không có dân tộc’ cũng tồn tại ở châu Âu và nơi khác vì hầu hết các nhà nước dân tộc đều có nhiều dân tộc hoặc các bộ phận dân tộc trong lãnh thổ của các nhà nước đó. Tuy nhiên một số nhà nước dân tộc khó mà thiết lập được một hạt nhân với các yếu tố ngôn ngữ, lịch sử và văn hoá chung cho các công dân của mình. Nhưng việc áp dụng thuật ngữ ‘dân tộc nhà nước’ vào một quốc gia Tây Âu sẽ không xác đáng, vì trong trường hợp này vấn đề không phải là tình trạng thiếu một dân tộc để chính thống hoá nhà nước, mà là sự tồn tại của nhiều hơn một dân tộc sống trong các ranh giới của nhà nước đó. Điều đó cũng có thể đúng với một số trường hợp châu Á và châu Phi chẳng hạn như Mianma và Nigeria. Hầu hết các nhà nước dân tộc phương Tây đều dựa trên cơ sở một trong số các dân tộc của nó trở thành dân tộc thống trị và khuất phục các dân tộc khác hoặc là các bộ phận của các dân tộc khác trong phạm vi lãnh thổ của nó.

Thông thường nhiều dân tộc khác ấy có những ký ức về một thời họ đã được hưởng những thế chế chính trị độc lập của riêng mình. Chẳng hạn trong các nền văn hoá và ngôn ngữ Tây Ban Nha, Castilia có nhà nước thống trị từ thế kỷ 18 và đã cố gắng đồng hoá người Catalan, người Basques và người Galicia. Ngôn ngữ và văn hoá tiếng Anh đã thịnh hành ở Anh và là kết quả của sự đồng hoá tương tự; người Scots, người Welsh và người Cornish đã Anh hoá mặc dù vẫn tái xuất hiện chủ nghĩa dân tộc trong các vùng này.

Ở vào buổi bình minh của thế kỷ thứ 21 nhà nước dân tộc vẫn duy trì nhân tố chủ yếu trong các mối quan hệ quốc tế; là một nhà nước dân tộc có chủ quyền dường như là biểu tượng vị thế quốc tế chủ yếu cũng như có được khả năng tiếp cận với xã hội toàn cầu. Nhà nước dân tộc được định nghĩa là tồn tại trong một hệ thống các nhà nước dân tộc có truyền thống dựa trên sự thừa nhận chung về chủ quyền đồng thời đem lại một nguyên tắc trật tự cho cái gọi là ‘nội tại’ đối với các nhà nước và cái gọi là ‘ngoại tại’ đối với các nhà nước đó. Trong bối cảnh đó, mối quan hệ giữa chủ quyền và nguyên tắc bình đẳng của các nhà nước trở nên rất gần gũi vì, “một nhà nước không thể trở nên có chủ quyền tối thượng ngoại trừ nó nằm trong một hệ thống của các nhà nước có chủ quyền khác, mà chủ quyền của nó được các nhà nước khác thừa nhận; trong đó có một sức ép mạnh mẽ hướng đến việc thừa nhận lẫn nhau một cách ngang bằng, bất kể tình huống thực sự nào liên quan đến quyền lực có tính phân biệt” [Giddens, 1985: 282].

Hệ thống nhà nước dân tộc giờ đây đang phải đương đầu với sự xuất hiện chưa hề có tiền lệ trong số các tổ chức liên chính phủ, các cơ quan quốc tế và siêu quốc gia, cùng các thể chế bao gồm từ Liên hợp quốc đến Liên minh châu Âu, trong đó có cả các nhân tố phi nhà nước và các cơ quan liên quốc gia bao gồm cả các tập đoàn đa quốc gia chẳng hạn như Hoà bình xanh hoặc Tổ chức Ân xá Quốc tế và nhiều tổ chức khác nữa.

Sự gia tăng của các nhân tố chính trị mới trong vũ đài toàn cầu đã thách thức mô hình truyền thống về các nhà nước tối thượng cá thể được toàn quyền hành động tự trị và độc lập. Ở một mức độ nhất định nó cũng mở rộng phạm vi vượt khỏi các mối quan tâm địa chính trị truyền thống để can dự vào hàng loạt vấn đề tài chính, an ninh, sinh thái và xã hội. Về phương diện này, số lượng các cơ quan và tổ chức quốc tế cũng như liên quốc gia ngày càng tăng đã phản ánh và đồng thời góp phần vào việc củng cố ý nghĩa độc lập lớn hơn giữa các dân tộc, các vị trí và các chính phủ khác nhau giữ địa vị lãnh đạo tương xứng với sự tăng cường của các quá trình toàn cầu hoá.

Dù sao thì nhà nước dân tộc cũng vẫn là một hệ thống đang vận hành tác dụng. Hiện nay các nhà nước dân tộc là những bộ phận chính thức duy nhất rõ ràng trong các thể chế chẳng hạn như UN, NATO, ASEAN và các tổ chức quốc tế khác. Thậm trí trọng yếu hơn, các nhà nước dân tộc còn là các kiến trúc sư của các thể chế này và quyết định chọn sự vận hành, các điều kiện cho cả sự tiếp nhận lẫn cấu trúc, và trong hầu hết các trường hợp chúng cũng tự duy trì bền vững về phương diện tài chính.

Ngoài ra các nhà nước dân tộc còn là các chủ thể và người sáng tạo ra một mạng lưới toàn cầu, mà phần lớn đều coi nhẹ các dân tộc thiểu số với tư cách là các nhân tố chính trị. Các nhà nước dân tộc thường bỏ qua các nhu cầu về quyền tự quyết của thiểu số các dân tộc sống trong các lãnh thổ của các nhà nước đó, và khi làm như vậy, các nhà nước đó có khuynh hướng nhấn mạnh các lý lẽ dân chủ dựa trên nguyên tắc chủ quyền tối thượng phổ biến và quyền tự quyết của các dân tộc cũng như có khuynh hướng bỏ qua sức mạnh ràng buộc tình cảm là vấn đề trung tâm của các loại hình tiểu nhà nước dân tộc chủ nghĩa. Tác giả của bài viết này cho rằng sự phát triển của nhiều phong trào dân chủ dân tộc chủ nghĩa mà tác giả coi là “các dân tộc không có nhà nước”  [Guibernau 1999], mà ở đó có một cộng đồng văn hoá nhưng lại không có thể chế chính trị độc lập đại diện đầy đủ cho nó, có tiềm năng làm sói mòn thêm cấu trúc đồng bộ hiện thời của hệ thống nhà nước dân tộc bằng cách đặt vấn đề về tính chính đáng và các phẩm chất dân chủ của một số nhà nước dân tộc thù địch hoặc miễn cưỡng thừa nhận tính đa dạng dân tộc nội tại trong các lãnh thổ của chúng.

Mặc dù có những thách thức từ cả bên dưới lẫn bên trên mà chúng ta đã phân tích, thì nhà nước dân tộc vẫn duy trì nhân tố chủ yếu trên vũ đài chính trị quốc tế. Tuy nhiên không thể chối cãi được rằng các nhân tố chính trị mới diễn ra ác liệt từ các thể chế và các tổ chức quốc tế và siêu quốc gia đến các dân tộc không có nhà nước đang tìm kiếm quyền tự quyết và các nhóm dân tộc đòi được thừa nhận mỗi ngày đều đạt được ý nghĩa lớn hơn và buộc nhà nước dân tộc phải tái tạo lại bản chất truyền thống.

3.2. Kiểm soát hành chính

Một đặc điểm chủ chốt của nhà nước dân tộc cổ điển là năng lực của nhà nước đó trong việc thực thi quyền kiểm soát hành chính trong một lãnh thổ nhất định. Điều này liên quan đến quyền lực lập pháp và quy định hình thức thưởng phạt của pháp luật. Hiện nay các nhà nước dân tộc đang phải đối mặt với một quá trình đang diễn ra liên quan đến sự xâm phạm ngày càng tăng của các thể chế bên ngoài vào các chức năng lập pháp và hành pháp của các nhà nước đó.

Khái niệm truyền thống về chủ quyền tối thượng của nhà nước có nguồn gốc ở châu Âu từ thế kỷ XVI lý giải và chính thống hoá Nhà nước Chuyên chế bắt đầu can dự vào quyền kiểm soát của nhà nước về phương diện kinh tế, văn hoá, trật tự xã hội và truyền thông trong một lãnh thổ có ranh giới là thứ đã trở thành khung pháp lý của nhà nước sau hiệp ước Westphalia năm 1648.

“Sự thừa nhận quyền tối thượng của các nhà nước với nhau về vấn đề đương đại quan trọng nhất, niềm tin tôn giáo, có nghĩa là các nhà nước mong muốn dựng đặt lần lượt các mục tiêu chính trị nào đó cho sự kiểm soát và bền vững nội tại. Bằng việc khai thác quyền tự trị từ sự can thiệp bên ngoài được thoả ước quốc tế chung này thông qua, các nhà nước đã có thể ấn bừa “chủ quyền tối thượng” vào các xã hội của mình [Hirst & Thompson 1999: 257].

Có một vấn đề là nhà nước hiện đại xuất hiện như một quyền lực thống trị về phương diện chính trị và cụ thể về phương diện lãnh thổ tuỳ thuộc một phần vào các thoả ước quốc tế. Khái niệm truyền thống về chủ quyền tối thượng quốc gia tuyệt đối về phương diện lý thuyết ấy đã bị giới hạn đáng kể và được công nhận tư cách bởi các tổ chức và luật pháp quốc tế.
           
Người ta cho rằng chủ quyền tối thượng của các nhà nước đang bị sói mòn và phạm vi của quyền uy nhà nước đã bị thu hẹp lại dưới tác động của quá trình toàn cầu hoá. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là các nhà nước vẫn bất động và đã trở thành những tác nhân chính trị thừa. Không nên đánh giá thấp năng lực chuyển hoá của nhà nước. Người ta có thể cho rằng nhà nước vừa với tư cách là tác nhân vừa với tư cách là sản phẩm của quá trình lịch sử năng động và mở rộng, luôn gắn chặt với một dự phóng lớn hơn của tính hiện đại và sự mở rộng chủ nghĩa tư bản về phương diện thể chế và hệ tư tưởng. Nói cách khác, nên coi nhà nước là một hiện tượng đang tiến hoá bao gồm cả về không gian và thời gian chứ không phải là một thực thể địa chính trị tĩnh tại [Camilleri & Falk 1992: 241].

Trong một tương lai có thể thấy trước, chủ quyền tối thượng khó mà trở thành một đặc trưng xác định của cấu trúc hoặc phương thức hành động của nhà nước. Như Camilleri và Falk đã quan niệm: “Thế giới đương đại là nơi mà tính cộng đồng, quyền tự trị và sự phân chia giữa bên trong và bên ngoài đã trở thành những phạm trù gây tranh cãi quyết liệt, là nơi mà các nền tảng thể chế của chủ quyền tối thượng tự bản thân chúng đã phải chịu thách thức rồi. Có lẽ sẽ là ổn thoả khi cho rằng nguyên tắc chủ quyền tối thượng là một công cụ quan trọng có lẽ là tuyệt đối cần thiết trong sự phát triển của chủ nghĩa tư bản dân tộc, nhưng với sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản toàn cầu đã trưởng thành, chúng ta đã bước vào một giai đoạn lịch sử bắt đầu nảy sinh những loại hình lý thuyết và thực tiễn chính trị mới” [Camilleri & Falk 1992: 246].

Ngay hiện giờ cái trở thành không thể chấp nhận được đối với các nhà nước dân tộc châu Âu là những biến đổi nảy sinh bởi sự tích hợp thêm về mặt chính trị châu Âu đã mở ra một con đường dẫn tới những kịch bản chính trị hoàn toàn khác trong đó quyền lực và vị thế truyền thống của các nhà nước đó đang bị thách thức một cách quyết liệt. Không còn cách nào để quay trở lại với những ngày đã qua khi mà một số nhà nước dân tộc có thể mơ về sự đóng cửa biên giới và sống một cách biệt lập. Sự tương thuộc về kinh tế, chính trị, và xã hội đã ngày càng trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết. Thực tế đó được minh hoạ bởi sự xuất hiện của “trào lưu vùng chính trị” can dự vào sự mở rộng của “các cụm nhà nước dân tộc liền kề về địa lý có chung một số thuộc tính có các cấp độ tương tác to lớn và được hưởng lợi sự hợp tác thể chế hoá thông qua một cấu trúc đa phương chính thức” [Held et al., 1999: 74].

Có các ví dụ về trào lưu vùng chính trị xuất hiện tại những khu vực khác nhau trên thế giới. Tại châu Âu, Liên minh Châu Âu đã xác định rõ một cộng đồng kinh tế chính trị của các nhà nước, và tại Nam Á, Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã xác định các ranh giới của một phức hợp chính trị đang xuất hiện. ‘Trào lưu vùng mới’ này cũng xuất hiện tại Mỹ Latin, đặc biệt với việc tạo ra MERCOSUR (Southern Cone Common Market), và ở Bắc Mỹ với sự phát triển của NAFTA (North American Free Trade Agreement).

Nhà nước dân tộc hậu truyền thống là một thể chế chính trị có thể vận hành cùng với các đối tác nhà nước khác trong khuôn khổ các thể chế lớn hơn của các nhà thiết kế và các tay chơi chủ yếu, nhưng theo tiến độ tăng dần, các thể chế này ngày càng mở ra những không gian cho các tác nhân chính trị mới và có đại diện trong chính các nhà nước đó.    

3.3. Tính chất lãnh thổ

Định nghĩa của Max Weber về nhà nước bao gồm cả đặc trưng lãnh thổ với tư cách là một đặc trưng xác định chủ yếu của nó. Ông coi nó như là một không gian trong đó các nhân viên hành chính định chế hoá của nhà nước có thể khẳng định độc quyền chính đáng của các phương tiện bạo lực [Weber 1991: 78].

Từ cuối thế kỷ 19 trở đi đã bắt đầu một quá trình nới lỏng quản lý các biên giới theo đặc trưng phong kiến thành việc phân định biên giới rõ ràng phần lãnh thổ trong đó nhà nước dân tộc có thể khẳng định chủ quyền tối thượng của mình. Các biên giới bắt đầu được giám sát chặt chẽ và các biên giới đó phải được sự đồng ý của các nhà nước dân tộc khác nhau. Trong một số trường hợp, các biên giới trở thành vấn đề tranh cãi khi có hơn một quốc gia muốn khẳng định chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ duy nhất nào đó. Chiến tranh và ngoại giao đã được sử dụng để giải quyết loại tranh chấp này.

Theo truyền thống, các biên giới quốc gia vẫn được coi là biểu hiện của quyền lực và sức mạnh của quốc gia đó, và các nhà nước mạnh luôn tìm cách mở rộng lãnh thổ bằng chinh phục, thôn tính hoặc bằng các phương pháp ngoại giao. Trong thực tế thì bản đồ châu Âu đã được vẽ đi vẽ lại nhiều lần sau các cuộc xung đột nội bộ một quốc gia cũng như với các quốc gia khác. Trong thế kỷ 20, hai cuộc Thế chiến đã nổ ra, các nước cộng hoà Xô Viết cũ đã giành được độc lập sau năm 1989, nước Đức thống nhất, sự tan vỡ của Liên bang Nam Tư và sự chia xẻ Tiệp Khắc đã minh hoạ cho khuynh hướng muôn thuở phải vẽ lại bản đồ biên giới giữa các quốc gia. Tuy nhiên tính chính đáng của các cuộc biến động lãnh thổ như vậy đã được cộng đồng quốc tế chấp thuận và kể từ sau 1945 Liên hợp quốc đã trở thành người đại diện cho cộng đồng này. Đây là một đặc điểm làm nổi bật một vấn đề cốt lõi trong nền chính trị quốc tế; hiến pháp của một nhà nước có chủ quyền mới không còn là một công việc thuần tuý nội bộ nữa, mà nó đòi hỏi phải có sự phê chuẩn của hệ thống nhà nước được giám sát một cách tự thân. Chẳng hạn việc xâm chiếm phía bắc đảo Cyprus của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1974 đã tạo ra một nước “Cộng hoà Bắc Cyprus” chỉ riêng Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận và bị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án. Nền độc lập của các nước cộng hoà Baltic hoặc các quốc gia mới xuất hiện sau vụ đổ vỡ của liên bang Nam Tư, hoặc cuộc chia tách hoà bình của Tiệp Khắc đòi hỏi và đã đạt được sự phê chuẩn của cộng đồng quốc tế theo những tốc độ khác nhau tuỳ từng trường hợp cụ thể. Các khái niệm chủ quyền, đại diện phổ thông và văn hoá lịch sử là các vấn đề trung tâm của các lý lẽ của những người tìm cách tạo ra các nhà nước độc lập khi làm đơn xin được quốc tế công nhận.

Hiện nay tính chất lãnh thổ của nhà nước dân tộc đang phải chịu thách thức ở một mức độ giới hạn vào hai cấp độ. Trước hết, với “trào lưu vùng mới” có khuynh hướng tạo ra các tổ chức siêu nhà nước cắt qua các biên giới quốc gia như trường hợp của Liên minh châu Âu sau khi nó quyết định cho phép lưu thông hàng hoá và con người tự do trong lãnh thổ của mình1. Thứ hai, bằng việc giải tập trung hoá chính trị nhà nước và chuyển giao quyền lực cho thiểu số các dân tộc được lựa chọn, được trao quyền tái thiết lập hoặc tạo ra các thể chế chính trị tự trị riêng của các dân tộc đó2. Nhà nước dân tộc chịu sức ép cả trên lẫn dưới trong việc tái định nghĩa khái niệm kinh điển về đặc trưng lãnh thổ và điều chỉnh một kịch bản chính trị mới, trong đó các tổ chức siêu dân tộc và các cộng đồng chính trị tiểu quốc gia đang trở nên nổi bật.

3.4. Bạo lực

Việc độc quyền kiểm soát của nhà nước đối với phương tiện bạo lực bên trong và bên ngoài đang phải chịu thách thức bởi sự xuất hiện của các loại vũ khí hạt nhân và sự tăng cường toàn cầu hoá về phương diện quân sự, một khái niệm đặc biệt liên quan đến “quá trình (và các mô thức) liên kết quân sự vượt quá các vùng chủ yếu của thế giới như đã được phản ánh trong các đặc điểm không gian - thời gian và tổ chức của các mối quan hệ, các mạng lưới, và các tương tác quân sự” [Held et al., 1999: 88].

Từ thế kỷ thứ XVI đến bây giờ các nhà nước đã được định nghĩa bằng bạo lực gây ra chiến tranh và phải viện đến sinh mạng và tài sản của các công dân của nó để làm như vậy. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, sự căng thẳng thường xuyên giữa hai khối tư bản và cộng sản càng củng cố nhu cầu huy động thường xuyên sức người sức của chống lại sự đe doạ thừng trực của chiến tranh. Sự phát triển của các loại vũ khí hạt nhân đã làm chuyển đổi một cách quyết định ý nghĩa của chiến tranh như Clausewitz đã nhận thấy [Aron 1976]. Chiến tranh truyền thống tìm cách đạt được một số mục tiêu, đó là một phương tiện để giải quyết một số cuộc tranh chấp nội bộ quốc gia một khi phương tiện ngoại giao đã thất bại. Ngược lại chiến tranh hạt nhân có một mục tiêu duy nhất đó là sự phá huỷ diệt toàn bộ những người tham chiến, và nó còn có nghĩa là sự phát triển của các loại vũ khí hạt nhân làm cho chiến tranh không thể xảy ra giữa các cường quốc hạt nhân vì các nhà lãnh đạo của các cường quốc đó phải tránh sự huỷ diệt hoàn toàn.

Sự xuất hiện của các loại vũ khí hạt nhân đã thanh toán hình thức chiến tranh truyền thống giữa các quốc gia hạt nhân, ngoại trừ các cuộc chiến tranh uỷ nhiệm, và với rất ít ngoại lệ, nó đã chuyển rời các xung đột phi hạt nhân ra các vùng biên, mà ở đó sự thất bại của một bên sẽ không dẫn đến tình trạng đối đầu hạt nhân.

Sự phát triển các loại vũ khí hạt nhân huỷ diệt hàng loạt đã tạo mối đe dọa tiềm tàng đối với tất cả các quốc gia. Các loại vũ khí hạt nhân đóng vai trò là một sức mạnh ngăn chặn, vì các nhà lãnh đạo của tất cả các quốc gia đều hiểu rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể châm ngòi cho sự huỷ diệt toàn bộ thế giới. Trong các điều kiện toàn cầu hoá, việc một vài quốc gia riêng lẻ sở hữu một kho vũ khí quân sự hùng mạnh không nhất thiết phải là dấu hiệu về chủ quyền vĩnh viễn của các quốc gia đó. Hơn nữa nó còn cho thấy việc hội nhập vào (hoặc xuất hiện như một bộ phận của) một hệ thống quân sự xuyên quốc gia với quá trình tạo dựng và vận hành của nó ngày càng trở nên xung đột với lý thuyết chủ quyền. Hơn nữa các loại vũ khí hạt nhân và các công nghệ chiến tranh mới đòi hỏi phải triển khai trên quy mô toàn cầu và điều đó đòi hỏi nhiều quốc gia phải chứa các kho vũ khí đó ngay trong lãnh thổ của mình, mặc dù họ khăng khăng nói là có kiểm soát, nhưng trên thực tế mức độ kiểm soát là rất ít, hoặc không hề có.

Một phản bác riêng biệt phản ánh tình trạng căng thẳng giữa quyền lực lâu dài của nhà nước dân tộc và những thách thức do toàn cầu hoá đặt ra liên quan đến vị thế và uy tín cao hơn của các nhà nước dân tộc sở hữu các vũ khí hạt nhân.

Liên quan đến việc kiểm soát bạo lực nội bộ, về phương diện lý thuyết, các nhà nước phụ thuộc vào các định chế về quyền con người do các Tổ chức phi Chính phủ (NGOs) giám sát, chẳng hạn như Tổ chức Ân xá Quốc tế, hoặc các tổ chức quốc tế được hệ thống nhà nước dân tộc phê chuẩn, chẳng hạn như Liên hợp quốc (UN). Theo Dandeker, trong tương lai gần “có nhiều khả năng trung tâm điểm của bạo lực tập thể sẽ là các xung đột vùng giữa các nước đang phát triển, hoặc các xung đột tiểu quốc gia trong một hoặc một số xã hội đang phát triển đó” [Dandeker, 1998: 39].

Theo quan điểm của Dandeker, bạo lực tập thể có vũ trang sẽ được đẩy ra khỏi các quốc gia vùng lõi để tập trung vào các giao điểm giữa vùng lõi và vùng biên. Trong bối cảnh đó người ta nghĩ rằng các quốc gia vùng lõi, dù là thiện chí hay không, cũng sẽ tự mình đảm nhận loại vai trò giữ gìn hoà bình trong các hoạt động an ninh vùng được chính thống hoá thông qua Liên hợp quốc.

Nhà nước dân tộc hậu truyền thống không thể được coi như một tác nhân chính trị tự trị, tự do theo đuổi bất cứ chính sách đối ngoại nào trong một xã hội hỗn loạn của các nhà nước. Thay vào đó loại nhà nước này ngày càng có nhiều phương thức gắn bó với các nhà nước khác. Toàn cầu hoá đã làm tăng thêm tính phức tạp cho các hệ thống liên minh quốc tế và các cấu trúc an ninh quốc tế. Hệ quả của vấn đề này không phải là ngày càng tăng mức độ không thích hợp của nhà nước dân tộc với tư cách là một thể chế chính trị, mà là nó đã cho thấy nhu cầu xem xét lại tính trung tâm độc quyền bạo lực của nhà nước dân tộc trong một lãnh thổ nhất định với tư cách là đặc điểm xác định chủ yếu của nó.

3.5. Tóm tắt

1. Chủ quyền nhà nước đã hạn chế đáng kể và được điều kiện hoá bởi sự tăng cường của các quá trình toàn cầu hoá làm xuất hiện các tổ chức và các thể chế siêu nhà nước, và củng cố các phong trào dân tộc chủ nghĩa trong các quốc gia không có nhà nước.

Hầu hết các nhà nước dân tộc không được tạo dựng bởi một dân tộc duy nhất cùng tồn tại với nhà nước; tính đa dạng nội tại là quy luật. Theo truyền thống, nhà nước dân tộc tạo dựng cơ sở tính chính thống của nó trên ý tưởng cho rằng nó đại diện cho toàn thể dân tộc, mặc dù có một thực tế là thông thường khi nhà nước đã được tạo ra thì nó phải cam kết vào các quá trình xây dựng dân tộc bằng cách nhắm vào sự đồng nhất hoá cưỡng bức các công dân của mình. Giờ đây trong nhiều trường hợp, rõ ràng là các quá trình này đã thất bại; sự tái xuất hiện của các phong trào dân tộc chủ nghĩa bằng cách bảo vệ quyền tự quyết của các nhóm thiểu số dân tộc khẳng định quyền đại diện đã minh hoạ rõ rệt điều đó. Các phong trào dân tộc chủ nghĩa xuất hiện ở Catalonia, Scotland, Quebec, Kurdistan, Palestine, Corsica, và Tây Tạng là những trường hợp thuộc lĩnh vực này.

2. Toàn cầu hoá đã làm chuyển đổi quyền kiểm soát của nhà nước dân tộc cổ điển đối với nền kinh tế, văn hoá và thông tin quốc gia bằng hai cách chủ yếu. Một mặt nó kiềm chế quyền lực của nhà nước dân tộc bằng việc tăng cường mạnh mẽ khả năng qua lại giữa các biên giới của nó. Hiện giờ đang tồn tại các tổ chức xuyên quốc gia và các tác nhân truyền thông đại chúng có thể cắt qua các biên giới quốc gia và thẩm thấu văn hoá vào các xã hội khác; chúng bao gồm từ hàng loạt hãng thông tấn quốc tế đến các công ty quảng cáo đa quốc gia và các đài phát thanh và truyền hình công suất lớn. Mặt khác toàn cầu hoá đã cung cấp cho nhà nước dân tộc các nguồn lực to lớn phi thường trong nhiều phương diện, củng cố năng lực của nhà nước để sáng tạo và truyền bá một nền văn hoá đồng nhất, đồng thời lựa chọn và kiểm soát nguồn thông tin cung cấp cho các công dân của nó. Trước đây chưa bao giờ nhà nước dân tộc lại có được hàng loạt công nghệ có sức mạnh như vậy để sẵn sàng sử dụng. Cộng với mức độ kiểm soát ngày càng lớn đối với văn hoá và thông tin, các công nghệ mới này đã chuyển đổi một cách đầy kịch tính năng lực của nhà nước để kiểm soát các công dân của mình bằng các cơ chế giám sát tinh vi.

3. Mối đe doạ của chiến tranh hạt nhân và nguy cơ huỷ diệt hoàn toàn do loại hình chiến tranh này gây ra đã đặt dấu chấm hết cho các cuộc chiến tranh châu Âu và các cuộc chiến tranh giữa các cường quốc hạt nhân giờ đây có khuynh hướng thực hành các cuộc chiến tranh uỷ nhiệm tại các vùng ngoại vi của hành tinh. Trong những năm gần đây chúng ta đã được chứng kiến một quá trình tiến hoá cơ bản của các hệ thống liên minh quốc tế và các cấu trúc an ninh quốc tế cùng với việc thể chế hoá các chế độ quản trị toàn cầu bằng luật pháp đối với các vấn đề an ninh và quân sự.

Toàn cầu hoá bằng việc củng cố một số chức năng cổ điển của nhà nước dân tộc cũng như việc giới hạn và chuyển hoá một cách cơ bản các chức năng khác đã thúc đẩy sự xuất hiện của loại hình nhà nước dân tộc hậu truyền thống được giới hạn bởi một loại chủ quyền tự thể hiện bằng quyền lực của nó nhằm: i) quyết định lựa chọn việc sáng tạo, vận hành và tài trợ của các thế chế chính trị siêu quốc gia; ii) chuyển giao quyền lực và đảm bảo tính chính đáng cho các thể chế vùng được tạo ra trong lãnh thổ của nó; ii) đóng vai trò trọng tài hiến pháp và là người điều chỉnh pháp luật và trật tự trong xã hội; iii) quản lý các hoạt động công cộng và các mối quan hệ giữa các nhóm đa nguyên cùng tồn tại trong ranh giới lãnh thổ của nó.

Cuối cùng chúng ta cũng cần phải xem xét để hiểu biết một cách thấu đáo bản sắc dân tộc trong thời đại toàn cầu thông qua việc tiếp tục thảo luận bằng cách phân tích xem nhà nước dân tộc cổ điển đã sử dụng các chiến lược tạo dựng bản sắc dân tộc đồng nhất cho các công dân của mình đang chuyển hoá như thế nào dưới tác động của quá trình toàn cầu hoá. 
_____________________________________

Còn nữa…

Nguồn: Guibernau, Montserrat 2004. National Formation and National Identity. The Revue Belge d’Histoire Contemporaine / Belgisch Tijdschrift voor Nieuwste Geschiedenis (Belgian Review of contemporary history) was founded in 1969 by professor Jan Dhondt, head of the Department of Contemporary History at Ghent University. BTNG/RBHC, XXXIV, 2004,4, pp.657-682.

Tác giả: Montserrat Guibernau, giáo sư, tiến sĩ chính trị học, Queen Mary University of London, chuyên gia về chủ nghĩa dân tộc, dân tộc tính, và bản sắc dân tộc Phương Tây. Hiện nay bà là đồng chủ biên của tạp chí Nations and Nationalism (Blackwell), thành viên Hội đồng Tư vấn của Hội nghiên cứu Dân tộc tính và Chủ nghĩa Dân tộc (the Association for the Study of Ethnicity and Nationalism (ASEN).

Ghi chú:

1. Thoả ước Schengen (1885 và 1990 được thực hiện vào tháng Ba năm 1995) ký kết giữa Áo, Pháp, Ý, Đức, Lucxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha, và Tây Ban Nha – các nước Anh, Ireland và Đan Mạch không tham gia - kết quả là xoá bỏ biên giới giữa các quốc gia tham gia Hiệp ước. 

2. Một ví dụ mới đây tương tự với chương trình cải cách hiến pháp của Chính phủ của Công đảng Anh, trong đó có việc tạo dựng Quốc hội Scottland, một Hội đồng xứ Walsh và một Quốc hội Bắc Ireland (1999).


Tài liệu dẫn

Albrow M. 1996. The Global Age. Cambridge.

Aron R. 1976. Penser la Guerre – Clausewitz, Paris.

Boyer R. & D. Drache (eds.) 1996. States against Markets, London.

Cammilleri J.A. & J. Falk 1992. The end of Sovereignty? The Politics of a Shrinking and Fragmented World, Aldershot.

Castells M. 1996. The Rise of the Network Society, Oxford.

Dandeker C. (ed.) 1998. Nationalism and Violence, New Brunswick and London: Transaction. 

Gellner E. 1983. Nations and Nationalism, Oxford.

Giddens A. 1985. The Consequences of Modernity, Cambridge.

Guehenno J.M. 1995. The End of the Nation-State, Minneapolis.

Guibernau M. 1996. Nationalisms: the Nation – State and Nationalism in the Twentieth Century, Cambridge.

Guibernau M. 1999. Nations without State, Cambridge.

Guibernau M. 2004. Catalan Nationalism, London.

Guibernau M. & J. Hudchinson 2004. History and National Destiny, Oxford.

Held D. & et al., 1999. Global Transformations, Cambridge.

Hirst P. & G. Thompson 1999. Globalization in Question: The International Economy and the Possibilities of Governance, Cambridge.

Soysal Y. 1994. Limits of Citizenship: Migrants and Post-national Membership in Europe, Chicago IL,.   

Weber, Max 1991. Essays in Sociology. Edited by H. Gerth & Wright Mills, London.  



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét