Việt Nam trước những tấm
gương (I)*
Hà Hữu Nga
I. Giới hạn Lịch sử và Nhận thức
Việt Nam là
gì? Đó không còn là câu hỏi chỉ cho người nước ngoài nữa. Người Việt Nam đã bắt
đầu tự hỏi. Và câu hỏi ấy trước hết được đặt ra cho những người nắm giữ vận
mệnh đất nước và cho các nhà thông thái của đất nước này.
Câu trả lời
của những người nắm vận mệnh đất nước mang tính chất gián tiếp, bởi vì các câu
hỏi đặt ra cho họ cũng không phải là trực tiếp. Câu trả lời ấy thể hiện qua
đường lối lãnh đạo.
Còn các nhà
nghiên cứu? Không khỏi có nhiều nhà bác học đã trăn trở trước câu hỏi này. Và
cái mà họ trả lời, một cách rất nghiêm túc, trớ trêu thay, lại mang màu sắc của
một sự đùa cợt, một sự đùa cợt tự trong tiềm thức: “Việt Nam chẳng là cái gì
cả”, “Việt Nam là một bát cháo lòng”, “Việt Nam là một mớ”…, “Việt Nam là phi
Hoa, phi Ấn” và cố nhiên là “phi” cả “Ai Lao và Khmer”, v.v...
Việt Nam
đang được nhìn như vậy sau khi nó đã chiến thắng đế quốc Mỹ. Sau cuộc huy động
lịch sử để chiến thắng, Việt Nam đã tả tơi chăng? Tinh thần con Hồng, cháu Lạc
đã được nén lại trong suốt 4000 năm để nổ tung thành tiếng sét khủng khiếp,
tiếng sét giải phóng, và bây giờ Việt Nam ngổn ngang sau cuộc giải phóng chăng?
Để đến nỗi người ta đã không còn nhận ra nữa hình bóng của nó?
Nhưng không.
Hiện tại, chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa và những quan hệ đa phương
đang tồn tại khác nào một sự thức tỉnh của tiềm thức dân tộc, một sự trở về với
nguồn cội của mình. “4000 năm ta lại là ta” chính là một dự cảm thiên tài của
nhà thơ, nhà chính trị Tố Hữu. Việt Nam đang bày ra trước nhân loại bản lĩnh
của dân tộc mình như quả địa cầu vẫn luôn luôn bày ra trước mặt trời một bán
phần của nó.
Đã tốn không
ít giấy mực để người ta cãi nhau về khái niệm dân tộc và dân tộc Việt Nam. Người ta đã cãi nhau trước những tấm
gương xem kia là mình hay không phải là mình. Bởi vì cũng chẳng muốn, hoặc là
chẳng có một nhìn nhận nào khác hơn cái cho sẵn: cặp mắt của họ. Người ngắm
mình bằng mắt bao giờ cũng phải sắm gương. Và thế là người ta đâm nghi ngờ, một
cách rất mô đéc thời dựng nước, buổi bình minh của dân tộc, thời đại Hùng
Vương. Bởi vì người ta muốn một cách rành mạch và rất luật pháp rằng sự sinh nở
bao giờ cũng phải có thủ tục: đó là một tờ giấy khai sinh có ghi rõ ngày,
tháng, năm và thậm chí cả giờ nữa, để nếu cần thì có thể lập một lá số tử vi.
Có thế mới đủ cả tính hiện đại và tính truyền thống. Nhưng…chúng ta chẳng muốn
hạ một chữ “nhưng” như một phản đề ở đây. Không cần nhưng gì cả, bởi vì tất cả
họ không có ai sai cả. Họ chỉ tập hợp trong một căn phòng, và tất cả thét to
lên các khái niệm trên. Giọng của họ lấn át nhau, va chạm nhau hoặc giao thoa
nhau. Ai cũng tin tưởng và ai cũng đứng đắn. Ngay cả những người chứa đầy chất
hoạt kê cũng vậy: Những tiếng the thé, những tiếng ồm ồm, những giọng ấm áp kẻ
cả. Khó mà nói được rằng đâu là mặt lưng, đâu là mặt bụng của vấn đề. Vì thế
cũng khó mà nói rằng lưng và bụng, phía nào đáng trọng nể hơn.
Nếu người ta
lấy đơn vị là năm (365 ngày) để đo lịch sử dân tộc thì người ta sẽ vui vẻ, ai
cũng thế, thậm chí tự hào, hoặc ngược lại, bi quan với con số 4000 năm. Và một
loạt con số khác: 5000 năm của dân tộc Trung Hoa, 200 năm của nước Hoa
Kỳ…v.v…được đặt bên cạnh con số 4000 năm để so sánh. Và kết luận khoa học không
khỏi được rút ra một cách đắc ý.
Nhưng ở đây,
phép so sánh rõ ràng tỏ ra là vô ích, thậm chí vô lý. Tính chất thời gian trong
các không gian Trung Quốc, Mỹ khác nhau, không thể nào giống nhau được. Thời gian
và không gian được quy định bởi các sự kiện. Vì vậy đơn vị năm không thể là đại
diện chung để đo lường cho chúng được. Và nếu người ta lấy con số 4000 năm làm
đơn vị thì nước Mỹ không có nghĩa lý gì cả. Nước Mỹ chưa đủ 1 đơn vị để tính sự
ra đời. Nó mới chỉ có 1/20 của sự ra đời thôi.
Thực tế đó
chỉ là một trò chơi logic. Khi so sánh, người ta phải chọn một đơn vị nhỏ nhất
làm tham số cho cả một tập hợp. Vì vậy nếu cần người ta có thể tính bằng tích
tắc. Và khi chia nhỏ một tích tắc ra hơn nữa thì chính tích tắc cũng là một quá
trình lịch sử.
Và dưới góc
độ tiến hóa luận thì lịch sử là tiến hóa. Sợ tiến hóa ấy thường được tính bằng
các số đo ổn định, bền vững của tự nhiên: ngày, tháng, năm. Nhưng đối với con
người thời gian không hề ổn định như với tự nhiên. Nếu trước kia, đi bộ, người
ta sẽ phải bỏ thời gian nhiều năm trời mới có thể từ Hà Nội tới Maxcơva, nhưng
ngày nay thời gian ấy đã co lại chỉ còn vài tiếng, nếu người ta đi bằng máy
bay. Sự rút ngắn về thời gian gắn liền với sự rút ngắn về không gian. Tốc độ đã
khắc phục những khoảng cách ấy. Cả không gian và thời gian sẽ bị triệt tiêu nếu
con người chiến thắng được khoảng cách, tạo ra một tốc độ tuyệt đối. Những
phương tiện thông tin hiện đại đang giúp con người thực hiện điều đó.
Những ý tưởng
trên cho thấy rằng các con số chỉ là những khái niệm. Trong thực tế không có sự
tồn tại của chúng. Chúng chỉ là chiếc bóng của một tồn tại nào đó, hoàn toàn
phụ thuộc vào cái thực thể ấy. Những con số sẽ là vô nghĩa lý khi sự nhận thức
của chúng ta vượt khỏi thế giới quan niệm của chính bản thân mình, mà thế giới
ấy, trong sâu xa của quá khứ đã được quan sát, được nhìn trước hết là bằng cặp
mắt, một trong những giác quan của cơ thể. Nên nó không thể không gây những
thiếu sót. Chúng ra đời bởi chính sự chia cắt thế giới và người ta phải chấp
nhận sự chia cắt ấy cho đến khi lưỡi dao của họ không còn làm được công việc ấy
nữa.
Khi xây dựng
một khái niệm dân tộc người ta đã coi nó như một thực thể được quy định bởi
đường biên giới quốc gia, bởi một cộng đồng người có một số mặt được nhìn nhận
là chung. Nhưng oái oăm thay, góc nhìn hầu như lại là vô tận. Và vì vậy cái
chung cũng sẽ vô tận chẳng khác nào cái riêng. Vì thế nếu lần đến tận cùng,
người ta không tránh khỏi việc lấy một mảnh nhân loại làm của riêng cho mình.
Sự sinh nở ra một quốc gia là do đâu?
Một dân tộc,
hay hơn thế, một quốc gia ra đời bởi sự khẳng định sức mạnh, quyền lợi của nó
trước:
1) Tự nhiên
2)
Và các dân
tộc, các quốc gia khác.
Có nghĩa là
về mặt kinh tế, nó đã coi tự nhiên như là một đối tượng để tạo ra sản phẩm. Và
về ý thức thì đã xuất hiện ý thức trung tâm. Trung tâm ấy có thể là một vùng
đất, (kinh đô, nơi phát tích, đầu mối giao thông, kinh tế, văn hóa, v.v…) có
thể là một tập đoàn (có thế lực kinh tế và chính trị), một cá nhân (thủ lĩnh,
vua…).
Ý thức về
trung tâm rất quan trọng. Nó như là một định hướng, nếu nhìn theo sự phát triển
tuyến tính. Nó như một tâm điểm nếu nhìn theo con mắt quỹ đạo. Nó giữ cân bằng
cho lực ly tâm và hướng tâm một cách toàn diện trong đời sống con người.
Ở Việt Nam
người ta có thể thấy sự hướng tâm này về văn hóa sau giai đoạn Hòa Bình – Bắc
Sơn. Các dải đất ven sông là những trung tâm tụ cư. Nó thu hút về đấy các nhóm
người, và sau đó cũng từ đó, các nhòm người trưởng thành và lại phát tán, tiếp
tục công cuộc chinh phục những miền đất mới.
Thật ra
trong giai đoạn trước đó, cách mạng đá mới và sự bùng nổ dân số chỉ là điều
tưởng tượng. Trên một dải đất mênh mông như vậy, không có gì phải lo ngại về
sức ép dân số cả. Sự tụ cư và quá trình phát tán mang một ý nghĩa nào đó khác
hơn mà chúng ta cần phải tìm hiểu. Ngay ở Cồn Cổ Ngựa, Quỳnh Văn, những vết
tích vỏ ốc khổng lồ bỏ lại không chứng tỏ điều gì với chúng ta rằng đó là thành
quả của cuộc cách mạng đá mới cả. Đã có một sự mất cân bằng nào đó sau giai
đoạn Hòa Bình – Bắc Sơn thì phải. Hầu như đây là một sự mất cân bằng thừa. Sự
dư thừa của thức ăn tại các vùng ven sông, ven biển đã quyến rũ con người rời
khỏi hang động để xuống vùng đồng bằng. Chính vì thế mà các công cụ Quỳnh Văn
và Đa Bút mới thô sơ như vậy. Ở đây sự định cư không khiến cho người ta phải
canh tác, mà chủ yếu vẫn là khai thác tự nhiên. Sự thô sơ của các công cụ ở đây
như là một bước đi vội vàng của kỹ thuật ấy. Người ta không cần đến chúng bao
nhiêu. Người nguyên thủy đã tràn vội ra các vùng ven biển. Và sự tụ cư chỉ thực
sự xảy ra sau các cuộc khai thác biển dạng văn hóa Quỳnh Văn ấy.
Thiên nhiên
và con người đạt tới sự cân bằng trở lại sau những sự kiện kiểu văn hóa Quỳnh
Văn. Quá trình định cư là một quá trình phá thế cân bằng mới để tạo nên một cái
đỉnh văn hóa của con người ở vùng này, để tạo nên cái thần thái Việt Nam như
chúng ta đã thấy. Và rõ ràng là không thể phủ nhận được nếu có ai đó nói rằng
dân tộc Việt Nam ra đời từ khi ấy. Quá trình tụ cư chính là quá trình người
Việt thoát thai khỏi tự nhiên giống như một đứa trẻ vừa ra khỏi lòng mẹ với tất
cả sự non yếu, lấy bấy của nó. Đối đầu với tự nhiên, ý thức được về mình, đó
hoàn toàn là bản lĩnh của kẻ đã trưởng thành. Từ góc độ ấy, có thể nói rằng
vươn lên khỏi tình trạng tự nhiên chính là một sự khẳng định chứ không phải là
thoát thai theo nghĩa của từ này.
Đương nhiên
không phải lý giải như vậy sẽ chỉ đơn thuần nhằm để kéo dài lòng tự hào vì lịch
sử dân tộc. Lòng tự hào như vậy hoàn toàn chính đáng và cần thiết. Nhưng đôi
khi cũng không tránh khỏi là một gánh nặng tâm lý, cản trở sự nhận chân thực tế
của mọi người, nhất là khi lòng tự hào ấy lại được lay động hoặc kích động.
Ý thức trung
tâm ra đời, như đã nói ở trên, là một định hướng, một sự ràng buộc mới, ở trình
độ cao hơn của con người, đó là ý thức về một cộng đồng lớn hơn rất nhiều so
với một gia đình với một vài chục người của mấy thế hệ, hoặc một nhóm gia đình
gắn bó với nhau bởi quan hệ máu mủ, hoặc láng giềng trêm một địa bàn nhất định.
Sợi dây nào
đã gắn bó nhiều nhóm người như thế lại với nhau?
Điều đầu
tiên làm nền tảng cho sự gắn bó ấy chính là họ có một nền tảng văn hóa chung,
được quyết định bởi các điều kiện tự nhiên. Sau đó là sự giao lưu văn hóa được
tăng cường bởi những giao tiếp thường xuyên trong việc kiếm sống, trong các
sinh hoạt tinh thần, trong ngôn ngữ.
Sự phát
triển dân số và những cuộc di cư dọc ven biển, ven sông mạnh mẽ hơn thời Hòa
Bình – Bắc Sơn tạo nên những sợi dây ấy. Có thể ban đầu có những va chạm quyết
liệt giữa các nhóm người, nhưng sự xung đột ấy chỉ là những thử thách bản lĩnh
cho các cuộc tiếp xúc mạnh mẽ hơn mà thôi.
II. Một biểu tượng chung
[Biểu tượng
chung]** ra đời như một sự thỏa thuận từ vô thức giữa các nhóm người. Đó là luật
tắc cao nhất, thiêng liêng nhất đối với mọi thành viên của một cộng đồng. Biểu
tượng là luật, là đạo đức với tư cách nhận thức của một cộng đồng người. Có thể
quan sát được nhiều cấp độ thỏa thuận, giữa cá nhân với cá nhân: biểu tượng của
quan hệ bạn bè, biểu tượng của tình ái, biểu tượng của vợ chồng, v.v…; biểu
tượng của một nhóm người: quan hệ gia đình, quan hệ của các tổ chức (theo giới
tính, nghề nghiệp, tôn giáo, văn hóa, các đoàn hội, v.v…). Còn biểu tượng của
một cộng đồng người, chẳng hạn với tư cách là một dân tộc thì nó gồm chứa trong
đó lời giải đáp thỏa đáng cho những trăn trở của cộng đồng ấy trước những vấn
đề được đặt ra:
1)
Quan hệ với tự nhiên
2)
Quan hệ xã hội
Nhưng trong
những giai đoạn lịch sử khác nhau, những vấn đề thiết yếu nổi lên cũng khác
nhau: Những cộng đồng người khẳng định mình trong điều kiện độc lập tương đối
với các mối quan hệ xã hội bên ngoài, thường là vào buổi đầu của lịch sử - các
nhà nước đầu tiên – thì câu hỏi lớn trước tiên đối với họ là thuộc về tự nhiên.
Điều đó thu hút nhiều nhất trí tuệ của họ. Và người ta không thể coi thường
được những câu trả lời của họ trước các thách thức của tự nhiên. Những kẻ sùng
bái khái niệm khoa học một cách dung tục thường cho các thành quả văn hóa của
người thời cổ đại là mê tín, dị đoan, vì họ quên đi, hoặc là không hiểu được
rằng không có khoa học nào lại không vươn tới đỉnh cao nhất của nó là sự hiểu
biết thông quát về tự nhiên. Tiến hóa luận thông tục đã trở thành những đám mây
mù che lấp rất nhiều đỉnh văn hóa trong lịch sử nhân loại. Và điều đó gây nên
những thiệt thòi đáng kể cho nhân loại. Không có gì khác, đám mây mù ấy chính
là những định kiến thời đại.
Từ một góc
độ nào đó có thể nói rằng biểu tượng chỉ có thể ra đời từ va chạm. Chỉ có va
chạm mới có được sự thỏa thuận tuyệt đối để có được một luật tắc cao nhất. Điều
đó thậm chí đúng ngay cả dưới góc độ xã hội học dù cho đó là biểu tượng của một
quan hệ thơ mộng nhất, ngọt ngào nhất, đó là tình yêu… Một sự va đập lớn nhất
để cái nhân chung, cái biểu tượng tình yêu của hai người hiện ra không thể chối
cãi, ngay trong tầm tay của họ…
Không kém
bất cứ một bộ luật nào, người Việt cổ đại đại có một bộ luật của [mình]. Bộ
luật ấy phản ánh đầy đủ các chiều góc ràng buộc của một cộng đồng kể cả với tự
nhiên. Đó là đạo đức của người Việt. Ở đây, kẻ phán xử tối cao, kẻ cầm dây
cương luật pháp chính là quy luật vĩnh cửu của tự nhiên. Nhận thức ấy đã nhuần
nhuyễn đến độ nó được phản ánh (tự bộc lộ), hoặc nó đã kết tinh thành một biểu
tượng mà có người đã gọi là vũ trụ quan của người Việt: chiếc trống đồng!
Không, đó không chỉ là vũ trụ quan nếu như bên cạnh nó còn có khái niệm nhân
sinh quan, nếu như người ta vẫn còn muốn tách con người ra thành một phạm trù
riêng, gọi là xã hội, độc lập, thậm chí đối lập với tự nhiên. Đối với chúng
tôi, con người được quan niệm như một loài của tự nhiên, nên khái niệm vũ trụ
không tách rời với những vấn đề con người ở trong đó. Và thế là cái vũ trụ -
trống đồng của người Việt vẫn phản ánh rõ ràng, toàn thể những vấn đề về con
người, vấn đề cộng đồng ở đó. Cái gọi là “mô hình vũ trụ” kia sẽ không có một
chút nghĩa lý gì ngoài trách nhiệm là một chứng nhân thông tục và không đáng
tin cậy của lịch sử để mách bảo với ai đó về sự phát triển của nghề luyện kim,
nghề đúc đồng, và những kiến thức cũng không kém thông tục được gán cho nó dưới
danh nghĩa khoa học (thiên văn học, hình học, đại số học, v.v…) nếu như nó
không mách bảo được gì cho người ta về vấn đề cộng đồng (nhưng đúng ra thì phải
nói rằng: nếu như người ta không đọc được ở nó cái ý nghĩa ấy).
Với tư cách
là một đứa trẻ, dân tộc Việt đã ra đời trong tình trạng chưa đủ tháng. Tất
nhiên sẽ vô ích nếu như người ta cứ xoắn lấy để mà hỏi xem trách nhiệm ấy thuộc
về bản thân nó hay thuộc về bà mẹ đã sinh ra nó. Hay là rộng rãi hơn nữa, trách
nhiệm ấy thuộc về nền cảnh tồn tại của nó. Và thậm chí người thắc mắc lại còn
có thể tự vấn: chắc gì 9 tháng 10 ngày đã là chân lý cho mọi cuộc mang thai và
sinh nở. Con người chỉ ý thức được mình khi họ biết được sự tồn tại của mình,
có thể là ở hai cấp: mục đích và phi mục đích - có nghĩa là sự tồn tại tự thân.
Thế cũng có nghĩa là mệnh đề trên có thể đảo lại cho đầy đủ: phải có sự tồn tại
của mình thì mới ý thức được về mình. Và đó là cấp I, cái tôi với tư cách xã
hội học, còn với tư cách triết học cái tôi không còn nữa, đó là lúc cái tôi trở
thành phi mục đích. Người ta sẽ không hỏi rằng nó tồn tại do cái gì, và thậm
chí ‘tồn tại” hay “không tồn tại” lúc này là một câu hỏi không cần phải đặt ra.
Một dân tộc
cũng có thể được quan niệm với những cấp tồn tại như vậy. Nó là sự tròn đầy của
một quan niệm, một biểu tượng, một đạo đức, một luật tắc…thông qua những va
chạm, những thỏa thuận của những nhóm người với nhau và với tự nhiên. Và đó
chính là giá trị của cộng đồng ấy. Xúc phạm đến giá trị ấy là xúc phạm đến mọi
thành viên trong cộng đồng.
Đó là cái
tôi cấp I của cộng đồng, cái tôi với tư cách chúng tôi, hoặc chúng ta, với tư
cách là một thực thể, một chủ thể. Sự cố kết của cộng đồng chính là quá trình
khẳng định và giữ vững giá trị của biểu tượng trước những biến đổi của tự nhiên
và trước những thử thách của sự chọn lựa các giá trị của những cộng đồng khác.
Quá trình chấp nhận một biểu tượng khác chính là quá trình phân giải kết cấu
cộng đồng cũ bởi giá trị của biểu tượng cũ không còn giữ được nữa, dân tộc ấy
phải lựa chọn một biểu tượng mới, một giá trị mới. Quá trình này gây nên những
đảo lộn trong kết cấu để tiến tới một kết cấu mới phù hợp với hiện trạng. Quá trình
ấy sẽ tiến tới một biểu tượng chung, một giá trị chung, một luật tắc chung của
nhân loại. Có người gọi một cách thơ mộng là rằng đó là sự trở về với một giá
trị tuyệt đối, nơi mà loài người đã bắt đầu cuộc hành trình lịch sử của mình.
Cuộc tròn
đầy của ý niệm trên chiếc trống đồng với tư cách là một sự khẳng định bản lĩnh
của một cộng đồng để tạo thành người Việt đã cho thấy một cuộc hướng tâm xảy ra
đồng thời với một cuộc ly tâm. Hai đối lực ấy nhanh chóng tạo nên thế cân bằng
làm cho ý thức trung tâm phát triển chưa hết mức. Và ý thức trung tâm ấy chưa
được thể hiện mạnh mẽ bằng quyền lực của Con người, một ông vua có quyền thế và
một vương quốc thống nhất tuyệt đối trong tay ông ta. Vì thế sứ mệnh quyền lực
ấy được gửi gắm vào Tự nhiên, và Trời và Đất. Sự phân chia ấy thể hiện rõ xu
thế lưỡng phân tuyệt đối:
1) Tự
nhiên = Trời + Đất
2) Con
người = Đực (bố) + Cái (mẹ)
Điều đó thể
hiện trách nhiệm của con người với chính bản thân nó chỉ có một nửa. Còn một
nửa trách nhiệm là thuộc về tự nhiên. Tinh thần hòa bình ấy còn thể hiện trong
cả quyền lực quốc gia cũng nhuốm màu gia đình. Câu truyện chia đôi giữa Lạc
Long quân và Âu Cơ thể hiện rất rõ điều này. Vì vậy [đất nước]**, trong thâm căn cố
đế của người Việt, luôn được quan niệm như là một gia đình (lớn) của tất cả mọi
thành viên mà trong đó có bố mẹ cụ thể của họ đã sinh ra thân xác họ và bên
cạnh đó còn có một bố mẹ nữa sinh ra linh hồn họ. Một cặp bố mẹ hoàn toàn là sự
tròn đầy của ý niệm. [Đất nước] đối với họ gần gũi như là hơi ấm gia đình (tình
xóm làng, đồng bào) và sự gần gũi ấy ngấm vào máu thịt, đến trở thành lòng biết
ơn thiêng liêng nhưng lại không hề mang màu sắc tôn giáo. Hy sinh cho [đất
nước]** là hy sinh cho gia đình, cho bố mẹ, anh em họ. Đó là một hình thức trở về
với Tổ tiên một cách trọn vẹn nhất. Trong nhà người Việt có bàn thờ tổ tiên. Và
trong lãnh thổ của cộng đồng Việt cũng có một vùng Đất Tổ, có ngày giỗ Tổ trang
nghiêm, thành kính, tạo thành một sự cố kết chặt chẽ giữa lịch sử và hiện tại,
gia đình và đất nước. Ở đây sự xa cách về thời gian đã được dồn lại trong màn
hương khói cỗ bàn. Lúc này tổ tiên về với hiện tại, đảm bảo cho hạnh phúc của
hiện tại bằng một sức mạnh vô hình của nhiều thế hệ.
Đó chính là
lý do sâu xa giải thích những thành công to lớn của mọi cuộc huy động lịch sử
của người Việt, nhất là trong chiến tranh. Người nào mang nặng tình bố mẹ nhất
thì người ấy huy động được nhiều sức mạnh tiềm tàng nhất của người Việt.
_________________________________________
Còn nữa…
* Ghi chú của người viết: Tôi đã nói về việc tìm thấy
lại một vài tập viết tay úa vàng về bản sắc Việt, tính cách Việt, v.v…trong đó
có tập giấy này, được ghi năm 1982. Hồi đó sách báo, tạp chí và tài liệu tham
khảo rất hiếm, kinh phí đi thực địa lại càng hiếm nữa, nên hầu hết những người
nghiên cứu phải tìm ra một cách gì đó để có thể viết được. Với tôi, khảo cổ học
lý thuyết, khảo cổ học nhận thức - hoặc “khảo cổ học bẩn” - viết chay
kiểu này là một cách giết thời gian nhàn rỗi vô tận dùng để lê la ở vài quán
nước trà và rượu trắng rẻ tiền. Giờ đây lần giở lại chúng để ngắm nghía về lối
nghĩ của cái thời vừa rất xa lại vừa rất gần đó.
** Cả bài được chép lại đúng theo nguyên bản, chỉ trừ mấy từ trong dấu [] này: [Biểu tượng chung] được thêm vào để câu có chủ ngữ; [đất nước] được dùng để thay cho [tổ quốc].
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét