Powered By Blogger

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Thomas Aquinas bình chú Peri Hermenias của Aristotle


Thomas Aquinas bình chú Peri Hermenias của Aristotle

Thomas Aquinas

Người dịch: Hà Hữu Nga


Bình chú của Thomas Aquinas về Peri Hermenias Diễn giải - của Aristotle (còn được gọi là De Intepretatione) có lẽ được viết trong khoảng thời gian từ 1269 – 1271, sau các bình chú khác của ông về Aristotle, chẳng hạn như Phân tích Hậu thiên (1268) và Siêu hình.


Aquinas pr. 1: Có một thao tác gồm hai phần của nhà hiền triết, như Nhà triết học [Aristotle] nói trong III De Anima [6: 430a 26]. Một là động thái hiểu về các sự vật đơn giản, tức là thao tác bằng cái mà nhà hiền triết gọi là hiểu rõ về chính bản chất của chỉ một sự vật; mặt khác là thao tác cấu tạo và phân chia. Còn có một thao tác thứ ba, đó là suy lý, bằng thao tác này lý tính phát triển từ cái đã biết đến việc nghiên cứu các sự vật chưa biết. Hành vi đầu tiên của thao tác này được xếp vào phần thứ hai, vì không thể có việc cấu tạo và phân chia trừ khi sự vật đã được hiểu biết sơ qua. Đến lượt mình, phần thứ hai lại được xếp vào phần thứ ba, vì rõ ràng là chúng ta phải tiến bước từ một chân lý đã biết nào đó đến cái mà nhà hiền triết sẵn lòng tin chắc về một cái gì đó chưa biết.      

Aquinas pr. 2 Vì logic được gọi là khoa học lý tính nên nó phải hướng đến xem xét các sự vật thuộc về ba thao tác lý trí mà chúng ta vừa đề cập. Theo đó, Aristotle xử lý những sự vật thuộc về thao tác thứ nhất của nhà hiền triết, tức là những sự vật được thụ nhận bằng cách hiểu đơn giản, trong sách Praedicamentorum; những sự vật thuộc về thao tác thứ hai, tức là ngôn đoạn khẳng định và phủ định, trong sách Peri Hermeneias; những sự vật thuộc thao tác thứ ba trong sách Priorum và các cuốn sách sau này được ông xử lý bằng phép tam đoạn luận một cách tuyệt đối, những loại tam đoạn luận khác, và những hình thái biện luận, nhờ đó lý trí tiến từ sự vật này đến sự vật khác. Và vì ba thao tác suy lý được xếp vào từng cuốn sách khác nhau, nên ta có các cuốn từ Praedicamenta đến Peri Hermeneias và từ Peri Hermeneias đến Priora, và các cuốn sách sau đó nữa.    

Aquinas pr. 3 Cuốn sách đầu tiên mà chúng ta đang xem xét có tên là Peri Hermeneias, có nghĩa là Về Diễn giải. Diễn giải, theo Boethius, là “âm thanh được nói ra có ý nghĩa – cho dù phức tạp hay đơn giản – tự nó cung cấp ý nghĩa cho một sự vật nào đó”. Vậy là các liên từ và các giới từ cũng như các từ loại khác không được gọi là các diễn giải vì tự thân chúng không tạo nghĩa cho bất kỳ sự vật nào. Về phương diện tự nhiên các thanh âm cũng không thể tạo nghĩa nhưng không phải vì mục đích hoặc gắn liền với một hình ảnh tinh thần nào của việc tạo nghĩa cho một sự vật nào đó – chẳng hạn như các âm thanh của súc vật cũng không được gọi là các diễn giải, vì một người diễn giải phải có ý định giải thích về một điều gì đó.       

Vì vậy chỉ có những tên gọi và các động từ cũng như là lời nói mới được gọi là các diễn giải và Aristotle đã xử lý các diễn giải này trong cuốn sách ấy. Tuy nhiên tên gọi và các động từ dường như lại là những nguyên tắc của diễn giải hơn là bản thân các diễn giải, vì một người diễn giải dường như diễn giải một điều gì đó là chân hoặc giả. Vì vậy chỉ có lời nói rành mạch, rõ ràng trong đó chân tính hoặc giả tính được phát hiện thì mới được gọi là diễn giải. Các loại lời nói khác, chẳng hạn như lối mong muốn, lối mệnh lệnh đều được sắp xếp để thể hiện ý muốn hơn là để diễn giải cái có trong trí năng của mình. Vì vậy cuốn sách này mới có tên gọi là Về Diễn giải, có nghĩa là Về Lời nói rõ ràng, mạch lạc, thể hiện rõ chân – giả. Tên gọi và động từ chỉ được xử lý ở chừng mực chúng là những bộ phận của lời nói; vì đối với một bộ môn khoa học, nó đúng ra là được dùng để xử lý các bộ phận của chủ ngữ cũng như các thuộc tính của nó. Vậy thì rõ ràng là đối với nó, cuốn sách này thuộc về một bộ phận của triết học, nó cần thiết và có vị trí riêng của mình trong các cuốn sách về logic.

Aquinas lib. 1 l. 1 n. 1. Nhà triết học [Aristotle] bắt đầu công trình này bằng một phần giới thiệu trong đó ông chỉ ra từng sự vật cần phải được xử lý. Vì mỗi khoa học đều bắt đầu bằng việc xử lý về các nguyên tắc, và các nguyên tắc của các sự vật hỗn hợp chính là các bộ phận của chúng mà một người có ý định xử lý lời nói ra phải bắt đầu với các bộ phận của nó. Vì vậy Aristotle bắt đầu bằng phương châm: Trước hết chúng ta phải quyết định, tức là xác định phần nào là danh từ, phần nào là động từ. Trong văn bản Hy Lạp, trước hết chúng ta phải định vị bộ phần nào tạo nghĩa cho sự vật đó, để các biểu hiện giả định trước các định nghĩa mà từ đó chúng kết luận, và vì vậy mà các định nghĩa được gọi chính xác là “các vị trí”. Đó chính là lý do ông chỉ vạch ra ở đây các định nghĩa về các sự vật được xử lý; vì dựa vào các định nghĩa người ta mới biết đến các sự vật khác.    

Aquinas lib. 1l.1n.2. Người ta có thể hỏi tại sao lại cần phải xử lý những sự vật đơn giản, tức là danh từ và động từ, vì chúng đã được xử lý trong sách Praedicamentorum. Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi xin nói rằng các từ đơn giản có thể được xem xét bằng ba cách: trước hết, vì chúng cung cấp nghĩa cho một quá trình hiểu biết đơn giản tuyệt đối, là việc xem xét chính xác đối với cuốn sách Praedicamentorum; thứ hai, căn cứ vào chức năng của chúng với tư cách là những bộ phận của một ngôn đoạn, là cách xem xét chúng trong cuốn sách này. Vì vậy, ở đây chúng được xử lý dưới tính chất hình thức của danh từ và động từ, và dưới tính hình thức này chúng tạo nghĩa cho một cái gì đó với thời gian hoặc không phải với thời gian và những sự vật khác thuộc loại mang tính hình thức của các từ vì chúng là các thành tố của một lời nói. Cuối cùng, các từ đơn có thể được coi là các thành tổ của một trật tự tam đoạn luận. Sau đó chúng được xử lý theo tính hình thức của các từ, và Aristotle đã thực hiện công việc này trong sách Priorum.

Aquinas lib. 1l.1n.3 Người ta có thể hỏi tại sao ông lại chỉ xử lý danh từ và động từ, mà bỏ qua các bộ phận khác của lời nói. Lý do có thể là Aristotle định xây dựng các quy tắc về cách diễn đạt đơn giản và để được như vậy thì chỉ cần xem xét các bộ phận của lời nói cần thiết cho một ngôn đoạn đơn giản là đủ. Một ngôn đoạn đơn giản có thể được tạo thành chỉ bằng một danh từ và một động từ, nhưng nó không thể được tạo thành từ những phần khác của diễn ngôn mà không có các danh từ và động từ đó. Vì vậy việc xử lý hai loại từ đó cũng đã đủ. Mặt khác, nguyên do có thể là các danh từ và các động từ là những bộ phận chính của một lời nói. Các đại từ không gọi tên một trạng thái tự nhiên, nhưng lại xác định một cá thể – vì vậy mà được đặt vào vị trí của các danh từ - được hiểu theo các tên gọi. Phân từ - mặc dù có những tương đồng với danh từ - tạo nghĩa bằng thời gian và vì vậy mà được hiểu theo động từ. Những loại từ khác hợp nhất thành các bộ phận của diễn ngôn. Chúng cung cấp nghĩa cho các mối quan hệ của phần này với phần khác hơn là các bộ phận của diễn ngôn. Giống như những chiếc đinh và những chi tiết tương tự như vậy trên một con tàu, chúng không phải là các bộ phận của một con tàu, nhưng chúng kết nối các bộ phận của một con tàu. 

Aquinas lib. 1l.1n.4. Sau khi đã giả định các bộ phận này [danh từ và động từ] như là các nguyên lý, Aristotle đã tuyên bố rằng cái mà ông chủ yếu có ý định xác lập là sự phủ định và khẳng định. Đó cũng là các bộ phận của một ngôn đoạn, tuy nhiên lại không phải là các bộ phận tích hợp như là danh từ và động từ. Mặt khác, mỗi ngôn đoạn sẽ được thành lập từ một khẳng định và phủ định  - nhưng là các bộ phận chủ ngữ, tức là các thứ hạng. Điều này được giả định ở đây, nhưng sẽ được chứng minh ở phần sau. 
___________________________________
   
Còn nữa...

Nguồn: Commentary by Thomas Aquinas; finished by Cardinal Cajetan. Translated by Jean T. Oesterle Milwaukee: Marquette University Press, 1962

Tác giả: Thánh Thomas Aquinas, 1225 – 1274, còn gọi là Thomas xứ Aquin hoặc Aquino, là một linh mục Nhà thờ Thiên chúa giáo La Mã, một trong số các nhà triết học và thần học lớn nhất trong truyền thống triết học kinh viện. Ông được vinh danh là Doctor Angelicus - Tiến sĩ Thiên thần, Doctor Communis, Tiến sĩ Hội thánh, Doctor Universalis, Tiến sĩ Vũ trụ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét