Nguồn gốc hội Tam điểm
Thomas Paine
Người dịch: Hà Hữu Nga
Tiểu luận này xuất
hiện ở New York năm 1818 với một lời mở đầu giấu tên và một đoạn được trích
dẫn ở đây: “Tiểu luận này là một chương thuộc phần III của tác phẩm “Thời đại
Lý trí” như các bạn sẽ thấy ở những đoạn liên quan đến các bài viết trước đây, cũng
như phần đầu của công trình. Đây là đoạn tuyển chọn từ những công trình của ông
Paine, và được bà Bonneville, người thực hiện di chúc của ông Paine, công bố
thành nhiều phần. Những đoạn liên quan đến Thiên chúa giáo mà bà xóa bỏ đã
tránh cho công trình khỏi những thiên kiến cố chấp. Tuy nhiên những đoạn này
cũng đã được phục hồi theo bản thảo gốc chép tay, trừ một số dòng đã không còn đọc
được nữa”. Bà Bonneville đã công bố phần này ở New York năm 1810 (với những chỗ
bị cắt như tôi đã nói) thành một cuốn sách mỏng – Tiến sĩ Robinet đã nói sai rằng
Paine là một thành viên Hội Tam điểm, còn một hội viên danh tiếng của Hội Huynh
đệ đó ở London, ông George Briggs, sau khi đọc tiểu luận này do tôi đưa cho, đã
bảo tôi rằng “các chú dẫn, bình luận và phác thảo chung của ông ta là khá trung
thực”. Tại Paris, Paine đi lại rất thân mật với Nicolas de Bonneville và Charles-François Dupuis, người viết rất nhiều công trình
nghiên cứu về Hội Tam điểm, chính là lời giải thích đầy đủ nhất về mối quan tâm
của ông đối với chủ đề này [Conway M.D 1896].
Người ta vẫn cho rằng những người Tam điểm có một bí mật
mà họ luôn che giấu, nhưng với bất cứ thứ gì có thể thu thập được từ sự giải
thích của họ về Hội Tam điểm, thì bí mật thực sự của họ không có gì hơn là nguồn
gốc của nó, mà chỉ có ít người được biết, trong khi đó những người này lại giữ kín như
bưng. Những người Tam điểm được chia thành ba hạng hoặc ba cấp. Thứ nhất là những
người Đăng ký Tập sự, Thứ hai là Hội viên Chính thức; Thứ ba là Đạo sư.
Người Tập sự chỉ biết chút ít về Hội trong việc sử dụng
các ký hiệu và các dấu hiệu cùng với một số thao tác, một số từ ngữ để hội viên
nhận ra nhau, nhưng người ngoài không thể biết được. Hội viên chính thức cũng
không được chỉ dẫn nhiều hơn bao nhiêu so với các hội viên tập sự. Ngay cả
trong khi đã là thành viên cao cấp của Hội thì mọi chi tiết còn lại về nguồn gốc
của nó cũng vẫn phải được giữ kín.
Năm 1730, Samuel Pritchard, thành viên sáng lập Hội ở
Anh đã công bố một chuyên luận nhan đề là Hội
Tam điểm bị chia rẽ, và đã tuyên thệ trước thị trưởng London rằng đó thực
ra chỉ là một bản sao mà thôi. “Samuel Pritchard tuyên thệ rằng bản sao đính
kèm ở đây là một bản sao thực sự, chính cống trong từng chi tiết của nó”.
Trong công trình của mình ông đã đưa ra một loạt câu hỏi
và câu trả lời về những hội viên tập sự, hội viên chính thức và hội viên cao cấp.
Không có khó khăn gì trong công việc này, bởi vì đó chỉ là thể thức.
Trong lời giới thiệu của mình, ông nói “cơ sở ban đầu
của Hội Tam điểm bao gồm nền tảng các khoa học và các loại hình nghệ thuật tự
do, nhưng đặc biệt hơn cả là trong hình học, vì trong công trình xây dựng tòa
tháp Babel, nghệ thuật và bí mật của Hội Tam điểm đã được đưa vào đầu tiên, sau
đó được truyền qua Euclid [người Hy
Lạp], một nhà toán học thượng thặng của Ai Cập; ông đã truyền nó cho Hiram, một bậc đạo sư Tam điểm liên quan đến việc
xây đền Salomon ở Jerusalem”.
Bên cạnh cái điều ngớ ngẩn về câu truyện truyền thừa Tam
điểm từ công trình xây dựng tháp Babel, nơi mà theo tích truyện thì sự hỗn độn
về ngôn ngữ đã cản trở những người xây dựng hiểu nhau, vì vậy mà những tri thức
truyền lại cũng hỗn độn, đã chứa đựng một mâu thuẫn hiển nhiên về niên đại mà ông
đưa ra.
Ngôi đền Salomon được xây dựng và hoàn thành 1004 năm
trước kỷ nguyên Thiên chúa, và Euclid, như mọi người đều biết chỉ sống trước mốc
khởi đầu kỷ nguyên đó 277 năm. Vì vậy làm sao mà Euclid có thể truyền lại bất cứ
cái gì cho Hiram, vì ông đã sống muộn hơn đến tận 700 năm sau thời Hiram.
Năm 1783, đại úy George Smith, thanh tra của Viện Hàn
lâm Hoàng gia Pháo binh ở Woolwich, nước Anh và Đại Đạo sư của Hội Tam điểm
hạt Kent đã công bố một chuyên luận nhan đề Việc sử dụng và Lạm dụng Hội Tam điểm.
Trong chương Niên đại Hội Tam điểm, ông đã xác định thời
gian ngang với khi vị kiến trúc sư tối cao đưa ra những nguyên lý của Hội và điều
khiển môn khoa học bậc thầy là hình học để “sắp xếp thế giới và điều hành nó bằng
những quy luật mà toàn bộ cái hệ thống kỳ vĩ không sai sót đến từng chi tiết
kia đang vận hành quanh mặt trời trung tâm”.
“Nhưng, ông tiếp tục, tôi lại không được tự do để mở
toang cái bức màn bao phủ và để bàn luận cởi mở về đề tài này; nó là thiêng
liêng, và mãi mãi vẫn như vậy; những ai được hưởng niềm vinh quang của chân lý
thì đều không để lộ nó; và những ai không hề biết gì về nó thì cũng không phản
bội nó”. Với đoạn văn này, Smith muốn nói với hai cấp thấp hơn – những người tập
sự và các hội viên chính thức – “Không phải bất cứ ai được kết nạp một cách
công khai vào Hội Tam điểm thì cũng đều được trao cho mọi bí mật của nó; những
bí mật ấy không dễ có được như lấy một đồ vật, nhưng cũng không phải là không
thể nào biết được”.
Là một người được học hành, nhưng không may tiến sĩ
Dodd, Đại đạo sư Hội Tam điểm trong bài diễn thuyết tại Trụ sở Hội ở London đã
truy tìm nguồn gốc Hội Tam điểm qua một số giai đoạn khác nhau. Ông nói rằng
các hội viên biết rất rõ từ những thông tin cá nhân, nội bộ rằng thời gian xây
dựng ngôi đền Salomon là một kỷ nguyên trọng đại, đó là khởi đầu của nhiều huyền
bí nghệ thuật của nó. “Hiện giờ mọi người đều nhớ rõ rằng sự kiện vĩ đại này đã
xảy ra trên 1000 năm trước kỷ nguyên Thiên chúa, có nghĩa là hơn một thế kỷ trước
Homer, nhà thơ số một trong các nhà thơ Hy Lạp, và trên 5 thế kỷ trước khi
Pythagoras đưa về từ phương Đông cái hệ thống siêu phàm về tri thức Tam điểm thực
sự để soi sáng thế giới phương Tây của chúng ta…
Nhưng không thể định niên đại của chúng ta xa đến độ ấy.
Vì cho dù nó có mắc nợ nhà vua vinh quang và sáng suốt của Israel một số hình
thức huyền bí và nghi lễ chữ tượng hình, nhưng chắc chắn là nghệ thuật phải đồng
hành cùng con người, chủ thể vĩ đại của nó. Chúng ta tìm kiếm những vết chân
trong những khoảng cách xa xôi, từ những thời đại và những dân tộc quá xa xôi.
Chúng ta tìm nó trong những con người văn minh đầu tiên và chói lọi nhất từ
phương Đông. Chúng ta suy diễn ra nó từ những nhà thiên văn đầu tiên trên vùng
đồng bằng Chaldea cho đến những vị vua trí tuệ huyền thoại và những Pháp sư Ai
Cập, những hiền triết Hy Lạp, và các nhà thông thái La Mã”.
Từ những thông báo và tuyên bố ấy của các hội viên cao
cấp nhất trong hệ thống Tam điểm, chúng ta thấy rằng Hội Tam điểm, dù không
tuyên bố công khai, nhưng vẫn đặt cơ sở luận thuyết trên một sự trao truyền thần
thánh nào đó từ Tạo hóa, theo cách khác với và không liên quan tới cuốn sách mà
những người Công giáo gọi là Kinh thánh, và rất tự nhiên là Hội Tam điểm bắt
nguồn từ một tôn giáo nào đó rất cổ, hoàn toàn độc lập và không liên hệ gì với
Kinh thánh cả.
Về vấn đề này, Hội Tam điểm (tôi sẽ chỉ ra thông qua tập
quán, nghi lễ, hình tượng và trật tự niên đại) là bắt nguồn và là di duệ từ tôn
giáo của người Druids cổ đại. Giống như người Magi ở Ba Tư và các thầy tư tế
Heliopolis ở Ai Cập, họ đều thờ Mặt trời. Họ thờ phụng nguồn ánh sáng vĩ đại
này như một tác nhân hữu hình vĩ đại của một nguyên nhân đầu tiên vô hình vĩ đại
đã được họ tạo thành phong cách. “Thời gian là vô hạn” [Ghi chú:
Zarvan-Akarana. Sự nhân cách hóa tính vô hạn của thời gian, cho dù một phần của
thần học Ba Tư, dường như là một tín điều độc thần muộn về sau, dựa vào sự cải
biên tác phẩm Zendaveta. Xem: Tôn giáo Ba Tư của Haug].
Thiên chúa giáo và Tam điểm có một nguồn gốc chung: Cả
hai đều bắt nguồn từ tục thờ cúng thần mặt trời. Sự khác nhau trong nguồn gốc của
chúng là Thiên chúa giáo bắt chước tục thờ thần mặt trời bằng cách đặt người
đàn ông mà họ gọi là Christ vào vị trí của Mặt trời, và sùng bái ông ta như mặt
trời, điều này tôi đã chỉ ra trong chương về Thiên chúa giáo. [Ghi chú: Đây là
phần không được công bố trong công trình của tác giả do bà Bonneville xuất bản
năm 1810].
Trong Hội Tam điểm, nhiều nghi lễ của các giáo sỹ
Druids đã được gìn giữ một cách nguyên vẹn, chí ít là không có sự bắt chước
nào. Với họ, mặt trời vẫn là mặt trời, và trong trí tưởng tượng của một người
Tam điểm thì hình ảnh Mặt trời là biểu tượng của trang phục và của những thủ
lĩnh Hội Tam điểm. Mặt trời là hình tượng trung tâm trên chiếc áo lễ và
đó cũng là biểu hiệu trên ngực của các thủ lĩnh Tam điểm cũng như biểu hiệu
trong các đám rước tôn giáo của nó. Có hình tượng của một người đàn ông ở trên
đầu mặt trời y như Christ vẫn luôn luôn được thể hiện.
Cho đến bây giờ, trong cái mê cung của thời gian, người
ta không thể biết được vào giai đoạn nào, dân tộc nào đã sáng tạo ra tôn giáo
này. Người ta quy một cách chung chung vào tôn giáo của người Ai Cập, người Ba
Tư và người Chaldea, và quy giản vào cái hệ thống của Zoroaster – người làm luật
Ba Tư – quy định sự vận hành của mặt trời qua 12 cung Hoàng đạo để rồi
Pythagoras đã đem nó vào Hy Lạp. Đó là theo khảo sát trong diễn ngôn của Tiến sỹ
Dodd. Tục thờ thần Mặt trời với tư cách là tác nhân vĩ đại hữu hình của một
nguyên nhân đầu tiên vô hình, “Thời gian vô hạn” đã lan truyền ý tưởng này trên
những vùng rộng lớn của châu Á và châu Phi, để rồi lan đến Hy Lạp và La Mã, rồi
qua những người Gaul mà vào Anh và Ireland.
Trong chương niên đại Tam điểm ở Anh, Smith đã nói rằng:
Không chấp nhận tính chất mập mờ bao phủ lịch sử Hội Tam điểm trong đất nước
này, nhiều nghi lễ khác nhau đã đóng góp vào việc chứng minh rằng Hội Tam điểm được
đưa vào Anh khoảng 1030 năm trước Thiên chúa. “Đó không thể là Hội Tam điểm
trong trạng thái hiện thời mà Smith đã nói đến. Số lượng các đạo sư đã rất phát
triển tại Anh vào giai đoạn mà Smith đề cập đến, và chính Hội Tam điểm Anh đã
khởi nguồn từ họ. Smith đã đặt đứa con vào vị trí của người cha”.
Đôi khi trong các bài viết hoặc trong lúc chuyện trò
cũng xảy ra một điều là người ta lỡ để lộ ra điều mà họ định giấu kín, và đây
chính là trường hợp của Smith, vì cũng trong chương đó, ông nói: “Các giáo sỹ
Druids khi định viết một điều gì đó đều sử dụng tiếng Hy Lạp, còn tôi thì đánh
bạo để nói rằng những di duệ hoàn hảo nhất của các nghi lễ Druids vẫn được giữ
gìn trong các phong tục, các nghi lễ của những người Tam điểm, những con người
vẫn tồn tại giữa loài người” “Đạo hữu của tôi, ông nói, có thể vạch ra lịch sử
các nghi lễ phong tục đó chính xác hơn tôi để giải thích với công chúng”.
Khi nghiên cứu và nghiền ngẫm về Đấng Tạo hóa qua các
công trình sáng tạo thì mặt trời, với tư cách là một thực thể hữu hình tồn tại
chính là đối tượng hữu hình của sự sùng bái của những người Druids; toàn bộ các
nghi thức và nghi lễ tôn giáo của họ đều quy chiếu vào chu trình của mặt trời
thông qua 12 cung Hoàng đạo và tác động của mặt trời xuống trái đất. Những người
Tam điểm cũng chấp nhận các thực tế đó. Mái đền và Hội phòng của họ đều được
trang trí bằng một mặt trời, còn trên nền thì là biểu trưng khuôn mặt sặc sỡ của
trái đất được làm bằng các tấm thảm hoặc nghệ thuật khảm.
Đại sảnh đường Tam điểm ở phố Great Queen, Lincoln,
London là một công trình xây dựng huy hoàng và trị giá lên đến 12000 bảng
sterling. Khi nói về công trình này Smith cho biết “Mái của Đại sảnh đường lộng
lẫy này là một tột đỉnh kiệt tác kiến trúc ở châu Âu. Trung tâm Thánh đường là
một mặt trời rực rỡ nhất được mạ vàng, vây quanh bằng 12 cung Hoàng đạo* với những
dòng chữ thiêng liêng:
Aries Libra
Taurus Scorpio
Gemini Sagittarius
Cancer Capricorns
Leo Aquarius
Virgo Pices
Sau những dòng miêu tả đó, ông nói: “Ý nghĩa biểu
trưng của mặt trời mọi người Tam điểm ham học và sáng láng đều biết rất rõ; và
vì có một mặt trời thực trong trung tâm của vũ trụ nên mặt trời biểu trưng là trung
tâm của Hội Tam điểm thực sự. Tất cả chúng ta đều biết rằng, ông tiếp, mặt trời
là nguồn sáng, tạo ra các mùa, điều khiển sự tuần hoàn của ngày và đêm, là cha
mẹ của vạn vật, là bạn bè của con người; vì vậy nhà khoa học Tam điểm biết một
lý do duy nhất là tại sao mặt trời lại được trang hoàng ở trung tâm của Đại sảnh
đường lộng lẫy này”.
Để bảo vệ mình khỏi những lời buộc tội của người Thiên chúa giáo, họ đều luôn luôn nói bằng một thái độ huyền bí về hình
tượng Mặt trời trong các Hội phòng của họ, hoặc giống như nhà thiên văn học
Lalande, một thành viên hội Tam điểm, luôn luôn im lặng về vấn đề này. Đó là bí
mật của họ, đặc biệt tại các nước Thiên chúa giáo, vì hình tượng Mặt trời là
tiêu chuẩn ý nghĩa chứng tỏ họ là hậu duệ của những người Druids, và cái tôn
giáo triết học, khôn ngoan và cao quý ấy là một niềm tin đối lập với niềm tin tăm
tối của nhà thờ Thiên chúa giáo [Ghi chú: Câu này bị bỏ trong bản in của bà
Bonneville, Người biên tập].
Hội phòng của những người Tam điểm, nếu được xây cho mục
đích hội họp thì tương hợp với chuyển động của Mặt trời. Hội phòng luôn được đặt
theo hướng Đông – Tây [Ghi chú: Đại hội phòng London mà Paine đã miêu tả một
cách chính xác, lại được đặt theo hướng bắc – nam, nhu cầu về không gian là quá
mạnh đối với tính chính thống Tam điểm. Dù trên danh nghĩa, là ở phía Đông,
nhưng đạo sư lại đứng ở phía nam. Chỗ của đạo sư luôn ở phía đông]. Khi kiểm
tra những người tập sự, trong số rất nhiều câu hỏi, Đạo sư hỏi anh ta:
- Hội phòng quay theo hướng nào?
- Đông và Tây
- Tại sao vậy?
- Vì tất cả các nhà thờ và nhà nguyện đều phải quay như vậy.
Đây là câu trả lời mang tính nghi vấn, nó không phải
là lời đáp cho một câu hỏi. Nó chuyển câu hỏi sang một câu hỏi tiếp theo là tại
sao tất cả các nhà thờ và nhà nguyện lại phải làm như vậy? Nhưng vì người tập sự
không được thụ giáo các điều huyền bí về gốc tích của Hội Tam điểm là từ các tu
sĩ Druids nên anh ta sẽ không bao giờ bị hỏi các câu hỏi buộc phải trả lời trực
tiếp dẫn đến cội nguồn của vấn đề.
- Đạo sư đứng ở đâu?
- Ở phía Đông.
- Tại sao lại như vậy?
- Vì mặt trời lặn ở phía Tây và kết thúc một ngày, nên các giám quản đứng ở phía Tây (bàn tay phải của họ chỉ về phía ngực trái, là một dấu hiệu) để đóng cửa Hội phòng và bảo mọi người thôi việc và trả tiền công cho họ.
- Đạo sư đứng ở đâu?
- Ở phía Đông.
- Tại sao lại như vậy?
- Vì mặt trời lặn ở phía Tây và kết thúc một ngày, nên các giám quản đứng ở phía Tây (bàn tay phải của họ chỉ về phía ngực trái, là một dấu hiệu) để đóng cửa Hội phòng và bảo mọi người thôi việc và trả tiền công cho họ.
Tại đây, tên gọi mặt trời được nhắc tới, nhưng người
ta thấy rất chính xác rằng nó để chỉ công việc và thời gian tiến hành công việc
mà không phải để chỉ bất kỳ nghi thức hoặc nghi lễ tôn giáo nào của các giáo sỹ
Druids.
Như tôi đã nói trong chương về Nguồn gốc của Thiên
chúa giáo rằng vị trí Đông – Tây của nhà thờ được khai thác từ tục thờ Mặt trời
xuất hiện ở phương Đông mà không hề ám chỉ một nhân vật được gọi là Jesus
Christ. Những người Thiên chúa không bao giờ chôn người chết ở phía bắc Nhà thờ;
[Ghi chú: Nhiều khu vực tại Bắc Âu, phía Bắc được coi là nơi ở của quỉ. Những tội
nhân bị hành quyết thì phải chôn ở phía Bắc của Nhà thờ - Biên tập]. Và một Hội
phòng Tam điểm luôn có, hoặc được coi là phải có ba cửa sổ được gọi là những ngọn
đèn đặt cố định để phân biệt với những ngọn đèn di động là mặt trời và mặt
trăng. Đạo sư hỏi người tập sự:
- Những ngọn đèn cố định được đặt ở đâu?
- Phương Đông, Tây, và Nam.
- Để làm gì?
- Để soi sáng cho mọi người làm và ra về.
- Tại sao lại không có những ngọn đèn ở phía Bắc?
- Vì mặt trời không rọi sáng từ phía đó.
Trong số rất nhiều ví dụ, những vấn đáp trên cho thấy
rằng Thiên chúa giáo và Tam điểm có một nguồn gốc chung, đó là tục thờ Mặt trời
thời cổ đại.
Lễ hội quan trọng nhất của người Tam điểm được gọi là Ngày
Thánh John; nhưng mỗi người Tam điểm ngộ đạo đều biết rằng việc tổ chức Lễ hội của
họ vào ngày này không liên quan gì đến cái nhân vật được gọi là thánh John kia;
đó chỉ là cách để che giấu nguyên nhân thực sự của việc tổ chức Lễ hội của họ.
Vì những người Tam điểm, hoặc chí ít là những giáo sĩ Druids đã có trước thời
thánh John nhiều thế kỷ, nếu nhân vật ấy đã từng tồn tại thì việc tổ chức Lễ hội
của họ vào ngày đó chắc chắn sẽ có nguyên nhân không liên quan gì đến John cả.
Cái được gọi là ngày thánh John ấy là ngày 24 tháng 6
và đó chính là ngày Hạ chí. Lúc đó mặt trời ở xa xích đạo nhất, gọi là ở điểm
chí tuyến; trong vài ngày mặt trời ở vị trí đó. Ngày thiên văn dài nhất, giống như
ngày thiên văn ngắn nhất, không phải năm nào cũng có, mà chỉ vào những năm nhuận.
Nếu tính bằng số thì ngày đó luôn luôn là ngày 24 tháng 6; và vì tôn thờ Mặt trời
khi ở đỉnh cao nhất trong bán cầu Bắc của chúng ta nên chẳng hề có cái gì liên
quan đến thánh John cả; đó chính là ngày lễ hội của những người Tam điểm, được
kế thừa từ những đạo sỹ Druids.
Các tập quán thường sống lâu hơn ký ức về nguồn gốc của
chúng, và đây là trường hợp liên quan đến tập quán vẫn còn tồn tại ở Ireland,
nơi mà tôn giáo Druids hưng thịnh trong thời gian các tập quán này hưng thịnh ở
nước Anh. Vào đêm trước ngày thánh John, tức là đêm trước ngày Hạ chí, những ngọn
đèn của người Irish được thắp sáng trên các ngọn đồi. Điều đó có thể chẳng liên
quan gì đến thánh John cả; nhưng nó lại mang tính chất biểu trưng cho mặt trời trong
ngày đó sẽ ở trên thiên đỉnh của mùa hạ, và cũng có thể trong ngôn ngữ của mọi
người điều đó có nghĩa là lên tới đỉnh đồi.
Còn những gì mà người Tam điểm và các cuốn sách của họ
nói với chúng ta về ngôi đền Salomon ở Jerusalem thì điều đó là quá khôn ngoan,
vì những lễ thức Tam điểm có thể được bắt nguồn từ việc xây dựng ngôi đền đó,
vì tục thờ cúng mặt trời đã được thực hành hàng nhiều thế kỷ trước khi xây dựng
ngôi đền, hoặc trước khi người Israeli ra khỏi Ai Cập. Và chúng ta học được từ
lịch sử về hai vị vua Do Thái xxii, xxiii để biết được rằng tục thờ cúng mặt trời
đã được người Do Thái thực hành trong chính ngôi đền đó. Nhưng cũng rất đáng ngờ
nếu nó được làm với mức độ thuần túy khoa học và đạo đức tôn giáo giống hệt với
những gì mà các đạo sỹ Druids đã thực hành, trong khi những người Druids này lại
đều được giải thích là hậu duệ của những người thờ thần mặt trời ở Do Thái thuộc
một giai tầng khôn ngoan, có học và đạo đức.
Ngược lại, người Do Thái lại ngu dốt về thiên văn học và
khoa học nói chung, và nếu một tôn giáo được thiết lập trên cơ sở thiên văn học
đã rơi vào tay họ thì chắc chắn nó sẽ bị biến đổi. Không thấy trong lịch sử Do
Thái, trong kinh thánh hoặc ở đâu đó nói rằng họ chính là những người sáng tạo hoặc
đổi mới bất cứ ngành khoa học hoặc nghệ thuật nào. Thậm chí ngay cả việc xây dựng
ngôi đền này thì người Do Thái cũng không biết phải làm thế nào để đẽo những
cây gỗ cho vuông vắn và lắp ghép lại với nhau từ lúc bắt đầu công trình. Vì thế
Salomon đã có nhiệm vụ đến chỗ Hiram, vua của người Tyre (Zidon) để kiếm thợ;
“vì người biết (Salomon nói với Hiram, I King v.6) rằng ở nơi chúng tôi không
có ai khéo tay đẽo gỗ như người Zidon”.
Chính xác ra thì ngôi đền ấy là của Hiram hơn là của
Salomon, và nếu như những người Tam điểm đi tìm nguồn gốc của bất cứ thứ gì từ
ngôi đền đó thì có nghĩa là họ đã mang nợ người Zidon chứ không phải người Do
Thái. – Nhưng hãy quay trở lại với tục thờ Mặt trời trong ngôi đền này.
Kinh thánh phần Hai Vua xxiii.5, nói rằng: “Và [vua
Josiah] đuổi tất cả các thầy tư tế sùng kính…những người đốt trầm hương thờ mặt
trời, mặt trăng, các vì tinh tú, và toàn bộ chủ trời”. Còn ở câu thơ 11: “Và
ngài bỏ hết số ngựa mà các vua Judah dâng lên Mặt trời, đặt ở lối vào Ngôi nhà
của Chúa…và thiêu những chiếc xe Mặt trời bằng lửa”; câu thơ 13: “Và những gò đống
trước thành Jerusalem về phía bên phải của quả núi sập, nơi Salomon vua của người
Israel đã đắp lên cho Ashtoreth, sự ghê tởm những người Zidon (chính là những
người đã xây ngôi đền) khiến cho nhà vua để cho nó nhơ bẩn”.
Ngoài ra kinh thánh còn mô tả Josephus đã cho bỏ hết
các trang hoàng nào giống như cách trang hoàng Hội phòng của Tam điểm. Ông nói
rằng việc xắp đặt một số chỗ ở ngôi đền của người Do Thái là biểu hiện toàn bộ
những thứ tự nhiên, đặc biệt là ở những chỗ dễ thấy nhất, đó là mặt trời, mặt
trăng, các hành tinh, các cung hoàng đạo, trái đất, các nguyên tố, có nghĩa là
hệ thống thế giới ở đó đều là những biểu trưng tài khéo. Rất có thể toàn bộ các
biểu trưng này, Josiah vì ngu dốt đã gọi là những thứ đáng tởm của người Zidon
[Ghi chú của Paine: Smith khi nói về một Hội phòng đã thổ lộ rằng: Khi Hội
phòng được mở ra cho người Tam điểm, thì với anh ta, nó chính là thế giới;
trong đó từ những thứ kỳ thú của tự nhiên đã đưa chúng ta tới để trầm tưởng về
những cội nguồn vĩ đại và sùng kính vì những công trình hùng vĩ của nó; để rồi
từ đó chúng ta thấy cần phải thực hiện những nghĩa vụ xã hội và đạo đức, làm
cho con người trở thành những công bộc của vị kiến trúc sư vĩ đại của Thế giới
– Tác giả].
Tuy nhiên mọi thứ được rút ra từ ngôi đền này [Paine
ghi chú: Có thể là chính xác khi cho rằng cái bộ luật được gọi là luật Moses đã
không tồn tại trong thời gian xây dựng ngôi đền].
Ở đây có sự tương đồng của vạn vật trên trời và dưới đất.
Và chúng ta đọc được trong phần các vua vi, vii viết rằng: Salomon đã làm ra
các thiên thần có cánh tạc trên mọi bức tường của ngôi đền cùng những cây cọ và
các bông hoa nở cùng một biển kim loại nấu chảy đặt trên 12 con bò; còn các gờ
tường được trang trí bằng sư tử, bò, các thiên thần có cánh: tất cả những thứ
đó đều trái với luật Moises - [Tác giả]
và được đưa vào Hội Tam điểm, đều vẫn thuộc về tục thờ Mặt trời, tuy nhiên đã bị
người Do Thái làm biến đổi đi hoặc hiểu sai, rồi sau đó những thứ ấy đã được
đưa vào tôn giáo của các giáo sỹ Druids.
Một nghi thức khác cho thấy Hội Tam điểm bắt nguồn từ
một hệ thống cổ đại nào đó trước và không có quan hệ với Thiên Chúa giáo, là trật
tự niên đại hoặc phương pháp tính thời gian được người Tam điểm sử dụng trong
các ghi chép về các thủ lĩnh của họ. Họ không sử dụng cái được gọi là kỷ nguyên
Thiên chúa, họ tính tháng bằng số giống như những người Ai Cập cổ đại đã làm,
và như người Quakers hiện vẫn làm. Bản thân tôi cũng có một ghi chép về một thủ
lĩnh tôn giáo Tam điểm Pháp dưới thời Công tước Orlean cuối cùng, tiếp theo là
Công tước de Chartres là một Đại đạo sư Tam điểm ở Pháp.
Tư liệu đó bắt đầu như sau: “Le trentieme
jour du sixieme mois de l'an de la V.L. cinq mille sept cent soixante treize”; có nghĩa là : Ngày 13 tháng 6 năm Venerable Lodge
5773. Căn cứ vào những gì tôi đọc được trong những cuốn sách Tam điểm bằng tiếng
Anh, thì những người Tam điểm Anh sử dụng những chữ đầu viết tắt A.L, chứ không
phải là V.L. Với chữ A.L họ có ý nói trong năm ánh sáng giống như người Thiên chúa
giáo dùng chữ A.D. có nghĩa là trong năm Chúa Chúng ta.
Nhưng A.L. giống như V.L. đều thuộc vào cùng một trật tự
niên đại, tức là thời gian giả định về sự Sáng thế. [Ghi chú : V.L. là những
chữ đầu của Vraie Lumiere, Ánh sáng Chân lý; và L.A. là Anne Lucis, Trong năm
Ánh sáng. Câu này và ba câu trước (trong văn bản) đã bị cắt bỏ khỏi bản in của
bà Bonneville năm 1810 – Biên tập]. Trong chương về nguồn gốc Thiên chúa giáo,
tôi đã chỉ ra rằng nguồn gốc vũ trụ, tức là lý giải về Sáng thế mà cuốn Sáng Thế
ký đã mở ra, chính là đã được lấy và bị cắt xén từ cuốn Zend-Avesta of
Rozoaster, và được chọn làm lời mở đầu cho cuốn Kinh thánh khi những người Do
Thái quay trở về sau vụ bị bắt giữ tại Babilon, và những người anh em Robbin của
người Do Thái đã không coi lối giải thích trong sách Sáng thế là thật, mà chỉ
là những phúng dụ thôi.
Sáu nghìn năm trong sách Zend-Avesta đã bị thay đổi và tự
ý thêm vào 6 ngày để lý giải Sáng thế. Những người Tam điểm dường như cũng lựa
chọn cùng giai đoạn đó, và có lẽ để tránh sự ngờ vực và qui kết của nhà Thờ,
nên đã chấp nhận kỷ nguyên thế giới (Thiên chúa) làm kỷ nguyên Tam điểm. Chữ
V.L. của người Tam điểm Pháp và chữ A.L. của Tam điểm Anh là lời đáp đối với chữ
A.M. Anno Mundi, năm Thế giới của Thiên chúa giáo.
Dù những người Tam điển có lấy nhiều nghi lễ và các tượng
hình của người Ai Cập cổ đại, nhưng chắc chắn là họ không lấy trật tự niên đại
của họ, giống như biên niên sử Trung Quốc đã xuất hiện sớm hơn Thiên chúa giáo
vài nghìn năm.
Tôn giáo của những người Druids như đã nói, hệt như tôn
giáo của người Ai Cập cổ đại. Các tăng lữ Ai Cập là những giáo sư và giảng viên
khoa học, và họ có phong cách của Heropolist – thành phố Mặt trời.
Những người Druids ở châu Âu là những người có chung một thứ
trật với những tên gọi bằng ngôn ngữ Teuton hoặc German cổ đại. Từ Druid có nghĩa là một người khôn ngoan. [Ghi chú:
drud trong tiếng Đức là pháp sư hoặc người có khả năng thiên tài. Hãy so sánh với
dòng sau đây của Milton: “Ngôi sao dẫn đường cho các thầy pháp vội vàng với một
hương vị thuần khiết”. Từ druid cũng có gốc từ tiếng Hy Lạp, một cây sồi. Trong
tiếng Celtic thì deru là cây sồi, và “ndd” là chúa. Trong tiếng Anh deuruidhon
là những người rất khôn ngoan. Tiếng Hebrew ‘derussim” là người suy tưởng –
Biên tập]. Trong tiếng Ba Tư từ Magi cũng có nghĩa tương tự.
“Ai Cập, Smith nói, là nơi mà chúng ta lấy được rất
nhiều điều huyền bí, đã luôn luôn sinh ra một hạng người đặc biệt và đã từng lừng
danh hơn tất cả những nước khác vì những cổ ngoạn, tri thức, sự giàu có và màu
mỡ của nó. Trong các hệ thống của họ, những vị thần anh hùng chủ yếu của họ,
Osiris và Isis, về phương diện thần học là một Thực thể Tối cao, là một Đấng tạo
hóa Vũ trụ; và về phương diện vật lý, hai vầng sáng vĩ đại, Mặt trời và Mặt
trăng nhờ tác động của chúng, mà toàn bộ tự nhiên được khởi phát” “Các đạo hữu
từng trải của Hội [Smith chú thích trang này] biết rất rõ những biểu tượng này
đưa lại cho Hội Tam điểm những ái lực nào, và tại sao chúng lại được sử dụng
trong toàn bộ các Hội phòng Tam điểm”.
Khi nói về y phục của những người Tam điểm trong các Hội
phòng của họ mà một phần của nó chúng ta có thể thấy trong các đám rước công cộng,
là một chiếc tạp dề da trắng, ông nói: “Các đạo sỹ Druids mặc màu trắng trong
thời gian hiến tế và tại các lễ nghi trọng thể. Các thầy tư tế Osiris của Ai Cập
mặc đồ vải trắng màu tuyết. Các thầy tư tế Hy Lạp và hầu hết các vùng khác đều mặc
lễ phục trắng. Những người Tam điểm là những người đầu tiên sùng bái một Thượng
đế thực thụ đã bắt chước lễ phục của họ, và sử dụng các vật tượng trưng rất
trong sáng”.
‘Người Ai Cập, Smith tiếp tục, trong những thời đại lịch
sử xa xưa đã tạo ra số lớn các Hội phòng nhưng vẫn giữ kín các bí mật của Hội
Tam điểm không cho người ngoài được biết. Những bí mật này không được trao truyền
một cách trọn vẹn cho chúng ta vì hạn chế của truyền thống truyền miệng, và phải
giữ kín, không cho người lao động, thợ thủ công và những người tập sự được biết,
mãi cho đến khi nhờ những hành vi tốt và công việc nghiên cứu lâu dài người ta
mới quen dần với hình học và các môn nghệ thuật tự do, nhờ đó mà nâng cao được
năng lực của các Đạo sư và các Giám quản, đó là điều rất hiếm hoặc chưa hề xảy
ra đối với người Tam điểm Anh.”
Dưới đầu đề Hội Tam điểm, do nhà thiên văn học Lalande
viết cho Bách khoa Toàn thư Pháp, tôi chờ đợi một lượng tri thức to lớn của ông
về thiên văn học, để phát hiện được nhiều thông tin về nguồn gốc Hội Tam điểm;
vì sao lại có mối liên hệ giữa một thể chế với Mặt trời và 12 cung Hoàng đạo, nếu
như không có một điều gì đấy trong cái thể chế đó, hoặc từ cội nguồn thiên văn
học của nó?
Bất kỳ cái gì được dùng như một tượng hình đều được
quy về chủ thể và mục đích sử dụng của nó; và chúng ta sẽ không cho là những
người Tam điểm, trong đó có rất nhiều người hiểu biết và là nhà khoa học, lại
ngu dốt đến mức sử dụng các dấu hiệu thiên văn không vì một mục đích thiên văn
nào cả. Nhưng tôi đã quá thất vọng khi hy vọng vào Lalande. Về nguồn gốc của Hội
Tam điểm, ông viết: “L'orgine
de la maconnerie se Perd, comme tant d'autres, dans l'obscurite des termps;” Tức là: Nguồn gốc của Hội Tam điểm, giống như nhiều
tôn giáo khác đã bị biến mất trong mịt mù thời gian. Khi tĩnh trí lại tôi cho rằng
Lalande là một người Tam điểm, và đúng là như vậy. Chính cái chết đã cứu cho
ông khỏi tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà những người Tam điểm phải chịu khi phải
phơi bày nguồn gốc của họ mà họ đã thề giữ kín.
Có một hội Tam điểm ở Dublin lấy tên Druids; phải nghĩ
rằng những người Tam điểm này có lý do cho hành vi đó.
Bây giờ tôi xin đề cập đến lý do bí mật của người Tam
điểm. Nguồn gốc tự nhiên của bí mật là nỗi sợ. Khi bất cứ một tôn giáo mới nào
cạnh tranh và vượt lên một tôn giáo cũ thì những bậc thầy của cái mới đó trở
thành kẻ hành hạ cái cũ. Chúng ta thấy rõ điều này trong tất cả các ví dụ mà lịch
sử đã từng trải qua. Khi Hilkiah-thầy tư tế và Shaphan-nhà giáo luật dưới thời
vua Josiah đã tìm ra hoặc có ý định tìm kiếm cái giáo luật được gọi là luật
Moses thì một ngàn năm sau thời Moses (và có vẻ như luật ấy đã không được thực
hành và không được biết đến trước thời Josiah) nhà vua đã thiết lập bộ luật đó
thành một tôn giáo quốc gia và bắt toàn bộ các thầy tư tế thờ Mặt trời phải chết.
Khi Thiên chúa giáo thắng thế Do Thái giáo thì toàn bộ
những người Do Thái trở thành đối tượng buộc tội trong tất cả các nước Thiên
chúa giáo. Khi Tin lành ở Anh thắng thế công giáo La Mã thì nó đã giết chết một
cha cố Công giáo La Mã ở Anh. Vì vậy mà khi Thiên chúa giáo thắng thế tôn giáo
của người Druids ở Italia, ở xứ Gaul, ở Anh, và ở Ireland cổ đại thì những người
Druids trở thành đối tượng phỉ báng. Đó chính là lý do để họ giữ kín bí mật nguồn
gốc của họ bằng một giáo luật khắt khe nhất.
Sự an toàn của họ phụ thuộc vào điều đó. Một đạo hữu
giả có thể đưa tính mạng của nhiều thành viên Tam điểm đến chỗ hủy diệt; và từ
di tích của những người Druids, một thể chế được bảo tồn và tái hiện để tránh
cái tên Druids, người ta đã dùng cái tên Mason, nhưng họ thực hành dưới cái tên
mới này toàn bộ các nghi lễ và nghi thức của những người Druids.
_________________________________
Nguồn: Conway M.D 1896. The
Writings of Thomas Paine 1896, GP. Putnam’s Sons, New York. Conway’s
comments appear as "notes" signed "editor" in the text.
Tác giả: Thomas Paine (1737 - 1809) là một tác giả người Anh sau đó trở thành công dân Mỹ, và là một nhà hoạt
động chính trị, một lý thuyết gia chính trị, một nhà thần học, một nhà văn. Ông
được coi là một trong những người sáng lập ra Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Không có bằng
chứng cho thấy ông là thành viên Hội Tam điểm; lý thuyết về nguồn gốc Hội Tam
điểm của ông chỉ được coi ông quan tâm đến một vấn đề bí ẩn của lịch sử Hội này mà thôi.
*Ghi chú: tên gọi 12 cung Hoàng đạo
*Ghi chú: tên gọi 12 cung Hoàng đạo
Aries cung Bạch dương
Libra cung Thiên bình
Taurus cung
Kim ngưu
Scorpio cung Hổ cáp
Gemini cung Song sinh
Sagittarius cung Nhân mã
Cancer cung Con cua
Capricornus cung Ma kết
Leo cung
Sư tử
Aquarius cung Bảo bình
Virgo cung Xử nữ
Pisces cung
Song ngư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét