Powered By Blogger

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

Vẽ bản đồ Việt Nam


Vẽ bản đồ Việt Nam

Le Minh Khai

Người dịch: Hà Hữu Nga



Lời người dịch: Trên trang mạng leminhkhai.wordpress.com có một số bài viết ngắn đề cập đến các vấn đề quan trọng về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Chúng tôi cố gắng dịch và chuyển tải đến những ai liên quan - quan tâm, và mong rằng các vị sẽ có các trao đổi giúp làm rõ vấn đề mà tác giả Le Minh Khai đặt ra nhằm thúc đẩy học thuật phát triển.


Tôi tuyệt đối không có tham vọng tham dự vào cuộc luận chiến Trường Sa/Hoàng Sa. Tại sao? Vì tôi là một sử gia và với tư cách một sử gia, tôi không thể đứng nghe các sử gia luận chiến (kể cả hai phía) về “chủ quyền” 主權 trước thế kỷ XX.

Chủ quyền là một khái niệm PHƯƠNG TÂY. KHÁI NIỆM NÀY KHÔNG TỒN TẠI Ở CHÂU Á TRƯỚC THẾ KỶ XX. Nếu đã có khái niệm đó thì tại sao người Nhật lại phải tạo ra một thuật ngữ mới “shuken” (chủ quyền/主權) để dịch từ phương Tây “sovereignty”*???

Trước thế kỷ XX, các khái niệm biên giới và kiểm soát lãnh thổ ở châu Á mơ hồ hơn nhiều so với phương Tây. Chỉ khi tiếp xúc với phương Tây thì điều đó mới thay đổi. Cách xử lý kinh viện chủ đề này là công trình Vẽ bản đồ Xiêm của Thongchai Winichakul thể hiện giới tinh hoa Xiêm đã bắt đầu nhìn nhận vùng đất của mình như một lãnh thổ được xác định một cách rõ ràng, và đã vẽ nó (theo nghĩa phương Tây của từ này) ra sao sau khi người Xiêm bị buộc phải bảo vệ vương quốc khỏi sự đe dọa của người phương Tây chinh phục.

Người Xiêm đã học ‘vẽ bản đồ Xiêm” theo cách thức phương Tây để thể hiện đâu là các biên giới lãnh thổ của vương quốc (khi các đường biên giới này là những vấn đề mà trước đó người đã Xiêm không hề bận tâm) đến mức là người Anh và người Pháp đã có thể bị ngăn chặn ở một khoảng cách từ xa.

Nhưng câu truyện về việc Việt Nam đã bắt đầu “vẽ bản đồ” ra sao thì lại không được kể, song lại có rất nhiều tư liệu để xác định điều đó đã diễn ra như thế nào. 

Có một điều rõ ràng là các ý tưởng về việc vẽ bản đồ ở Việt Nam đã khởi đầu dần dần để tuân theo các tiêu chuẩn phương Tây vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Tôi đã xem một công trình được gọi là Bản quốc dư đồ**. Tấm bản đồ này không đề năm tháng, và không có thông tin về tác giả, nhưng tôi vẫn cho rằng nó có lẽ được vẽ vào cuối thế kỷ XIX hoặc đầu thế kỷ XX.

Tại sao tôi lại nghĩ như vậy? Trước hết là vì nó có hình ảnh về Đông Nam Á lục địa. Tôi cho rằng người Việt Nam không thể tự mình có được hiểu biết ấy (tấm bản đồ này thậm chí còn có cả bán đảo Mã Lai và đảo Sumatra trên đó). Có lẽ hiểu biết đó đã có được từ những nguồn khác, chẳng hạn như người Pháp (hoặc có lẽ được một nhà cách tân Trung Hoa hoặc Nhật Bản vẽ ra, và ngay cả đối với họ cũng mới vì có sự tiếp xúc với các ý tưởng xây dựng bản đồ phương Tây), trong khi đó về phong cách (nó không xác định rõ biên giới chẳng hạn) thì lại giống với một tấm bản đồ truyền thống Việt Nam hơn nhiều so với một tấm bản đồ phương Tây của thế kỷ XIX.

Cũng vậy, trên tấm bản đồ này, Việt Nam được coi là “Việt Nam, có nghĩa là An Nam”. Thuật ngữ đó đã đập vào tâm trí tôi để nói rằng đó là một sự tiếp xúc hậu-Pháp.  Nếu nó là một tấm bản đồ có niên đại trước khi tiếp xúc với người Pháp thì tôi nghĩ tên gọi của nó sẽ là Đại Nam hoặc Thiên Nam. Hơn nữa trên tấm bản đồ này lại còn có 柬埔塞  Giản Phố Tái (chúng ta phải viết thế nào bằng chữ quốc ngữ đây?) mà không phải là 高棉 Cao Miên, để gọi Campuchia. Đó cũng là một tên gọi rất mới (Liệu người Việt đã từng sử dụng tên gọi này nhiều chưa?).

Một tấm bản đồ khác cũng rất thú vị. Đó là một tấm bản đồ “toàn quốc”**. Bản đồ này không có chút phong cách nào của người vẽ bản đồ phương Tây. Trong tấm bản đồ này phương bắc được đặt ở bên phải, còn phương nam ở bên trái. Tuy nhiên rất hiếm thấy một tấm bản đồ toàn quốc nào trong địa lý học Việt Nam được vẽ trước thế kỷ XX. Và tôi thực sự không hiểu có bất cứ một tri thức địa lý truyền thống nào đặt toàn quốc trong một khu vực rộng hơn giống như tấm bản đồ này không.

Nói cách khác, tấm bản đồ này trông giống với loại bản đồ quá độ giữa một tấm bản đồ truyền thống và một tấm bản đồ được vẽ theo các nguyên tắc vẽ bản đồ phương Tây.

Khi nói về tất cả những điều đó thì vẫn còn một vấn đề rất thú vị về tấm bản đồ “toàn quốc” này. Một trong hai vòng tròn được ghi là 黃沙渚 Hoàng Sa ch - Dải cát vàng [Chữ [ch] viết thế nào bằng chữ quốc ngữ?], còn vòng tròn khác thì ghi là 洪潭, Hồng Đàm (Vực lớn).

Vậy thì tấm bản đồ này chứng tỏ “Việt Nam” có “chủ quyền” đối với các đảo Hoàng Sa? Đúng ra thì câu trả lời lại là câu hỏi trực tiếp, xin hãy nhìn vào một số chỗ trên bản đồ.

Trên đầu bản đồ có những địa danh khác nhau ngày nay thuộc nước Lào, còn cao hơn về phía bên trái là tên gọi nước Xiêm. Không có đường xác định biên giới các lãnh thổ tách biệt. Liệu đó có nghĩa là “Việt Nam” có “chủ quyền” đối với Lào và Xiêm?

Có lẽ những cái tên ấy được điền vào để đặt “Việt Nam” vào một phối cảnh địa lý. Nếu đúng là như vậy thì có lẽ các đảo Hoàng Sa cũng được đặt vào đó với cùng một lý do.

Chỉ có một vị trí duy nhất trên tấm bản đồ này khiến ta hiểu về đường biên giới là ở gần rìa phía bên phải. Ở đó thấy có các rãnh [biểu hiện] biên giới. Đó là các rãnh biên giới giữa “Việt Nam” và “Trung Quốc”, mặc dù không có các tên gọi “Trung Quốc” hoặc “Quảng Đông” hay bất cứ một vị trí nào khác tương tự để chỉ rõ những gì bên kia các rãnh biên giới đó.

Vậy thì quan điểm của tôi là gì? Quan điểm của tôi là các khái niệm không gian, biên giới cũng như sự kiểm soát chính trị trong quá khứ là khác, vì thế không bao giờ nên cố tìm cho ra các ý tưởng hiện đại (như chủ quyền) trong quá khứ ở nơi mà nó không tồn tại*.

Nguồn: leminhkhai.wordpress.com/13Apr. 2012


Ghi chú của người dịch

* Không có gì con nít và ngớ ngẩn (trong thâm tâm tôi muốn dùng một từ thích đáng khác) hơn lập luận kiểu này của một ông được gọi là giáo sư sử học: khi Việt Nam chưa du nhập hai chữ “shuken” (主權) và “sovereignty” thì đừng có mà nói đến cương vực, lãnh thổ, biên giới quốc gia! Chưa có “shuken” và “sovereignty” thì chưa thể có cương vực, lãnh thổ, biên giới quốc gia cho Việt Nam được!!!???

** Xin xem hai bản đồ này trên leminhkhai.wordpress.com/13Apr. 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét