Powered By Blogger

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Việt Nam trước những tấm gương (V)


Việt Nam trước những tấm gương (V)

Hà Hữu Nga


Tâm lý gắn bó với làng quê

Như đã nói ở trên, định hướng cộng đồng là một đặc trưng của tính cách Việt. Nếu thuần túy nhìn từ lợi ích cá nhân, từ góc độ chủ nghĩa cá nhân, đặc biệt đối với người phương Tây, thì điều đó không mấy dễ hiểu. Tuy nhiên đối với mỗi người Việt thì việc tìm một câu trả lời cho vấn đề đó không đến nỗi quá khó khăn. Bởi vì ai cũng biết rằng tính cách, tâm lý của một dân tộc có căn nguyên từ chính nền văn hóa của dân tộc đó. Thậm chí, từ một vài khía cạnh nào đó, người ta có thể nói được rằng tính cách đồng nghĩa với văn hóa.

Không phải là không có lý do chính đáng để mọi người, đặc biệt là giới nghiên cứu gọi nền văn hóa Việt Nam truyền thống là “văn hóa làng”. Nền văn minh Việt cổ, ngay từ xuất phát điểm đã hình thành trong một môi trường tự nhiên bị chia cắt. Tổ tiên người Việt trước khi tràn xuống cư chiếm đồng bằng, đã từng là những nhóm cư dân nông nghiệp hoặc tiền nông nghiệp sống tương đối biệt lập trong các thung lũng thuộc các dải núi đồi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Những thị tộc hoặc những nhóm thị tộc ấy buộc phải tụ cư thành những nhóm nhỏ, bởi vì cuộc sống của họ trước hết phụ thuộc vào môi trường tự nhiên của khu vực chúng ta. Sự đa tạp về chủng loại cây con, đối tượng khai thác chủ yếu của những người nguyên thủy, không đảm bảo được cho họ một khối lượng lương thực, thực phẩm lớn cho những tập đoàn cư dân đông đúc. Vì thế, muốn duy trì được cuộc sống họ buộc phải phân tán thành những nhóm nhỏ. Các hang động ở những vùng núi đá vôi Hòa Bình, Lạng Sơn là những nơi trú ngụ cho một nhóm khoảng một hai chục người với môi trường sinh thái thung lũng tương đối khép kín, đã tạo thành một nền “văn hóa thung lũng” [Trần Quốc Vượng 1986, 1-6]. Dưới góc độ sinh thái học nhân văn, khái niệm “văn hóa thung lũng” dùng cho khu vực trên là hoàn toàn thỏa đáng, và nó đã thể hiện rõ nét cấu trúc một mô hình văn hóa nông nghiệp sơ khai của tổ tiên người Việt cổ.

Có thể nói rằng “văn hóa thung lũng” là một mô hình tiền định cho nền “văn hóa làng” trong xã hội Việt Cổ khi họ cư chiếm vùng đồng bằng châu thổ của các con sông Hồng, sông Mã, sông Cả. Đặc trưng lớn nhất của nền văn hóa thung lũng là sự tĩnh tại và biệt lập. Trong môi trường đó, con người dễ dàng thiết lập được một mối quan hệ gắn bó máu thịt với tự nhiên xung quanh. Đối với mỗi thành viên trong cộng đồng, từng lối mòn, từng cái cây, mô đá, năm này qua năm khác đều ghi dấu ấn cuộc đời của họ, che chở cho họ và nuôi sống họ. Họ biết cần phải trốn tránh ở đâu lúc hiểm nguy, cần phải ăn cái gì lúc đói lòng, cần phải uống lá gì lúc đau ốm, v.v…Vì thế, đối với họ, một nơi xa lạ có thể đồng nghĩa với không an toàn, với rủi ro. Và cuộc sống khai thác tự nhiên đồng nghĩa với sự phụ thuộc vào tự nhiên. Và sự phụ thuộc cũng đồng nghĩa với cảm giác bé nhỏ và được che chở. Từ đó sinh ra lòng kính trọng, tôn sùng. Có lẽ không có một thứ tín ngưỡng, tôn giáo nào làm cho người ta gắn bó với môi trường thiên nhiên quen thuộc tới mức máu thịt như tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Niềm tin nguyên thủy ấy đã trở thành một tố chất tất yếu trong cuộc sống tâm linh của người Việt cổ và tồn tại cùng với họ cho tới lúc nào mà họ vẫn còn phải sống dựa trực tiếp vào tự nhiên, dù chỉ một phần nào đó. [Bản thân tôi], khi còn nhỏ, sống ở quê, mỗi lần vào rừng kiếm củi hoặc rau quả đều được người lớn dặn không được quên lời khấn: “Lạy ông rừng bà bụi, cho con kiếm được…” Rất nhiều thứ có thể quên đi, song lời dặn đơn giản ấy, chỉ cần một lần là không thể nào quên được. Dường như câu khẩn cầu ấy đã có sẵn trong tiềm thức, được ghi lại trong mã di truyền và trong cái đầu non nớt của mình, tôi không thể không tin sự linh nghiệm của lời ấy, bởi một lý do rất giản đơn là đã vào rừng thì không bao giờ tôi phải về tay không.

Khi chiếm cư ở đồng bằng, con người chủ yếu sống dựa vào làm ruộng, chứ không phải chủ yếu dựa vào săn bắn, hái lượm trong rừng nữa. Cuộc sống làm nông trước hết tạo cho con người một thái độ tôn sùng đất đai, bởi vì giờ đây đất đai, thay cho rừng rú, trở thành bầu vú sữa nuôi sống những con người sống dựa vào nó. Trước kia rừng gắn bó với con người bao nhiêu thì giờ đây, đất đai cuốn hút người ta bấy nhiêu. Sự cuốn hút có tính cách ma lực ấy buộc người ta phải nghĩ rằng mỗi vùng đất đều có linh hồn, có thần đất cai quản. Những phản ứng tâm linh ấy đã tạo cho người Việt một sợi dây bền vững nối với nơi họ sống. Sự gắn bó có tính cách thân tộc về phương diện xã hội của những cộng đồng thôn xã Việt – các công xã nông thôn được bảo lưu lâu dài và luôn sống lại ở những nơi nào mà nó từng chết đi – liên kết các thành viên của cộng đồng lại với nhau, củng cố vững chắc hơn mối liên hệ với một vùng đất cụ thể. Vả lại, khi bước vào thời đại của văn minh, của nhà nước, [tên] gọi nền văn minh sông Hồng ấy thực chất là nền văn minh của những công xã nông thôn, không phát triển thành một thiết chế nhà nước mạnh như các cộng hòa nô lệ ở Hy Lạp hoặc La Mã. Cuộc sống của người Việt cổ không đặt nền tảng trên các cuộc chiến tranh chinh phục đất đai và cướp bóc của cải, vùng đất này vào thời ấy không phải là trung tâm thương mại thời nô lệ. Khả năng xáo trộn duy nhất cuộc sống yên bình của các công xã nông thôn ở đây là các cuộc chiến tranh do những quốc gia láng giềng phía bắc gây nên. Và có chăng nữa, đó là các cuộc chiến tranh cục bộ giữa các thị tộc, các bộ lạc, các liên minh bộ lạc vì rất nhiều lý do khác nhau. Trên tất cả những cái đó là nguy cơ xâm lược từ phía bắc. Mối đe dọa thường xuyên ấy càng là chất xúc tác thúc đẩy mối gắn kết giữa các thành viên, các nhóm thành viên của cộng đồng Việt lại với nhau để chống trả.

Trong lịch sử nhân loại, có lẽ có ba lý do chủ yếu tạo cho một dân tộc quen với cuộc sống di động. Trước hết đó là cuộc sống lang thang nguyên thủy và du mục. Sau đó là các cuộc chiến tranh chinh phục, cướp bóc. Cuối cùng là cuộc sống thương mại, tìm kiếm lợi nhuận ở bất cứ nơi nào có thể. Người Việt xa lạ với tất cả ba lối sống đó. Giống như bất cứ một dân tộc nào, trong lịch sử của mình, người Việt cũng phải di động, cũng phải chuyển cư và có những lần chuyển cư lớn vì nhiều lý do khác nhau, nhưng hầu hết các lý do đó đều có tính cưỡng bách, bị động, chứ không phải là tự nguyện và chủ động. Điều đáng lưu ý là đi tới đâu, người Việt cũng có thể thiết lập được ngay những mối quan hệ theo cung cách của mình ở đó. Trong khi đó họ thường không chối bỏ lối sống cổ truyền của cộng đồng mình. Tâm lý liên kết và gắn bó với nhau và với nơi chôn rau cắt rốn của người Việt điển hình đến mức người ta đã từng coi đó là một hành vi “bệnh lý học”. Và hành vi bệnh lý ấy đã được chẩn đoán căn nguyên, đó là do tính biệt lập của các cộng đồng thôn xã Việt [Vũ Quốc Thúc 1950].

Phải thừa nhận rằng trong tính cách Việt có yếu tố tâm lý đó. Thật ra “tính biệt lập” về bất kỳ phương diện nào cũng đều trái với bản chất xã hội của con người nói chung. Nhưng với người Việt, đó không phải là ý chí của họ, mà trước hết, tính cách ấy được quyết định bởi môi trường sống của họ. Tính biệt lập có ở xã hội nào mà ở đó quá trình lao động là giản đơn và nhu cầu của con người thấp. Đối với người Việt, tính biệt lập không hề dẫn tới những hành vi cực đoan, tới chủ nghĩa biệt lập, liên quan tới ý chí của dân tộc. Ngược lại, tính biệt lập của người Việt nằm trong một tiến trình phát triển tự nhiên của dân tộc này. Đó là sự bảo lưu lâu dài các hình thức công xã nông thôn tự cấp tự túc. Và đối với người Việt, cái tình trạng “bệnh lý” biệt lập ấy không có vấn đề gì là nguy hiểm và nan giải cả, bởi vì ngay trong trạng thái “bệnh lý” ấy, người Việt đã biết tìm cho mình một sự tự điều chỉnh, một sự cân bẳng tuyệt vời bằng chính phương thuốc “gắn bó”. Người Việt gắn bó với nhau, và đặc biệt gắn bó với tự nhiên. Chính vì vậy, ở trong tình trạng biệt lập tự nhiên, nhưng người Việt không hề làm mất đi phần bản chất xã hội tốt đẹp vốn có của con người. Và chính từ khía cạnh này tín ngưỡng vạn vật hữu linh có lý do ra đời và tồn tại, có vai trò của nó trong các xã hội truyền thống. Cùng với cung cách quan hệ xã hội của người Việt, trước hết dựa trên kinh nghiệm quan hệ thân thuộc, tín ngưỡng vạn vật hữu linh đã làm phong phú thêm khả năng quan hệ của các cộng đồng Việt, đặc biệt là với tự nhiên. Khả năng giao hòa với tự nhiên, thái độ tôn sùng tự nhiên đúng mức đã giúp cho người Việt có được một năng lực tự cân bằng, một khả năng thích nghi với môi trường sống thật tuyệt vời. Nếu chỉ nhìn một chiều thì câu ngạn ngữ “Trời sinh voi trời sinh cỏ” chỉ hàm chứa trong đó yếu tố tiêu cực, một tâm lý buông xuôi, nhờ trời nào đó. Và đặc biệt hiện nay câu đó lại chẳng đem lại lợi lộc gì cho “phong trào kế hoạch hóa gia đình” cả.

Nhưng lẽ nào tự ngàn xưa, với tổ tiên của chúng ta, câu đó lại chẳng ít nhiều có ý nghĩa. Trước hết người ta có thể nhận thấy ở đó một phát hiện về sự hài hòa của tự nhiên. Tự nhiên làm gì cũng có lý do chính đáng của nó. Và đương nhiên ẩn giấu đằng sau phát hiện đó là thái độ của con người. Đó là sự tuân thủ các quy luật tự nhiên, là sự hài hòa vào cái hài hòa của tự nhiên, là mối quan hệ không tách rời với tự nhiên. Đằng sau tâm lý liên kết, gắn bó của người Việt chính là tính cách HÒA của họ. Hòa là một trong những thế năng lớn nhất của người Việt, giúp họ có thể qua khỏi được bất cứ thử thách gay go, ác liệt nào. Với người Việt – và đây là điều phân biệt căn bản so với các dân tộc láng giềng phương Đông khác – HÒA không phải là một triết lý sống, mà là một thực hành sống. Trong bản chất truyền thống của mình, người Việt không triết lý, mà chỉ cảm. Cảm năng chính là lương thức của người Việt. Tinh thần CẢM – HÒA ấy thể hiện rất rõ trên mặt trống đồng – một dạng sử ký của người Việt – đánh dấu sự trưởng thành của ý thức cộng đồng, sự ra đời một nhân cách cộng đồng, sự tồn tại một tính cách cộng đồng Việt cổ trên cõi đời này. Tinh thần, hay tính cách CẢM – HÒA tự thân nó không phải là một mục đích. Đó là điều hoàn toàn khác biệt giữa tính cách Việt và tính cách Trung [Quốc]. Tính cách của người Trung Quốc là tính cách hướng đích. “Muốn hiểu lý tưởng nhân sinh của người Trung Quốc thì phải hiểu chủ nghĩa nhân văn của họ. Danh từ chủ nghĩa nhân văn có vẻ mơ hồ, nhưng người Trung Quốc đã cho nó một ý nghĩa rất rõ rệt. Nó gồm ba yếu tố: i) Một khái niệm chính xác về mục đích của đời người; ii) Một lòng tin tuyệt đối vào mục đích đó; iii) Sự định rõ mục đích đó nhờ lý trí, nhờ đạo “trung dung” mà ta có thể coi là một lòng tin tưởng vào lương thức [Lâm Ngữ Đường 1970, tr.15].

Trong tính cách Việt cổ truyền, mục đích sống không bao giờ tách rời khỏi chính cuộc sống để được trừu xuất thành một lý thuyết, thành một cái đích mà suốt đời người ta phải tuân thủ. Nhân sinh quan Việt cổ thể hiện trên mặt trống đồng là một quan niệm liên tục thuần túy. Thời gian liên tục với không gian, ánh sáng liên tục với bóng tối, đực liên tục với cái, người liên tục với cảnh vật. Một thế giới liên tục không đứt đoạn như vậy chính là một thế giới hòa đồng. Trên đó người ta không thấy bóng dáng của những cảnh sắc mâu thuẫn, xung đột. Trên đó người ta không hề thấy nỗi trăn trở để phải lựa chọn một lý thuyết, một đạo sống. Trên đó chỉ có một đạo duy nhất là quy luật của tự nhiên được tượng trưng bằng ngôi sao mặt trời ở trung tâm mặt trống. Tất cả thế giới còn lại, tự nhiên cũng như xã hội loài người đều nối tiếp nhau, hòa quện nhau quay xung quanh ngôi sao đó thành một khối thống nhất. Trong một thế giới như vậy, khái niệm mục đích là vô nghĩa.

Tất nhiên họa cảnh trên mặt trống đồng không phải là bức ảnh chụp lại nguyên xi cuộc sống thật của người Việt cổ, mà nó là một bức tranh cuộc sống đã qua rất nhiều khúc xạ để đạt tới tính phổ quát, để nói được cái chung nhất, cũng là cái bản chất nhất về cuộc sống của người Việt cổ thời đó. Qua nó, người ta có thể thấy rất rõ rằng xã hội Việt cổ, tâm thức Việt không phải được xây dựng trên nền tảng của những xung đột, của những cuộc chiến tranh thôn tính, của mâu thuẫn xã hội cao độ, mà ngược lại, nó được xây dựng trên sự quy tụ, tính liên tục và sự hòa đồng. Trong khía cạnh này tính cách Việt và tính cách Trung Quốc không có điểm nào chung cả. Người Trung Quốc cũng nói về hòa, nhưng hòa của họ là một chủ thuyết. Những mâu thuẫn trong lòng xã hội Trung Quốc, những xung đột liên miên, gay gắt đã đẻ ra học thuyết Trung dung điển hình cho sự cố gắng điều hòa mâu thuẫn để tồn tại, để tìm niềm vui sống. Đối với người Trung Quốc, Trung dung không phải là một thực hành sống, nó là một trong những mục đích mà người ta muốn đạt tới, bởi một điều rất đơn giản là bản chất văn hóa Trung Quốc không có sự trung dung. Vì thế đối với họ, trung dung thành một mẫu mực, thành đạo, thành cái lý tưởng phải noi theo. “Người Trung [Quốc] cho rằng cái gì phù hợp với bản tính của con người thì mới thực là logic, còn lý luận chặt chẽ, hợp logic tới đâu mà trái với bản tính con người thì cũng không chấp nhận được” [Lâm Ngữ Đường 1970, tr. 33]. Với Khổng giáo “địa vị của con người trong vũ trụ ngang hàng với địa vị của trời, đất, cho nên gọi “thiên, địa, nhân’ là tam tài, tức Ba ngôi” [Lâm Ngữ Đường 1970, tr. 30]. Người Việt cổ thì khác hẳn. Với họ, thế giới không phải là tam tài, mà là một thế giới lưỡng thế. Chính vì thế người Việt cổ không hề nhấn mạnh đến địa vị của con người, vai trò của con người riêng rẽ khỏi tự nhiên, càng không lấy con người làm trung tâm của vũ trụ, làm thước đo của vạn vật.

Với tính cách Trung Quốc, thật ra cái gọi là con người, chính là bản tính của người quân tử theo quan niệm Khổng giáo, chứ không hề có một khái niệm con người chung chung nào hết. Ở mô hình người quân tử, trong xã hội cổ đại, người ta không còn thấy chút bóng dáng nào của tính cách, của bản tính tự nhiên nữa. Người quân tử là dạng người được đổ ra từ một cái khuôn của một thiết chế xã hội nhất định. Ngoại trừ phần cơ thể sinh học ra, có lẽ người quân tử không còn chút liên hệ nào với tự nhiên nữa. Đó là dạng người sinh ra vì những mục đích chính trị xã hội nào đó, và suốt đời mình họ phải gò theo cái khuôn mẫu đó. Với loại người này, rõ ràng là tự nhiên không có bao nhiêu vai trò đối với họ; và đến lượt mình có lẽ suốt đời họ cũng chẳng còn có thời gian, tâm chí để bận tâm tới tự nhiên nữa. Típ người quân tử ấy là trụ cột của một nước Trung Quốc – không phải là Trung Quốc theo nghĩa một nước theo đạo Trung dung như Lâm Ngữ Đường cố tình hiểu thế [Lâm Ngữ Đường 1970, tr. 35], mà là một Trung Quốc trung tâm của vũ trụ, trong đó con người – tất nhiên là người quân tử - là cái rốn của cái rốn vũ trụ đó. Trung Quốc có một đạo nhân như vậy ngay từ thời cổ đại, cái thời định hình tính cách của hầu hết các dân tộc trên thế giới này, thì chắc chắn là ý chí – cái tính cách cốt yếu của dân tộc đó – là không cùng. Chỉ có điều người ta cần phải đặt câu hỏi là cái ý chí đó hướng về đâu mà thôi?*.   

Những phân tích trên cho thấy rằng, ngay từ xuất phát điểm, tính cách Việt và tính cách Trung Quốc không có những điểm chung căn bản. Hay nói khác đi, hai tính cách đó khác nhau từ bản chất. Mẫu người Việt không tách khỏi tự nhiên, không tách khỏi cộng đồng. Ngược lại, mẫu người trong tính cách Trung Quốc thuần túy là mẫu người của những chức năng xã hội. Họ phải vươn tới thành người quân tử - típ người giáo hóa và cai trị bọn tiểu nhân, típ người lý tưởng, vượt lên trên quần chúng – tiểu nhân, là tấm gương của lớp người tiểu nhân. Như vậy có nghĩa là mẫu nhân cách Việt không cách xa, không tách rời, mà hòa nhập, gắn bó. Còn mẫu nhân cách Trung Quốc thì phải cách xa, phải tách rời, phải trở thành tấm gương, phải trở thành lý tưởng, họ sinh ra không phải để vui sống, mà họ sinh ra để hiến dâng.      
______________________________________

* Ghi chú: Đúng 10 năm sau khi tôi viết những dòng này, vào năm 2005, một nhà nghiên cứu triết học vô danh xuất thân từ Quảng Tây, Trung Quốc đã trở nên nổi tiếng thế giới với một bài viết gây tranh cãi ầm ĩ hiện nay ở phương Tây Khái niệm Thiên hạ - Ngữ nghĩa và lịch sử, (tôi đã dịch và post trên Tiếng vọng Kattigara ngày 14/4/2012). Triệu Đinh Dương, tác giả của bài viết trên đã sử dụng khái niệm thiên hạ của Trung Quốc cổ đại để xây dựng một học thuyết thế giới mới, cho rằng mô hình Thiên hạ của Trung Quốc chính là mô hình xã hội thế giới ưu việt nhất của nhân loại. Chính quyền Bắc Kinh lập tức tung hô tư tưởng này của Triệu, và điều đó gợi lại không khí thời Đức Quốc xã bắt đầu bành trướng thế lực của mình với việc Hitler sử dụng khái niệm Lebensraum (Không gian sống) của Friedrich Ratzel để cổ vũ cho hành động xâm lược, bành trướng lãnh thổ của nước Đức Fascist. Nhờ công trình này mà ngày nay Triệu trở thành một học giả được xã hội Trung Quốc vô cùng ưu ái và tin dùng. Tôi mong sẽ có dịp trở lại với vấn đề này của Triệu Đinh Dương.

Tài liệu dẫn

Lâm Ngữ Đường 1970. Nhân sinh quan và thơ văn Trung Hoa. Ca Dao, Sài Gòn 1970. Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê.

Trần Quốc Vượng 1986. Trong viễn cảnh sinh thái học: Văn hóa Hòa Bình – Văn hóa thung lũng. Khảo cổ học, số 2, 1986.

Vũ Quốc Thúc 1950. Kinh tế làng xã Việt Nam. Luận án Luật học bảo vệ tại Đại học luật Paris  1950.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét