Powered By Blogger

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Carl Gustav Hempel 1905 – 1997



Carl Gustav Hempel 1905 – 1997

Mauro Murzi

Người dịch: Hà Hữu Nga

Cuộc đời

Hempel là một trong những nhân vật hàng đầu của Logic Thực chứng, sinh ở Orianenburg, Đức năm 1905. Từ ngày 17 đến 24 tháng Ba năm 1982, ông đã trả lời phỏng vấn của Richard Nolan; và bài trả lời phỏng vấn đó đã được ông công bố lần đầu tiên năm 1988 bằng tiếng Ý (Hempel, “Autobiografia intellettuale” in Oltre il positivismo logico, Armando: Rome, Italy, 1988). Và đó là nguồn tư liệu chính để viết về phần tiểu sử của ông dưới đây:

Hempel học ở Realgymnasium tại Berlin và năm 1923 ông được nhận vào Đại học Gottingen, nghiên cứu toán học với David Hilbert và Edmund Landau, học logic biểu tượng với Heinrich Behmann. Hempel rất ấn tượng với chương trình của Hilbert về việc chứng minh tính nhất quán toán học bằng phương tiện của các phương pháp sơ cấp; ông cũng nghiên cứu triết học, nhưng lại thấy logic toán thú vị hơn logic truyền thống. Cùng năm đó ông đến đại học Heidelberg nghiên cứu toán, vật lý và triết học. Từ năm 1924, ông nghiên cứu ở Berlin và đã gặp Reichenbach là người đã giới thiệu ông vào Câu lạc bộ Berlin. Ông tham gia các khóa giảng của Reichenbach về toán học, triết học không gian và thời gian, và lý thuyết xác suất. Ông học vật lý với Max Planck và logic với von Neumann. Năm 1929 ông tham gia Đại hội đầu tiên về triết học khoa học được các nhà thực chứng tổ chức. Ông gặp Carnap và – rất ấn tượng bởi Carnap – nên đã chuyển đến Vienna và ở đó ông đã tham gia ba học trình với Carnap, Schlick và Waismann, và tham gia các cuộc gặp gỡ của Câu lạc bộ Viên.

Cũng năm này ông được tuyển làm giáo viên một trường trung học và cuối cùng vào năm 1934 ông nhận học vị tiến sỹ triết học ở Berlin với một luận án về lý thuyết xác suất. Sau đó ông di cư đến Belgium với sự giúp đỡ của một người bạn của Reichenbach là Paul Oppenheim (Reichenbach giới thiệu Hempel với Oppenheim năm 1930). Hai năm sau Hempel và Oppenheim công bố cuốn sách Der Typusbegriff im Lichte der neuen Logik về lý thuyết logic phân loại, các khái niệm khoa học metric và so sánh. Năm 1937, với sự giúp đỡ của Carnap, Hempel được mời đến đại học Chicago làm trợ lý nghiên cứu triết học. Sau một thời gian ngắn ở Belgium, Hempel di cư đến Mỹ năm 1939. Ông dạy tại City College (1939-1940) và Queens College (1940-1948) tại New York. Trong thời gian này ông quan tâm đến lý thuyết xác nhận và giải thích, và công bố một số bài viết về chủ đề đó: Một định nghĩa cú pháp thuần túy về xác nhận trên tờ The Journal of Symbolic Logic, 8, 1943; Các nghiên cứu về logic xác nhận trên Mind, 55, 1946; Một định nghĩa về Cấp độ Xác nhận (với P. Oppenheim) trên Philosophy of Science, 12, 1945; Ghi chú về các nghịch lý của sự xác nhận trên Mind, 55, 1946; Những nghiên cứu về Logic giải thích (với P. Oppemhaim) trên Philosophy of Science, 15, 1948. Trong khoảng từ 1948 đến 1955 ông dạy tại đại học Yele. Công trình Các cơ sở hình thành khái niệm trong khoa học thực chứng của ông được công bố năm 1952 trong International Encyclopedia of Unified Science. Từ 1955, ông dạy tại đại học Princeton. Công trình Các khía cạnh diễn giải khoa họcTriết học Khoa học Tự nhiên được công bố trong các năm 1965 và 1966. Khi nghỉ hưu ông vẫn tiếp tục dạy ở Berkley, Irvine, Jerusalem và từ năm 1976 đến 1985 ở Pittsburgh. Trong thời gian này, quan điểm triết học của ông đã thay đổi và ông tách ra khỏi chủ nghĩa thực chứng logic – Ý nghĩa của các thuật ngữ lý thuyết: phê phán diễn giải kinh nghiệm chủ nghĩa tiêu chuẩn trong in Logic, Methodology and Philosophy of Science IV (ed. by Patrick Suppes), 1973; Đánh giá và tính khách quan khoa học trong Physics, Philosophy and Psychoanalysis (ed. by R. S. Cohen and L. Laudan), 1983; Các điều kiện: vấn đề liên quan đến chức năng quy chiếu của lý thuyết khoa học trong Erkenntnis, 28, 1988. Tuy nhiên, ông vẫn còn gắn bó với chủ nghĩa thực chứng logic một cách trìu mến; năm 1975 ông làm chủ bút (cùng với W. Stegmüller and W. K. Essler) bộ mới của tạp chí Erkenntnis. Hempel mất tại Princeton Township, New Jersey ngày 9 tháng 11 năm 1997.

Diễn giải Khoa học

Tiểu luận của Hempel và Oppenheim về Các nghiên cứu về logic diễn giải công bố trong tập 15 tạp chí Philosophy of Science, đã đưa ra một cách giải thích về việc diễn giải suy lý-diễn dịch. Một cách giải thích về một sự kiện là cách diễn dịch về một phán đoán (được gọi là explanadum) mô tả sự kiện mà chúng ta muốn diễn giải; các tiên đề (được gọi là explanans) là các quy luật khoa học và những điều kiện thích hợp đầu tiên. Để một diễn giải được chấp nhận, thì các explanans phải chân.

Vì vậy theo mô hình suy lý diễn dịch thì việc giải thích một sự kiện được quy giản vào một mối quan hệ logic giữa các phán đoán: việc diễn dịch một phán đoán (explanadum) là một kết quả của các tiên đề (explanans). Đây là một phương pháp thông thường trong triết học thực chứng logic. Các khía cạnh thực dụng của việc diễn giải phải cần có các quy luật khoa học; các sự kiện được diễn giải khi chúng được xếp vào các lớp theo các quy luật. Vì vậy nảy sinh vấn đề về thực chất của một quy luật khoa học. Theo Hempel và Oppenheim, một lý thuyết cơ bản được xác định là một phán đoán chân mà các phép lượng hóa của nó không thể di chuyển (tức là một lý thuyết cơ bản không ngang bằng với một tương hợp với một phán đoán không có các phép lượng hóa), và nó không chứa các hằng số riêng. Mỗi phán đoán được khái quát hóa là một kết quả logic của một lý thuyết cơ bản thì là một lý thuyết dẫn xuất. Tư tưởng cơ bản cho định nghĩa này là ở chỗ một lý thuyết khoa học liên quan đến những thuộc tính chung được thể hiện bởi những phán đoán phổ quát. Những quy chiếu vào các lĩnh vực không gian – thời gian riêng hoặc vào các sự vật đơn lẻ thì không được chấp nhận. Chẳng hạn các định luật Newton là chân đối với tất cả các tập hợp trong mọi thời gian trong mọi không gian. Nhưng có những định luật (chẳng hạn các định luật Kepler gốc) chỉ có giá trị trong những điều kiện giới hạn và thuộc vào các đối tượng riêng như mặt trời hoặc các hành tinh của nó. Vì vậy có một sự khác biệt giữa một lý thuyết cơ bản mang tính phổ quát không có giới hạn, và một lý thuyết dẫn xuất, chứa đựng một cách quy chiếu vào các đối tượng riêng. Nên lưu ý rằng điều đó đòi hỏi các lý thuyết phải hoàn toàn là chân, điều đó có nghĩa là các quy luật khoa học không phải là công cụ để đưa ra những dự báo, mà là những phán đoán chính cống mô tả thế giới – một quan điểm duy thực luận.  

Còn một đặc trưng hấp dẫn khác của mô hình Hempel-Oppenheim, đó là việc diễn giải và dự báo chính xác có cùng cấu trúc logic: một cách giải thích có thể được sử dụng để dự báo, và một dự báo là một giải thích có giá trị. Cuối cùng, mô hình suy lý diễn dịch cũng là sự giải thích về các quy luật: trong bối cảnh đó, việc phán đoán là một quy luật khoa học và có thể được chứng minh bằng sự trợ giúp của các định luật khoa học khác.

Công trình Khía cạnh giải thích khoa học, được công bố năm 1965 phải đối mặt với vấn đề diễn giải quy nạp trong đó các tiên đề bao gồm các quy luật thống kê. Theo Hempel trong loại diễn giải ấy, các tiên đề chỉ đưa lại một mức độ xác suất cao đối với sự phán đoán, không phải là một kết quả logic của các tiên đề. Dưới đây là một ví dụ rất đơn giản:  

Tần số tương quan của P liên quan đến Qr

Đối tượng a thuộc P
_______________
Vậy a thuộc Q

Kết luận “a thuộc Q” không chắc chắn, vì nó không phải là một kết quả logic của hai tiên đề. Theo Hempel, diễn giải này cho ta một mức độ xác suất r để kết luận. Nên lưu ý rằng việc diễn giải quy nạp đòi hỏi một quy luật phổ quát: sự kiện được giải thích bằng phương tiện các qui luật khoa học. Nhưng giờ đây, các qui luật này không mang tính quyết định luận: các qui luật thống kê thì có thể chấp nhận. Tuy nhiên trong nhiều khía cạnh, diễn giải quy nạp  tương đồng với diễn giải diễn dịch.

- Cả diễn giải qui nạp lẫn diễn giải diễn dịch đều là những diễn giải suy lý, tức là chúng đòi hỏi những qui luật phổ quát.

- Sự kiện liên quan là mối liên hệ logic giữa các tiên đề và một phán đoán: trong diễn giải diễn dịch thì phán đoán là một kết quả logic các tiên đề, trong khi trong diễn giải qui nạp thì mối liên hệ là kết quả qui nạp. Nhưng trong mô hình này chỉ có các khía cạnh logic là liên quan: các đặc điểm thực dụng không phải là dấu hiệu giải thích.

Các nghịch lý của sự xác nhận

Trong các nghiên cứu của ông về sự xác nhận, Hempel đã thiết lập cái gọi là những nghịch lý của sự xác nhận. Các nghịch lý Hempel là một kết quả trực tiếp của những nguyên tắc rõ ràng là vô hại sau:

- Phán đoán (x)(Rx → Bx) được phán đoán (Ra & Ba) xác nhận

- Nếu P1P2 là những phán đoán tương đương về phương diện logic và O1 xác nhận P1, thì O1 cũng xác nhận P2.

Do đó, (~Ra & ~Ba), cái xác nhận (x)(~Bx → ~Rx), cũng xác nhận (x)(Rx → Bx). Giờ đây, giả sử Rx có nghĩa là “x là một con quạ” còn Bx có nghĩa là “x thì đen”. Vì vậy, “a không phải là một con quạ và không đen” xác nhận “tất cả mọi con quạ đều đen”. Tức là việc quan sát một con cá đỏ xác nhận cho giả thiết là tất cả mọi con quạ đều đen. Nên lưu ý rằng cũng phán đoán (x)((~Rx Rx) → (~Rx Bx)) thì tương đương với (x)(Rx → Bx). Vì vậy, (~Ra Ba) xác nhận cho “tất cả mọi con quạ đều đen” và vì vậy việc quan sát bất cứ sự vật nào không phải là quạ (quả bóng tennis, tờ giấy, con voi, cá hội đỏ) thì đều xác nhận “tất cả mọi con quạ đều đen”.

Xây dựng Khái niệm trong Khoa học Kinh nghiệm

Trong công trình mô tả Các cơ sở Hình thành Khái niệm trong Khoa học Kinh nghiệm (1952) của mình, Hempel đã mô tả các phương pháp, theo đó các đại lượng vật lý đều được xác định. Tôi sẽ tóm tắt các kết quả nghiên cứu của Hempel. Tôi khai thác chính cái ví dụ đã được Hempel sử dụng: phép đo lường khối lượng.

Một chiếc cân thiên bình được dùng để xác định khi nào thì hai vật thể có cùng khối lượng và khi nào thì khối lượng của một vật thể này lớn hơn so với vật thể kia. Hai vật thể có cùng khối lượng nếu khi chúng ở trên đĩa cân mà chiếc cân vẫn ở vị trí cân bằng. Nếu một chiếc đĩa chúc xuống, còn đĩa kia vểnh lên thì vật thể trong đĩa chúc xuống sẽ có khối lượng lớn hơn. Từ quan điểm logic, thao tác này xác định hai mối quan hệ, đó là E và G, sao cho:

- E(a,b) khi và chỉ khi ab có cùng khối lượng;
- G(a,b) khi và chỉ khi khối lượng của a lớn hơn khối lượng của b.

Các mối quan hệ EG thỏa mãn những điều kiện sau:

1. E là một quan hệ linh hoạt, đối xứng và bắc cầu.
2. G là một quan hệ không linh hoạt, không đối xứng và bắc cầu.
3. EG loại trừ nhau, tức là nếu E(a,b), thì không G(a,b).
4. Đối với mỗi ab, một và chỉ có một khẳng định sau là chân:

E(a,b)
 G(a,b)
 G(b,a)

Vì vậy các quan hệ EG xác định một trật tự bộ phận.

Bước thứ hai bao gồm trong định nghĩa một hàm m thỏa mãn ba điều kiện sau:

5. Một nguyên mẫu thích hợp được lựa chọn mà khối lượng của nó là 1 kg.
6. Nếu E(a,b) thì m(a)=m(b).
7. Nó được xác định là một thao tác, ví dụ © là cái kết hợp hai vật thể ab, sao cho
m(a © b) = m(a) + m(b)

Các điều kiện (1)-(7) không chỉ mô tả phép đo khối lượng mà còn mô tả cả độ dài, thời gian và mỗi đại lượng vật lý quảng tính (một đại lượng được gọi là có quảng tính khi có một thao tác kết hợp các đối tượng theo điều kiện 7, nếu khác đi thì nó được gọi là có cường độ, chẳng hạn nhiệt độ là cường độ nóng, lạnh).

Hempel quá cố

Trong công trình Nghĩa của các Thuật ngữ Lý thuyết (1973), Hempel đã phê phán một phương diện của lý thuyết thực chứng logic khoa học: sự khác biệt giữa thuật ngữ lý thuyết và việc quan sát cũng như các vấn đề có liên quan về nghĩa của các thuật ngữ lý thuyết. Theo Hempel, có một giả thuyết ngầm trong phần tích tân thực chứng khoa học, đó là nghĩa của các thuật ngữ lý thuyết có thể được giải thích bằng các phương pháp ngôn ngữ học. Vì vấn đề chính là làm thế nào để có thể xác định được một tập phán đoán đem lại nghĩa cho các thuật ngữ lý thuyết. Hempel phân tích những lý thuyết khác nhau được chủ nghĩa thực chứng logic đề xướng.

Theo Schlick, nghĩa của các khái niệm lý thuyết được xác định bởi những tiên đề lý thuyết; vì vậy các tiên đề đó đóng vai trò các định nghĩa ẩn. Vì vậy các thuật ngữ lý thuyết phải được giải thích theo cách làm cho lý thuyết là chân. Nhưng theo cách diễn giải như vậy – Hempel phản đối – một lý thuyết khoa học luôn luôn chân, vì nó chân bởi quy ước, và vì vậy, mỗi lý thuyết khoa học đều chân một cách tiên thiên. Hempel nói: đây là một bằng chứng chứng tỏ rằng diễn giải của Schlick về nghĩa của các thuật ngữ lý thuyết không còn đứng vững được nữa. Cũng chủ đề này đã khẳng định rằng nghĩa của một thuật ngữ lý thuyết tùy thuộc vào lý thuyết đó trong đó thuật ngữ ấy được sử dụng, theo Hempel là không đứng vững được.

Một giải pháp khác cho vấn đề nghĩa của các thuật ngữ lý thuyết dựa trên các quy tắc tương hợp (còn được gọi là các tiên đề nghĩa). Chúng là những phán đoán, trong đó xuất hiện các thuật ngữ lý thuyết và quan sát. Vì vậy các thuật ngữ lý thuyết đạt được sự giải thích bộ phận bằng phương tiện của các thuật ngữ quan sát. Hempel đưa ra hai phản đối lý thuyết này. Trước hết ông khẳng định rằng các khái niệm quan sát không tồn tại. Khi một lý thuyết khoa học giới thiệu những thuật ngữ lý thuyết mới thì chúng được gắn liền với các thuật ngữ lý thuyết cũ khác, thường thuộc về một lý thuyết khoa học khác đã trở nên chắc chắn. Vì vậy việc diễn giải các thuật ngữ lý thuyêt mới không dựa trên các thuật ngữ quan sát mà nó được đưa ra bởi những thuật ngữ lý thuyết khác, theo một nghĩa nào đó thì lại gần gũi hơn các thuật ngữ mới. Phản bác thứ hai là về thực chất quy ước của các quy tắc tương hợp. Một tiên đề có nghĩa xác định nghĩa cho một lý thuyết khoa học lại có thể là giả, vì vậy không có bất cứ một phán đoán khoa học nào vượt khỏi sự phán xét của kinh nghiệm. Cũng vậy, một định đề nghĩa có thể là giả; do đó nó không mang tính qui ước và vì vậy nó không xác định nghĩa của một khái niệm nhưng nó lại là một giả thuyết vật chất chính cống. Vì vậy tiên đề nghĩa không tồn tại.

Công trình Các điều kiện: một vấn đề liên quan đến Chức năng Suy luận của Lý thuyết Khoa học được công bố trên Erkenntnis Tri thức (1988), đã phê phán một khía cạnh khác của lý thuyết thực chứng logic khoa học: thực chất diễn dịch của các lý thuyết khoa học. Thật thú vị là một nhà triết học nổi tiếng với mô hình diễn dịch của ông ta về lý giải khoa học lại chuyển sang phê phán mô hình diễn dịch khoa học. Chí ít thì sự kiện này cũng cho thấy những quan điểm cởi mở của Hempel. Ông cho rằng không thể thực hiện được các phán đoán quan sát từ một lý thuyết khoa học. Chẳng hạn lý thuyết của Newton về trọng lực không thể quyết định vị trí của các hành tinh, ngay cho dù những điều kiện đầu tiên đã được biết vì lý thuyết của Newton liên quan đến lực trọng trường, và vì vậy lý thuyết đó không thể tiên báo những tác động của các loại lực khác. Nói cách khác, lý thuyết của Newton đòi hỏi một giả thiết rõ ràng – một điều kiện, theo Hempel – đảm bảo rằng các hành tinh phải chịu sự chi phối duy nhất của lực trọng trường. Không có giả thiết ấy thì không thể áp dụng được lý thuyết vào việc nghiên cứu sự chuyển động của các hành tinh. Nhưng giả thiết này lại không phụ thuộc vào lý thuyết. Vì vậy, vị trí của các hành tinh không được quyết định bởi lý thuyết, nhưng nó lại được hàm ý bởi lý thuyết thêm những giả thiết thích hợp. Theo đó, không chỉ những phán đoán quan sát là không xuất hiện bởi các lý thuyết, mà còn không có các mối liên hệ diễn dịch giữa các phán đoán quan sát. Vì vậy không thể có chuyện là một phán đoán quan sát là một kết quả logic của một lý thuyết (trừ khi phán đoán ấy là chân về phương diện logic). Điều này đưa lại những kết quả rất quan trọng.

Một trong số các kết quả đó là nội dung kinh nghiệm của một lý thuyết không tồn tại. Các nhà Tân thực chứng định nghĩa nó là lớp các phán đoán quan sát hàm ẩn bởi lý thuyết; nhưng lớp này lại là một tập rỗng.

Một kết quả khác là các thuật ngữ lý thuyết không dịch chuyển khỏi một lý thuyết khoa học. Các phương pháp đã biết được khai thác để thực hiện nhiệm vụ này đã khẳng định rằng đối với mỗi lý thuyết T, có thể phát hiện ra một lý thuyết T* không có các thuật ngữ lý thuyết sao cho một phán đoán quan sát O là một kết quả của T* khi và chỉ khi nó là một kết quả của T. Vì vậy, có thể loại trừ các thuật ngữ lý thuyết khỏi T mà không bị mất đi sức mạnh diễn dịch. Nhưng – Hempel cho rằng – không phải phán đoán quan sát O là có thể dẫn xuất từ T, sao cho T* thiếu đi kết quả kinh nghiệm.

Giả sử T là một lý thuyết có thể giả; vì vậy có một phán đoán quan sát O sao cho ~O → ~T. Vì vậy, T → ~O; nên T sản sinh ra một phán đoán quan sát ~O. Nhưng không phải phán đoán quan sát là một kết quả của T. Vì vậy lý thuyết T không phải là giả. Kết quả là mọi lý thuyết đều không thể giả. (Ghi chú: Lập luận của Hempel rõ ràng là nhầm, vì theo Popper thì sự phủ định của một phán đoán quan sát thường không phải là một phán đoán quan sát).

Cuối cùng, việc lý giải khoa học theo công cụ luận thì không đứng vững được. Theo cách lý giải như vậy thì các lý thuyết khoa học là các quy tắc suy luận, có nghĩa là chúng là những quy định theo đó các phán đoán quan sát là có dẫn xuất. Phân tích của Hempel chỉ rõ rằng những quy tắc được khẳng định mà không được chứng minh trong suy luận thực sự là vô nghĩa.
_________________________________

Nguồn: Carl Gustav Hempel 1905 – 1997, Internet Encyclopedia of Philosophy, April 2001.

Tác giả: Mauro Murzi là sử gia, nhà triết học Italia, sinh năm 1961; từ năm 1980 nghiên cứu triết học, toán học và vật lý tại đại học Rome La Sapienza với các giáo sư, nhà logic học Carlo Cellucci và Dag Prawitz, triết gia khoa học Vittorio Somenzi, triết gia ngôn ngữ Tullio De Mauro, nhà vật lý học Mario Ageno. Hiện là hội viên Hội triết học Italia.

Tài liệu tham khảo

Essler, W. K., Putnam, H., & Stegmuller, W. (Eds.). 1985. Epistemology, Methodology, and Philosophy of Science: Essays in Honour of Carl G. Hempel on the Occasion of his 80th Birthday, January 8th, 1985. Dordrecht, Holland: D. Reidel Pub. Co.

Hempel, C. G. 1934. Beitrage zur logischen analyse des wahrscheinlichkeitsbegriffs. Universitats-buchdruckerei G. Neuenhahn, Jena.

Hempel, C. G. 1937. Le problème de la vérité. In Theoria, 3.

Hempel, C. G. 1942. The Function of General Laws in Hystory. In The Journal of Philosophy, 39.

Hempel, C. G. 1943. A Purely Syntactical Definition of Confirmation. In The Journal of Symbolic Logic, 8.

Hempel, C. G. 1945. Studies in the Logic of Confirmation. In Mind, 54.

Hempel, C. G. 1952. Fundamentals of Concept Formation in Empirical Science. Chicago: University of Chicago Press.

Hempel, C. G. 1958. The Theoretician’s Dilemma. In H. Feigl, M. Scriven & G. Maxwell (Eds.), Minnesota Studies in the Philosophy of Science (Vol. 2). Minneapolis: University of Minnesota Press.

Hempel, C. G. 1962. Deductive-Nomological vs. Statistical Explanation. In H. Feigl & G. Maxwell (Eds.), Minnesota Studies in the Philosophy of Science (Vol. 3). Minneapolis: University of Minnesota Press.

Hempel, C. G. 1965. Aspects of Scientific Explanation and other Essays in the Philosophy of Science. New York: Free Press.

Hempel, C. G. 1966. Philosophy of Natural Science. Englewood Cliffs, N.J.: Prentice-Hall.

Hempel, C. G. 1973. The Meaning of Theoretical Terms: A Critique to the Standard Empiricist Construal. In Logic, Methodology and Philosophy of Science (Vol. IV): North Holland Publishing Company.

Hempel, C. G. 1981. Turns in the Evolution of the Problem of Induction. In Synthese (46).

Hempel, C. G. 1983. Valutation and Objectivity in Science. In R. S. Cohen & L. Laudan (Eds.), Physics, Philosophy and Psychoanalysis. Dordrecth, Holland: D. Reidel Pub. Co.

Hempel, C. G. 1985. Thoughts on the Limitation of Discovery by Computer. In K. F. Schaffner (Ed.), Logic of Discovery and Diagnosis in Medicine: University of California Press.

Hempel, C. G. 1988. Provisoes: A Problem concerning the Inferential Function of Scientific Theories. In Erkenntnis, 28.

Hempel, C. G., & Oppenheim, P. 1936. Der Typusbegriff im Lichte der neuen Logik. Leiden: A. W. Sijthoff.

Hempel, C. G., & Oppenheim, P. 1945. A Definition of Degree of Confirmation. In Philosophy of Science, 12.

Hempel, C. G., & Oppenheim, P. 1948. Studies in the Logic of Explanation. In Philosophy of Science, 15.

Rescher, N. (Ed.). 1970. Essays in Honor of Carl G. Hempel: A Tribute on the Occasion of his Sixty-fifth Birthday. Dordrecht, Holland: D. Reidel Pub. Co.

Salmon, W. C. 1989. Four Decades of Scientific Explanation, Regents of the University of Minnesota.

Scheffler, I. 1963. The Anatomy of Inquiry. New York: Knopf.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét