Lý thuyết Khảo cổ học trong các xã
hội châu Âu đương đại
Sự xuất hiện của các truyền thống
cạnh tranh* (I)
Ian Hodder
Người
dịch: Hà Hữu Nga
Khi
lấy cuốn sách xuống khỏi giá sách trong thư viện, tôi khẽ rùng mình. Đó là một
cuốn sách mỏng, cũ. Tôi cảm thấy rung động, không phải là niềm phấn khích vì
lần đầu tiên được chạm tới một tác phẩm lớn đã tạo nên cả một khuynh hướng học
thuật, mặc dù thật ra cuốn sách này thực sự có một ảnh hưởng quyết định tới sự
phát triển lâu dài của KCH (khảo cổ học) Châu Âu qua sự xác định của nó về “các
văn hóa” KCH. Hơn nữa, tôi còn rùng mình vì một nỗi sợ và vì một cảm giác kinh
hoàng rằng những cuốn sách như cuốn này đã góp phần, hoặc đã từng biện hộ cho
những hành động man rợ nhất mà Châu Âu và thế giới đã từng chứng kiến.
Đó
chính là cuốn Die Herkunft der Germanen1
của Gustaf Kossinna, xuất bản năm 1920. Chỉ mới đây thôi, các họa sĩ, chẳng hạn
như Anselm Kiefer và Jorg Immendorf đã bắt đầu đưa quá khứ Quốc xã vào tác phẩm
của họ, thì các nhà KCH cũng bắt đầu đánh giá vai trò của KCH dưới thời Đế chế
III như là một hình mẫu thực chất chính trị, xã hội của KCH. Kossinna đã sử
dụng phương pháp KCH cư trú của ông để chứng minh cái dòng dõi của một đại
chủng German cao quý phương bắc có cội nguồn Ấn – Đức, và để chứng minh những
ảnh hưởng được truyền bá từ vùng trung tâm cao đẳng này ra ngoài. Ông đã sử
dụng những phát hiện KCH để chứng minh rằng các vùng thuộc lãnh thổ Ba Lan thực
ra là của người Đức từ thời đại đồ sắt. Nhưng chủ yếu là sau khi ông chết, vào
thời Đế chế III, những tư tưởng và phương pháp của Kossinna đã được sử dụng để
phát triển một cách đầy đủ nhất cái ý thức hệ về “chủng tộc thượng đẳng” ấy.
Vào năm 1935, Himmler đã thành lập Tổ chức Di sản Tổ tiên người Đức2.
Tổ chức này đã tiến hành các cuộc khai quật KCH từ năm 1938. Đối với [tổ chức
này] phương pháp của Kossinna là bắt buộc. Các cuộc khai quật đã được tiến hành
bởi bọn SS 3, dưới sự giám sát khoa học ở trình độ cao của các học
giả lừng danh. Mỗi đơn vị SS đóng trong lãnh thổ một nước đều phải tiến hành
khai quật KCH để gây ảnh hưởng về một trung tâm văn hóa “Đại Đức”. Mục đích của
các cuộc khai quật là để giáo dục và đưa ra những hậu thuẫn khoa học cho quan điểm
Quốc xã về tính thượng đẳng của chủng tộc Đức.
Một
điển hình cho những lý giải về niên đại đưa ra năm 1941 khi Himmler lưu ý tới loại hình tượng đá cũ mông to phát hiện được ở Vestonice và Willendorf. Vì
những người đàn bà của các “dân tộc dã man”, chẳng hạn như người Hottentots ở
Nam Phi trong giống những tượng phụ nữ ấy; điều đó được giải thích là có lẽ
những người này đã bị đuổi khỏi châu Âu bởi cuộc kết hợp các nhân tố bao gồm
các chủng Bắc Âu. Himmler yêu cầu Tổ chức Di sản Tổ tiên Đức đưa ra bằng chứng
cho lý thuyết này, và nhà dân tộc học Bruno Beger đã đưa ra giả thuyết cho rằng
vì những người đàn bà Do Thái có hình dáng tương tự những tượng phụ nữ đá cũ
kia nên người Do Thái và người Hottentots về mặt chủng tộc là có quan hệ với
nhau. Và ông ta gợi ý rằng Văn phòng Định cư và Chủng tộc nên thẩm tra và chụp
ảnh đàn bà Do Thái trong tình trạng lõa thể.
Tôi
đã bắt đầu cuốn sách này với đánh giá trên và với phản ứng của riêng tôi khi
chạm vào cuốn sách của Kossinna vì không thể hiểu được sự phát triển của lý
thuyết KCH ở Châu Âu sau Thế chiến II nếu không hiểu thấu đáo việc Đảng Quốc xã
đã sử dụng quá khứ và sự phản tác dụng của nó. Hơn nữa cái cầu nối Quốc xã với
nguồn gốc tộc thuộc và KCH có một bối cảnh rộng lớn hơn ở Châu Âu. Dưới dạng
này hay dạng khác, việc sử dụng phương pháp lịch sử-văn hóa về nguồn gốc chủng
tộc đóng một vai trò chính trị quan trọng ở nhiều nước Châu Âu. Người Ba Lan và
người Đức đã có những tranh chấp rất lâu dài vùng lãnh thổ thuộc các bộ lạc
Slavs và Germanic. Trong những năm ngay sau chiến tranh, Ba Lan đã phản ứng lại
với cái lý thuyết về nguồn gốc Đức bằng việc cố gắng biện hộ cho sự có mặt của
họ ở các vùng lành thổ đã “tái chiếm được”, chẳng hạn như Silesia, Pomerania
hoặc Lubusz. Những xúc cao cao độ ở Ba Lan đã gây ra bởi vấn đề về nguồn gốc
người Slavs bao gồm nguồn gốc tộc thuộc của văn hóa Lusati (Thông tin cá nhân
từ Arkadiusz Marciniak thuộc Viện Tiền sử Poznan). Đối với Hungary thì những
đàm phán hòa bình sau Thế chiến I đã không tạo ra được những đường biên giới
chính trị trùng khớp với các biên giới tộc người, vì vậy khi đưa ra những lý lẽ
liên quan đến các bằng chứng KCH về các cư dân Hung hay Slavs. Những vấn đề tộc
thuộc là cực ký quan trọng chẳng hạn như ở Bulgaria, Albania, Hy Lạp, Tiệp
Khắc, Pháp, Anh và Na Uy, cũng như các cuộc tranh cãi liên quan tới các bằng
chứng KCH của người Ấn – Âu, Celts, Scythian, Slavs, Thracians, Dacians, Đức,
Lusitanians, v.v…
Một
mối liên hệ đặc biệt nữa giữa chủ nghĩa Fascism và nguồn gốc tộc thuộc, mặc dù
kết quả ít kinh khủng hơn, được thấy ở Bồ Đào Nha từ năm 1926 đến 1947 (Thông
tin riêng từ Joào Zilhào, Viện KCH Lisbon). Ý thức hệ tư tưởng của chế độ, ở
một mức độ rộng lớn, đều dựa vào sự vinh phong quá khứ, và dựa vào sự đồng nhất
với các truyền thống “vình quang”. Thậm chí cả quá khứ tiền sử cũng được dùng
để biện hộ cho sự tồn tại độc lập của nhà nước Bồ Đào Nha. Việc huyền thoại hóa
Variathus, một thủ lĩnh quân sự hậu kỳ thời đại đồ sắt ở Trung Tây Iberia trong
các cuộc chiến tranh La Mã đã đóng vai trò trung tâm. Người ta cho rằng ý thức
dân tộc sinh ra nhờ ở cuộc kháng chiến chống các đội quân La Mã, và Quốc gia Bồ
Đào Nha thế kỷ XII được coi là kết quả cuối cùng của sự phát triển ý thức dân
tộc. Các cội rễ của chủ nghĩa dân tộc này được khai triển vượt khỏi lãnh địa
người Lusitanian (Bồ Đào Nha) của Variathus tới những giai đoạn xa hơn nhiều.
Người ta luận rằng đã có một sự khác biệt văn hóa đối với các cư dân sống ở
lãnh thổ Bồ Đào Nha ngay từ thời đại đồ đá mới; đã có một liên tục chủng tộc
giữa người Bồ Đào Nha hiện đại và người thời đại đồ đá mới Iberia. Các nhà KCH
thúc đẩy những cuộc tìm kiếm này, trong một phạm vi rộng lớn, cũng là những
thành viên rất có ảnh hưởng của nhóm tinh hoa thống trị. Ví dụ như giáo sư
Mendes Correia, một nhà nhân học và KCH được tôn vinh ở tầm cỡ quốc tế, nhà tổ
chức “Đại hội Quốc tế Nhân học và Khảo cổ học Tiền sử” Oporto năm 1930 thì từ
1936 đến 1956 đã trở thành thị trưởng Oporto, thành viên của Chính phủ Hợp tác
và đại biểu Quốc hội.
Tôi
đứng giữa các kệ sách trong thư viện và lật những trang sách của Kossinna. Các
bản đồ trông có vẻ giống nhau. Thực ra tôi đã mất nhiều thời gian để vẽ và phân
tích các bản đồ phân bố những loại hình hiện vật Bắc Âu thời tiền sử. Những
thuộc tính trong phương pháp KCH cư trú của Kossinna ngày nay vẫn còn được sử
dụng như một thói quen trong điều tra KCH. Các tư tưởng của ông là cơ sở cho
Childe xây dựng các ý tưởng về các văn hóa KCH [Childe 1925], mà có lẽ là việc
xây dựng một khối duy nhất có ý nghĩa trong tiền sử Châu Âu. Hiện giờ người ta
nói với tôi rằng các thao tác lịch sử - văn hóa và vẽ bản đồ như vậy là trung
tính và khách quan. Tính chất khách quan này, cái tầm với KCH mà chúng ta vẫn
thường coi là một phản ứng cục bộ chống lại sự xuyên tạc quá khứ này đã do
chính chủ nghĩa Fascism Châu Âu thực hiện. Nhưng các kinh nghiệm KCH Châu Âu rõ
ràng là mang tính xã hội và lịch sử. Tôi đã bắt đầu chỉ ra rằng không phải là
nước Đức trong những năm 30 – 40 nhìn nhận việc sử dụng KCH có động cơ chính
trị. Bất kỳ một sự xem xét mang tính lịch sử nào về sự phát triển của KCH Châu
Âu cũng không thể tránh được việc gắn liền với chủ nghĩa dân tộc và với tính
chất dân tộc. Vì vậy ở một mức độ nào thì có thể nói rằng sự mạo hiểm khoa học
của chúng ta hiện nay trong KCH đã không được tạo dựng về phương diện xã hội?
Có phải tính chất tương tự của các bản đồ của Kossinna đã bắt chúng ta phải ngờ
vực phương pháp riêng của chúng ta, có lẽ trong những cách khác nhau phải chăng
là có động cơ?
Từ lý thuyết Khảo cổ học đến Khảo
cổ học Lý thuyết
Tôi
đã quay trở về chỗ ngồi của mình trong thư viện và bắt đầu đọc cuốn sách của
Kossinna. Tôi bị choáng váng bởi tình trạng thiếu vắng sự thảo luận thêm về các
vấn đề lý thuyết. Trên hết, đây là một phương pháp luận thực dụng để lập biểu
đồ các nguồn gốc và sự phát triển của văn hóa Đức. Tất nhiên các thảo luận lý
thuyết, rất hiểm hóc, đều liên quan tới việc gắn các bản đồ phân bố với các văn
hóa và các chủng tộc. Các phân bố hiện vật và thực tiễn trong thời đại đồ đồng
đã được đồng nhất với người Đức, người Celts và người Bắc Illyrians. Nhưng
không có cuộc thảo luận đủ dài nào về việc tại sao những tương liên này lại có
thể được thực hiện, cũng không có sự lý giải tỷ mỷ nào về các chuẩn mực, truyền
thống, biểu tượng, sự phát tán, sự xã hội hóa những đặc điểm văn hóa chung,
v.v…
Nhìn
chung, có thể cho rằng lịch sử văn hóa là một phương pháp luận hơn là một lý
thuyết, mặc dù đương nhiên là nó bao gồm cả những giả định lý thuyết. Nhưng mục
đích chính của việc tái dựng có tính chất lịch sử - văn hóa hình mẫu và sự phát
tán của các đặc điểm và thực thể văn hóa chính là việc sắp xếp trật tự “lịch
sử” Châu Âu và các khu vực của nó. Đối với cư dân Châu Âu thì quá khứ đã và vẫn
phù hợp. Các hiện vật, đền đài, tiến trình tự than chúng đều là quan trọng.
Không thể buộc chúng phải qua một bộ lọc lý thuyết trước khi tiêu dùng. Trong
những giai đoạn chính của quá trình phục dựng theo quan điểm lịch sử-văn hóa
cho tới những năm 60-70 [của thế kỷ XX], lý thuyết đều gắn liền với những vấn
đề cụ thể và trong bối cảnh ấy, cần phải nhấn mạnh vào việc thu lượm các dữ
kiện hơn là vào việc phát triển lý thuyết trừu tượng. Sự thống trị của những
vấn đề nguồn gốc tộc người đã kéo sự chú ý của mọi người ra khỏi nhu cầu tổ
chức các cuộc thảo luận lý thuyết.
Một
trong những lý do chủ yếu nhất đối với việc duy trì cách tiếp cận miêu tả mang
tính kinh nghiệm chủ nghĩa trong KCH Châu Âu sau Thế chiến II là sự ghê tởm
việc Đế chế III đã lợi dụng KCH. Việc lạm dụng không thể chối cãi môn KCH đặc
biệt ở những nức có ảnh hưởng nhất bởi truyền thống Đức để vượt khỏi những lý
giải lịch sử-văn hóa. Mô hình tổ chức nghiên cứu khoa học Xô Viết đã gây nên
một hiệu ứng cấm đoán ở Đông Âu. Một thứ chủ nghĩa Marxism bắt buộc đã bắt đầu
được xác định dưới dạng một chủ nghĩa Marxism tầm thường, giáo điều. Engels thường
là nguồn chính, và sự phát triển của lực lượng sản xuất được coi là yếu tố
quyết định chính của sự phát triển lịch sử. Đối với một số lý do thì những kết
quả của việc ép buộc lối nhìn này đối với KCH Đông Âu vẫn còn là một cam kết
lớn hơn với việc miêu tả theo chủ nghĩa kinh nghiệm. Các nhà KCH phát hiện ra
rằng lý thuyết Marxist khó áp dụng, và họ lui về với cái khung lịch sử - văn
hóa mà họ được đào tạo, mặc dù với những lời mở và kết Marxist một cách gượng
gạo. Trong bất kỳ trường hợp nào thì nhiều học giả cũng phẫn uất với những sức
ép bên ngoài đè lên công việc của họ và tập trung vào những gì có thể - như
niên đại hoặc cung cấp tư liệu theo kinh nghiệm.
Ngoài
hội chứng Kossinna và sự thống trị Xô Viết thì việc nhấn vào những yếu tố cấu
trúc đã góp phần nhấn mạnh chủ nghĩa kinh nghiệm trong KCH Châu Âu. Điều quan
trọng nhất của những cái đó là những cấu trúc quyền lực truyền thống trong các
trường Đại học và các Viện Hàn lâm Châu Âu. Các cấu trúc ấy đã ngăn cản sự đổi
mới của lớp trẻ, là những người đã chịu đựng thời gian học việc lâu dài dưới sự
bảo trợ của các giáo sư có tuổi trong những chiếc ghế “nhà thờ” của họ. Hơn
nữa, đặc biệt là ở Đông Âu, các nhà KCH khó mà tiếp xúc được với đồng nghiệp từ
các nước khác và ít có dịp tiếp xúc với hội nghị, sách báo, tạp chí KCH phương
Tây. Có những trở ngại thực dụng nghiêm ngặt đối với việc thoát khỏi một lịch
sử - văn hóa phi lý thuyết.
Người
ta thường nói rằng KCH Mới của Anh – Mỹ những năm 60 – 70 bắt đầu cái mà ngày
nay gọi là KCH Quá trình [Binford 1962; Clarke 1973; Flannery K.V. 1967] thì
chủ yếu là phương pháp luận. Tất nhiên, giống với lịch sử - văn hóa, nó có
những yếu tố lý thuyết bắt nguồn từ nhân học, sinh thái học văn hóa và các lý
thuyết tiến hóa; và nhấn mạnh nhiều nhất vào sự phát triển các giả thiết. Nhưng
phần nhiều loại lý thuyết này đã và vẫn dứt khoát là lý thuyết “tầm trung”
[Schiffer 1988]. Bogucki [1985] đã tổng kết KCH Quá trình hiện nay ở Châu Âu
gắn liền với cổ kinh tế, sinh thái, các mô hình địa lý, các mô hình dân số và
trao đổi và KCH Xã hội. Đóng góp chủ yếu của KCH Quá trình là tái tạo các chiến
lược kiếm sống và kinh tế, các phân bố trao đổi, tổ chức xã hội từ các dữ kiện
cư trú và mộ táng, v.v…Trừ những lý giải chung về các hệ thống, những thích ứng,
sinh thái và tiến hóa, ảnh hưởng của KCH Quá trình về phương diện niên đại, gắn
liền với sự phát triển của việc sử dụng các kỹ thuật khoa học từ cách định niên
đại carbon phóng xạ tới việc thăm dò bề mặt đều có tính phương pháp luận.
Tôi
không có ý nói rằng cho tới những năm 80, KCH đã thiếu đi sự thảo luận lý
thuyết. Nhiều lý thuyết KCH được phát triển hoặc vay mượn từ những bộ môn khác.
Như tôi sẽ chứng minh, các nhà KCH Châu Âu đã không thoát khỏi những tranh cãi
lý thuyết, chẳng hạn như về lịch sử, chủ nghĩa Marxism, và sự suy luận. Nhưng
KCH trước hết đã phát triển một cách thực dụng là để giúp cho việc tìm hiểu các
nguồn gốc Châu Âu và các nhà nước dân tộc của nó. Ngay cả khi mối liên hệ lịch
sử văn hóa và nguồn gốc tộc người bắt đầu yếu đi trong thời gian sau chiến
tranh thì hội chứng Kossinna và một loạt nhân tố chính trị vẫn bao vây hầu hết
các nhà KCH trong một phương thức mang tính mô tả và phương pháp luận.
Mới
đây thôi, đã có thể bắt đầu chứng minh cho sự xuất hiện từ lý thuyết KCH một
loạt KCH lý thuyết. Vào năm 1973, Clarke đã chứng minh rằng KCH sẽ phát triển
như là một bộ môn không chỉ thông qua việc tập hợp các dữ liệu, mà còn bằng
việc tổ chức những cuộc thảo luận lý thuyết. Nhiều nhà KCH Quá trình đã đi theo
mục đích của các quy luật phát triển hoặc các khái quát hóa không gắn với thời
gian và không gian. Người ta đã nhận ra rằng KCH cần phải phát triển một thực
thể lý thuyết riêng của nó. KCH lý thuyết liên quan đến những vấn đề trừu tượng
rõ ràng là không liên quan đến những vấn đề thực tiễn riêng, đã được ủng hộ,
chẳng hạn bởi các cuộc gặp gỡ của nhóm KCH Lý thuyết ở Anh và Scandinavia. Các
cuốn sách, chẳng hạn như của Shank và Tilley [1987a, 1987b] trong khi được hình
dung trước trong Khảo cổ học Phân tích của Clarke [1968], hoặc của Taylor
[1948] đã củng cố khuynh hướng tranh cãi lý thuyết đầy đủ hơn về một loạt vấn
đề rộng lớn hơn của những năm 80. Vì phạm vi, mức độ, số lượng của lý thuyết
KCH phát triển, nên tiềm năng để sáng tạo ra một “bộ môn phụ” mới của KCH Lý
thuyết cũng tăng lên. Nhiều chương trong tập sách này thể hiện một thế hệ các
nhà KCH mới, trẻ hơn ở Châu Âu, liên quan đến việc thảo luận một phạm vi vấn đề
lý thuyết rộng rãi hơn từ những hình thái khác nhau của Chủ nghĩa Marxism cho
tới Cấu trúc luận lẫn Phép tường giải*.
________________________________________
Còn nữa....
Nguồn:
Archaeological Theory in Europe – The
Last 3 Decades. Edited by Ian Hodder, London and New York, 1991 (First
Published).
Tác giả:
GS. Ian Hodder sinh năm 1949, tốt nghiệp cử nhân tại Đại học London năm 1971,
nhận học vị tiến sĩ tại Đại học Cambridge năm 1975, trở thành giáo sư Đại học
Cambridge từ năm 1977.
Ghi chú của người dịch:
*
Bài này tôi dịch từ năm 1992, vì nhiều lý do, nó đã được gói trong bọc giấy cũ
với nhiều bài viết và bản dịch khác, nay moi ra dùng lại. Tất cả đều được post
nguyên vẹn như cách đây 20 năm, chỉ trừ thuật ngữ Hermeneutics, trước đây tôi
vẫn dịch là "Phép chú giải", "Chú giải cổ bản" mãi đến năm
2005 tôi mới tìm được một từ tiếng Việt ưng ý là Phép tường giải.
Linh hồn của cái gọi là Khảo cổ học Hậu quá trình của Ian Hodder chính là Phép
tường giải được áp dụng trong Khảo cổ học, nếu có một cái tên nào khác để gọi
một cách chính xác Khảo cổ học Hậu quá trình thì đó chính là Khảo cổ học
Tường giải - Hermeneutic Archaeology. Năm 1992 tôi không băn khoăn
nhiều với thuật ngữ Hermeneutics, vì vậy cứ dịch nghĩa như trong từ điển, nhưng
đến năm 2000 khi bắt đầu đọc cuốn Reading the Past của Ian Hodder tôi
mới cảm nhận được ý nghĩa của Hermeneutics không chỉ riêng với trường phái khảo
cổ học của Hodder mà còn đối với cả tri thức luận nói chung. Chỉ đến lúc này
tôi mới thấy tiếc là đã không đọc về Hermeneutics, đặc biệt là đọc Gadamer sớm
hơn.
Năm
2006, nhân chuyến công tác tại Montreal, Canada tôi nhờ một người bạn là GS.
Ledent ở Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia - thuộc Đại học Quebec, Montreal,
Canada tìm mua giúp cuốn Truth and
Method của Gadamer, nhưng nhà sách nói muốn
mua thì phải đặt trước hàng tháng sau mới có. Thế là đành lỡ. Ái ngại cho tôi, Ledent dẫn tôi đến Thư
viện Đại học Quebec, để tôi có cơ hội được cầm trên tay cuốn sách quý đó. Sau
này tôi đã đọc Gadamer qua các nguồn khác, chủ yếu là từ cuốn Hermeneutics
and the Voice of the Other - Rereading Gadamer's Philosophical Hermeneutics
của James Risser do State University of New York Press xuất bản năm 1997; và
rồi cuối cùng cũng được đọc hầu hết những gì Gadamer viết liên quan đến Hermeneutics. Nhưng quan trọng nhất là tôi đã bỏ ra vài năm để đọc
người thầy vĩ đại của Gadamer là Heidegger với hy vọng hiểu cặn kẽ hơn về người
học trò cũng vĩ đại của ông thầy ấy. Theo cách nói của những người hiện tượng
luận thì rõ ràng là Ian Hodder có họ hàng trực hệ với Heidegger và Gadamer, vì
vậy tôi nghĩ rằng sẽ không thể hiểu được Hodder nếu không hiểu gì về Heidegger
và Gadamer. Đó là một phần lý do tôi dịch và post hàng loạt bài của/về
Heidegger, Gadamer, Caputo và những người khác có liên quan đến Hermeneutics
trên Tiếng vọng Kattigara này.
1. Kossinna
G. 1920. Die Herkunft der Germanen: zur
Methode der Siedlungsarchäologie. Leipzig: C. Kabitzsch. (Nguồn gốc người Đức: về Phương pháp Khảo cổ
học cư trú, Nhà xuất bản Leipzig: C. Kabitzsch).
2.
Deutsches Abnenerbe.
3.
Schutzstaffel – nghĩa đen của từ tiếng Đức này là Đội bảo vệ, là đơn vị cận vệ do Quốc xã thành lập để bảo vệ
Hitler, sau đó phát triển thành lực lượng khét tiếng với các chức năng và nhiệm
vụ: tình báo, an ninh quân đội, cảnh sát quân sự, hủy diệt người Do Thái và các
lực lượng chống đối.
Tài liệu dẫn
Binford
L. R. 1962. Archaeologu as anthropology,
American Antiquity 28: 217-25.
Bogucki
P. 1985. Theoretical directions in
European archaeology, American Antiquity 50(4): 780-788.
Childe
G. 1925. The Dawn of European
Civilisation, London, Kegan Paul.
Clarke
D.L. 1973. Archaeology: the loss of
innocence, Antiquity 47: 6-18.
Flannery
K.V. 1967. Culture History v. culture
process: a debate in American Archaeology, Scientific American 217: 119-22.
Schiffer
M.B.1988. The Structure of Archaeological
Theory. American Antiquity 53(3):461-485.