Powered By Blogger

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Đọc quá khứ – những cách tiếp cận lý giải Khảo cổ học hiện nay (III)


Đọc quá khứ – những cách tiếp cận
lý giải Khảo cổ học hiện nay (III)

Ian Hodder

Người dịch: Hà Hữu Nga

2. Tiếp cận các hệ thống

Chương 1 đã đặt vấn đề là: chúng ta suy luận ý nghĩa văn hoá trong các di tích vật chất từ quá khứ như thế nào? Trong chương này và những chương tiếp theo chúng ta sẽ thảo luận nhiều cách tiếp cận để đạt tới mục đích trên. Đây là cuộc tìm kiếm một cách tiếp cận quan tâm đầy đủ đến cá nhân hành động trong một ngữ cảnh văn hoá và lịch sử.

Trước hết cần phải phân biệt giữa hai lớp tiếp cận bao quát của các nhà KCH, mà tôi gọi là duy tâm và duy vật. Dưới đây chúng ta sẽ thấy một vấn đề là các thuật ngữ này có những ý nghĩa khác nhau đối với những trường phái khác nhau; ở đây tôi muốn cấp cho chúng những ý nghĩa tạm thời, nhưng chính xác.

Đối với Kohl (1981:89) chủ nghĩa duy vật “làm cho tầm quan trọng của mối quan hệ nhân quả hài hoà với một hành vi xã hội nhiều hơn là với các tư tưởng, các phản ánh, hoặc những biện minh cho hành vi của nó”. Định nghĩa này cần phải được mở rộng để bao gồm cả thực chất của việc suy luận trong những cách tiếp cận duy vật chủ nghĩa. Trong cuốn sách này, tôi muốn sử dụng những cách tiếp cận duy vật để suy luận ý nghĩa từ những mối quan hệ giữa con người và môi trường của nó. Trong giới hạn ấy các ý tưởng của con người có thể được tiên đoán từ phương diện kinh tế, kỹ thuật học, việc sản xuất vật chất và xã hội của họ. Có thể tiên đoán  những cách thức tổ chức vật chất và năng lượng nhất định, những giới hạn hệ tư tưởng phù hợp.

Bằng khái niệm duy tâm tôi muốn nói đến bất cứ cách tiếp cận nào chấp nhận có một hợp phần hành động của con người không thể tiên đoán dựa trên một cơ sở vật chất nhất định, nhưng lại xuất phát từ tư duy của con người hoặc theo một nghĩa nào đó là từ văn hoá. ở chương 1 tôi đã viện đến quan điểm cho rằng văn hoá không thể qui giản hoàn toàn vào những biến số khác, và ở một mức độ nào đó, văn hoá chính là bản thân nó. Trong việc suy luận các ý nghĩa văn hoá quá khứ, không nhất thiết phải có một mối quan hệ giữa tổ chức vật chất và xã hội của các nguồn, mặt khác, không có một mối quan hệ nhất thiết giữa các tư tưởng văn hoá và các giá trị.

Sự phân biệt trên cũng giống như sự xác định các “qui luật bao trùm” và những quan niệm “cội nguồn luận” về quan hệ nhân quả của Gellner [1982]. Quan niệm về qui luật bao trùm tự giới hạn bản thân nó vào thế giới kinh nghiệm và tìm kiếm tính nhân quả trong mô hình kinh nghiệm tương tự, các liên tưởng thường xuyên, những qui luật đã được quan sát. Còn quan niệm về cội nguồn luận thì lại mặc nhiên thừa nhận những bản chất bên trong, ẩn dấu và gắn chặt với các hiện tượng hữu hình.

Trong chương này tôi muốn xem xét một cách tiếp cận mới trở nên phổ biến nhằm phục dựng các ý nghĩa văn hoá quá khứ, mà theo tôi thì thường là duy vật và thực chất là “qui luật bao trùm” – đó là việc sử dụng lý thuyết thích nghi hệ thống. Kohl [1981: 95] cho rằng không có những mối liên hệ nhất thiết giữa chủ nghĩa duy vật và việc phân tích hệ thống. Tuy nhiên trong thực tế thì việc phân tích các hệ thống lại là cỗ xe để chuyên chở các mô hình nhấn vào sinh thái học và kinh tế, dựa trên những mối quan hệ giống như qui luật có thể tiên đoán.Tôi định minh hoạ vấn đề này bằng cách đưa ra một số ví dụ tiêu biểu. Cần phải nhấn mạnh rằng những ví dụ này được chọn lựa một cách chính xác vì chúng là những ví dụ điển hình trong khuôn khổ được sử dụng. Khi phê phán các ví dụ này tôi không phê phán các tác giả và công trình của họ, mà chỉ phê phán cái khuôn khổ mà họ chấp nhận [về các ví dụ khác, xin xem Conrad và Demarest 1984; Earle 1990; Jochim 1983; Brau và Plog 1982].

Bài viết của Sherratt (1982) về những biến đổi kinh tế và xã hội ở vùng đồng bằng Đông Hungary giữa Thiên kỷ 6 và 4 TCN, là ví dụ đầu tiên về cách tiếp cận hệ thống bắt đầu kết hợp các phụ hệ thống xây dựng ý thức hệ bao gồm cả phong cách và nghi lễ. Randsborg [1982] cũng đã chỉ ra các hệ tư tưởng, đặc biệt là các thái độ đối với cái chết đã thay đổi theo thời gian, liên quan đến các phụ hệ thống khác như thế nào. Ông xem xét các trật tự biến đổi, liên quan đến sự biến đổi khí hậu ở Đan Mạch từ thời đại Đồng thau đến giai đoạn Viking.

Nhiều công trình mới đây về biểu tượng và phong cách đã chọn một bài viết của Wobst [1977] làm xuất phát điểm. Công trình quan trọng và sáng tạo này đã chỉ rõ phong cách có thể gắn liền với các quá trình trao đổi thông tin và Wobst đã liên hệ phụ hệ thống trao đổi thông tin với các dòng năng lượng và vật chất. Wobst lý giải phong cách bằng sự vận hành của nó gắn liền với các biến số khác, vì vậy tôi cho rằng đây là cách tiếp cận hệ thống.

Một bài viết quan trọng và có ảnh hưởng tương tự là của Flannery và Marcus [1976]. Họ cho rằng hệ tư tưởng đã góp phần điều chỉnh các phụ hệ thống kinh tế và xã hội trong những giai đoạn dài ở thung lũng Oaxaca, Mexico. Chúng cho thấy vũ trụ luận Zapotec có thể được coi là một phương tiện tổ chức thông tin về thế giới như thế nào.
 
Một cách tiếp cận duy vật về văn hoá?

Vấn đề đầu tiên để so sánh các công trình này với nhau là tất cả đều là duy vật theo định nghĩa ở trên. Tất cả đều coi phong cách, biểu tượng, hệ tư tưởng và ý nghĩa văn hoá là mang lại lợi thế thích nghi. Nếu đẩy tới thì văn hoá sẽ được qui giản vào sự sinh tồn. Vì vậy Sherratt đã chỉ ra rằng các đồng bằng Đông Hungary được cung cấp nước đầy đủ là một vùng rất thuận lợi cho chăn nuôi. Vào thiên niên kỷ 5 TCN, các khu cư trú đã phát triển ra các vùng đồi núi xung quanh, nơi mà con người có thể tiếp cận với các nguồn đá flint và obsidian (đá lửa). Vì vậy các nguồn gia súc ở vùng đồng bằng đã được đem ra trao đổi với các nguồn tài nguyên ở vùng cao, và việc trao đổi vùng ấy đã dẫn tới gia tăng sản phẩm (gia súc chẳng hạn). Các đoàn người đã tập hợp thành những di chỉ rộng lớn, bền vững và được bố phòng tốt hơn để trao đổi và bảo vệ các nguồn tài sản di động có giá trị (gia súc). Điều đó đã dẫn tới sự thay đổi phong cách trang trí gốm, là thứ đã trở nên đa dạng, phức tạp và địa phương hoá hơn, vì “việc chế tạo ra các sản phẩm địa phương đủ độc đáo để tham gia vào cái hệ thống trao đổi vùng đang thịnh vượng đó là rất thuận lợi”. Nghi lễ cũng thay đổi vì sự cạnh tranh các nguồn dẫn tới nhu cầu kiểm soát nội nhóm chặt chẽ hơn bằng các phương tiện lễ thức và hệ tư tưởng. Người ta đã tạo ra các đối tượng cúng tế, các bức tượng nhỏ...vv.

Vậy là về phương diện loại hình học, chúng ta đã chuyển từ môi trường và kinh tế đến xã hội và cư trú, đến nghi lễ và hệ tư tưởng, bằng cách tiên đoán những chức năng nảy sinh từ cơ sở duy vật. Có thể thấy một mô thức tương tự trong ví dụ của Randsborg [1982]. Ông đã lưu ý đến mối quan hệ xuyên qua thời gian giữa những yếu tố sau đây: a) khí hậu tối ưu, sự mở rộng khu cư trú và sự phong phú của các đồ tuỳ táng. Trong những giai đoạn khí hậu tốt và khu cư trú  mở rộng thì những qui tắc kế thừa và tiếp nối nhau ít được cố định: tính liên tục bị thử thách và có sự ganh đua nhau trong lĩnh vực của cái chết. Kết quả là những đồ vật tuỳ táng có giá trị được đặt vào trong mộ như là một phần của sự ganh đua về quyền kế vị. b) Khi khu cư trú thu hẹp lại, vì thời tiết không được tốt thì xuất hiện sự thâm canh trong sản xuất, và các mộ thì lại nghèo đồ tuỳ táng, ngay cả khi sự phân tầng xã hội vẫn rõ ràng trong những lĩnh vực khác, chẳng hạn như việc tích trữ lương thực. Từ khí hậu, kinh tế và xã hội, Randsborg đã tiên đoán một tập hợp các thái độ đối với cái chết và táng thức.

Wobst đã tuyên bố một cách rõ ràng rằng không phải ông quan tâm đến việc sản xuất các hiện vật, mà là đến tuổi thọ sử dụng chúng. Ông quan tâm đến lợi thế thích nghi mà các hiện vật tạo ra trong việc trao đổi thông tin. “Các hành vi học được và khả năng biểu tượng hoá đã tăng cường đáng kể khả năng của người hành động trong tương tác với môi trường của họ thông qua trung gian các hiện vật. Khả năng này cải thiện năng lực của họ để khai thác nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và gia công năng lượng và nguyên vật liệu” [Wobst, 1977: 320]. Wobst cho rằng khi xem xét lợi thế thích nghi thì phong cách có thể chuyển tải một vài khái quát hoá so sánh văn hoá. Chẳng hạn kiểu dáng hiện vật là có giá trị nếu khả năng tiếp nhận không quá gần về phương diện xã hội (vì việc cho và nhận sẽ trở nên quen thuộc) cũng không quá xa (vì việc mã hoá thông tin là không chắc chắn). Vì vậy khi kích cỡ của các đơn vị xã hội tăng lên đến mức có sự tương tác nhiều hơn với những người nhận trực tiếp về phương diện xã hội thì hành vi phong cách hiện vật sẽ tăng. Một khái quát hoá khác là “một hiện vật càng không rõ ràng đối với các thành viên của một nhóm nhất định, thì nó càng thích hợp đối với việc mang thông tin phong cách của bất cứ loại hiện vật nào” [Wobst, 1977: 328].

Công việc ấy tập trung vào các chức năng vật chất và qui giản hành vi biểu tượng vào tính hữu dụng và tính thích nghi. Những mệnh đề khái quát được rút ra bằng cách gợi ý về những mối quan hệ có thể tiên đoán giữa kinh tế và xã hội: chẳng hạn tôi đã cho rằng [1979] các gianh giới văn hoá vật chất trở nên rõ ràng hơn khi sự tương tác phủ định giữa các nhóm tăng. Với nguồn cảm hứng tương tự, bằng cách liên hệ với bộ trang phục dân gian Yugoslavia, Wobst cho rằng “trong các khu vực cạnh tranh liên nhóm phát triển mạnh thì người ta cho rẳng tỷ lệ dân số đội những chiếc mũ mang dấu ấn quan hệ nhóm ở những khu vực có các nhóm dân cư đồng nhất tương đối bền vững sẽ cao hơn” [Wobst, 1977: 333].

Flannery và Marcus [1976] gợi ý một ngữ cảnh khái quát hoá rộng lớn hơn. Họ chỉ rõ tính chất tượng trưng và nghi lễ có thể được coi như là một bộ phận của sinh thái người theo lập trường sinh thái của Rappaport [1971]. Họ quan tâm đến nghi lễ điều chỉnh các mối quan hệ giữa con người và môi trường; vũ trụ luận của người Zapotec được coi là một phương thức tạo ra trật tự cho cả việc điều chỉnh các sự kiện tự nhiên. Việc sử dụng gai đuôi cá đuối để trích máu báo hiệu cho các thành viên khác của cộng đồng thấy rằng một nông dân đang bị thiệt hại và cần được trợ giúp bằng ngô. Các hệ thống sinh thái người bao gồm cả việc trao đổi vật chất, năng lượng và thông tin.

Trong một mức độ nào thì những cách tiếp cận hệ thống, duy vật này có thể giải thích ý nghĩa văn hoá, hệ tư tưởng và nghi thức? Vấn đề đầu tiên là chúng không hướng tới giải thích sự “trở thành” của việc sản xuất văn hoá. Như Wobst đã tuyên bố rõ ràng ông quan tâm đến việc sử dụng và các chức năng của phong cách hiện vật, chứ không phải là việc sản xuất ra chúng. Đây là một khó khăn cho toàn bộ những lý giải thích nghi và có tính chức năng, trong đó “nguyên nhân” của một sự kiện cũng chính là “hệ quả” của nó. Vì vậy khi lý giải về một cái gì đó chẳng hạn như sự trích máu bằng gai đuôi cá đuối, chúng ta sẽ qui nó vào một hệ quả tiếp theo là sự điều chỉnh các nguồn tài nguyên. Tuy nhiên phép nghịch đảo nhất thời này được  hầu hết các nhà lý thuyết hệ thống nhận ra và được trả lời là các nhà KCH chỉ có thể nhìn vào lợi thế thích nghi trong một khoảng thời gian dài, vào cái được chọn lựa cho sự sinh tồn. Với lối nhìn này người ta ít quan tâm đến câu hỏi tại sao con người lại sản xuất ra một cái gì đó.

Vậy là dường như bằng cách định nghĩa, hầu hết tính biến đổi văn hoá do các nhà KCH phát hiện ra đều bị gạt ra khỏi phạm vi lý giải. Chúng ta không thể lý giải tại sao người ta lại sử dụng một chiếc gai đuôi cá đuối, tại sao lại sử dụng nó vào việc trích máu mà không phải là những vật khác hoặc lễ thức khác. Tất cả đều được qui chiếu vào một tập hợp các đặc trưng hành vi văn hoá - đó là các lễ thức và gốm tạo tác cầu kỳ theo Sherratt, sự phong phú của đồ tuỳ táng trong mộ theo Randsborg, những tăng giảm hành vi phong cách theo Wobst. Trong hầu hết các trường hợp chúng ta không thể lý giải tại sao một nghi lễ đặc biệt hoặc bất cứ một nghi lễ nào khác lại được dùng cho một chức năng riêng biệt trong khi những thứ khác có lẽ cũng thực hiện được các chức năng ấy một cách hoàn hảo chẳng kém. Tính chất khó khăn đó được làm sáng tỏ nếu chúng ta bắt đầu không phải từ cùng đích chức năng thích nghi, mà là từ hoa văn trang trí, từ những đường ngoằn nghèo tô trên một chiếc bình. Chúng ta có thể chắc chắn rằng những đường ngoằn nghèo trên những chiếc bình được xác định bằng lợi thế thích nghi. Thật là thảm thương cho những lý lẽ hệ thống nào không tạo điều kiện cho chúng ta lý giải tính khác biệt văn hoá đặc trưng. Vẫn còn khối lý lẽ như vậy.

Trong các nghiên cứu này, các ý nghĩa tạo dựng hệ tư tưởng đã được ấn định như thế nào? Có phải việc ấn định ý nghĩa đạt được bằng cách phê phán? Nhiều nhà KCH kiên trì quan điểm kinh nghiệm chủ nghĩa, tỏ ra hoài nghi đối với lĩnh vực tạo dựng hệ tư tưởng là thứ thường được coi là tư biện và phi khoa học. Họ thích nói về các chức năng duy vật hơn là về những ý tưởng trong tư duy của con người trong quá khứ. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi thì không thể thảo luận chức năng mà lại loại trừ lĩnh vực tạo dựng hệ tư tưởng, vì ít nhất có ba lý do.

Trước hết, khái niệm “chức năng” giúp người ta giả định cái gì đó là một “đầu mũi lao”, hoặc một số “đầu mũi lao” bằng cách sắp xếp theo thứ tự tầm quan trọng. Chẳng hạn nếu một người đang suy luận xem liệu những đầu mũi lao có ngạnh hay không có ngạnh thì hiệu quả hơn khi thực hiện các chức năng của chúng, người khác thì suy luận xem những chức năng đó là gì và tầm quan trọng của nó ra sao. Những chiếc đầu mũi lao như vậy có thể dùng để sát thương một người hoặc một con thú, từ gần hay xa, nhanh hay chậm, có thể hoặc không thể tái sử dụng một công cụ như vậy,...vv. Và tất nhiên là công cụ đó có thể có những ý nghĩa biểu tượng quan trọng, có thể tác động đến việc sử dụng và khả năng sát thương của nó. Những “đầu mũi lao” đa dạng ấy được sản xuất ra trong một ma trận ý nghĩa văn hoá.

Thứ hai, trước khi nói về những chức năng của một hiện vật chúng ta thường tạo ra những loại vấn đề – hiện vật, những đầu mũi lao có ngạnh, những chiếc bình...vv. Sau đó chúng ta so sánh và đối lập các chức năng của các loại sự vật khác nhau đó. Cái hệ thống phân loại mà chúng ta lựa chọn ấy sẽ phần nào phụ thuộc vào các chức năng của chúng, nhưng nó cũng sẽ bao gồm một mức độ chủ quan tính đáng kể. Theo thói quen, chúng ta thường quyết định xem cái gì là loại chứa đựng ý nghĩa.

Thứ ba, giả thiết liên quan đến chức năng luôn luôn dựa trên định đề về ý nghĩa của một hiện vật. Ngay cả khi gọi một hiện vật là một chiếc rìu thì có nghĩa là chúng ta đã khẳng định rằng con người trong quá khứ cũng đã nhìn nó hệt như chúng ta ngày nay vậy - đó là một hiện vật dùng để chặt cây. Chức năng và ý nghĩa gắn liền với nhau; điều đó là đặc biệt rõ ràng khi chúng ta thảo luận về các chức năng xã hội của các hiện vật. Các chức năng xã hội ấy phụ thuộc vào ý nghĩa khái niệm mà chúng ta thường áp đặt công khai và không phê phán.

Chẳng hạn Randsborg đã cho rằng mộ táng được sử dụng để phô bày phương diện xã hội trong những điều kiện môi trường và xã hội nhất định. Những chuẩn mực kế thừa buộc phải được thử thách ám chỉ rằng các mộ táng sẽ là một phần của cuộc ganh đua thân phận. Vẫn chưa có nỗ lực nào để thử tìm hiểu xem các thái độ đối với cái chết có thực sự liên quan đến những mối quan tâm như vậy ở Đan Mạch không. Có thể mộ táng có ý nghĩa hoàn toàn khác. Việc nói rằng sự phong phú của đồ tuỳ táng đồng nghĩa với sự cạnh tranh xã hội, chúng ta phải “tự nghĩ đến” những thái độ tiền sử đối với mộ táng. Cũng vậy, trong các giai đoạn khí hậu bất lợi ở Đan Mạch có những mộ nghèo, nhưng Randsborg đã chỉ ra rằng trong những giai đoạn này các kho tích trữ lương thực lại rất giàu và phong phú. Có thể hiểu rằng những kho chứa này được chôn trong các đầm lầy lúc người ta chết, nó cũng giống như việc chôn theo các đồ tuỳ táng trong những giai đoạn khí hậu thuận lợi. Các kho chứa có thể có cùng một ý nghĩa và vì vậy mà có cùng một chức năng với các mộ táng. Không biết được các ý nghĩa văn hoá này, chúng ta không thể biết được những loại hiện vật như vật có các chức năng gì. Khi đưa thêm một ví dụ về vấn đề này chúng ta có thể quay trở về với các bộ trang phục Yugoslavia của Wobst. Ông sử dụng những thứ này để biện hộ cho một quan niệm chung là các loại hình hiện vật văn hoá hữu hình hơn thì chuyển tải những thông tin cho các đơn vị xã hội lớn hơn – trang phục đội đầu là rất điển hình. Nhưng có nhiều cách sử dụng cơ thể rất rõ ràng để chứng tỏ lòng trung thành với nhóm xã hội khi ở xa, đặc biệt chẳng hạn như dáng điệu, quần áo, áo khoác...vv. Wobst có thể đúng trong việc phục dựng quá khứ, nhưng nếu ông đúng thì đó là vì ông đã đặt giả thuyết đúng về những nhận thức của người bản địa liên quan đến vấn đề là những bộ phận của cơ thể là quan trọng đối với việc ghi dấu ấn sự tòng thuộc xã hội. Trang phục trên đầu có thể rất rõ ràng, nhưng cũng có thể không rõ ràng hoặc nó có thể được coi là có ý nghĩa mà không liên quan đến việc phô bày bản sắc.

Tôi đã nghiên cứu một vấn đề [1984a] về những công trình đá lớn châu Âu. Hầu hết mọi người đều chấp nhận rằng những gò mộ hùng vĩ này là những dấu mốc nhóm hoặc lãnh thổ [Renfrew 1976], bằng cách chính thống hoá sự cạnh tranh các nguồn, bằng cách viện đến các tổ tiên. Gìơ đây khi cách đặt vấn đề như vậy có vẻ  hoàn toàn hợp lý, thì vẫn còn có một ý nghĩa quan trọng khẳng định rằng các lý thuyết chức năng xã hội (cạnh tranh, chính thống hoá) là dựa vào lý thuyết về lớp ý nghĩa mà các ngôi mộ ẩn chứa (các vị tổ tiên, quá khứ). Rõ ràng chúng có thể được hiểu theo những cách khác nhau, trong đó các chức năng xã hội của chúng có thể khác nhau. Lý lẽ về một qui luật bao trùm, duy vật rõ ràng dựa vào việc qui các nhận thức vào bên trong một văn hoá. Có thể đưa ra một quan điểm tương tự về việc xác định những hạng mục hiện vật “uy tín” trong KCH.

Trong cách tiếp cận hệ thống có tính chất qui luật bao trùm, người ta gán ý nghĩa văn hoá cho các hạng mục từ bên ngoài, mà không xem xét đầy đủ. Việc ấn định các ý nghĩa văn hoá thường dựa trên những thái độ của người phương Tây là những thái độ ngầm ẩn và không được thảo luận. Nó khẳng định rằng mộ táng, trang phục, lễ thức, hoa văn trang trí gốm đều có những chức năng xã hội phổ biến gắn liền với những ý nghĩa phổ biến của chúng; các hiện vật bị tách rời khỏi ngữ cảnh của chúng và được lý giải theo cách thức so sánh văn hoá.

Việc chia cắt các hệ thống văn hoá thành những phụ hệ thống khác nhau, là xuất phát điểm cho toàn bộ các phân tích hệ thống tự thân nó dựa trên một lối nhìn phương Tây về thế giới. Các phân chia như vậy được áp dụng cho việc kiếm sống, trao đổi, xã hội, biểu tượng có thể không phù hợp với các xã hội quá khứ. Tự thân sự phân chia dựa trên một qui luật bao trùm tỏ ra là có tầm quan trọng tương đương với tất cả các phụ hệ thống, nhưng trong thực tế như chúng ta đã thấy, các phụ hệ thống duy vật là ưu trội. Flannery và Marcus đã cố nâng tầm quan trọng cho hệ tư tưởng bằng cách lập lụân là các hệ thống phải được coi là vận hành bên trong một vũ trụ luận, được xếp đặt và tổ chức bởi một tập hợp các niềm tin văn hoá. Nhưng ngay cả trong trường hợp đó thì hệ tư tưởng cũng có một vai trò điều chỉnh thụ động, vận hành vì cái tối ưu của hệ thống với tư cách một tổng thể, và trong một thời gian dài. Bất cứ phân tích hệ thống nào cũng đều liên quan đến việc ấn định các ý nghĩa văn hoá và chúng ta đã thấy rằng trong khảo cổ học những định đề như vậy thường có đặc tính duy vật.

Cho đến bây giờ tôi đã cho rằng các tiếp cận hệ thống sinh thái phần nào vẫn chưa đủ vì chúng không có tầm quan trọng tương đương với các lực lượng phi vật chất và với các ý nghĩa lịch sử đặc thù. Nhưng chúng ta sẽ tránh những lý giải duy tâm ít có ý nghĩa so với các lực lượng duy vật. Tính chất biểu trưng của một dấu hiệu phần nào xuất phát từ các mối quan hệ của nó với các dấu hiệu khác trong một cấu trúc [Shanks và Tilley 1987b: 74]. Vì vậy toàn bộ ý nghĩa đều có một cấu phần mang tính khái niệm, trừu tượng. trong những trạng huống cụ thể thì các dấu hiệu có thể có những ý nghĩa mới. Thế giới duy vật ngoại tại tác động ảnh hưởng đến các cấu trúc biểu tượng theo một số cách [Hodder 1989a]. Các đối tượng vật chất tìm được nguồn gốc ngữ nghĩa chức năng chủ yếu từ những nhân tố như trọng lượng, độ cứng, tính dễ gãy vụn, sự phân bố và sự tiếp cận dễ dàng. Các hiện vật được dùng cho những tác vụ riêng đều phụ thuộc vào những nhân tố này cũng như phụ thuộc vào các quá trình sinh thái, kỹ thuật học và vào các cấu trúc. Nhiều ý nghĩa văn hoá vật chất xuất hiện một cách thực dụng thông qua sự sử dụng và kinh nghiệm luôn luôn hàm chứa trong các hệ thống cấu trúc ký hiệu và bằng cách giúp tạo ra các hệ thống cấu trúc ký hiệu. Các hiện vật bao hàm tính biện chứng giữa cái vật chất và cái tư tưởng. Việc áp dụng lý thuyết các hệ thống trong KCH đã không đem đến cho chúng ta một cách thức tìm kiếm cái biện chứng đó.
_____________________________________________________

Còn nữa…

Tác giả: GS. Ian Hodder sinh năm 1949, tốt nghiệp cử nhân tại Đại học London năm 1971, nhận học vị tiến sĩ tại Đại học Cambridge năm 1975, trở thành giáo sư Đại học Cambridge từ năm 1977.
 
Nguồn: Reading the Past – Current approaches to Interpretation in Archaeology. Second Edition. Cambridge University Press 1991.




Tài liệu Tham khảo
 

Braun, D. P., and Plog, S., 1982. Evolution of “Tribal” Social Networks: Theory and Prehistoric North American Evidence. American Antiquity 47, 504–25.

Conrad, G. W., and Demarest, A. A., 1984. Religion and Empire. Cambridge University Press.

Earle, T. K., 1990. Style and Iconography as Legitimisation in Complex Chiefdoms. In M. W. Conkey and C. A. Hastorf (eds.), The Uses of Style in Archaeology, Cambridge University Press.

Flannery, K. V., and Marcus, J., 1976. Formative Oaxaca and the Zapotec Cosmos. American Scientist 64, 374–83.

Gellner, Ernest, 1982. What is Structuralism?. In C. Renfrew, M. Rowlands and B. Seegraves (eds.), Theory and Explanation in Archaeology, London: Academic Press.

Hodder, I., 1979. Social and Economic Stress and Material Culture Patterning. American Antiquity 44, 446–54.

Hodder, I., 1984a. Burials, Houses, Women and Men in the European Neolithic. In D. Miller and C. Tilley (eds.), Ideology, Power and Prehistory, Cambridge University Press.

Hodder, I., 1989a. This is not an Article about Material Culture as Text. Journal of Anthropological Archaeology 8, 250–69.

Jochim, T., 1983. Palaeolithic Cave Art in Ecological Perspective. In G. Bailey (ed.), Hunter-Gatherer Economy in Prehistory, Cambridge University Press.

Kohl, P. L., 1981. Materialist Approaches in Prehistory. Annual Review of Anthropology 10, 89–118.

Randsborg, K., 1982. Rank, Rights and Resources: An Archaeological Perspective from Denmark. In C. Renfrewand S. Shennan (eds.), Ranking, Resource and Exchange, Cambridge University Press.

Rappaport, R. A., 1971. Ritual, Sanctity, and Cybernetics. American Anthropologist 73, 59–76.

Renfrew, A. C., 1976. Megaliths, Territories and Populations. In S. J. de Lact (ed.), Acculturation and Continuity in Atlantic Europe, Bruges: de Tempel.

Shanks, M. and Tilley, C. 1987b. Re-Constructing Archaeology: Theory and Practice. Cambridge: Cambridge University Press. Introduction: The Red Book .  

Sherratt, A., 1982. Mobile Resources: Settlement and Exchange in Early Agricultural Europe. In C. Renfrewand S. Shennan (eds.), Ranking, Resource and Exchange, Cambridge University Press.

Wobst, M., 1977. Stylistic Behaviour and Information Exchange. University of Michigan Museum of Anthropology, Anthropological Paper 61, 317–42.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét