Powered By Blogger

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Người Mang man ở châu thổ sông Hồng


Người Mang man ở châu thổ sông Hồng

Le Minh Khai

Người dịch: Hà Hữu Nga

Lời người dịch: Trên trang mạng leminhkhai.wordpress.com có một số bài viết ngắn đề cập đến các vấn đề quan trọng về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Chúng tôi cố gắng dịch và chuyển tải đến những ai liên quan - quan tâm, và mong rằng các vị sẽ có các trao đổi giúp làm rõ vấn đề mà tác giả Le Minh Khai đặt ra nhằm thúc đẩy học thuật phát triển.


Lâu nay tôi vẫn tự hỏi về các địa danh như Phù Đổng. Đây là tên một làng thuộc châu thổ sông Hồng. Nhiều địa danh được viết bằng chữ Hán và các chữ đó đều có nghĩa, chẳng hạn như “rồng bay” đối với trường hợp Thăng Long. Tuy nhiên Phù Đổng lại chỉ biểu âm, mà lại là những âm thanh nói về một cái gì đó bằng tiếng Việt cổ hoặc bằng một ngôn ngữ khác, vì ngày nay nó không còn có bất cứ một nghĩa nào nữa.

Trong nhiều nhóm ngôn ngữ Tày Thái, Phù Đổng có nghĩa là phudong hoặc rừng núi (ภูดง). Tuy nhiên tôi biết rằng các nhà ngôn ngữ học vẫn coi các từ tiếng Thái có âm “ph” là không cổ. Chúng xuất hiện lúc người Thái phía Tây Nam bắt đầu phát triển vào khoảng 800 năm SCN*. Đó cũng là lúc mà các nhà ngôn ngữ học cho rằng người Thái bắt đầu di cư ra khỏi vùng Quảng Tây tiến xuống Đông Nam Á lục địa.

Trong nửa đầu thế kỷ XX xuất hiện một lý thuyết cho rằng các nhóm Tày Thái này đã sáng tạo ra một vương quốc tại khu vực Vân Nam ngày nay, gọi là nước Nam Chiếu vào thế kỷ VIII, IX và đã di cư xuống Đông Nam Á lục địa khi vương quốc đó suy tàn.

Các học giả Trung Quốc không đồng ý với quan điểm này khi họ cho rằng nước Nam Chiếu không phải là một vương quốc của người Tày Thái, mà là vương quốc của các tộc người Tạng Miến. Ngày nay đa số các học giả tán đồng quan điểm này.

Lâu nay tôi vẫn nghi ngờ quan điểm này, và tôi cũng vừa mới bắt đầu xem xét các tư liệu trong giai đoạn đó. Giờ đây đối với tôi rõ ràng là các học giả Trung Quốc đã thách thức quan niệm cho rằng nước Nam Chiếu là một quốc gia Tày Thái vì các lý do chính trị, cụ thể là họ không muốn Thái Lan kích động bất cứ sắc tộc nào vùng Tây Nam nghĩ đến việc rời bỏ Trung Quốc.

Ngoài ra, đối với tôi một vấn đề khác cũng rõ ràng không kém, đó là các nhóm Tày Thái nhất định đã dính líu đến vương quốc đó. Có thể đó là một nhà nước đa sắc tộc, nhưng các nhóm Tày Thái chắc chắn có vai trò trong đó. Tôi vẫn cần phải xem xét vấn đề này một cách sâu sát hơn, nhưng các tư liệu trong thời gian đó cho thấy rõ ràng là người Tày Thái đã hoạt động trong vùng đó.

Một trong những nguồn sử liệu chính đề cập đến giai đoạn vương quốc Nam Chiếu là Man thư, viết về Nam Chiếu và các dân tộc khác trong vùng vào thời kỳ đó. Trong số đó có một nhóm được chép là 茫蠻 Mang man.

“Mang” là cách người Trung Quốc viết từ “mường” của Tày Thái, có nghĩa là một chính thể. Thủ lĩnh của một mường Thái được gọi là cao, phát âm giống như “jiao”, và chính Man thư đã ghi rằng Mang man gọi thủ lĩnh của họ là 茫詔 mang chiếu, nếu viết bằng tiếng Thái sẽ có trật tự đảo ngược là cao mường.

Man thư liệt kê một loạt nhóm Mang man khác nhau sống tại Bắc Myanmar ngày nay, có lẽ là tổ tiên của người Shan hiện sống ở đó. Tuy nhiên Man thư còn nói về người Mang ở vùng châu thổ sông Hồng nữa.

Man thư ghi rằng vào 21 tháng 12 âm lịch, Đường Hàm Thông năm thứ ba [863 SCN] khoảng 2-3000 quân Mang man tụ tập trên bờ sông Tô Lịch của An Nam. (鹹通三年十二月二十一日, 亦有此茫蠻, 於安南蘇歷江岸聚二三千人隊Hàm Thông tam niên thập nhị nguyệt nhị thập nhất nhật, diệc hữu thử mang man, ư an nam tô lịch giang ngạn tụ nhị tam thiên nhân đội).

Sông Tô Lịch ngày nay chảy giữa lòng thành phố Hà Nội. Vào thế kỷ thứ IX có lẽ nó cách hơi xa kinh thành. Tuy nhiên đó chính là trung tâm của thế giới “Việt”.

Vậy thì điều gì đã xảy ra sau đó? 2-3000 con người đó đã đi đâu? Họ có định cư tại làng Phù Đổng không?
___________________________________

* SCN: Sau Công Nguyên

Nguồn: leminhkhai.wordpress.com/2011/10/07/mang-savages-in-the-red-river-delta/


Ghi chú của người dịch: Năm ngoái, sau khi đọc bài này trên trang Archaeological*Highlights của PGS.TS. Lâm Mỹ Dung, thấy đây là một vấn đề rất cần góp phần làm rõ thêm, nên tôi đã viết một bài gián tiếp trả lời Le Minh Khai. Đó là bài: Phù Đổng - cội nguồn sức mạnh Việt. Ai quan tâm có thể đọc ở Archaeological*Highlights hoặc Tiếng vọng Kattigara của tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét