Powered By Blogger

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Kinh tế học Phật giáo - Trung đạo trong Thương trường (I)


Kinh tế học Phật giáo - Trung đạo trong Thương trường (I)
Ven. P.A. Payutto
Người dịch: Hà Hữu Nga
Giờ đây các kỹ thuật Thiền học Phật giáo đã trở nên nổi tiếng tại Phương Tây và những kiến thức của Phật giáo về điều kiện sống của con người tối thiểu trong giới nghiên cứu cũng đang có một ảnh hưởng rộng lớn. Thật không may là hình ảnh phổ biến của Phật giáo lại thường quá đơn giản và nhiều người vẫn coi nó là thứ để dạy cho người ta cách chối bỏ hoặc thoát ly khỏi những mối quan tâm chung của thế giới về một lĩnh vực riêng tư và bí mật của niềm hạnh phúc. Tuy nhiên nếu chúng ta gặp phải những rắc rối trong việc tìm hiểu Phật Pháp, thì chúng ta lại nhận ra một giáo huấn hoàn thiện và phong phú bao trùm mọi khía cạnh của đời sống nhân loại, với vô vàn lời khuyên thực tiễn để sống sao cho chính trực, khôn ngoan và hoà bình trong một thế giới đầy bất chắc này. Giờ đây có lẽ đã là lúc những giáo huấn như vậy phải được truyền bá một cách rộng khắp.
Trong tập sách nhỏ này, Thượng toạ Dhammapitaka (P.A. Payutto) đã xuất trình một viễn cảnh Phật giáo về chủ đề kinh tế học. Không cần cố gắng trình bày một lý thuyết kinh tế học Phật giáo toàn diện, ông đã cung cấp cho ta nhiều công cụ để suy ngẫm, những cách nhìn vào các vấn đề kinh tế dựa trên sự đánh giá cẩn trọng cung cách tồn tại của sự vật, cung cách tồn tại của chúng ta. Tôi hy vọng rằng dịch công trình này ra tiếng Anh tối thiểu cũng có thể đi được một đoạn đường ngắn ngủi đến việc giải quyết cái đã được gọi là “ngõ cụt của kinh tế học” hiện thời, và thức tỉnh người đọc về các chân lý vượt thời gian mà Đức Phật đã phát lộ và chia sẻ cùng chúng ta.

Dhammavijaya tháng 5, 1992  

Lời nói đầu: Mọi người đều biết rằng việc nghiên cứu kinh tế học cho đến bây giờ vẫn né tránh các vấn đề về những giá trị đạo đức và các đánh giá đạo đức học, vốn là những phẩm tính trừu tượng. Tuy nhiên, rất rõ ràng là để giải quyết các vấn đề mà chúng ta phải đối diện trong thế giới ngày nay thì việc xem xét cả những nhân tố cụ thể lẫn trừu tượng là rất cần thiết, chính vì vậy mà chúng ta không thể nào lẩn tránh được vấn đề các giá trị đạo đức. Nếu việc nghiên cứu kinh tế học có đóng bất kỳ vai trò nào trong việc giải quyết các vấn đề của chúng ta thì nó cũng không còn lẩn tránh chủ đề đạo đức học được nữa. Ngày nay các nhân tố môi trường đã được đưa vào cả trong các dao dịch kinh tế lẫn trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế học, và nhu cầu về đạo đức học trong việc xác định vấn đề bảo tồn, và vấn đề môi trường đang ngày càng trở nên hiển nhiên.

Thật sự thì kinh tế học là một “khoa học” thống nhất một các rõ ràng nhất cái cụ thể và cái trừu tượng. Nó là một lĩnh vực mà những giá trị nhân văn trừu tượng tương tác một cách lồ lộ với thế giới vật chất. Gía như các nhà kinh tế học thôi không lẩn tránh các vấn đề giá trị đạo đức, thì có lẽ họ đã có một địa vị tốt hơn để tác động ảnh hưởng của mình đối với thế giới bằng một cách thức cơ bản và có lẽ họ đã đưa ra được các giải pháp về những vấn đề nhân đạo và những vấn đề của thế giới nói chung. Nói một cách lý tưởng thì kinh tế học phải có vai trò tạo ra cho con người các cơ hội phát triển cá nhân và xã hội một cách đích thực, chứ không chỉ đơn giản là một công cụ để nuôi dưỡng các nhu cầu ích kỷ và sự phân hoá xã hội, và ở một phạm vi rộng lớn, nó đã tạo ra sự mất cân bằng và bất an trong toàn bộ cấu trúc địa cầu với vô vàn hệ thống sinh thái của nó.

Tôi muốn bày tỏ sự cảm ơn của tôi đối với Dhammavijaya, người đã dịch bản tiếng Thái đầu tiên của cuốn Kinh tế học Phật giáo do Buddhadhamma Foundation xuất bản tháng 8/1988 bằng tiếng Anh. Bản dịch của ông được công bố tháng 5/1992 và đã được dùng làm bản chính cho lần xuất bản thứ hai. Tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn của tôi với Bruce Evans và Jourdan Arenson đã có đủ hứng khởi để biên soạn và dịch thêm các nguồn bài giảng về Kinh tế học Phật giáo trong những lần nói chuyện và trong các bài viết của tôi được công bố bằng cả tiếng Thái và tiếng Anh, nhờ đó đã tạo ra được một cách xử lý chủ đề toàn diện hơn. Tôi cũng đánh giá cao Khun Yongyuth Thanapura và The Buddhadhamma Foundation ngay từ lần xuất bản đầu tiên đã xem lại bản in cho đến lúc hoàn thiện.

Ven. P. A. Payutto  July, 1994
  
Cuốn sách này đã được biên soạn từ tư liệu trong các công trình sau đây của tác giả:

1.      Kinh tế học Phật giáo, thuyết trình của tác giả tại Đại học Thammasat ngày 9 tháng Ba, 1989, Dhammavijaya dịch.
2.      Lối thoát Kinh tế cho xã hội Thái, Buddhadhamma Foundation xuất bản bằng tiếng Thái, Bruce Evans dịch ra tiếng Anh.
3.      Một số đoạn trong chương “Vấn đề động cơ” do Bruce Evans dịch ra tiếng Anh trong cuốn  Buddhadhamma. (Phật pháp)
4.      Phần về Chính mệnh trong chương về đạo lý của cuốn Buddhadhamma.
5.      Một phần trong chương “Các nền tảng Đạo lý Xã hội Phật giáo” do tác giả viết bằng tiếng Anh in trong “Đạo lý, Thịnh vượng và Tế độ” do Russell F. Sizemore và Donald K. Swearer biên tập, Đại học Nam Carolina, Colombia xuất bản.


Giới thiệu

Cách tiếp cận tinh thần đối với Kinh tế học

Các thư viện của chúng ta chứa đầy sách về các công thức logic được lý sự rất chặt chẽ. Hai nghìn năm trước, Plato trong tác phẩm Nước Cộng hoà, đã viết một trong những luận văn chính trị học đầu tiên và bắt đầu cuộc tìm kiếm một xã hội lý tưởng mà con người vẫn tiếp tục cho đến tận ngày hôm nay. Plato đã xây dựng xã hội lý tưởng của ông dựa trên một định đề cho rằng các xã hội trước đây đã trưởng thành từ một quyết định duy lý để được hạnh phúc, nhưng nếu chúng ta nhìn vào tiến trình lịch sử thì liệu chúng ta có thể nói rằng cách tư duy duy lý đã thực sự là lực lượng hướng dẫn trong quá trình tiến hoá của văn minh? Chúng ta đề nghị người đọc hình dung những bước khởi đầu của xã hội loài người: các nhóm người thuộc thời đại đồ đá tụ tập nhau trong những chiếc hang của họ, mỗi người khi nhìn vào nhóm người trong một chiếc hang bên cạnh với vẻ nghi ngờ. Họ lạnh và đói. Tình trạng nguy hiểm và tăm tối bao vây quanh họ. Bỗng một trong số những con người đó bừng lên trong óc một ý tưởng sáng chói: “Tôi biết, hãy tạo ra một xã hội có thể trao đổi thương mại, xây dựng các bệnh viện và cùng chung hưởng hạnh phúc!”.

Một kịch bản như vậy không thể xảy ra. Những con người sớm và những xã hội đầu tiên có lẽ gắn bó với nhau bởi những nhu cầu tình cảm sâu nặng vì sự ấm áp và an ninh chứ không phải vì bất cứ một kế hoạch duy lý nào. Chắc rằng tư duy duy lý đã chiếm một vị trí nào đó trong tiến trình ấy, nhưng nếu chúng ta có một cái nhìn trung thực vào cái gọi là xã hội tiên tiến thì chúng ta phải thừa nhận rằng các nhu cầu của chúng ta về an ninh ngày nay không quá khác với nhu cầu của những con người trong hang. Trong khi các xã hội của chúng ta chắc chắn phức tạp hơn thì sức mạnh thúc đẩy vẫn chỉ là tình cảm chứ không phải là duy lý.

Nếu chúng ta thảo luận một cách trung thực về kinh tế học, thì chúng ta phải thừa nhận rằng các yếu tố tình cảm – nỗi sợ và cả niềm khát vọng lẫn tính chất phi lý mà chúng sinh ra – có một ảnh hưởng rất mạnh lên thương trường. Các quyết định kinh tế – các quyết định về sản xuất, tiêu dùng và phân phối – được thực hiện bởi con người trong cuộc đấu tranh để mưu sinh và để trở nên thịnh vượng. Đối với hầu hết các nhóm người, những quyết định này được thôi thúc bởi sự bức bách tình cảm để tự bảo vệ.

Không có gì cố hữu xấu về nỗi sợ và tính phi lý; chúng là những điều kiện tự nhiên đi cùng với con người. Tuy nhiên rất không may là nỗi sợ và dục vọng đã đưa chúng ta đi quá những giới hạn kinh tế tồi tệ nhất. Các sức mạnh của lòng tham, sự bóc lột và tiêu thụ quá mức dường như đã tràn ngập các nền kinh tế của chúng ta trong những thập kỷ gần đây. Các xã hội duy vật chủ nghĩa của chúng ta đưa ra cho chúng ta một chút ít chọn lựa nhưng lại bóc lột và cạnh tranh vì sự sống còn trong cái thế giới chó-ăn-thịt-chó ngày nay. Nhưng đồng thời rõ ràng là những lực lượng này đang phá hoại các xã hội của chúng ta và tàn phá môi trường của chúng ta.

Đối mặt với những vấn đề như vậy thì khoa học kinh tế chấp nhận một cách tiếp cận duy lý. Công việc của nhà kinh tế học là phát minh ra các mô hình duy lý để giúp đỡ xã hội vượt lên khỏi tham lam, thù hận và vô minh. Tuy nhiên hiếm khi các nhà kinh tế xem xét câu hỏi cơ bản về nỗi sợ và những nhu cầu tình cảm về an ninh vốn vẫn dẫn dắt con người. Kết quả là các mô hình lý thuyết của họ vẫn duy trì các giải pháp duy lý để giải quyết những vấn đề thực sự phi lý và các lý tưởng kinh tế của họ chỉ có thể thực sự tồn tại trong các quyển sách.

Có lẽ một chút chủ nghĩa duy tâm thì cũng không đến nỗi quá có hại; nhưng có một mối hiểm hoạ đối với cách tiếp cận duy lý thuần tuý. Trong trường hợp xấu nhất, nó cũng được sử dụng để duy lý hoá các phản ứng đầy sợ hãi và cơ bản nhất của chúng ta đối với các vấn đề tồn tại sống còn. Chúng ta thấy khuynh hướng này trong các nhà chiến lược công ty, các cố vấn chính sách và các nhà phân tích quốc phòng là những người lý luận một cách thuyết phục và lôgic rằng việc sản xuất vũ khí là có lợi nhất cho chúng ta. Khi chủ nghĩa duy lý trở thành một con mắt đui mù đối với cái phi lý thì những áp đặt phi lý không nhận ra được lại chắc chắn bao phủ mây mù lên tính chất duy lý của chúng ta.

Cuốn sách mà bạn đang đọc có một cách tiếp cận khác. Theo nghĩa đen, nó không đào sâu vào những rắc rối về kỹ thuật của kinh tế học. Thay vào đó, nó xem xét những nỗi sợ, dục vọng và tình cảm cơ bản thúc đẩy các hành động kinh tế của chúng ta. Trong số tất cả những truyền thống tinh thần, thì Phật giáo phù hợp nhất với nhiệm vụ này. Như chúng ta sẽ thấy, các kinh sách Phật giáo đưa ra những hiểu biết sâu sắc về phương diện tâm lý của dục vọng và những lực lượng thúc đẩy các hành vi kinh tế. Những hiểu biết này có thể dẫn đến một sự giải phóng tự thức là thứ vẫn chầm chậm hoà tan sự mơ hồ giữa cái thực sự có hại và cái thực sự có lợi trong sản xuất và trong tiêu dùng. Đến lượt mình ý thức này là cơ sở cho một đạo đức học đã chín muồi.

Các quyết định thực sự hợp lý phải được đặt trên nền tảng sự hiểu biết đối với các lực lượng làm cho chúng ta trở nên phi lý. Khi chúng ta hiểu được thực chất của dục vọng thì chúng ta thấy rằng nó không thể được thoả mãn bởi toàn bộ số của cải có trên trái đất này. Khi chúng ta tìm hiểu về tính phổ biến của nỗi sợ hãi thì chúng ta phát hiện ra một tình thương yêu tự nhiên đối với mọi sinh linh.Vì vậy cách tiếp cận tinh thần đối với kinh tế học không chỉ dẫn đến các mô hình và các lý thuyết mà còn dẫn đến những lực lượng sống còn có thể thực sự làm lợi cho thế giới của chúng ta - đó là trí tuệ, tình thương yêu và sự độ lượng.

Nói cách khác, cách tiếp cận tinh thần cần phải được hằng sống. Điều đó không có nghĩa là người ta phải đi theo Đạo Phật và và từ bỏ kinh tế học, bởi vì trong một lược đồ rộng lớn của sự vật cả hai đều tương hỗ cho nhau. Thực tế người ta không nhất thiết cứ phải là một Phật tử hoặc là một nhà Kinh tế để thực hành kinh tế học Phật giáo. Người ta chỉ cần công nhận một sợi dây xuyên suốt cuộc đời và tìm cách để sống trong sự cân bằng với cái cách mà sự vật thực sự tồn tại. 

Bruce Evans và Jourdan Arenson 


Chương I: Vấn đề chuyên môn hoá

Trong một cuộc thảo luận về kinh tế học Phật giáo, vấn đề thứ nhất nỏi lên là có phải một sự vật như vậy thực sự tồn tại hay phải chăng đó chỉ là khả năng. Hình ảnh về một nhà sư im lặng đi xin của bố thí với hầu hết mọi người không thể nào là một hoạt động kinh tế. Những toà nhà chọc trời, những trung tâm thương mại và thị trường chứng khoán có lẽ thích hợp hơn với thực tế. Hiện nay kinh tế học mà chúng ta vốn quen thuộc là một kinh tế học phương Tây. Khi nói về kinh tế học hoặc các vấn đề gắn liền với nó, chúng ta phải sử dụng một ngữ vựng phương Tây và suy nghĩ bằng khung khái niệm lý thuyết kinh tế phương Tây. Thật khó mà tránh được những gượng gạo này khi nói về kinh tế học Phật giáo. Chúng ta có thể thấy bản thân mình đang thảo luận về Phật giáo bằng ngôn ngữ và các khái niệm của kinh tế học phương Tây. Cho dù như vậy thì trong suốt cuốn sách này, tôi mong muốn tối thiểu cũng cung cấp được một số viễn cảnh Phật giáo cho những thứ có thể được khai thác một cách hữu dụng trong kinh tế học.

Kể từ khi có tư duy kinh tế học từ thời Plato và Aristotle, việc nghiên cứu kinh tế học chỉ thực sự kết tinh thành một khoa học trong kỷ nguyên công nghiệp. Giống như những khoa học khác trong thời đại chuyên môn hoá này, kinh tế học đã trở thành một bộ môn hẹp và tinh xảo; một tập hợp tri thức biệt lập, hầu như bị kìm hãm khi có một chút gì đó liên quan đến những bộ môn hoặc các hành vi nhân văn khác.

Một cách lý tưởng, các khoa học nên cung cấp các giải pháp cho những vấn đề phức tạp tương liên với nhau mà nhân loại phải đối mặt, nhưng lại tách biệt cứ như là nó từ những bộ môn khác và phạm vi rộng lớn hơn của hành vi con người, kinh tế học có thể đôi chút  làm dịu đi các vấn đề môi trường, xã hội và đạo đức mà ngày nay chúng ta đang phải đối mặt. Và mối ảnh hưởng lớn lao mà nó tác động đến các xã hội vận hành bằng nền kinh tế thị trường thì một tư duy kinh tế hẹp có thể thực sự trở thành nguyên nhân đầu tiên của một số phiền phức về môi trường và xã hội đầy sức ép của chúng ta.

Giống những khoa học khác, kinh tế học phấn đấu vì tính chất khách quan. Tuy nhiên trong quá trình đó, các giá trị chủ quan như đạo đức đã bị loại trừ. Không có sự xem xét về các giá trị chủ quan, đạo đức, một kinh tế gia có thể nói chẳng hạn như, một chai Whiskey và một bữa cơm Trung Quốc có cùng một giá trị kinh tế, hoặc việc uống rượu trong một hộp đêm cũng đóng góp cho nền kinh tế nhiều hơn là lắng nghe một cuộc nói chuyện về tôn giáo hoặc tình nguyện làm việc cho chủ nghĩa nhân đạo. Đây là những chân lý theo kinh tế học.

Nhưng tính chất khách quan của kinh tế học vẫn rất thiển cận. Các nhà kinh tế học chỉ nhìn vào một giai đoạn ngắn của quá trình nhân quả tự nhiên và chọn ra cái phần hấp dẫn họ, trong khi đó lại lờ đi những khía cạnh rộng lớn khác. Vì vậy các nhà kinh tế học hiện đại không tính đến các hậu quả đạo đức của hoạt động kinh tế. Mối quan tâm của nó không phải là những thói xấu xa vô đạo gắn liền với việc lui tới các hộp đêm, cũng không phải là trí tuệ nảy sinh từ việc lắng nghe một bài thuyết giảng tôn giáo.

Nhưng có phải người ta thực sự là thèm muốn để coi kinh tế học như một khoa học? Mặc dù nhiều người tin rằng khoa học có thể cứu chúng ta khỏi những hiểm hoạ của cuộc sống, trong khi bản thân nó thì lại có rất nhiều hạn chế. Khoa học chỉ trưng ra một khía cạnh của chân lý là thứ liên quan đến thế giới vật chất. Chỉ bằng vào sự xem xét khía cạnh vật chất của vạn vật mà khoa học kinh tế đã bước chệch ra khỏi chân lý tổng thể  mà sự vật tồn tại. Khi cho rằng toàn thể mọi vật trên đời này liên hệ tự nhiên với nhau, thì nó lại theo đuổi những vấn đề mà con người phân cắt ra thành gianh giới để bành trướng.

Suy thoái môi trường là hậu quả rõ ràng và nguy hại nhất đối với cách tiếp cận công nghiệp hoá, chuyên biệt hoá nhằm giải quyết các vấn đề. Các vấn đề môi trường đã trở thành một sức ép quá lớn làm cho con người bắt đầu nhận ra rằng mình đã ngu ngốc đến mức nào khi đặt niềm tin vào những chuyên môn đơn lập luôn luôn bỏ qua một viễn cảnh rộng lớn hơn. Họ bắt đầu nhìn vào các hành vi của con người trong một phạm vi rộng lớn hơn để thấy rõ những tác động ngược trở lại với những gì mà họ đã làm đối với cuộc sống các cá nhân, xã hội và môi trường. 

Từ viễn cảnh Phật giáo, kinh tế học không thể bị tách khỏi những ngành tri thức khác. Kinh tế học phần nào là một bộ phận cấu thành của một nỗ lực cụ thể để giải quyết những vấn đề về tính nhân văn, và một kinh tế học dựa trên cơ sở Phật giáo, một “Kinh tế học Phật giáo” vì vậy mà không phải là một khoa học quá độc lập, mà là một trong số những bộ môn liên lập hoạt động vì một mục đích chung để lợi lạc cho xã hội, cá nhân và môi trường.

Một trong những người đầu tiên tích hợp các thuyết pháp của Đức Phật với kinh tế học (và thực sự tạo ra thuật ngữ “Kinh tế học Phật giáo”) là E.F. Schumacher trong cuốn sách Nhỏ là đẹp của ông. Trong tiểu luận của mình về Kinh tế học Phật giáo Ông Schumacher đã coi giáo lý Bát chính đạo là trường hợp của mình. Ông khẳng định rằng việc đưa nhân tố “Chính mệnh” của Bát chính đạo, hay lối sống Phật giáo vào kinh tế học Phật giáo là thiết yếu. Đó chính là xuất phát điểm của Ông Schumacher.

Nhìn lại chúng ta thấy rằng cả tập Nhỏ là tốt đẹp và mối quan tâm tiếp theo về kinh tế học Phật giáo của một số nhà nghiên cứu phương Tây đã xuất hiện nhằm đáp lại cuộc khủng hoảng kinh tế học ngày nay. Các cấu trúc khái niệm và các bộ môn nghiên cứu phương Tây đã đạt tới một điểm mà nhiều người gọi là điểm chết, hoặc nếu không thì ít nhất cũng là một bước ngoặt đánh dấu nhu cầu về những mô hình tư duy và phương pháp luận mới. Điều đó khiến cho nhiều nhà kinh tế học phải suy nghĩ lại về những cách tiếp cận chuyên biệt của họ. Những hậu quả môi trường nghiêm trọng của lối sống tiêu thụ quá khích đã thúc đẩy các nhà kinh tế học phát triển thêm về nhận thức sinh thái. Thậm chí một số người còn cho rằng toàn bộ các sinh viên kinh tế mới đều phải học về môn sinh thái cơ sở.

Quan điểm của ông Schumacher cho rằng việc tồn tại của Chính mệnh như một nhân tố của Bát chính đạo đòi hỏi kinh tế học Phật giáo phải có một số mối quan hệ mật thiết. Trước hết điều đó chỉ ra tầm quan trọng của Chính mệnh (hoặc Kinh tế học) trong Phật giáo. Thứ hai và ngược lại, điều đó có nghĩa là kinh tế học chỉ được coi là một trong số các nhân tố (tám nhân tố truyền thống) bao gồm một sinh kế chính trực, có nghĩa là một lối sống có khả năng giải quyết các vấn đề của cuộc sống.

Chuyên môn hoá có thể là một lợi lạc lớn chừng nào chúng ta không đánh mất tầm nhìn vào mục đích chung của chúng ta: như một nghiên cứu chuyên môn hoá, kinh tế học cho phép chúng ta phân tích chi tiết các nguyên nhân và các nhân tố trong các hoạt động kinh tế. Nhưng sẽ là sai lầm khi tin rằng bất cứ một bộ môn hoặc một lĩnh vực nghiên cứu nào cũng có thể tự mình giải quyết tất cả các vấn đề. Tuy nhiên trong sự phối hợp với các bộ môn khác nhau, kinh tế học có thể kiến tạo được một lời đáp hoàn thiện về cái khổ của con người, và chỉ với một sự tìm hiểu đầy đủ những đóng góp và các giới hạn của mỗi bộ môn chúng ta sẽ có thể tạo ra một cố gắng chung như vậy.

Thật không may là, do lập trường của mình, kinh tế học lại không hề chạm được tới toàn bộ dòng nguyên nhân và các điều kiện kiến tạo nên hiện thực. Kinh tế học và thực sự là tất cả các khoa học xã hội cuối cùng đều dựa trên cơ sở các chân lý giả hoặc do con người tạo ra. Chẳng hạn theo các qui luật tự nhiên hành động đào bới trái đất thì tạo ra một cái hố. Điều này là một mối quan hệ nhân quả chắc chắn dựa trên các qui luật tự nhiên. Tuy nhiên việc đào bới để sinh ra một khoản tiền công là một chân lý quen thuộc dựa trên một thoả thuận xã hội. Nếu không có thoả thuận xã hội thì hành động đào bới kia sẽ không tạo ra một khoản tiền công. Trong khi các nhà kinh tế học nghiên cứu cẩn thận một phân đoạn quá trình nhân quả biệt lập, vũ trụ tự thể hiện bằng một mạng rộng lớn vô cùng của các nguyên nhân và điều kiện, hành động và phản hành động. Bị thu hút vào sự tiến triển tuyến tính của các sự kiện kinh tế mà mình quan tâm, các nhà kinh tế học quên mất rằng tự nhiên mở ra theo mọi hướng. Thực ra thì các hành động và kết quả không bị giới hạn vào những lĩnh vực biệt lập. Một hành động gây ra các kết quả, đến lượt mình lại trở thành nguyên nhân của những kết quả khác. Mỗi kết quả là điều kiện của những kết quả khác. Bằng cách đó, hành động và phản hành động luôn xoắn xuýt nhau để tạo ra cái kết cấu đầy màu sắc của nguyên nhân và các điều kiện mà chúng ta hiểu là hiện thực. Muốn hiểu được hiện thực thì phải hiểu được quá trình này.

Hai ý nghĩa của Pháp

Đối với nhiều người, thuật ngữ “Kinh tế học Phật giáo” có thể gợi lên hình ảnh về một xã hội lý tưởng trong đó mọi hoạt động kinh tế – mua và bán, sản xuất và tiêu thụ - đều gắn liền với các tiêu chuẩn đạo đức chặt chẽ. Nhưng một hình ảnh lý tưởng như vậy, hấp dẫn như vậy lại không chuyên chở được đầy đủ chiều sâu các giáo lý của Đức Phật. Đó chính là Pháp hoặc chân lý. Trong Phật giáo, thuật ngữ Pháp được dùng để chuyển tải những cấp độ chân lý khác nhau, kể cả chân lý tương đối lẫn chân lý tuyệt đối.

Những chân lý ấy liên quan đến hành vi đạo đức – cả trên cơ sở cá nhân hàng ngày lẫn trong xã hội - được gọi là cariyadhmma (Nhược dụng pháp). Đây là những chân lý liên quan đến các vấn đề thiện ác. Pháp theo nghĩa rộng là saccadhamma (Chân pháp), hoặc sabhaavadhamma (Tự nhiên pháp), nó bao gồm vạn vật như chúng vốn vẫn thế và các quy luật mà vạn vật vận hành. Theo nghĩa này, Pháp được sử dụng để miêu tả toàn bộ dòng nguyên nhân và điều kiện, quá trình mà vạn vật tồn tại và vận hành.

Khác với phạm vi hẹp hơn của cariyadhamma, thuộc về những xem xét đạo đức biệt lập, sabhavadhamma cho thấy bản chất hoặc bản thân hiện thực vượt khỏi mối bận tâm về thiện và ác. Theo nghĩa viên dung đó, Pháp  thể hiện tính tổng thể của các điều kiện tự nhiên mà các ngành khoa học khác nhau vẫn tìm cách để miêu tả.

Như vậy, giáo huấn của Đức Phật cho chúng ta nhiều hơn chứ không phải chỉ là những nguyên tắc chỉ đạo cho một đời sống đức hạnh. Các giáo huấn ấy đưa ra một nhận thức lớn đối với bản chất của hiện thực. Hai ý nghĩa của thuật ngữ Pháp cho thấy một kinh tế học được được gợi hứng bởi Pháp đều sẽ được làm cho hoà hợp với lĩnh vực lớn của nguyên nhân và điều kiện, đồng thời được hướng dẫn bởi các giáo huấn đạo đức cụ thể dựa trên hiện thực tự nhiên. Nói cách khác, các nhà kinh tế học Phật giáo không chỉ xem xét các giá trị đạo đức của hoạt động kinh tế, mà còn cố gắng để hiểu thực tế và các hoạt động kinh tế trực tiếp hài hoà với “tự nhiên nhi nhiên”.

Suy cho cùng thì kinh tế học không thể tách khỏi Pháp, vì toàn bộ các hoạt động mà chúng ta gắn với kinh tế học đều xuất hiện từ Pháp. Kinh tế học chỉ là một phần của một tổng thể tương tác rộng lớn liên quan đến các qui luật tự nhiên mà vạn vận vận hành. Pháp miêu tả các hoạt động của tổng thể này, miêu tả chân lý cơ bản của vạn vật trong đó có kinh tế học.  Nếu kinh tế học bỏ quan Phật Pháp – bỏ qua quá trình phức tạp và năng động của các mối quan hệ nhân quả tạo nên hiện thực thì nó sẽ khó mà được sử dụng để giải quyết vấn đề, nó sẽ làm giảm thiểu đáng kể lợi ích đối với những gì mà nó nhắm tới. Nhưng lại còn một phần não với tư duy kinh tế hiện đại. Thiếu mất suy tư toàn diện và tổng thể  và bị hạn chế bởi sự hạn hẹp của quan điểm chuyên môn hoá, các nhà kinh tế học đã lựa chọn một bộ phận đơn lẻ của dòng các điều kiện và không thể xem xét được các kết quả ngoài quan điểm đó. Ví dụ: tồn tại một nhu cầu về hàng hoá, như rượu whiskey chẳng hạn. Nhu cầu ấy được sản xuất đáp ứng – trồng ngũ cốc và sản xuất ra rượu. Sau đó whiskey được đưa ra thị trường, được người ta mua và được tiêu thụ. Khi tiêu thụ thì nhu cầu được thoả mãn. Tư duy kinh tế học hiện đại chỉ dừng lại ở đó. Nó không tìm hiểu xem sau đó cái gì sẽ xảy ra sau khi nhu cầu đã được thoả mãn.

Ngược lại, một kinh tế học được gợi hứng khởi bởi Pháp sẽ quan tâm đến việc làm thế nào mà các hoạt động kinh tế ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình nhân quả và các điều kiện. Trong khi kinh tế học hiện đại chỉ giới hạn mối quan tâm của nó đến các sự kiện thuộc lĩnh vực chuyên môn hoá của nó, kinh tế học Phật giáo sẽ đặt câu hỏi một hành động kinh tế nhất định ảnh hưởng như thế nào đến ba lĩnh vực tương liên của tồn tại con người: cá nhân, xã hội, và tự nhiên hay môi trường. Trong trường hợp cầu đối với hàng hoá, chẳng hạn whiskey, chúng ta sẽ phải tự hỏi mình việc sản xuất whiskey ảnh hưởng như thế nào đến sinh thái và việc tiêu thụ chúng tác động ra sao đến cá nhân và xã hội.

Đây là những xem xét từ khía cạnh đạo đức và nó đưa chúng ta trở lại với ý nghĩa chuyên môn hoá nhiều hơn của Pháp, liên quan đến các vấn đề về thiện và ác. Kinh Phật nói rằng những hành động thiện sẽ dẫn đến những kết quả thiện và những hành động ác sẽ dẫn đến những kết cục xấu. Toàn bộ Phật pháp về hành vi đạo đức là dựa vào nguyên tắc này. Điều quan trọng cần phải lưu ý ở đây là không giống với các tôn giáo hữu thần, Phật giáo không đưa ra một tác nhân hoặc một lực lượng làm trọng tài thưởng hoặc phạt cho các hành động thiện hay ác. Hơn nữa, các hành động thiện hay ác được coi là các nguyên nhân và các điều kiện mở ra tuỳ thuộc vào dòng sự kiện tự nhiên. Về phương diện này Pháp (theo nghĩa là những giáo huấn đạo đức) và Pháp (theo nghĩa thực tại tự nhiên) được kết nối trong đó các giáo huấn đạo đức Phật giáo dựa trên thực taị tự nhiên. Các qui luật đạo đức tuân theo các qui luật nhân quả tự nhiên: các hành động đạo đức tự nhiên dẫn đến lợi lạc, và các hành động ác tự nhiên dẫn tới làm hại, vì toàn bộ những cái đó là những nhân tố  trong dòng nhân quả và điều kiện.

Với cách nhìn năng động về thế giới, Phật giáo không tuyệt đối hóa vai trò thống trị của các hành vi đạo đức. Gía trị của hành vi đạo đức được điều chỉnh dần dần bởi các công quả là nguyên nhân của các kết quả đó. Các hành động đạo đức là thiện lành bởi vì chúng dẫn tới lợi lạc; hành động bất thiện là xấu bởi vì nó dẫn tới sự huỷ hoại. Người ta tin rằng bất cứ phương tiện nào được sử dụng để đạt đến mục đích thì cũng đều được biện minh bởi giá trị của mục đích cuối cùng đó. Tư tưởng này được thể hiện rất rõ trong câu cách ngôn “mục đích biện hộ cho phương tiện”. Chẳng hạn các cuộc cách mạng đều tin rằng vì  mục tiêu đạt được một xã hội lý tưởng trong đó tất cả mọi người đều được đối xử công bằng nên hành động hủy hoại bất cứ ai, bất cứ cái gì vẫn đều được biện minh. Mục đích cuối cùng (xã hội lý tưởng) biện hộ cho các phương tiện của họ (tàn nhẫn và khát máu).

Tư tưởng cho rằng “mục đích biện hộ cho phương tiện” là một ví dụ rõ ràng nhất về niềm tin của con người không hài hòa với chân lý của tự nhiên. Quan niệm này là một phát kiến của con người, một sự duy lý hóa mâu thuẫn với qui luật của tự nhiên và quan niệm “tự nhiên nhi nhiên”. Các niềm tin, tự thân chúng không phải là điều xấu nhưng khi chúng mâu thuẫn với hiện thực thì chúng lại gây nên các vấn đề. Trải qua nhiều thế hệ, con người với các hệ tư tưởng chính trị cực đoan đã tạo ra rất nhiều điều ác nhân danh khẩu hiệu “mục đích biện minh cho phương tiện”. Vấn đề không phải là nguyên cớ của họ đáng khâm phục đến mức nào, vì họ chấm dứt việc hủy họa mà họ đang cố tạo ra, loại hủy hoại có cái gì đó như là niềm hạnh phúc hoặc trật tự xã hội.

Học tập từ lịch sử, chúng ta cần phải phân tích toàn bộ các nguyên nhân và các điều kiện góp phần vào việc phát triển của các sự kiện quá khứ. Điều đó bao gồm cả các phẩm chất tư duy của những người tham gia. Việc phân tích triệt để về lịch sử cách mạng bạo lực chẳng hạn cần phải quan tâm không chỉ đến khí hậu kinh tế xã hội của xã hội, mà còn cả những kiến tạo tri thức và tình cảm của bản thân các nhà cách mạng và phải đặt vấn đề về giá trị duy lý của các lý tưởng trí thức và các phương pháp đã được sử dụng vì tất cả các nhân tố này đều đưa tới các kết quả.

Bằng phân tích này, rõ ràng rằng với các qui luật nhân quả tự nhiên, không thể tạo ra một xã hội lý tưởng nào khác ngoài bản thân các phương tiện lý tưởng – mà lại không mang tính sắt máu. Phật giáo quan niệm rằng mục đích không thể biện minh cho phương tiện, mà chính là phương tiện qui định mục đích. Vì vậy kết quả chém giết và tàn ác chính là bạo lực và không bền vững. Có thể thấy rõ điều này trong các nhà nước cảnh sát và các chính phủ được tạo dựng bởi cách mạng bạo lực – luôn luôn tồn tại một kết cục căng thẳng, các kết quả của nghiệp, thường tỏ ra là thiếu khoan dung và kéo theo đó là khủng hoảng xã hội. Vì vậy phương tiện (sắt máu và gây hấn) qui định mục đích (căng thẳng và bất ổn).

Nhưng trong khi đạo lý liên quan đến các qui luật tự nhiên, khi chúng ta phải lựa chọn những đạo lý cá nhân thì sai và đúng không phải lúc nào cũng có một gianh giới phân biệt rõ ràng. Trong thực tế, vấn đề đạo lý luôn luôn là một vấn đề mang tính chủ quan cao độ. Trong suốt cuộc đời mình, chúng ta phải liên tục đối mặt và phải liên tục trả lời cho chính bản thân mình – các câu hỏi về đúng, sai. Mỗi chọn lựa của chúng ta, mỗi dự định của chúng ta đều chứa đựng những phán đóan mang tính đạo lý.

Kinh Phật dạy về những vấn đề liên quan đến thiện và ác nhằm giúp đỡ chúng ta quyết định những chọn lựa mang tính chủ quan đó. Nhưng trong khi chúng ta chủ quan thì chúng ta không được phép quên rằng các lựa chọn đạo lý rõ ràng đóng một vai trò to lớn trong trần thế theo những nguyên tắc nhân quả khách quan. Đạo lý và các hành vi do đạo lý của chúng ta chi phối cũng góp phần tạo ra nhân quả, là cái quyết định chúng ta là ai, quyết định loại xã hội chúng ta sống sống là gì, loại môi trường mà chúng ta tồn tại là gì.

Một trong những bài học sâu sắc nhất trong kinh Phật là cái chân lý cho rằng các giá trị nội tại tự thân trực tiếp gắn liền với động năng của thực tại khác quan ngoại giới. Cái hiện thực tinh diệu chính là cốt lõi của các vấn đề đạo lý. Nhưng rất không may là hầu hết mọi người lại chỉ cảm nhận được một cách mơ hồ về việc những giá trị nội tại của mình quyết định đến hiện thực ngoại giới như thế nào. Rất dễ để nhận ra các qui luật nhân quả trong thế giới vật chất: quả táo khi chín thì rụng, nước chảy từ đỉnh đồi xuống chân đồi. Nhưng vì con người có thiên hướng suy nghĩ rằng bản thân họ là các cá nhân tách rời khỏi vũ trụ, nên họ không thể nhận thấy được các qui luật của vũ trụ cũng có thể áp pdụng vào các giá trị nội tại chủ quan của chúng ta, như các tư tưởng và thái độ chẳng hạn. Vì đạo lý là “chủ quan” nên con người thường cho rằng chúng không can dự gì đến hiện thực “khách quan”.

Tuy nhiên theo nhãn kiến Phật giáo thì đạo lý tạo ra một cây cầu nối liền các thực tại nội giới và ngoại giới. Phù hợp với các qui luật nhân quả, đạo lý tác động như những nguyên nhân “chủ quan” đối với các điều kiện “khách quan”. Điều đó sẽ trở nên rõ ràng khi chúng ta nhận ra rằng về cơ bản các câu hỏi về đạo lý luôn luôn là “tư duy, lời nói và hành động của tôi có tác động đến chính bản thân tôi và những gì tồn tại xung quanh tôi không?” Trong thực tế, chúng ta luôn dựa vào đạo lý để điều chỉnh các dục vọng không lành mạnh của chúng ta như : tham, ố, hỉ, nộ chẳng hạn. Phẩm chất tư duy của chúng ta, dù là nội tại, vẫn luôn luôn qui định các cung cách mà chúng ta nói năng và hành động. Mặc dù là chủ quan, nhưng đạo lý của chúng ta luôn luôn quyết định loại tác động mà cuộc đời của chúng ta tạo ra đối với thế giới ngoại tại khách quan.

Còn nữa...

Nguồn: Buddhist Economics – A Middle Way for the Market place by Ven. P.A. Payutto. Translated into English by Dhammavijaya and Bruce Evans; Compiled by Bruce Evans and Jourdan Arenson. http://www.buddhanet.net/cmdsg/payutto.htm.

Ghi chú của Tác giả:

1. Small is Beautiful, Economics as if People Mattered, by E. F. Schumacher, first published by Blond and Briggs Ltd., London, 1973.

2. Chanda, when directed toward other beings, is called metta, goodwill, the desire for others' welfare.  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét