Powered By Blogger

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Giải tuyên truyền dân tộc chủ nghĩa của Trần Ngọc Thêm

Giải tuyên truyền dân tộc chủ nghĩa của Trần Ngọc Thêm

Tác giả: Le Minh Khai
Ngày 09 tháng Năm, 2012

Người dịch: Hà Hữu Nga


Lời người dịch: Trên trang mạng leminhkhai.wordpress.com có một số bài viết ngắn đề cập đến các vấn đề quan trọng về lịch sử, văn hóa Việt Nam; đề cập đến các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa hàng đầu của Việt Nam. Chúng tôi cố gắng dịch và chuyển tải đến những ai liên quan - quan tâm, và mong rằng các vị sẽ có các trao đổi giúp làm rõ vấn đề mà tác giả Le Minh Khai đặt ra. Xin chân thành cảm ơn PGS.TS. Lâm Mỹ Dung đã chỉ dẫn cho tôi trang blog quan trọng này.


Bất cứ lúc nào cảm thấy cần phải nhắc nhớ về thứ “học thuật” dân tộc chủ nghĩa có thể dối trá đến mức nào thì tôi lại mở một trong số những cuốn sách của Trần Ngọc Thêm để đọc. Không cần mất nhiều thời gian. Tôi chỉ cần đọc một hai đoạn thế là bằng chứng lồ lộ hiện hình.

Hôm nay tôi lấy cuốn “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (năm 2004, bản gốc năm 1996) mở trang 78 có phần viết về “Vấn đề nguồn gốc Đông-Nam-Á của Thần Nông và một số nhân vật thần thoại Trung Hoa”.

Trần Ngọc Thêm mở đầu phần này bằng việc khẳng định rằng trong suốt một thời gian dài dựa vào các tài liệu chữ hán người ta đã tin rằng Thần Nông là một phần của thần thoại Trung Quốc và là một trong số 三皇 Tam Hoàng thời cổ.

Sau đó ông trích dẫn phần Giới thiệu của Derek Bodde cho bản dịch tiếng Anh cuốn Lược sử Triết học Trung Hoa của Phùng Hữu Lan, theo ông là xuất bản năm 1968, để nhấn mạnh quan điểm cho rằng các thời đại sớm nhất trong lịch sử Trung Quốc là có tính huyền thoại. Đoạn trích đó như sau:

“Theo truyền thuyết, thì lịch sử Trung Hoa được bắt đầu bởi một loạt thánh vương trị vì từ 3.000 năm trước công nguyên. Những truyền thuyết về các nhân vật ấy, mà cả người Trung Hoa và phương Tây đều công nhận không bàn cãi, đã tạo thành một ý niệm sai lầm và rất phổ biến về lịch sử quá xưa của văn minh Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày nay các nhà bác học đều đồng ý mà cho rằng các thánh vương ấy chỉ là những nhân vật hoang đường, và truyền thuyết về các nhân vật ấy chỉ là sự bày đặt lý tưởng hóa vào một thời kỳ về sau. Nhà Hạ, triều đại đầu tiên của Trung Hoa (thường được coi là bắt đầu từ 2.205 đến 1.766 trước công nguyên) cũng đang còn là không chắc, mặc dầu một ngày kia khoa khảo cổ học có thể xác nhận.”

Khai thác công trình của một học giả phương Tây để chứng tỏ rằng các cội nguồn của lịch sử Trung Hoa là huyền thoại, sau đó Trần Ngọc Thêm lại quay trở về công trình của một học giả phương Tây khác để chỉ rõ khi nào thì lịch sử Trung Hoa “thực sự” bắt đầu. 

Đặc biệt là ông trích dẫn một công trình của Will Durant đã được dịch và công bố bằng tiếng Việt năm 1990 là Lịch sử văn minh Trung Quốc trong đó có đoạn nói về các sử gia Trung Quốc [cần phải nhở rằng bản dịch tiếng Việt là không chính xác*] như sau:

“Chỉ từ năm 776 trước tây lịch, những lời của họ (các sử gia Trung Hoa – TNT**) mới gần đáng tin, mặc dầu họ chép kỹ lịch sử của họ từ 3.000 năm trước tây lịch và nhiều người không do dự gì cả, kể cho ta nghe cả thời khai thiên lập địa nữa.”

Tạm thời như vậy và xin dừng lại để xem Trần Ngọc Thêm tiếp tục làm gì. Ông nói rằng người ta vẫn nghĩ Thần Nông là một trong số “Tam Hoàng” của Trung Quốc, nhưng sự thực thì một học giả phương Tây năm 1968 đã cho rằng các nhân vật kiểu Tam Hoàng đều chỉ là huyền thoại, còn một học giả phương Tây khác, năm 1990 lại cho rằng lịch sử Trung Quốc chỉ thực sự bắt đầu từ năm 776 TCN***.

Nói cách khác, Trần Ngọc Thêm sử dụng “quyền uy” của các học giả phương Tây để quy giản tầm vóc ý nghĩa của thời cố đại Trung Hoa, và chỉ cho là nó quan trọng kể từ năm 776 TCN mà thôi.

Bây giờ chúng ta xem xét một vài vấn đề khác. Trước hết cuốn Lịch sử Văn minh Trung Hoa History of Chinese Civilization  năm “1990” của Will Durant thực ra đã được xuất bản từ năm 1935 với tư cách là một chương trong tập đầu tiên của một bộ sách 11 tập Lịch sử Văn minh - The Story of Civilization.

“Văn minh” đối với Durant có nghĩa là “Văn minh phương Tây”. Tập đầu tiên trong bộ này có tên là Our Oriental Heritage Di sản  phương Đông của chúng ta, chủ yếu tập trung vào Cận Đông (10 tập còn lại là về phương Tây). Tuy nhiên có mấy chương cuối viết về Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản. Chương về Trung Hoa được xuất bản bằng tiếng Việt năm 1990 là Lịch sử văn minh Trung Quốc.

Thực sự thì Will Durant không phải là một chuyên gia về lịch sử Trung Quốc. Chuyên môn của ông là triết học phương Tây, và ông viết chỉ để cho các độc giả đại chúng, chứ không mang tính học thuật. Không có bất kỳ ai ở phương Tây viết về Trung Quốc đã từng trích dẫn sách của ông. Vậy thì tại sao một nhà xuất bản ở Việt Nam năm 1990 đã chọn xuất bản một cuốn sách về Trung Quốc được một tác giả Mỹ chuyên về triết học phương Tây viết từ năm 1935 cho độc giả đại chúng lại là một bí ẩn đối với tôi.

Nếu Trần Ngọc Thêm thực sự quan tâm đến việc sản xuất học thuật thì ông sẽ không bao giờ nên trích dẫn một công trình như vậy. Tuy nhiên, việc sản xuất học thuật không phải là mục đích của Trần Ngọc Thêm. Mục đích của ông là sản xuất ra một guồng máy tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc. Và việc trích dẫn một “quyền uy phương Tây” để chỉ ra rằng lịch sử đáng tin cậy của Trung Hoa chỉ bắt đầu từ năm 776 TCN thì chính là một ví dụ hoàn hảo về điều đó.

Trần Ngọc Thêm đã dấn sâu thêm vào bài Giới thiệu của Derek Bodde cho bản dịch tiếng Anh của cuốn sách Lược sử Triết học Trung Quốc của Phùng Hữu Lan, bằng cách trích dẫn bản công bố năm 1968 của công trình này, nhưng trong thực tế thì nó được xuất bản năm 1948 (và in lại vào các năm 1959 và 1996 – Tôi không thể tìm thấy bằng chứng bản công bố năm 1968).

Hơn nữa đoạn mà Trần Ngọc Thêm trích dẫn từ những câu đầu trong đó có một câu bị bỏ qua: “Người đọc phổ thông có thể thấy việc tóm lược quá trình lịch sử Trung Quốc là hữu dụng, trước khi kết thúc đoạn giới thiệu này”.

Vì vậy Derek Bodde viết cho một lớp độc giả phổ thông.  Lâu nay các nhà chuyên môn đều biết rằng các nguồn thông tin sớm nhất về lịch sử Trung Quốc là huyền thoại. Tại Trung Quốc, các học giả từ Khang Hữu Vi đến Cố Hiệt Cương đều đã giải gỡ thời cổ đại Trung Quốc trong vòng hơn nửa thế kỷ tính đến khi Bodde viết những dòng trên, và Boddle cũng đã thực sự biết như vậy. 

Cũng vậy, trong khi Trần Ngọc Thêm dẫn Bodde để lưu ý rằng các giai đoạn sớm trong lịch sử Trung Quốc là huyền thoại, và dẫn Will Durant để nói rằng lịch sử đáng tin cậy của Trung Quốc bắt đầu từ năm 776 TCN, thì thực ra chính Boddle đã tuyên bố rõ ràng trong lời Giới thiệu năm 1948 rằng lịch sử thành văn Trung Quốc không nghi ngờ gì nữa bắt đầu từ giữa hai thời điểm đó, trong triều đại nhà Thương. Đoạn tiếp theo sau đoạn Trần Ngọc Thêm trích dẫn là:

“Tuy nhiên với triều đại Thương (theo truyền thống là 1766 – 1123 TCN) chúng ta đã tới gần được một nền tảng lịch sử vững chắc hơn. Kinh đô nhà Thương được khảo cổ học khai quật một phần, đã phát lộ một khối giáp cốt văn phong phú khắc trên xương thú và mai rùa”.

Các giáp cốt văn này vẫn còn tiếp tục được phát hiện cho đến năm 1948 khi Boddle viết những dòng trên, nhưng vào thời gian Trần Ngọc Thêm lần đầu tiên viết cuốn sách này năm 1996, thì một khối lượng tài liệu lịch sử khổng lồ đã được viết bằng tiếng Trung Quốc, và David Keightley thuộc đại học Berkeley cũng đã viết vô số về chúng bằng tiếng Anh.

Vì vậy mà vào thời gian Trần Ngọc Thêm lần đầu tiên công bố cuốn sách này năm 1996, không có bất cứ lý do gì để nói rằng lịch sử Trung Quốc chỉ bắt đầu một cách đáng tin cậy vào năm 776 TCN. Vậy thì tại sao ông vẫn trích dẫn công trình của một nhà không chuyên năm 1935 để xây dựng quan điểm này? Ông làm vậy để chỉ ra rằng Thần Nông “không phải người Trung Quốc”. Vì nếu lịch sử “Trung Quốc” chỉ khởi đầu từ 776 TCN thì bất kỳ ai ở trước thời điểm đó cũng đều “không phải Trung Quốc”.

Ở phần này Trần Ngọc Thêm tiếp tục nói về việc Thần Nông là một nhân vật huyền thoại gắn liền với nông nghiệp ra sao, vị thần này gắn bó với những người phương Nam như thế nào và ông đã thực sự được tích hợp vào văn minh Trung Quốc. 

Ông cũng nói rằng thời kỳ các huyền thoại kể về Thần Nông một cách sống động (đại thể là vào cuối thiên niên kỷ IV TCN) là một thời kỳ mà nông nghiệp Đông Nam Á đã thực sự phát triển.

Sau đó Trần Ngọc Thêm tuyên bố rằng “Như vậy, ‘Thần Nông’ thực chất là tên gọi biểu trưng cho những thành tựu tập thể của một giai đọan.”

Được rồi, vậy thì điều gì diễn ra ở đây?

Trần Ngọc Thêm cố gắng phủ nhận tính cổ xưa của lịch sử “Trung Quốc” và cố chứng tỏ rằng đã có những con người “phương Nam” là những người đầu tiên đã đạt được những thành tựu vĩ đại và sau đó thì họ đã được tích hợp vào “Trung Quốc”. Vì vậy “Trung Quốc” thực ra không vĩ đại. Vĩ đại chính là “phương Nam”. Và vì Việt Nam là một bộ phận của “phương Nam”, cho nên Việt Nam cũng vĩ đại.

Vậy thì chúng ta cần phải xem xét một số điểm yếu trong lập luận của ông.

Trước hết, Trần Ngọc Thêm trích dẫn Boddle để chỉ ra rằng lịch sử Trung Quốc sớm là huyền thoại, vì vậy mà không đáng tin cậy. Nhưng sau đó Trần Ngọc Thêm đã sử dụng thời gian thực khi các huyền thoại kể rằng Thần Nông là có thực để lập luận rằng điều đó phù hợp với thời gian mà nông nghiệp ở “Đông Nam Á” hưng thịnh, và vì vậy mà Thần Nông bằng cách nào đó đã gắn liền với nông nghiệp Đông Nam Á.

Nếu bạn ngờ vực lịch sử Trung Quốc sớm bằng cách nói rằng thông tin về nó là huyền thoại thì bạn không thể sử dụng chính các huyền thoại đó để làm niềm tin cho một lịch sử khác. Điều đó tuyệt đối phi logic.

Thứ hai, “phương Nam” là gì? Các sử gia Trung Quốc từ rất lâu rồi đã biết rằng Thần Nông gắn liền với “phương Nam”. Tôi cho rằng điều đó đã được đề cập trong các công trình sớm như Mạnh Tử. Và tất cả các sử gia đó đều biết rằng tín ngưỡng Thần Nông rốt cục thì cũng đã được tích hợp vào cái mà ngày nay chúng ta gọi là “văn hóa Trung Quốc”. 

Vấn đề không phải là ở chỗ đó. Vấn đề là cần xác định “phương Nam” thời cổ đại là gì.

Nếu chúng ta theo Trần Ngọc Thêm và trích dẫn công trình của các học giả phương Tây công bố trước năm 1950 thì chúng ta cần phải lưu ý rằng công trình nghiên cứu dân tộc học mô tả của Wolfram Eberhard, Lokalkulturen des Südens und Ostens, được công bố bằng tiếng Anh năm 1968 có tựa đề là Các văn hóa Địa phương ở Nam và Đông Nam Trung Quốc.

Trong công trình này, Eberhard đã viết như sau:

Khi xem xét toàn bộ các yếu tố trực tiếp hoặc gián tiếp gắn với Thần Nông, thì rõ ràng đó là một vị thần của những người làm nông lúa nước, gắn bó chặt chẽ với các hệ thống nông nghiệp và định cư của họ. Tuy nhiên vẫn có những mối liên hệ không thể phủ nhận với các văn hóa Ba Thục và Tây Tạng, và các mối liên hệ này cho thấy rằng Thần Nông có thể được xác định bằng các vị thần nông nghiệp khác cũng thường xuyên gắn liền với người Tây Tạng hoặc các nguồn gốc từ văn hóa Tây Tạng. Các mối liên hệ này bắt đầu hiện diện thông qua một thực tế là trung tâm của tục thờ cúng Thần Nông là ở nam Hà Nam và bắc Hồ Bắc, nơi gặp gỡ của các văn hóa Ba Thục và Thái.”     

Thông qua công trình dân tộc học mô tả của mình, Eberhard đã xác định được rằng trung tâm của tục thờ Thần Nông nguyên gốc là ở khu vực ngày nay thuộc nam Hà Nam và bắc Hồ Bắc, Trung Quốc. Trong thời cổ đại, đó chính là “phương Nam’ của thế giới Trung Hoa.

Trong khi khẳng định của Eberhard cho rằng có người Thái ở khu vực đó hiện vẫn là một vấn đề còn gây tranh cãi (Theo tôi, các học giả ngày nay cho rằng người Thái xuất hiện ở khu vực hiện giờ được gọi Quảng Tây), thì vấn đề không cần phải tranh cãi là thực tế thì vùng trung tâm của tục thờ cúng Thần Nông cách rất xa Việt Nam, và Việt Nam không liên quan gì đến thế giới đó trong thời cổ đại.

Tuy nhiên trong dự phóng dân tộc chủ nghĩa của Trần Ngọc Thêm thì “phương Nam” là mọi thứ “phi Trung Quốc”. Còn Việt Nam thì là một bộ phận của “phương Nam”. Vì vậy bất cứ cái gì diễn ra ở “phương Nam” thì đều liên quan đến Việt Nam, và đều thể hiện rõ ràng “các thành tựu tập thể”.

Mới có thế mà đã bao nhiêu là chuyện! Và đó mới chỉ là ba đoạn trong tổng số của một cuốn sách dày 690 trang!!! Trong khi còn rất nhiều điều khác nữa có thể nói về ba đoạn này, nhưng tôi nghĩ thông điệp có lẽ là sáng rõ.
______________________________________________


Nguồn:Deconstructing Trần Ngọc Thêm's Nationalist Propaganda, http://leminhkhai.wordpress.com/deconstructing-tran-ngoc-thems-nationalist-propaganda/

Tác giả: Trong trang blog leminhkhai.wordpress.com của mình, tác giả chỉ ghi đơn giản là Le Minh Khai, một con dê. Nhưng một nhà khảo cổ học nữ có tiếng của Việt Nam cho biết, tên thật của ông là Liam Kelley, Phó GS Lịch sử, Đại học Hawaii, Manoa. Nếu hai cái tên đó là một người thì công việc nghiên cứu và giảng dạy của ông chủ yếu là lịch sử Đông Nam Á, đặc biệt là lịch sử cổ trung đại Việt Nam. Ông đã xuất bản một cuốn sách về Thơ đi sứ và các bài viết về Khổng giáo và sự thay đổi của trí thức.Ngoài ra ông còn nghiên cứu về các chủ đề khác như sự sáng tạo các truyền thống thời trung đại Việt Nam và hiện tượng giáng bút cầu cơ tại Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ông cũng mới hoàn thành bản dịch tiếng Anh phần ngoại kỷ của bộ Đại Việt Sử ký Toàn thưKhâm định Việt sử Thông giám Cương mục. [http://www.engagingwithvietnam.com/speakers/].

Chú thích:

* Có thể hiểu đoạn tiếng Anh trên theo cách hơi khác với đoạn trích của GS. Trần Ngọc Thêm đôi chút là:

“Còn xa hơn 776 TCN thì chúng ta không thể tin ở họ được; nhưng nếu chúng ta chú tâm một chút thì sẽ thấy họ giải thích một cách tường tận về lịch sử Trung Hoa từ 3000 năm TCN, và trong số đó, những người sùng tín hơn, giống các nhà tiên tri phương Tây của chúng ta, còn mô tả cả thời tạo thiên lập địa nữa”.

**TNT: Trần Ngọc Thêm

***TCN: Trước Công Nguyên


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét