Powered By Blogger

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Kinh tế học Phật giáo - Trung đạo trong Thương trường (II)


Kinh tế học Phật giáo - Trung đạo trong Thương trường (II)

Ven. P.A. Payutto

Người dịch: Hà Hữu Nga

Đạo lý quyết định Kinh tế học như thế nào

Chắc chắn rằng sự phân biệt giữa kinh tế học và đạo đức học rất dễ nhận ra. Chúng ta có thể nhìn vào bất cứ hoàn cảnh kinh tế nào kể cả từ viễn cảnh thuần tuý kinh tế, hoặc từ một viễn cảnh thuần tuý đạo đức. Chẳng hạn, bạn đang đọc cuốn sách này. Từ viễn cảnh đạo đức, việc đọc của bạn là một hành động tốt, bạn được thúc đẩy bởi khát vọng hiểu biết. Đây là một phán xét đạo đức. Từ một viễn cảnh kinh tế, mặt khác, cuốn sách này dường như là một sự phí hoài các nguồn mà không có một lợi ích rõ ràng. Điều kiện tương tự cũng được thấy theo cách khác. Tuy nhiên hai quan điểm đó tương liên và ảnh hưởng lẫn nhau. Trong khi tư duy kinh tế học hiện đại phản đối bất cứ giá trị chủ quan nào chẳng hạn như đạo đức học, thì ảnh hưởng của đạo đức học trong các vấn đề kinh tế lại hoàn toàn rõ ràng. Nếu một cộng đồng mà không an toàn – nếu có những tên trộm, thì việc ăn trộm là một hành động tội ác, và những con đường là không an toàn khi ta đi lại – vậy thì rõ ràng là doanh nghiệp sẽ không đầu tư vào đó, khách du lịch sẽ không muốn đến đó, và nền kinh tế sẽ phải chịu thua thiệt. Mặt khác, nếu các công dân chấp hành luật và có kỷ luật tốt và có ý thức giúp đỡ duy trì sự an ninh và sạch sẽ của cộng đồng thì các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tốt để thành công và chính quyền thành phố sẽ không phải tiêu quá nhiều tiền để duy trì an ninh trật tự công cộng.

Kinh doanh phi đạo đức có những hậu quả trực tiếp. Nếu các doanh nghiệp cố tăng lợi nhuận bằng cách sử dụng cả những chất lượng không đảm bảo, chẳng hạn như dùng phẩm nhuộn làm màu cho kẹo của trẻ em, dùng các hoá chất thay thế cho nước cam, hoặc cho acid boric vào thịt viên (tất cả những hành động đó đều đã xảy ra ở Thái Lan trong những năm vừa qua) thì rõ ràng là sức khoẻ của người tiêu dùng đã bị đe doạ. Những người bị đau ốm bởi những hàng hoá như vậy phải chi phí cho thuốc men, còn chính phủ thì phải tiêu tiền cho cảnh sát tìm kiếm và truy tố bọn tội phạm. Hơn nữa những con người bị đau ốm sẽ không thể duy trì được năng suất lao động. Trong thương mại quốc tế, những người nào làm ăn gian dối làm mất đi lòng tin của khách hàng và bỏ mất thị trường quốc tế – cũng như mất đi những khoản ngoaị tệ kiếm được thông qua các thị trường này.

Phẩm chất đạo đức cũng ảnh hưởng đến sản lượng công nghiệp. Nếu các công nhân thích thú với công việc của họ và họ có tác phong công nghiệp thì sản lượng sẽ cao. Nhưng nếu họ không trung thực, khó chịu hoặc lười nhác thì sẽ có một kết quả tiêu cực đối với chất lượng sản xuất và số lượng sản phẩm. Khi được đưa ra thị trường, những người khách hàng trong một xã hội có những giá trị phù phiếm và hay thay đổi sẽ thích những sản phẩm hào nhoáng, phô trương. Trong một xã hội thực tiễn với các giá trị xã hội chín chắn và không hoang phí thì những người tiêu dùng sẽ lựa chọn những hàng hoá dựa vào mức độ đáng tin cậy của chúng. Rõ ràng là các hàng hoá được tiêu thụ trong các xã hội khác nhau này sẽ dẫn đến những kết quả kinh tế và xã hội khác nhau.

Quảng cáo kích thích hành vi kinh tế, nhưng lại thường không thể chấp nhận được về phương diện đạo lý. Quảng cáo liên quan đến các giá trị phổ biến: người quảng cáo phải phát hiện ra các ham muốn, các thiên hướng và khát vọng thông thường để tạo ra các quảng cáo. Bằng việc khai thác tâm lý xã hội quảng cáo tạo ra giá trị thông dụng cho các mục đích kinh tế, và vì tác động trở lại đối với tâm tư của công chúng nên nó có ý nghĩa đạo lý rất đáng kể. Dung lượng quảng cáo có thể tạo ra sự gia tăng chủ nghĩa vật chất và những hình ảnh hoặc thông điệp vụng về có thể gây hại không nhỏ đối với đạo đức công cộng. Rất nhiều quảng cáo làm cho công chúng ngập trong đam mê ích kỷ; các quảng cáo đó làm cho chúng ta trở thành những kẻ tiêu thụ hoàn hảo mà không còn bất cứ mục đích nào khác trong cuộc đời để theo đuổi nữa ngoài mục đích tiêu thụ các sản phẩm của nền công nghệ hiện đại. Trong quá trình đó, chúng ta bị biến đổi trở thành những “con ma đói” lúc nào cũng thèm được ăn và xã hội trở thành một đám đông lúc nào cũng sôi lên sùng sục bởi sự xung đột lợi ích.

Tuy nhiên quảng cáo cũng bổ sung vào tự thân giá trị sản phẩm. Vì vậy người ta có khuynh hướng mua những đồ vật không cần thiết với cái giá không không phải là đắt. Người ta thường rất lãng phí và phung phí quá mức. Mọi thứ chỉ được sử dụng trong một thời gian rất ngắn, sau đó lại đổi bằng những đồ vật mới, thậm chí ngay cả khi chúng vẫn còn rất tốt. Quảng cáo cũng góp phần dung dưỡng người ta phô trương của cải và quyền sở hữu như là một phương cách nhằm có được vị thế xã hội. Khi khát vọng đua đòi trở thành một tiêu chí chính yếu thì người ta sẵn sàng mua sắm cả những sản phẩm đắt tiền nhưng không cần thiết mà không hề quan tâm đến chất lượng của các sản phẩm đó. Trong những trường hợp cực đoan, người ta còn bị dẫn dắt bởi khát vọng thể hiện phong độ là thứ mà người ta bất chấp cả việc tiết kiệm các khoản tiền lớn bị đem ra phung phí vô ích cho những đồ vật mới nhất, hoặc chạy theo các mốt thời trang – người ta chỉ cần một hành động rất đơn giản và tiện lợi là sử dụng những tấm thẻ tín dụng. Việc chi tiêu quá mức những khoản tiền kiếm được có thể khiến người ta sa vào một vòng xoáy tội lỗi. Một mẫu mốt mới hơn được quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng và người ta phóng mình sâu hơn vào nợ nần. Bằng cách đó, việc quảng cáo phi luân có thể dẫn người ta tới phá sản về tài chính. Thật trớ trêu là với một lượng thông tin khổng lồ, hầu hết chúng đều được sử dụng để tạo ra những “thông tin sai lầm” hoặc các ảo tưởng.

Trong môi trường chính trị, người ta đưa ra các quyết định liên quan đến chính sách quảng cáo – trong lĩnh vực này cần phải có sự kiểm sóat, và nếu như vậy thì đó là loại kiểm soát nào? Người ta phải làm gì để đạt được sự cân bằng chính xác giữa các quan tâm về đạo đức và kinh tế? Giáo dục cũng liên quan mạnh mẽ đến lĩnh vực này. Những cách thức có thể sử dụng để dạy cho người ta thức tỉnh về việc quảng cáo họat động như thế nào để thể hiện nó, và để xem xem người ta tin tưởng vào nó được bao nhiêu. Một nền giáo dục tốt cần phải tìm cách làm cho người ta khôn ngoan, tỉnh táo và hiểu biết hơn trong khi quyết định mua sắm những loại hàng hóa nào. Vấn đề quảng cáo thể hiện các hành động thình hành trong xã hội có thể được nhìn nhận như thế nào từ nhiều quan điểm khác nhau, tất cả những vấn đề đó đều liên quan đến nhau.

Khi nhìn nhận vấn đề bằng một quan điểm rộng rãi hơn, người ta có thể thấy rằng hệ thống thị trường tự do tự thân chúng chắc chắn phải dựa vào một tối thiểu đạo lý. Quyền tự do của hệ thống thị trường tự do có thể bị biến mất thông qua các doanh vụ sử dụng các phương thức cạnh tranh vô sỉ; việc tạo ra một độc quyền nhờ ảnh hưởng là một ví dụ phổ biến, việc sử dụng những kẻ côn đồ để sát hại một đối thủ cạnh tranh là một cách thức dị giáo. Việc loại trừ đối thủ bằng bạo lực báo trước cái kết cục của hệ thống thị trường tự do, mặc dù đó là một phương thức hiếm khi được đề cập đến trong các cuốn ssách giáo khoa kinh tế học.

Hợp lý về phương diện đạo đức, họat động kinh tế có thể diễn ra theo cách không làm phương hại đến các cá nhân, xã hội hoặc môi trường tự nhiên. Nói cách khác, họat động kinh tế không nên tạo ra các vấn đề cho chính bản thân nó, tạo ra tâm trạng lo âu trong xã hội hoặc làm hủy hoại các hệ thống sinh thái, mà phải củng cố sự thịnh vượng trong ba quyển đó (kinh tế, xã hội và môi trường). Nếu các giá trị đạo lý trở thành một nhân tố phân tích kinh tế thì một bữa ăn rẻ tiền nhưng thịnh soạn vẫn có giá trị hài hòa hơn cả một chai whiskey.

Vì vậy một nền kinh tế học được gợi hứng bởi Phật giáo sẽ cố gắng nhìn nhận và chấp nhận chân lý của vạn vật. Nó đưa đến một cách nhìn rộng rãi và toàn diện hơn về vấn đề đạo lý. Khi đạo lý được xem như một chủ đề chính thống thì các vấn đề về đạo lý sẽ trở thành các nhân tố được nghiên cứu trong toàn bộ quá trình quan hệ nhân quả. Nhưng nếu vấn đề đó không được thừa nhận thì kinh tế học sẽ không có khả năng phát triển bất cứ sự hiểu biết nào về toàn bộ tiến trình nhân quả mà đạo lý là một bộ phận của nó.

Kinh tế học hiện đại được coi là một bộ môn có tính khoa học nhất trong số các khoa học xã hội. Thực tế thì khi tự hào về phương pháp hệ khoa học của mình, các nhà kinh tế học chỉ lấy định lượng để xem xét vấn đề. Một số người thậm chí còn quả quyết rằng kinh tế học thuần tuý là khoa học của các con số, một vấn đề của các phương trình toán học. Trong các nỗ lực để trở thành khoa học của nó, kinh tế học đã bỏ qua những giá trị trừu tượng, không thể định lượng.

Bằng cách xem xét họat động kinh tế biệt lập khỏi các hình thức họat động khác của con người, các nhà kinh tế học đã rơi vào sự chuyên môn hóa đặc trưng cho thời đại công nghiệp. Bằng cung cách chuyên môn, các nhà kinh tế học cố gắng loại bỏ các yếu tố phi kinh tế khỏi quá trình nghiên cứu các họat động của con người trong các công trình của họ để chỉ tập trung vào một lối nhìn duy nhất bằng con mắt chuyên môn của họ.

Trong những năm gần đây, các nhà phê bình kinh tế, và thậm chí ngay cả bản thân các nhà kinh tế cũng đã lên tiếng thách thức cái lập trường “khách quan” đó và khẳng định rằng cũng như tất cả các khoa học xã hội khác, kinh tế học là một khoa học có giá trị phụ thuộc nhất. Người ta có thể đặt câu hỏi là làm thế nào mà kinh tế học có thể thoát khỏi các giá trị khi mà trong thực tế nó có nguồn gốc từ tư duy của con người. Tiến trình kinh tế khởi đầu bằng nhu cầu, tiếp tục bằng chọn lựa, và kết thúc bằng sự thỏa mãn, tất cả các khâu đó đều là các họat động và chức năng của tư duy. Vì vậy các giá trị tuyệt đối là điểm khởi đầu, trung điểm và cùng đích của kinh tế học, và vì vậy kinh tế học không thể có ogiá trị tự do. Vậy mà nhiều nhà kinh tế học lại né tránh xem xét các giá trị, đạo lý, hoặc các phẩm chất tinh thần, bất chấp một thực tế là những vấn đề đó luôn luôn chuyển tải các mối quan tâm kinh tế. Khiếm khuyết của các nhà kinh tế học trong đào tạo về đạo lý, sự vô minh của họ về các công trình giá trị tinh thần và dục vọng của con người chính là những thiếu sót căn bản ngáng trở họ giải quyết các vấn đề mà họ cần phải giải quyết. Nếu thế giới được cứu độ khỏi sự hủy hoại của nạn tiêu thụ và sản xuất quá đáng thì các nhà kinh tế học cần phải bắt đầu hiểu ra tầm quan trọng của đạo lý đối với lĩnh vực của họ. Dù cho ngay cả khi có thể nghiên cứu sinh thái thì họ cũng cần phải nghiên cứu đạo lý và bản chất các khát vọng của con người và tìm hiểu con người một cách thấu suốt. Đây chính là một lĩnh vực mà Phật giáo có thể trợ giúp đáng kể cho họ.


Chương II: Quan điểm Phật giáo về Bản chất con người

Theo các Kinh điển Phật giáo, thì con người được sinh ra trong tình trạng vô minh. Vô minh là thiếu tri thức, và thiếu tri thức đã gây nên các vấn đề trong cuộc sống. Cái mà con người sinh ra trong vô minh và phải chịu phiền não bởi vô minh ngay từ khi chào đời sẽ trở nên rất rõ ràng khi quan sát tình cảnh của một đứa trẻ sơ sinh, nó không thể nói được, trông mong được ăn và thậm chí phải tự kiếm lấy mà ăn.

Vô minh là một giới hạn có thật trong cuộc đời, đó là một gánh nặng, một vấn đề. Trong Phật giáo, gánh nặng này được gọi là dukkha hoặc khổ. Vì con người sinh ra trong vô minh nên nó không thực sự biết phải sống như thế nào. Không có sự dẫn dắt của tri thức hoặc trí tuệ, con người chỉ đơn giản buông theo những dục vọng của mình bằng cách vật lộn trong sự dẫn dắt của dục vọng để sống còn trong một thế giới thù địch. Trong Phật giáo, dục vọng mù quáng ấy được gọi là tanha.

Tanha có nghĩa là dục, tham vọng, bất an, hoặc khao khát. Nó duyên khởi từ cảm tính và bắt nguồn từ vô minh. Bất cứ khi nào, bất cứ một loại cảm giác nào được trải nghiệm thì nó đem lại tình trạng thoả mãn hay bất mãn – như một cảnh đẹp hoặc một phong cảnh điêu tàn, hoặc một thanh âm êm dịu hay chối tai – đều được gây nên bởi một cảm giác, kể cả thoả mãn, bất mãn hay bình thường. Tanha khởi lên cùng với cảm giác: nếu cảm giác thoả mãn thì khởi lên khát vọng chiếm giữ nó; nếu cảm giác bất mãn thì khởi lên ý muốn thoát khỏi hoặc huỷ bỏ nó; nếu cảm giác trung tính thì mong manh một ái kết. Những phản ứng này là tự nhiên, chúng không đòi hỏi bất cứ một định thức hoặc tri thức đặc biệt hoặc sự hiểu biết nào. (Ngược lại nếu một suy tư nào đó cắt đứt quá trình bất cứ khi nào thì tanha có thể bị chặn đứng và quá trình lại được khơi thông thành một dạng mới.

tanha quá gắn bó với cảm tính nên nó có xu hướng tìm bằng được những vật đem lại cảm giác thoả mãn, cơ bản gồm có 6 loại cảm giác: cảnh sắc, âm thanh, mùi, vị, xúc giác và tình cảm. Nổi bật nhất của những loại cảm giác này là 5 cảm giác đầu, được biết như là ngũ khoái. Sáu đối tượng cảm giác và đặc biệt là 5 đối tượng đầu là những thứ mà tanha tìm cho ra và ấn định chúng. Trong bối cảnh đó, định nghĩa của chúng ta về tanha có thể được mở rộng: tanha là dục vọng về các đối tượng cảm giác, là những thứ có thể đem lại khoái cảm hoặc dục vọng về các cảm giác khoái lạc. Nói tóm lại tanha có thể được gọi là muốn sở hữu hoặc muốn giành được.

Cách thức hoạt động của tanha có thể nhìn thấy rất rõ trong các nhu cầu cơ bản về đồ ăn. Mục đích sinh học của ăn là để nuôi dưỡng cơ thể, cung cấp cho nó sức mạnh và sự an lạc. Chiếm chỗ nhu cầu sinh học này là mong muốn tận hưởng, mong muốn thoả mãn vị giác. Đó chính là tanha. Đôi khi dục vọng của tanha có thể hoàn toàn lạc lõng khỏi sự an lạc, và thậm chí có thể có hại đối với chất lượng sống. Nếu chúng ta bị tanha áp đảo khi ăn chứ không phải là ăn vì mục đích nuôi dưỡng cơ thể và đem lại sự an lạc, thì có nghĩa là chúng ta ăn để nếm trải khoái cảm. Kiểu ăn như vậy sẽ không có tận cùng và có thể dẫn đến những vấn đề cho cả cơ thể lẫn trí tuệ. Đồ ăn có thể ngon miệng, nhưng chúng ta có thể phải chịu khổ vì chứng khó tiêu hoặc tình trạng béo phì. Trong một mức độ lớn, chi phí xã hội cho việc tiêu thụ quá mức, chẳng hạn như việc kiệt quệ các nguồn tự nhiên và chi phí cho chăm sóc sức khoẻ, mà chưa nói đến tội ác, phá sản và các cuộc chiến tranh đã là một khoản khổng lồ.

Kinh tế học hiện đại và Phật giáo đều nhất trí rằng nhu cầu của con người là không có giới hạn. Như Đức Phật dạy: “Không có dòng sông nào giống như dòng sông dục” [Dh. 186], các dòng sông thỉnh thoảng vẫn tràn đầy đôi bờ, nhưng nhu cầu của con người thì lại không bao giờ đổ đầy được. Cho dù tiền có rơi từ trời xuống như mưa thì dục vọng của con người vẫn không bao giờ được thoả mãn [Dh. 251]. Đức Phật còn dạy rằng ngay cả khi người ta có thể làm phép biến một ngọn núi thành hai ngọn núi vàng thì nó vẫn không làm cho một con người mãn nguyện dài lâu [S.I. 117]. Trong truyền thống Phật giáo còn có vô số lời dạy nói về bản chất không cùng của nhu cầu con người. Tôi chỉ muốn liên hệ với một câu chuyện được kể trong Jataka Tales [J.II.310].

Ngày xửa ngày xưa có một vị vua tên là Mandhatu. Ông là một người cai trị, một hoàng đế đầy sức mạnh và sống rất lâu. Mandhatu có toàn bộ vật dụng, của cải của một vị hoàng đế; chỉ duy nhất ông vua này mới có mọi thứ mà ai cũng phải thèm muốn: ông làm hoàng tử 84.000 năm, thái tử 84.000 năm và sau đó làm hoàng đế 84.000 năm.

Một ngày kia, sau khi đã ở ngôi 84.000 năm, vua Mandhatu bắt đầu cảm thấy buồn chán. Số tài sản khổng lồ mà ông có cũng không làm cho ông mãn nguyện. Các triều thần thấy có một điều gì đó bất ổn và hỏi điều gì đã làm cho Hoàng đế không vui. Ông đáp “Của cải và khoái lạc mà ta có được chỉ là chuyện vặt. Hãy nói cho ta biết có bất cứ nơi nào cao hơn nơi này không? “Trên trời, thưa Bệ hạ!” – các cận thần đáp. Ngay lập tức một  báu vật của nhà vua là cakkaratana, (Bảo luân xa) một bánh xe có phép thuật có thể đưa nhà vua đi bất cứ nơi đâu ông muốn đã được chuẩn bị sẵn sàng. Vậy là Vua Mandhatu đã sử dụng nó để lên Trời của Tứ đại Thiên vương. Tứ đại Thiên vương đích thân ra đón chào nhà vua, nghe vua kể về mong ước của mình, đã mời ông tiếp quản toàn bộ cõi Trời của họ.

Vua Mandhatu thống trị Trời tứ đại thiên vương trong một thời gian rất dài, cho đến một ngày kia ông lại bắt đầu cảm thấy chán nản. Lạc thú và của cải của cõi Trời ấy vẫn không làm cho nhà vua mãn nguyện. Ông bàn bạc với quần thần và nghe nói có những lạc thú lớn hơn trên cõi trời Đao Lợi (Tavatimsa, Pali- Trayastrmsa, Phạn). Thế là vua Mandhatu lại lấy bánh xe pháp của ông để lên cõi trời Tavatimsa. Tại đây, Đế Thích đã lập tức tặng ông một nửa Cõi trời của mình.

Nhà vua cùng Đế Thích cai trị cõi trời trong một thời gian dài, đến khi Đế Thích thành công quả và được thay bằng một Tân Đế thích. Tân Đế thích trị vì cõi trời Đao Lợi được một nửa thời gian. Tất cả có 36 Đế Thích đến và đi, trong khi vua Mandhatu vẫn hưởng lạc thú trong cõi của mình.

Cuối cùng ông bắt đầu cảm thấy bất mãn – một nửa cõi trời không đủ, ông muốn cả cõi. Thế là vua Mandhatu lập mưu giết Đế Thích để thay thế ông. Nhưng con người không thể giết được Đế Thích, vì người trần không giết được người trời, vậy là ông không toại nguyện. Sự bất lực không thoả mãn được dục vọng đã bắt đầu làm chết dần chết mòn chính cái cội rễ của ông và làm cho ông bắt đầu già nua.

Bỗng ông rơi khỏi cõi trời Đao Lợi xuống đến đất. Ông rơi vào một vườn cây ăn trái đang vang động tiếng đấm đá. Khi những người làm trong vườn nhận thấy một nhà vua vĩ đại đã tới, một số người đã bắt đầu lên đường đi báo cho Hoàng cung còn những người khác thì tức tốc làm cho ông một chiếc ngai tạm thời để ông ngồi. Lúc đó nhà vua đã gần kề cái chết.  Hoàng gia đến, nhìn thấy và hỏi xem ông có trăng trối điều gì không. Nhà vua tuyên bố về sự vĩ đại của mình. Ông nói với họ về cái quyền lực vĩ đại và số của cải mà ông đã có trên trái đất, nhưng cuối cùng phải thừa nhận rằng khát vọng của ông vẫn không thành. Câu chuyện về Vua Mandhatu chỉ có như vậy. Nó cho thấy Phật giáo chia sẻ với kinh tế học quan điểm rằng nhu cầu của nhân loại là bất tận.

Còn nữa...

Ghi chú: [*] Nhỏ là đẹp, Tầm vóc của kinh tế học trong con mắt công chúng, công trình của E.F. Schumacher, Blond và Briggs Ltd., xuất bản lần đầu tiên, London 1973.

Nguồn: Buddhist Economics – A Middle Way for the Market place by Ven. P.A. Payutto. Translated into English by Dhammavijaya and Bruce Evans; Compiled by Bruce Evans and Jourdan Arenson. http://www.buddhanet.net/cmdsg/payutto.htm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét