Các Lạc dân đầu tiên cộng tác với người Hán
Le Minh Khai
Người dịch: Hà Hữu Nga
Lời người dịch: Trên trang mạng leminhkhai.wordpress.com có một số bài viết ngắn đề cập đến các vấn đề quan trọng về lịch sử, văn
hóa Việt Nam. Chúng tôi cố gắng dịch và chuyển tải đến những ai liên quan -
quan tâm, và mong rằng các vị sẽ có các trao đổi giúp làm rõ vấn đề mà tác giả
Le Minh Khai đặt ra.
[Tôi vừa nhận ra là có một vấn đề
với các suy nghĩ của tôi ở đây. Tôi chỉ nói đôi chút và sẽ rời vấn đề này lại cho một bài viết sắp tới]
Trong đoạn viết ngắn ở dưới “Có các
“Lạc” vương hoặc “Hùng” vương hay không? Hoặc cả hai đều không có?” về tài liệu
lịch sử có tên gọi 交州外域記 Giao châu Ngoại vực ký được dẫn trong 水經注 Thủy Kinh chú của Lịch Đạo Nguyên và đoạn này có vẻ là một tham chiếu quan trọng đối với
vùng châu thổ Sông Hồng trong thời Bắc thuộc. Ở đây tôi xin được thảo luận chi
tiết đôi chút về đoạn trích dẫn đó.
Trước khi thảo luận, chúng ta hãy
đọc lại đoạn trích dẫn trong sách Thủy Kinh chú: 交州外域記曰,交趾昔未有郡縣之時,土地有雒田,其田從潮水上下,民墾食其,名為雒民.設雒王雒侯主諸郡縣.縣多為雒將.雒將銅印青綬.
Giao Châu ngoại
vực kí viết, Giao Chỉ tích vị hữu quận huyện chi thì, thổ địa hữu lạc điền, kì
điền tòng triều thủy thượng hạ, dân khẩn thực kì điền, danh vi lạc dân. Thiết lạc
vương lạc hầu chủ chư quận huyện. Huyện đa vi lạc tướng. Lạc tướng đồng ấn
thanh thụ.
“Giao
châu Ngoại vực ký chép rằng khi chưa chia thành quận huyện, Giao Chỉ đã có
ruộng Lạc, theo nước triều lên xuống, người làm ruộng ấy mà ăn gọi là Lạc dân.
Đặt chế độ Lạc vương, Lạc hầu làm chủ các quận huyện này. Phần nhiều các huyện
đã có các Lạc tướng. Lạc tướng đeo ấn đồng quai thao xanh”.
Có một khía cạnh của đoạn
trích này đã bị hiểu lầm. Tôi đã nói đến trong “Bắc và Nam trong Bình Ngô đại
cáo”, cho rằng trong điển sách Trung Quốc, chủ thể vẫn là chủ thể đó trước khi
có chế độ quận huyện mới của người Hán. Đoạn này bắt đầu bằng việc nói về những
con người và các sự kiện trước khi vùng châu thổ Sông Hồng được sát nhập vào đế
quốc Hán (tức là trước khi Giao Chỉ được chia thành quận huyện). Đoạn trích có
nói đến “lạc dân”. Sau đó lại tiếp tục nói về việc sắp xếp các vị trí cai
quản các “quận huyện”.
Vậy thì ai xếp đặt các vị trí này?
Chủ ngữ trước câu vô chủ này là “lạc dân”. Theo đó về phương diện ngữ pháp phải
là “lạc dân” xếp đặt các lạc vương, lạc hầu. Tuy nhiên điều đó chẳng có chút ý
nghĩa nào bởi vì: 1) người cai trị xếp đặt các vị trí chứ không phải là “dân”
bổ nhiệm. và 2) những vùng đất được bổ nhiệm người cai quản là “các quận huyện”
do người Trung Quốc lập nên.
Cách diễn giải dễ nhất cho câu hỏi
tại sao nội dung và ngữ pháp đoạn trích không ăn nhập với nhau là khi Lịch Đạo
Nguyên viết Thủy Kinh chú, ông đã tóm lược một số đoạn được dẫn từ các bộ sách
khác nhau. Đây là một thực tiễn cực kỳ thông dụng. Thực tế Đại Việt sử ký Toàn thư cũng đã làm như vậy khi viết về thời Bắc
thuộc. Đôi khi người đọc chỉ có thể hiểu được văn bản mà Đại Việt sử ký Toàn thư dẫn bằng cách tham chiếu nguyên bản.
Trong bất cứ trường hợp nào thì đoạn
trên cũng bắt đầu bằng việc quy về một thời đoạn trước khi thành lập các quận
huyện, và vậy thì đoạn đó kết thúc bằng việc các lạc dân được bổ nhiệm để cai quản các quận huyện. Cuối cùng “ấn
đồng, quai thao xanh” chính là các biểu chương mà người Hán đã trao cho những
người được bổ nhiệm đó. Hai từ “青綬” thanh thụ
- thao xanh trong Hán thư và Hậu Hán thư cũng chính là thời mà các lạc dân có lẽ đã được bổ nhiệm để thay
mặt người Hán cai quản các quận huyện trên.
Vì vậy, mặc dù về mặt ngữ pháp đoạn
trích này có đôi chút mù mờ, nhưng nội dung thì lại cực kỳ rõ ràng. Đoạn sử sớm
này về đồng bằng châu thổ sông Hồng chính là một diễn giải về sự cộng tác. Đó
là một ghi chép về sự cộng tác của một số lạc
dân với các chúa tể Hán. Tất nhiên có lẽ không phải tất cả các lạc dân đều cộng tác, nhưng cần phải lưu
ý một điều rất quan trọng là đoạn này là nói về sự cộng tác, mà theo tôi cho
đến bây giờ vẫn chưa hề có ai chỉ ra hoặc nhận thấy.
"Đến bây giờ vẫn chưa hề có ai chỉ ra hoặc nhận thấy". Câu hỏi là: Điều mà tác giả nhận thấy và chỉ ra có thực sự tồn tại hay không?
Trả lờiXóaTác giả căn cứ vào đoạn trích trong Thủy Kinh chú để kết luận rằng: Thời Giao chỉ chưa có quận huyện thì có lạc dân. Nhưng đến thời có quận huyện thì xuất hiện các lạc hầu, lạc vương cai quản. Tác giả đặt câu hỏi: Các lạc hầu, lạc vương này từ đâu ra? Tác giả cho rằng: Tuy ngữ pháp của đoạn văn là mù mờ, song nội dung thì khá rõ. Tác giả lập luận: Người cai trị xếp đặt các vị trí, chứ không phải dân bổ nhiệm. Và vùng đất được bổ nhiệm người cai quản thì do Trung Quốc lập nên. Tác giả còn được củng cố bởi bằng chứng về quyền lực của nhà Hán là ấn đồng, quai thao xanh mà các lạc vương, lạc hầu đeo. Từ đó Tác giả kết luận: Lạc hầu, lạc vương là do một số lạc dân cộng tác với chúa tể Hán.
Bài viết của Tác giả cho người đọc nhận thức rằng: Nhà Hán đặt ra quận huyện và đặt ra chức tước Lạc vương Lạc hầu ở Giao Chỉ.[từ những lạc dân cộng tác để thay mặt mà cai trị]
Thế nhưng có 1 đoạn trích khác, cũng nằm ngay trong Thủy Kinh chú[mà tác giả không thể không biết đến nó], đó là:
"Vua nước (Nam) Việt sai hai sứ giả trông coi dân hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân, sau nhà Hán sai Phục ba tướng quân là Lộ Bác Đức đánh vua nước Việt, Lộ tướng quân đến quận Hợp Phố, vua nước Việt sai hai sứ giả đem một trăm con bò, một ngàn vò rượu cùng sổ hộ khẩu dân hai quận đến gặp Lộ tướng quân, bèn bái hai sứ giả làm Thái thú của hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân, các Lạc tướng vẫn trị dân như cũ”.
Theo như đoạn trích này thì, nhà Hán sai Lộ tướng quân đánh Nam Việt, vua Nam Việt cử 2 sử giả trông coi Giao Chỉ và Cửu Chân dâng sổ hộ khẩu lên Lộ tướng quân. Lộ tướng quân bái 2 sứ giả này làm Thái thú và để các Lạc tướng trị dân như cũ.
Vậy trước khi nhà Hán đặt quận huyện ở Giao Chỉ, thì ở Giao Chỉ đã có các lạc tướng trị dân rồi. Nên nói nhà Hán đặt ra các lạc vương lạc hầu để cai quản là mâu thuẫn. Có sự cộng tác, nhưng đó là cộng tác giữa các lạc tướng có từ trước khi nhà Hán đến với chúa tể Hán khi nhà Hán đến. Còn các lạc tướng có từ trước khi nhà Hán đến do đâu mà có thì lại là chuyện khác.
Câu hỏi thêm là: Có 2 đoạn trích trong cùng 1 tác phẩm, có nói về việc xuất hiện của các lạc vương. Nhưng vì sao tác giả lại chỉ sử dụng 1 đoạn trích để từ đó kết luận! Trong khi 2 đoạn trích cho thấy sự đối lập, phải chăng tác giả đã thiên vị?