Luận cứ Khun của Trần Quốc Vượng: Tại sao học thuật
Việt Nam không tiến bộ?
Le
Minh Khai
Người dịch:
Hà Hữu Nga
Lời người dịch: Trên trang mạng leminhkhai.wordpress.com
có một số bài viết ngắn đề cập đến các vấn đề quan trọng về lịch sử, văn hóa
Việt Nam; đề cập đến các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa hàng đầu của Việt Nam.
Chúng tôi cố gắng dịch và chuyển tải đến những ai liên quan - quan tâm, và mong
rằng các vị sẽ có các trao đổi giúp làm rõ vấn đề mà tác giả Le Minh Khai đặt
ra nhằm thúc đẩy học thuật phát triển.
Trong một bài viết có nhan đề Về Danh Hiệu ‘Hùng Vương in trong Hùng Vương Dựng Nước, Tập III, (tập này xuất bản năm 1973, nhưng bài viết đã được trình bày tại Hội nghị vào cuối những năm 1960), Trần Quốc Vượng cho rằng “Hùng” có lẽ là một âm cổ để gọi một thủ lĩnh quốc gia, dân tộc. Tương tự như vậy ông cho rằng thuật ngữ “khun” cũng được các tộc người nói ngôn ngữ Mon-Khmer và Tày Thái sử dụng.
Trần Quốc Vượng còn cho rằng từ đó có mối liên hệ với từ “khunzt” trong ngôn ngữ Mundari. Mundari là một ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Nam Á mà chủ nhân của nó là những tộc người hiện sống ở Bắc Ấn, Bangladesh và Nepal, gọi chung là người Munda.
Sau đó Trần Quốc Vượng sử dụng thông tin này để chứng tỏ rằng vào thời “Hùng vương dựng nước” đã có mối quan hệ gần gũi giữa những tộc người nói các ngôn ngữ Nam Á và Tày Thái.
Ở đây xuất hiện nhiều vấn đề với luận cứ ngôn ngữ học của Trần Quốc Vượng, mà tôi sẽ quay trở lại bên dưới. Tuy nhiên suy cho cùng thì bài viết này không phải nói về ngôn ngữ học, mà về việc tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc dưới dạng một nghiên cứu học thuật. Điều Trần Quốc Vượng muốn chứng tỏ là nhiều tộc người khác nhau sống trong nhà nước dân tộc hiện đại Việt Nam đã có quan hệ gần gũi, thân thiện, hợp tác ngay từ buổi ban đầu.
Năm 1983, Keith Taylor dẫn bài này của Trần Quốc Vượng khi ông viết trong cuốn The Birth of Vietnam như sau: “Theo một nghiên cứu mới đây của người Việt thì cái tên Hùng có nguồn gốc từ một danh hiệu thủ lĩnh thuộc các nhóm tộc người thuộc ngữ hệ Nam Á vẫn còn được duy trì cho đến tận ngày nay trong các tộc người nói ngôn ngữ Mon-Khmer sống ở các vùng núi Đông Nam Á, cũng như ở người Mường, một ngôn ngữ chị em miền núi của tiếng Việt; danh hiệu đó còn thấy ở người Munda, bắc Ấn Độ, là những nhóm nói các ngôn ngữ ở vùng cực tây của ngữ hệ Austrasiatic.
Taylor đã bỏ qua các ngôn ngữ Tày Thái, có lẽ vì sứ mệnh của ông trong cuốn sách này là chứng tỏ rằng có một tuyến kết nối trực tiếp giữa người Việt thuộc thời “Hùng Vương” với những người xuất hiện “độc lập” trong thế kỷ 10 với “sự ra đời của nước Việt Nam”. Taylor không quan tâm gì đến các tộc người không-phải-Kinh. Ông chỉ đơn giản muốn chứng minh rằng người Kinh đã có ngôn ngữ và văn hóa riêng trước thời Bắc thuộc, và họ vẫn kiên trì tồn tại qua hàng ngàn năm.
Giờ đây chúng ta hãy nhìn vào bằng chứng của Trần Quốc Vượng. Ông cho rằng ba từ sau có liên quan đến nhau: hùng, khun, và khunzt.
Trước hết các từ không đồng thời xuất hiện trong các ngôn ngữ thuộc các ngữ hệ khác nhau. Một từ trước tiên có thể xuất hiện trong một ngôn ngữ nào đó, rồi nó được các ngôn ngữ khác chấp nhận. Khi điều đó xảy ra thì một điều gì đó có thể sẽ biến đổi. Tuy nhiên các nhà ngôn ngữ học đã xác lập quy tắc cho trường hợp này.
Trần Quốc Vượng cho rằng các phụ âm đầu “h,” “kh,” và “k” có thể hoán đổi cho nhau. Ở một phạm vi nào đó thì điều đó là đúng, nhưng các nhà ngôn ngữ xác lập các quy tắc bằng cách xem xét vô số ví dụ để, chẳng hạn như, cho rằng khi một từ bắt đầu bằng “kh” trong ngôn ngữ “A” được những người nói ngôn ngữ “B” chấp nhận, thì âm tiết đầu “k” bị rụng mất và họ chỉ còn giữ lại “h”. Tương tự như vậy đối với các âm cuối từ, chẳng hạn các âm cuối rất khác nhau là “n”, “ng”, và “nzt” mà Trần Quốc Vượng không nhắc đến.
Nói cách khác Trần Quốc Vượng không đưa ra được một lập luận đáng tin cậy trong bài viết này. Ông có ba từ dường như tương đồng nhau, nhưng ông không giải thích từ nguyên là gì, các từ đó được vay mượn từ ngôn ngữ nào và những biến đổi ngôn ngữ nào đã xảy ra khi điều đó diễn ra.
Cuối cùng nguồn tư liệu của từ tiếng Mundari “kunzt” (Bhaduri’s, A Mundari-English Dictionary, 1931) mà Trần Quốc Vượng sử dụng không phải là nguồn đáng tin cậy nhất đối với ngôn ngữ đó, nhưng có lẽ ông chỉ có tư liệu đến mức đó. Nguồn tư liệu đáng tin cậy hơn là công trình nhiều tập Encylcopaedia Mundarica (1930-79) của John Hoffmann, trong đó từ này được phiên âm là “khut”, một cách chuyển âm làm giảm tính tương đồng với “khun” và “hùng”.
Thế là sau khi phê phán tri thức ngôn ngữ của Trần Quốc Vượng thì tôi sẽ đưa ra lập luận không cần tư liệu của tôi, nhưng đó lại là một lập luận mà tôi khẳng định nhờ các nhà ngôn ngữ học Thái. “Khun” là một từ chúng ta vẫn thấy trong các ngôn ngữ Tày Thái. Các ngôn ngữ Thái vùng Tây Nam bắt đầu phát triển tách biệt khỏi các ngôn ngữ Tày Thái khác vào quãng thế kỷ 9-10, hoặc đại loại như vậy. Ở Việt Nam ngày nay, các ngôn ngữ được gọi là “Thái” chính là các ngôn ngữ Thái vùng Tây Nam.
Vì vậy khi “khun” xuất hiện trong các ngôn ngữ Thày Thái Tây Nam thì đó là một từ đã được vay mượn từ tiếng Hán 君 quân. Từ này tiếng Hán bạch thoại phát âm là “jun”, nhưng thời trung đại thì nó được phát âm khác, và đó chính là cội nguồn của âm “khun” trong các nhóm Thái tây nam, cũng chính là âm “cun/khun” trong tiếng Mường và thậm chí cả âm “kun” trong tiếng Nhật, một từ mà ngày nay sử dụng như một phân từ thêm vào các tên gọi khi nói đến ai đó một cách không xã giao, chẳng hạn như “Koji-kun”, nhưng trong quá khứ nó lại được sử dụng theo cách khác.
Nói cách khác, có một từ mà trong lịch sử cả các tộc người nói tiếng Mường và tiếng Tày Thái ở Việt Nam (và có lẽ cả các nhóm nguyên – Việt nữa) đều chia sẻ. Tuy nhiên nó lại không liên quan gì đến thời cổ đại, ngôn ngữ Việt cổ, hoặc các vua Hùng. Tôi phỏng đoán nó là một từ gia nhập các ngôn ngữ này vào gần cuối thiên niên kỷ Bắc thuộc, khi ngôn ngữ Tày Thái tây nam bắt đầu phát triển.
Bất kể tôi nghĩ gì thì rõ ràng là lý lẽ về ngôn ngữ học của Trần Quốc Vượng cũng không có cơ sở, và cho dù quan điểm này được lặp lại, lặp lại nữa, lặp lại mãi trong các văn bản tiếng Việt (xem chẳng hạn trang 25, Tiến Trình Lịch Sử Việt Nam do Nguyễn Quang Ngọc chủ biên).
Đây chỉ là một ví dụ nhỏ về một vấn đề nhàm chán trong học thuật Việt Nam. Cần phải có người đưa ra các ý tưởng hoàn toàn mới. Các học giả có lẽ đều biết điều đó là không chính xác, nhưng không ai viết bất cứ điều gì để trực tiếp bác bỏ lập luận đó. Vì vậy mà không hề có quá trình xem xét, phê phán các ý tưởng cũ, làm cho chúng cứ lặp đi lặp lại và tái xuất bản mãi. Kết quả là học thuật không bao giờ tiến bộ. Các ý tưởng cũ kỹ đó vẫn cứ quay vòng hoài trong nhiều thập kỷ.
Nguồn: leminhkhai.wordpress.com/tran-quoc-vuong-khun-argument-why-vietnamese-scholarship-doesnt-progress/2011/02/28
Thưa bác Nga,
Trả lờiXóaCho cháu hỏi về đoạn văn dịch này "một từ mà ngày nay sử dụng như một phân từ thêm vào các tên gọi khi nói đến ai đó một cách không xã giao, chẳng hạn như “Koji-kun”, nhưng trong quá khứ ..."
Như vậy ý của tác giả rằng chữ "君 quân", “cun/khun”, “kun” ngày nay khi ghép vào tên người là mang một ý không tốt đẹp, phải không ạ ?
Nếu vậy thì thật lạ. Người Thái (Thái Lan) hiện nay, dùng chữ "Khun" đi trước tên người, với ý tôn trọng, giống như "Sir" trong tiếng Anh.
Kính,
Nguyễn Quang Toản.
Trả lờiXóaBạn Quang Toản thân,
Tôi nghĩ rằng GS. Le Minh Khai [đang, sẽ] là một trong những sử gia nước ngoài có ảnh hưởng lớn đến nền sử học Việt Nam trong một tương lai gần. Ông ấy có rất nhiều ý tưởng mới mẻ và khác biệt về các vấn đề lịch sử, văn hóa Việt Nam, và đặc biệt là về giới sử học Việt Nam; với tư cách cá nhân, tôi tôn trọng ý tưởng của ông ấy khi thấy nó thật sự trung thực. Tôi hy vọng sẽ dịch và công bố thêm nữa các entries và nếu có thể, thì cả các công trình sử học của ông ấy liên quan đến Việt Nam. Riêng tôi luôn thầm biết ơn những con người như vậy, dù tôi tham gia tranh luận với họ; và dù suy nghĩ của họ khác tôi đến thế nào. Nhờ những người như vậy mà tôi có thể cải thiện được vốn tri thức và sự hiểu biết của mình.
Thân
Hà Hữu Nga
Thưa bác Nga,
Trả lờiXóaQuả thật cháu rất thích các "ý tưởng mới mẻ và khác biệt về các vấn đề lịch sử, văn hóa Việt Nam, và đặc biệt là về giới sử học Việt Nam". Ở đây thì cháu không dám bình về bài viết của Le Minh Khai (LMK), mà chỉ thắc mắc một ý nhỏ trong đó, rằng:
Ngày nay người ta dùng từ Khun "như một phân từ thêm vào các tên gọi khi nói đến ai đó một cách không xã giao"
Cháu hiểu "không xã giao" là "không tôn trọng". Trong khi tại Thái Lan hiện nay, người ta dùng từ Khun với nghĩa ngược lại. Ví dụ:
1. Khop Khun = Cám ơn. Khun lúc này có nghĩa là YOU, không phân biệt người được cám ơn là nam hay nữ, cao hay thấp (địa vị, tuổi tác...).
2.Khun Nguyễn Minh Triết = Ngài Nguyễn Minh Triết. Khun lúc này tương đương như Sir trong tiếng Anh. Người Thái dùng để chỉ người khác cao hơn về địa vị, tuổi tác, giai cấp.
Thực tế tiếng Thái cháu chỉ biết lõm bõm vài chữ, nhưng có nhiều người bạn Thái Lan 100% nên 2 điều trên đảm bảo là đúng. Do vậy khi LMK nêu rằng chữ Khun ghép vào tên người là không lịch sự, thì sai hoàn toàn, ít ra là tại xã hội Thái Lan hiện nay, một quốc gia quân chủ, rất tôn trọng ngôi thứ.
Kính,
Nguyễn Quang Toản
Trả lờiXóaBạn Quang Toản thân mến,
Tôi mất cả ngày nghỉ [và cứ đà này thì sẽ là tất cả mọi ngày nghỉ] vì những câu hỏi không dễ nhưng thú vị mà bạn đặt ra [và biết đâu cái cách phản-nghỉ ngơi như vậy lại còn thú vị hơn cả nghỉ ngơi nữa cũng nên].
Xin được nhận rằng để người đọc hiểu nhầm đoạn dịch Le Minh Khai, đó là lỗi của tôi: i) chữ “phân từ” tôi không nói rõ đó là từ loại gì, mà ý của Le Minh Khai chỉ đơn giản là một mạo từ, phó từ, giới từ, tiếp đầu ngữ, một tiền tố đi trước (hoặc sau) một từ khác, mà trong trường hợp này thì loại từ đó chính là 君 quân", “cun/khun”, “kun” (ví dụ kun Nga, không thể nói kun Hà, vì người Thái luôn đặt kun trước tên riêng, không bao giờ trước họ); ii) từ “không xã giao” [informal manner] tôi cũng mắc lỗi dịch mù mờ, trong trường hợp của Le Minh Khai hoàn toàn có thể dịch là thân mật, gần gũi; và hình như ông ấy cũng chỉ nói về trường hợp tiếng Nhật, chứ không phải chữ “khun” trong tiếng Thái; hơn nữa, việc thay đổi nghĩa theo thời gian và theo ngữ cảnh cũng là điều bình thường. Ngay trong tiếng Việt, từ ‘quân’ rõ ràng có liên quan đến chữ Hán để chỉ người tôn quí là vua, là bác, là anh nhưng chúng ta vẫn có một chữ ‘quân’ thật đời thường khác như ‘quân kẻ cướp’, ‘quân đểu giả’. Nhưng điều đó không quan trọng gì, nói lại để khỏi hiểu lầm mà thôi. Điều quan trọng liên quan đến chữ คุณ khun mà tôi muốn làm rõ:
i) Theo cách hiểu thông thường của giới học giả Thái và giới Thái học thế giới thì chữ คุณ khun trong tiếng Thái có nguồn gốc từ chữ Phạn गुण guna, tôi biết chữ गुण guna có khoảng 60 nghĩa khác nhau, nhưng hầu hết xoay quanh nghĩa cơ bản là: một hữu thể có phẩm chất vượt trội, tài năng, đức hạnh; như vậy thì chữ คุณ khun đối với người Thái thực sự rất nghi thức, trọng thị và lịch sự. Tôi biết chắc chắn trong lịch sử hàng ngàn năm tiếp xúc với người Hán và ngôn ngữ - văn hóa Hán, người Thái không lạ gì chữ quân 君 có nghĩa là vua này. Tuy nhiên cách tiếp cận của cố GS. Trần Quốc Vượng luôn làm tôi kính sợ vì tầm vóc và viễn cảnh nhìn xa trông rộng của ông, không chỉ trong trường hợp ông đi tìm từ nguyên của chữ คุณ khun từ các nguồn gốc phi Hán, mà còn trong vô số trường hợp khác nữa.
ii) Về phương diện văn phạm của việc sử dụng chữ คุณ khun trong tiếng Thái cũng là một trường hợp rất thú vị: คุณแม่ khun-ná-mâe = mẹ; คุณพ่อ khun-ná-pôr = bố; và hàng chục ‘khun’ khác nữa; trong khi đó, đúng như bạn nói, nó cũng giống hệt các cấu trúc mệnh đề và câu tiếng Việt, không cần có ‘khun’ đứng trước thì người ta vẫn có พ่อ pôr = bố; แม่ mâe = mẹ.
iii) Trong khi đó thì chữ quân 君 trong tiếng Hán lại gồm có chữ doãn 尹 và chữ 口; như bạn biết thì chữ doãn 尹 là một tượng hình thể hiện một bàn tay cầm chiếc gậy tượng trưng cho quyền lực, còn chữ khẩu 口tượng hình của cái miệng là để ra lệnh cho kẻ dưới. Chính vì vậy sách Thượng thư mới giải thích quân 君 [vua] là "皇天眷命奄有四海為天下君" Trời lớn đoái thương, cho bốn biển làm vua thiên hạ.
Tôi không chuyên tâm vào tiếng Thái, nhưng cũng đã nhiều năm sống với người Thái tây bắc VN, cố mày mò học hỏi để nhằm mục đích duy nhất là giải quyết lấn cấn cho chính bản thân tôi về vấn đề nguồn gốc người Tráng (Choang, Đồng) ngay ở trên nóc nhà Hà Giang [Lai Châu, Lao Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn] của chúng ta. Hy vọng một ngày nào đó sẽ trở lại với chữ khun, hùng, quân, con, quan không chỉ của người Ấn, người Thái, người Hán, mà còn chủ yếu là của người Việt.
Thân
Hà Hữu Nga
Thưa bác,
Trả lờiXóaCháu cảm nghĩ Bác hình như không còn đơn thuần là nhà khoa học khảo cổ mà là học giả của nhiều ngành khoa học có liên quan, mà đám lưu dân Nam Bộ thuở trước (cái thời mà Sơn Nam kể trong Hương Rừng Cà Mau) gọi là "nhà Bác Vật !"
Thỉnh thoảng ngẫm nghĩ tiếng Việt mình thật "độc", bác nhỉ. Như chữ "quân" mà bác vừa nói(Hình như tiếng Việt còn nhiều chữ khác có "tình cảnh" tương tự vậy).
Về người Tráng, lần đầu cháu được biết là trên diễn đàn viethoc.org_ Bên ấy có những ý kiến thật hay, thật lạ !
1) Có bác bên Viethoc nêu ý kiến rằng chữ "Hời" có thể là chỉ người Lê _ H'lai ở Hải Nam, và "ngôn ngữ của họ giống ngữ pháp, phát âm và từ vựng với người Nùng".
2) Người Lê được website www.china.org.cn "xem" họ gần với Lạc Việt.
3)Endymion Wilkinson trong "Chinese History – A Manual" đề cập rằng trong ngôn ngữ của người Tráng có bốn từ có nghĩa là trống đồng, bao gồm cả ‘lạc’ (ví dụ Lục Lạc). Như vậy có thể Lạc Việt có thêm nghĩa là ‘Việt Trống Đồng’. Nghe Endymion Wilkinson nói thì xuôi tai hơn khi nghe Lạc viết sai thành Hùng, và có con chim tên là Lạc !
Từ (1) đến (3) góp phần tô thêm cái ý nghĩ của cháu đang lởn vởn trong đầu. Rằng Nước + Đất + Khí = (SẼ CHO RA) Đậu + Lúa + Khoai + (đủ loại). Này Chăm (hồi trước Champa), này Annam (hồi trước Giao Chỉ), này Hoa bây giờ cũng từ ngần ấy "nguyên liệu" mà ra, chung một gốc cả (mà hình như chỉ có các dân tộc hiện giờ tự nhận là "văn minh", đa phần sống ở đồng bằng, mới có kiểu hòa trộn ấy - trộn thật nhiều để có PHỞ, MÌ, BÚN; còn các dân tộc bị gọi là "man di mọi rợ" sống trên núi thì hình như họ ít bị thêm GIA VỊ nên chỉ có cơm, khoai nguyên sơ mà thôi - dù rằng đã luộc, đã nướng).
Không dừng lại ở đấy, có tác giả (Việt Nam ta) còn nói rằng trên quãng đường phân tán các thành phẩm ban đầu của nhân chủng, có giai đoạn dừng chân khá lâu ở Việt Nam. Vì vậy Việt Nam là cái nôi văn minh nhân lọai, là tổ tiên của tộc Hán, v.v... rồi gom luôn Kinh Dịch, Ngũ Hành ... về cho người Việt (Việt Nam) tất. Hoành tráng quá bác Nga nhỉ !
Vừa rồi chỉ là vài cảm hứng dịp Giỗ Tổ nhân việc bác nhắc về người Tráng. Nhân tiện, cháu nhờ bác xem giúp về từ LẠC trong ngôn ngữ người Tráng có như Endymion Wilkinson nói hay không (cháu không có điều kiện gặp họ, mà bác thì có nhiều năm sống với, và đang nghiên cứu về họ nên dễ dàng hơn (lại nhờ vả, hơi nhiều, bác nhỉ ! [smile]).
Kính,
Nguyễn Quang Toản.
Trả lờiXóaBạn Quang Toản thân,
Rất may là vì lâu nay chú ý đến người Tráng, nên tôi đã đọc khá kỹ cuốn sách của Endymion Wilkinson; tuy nhiên, cái chữ Lạc mà Wilkinson nói đến lại không phải là quan điểm của ông ấy, mà là của người khác, chúng ta sẽ nói đến sau. Còn đoạn của Wilkinson bạn đề cập là thuộc trang 712 & 713 bản in năm 1998, lược dịch là:
“Chẳng hạn, để tìm lại nghĩa của tên gọi các tộc Lạc Việt [駱越 & 粵] (nghĩa đen của 駱 lạc là “ngựa-trắng-bờm-đen”), bạn phải biết rằng các nguồn sử liệu trước Tần Hán đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nhánh Việt này gắn liền với những chiếc trống đồng (đã được khai quật từ các di chỉ Lạc Việt từ Vân Nam đến Việt Nam) [8]**. Không hề có ghi chép nào về việc họ nuôi loại ngựa trắng bờm đen cả. Vì vậy rõ ràng là 駱 lạc đã được dùng để ghi lại âm mà thời đó đọc là “Lak”. Trong tiếng Tráng (một trong số các ngôn ngữ của con cháu Lạc - Việt), có bốn từ có nghĩa trống đồng, trong đó có từ [la]***. Điều đó cho thấy nghĩa của Luo Yue [Lạc Việt] là “Việt-Trống đồng”. Việc bản thân người Lạc Việt có chọn tộc danh “Lạc” vì lý do đó hay không thì lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Có lẽ họ cũng chính là dân Lạc đã xây dựng vương quốc Việt Nam đầu tiên của mình bên sông Hồng gần Hà Nội ngày nay (mà người Việt gọi là Âu Lạc), và không thiếu các loại lý thuyết khác nhau đề cập đến ý nghĩa tộc danh của họ”.
Về vấn đề chữ Lạc và/hoặc Hạc [雒 bộ chuy 隹, 駱 bộ mã 馬, và 貉 bộ trãi 豸] thì chắc bạn đã đọc Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, và đặc biệt là Bình Nguyên Lộc; ngoài ra có thể xem thêm trong các bản dịch và bài viết của các tác giả: 1. Le Minh Khai, Tại sao Lạc Long Quân lại là “Lạc” Long Quân? , trên Tiếng vọng Kattigara, Thứ bảy, ngày 02 tháng sáu năm 2012; 2. An Chi, Lạc Long Quân nghĩa là gì?, trên Tiếng vọng Kattigara, Thứ bảy, ngày 02 tháng sáu năm 2012; 3. Le Minh Khai, “Lạc” vương hoặc “Hùng” vương có không? Hay cả hai đều không có? , trên Tiếng vọng Kattigara, Thứ bảy, ngày 02 tháng sáu năm 2012.
Còn vấn đề các tên gọi Hlai, Lê, Hroi, Hời, Lồi thì đối với tôi nó gắn liền với các vấn đề về một trong những cội nguồn biển của văn hóa – tộc người của người Việt [dù đó là Bách Việt, Lạc Việt, Âu Việt, Tráng, Choang, Đồng, Thái, Chăm, Mã Lai], đó là cái nôi văn hóa Vịnh Bắc Bộ mà vùng lõi của nó là Soi Nhụ - Cái Bèo – Hạ Long trước và sau đợt biển tiến Holocene Trung (khoảng 20.000 đến 2000 năm cách ngày nay).
Cũng xin nói thêm là một dịp nào đó tôi sẽ thảo luận kỹ hơn về vấn đề này cùng với nhiều vấn đề khác về nguồn gốc văn hóa - tộc người Lạc Việt đã được đặt ra trong công trình 嶺南古越人名稱文化探源 Lĩnh Nam cổ việt nhân danh xưng văn hóa tham nguyên của Đàm Hiểu Hàng mà lâu nay tôi đã bỏ công tìm hiểu.
Thân
Hà Hữu Nga
Ghi chú:
** Chú dẫn số [8] của Winkinson là nói về công trình nổi tiếng của 覃曉航 Đàm Hiểu Hàng 嶺南古越人名稱文化探源, 中央民族大學, 1995 Lĩnh Nam cổ việt nhân danh xưng văn hóa tham nguyên, Trung ương Dân tộc Đại học, 1994.
*** Đoạn này có lẽ Wilkinson hiểu nhầm ý của Đàm Hiểu Hàng trong 嶺南古越人名稱文化探源, 中央民族大學, 1995 Lĩnh Nam cổ việt nhân danh xưng văn hóa tham nguyên, Trung ương Dân tộc Đại học, 1994.).