Tồn tại và Hữu thể
Martin
Heidegger
Người
dịch: Hà Hữu Nga
Descartes, khi viết
cho Picot - là người dịch Principia
Philosophiae Nguyên lý Triết học ra tiếng Pháp đã cho rằng: “Vì vậy tổng
thể triết học giống như một cái cây: bộ rễ là siêu hình học, thân cây là vật lý
học, và tất cả mọi cành nhánh mọc ra từ thân cây đều là các khoa học khác
nhau…”. Sử dụng hình tượng này, chúng ta đặt câu hỏi: Vậy thì bộ rễ cây triết
học bám vào đâu? Bộ rễ - và cùng với chúng là tổng thể cái cây đó nhận được
dưỡng chất và sức sống từ nền đất nào? Yếu tố nào khuất lấp dưới các tầng đất đã
thấm vào và nuôi sống bộ rễ để nâng đỡ và nuôi dưỡng cái cây đó?. Cái gì làm
thành cơ sở và nhân tố của siêu hình học? Siêu hình học là gì nếu nhìn từ nền
tảng của nó? Siêu hình học là gì nếu nhìn từ cội nguồn của nó? Siêu hình học tư
duy về các hiện hữu như là các hiện hữu. Ở bất cứ nơi nào thì câu hỏi được đặt
ra vẫn là các hiện hữu được hiểu theo nghĩa thông thường là gì. Chính sự hiểu
biết về hiện thân siêu hình học được soi sáng bởi Hữu thể. Thứ ánh sáng tự thân
nó, nghĩa là thứ ánh sáng của kinh nghiệm tư duy không toả rạng trong phạm vi
tư duy siêu hình; vì siêu hình học luôn thể hiện các hiện hữu chỉ là các hiện
hữu mà thôi. Trong viễn cảnh đó tư duy siêu hình tất nhiên phải truy vấn về hiện
hữu là nguồn gốc và kẻ sinh thành của loại ánh sáng này. Nhưng ánh sáng đó tự
thân nó được coi là đã được soi rọi đầy đủ ngay từ khi chúng ta nhận ra rằng
chúng ta nhìn thấu được nó bất cứ khi nào chúng ta nhìn vào các hiện hữu.
Ở bất kỳ phương diện
nào thì các hiện hữu cũng được lý giải là tinh thần theo cung cách của duy linh
luận; hoặc là sự trở thành cuộc sống, hoặc ý tưởng, ý chí, bản chất, chủ thể,
hoặc năng lượng; hoặc là sự hồi quy vĩnh cửu của cùng một sự kiện – mọi lúc,
các hiện hữu với tư cách là các hiện hữu xuất lộ dưới ánh sáng của Hữu thể. Bất
cứ ở đâu siêu hình học cũng thể hiện là các hiện hữu. Hữu thể đã biến thành thứ
ánh sáng đó. Hữu thể đã đạt tới trạng thái khải lộ. Nhưng liệu tự thân Hữu thể có
can dự và can dự như thế nào vào sự khải lộ đó, liệu nó có tự thể hiện và thể
hiện như thế nào trong siêu hình học và khi siêu hình học vẫn còn mờ mịt. Hữu
thể trong bản chất khải lộ của nó, có nghĩa là trong chân lý của nó, không được
triệu hồi. Tuy nhiên khi siêu hình học trả lời câu hỏi liên quan đến các hiện
hữu theo nghĩa thông thường thì chính là siêu hình học nói thẳng ra về sự khải
lộ đã bị bỏ qua của Hữu thể. Vì vậy chân lý về Hữu thể có thể được gọi là mảnh đất
cho siêu hình học với tư cách là bộ rễ của cái cây triết học bám lấy và được
nuôi dưỡng.
Bởi vì siêu hình học
truy vấn về các hiện hữu như là các hiện hữu nên nó vẫn liên quan đến các hiện
hữu mà không tự hiến mình cho Hữu thể với tư cách là Hữu thể. Với tư cách là bộ
rễ của cái cây đó nó đem toàn bộ dưỡng chất và sinh lực đến cho thân cây và các
cành nhánh. Bộ rễ bám chắc vào lòng đất để giúp cho thân cây lớn lên trên mảnh
đất đó và vì vậy mà càng ngày càng rời xa nó. Cái cây triết học đó lớn lên trên
mảnh đất trong đó siêu hình học bám rễ. Mảnh đất ấy chính là thành tố trong đó
rễ cây bán chắc, nhưng sự trưởng thành của cái cây đó thì lại không bao giờ có
thể hấp thụ được chất đất này theo cách nó biến mất trong toàn bộ thân cây như
một bộ phận của cái cây đó. Thay vào đó, bộ rễ cắm sâu vô vàn tua rễ li ti
xuống lòng đất, tự đánh mất bản thân mình trong lòng đất. Mảnh đất là mảnh đất
được rành cho bộ rễ và trong lòng mảnh đất đó bộ rễ tự quên đi bản thân mình cho
mục đích của toàn bộ cái cây. Nhưng bộ rễ vẫn thuộc về cái cây đó ngay cả khi
chúng tự từ bỏ bản thân mình theo cách thức trở thành thành tố của lòng đất. Chúng
tự phí phạm bản thân và bỏ mất tư cách thành tố của cây. Với tư cách là bộ rễ,
chúng không tự hiến mình cho đất – chí ít là không, cứ như là cuộc đời chúng
chỉ trở thành thành tố này và trải ra trong phạm vi đó. Có lẽ thành tố này sẽ
không là chính bản thân nó nếu như bộ rễ không sống trong đó.
Siêu hình học trong
chừng mực nó luôn thể hiện các hiện hữu chỉ là các hiện hữu thì không gợi đến Hữu
thể tự thân. Triết học không tụ hội về nền tảng của nó. Nó luôn rời xa nền tảng
của nó – rời xa bằng phương tiện siêu hình học. Nhưng nó vẫn không thoát khỏi nền
tảng đó. Ở chừng mức mà một nhà tư tưởng sắp xếp để trải nghiệm cái nền siêu
hình học, ở chừng mức mà anh ta cố gắng triệu hồi chân lý của Hữu thể tự thân thay
cho việc chỉ thể hiện các hiện hữu như là các hiện hữu thì tư duy của anh ta theo
một nghĩa nào đó, đã rời bỏ siêu hình học. Từ quan điểm siêu hình học, loại tư
duy như vậy quay trở về với chính nền tảng của siêu hình học. Nhưng cái vẫn có
vẻ là nền tảng nhìn từ quan điểm này thì có lẽ lại là một cái gì đó khác, một
khi nó được trải nghiệm trong chính các giới hạn của mình – một cái gì đó vẫn
chưa được nói ra, theo đó bản chất của siêu hình học cũng là một cái gì đó khác
mà không phải là siêu hình học nữa.
Chắc chắn là loại tư
duy triệu hồi chân lý của Hữu thể như vậy không còn thoả mãn với chỉ riêng siêu
hình học; nhưng nó lại cũng không đối lập và phản tư duy đối với siêu hình học.
Quay trở lại với hình ảnh của chúng ta, nó không làm tơi tả bộ rễ của triết
học. Nó vẫn canh tác trên mảnh đất ấy và cày xới lớp đất màu mỡ nuôi bộ rễ này.
Siêu hình học vẫn là cơ sở của triết học. Tuy nhiên nó lại không vươn tới được
cơ sở của tư duy. Khi chúng ta tư duy về chân lý Hữu thể thì siêu hình học bị
vượt qua. Có thể chúng ta không còn chấp nhận sự khẳng định của siêu hình học
rằng nó chăm lo cho việc can dự cơ bản vào “Hữu thể” và nó nhất quyết khẳng
định toàn bộ các mối quan hệ với các hiện hữu theo nghĩa thông thường. Nhưng sự
“vượt bỏ siêu hình học” đó lại không huỷ bỏ siêu hình học. Chừng nào con người
vẫn còn là loại động vật duy lý thì nó
cũng vẫn còn là động vật siêu hình.
Chừng nào con người tự hiểu mình là động vật duy lý thì siêu hình học, như Kant
đã nói, vẫn thuộc về bản chất của con người. Nhưng tư duy của chúng ta sẽ thành
tựu bằng các nỗ lực quay trở lại với nền tảng siêu hình học, nó có thể sẽ trợ
giúp đắc lực cho việc tạo ra một sự thay đổi trong bản chất của con người đi
kèm với quá trình biến đổi của siêu hình học. Khi chúng ta khai mở vấn đề liên
quan đến chân lý Hữu thể, nếu chúng ta nói về sự vượt bỏ siêu hình học thì điều
đó có nghĩa là: triệu hồi bản thân Hữu thể. Cách thức triệu hồi như vậy vượt
khỏi truyền thống lãng quên nền tảng của cội rễ triết học. Lối tư duy được thực
hiện trong Hữu thể và Thời gian
(1927) được thực hiện để chuẩn bị vượt bỏ siêu hình học, được hiểu như vậy. Tuy
nhiên cái thúc đẩy lối tư duy như vậy chỉ có thể là cái phải được triệu hồi trở
lại. Cái Hữu thể tự thân đó và việc nó liên quan thế nào đến tư duy của chúng
ta lại không phụ thuộc riêng vào tư duy của chúng ta. Cái Hữu thể tự thân đó và
cách thức mà nó giáng vào tư duy của một con người luôn khuấy động suy tư của
anh ta và chọc cho nó tòi ra khỏi Hữu thể tự thân để đáp trả và đáp ứng với Hữu thể theo nghĩa thông thường.
Tuy nhiên tại sao
lại cần phải có sự vượt bỏ siêu hình học như vậy? Đó có phải là thời điểm để
ghim chặt cái ý nghĩ cho rằng bộ môn triết học cho đến lúc đó vẫn là căn cội,
hoặc để hất cẳng nó đi bằng một bộ môn còn cơ bản hơn? Đó có phải là vấn đề về
sự thay đổi hệ thống huấn điều triết học? Không. Hoặc là chúng ta đang cố gắng
quay trở lại với nền tảng của siêu hình học để phát hiện ra một tiền giả định
của triết học cho đến lúc này vẫn còn bị bỏ qua, bằng cách đó mà chỉ ra rằng
triết học không còn dựa trên một nền tảng bất thoái chuyển nữa và vì vậy mà nó
không còn có thể là một khoa học tuyệt đối nữa? Không.
Vấn đề còn là một
cái gì đó khác đang bị đe doạ bởi sự xuất hiện của chân lý Hữu thể hoặc sự thất
bại của sự xuất hiện đó: nó vừa không phải là trạng thái của triết học vừa
không phải là bản thân một mình triết học, đúng ra đó là trạng thái gần hay xa mà
triết học, trong chừng mực điều đó có nghĩa là sự thể hiện của các hiện hữu theo
nghĩa thông thường, thụ cảm được bản chất và tính tất yếu của nó. Bản thân Hữu thể, vì chân lý duy nhất của nó,
có thể tạo ra sự can dự vào bản chất của con người hay không?; hoặc siêu hình
học quay lưng lại với nền tảng của nó có tiếp tục ngăn cản được một thực tế là sự
can dự của Hữu thể vào con người có thể tạo ra một loại ánh sáng rực rỡ của
chính bản chất của sự can dự mà tự thân ánh sáng rực rỡ ấy có thể dẫn đưa con
người phụ thuộc vào Hữu thể hay không? Trong các câu trả lời của mình liên quan
đến các hiện hữu theo nghĩa thông thường, siêu hình học thao tác với một quan
niệm tiên thiên về Hữu thể. Nó liên tục và nhất thiết phải nói về Hữu thể. Nhưng
siêu hình học lại không thúc đẩy Hữu thể tự thân nói ra, vì siêu hình học không
triệu hồi Hữu thể bằng chân lý của nó, không triệu hồi chân lý như là một khải
lộ, và cũng không triệu hồi bản chất của khải lộ đó. Đối với siêu hình học, bản
chất của chân lý luôn luôn chỉ thể hiện dưới dạng thức phát sinh chân lý tri
thức và chân lý của các định đề trình bày một cách hệ thống tri thức của chúng
ta.
Tuy nhiên khải lộ có
thể là tiên thiên đối với toàn bộ chân lý theo nghĩa chân xác. Αληθεια, chân lý, có thể là một từ mang lại một gợi ý cho đến lúc này vẫn còn bị
bỏ qua, liên quan đến thực chất của từ esse
(từ Latin, có nghĩa như to be trong
tiếng Anh) là từ vẫn chưa được tái sinh. Nếu thực tế là như vậy thì tư duy biểu
tượng của siêu hình học có thể chắc sẽ không bao giờ đạt tới được thực chất này
của chân lý, tuy nhiên nó có thể sốt sắng tự dâng hiến cho các nghiên cứu lịch
sử triết học Tiền-Socratic; vì cái đang bị đe doạ ở đây không phải là sự phục
hưng nào đó của tư duy Tiền-Socratic: bất cứ sự cố gắng nào như vậy cũng đều sẽ
là hão huyền và ngớ ngẩn. Cái mà người ta mong muốn chính là cái gì đó liên
quan đến sự xuất hiện của thực chất tiềm ẩn của khải lộ vì nó có hình thức mà Hữu
thể đã tự thân thông báo. Trong khi chân lý của Hữu thể vẫn còn bị che đậy
trước siêu hình học trong suốt một quá trình lịch sử lâu dài từ Anaximander đến
Nietzsche. Ai đã không triệu hồi siêu hình học? Có phải sự thất bại trong việc
triệu hồi nó chỉ là một chức năng của những loại tư duy siêu hình học nào đó? Hoặc
có phải đó là một thất bại bản chất của số phận siêu hình học là thứ đã tránh
né nền tảng của chính nó vì sự hiện khởi của khải lộ! Đó chính là cái cốt lõi,
có nghĩa là cái khải lộ vẫn xa cách đầy thiện cảm với cái được khải lộ là thứ
vẫn hiện khởi dưới dạng thức các hiện hữu?
Tuy nhiên siêu hình
học luôn nói đến và nói bằng nhiều cách nhất đến Hữu thể. Siêu hình học đem
đến, và dường như khẳng định cái biểu hiện là cái đặt ra và trả lời câu hỏi liên
quan đến Hữu thể. Thực ra siêu hình học không bao giờ trả lời câu hỏi liên quan
đến chân lý của Hữu thể, vì nó không bao giờ đặt ra câu hỏi đó. Siêu hình học không
đặt ra câu hỏi này vì nó tư duy về Hữu thể chỉ bằng cách thể hiện các hiện hữu là
các hiện hữu mà thôi. Nó viện đến Hữu thể và coi các hiện hữu chỉ là các hiện
hữu. Từ khởi điểm cho đến chung cục, các định đề siêu hình học đều can dự một
cách lạ lùng vào sự lẫn lộn giữa các hiện hữu và Hữu thể. Chắc chắn sự lẫn lộn
này phải được xem xét như một sự cố chứ không chỉ là một nhầm lẫn thuần tuý. Không
thể bắt nó phải chịu bất cứ chút trách nhiệm nào về tính cẩu thả của tư duy
hoặc sự bất cẩn trong việc thể hiện. Do sự nhầm lẫn dai dẳng này mà điều khẳng
định cho rằng siêu hình học dựng đặt vấn đề về Hữu thể đã ném chúng ta vào sự
sai lầm tuyệt đối. Theo cách thức tư duy về các hiện hữu, siêu hình học, dù
không hiểu biết về tồn tại hầu như vẫn là vật cản tách con người ra khỏi sự can
dự nguyên uỷ của Hữu thể vào bản tính người. Nếu như thiếu vắng sự can dự này
và tình trạng lãng quên sự thiếu vắng này thì cái gì đã quyết định toàn bộ thời
hiện đại? Nếu như tình trạng thiếu vắng Hữu thể thì cái gì càng ngày càng buông
thả con người cho riêng các hiện hữu, để nó bị bỏ rơi và tách biệt khỏi bất cứ
sự can dự nào của Hữu thể vào bản tính của nó, trong khi sự bỏ rơi này tự thân
nó vẫn còn bị che đậy? Cái gì đã quyết định nếu như đây chính là trường hợp ấy
và đã là trường hợp ấy trong suốt cả một lịch sử lâu dài? Cái gì đã quyết định
nếu đã có những dấu hiệu cho thấy rằng sự lãng quên này vẫn sẽ trở nên có tính
chất quyết định hơn trong tương lai?
Liệu vẫn sẽ còn cơ
hội cho một người giàu suy tư tự mình kiêu hãnh nhìn sự thoái bộ định mệnh này
với tất cả những gì mà Hữu thể phô bày trước mắt ta? Liệu vẫn sẽ còn cơ hội,
nếu như cơ hội này thuộc về chúng ta, để chúng ta tự quyết định với những ảo
ảnh thú vị của toàn bộ sự vật, và cho phép ta tự thoả nguyện bằng một hãnh mạn
giả tạo? Nếu sự quên lãng Hữu thể được mô tả ở đây sẽ trở thành hiện thực thì
phải chăng sẽ không còn cơ hội đủ để một nhà tư tưởng, là kẻ triệu hồi Hữu thể để
trải nghiệm một nỗi kinh hoàng thực sự? Tư duy của anh ta có thể còn làm gì
thêm nữa để chịu đựng sự thoái bộ trong sợ hãi, trong khi đó lại phải đối mặt
với sự quên lãng Hữu thể? Nhưng làm thế nào mà tư tưởng có thể thành tựu được
chừng nào nỗi sợ mang tính định mệnh đối với nó có vẻ không hơn gì một tâm
trạng phiền muộn? Nhưng nỗi khiếp sợ định mệnh bởi Hữu thể đó có mối liên quan
gì với tâm lý hoặc phân tâm học?
Giả sử việc vượt bỏ
siêu hình học can dự vào việc nỗ lực để bắt đầu bằng mối quan ưu đến trạng thái
quên lãng Hữu thể thì sự cố gắng học cách gây dựng một mối quan ưu như vậy để
trải nghiệm sự quên lãng này và để đưa trải nghiệm đó vào việc can dự của Hữu
thể vào con người, và để lưu giữ nó ở đó thì, trong nỗi đau đớn của sự quên
lãng Hữu thể, câu hỏi “Siêu hình học là gì?” có thể trở thành một tất yếu cần
thiết nhất cho suy tư. Vì vậy mọi sự vật đều tuỳ thuộc vào điều này: tư duy của
chúng ta sẽ trở nên sâu sắc hơn nhiều vào đúng dịp của nó. Có thể đạt được điều
đó khi tư duy của chúng ta thay vì phải nỗ lực nhiều hơn, thì nó được định
hướng vào một điểm nguyên gốc khác. Lối tư duy được dựng đặt bởi các hiện hữu theo
nghĩa thông thường, và vì vậy mà là lối tư duy biểu tượng và soi rọi theo cách
đó cần phải được thay thế bằng một kiểu tư duy khác, được thực hiện để bỏ qua Hữu
thể tự thân, và vì vậy mà đáp ứng được với Hữu thể. Tất cả mọi cố gắng trong
việc tìm cách xây dựng tư duy thể hiện vẫn còn tính siêu hình, vừa thực sự siêu
hình lại vừa hiệu quả và hữu dụng cho hoạt động trực tiếp trong đời sống công
cộng hàng ngày đó đều vô ích. Tư duy của chúng ta ngày càng trở nên sâu sắc và
ngày càng đầy đủ để đưa nó can dự vào Hữu thể, eo ipso - từ tự thân sự vật - vì vậy mà tư duy thuần khiết hơn của
chúng ta sẽ đại diện cho một hành động thích hợp với nó: đó là hành động triệu
hồi cái có ý nghĩa đối với nó và, vì vậy theo một nghĩa nào đó là triệu hồi cái
đã có ý nghĩa.
Nhưng ai triệu hồi cái
có ý nghĩa đó? Đó là người đưa ra các sáng tạo. Để dẫn đạo cho tư duy của chúng
ta đi trên con đường phát hiện được sự can dự của chân lý Hữu thể vào bản chất
của con người, để khai mở một con đường cho tư duy của chúng ta có thể triệu
hồi Hữu thể tự thân trong chân lý của nó – để làm được điều đó lối tư duy đã
được thử thách trong Hữu thể và Thời gian
vẫn “đang đi trên con đường ấy”. Đang đi trên con đường ấy có nghĩa là trong
vai trò của một vấn đề liên quan đến chân lý của Hữu thể – cần phải lắng lại và
suy tư về bản chất con người; việc trải nghiệm sự lãng quên Hữu thể, là thứ đã
không được đề cập sâu hơn vì nó vẫn còn phải được thể hiện, liên quan đến cả
việc phỏng đoán quyết định theo quan điểm khải lộ của Hữu thể nên sự can dự của
Hữu thể vào thực chất con người là một đặc điểm bản chất của Hữu thể. Nhưng làm
thế nào mà loại phỏng đoán chúng ta đang trải nghiệm ở đây lại trở thành một
câu hỏi hiển lộ trước khi có những nỗ lực giải phóng lối phán quyết về bản chất
con người khỏi khái niệm chủ thể tính và khỏi khái niệm động vật duy lý? Để
khái quát đặc trưng của cả sự can dự của Hữu thể vào bản chất của con người và
mối liên hệ bản chất của con người với sự khải lộ “ở đó” của Hữu thể, theo
nghĩa thông thường bằng một từ duy nhất, chúng tôi đã lựa chọn tên gọi Dasein, Hiện hữu ở đó, cho phạm vi tồn tại mà ở
đó con người hiện trụ với tư cách là con người.
Thuật ngữ này đã
được sử dụng, cho dù trong siêu hình học nó được sử dụng theo cách có thể hoán
vị với tồn tại, thực tại, hiện thực, khách thể tính, và mặc dù việc sử dụng
theo cách siêu hình học này vẫn được tiếp sức bằng cách thể hiện thông dụng
trong tiếng Đức “menschliches Dasein”,
hiện hữu vốn có của con người. Vì vậy bất cứ cố gắng nào để tiếp tục suy tư về Hữu
thể và Thời gian thì đều bị trở ngại chừng nào kẻ ấy còn bằng lòng với nhận xét
cho rằng trong nghiên cứu này thuật ngữ “hiện hữu ở đó” được sử dụng thay cho
“ý thức”. Đâu có đơn giản chỉ là vấn đề sử dụng những từ khác nhau! Nó đâu phải
là một thứ và chỉ duy nhất là một thứ đang bị đe doạ ở đây: có nghĩa là buộc
người ta phải suy tư về sự can dự của Hữu thể vào bản chất của con người và vì
vậy theo quan điểm của chúng tôi, trước hết là để thể hiện một kinh nghiệm về
bản chất người là thứ có thể chứng tỏ đầy đủ để chỉ dẫn cho sự truy vấn của
chúng ta. Thuật ngữ “hiện hữu ở đó” không thay thế được cho vị trí của thuật
ngữ “ý thức”, mà thuật ngữ “khách thể” được định danh là “hiện hữu ở đó” cũng
không thay thế được cho cái mà chúng ta nghĩ đến, khi nói về “ý thức”. “Hiện
hữu ở đó” là tên gọi của cái, trước hết, phải được trải nghiệm, và sau đó suy
tư về nó, cụ thể là một vị thế, là sự định vị của chân lý Hữu thể. Ý nghĩa của
thuật ngữ “hiện hữu ở đó” thể hiện xuyên suốt trong luận thuyết Hữu thể và Thời
gian đã được thể hiện một cách trực tiếp bằng câu chỉ dẫn chủ chốt: “Cái ‘bản
chất’ của hiện hữu ở đó chính là ở sự tồn tại của nó”. [Das "Wesen" des Daseins liegt in seiner Existenz.].
Chắc chắn là trong
ngôn ngữ siêu hình học thì từ “tồn tại” là một từ đồng nghĩa với “hiện hữu ở đó”:
cả hai đều quy về tính hiện thực của bất cứ sự vật gì là thực, từ Chúa Trời đến
một hạt cát. Vì vậy chừng nào, như câu trích dẫn chỉ được hiểu một cách hời hợt
thì cái khó chỉ được chuyển từ một từ này sang một từ khác, từ “hiện hữu ở đó”
thành “tồn tại”. Trong Hữu thể và Thời gian, thuật ngữ “tồn tại” được dùng
riêng cho tồn tại người. Khi “tồn tại” được hiểu đúng thì “thực tính” của hiện
hữu ở đó có thể được triệu hồi: trong khải tính của nó, Hữu thể tự thân thể
hiện và tự thân khải lộ, tự thân thành tựu và tự thân thoái bộ; đồng thời chân
lý đó của Hữu thể không tự vét kiệt cho hiện hữu ở đó, và cũng không thể được
xác định một cách đơn giản bằng mọi giá với hiện hữu ở đó theo cách thức của
định đề siêu hình học: mọi khách thể tính theo nghĩa thông thường cũng đều là
chủ thể tính.
Trong Hữu thể và
Thời gian “tồn tại” có nghĩa là gì? Từ đó chỉ định rõ một phương thức của Hữu
thể; đặc biệt là Hữu thể của các hiện hữu khải
trụ vì khải tính của
Hữu thể mà các hiện hữu trụ lập trong nó, bằng chính sự trì níu nó. Sự “trì níu
nó” ấy, sự kiên nhẫn ấy được trải nghiệm với tên gọi “chăm bẵm”. Thực chất mê
đắm của hiện hữu ở đó được tiếp cận bằng cách chăm bẵm, và ngược lại, chăm bẵm
chỉ được trải nghiệm đầy đủ trong bản chất mê đắm của nó. “Sự trì níu nó, được
trải nghiệm theo cách thức đó chính là bản chất của έκστασις – mê đắm, một trạng thái được trì níu bằng
tư tưởng. Vì vậy thực chất mê đắm của tồn tại vẫn chưa thể được hiểu đầy đủ
chừng nào người ta vẫn nghĩ về nó chỉ như là “đứng ngoài”, trong khi việc lý
giải cái “ngoài” đó có nghĩa là “cách xa khỏi” cái bên trong của một trạng thái
tinh thần và ý thức nội tại. Trong khi đó, bằng cách thức này tồn tại vẫn sẽ
được nhận thức trong khuôn khổ “chủ thể tính” và “bản chất”; trong khi thực tế
thì cái “ngoài” phải được hiểu trong khuôn khổ khải tính của Hữu thể tự thân. Sự
ngưng trệ của trạng thái mê đắm bao gồm cái mới lạ vì nó có thể thông báo, trong
vị thế đại diện cho cái “bên ngoài” và “ở đó”, về sự khải lộ trong đó Hữu thể
tự thân có mặt. Cái có ý nghĩa bởi “tồn tại” trong bối cảnh của một cuộc truy
vấn được thúc đẩy bởi chân lý của Hữu thể, và được chỉ dẫn đến chân lý của Hữu
thể có thể được xác định một cách mỹ mãn nhất bằng từ “thiết tha” [Instandigkeit].
Tuy nhiên đồng thời, chúng ta cũng phải suy tư về sự trụ lập trong khải tính
của Hữu thể, của sự kiên nhẫn và trì níu sự chăm bẵm ấy, và về sự can đảm đương
đầu với tình trạng tối hậu (Hữu-thể-hướng-đến-cái-chết); vì chỉ có những gì tạo
nên thực tính toàn vẹn của tồn tại mới gắn bó với nhau.
Hiện hữu tồn tại chính
là con người. Chỉ riêng con người mới tồn tại. Đá cũng là hiện hữu nhưng chúng
không tồn tại. Cây cũng là hiện hữu nhưng chúng không tồn tại. Ngựa cũng là
hiện hữu nhưng chúng không tồn tại. Thiên thần là hiện hữu nhưng họ không tồn
tại. Chúa Trời cũng là hiện hữu nhưng không tồn tại. Định đề “chỉ riêng con
người tồn tại” không có nghĩa là bằng bất cứ giá nào riêng con người vẫn là *thực
hữu trong khi tất cả những hiện hữu khác đều không thực mà chỉ là những biểu
hiện hoặc chỉ là các ý tưởng của con người. Định đề “con người tồn tại” có
nghĩa là con người là hiện hữu mà Hữu thể của nó được phân biệt bởi cái Hữu thể
khải lộ - trì níu sự chăm bẵm trong tình trạng khải lộ của Hữu thể, từ Hữu thể,
trong Hữu thể. Bản tính tồn tại của con người chính là nguyên do lý giải tại
sao con người lại có thể thể hiện các hiện hữu một cách thông thường, và tại
sao con người lại ý thức về các hiện hữu đó. Toàn bộ ý thức đều giả định trước
về tồn tại được hiểu một cách mê đắm là thực tính của con người – mà thực tính có nghĩa là thứ mà con người
hiện diện ở chừng mức nó là con người. Nhưng ý thức không tự thân nó tạo ra
khải tính của các hiện hữu, và ý thức cũng không phải là cái làm cho con người
có khả năng khải trụ trước các hiện hữu. Chiều góc tự do có thể đưa ý hướng của
ý thức từ đâu, đến đâu, và bằng gì, nếu như instandigkeit tình cảm tha thiết
không phải là bản chất của con người ngay trong trường hợp đầu tiên? Có thể có
ý nghĩa gì nếu như ai cũng quan ưu một cách nghiêm túc về nghĩa của từ sein
trong tiếng Đức, các từ Bewusstsein
["ý thức"; nghĩa đen: "hữu thức”] và Selbstbewusstsein ["tự ý thức "] nếu nó không chỉ định
bản tính tồn tại của cái thuộc về phương thức của tồn tại? Để trở thành một tự ngã
cần phải có một đặc điểm được thừa nhận về bản tính của cái hiện hữu tồn tại;
nhưng tồn tại lại không bao gồm trong hiện hữu một tự ngã, và nó cũng không thể
được xác định trong các khuôn viên như vậy. Chúng ta phải đối mặt với một thực
tế là tư duy siêu hình học hiểu về vị thế tự ngã của con người dưới dạng bản
chất, hoặc về mặt thực chất thì loại tư duy đó cũng giống như dưới dạng cái chủ
thể. Chính vì lý do đó mà cách thức thứ nhất dẫn ta ra khỏi siêu hình học để
đến với bản tính tồn tại mê đắm của con người thì lại phải dẫn ta đi xuyên suốt
qua quan niệm siêu hình học về vị thế bản ngã của con người [B.&T., §§63 and 64].
Tuy nhiên câu hỏi
liên quan đến tồn tại luôn luôn phụ thuộc vào một thực tế là nó không là gì
khác hơn ngoài vấn đề duy nhất về suy tư. Câu hỏi vẫn còn cần phải được khai mở
đó liên quan đến chân lý của Hữu thể vì nền tảng bị che đậy của toàn bộ siêu
hình học. Vì lý do đó mà chuyên luận này tìm cách để chỉ ra con đường quay trở
về với nền tảng của siêu hình học đã không mang cái tựa đề “Tồn tại và Thời
gian”, và cũng không phải là “Ý thức và Thời gian”, mà là Hữu thể và Thời gian. Cái đầu đề này cũng không thể được hiểu tương
tự như thông lệ đặt kề cạnh nhau giữa Là và Đang là, Là và Có vẻ là, Là và Tư
duy, hoặc Là và Phải là. Vì trong tất cả các trường hợp đó Là đều bị giới hạn,
hệt như Đang là, Có vẻ là, Tư duy và Phải là không thuộc về Là vậy, smặc dù rõ
ràng chúng không phải không là gì cả, và vì vậy mà đều thuộc về Là. Trong Hữu thể và Thời gian [Being and Time], thì
Hữu thể không phải là một cái gì đó khác ngoài Thời gian: “Thời gian” được gọi
là cái tên đầu tiên của chân lý Hiện hữu, và chân lý này chính là sự hiện diện
của Hữu thể và vì vậy mà là Hữu thể tự thân. Nhưng tại sao lại “Thời gian” và
“Hữu thể”?
Bằng cách triệu hồi
những khởi đầu của lịch sử khi Hữu thể tự thân vén mở trong tư duy của người Hy
Lạp thì người ta có thể chỉ ra rằng ngay từ rất sớm, người Hy Lạp đã trải
nghiệm Hữu thể và các hiện hữu với tư cách là sự hiện diện của hiện tại. Khi
chúng ta dịch ειναι là “being” thì cách dịch đó chính xác về phương diện ngôn ngữ. Nhưng
chúng ta chỉ thay thế một tập âm thanh này bằng một tập âm thanh khác mà thôi. Ngay
khi chúng ta tự xem xét bản thân thì rõ ràng là chúng ta không nghĩ đến ειναι như chính bản thân nó, bằng tiếng Hy Lạp, do
đó trong đầu chúng ta cũng không hề có một khái niệm đơn nghĩa và rõ ràng khi
chúng ta nói về “being”. Vậy thì chúng ta đang nói về cái gì khi thay thế cho ειναι chúng ta nói “being” và thay thế cho “being”
chúng ta nói einai và esse? Chúng ta đang nói không về cái gì
cả. Từ tiếng Hy Lạp, tiếng Latin và tiếng Đức tất cả đều trì nhụt như nhau.
Chừng nào chúng ta còn bám chặt vào việc sử dụng ngôn ngữ theo thông lệ thì
chúng ta chỉ tự phản bội chính mình với tư cách là những kẻ đầu têu khinh xuất nhất,
đã trở thành thông lệ trong tư duy của con người và vẫn ngự trị cho đến tận giờ
phút này. Tuy nhiên cái ειναι này có nghĩa là: hiện diện, [anwesen;
dạng động từ này thay cho đặc ngữ "anwesend
sein" là cách dùng mới của Heidegger]. Cái hiện hữu thực sự của hiện
diện này [das Wesen dieses Anwesens]
bị ẩn giấu sâu trong những cái tên xưa nhất của Hữu thể. Nhưng đối với chúng ta
thì ειναι và ουσία là par,
ngang nhau – còn απουσία vắng mặt, trước hết có nghĩa: trong hiện diện,
thời gian hiện tại, độ dài thời gian đều rời khỏi đó, không được thừa nhận và
bị che giấu trong một từ - Thời gian. Hữu thể theo nghĩa thông thường vì vậy mà
được khải lộ là nhờ ở Thời gian. Chính vì vậy mà Thời gian chỉ rõ sự khải lộ,
tức là chân lý của Hữu thể. Nhưng cái Thời gian mà chúng ta cần suy tư ở đây lại
không được trải nghiệm thông qua quá trình biến đổi không ngừng nghỉ của các
hiện hữu. Thời gian rõ ràng thuộc về một bản tính hoàn toàn khác, không được
triệu hồi theo cách thức của khái niềm thời gian siêu hình học, cũng không thể
được triệu hồi theo cách này. Vì vậy Thời gian trở thành cái tên đầu tiên vẫn
cần phải được chú mục của chân lý Hữu thể, là cái vẫn cần phải được trải
nghiệm.
Dấu hiệu bị che đậy
của Thời gian không chỉ nói thẳng ra về những cái tên siêu hình sớm nhất của
Hữu thể, mà còn nói thẳng về những cái tên mới nhất của nó, đó là “sự hồi quy
vĩnh viễn của vẫn những sự kiện đó”. Trong suốt toàn bộ kỷ nguyên siêu hình
học, Thời gian dứt khoát hiện diện trong lịch sử của Hữu thể, mà không hề được
thừa nhận và suy tư về nó. Đối với loại Thời gian này, không gian không những
không được đồng phối mà lại còn không được phụ phối nữa. Giả sử có một ai đó cố
gắng thực hiện một sự chuyển tiếp từ sự thể hiện của các hiện hữu theo nghĩa thông
thường để triệu hồi chân lý của Hữu thể: sự nỗ lực đó bắt đầu từ thể hiện này, thì
cũng vẫn phải thể hiện, theo một nghĩa nhất định, cái chân lý đó của Hiện hữu;
và bất kỳ sự thể hiện nào như vậy cũng nhất thiết phải dị tính và cuối cùng thì
ở chừng mức nó còn là một thể hiện đủ để phải suy tư. Mối quan hệ này, vượt
khỏi siêu hình và cố gắng nhận thức sự can dự của chân lý Hữu thể vào bản tính
con người, được gọi là hiểu. Nhưng ở đây, đồng thời động thái hiểu được nhìn
nhận từ quan điểm về sự khải lộ của Hữu thể. Nhận thức là một xung lực dự phóng,
phọt lộ, và mê đắm, có nghĩa là nó kiên trụ trong quyển mở. Quyển này mở ra khi
chúng ta dự phóng để cho một cái gì đó (trong trường hợp này là Hữu thể) có thể
tự chứng minh bản thân là một cái gì đó (trong trường hợp này, Hữu thể tự thân
khải lộ), được gọi là ý nghĩa [xem B.&T., tr. 151] “Ý nghĩa của Hữu thể” và
“chân lý của Hữu thể” đều có cùng nghĩa. Giả sử Thời gian thuộc về chân lý Hữu
thể theo cách thức là nó vẫn còn bị che giấu: vậy thì mỗi dự phóng khải lộ chân
lý của Hữu thể, thể hiện một cách nhận thức Hữu thể phải coi Thời gian như là
tầm nhận thức khả thể của Hữu thể [xem B.&T., §§ 31-34 và 68].
Lời nói đầu cho Hữu thể và Thời gian, ở trang đầu của
chuyên luận này, kết thúc bằng câu sau: “Việc đưa ra được một thiết kế chi tiết
về vấn đề liên quan đến ý nghĩa của ‘Hữu thể’ là ý định của chuyên luận này.
Việc lý giải về Thời gian như là tầm của mọi nỗ lực khả thể để nhận thức Hữu
thể chỉ là mục tiêu tạm thời”. Toàn bộ triết học đều đã rơi vào tình trạng quên
lãng Hữu thể, đồng thời Hữu thể cũng đã trở thành nhu cầu định mệnh và vẫn còn
nguyên nhu cầu định mệnh về suy tư trong Hữu
thể và Thời gian; và triết học cũng chỉ vừa mới có thể đưa đến một sự thể
hiện rõ ràng về quyền năng của sự quên lãng Hữu thể hơn là nó đã đem đến cho
chúng ta bằng một xác quyết mộng mị đã bỏ qua vấn đề duy nhất và hiện thực của Hữu thể và Thời gian. Vì vậy điều nguy
cấp ở đây không phải là hàng loạt hiểu lầm về một cuốn sách, mà là Hữu thể từ
bỏ chúng ta.
Siêu hình học cho
rằng hiện hữu chính là hiện hữu. Nó xuất trình một logos thánh ngôn về outa
các hiện hữu. Cái tên “hữu thể học” của các hiện hữu đặc trưng hoá bản chất của
nó, tất nhiên, miễn là chúng ta nhận thức nó phù hợp với ý nghĩa thực sự của nó
chứ không phải là cái nghĩa hẹp kinh viện của nó. Siêu hình học xê dịch trong
quyển ον i ον, nó coi các hiện hữu là các hiện hữu. Bằng
cách thức này, siêu hình học luôn thể hiện các hiện hữu theo cách thông thường
trong tính tổng thể của nó; nó phải đối phó với hữu thể tính của các hiện hữu –
hữu thể của hiện hữu. Nhưng siêu hình học lại thể hiện hữu thể tính của các
hiện hữu, die
Seiendheit des Seienden, theo cách phân đôi: ở vị trí thứ nhất, tổng
thể tính của các hiện hữu theo nghĩa thông thường bằng một mắt nhìn vào các đặc
điểm phổ quát nhất của chúng ου καθόλου
κοινόν nhưng đồng thời nó cũng
thể hiện tổng thể tính của các hiện hữu theo nghĩa thông thường của cái hiện
hữu cao nhất, và vì vậy mà là hiện hữu linh thánh ον καθολόν. Trong siêu hình học Aristotle, sự khải lộ
của các hiện hữu thông thường đã đặc biệt phát triển theo cách phân đôi đó.
Vì siêu hình học thể
hiện các hiện hữu là các hiện hữu, đó là, hai-trong-một, chân lý của các hiện
hữu trong tính phổ quát của chúng và trong cái hiện hữu cao nhất. Theo bản tính
đó, nó đồng thời vừa là hữu thể luận theo nghĩa hẹp và vừa là thần học. Tính
chất hữu thể thần học này của triết học đích thực (proti psilosopsia), không còn nghi ngờ gì nữa, rất phù hợp với cách
thức cái hiện hữu mở ra trong đó, cụ thể là ον. Vì vậy đặc trưng thần
học của hữu thể luận không chỉ thích hợp với sự thực là siêu hình học Hy Lạp
sau này đã được ứng dụng và chuyển hoá bởi thần học giáo hội Thiên chúa giáo. Đúng
hơn là nó thích hợp với cung cách các hiện hữu như là các hiện hữu ngay từ khởi
đầu đã tự thân khai mở. Đó chính là sự khải lộ của các hiện hữu, cung cấp khả
năng cho thần học Thiên chúa giáo chiếm lấy triết học Hy Lạp – cho dù hậu quả
tốt hay xấu thì vẫn có thể được quyết định bởi các nhà thần học dựa trên cơ sở
kinh nghiệm của họ về cái là thần học Thiên chúa; họ chỉ nên lưu giữ trong chính
tâm trí của mình điều được viết trong Tập thư Đầu tiên của Thánh Tông đồ Paul
gửi người Corinthians: "ouhi
emoranen o theos tin sopsian tou kosmou”[Không phải là chính Chúa đã khiến
cho trí tuệ của thế gian này trở nên xuẩn ngốc đó sao?] (I Cor.1:20). Tuy nhiên
sposia tou kosmou – trí khôn của thế
gian này chính là Ellines zitousin, thứ
triết học đích thực mà người Hy Lạp tìm kiếm. Aristotle vẫn gọi cái proti psilosopsia, triết học đích thực, một
cách hoàn toàn rõ ràng là zitoumeni –
cái được tìm kiếm. Một ngày nào đó liệu thần học Thiên chúa giáo có hoàn chỉnh tư
duy của mình để nghiêm túc nắm lấy từ dùng của Thánh Tông đồ và vì vậy mà cũng
nắm lấy quan niệm về triết học như là một thứ xuẩn ngốc?
Vì là chân lý của
các hiện hữu theo nghĩa thông thường, nên siêu hình học có một đặc trưng phân
đôi. Tuy nhiên nguyên do của tính chất phân đôi này, chưa nói đến nguồn gốc của
nó, vẫn còn chưa được siêu hình học biết đến; và đây không phải là một sự cố,
cũng không phải chỉ vì nó bị bỏ qua. Siêu hình học có đặc trưng phân đôi đó vì chính
bản thân nó: sự thể hiện hiện hữu chỉ là các hiện hữu. Siêu hình học không có
lựa chọn. Là siêu hình học, đó chính là bởi bản tính của nó bị loại ra khỏi kinh
nghiệm về Hữu thể; vì nó luôn luôn thể hiện các hiện hữu ον chỉ bằng một con mắt nhìn vào cái thuộc về Hữu thể đã tự thể hiện bản
thân là các hiện hữu i ον. Nhưng siêu hình học lại không bao giờ chú ý đến cái đã tự ẩn giấu mình
trong chính hiện hữu ον ở chừng mức nó đã bắt đầu khải lộ. Vì vậy đã
đến lúc cần thiết phải có một sự nỗ lực mới để nắm bắt bằng tư duy chính xác
cái được nói đến khi chúng ta nói về ον hoặc sử dụng từ seiend hiện hữu. Vì vậy, câu hỏi liên quan đến ον hiện hữu, đã lại được đưa vào tư duy của con người. (Xem B.&T., Mở đầu). Nhưng việc tái sử
dụng này không phải chỉ là sự lặp lại vấn đề Platonic-Aristotelien; thay vào đó
đưa ra câu hỏi về cái tự che giấu bản thân trong cái ον hiện hữu đó.
Siêu hình học được
xây dựng dựa trên cái tự che giấu ở đây chừng nào siêu hình học vẫn nghiên cứu
hiện hữu chỉ là hiện hữu ον i ον. Việc nỗ lực truy
vấn trở lại cái tự che giấu ở đây, từ quan điểm siêu hình học, là để tìm kiếm
nền tảng của hữu thể luận. Vì vậy mà nỗ lực này, trong Hữu thể và Thời gian (tr.13) được gọi là “hữu thể luận cơ bản” Fundamentalontologie. Nhưng cái danh
xưng này, giống như bất cứ danh xưng nào khác ngay lập tức được coi là không
thích hợp. Từ quan điểm siêu hình học, chắc chắn là nó nói về một cái gì đó
chính xác; nhưng chính vì lý do đó mà nó lại sai lạc vì vấn đề ở đây là sự
thành tựu trong bước chuyển tiếp từ siêu hình học sang việc triệu hồi chân lý
của Hữu thể. Chừng nào lối tư duy này còn tự gọi nó là “hữu thể học cơ bản” thì
nó chặn đứng và che khuất con đường của riêng nó với cái danh xưng này. Vì cái
mà danh xưng “hữu thể luận cơ bản” gợi lên, tất nhiên, chính là sự nỗ lực để
triệu hồi chân lý của Hữu thể - và không phải, giống như mọi hữu thể luận, chân
lý của hiện hữu là tự thân, trong khi đó nó được gọi là “hữu thể luận cơ bản”,
vẫn là một loại hữu thể luận. Trong thực tế, việc nỗ lực triệu hồi chân lý của
Hữu thể, trên con đường quay trở về với nền tảng của siêu hình học đã được bắt
đầu, và với bước đi đầu tiên của nó, ngay lập tức nó đã rời bỏ lãnh địa của mọi
hữu thể luận. Mặt khác, mọi triết học xuay quanh một quan niệm trực tiếp hoặc
gián tiếp về “tính tiên nghiệm” về bản chất vẫn nhất thiết cần một hữu thể
luận, cho dù nó có được một nền tảng mới của hữu thể luận hoặc cho dù nó xác
quyết với chúng ta rằng nó khước từ hữu thể luận với tư cách là một kinh nghiệm
đông cứng hoá khái niệm.
Khởi nguồn từ một
tập quán thể hiện cổ đại các hiện hữu theo thông lệ, chính lối tư duy nỗ lực
triệu hồi chân lý của Hữu thể đã bắt đầu bị mắc kẹt trong các quan niệm mang
tính tập quán đó. Trong các hoàn cảnh ấy nó dường như vừa để định hướng khởi
đầu, lại vừa để chuẩn bị cho bước chuyển tiếp từ lối tư duy biểu hiện sang một
lối tư duy hồi tưởng mới, das andenkende
Denken, và không gì cần thiết hơn câu hỏi: siêu hình học là gì? Việc bộc lộ
của câu hỏi này trong bức tranh sau đây lên đến cực điểm trong một vấn đề khác.
Điều đó được gọi là câu hỏi cơ bản về siêu hình học: Tại sao thể nào cũng có hiện hữu nào mà lại không
có Hư vô?
Trong khi đó [bài
thuyết trình này lần đầu tiên được công bố năm 1949], đảm bảo là người ta đã
lại nói đi nói lại về một sự thoả thuận lớn về nỗi khiếp sợ và Hư vô, mà cả hai
đều được đề cập đến trong bài thuyết trình này. Nhưng người ta lại không hề hạ
cố để tự hỏi tại sao một bài thuyết trình vẫn xê dịch từ tư duy về chân lý Hữu
thể đến Hư vô, và sau đó lại thử đi ra khỏi đó để tư duy về thực chất của siêu
hình học, sẽ khẳng định rằng câu hỏi này là câu hỏi cơ bản về siêu hình. Làm
thế nào mà một người đọc chu đáo có thể giúp cảm nhận trên đầu lưỡi của mình
một lời phản đối không hề có trọng lượng gì hơn tất cả những lời phản đối chống
lại nỗi kinh sợ và Hư vô? Câu hỏi cuối cùng kích thích lời phản đối cho rằng một
sự truy vấn cố gắng triệu hồi Hữu thể bằng con đường của Hư vô quay trở lại
trong chung cục đến một câu hỏi liên quan đến các hiện hữu. Thêm vào đó, câu
hỏi ấy thậm chí còn tiếp tục theo cách thức quen thuộc của siêu hình học ngay
từ khởi đầu với một từ “Tại sao?” nhân quả. Vậy thì, ở chừng mực đó việc nỗ lực
triệu hồi Hữu thể bị thoái thác một cách thiện cảm đối với tri thức biểu tượng
về các hữu thể trên cơ sở các hữu thể. Và để làm cho vấn đề vẫn bị mắc kẹt, câu
hỏi cuối cùng rõ ràng là một câu hỏi mà nhà siêu hình học Leibniz đã nêu ra
trong công trình của ông: Principes de la
nature et de la grace: "Pourquoi il y a plutot quelque chose que rien?"
[Các nguyên tắc của tự nhiên và của ân sủng: Tại sao lại có một cái gì đó khác
hư vô?]
Vậy thì liệu bài
thuyết trình có bị thất bại so với ý định của nó không? Trên hết, điều đó hoàn
toàn là có thể bởi vì sự khó khăn của việc tác động đến một bước chuyển từ siêu
hình học sang một loại tư duy khác. Liệu bài thuyết trình có tự kết thúc bằng
cách hỏi vấn đề siêu hình của Leibniz về nguyên do tối thượng của vạn vật hiện
hữu không? Vậy thì tại sao cái tên của Leibniz lại không được đề cập, như phép
lịch sự đòi hỏi phải có? Hoặc liệu có phải vấn đề được hỏi theo một nghĩa hoàn
toàn khác? Nếu bản thân nó không liên quan đến các hiện hữu và truy vấn về
nguyên nhân đầu tiên của nó trong toàn bộ các hiện hữu thì câu hỏi phải được
bắt đầu từ cái không phải là một hiện hữu. Và đó chính xác là cái mà câu hỏi
nêu tên, và nó viết hoa cái tên đó là: Hư vô. Đây chính là chủ đề duy nhất của
bài thuyết trình. Có một nhu cầu dường như rất rõ ràng là đoạn kết bài thuyết
trình sẽ được suy nghĩ thấu triệt, chỉ lần này thôi, trong viễn cảnh riêng của
nó, là cái quyết định toàn bộ bài thuyết trình. Vậy thì cái được gọi là vấn đề
cơ bản của siêu hình học phải được hiểu và được đặt ra trong khuôn khổ của hữu
thể luận cơ bản như là một vấn đề xuất hiện trên nền siêu hình học và như là
vấn đề về cái nền đó. Nhưng nếu chúng ta cấp cho bài thuyết trình này cái mà
trong đoạn kết này tư duy theo hướng quan tâm riêng của bản thân nó thì chúng
ta phải hiểu về vấn đề này như thế nào?
Câu hỏi là: Tại sao thể nào cũng có hiện hữu nào mà lại không
có Hư vô? Hãy giả định rằng chúng ta không dừng lại
trong siêu hình học để hỏi về phương diện siêu hình học theo một cung cách quen
thuộc; Hãy giả định rằng chúng ta triệu hồi chân lý của Hữu thể ra khỏi thực
chất và chân lý của siêu hình học; vậy thì chính điều đó cũng có thể được đặt
câu hỏi: Điều này đã xảy ra như thế nào?: các hiện hữu có ưu quyền ở mọi nơi và
khẳng định rằng mọi thứ “là” trong khi nó lại không phải là một hiện hữu thì
được hiểu là Hư vô, cho dù nó chính là Hữu thể tự thân, và vẫn còn bị lãng
quên, các hiện hữu đó đã xuất hiện như thế nào? Điều này đã xảy ra như thế
nào?: liệu có phải cái đối với Hữu thể không là gì cả thì cái đó thực sự cũng
không phải là Hư vô? Phải chăng từ điều đó cái
như là vẫn không bị lay chuyển thì giả định đã gia nhập vào toàn bộ siêu
hình học, còn cái “Hữu thể” đó chỉ có thể đơn giản được coi là chuyện đương
nhiên và vì vậy mà Hư vô đã được làm ra một cách dễ dàng hơn các hiện hữu? Đó
thực sự là trạng huống liên quan đến Hữu thể và Hư vô. Nếu khác đi thì Leibnitz
đã có thể phải nói cũng với chính cương vị đó bằng một lý giải: "Car le rien est plus simple et plus facile
que quelque chose": Bởi vì hư vô thì đơn giản hơn và dễ dàng hơn bất
cứ một cái gì khác.
Cái gì bí ẩn hơn:
các hiện hữu hay Hữu thể? Hoặc có phải ngay cả suy tư này cũng thất bại trong
việc đưa chúng ta gần lại với điều bí ẩn đã xuất hiện với Hữu thể của các hiện
hữu? Bất kể thế nào thì câu trả lời cũng vẫn là có thể, trong khi đó liệu có
phải thời gian đã chín muồi để suy tư thông suốt về bài thuyết trình “Siêu hình
là gì?”, một bài thuyết trình đã phải chịu quá nhiều công kích, từ đoạn kết của
nó, cho một lần – từ chính đoạn kết của
nó chứ không phải là từ một kết cục tưởng tượng.
_________________________________________
Ghi chú: B.&T.
= Being and Time: Hữu thể và Thời gian.
Tác giả: Martin Heiderger, triết gia lỗi lạc của Đức, sinh ngày
26/9/1889, mất ngày 26/5/1976. Là học trò của Husserl và chịu ảnh hưởng của triết học Brentano, kế tục Husserl giảng dạy triết học tại đại học Freiburg, và trở thành hiệu trưởng của đại học này năm
1933-1934. Các tác phẩm
tiêu biểu của ông là Hữu thể và Thời
gian
xuất bản năm 1927; Kant và vấn đề siêu
hình học, Nhập môn siêu hình học năm 1935, Học thuyết Plato về chân lý, 1942;
Thư về chủ nghĩa nhân đạo, 1947…vv.
Nguồn: Existence
and Being from Existentialism from
Dostoyevsky to Sartre. Edited by Walter
Kaufman published in full. Martin Heidegger,1949. Philosophy Archive@marxist.org.