Powered By Blogger

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Mối tương tác giữa các thể chế chính thức và phi chính thức ở Tây Nguyên




Mối tương tác giữa các thể chế chính thức và 
phi chính thức ở Tây Nguyên

Hà Hữu Nga

Hệ thống thể chế phi chính thức được tạo thành bởi các quy tắc, quy định, chuẩn mực theo nguyên tắc bất thành văn, được sử dụng để điều chỉnh hành vi của cộng đồng. Về phương diện này, khái niệm cộng đồng mang một nghĩa rộng, bao gồm cả các cộng đồng DTTS (dân tộc thiểu số) địa phương Tây Nguyên, các cộng đồng DTTS nơi khác di cư đến, cũng như các cộng đồng người Kinh đã sinh sống lâu đời hoặc mới di cư đến sinh sống Tây Nguyên. Bên cạnh đó, nội hàm của khái niệm cộng đồng không chỉ đơn thuần dựa trên các cộng đồng dân cư truyền thống, mà nó còn là khái niệm để chỉ cả các cộng đồng hiện đại như các cộng đồng dân cư đô thị (khu phố, phường, tổ dân phố), các cộng đồng doanh nghiệp, hội nghề nghiệp…vv. Trong các cộng đồng đó hình thành các mạng lưới xã hội, quan hệ xã hội; tạo thành nguồn vốn xã hội, nhằm giảm chi phí giao dịch, trợ giúp cộng đồng, sinh hoạt tinh thần, bảo vệ quyền lợi thành viên, giải quyết xung đột, bảo vệ môi trường…v.v. Các tổ chức đó được gọi là xã hội dân sự, một hình thức thể chế xã hội được xây dựng dựa trên nguyên tắc tự nguyện xung quanh các giá trị, mục tiêu, sở thích, lợi ích chung. Nguyên tắc tự nguyện của xã hội dân sự tạo thành tính đa dạng về phạm vi hoạt động, các thành viên tham gia và các hình thái tổ chức, khác nhau về mức độ lễ thức, quyền tự do và quyền lực chính trị. Trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện, xã hội dân sự - một loại vốn xã hội hiện đại - thường được hình thành dưới dạng các tổ chức như các hội từ thiện, các hiệp hội, các công đoàn, các nhóm tương trợ, các phong trào xã hội, các hội kinh doanh, các liên minh, và các hội nghề nghiệp [O'Connell, Brian 1999; Edwards, Michael 2004].

Dù muốn hay không muốn thì trong thực tế Tây Nguyên, đã, đang, và sẽ còn xuất hiện nhiều hình thức tổ chức của xã hội dân sự dựa trên cơ sở hai nguyên tắc: 1) nguyên tắc bất thành văn của hệ thống thể chế phi chính thức; và ii) nguyên tắc tự nguyện của xã hội dân sự. Nhìn từ quan điểm hệ thống chính thức của nhà nước, ở Tây Nguyên đã và vẫn tồn tại những hình thức  tổ chức phi chính thức hoặc những hình thức tổ chức mang danh/lợi dụng xã hội dân sự để: i) trục lợi về kinh tế (chiếm đoạt các nguồn đất, rừng, khoáng sản, lâm sản, v.v… làm của riêng); ii) làm mất ổn định xã hội (như tham nhũng, tội phạm, xung đột giữa các cộng đồng địa phương và các cộng đồng di dân); iii) phá hoại hệ thống chính trị hiện hành ; iv) làm băng hoại các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Vì vậy, để xây dựng luận cứ khoa học cho việc bổ sung, và đổi mới hệ thống thể chế, góp phần đảm bảo tương lai phát triển bền vững của các cộng đồng DTTS địa phương cũng như các cộng đồng di dân và các cộng đồng cư dân hiện đại khác của Tây Nguyên liên quan đến các nguyên tắc và hình thức thể chế trên, chúng ta cần đánh giá một cách khoa học vai trò của hệ thống thể chế phi chính thức Tây Nguyên, dựa trên khung phân tích thể chế phi chính thức [Gretchen Helmke and Steven Levitsky 2004] đã được trình bày ở trên, như sau.

1. Vai trò bổ sung của hệ thống thể chế phi chính thức

Nói đến vai trò bổ sung của hệ thống thể chế phi chính thức, trước hết là nói đến đặc trưng mang tính tích cực của hệ thống này, góp phần khắc phục những thiếu hụt hoặc làm tăng thêm hiệu quả và sức mạnh thực thi của hệ thống thể chế chính thức, nhằm phát triển bền vững Tây Nguyên. Vai trò này được thể hiện ở mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa Tây Nguyên, mà một trong những ví dụ điển hình nhất là việc thực hiện Chỉ thị 24/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư” của Tây Nguyên, cụ thể là hai tỉnh Gia Lai và Đak Lak. Trong đó, Gia Lai triển khai thực hiện tuyên truyền vận động từ năm 2000 đến nay đã xây dựng được 108 quy ước bảo vệ rừng, trong đó được chuẩn y thực hiện 101 quy ước. Đắc Lắk triển khai xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng từ khi có Chỉ thị số 52/2001/CT – BNN – KL của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến nay, đã xây dựng được 88 quy ước trên địa bàn 39 xã thuộc 19 huyện, thành phố, trong đó có 66 quy ước được chuẩn y thực hiện. Quy ước bảo vệ và phát triển rừng được xây dựng dựa trên các luật tục truyền thống của địa phương, được người dân trong các buôn làng tự nguyện tham gia đã nâng cao nhận thức của các thành viên trong cộng đồng. Người dân thấy được sự cần thiết phải liên kết giữa các hộ gia đình trong buôn, đã gắn được trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình với cả cộng đồng và các cộng đồng xung quanh cùng nhau chia xẻ, bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế – xã hội. [Đỗ Như Khoa, Đàm Văn Long, Đoàn Hoài Nam 2013].

Kết quả đánh giá theo phương pháp SWOT cho thấy: i) Điểm mạnh: Trong quá trình triển khai thực hiện quy ước, đã có hệ thống chính sách liên quan khá đồng bộ và đầy đủ; như chính sách về phân cấp quản lý, chính sách quyền hưởng lợi, các chính sách ưu tiên cho phát triển nông thôn miền núi (chương trình 135; chương trình phát triển kinh tế các tỉnh miền núi phía bắc; chương trình phát triển kinh tế Tây Nguyên; Bảo vệ môi trường và cân bằng giới…) đã tạo nên nội dung phong phú trong quy ước, đồng thời là môi trường và hành lang pháp lý cho việc xây dựng quy ước. ii) Điểm yếu: Một số chính sách của Nhà nước chưa rõ ràng, đồng bộ, cụ thể là: Công tác quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp kém hiệu quả, thiếu quy hoạch tổng thể, quy hoạch sử dụng đất cấp xã, thôn, bản manh mún, chưa có ranh giới hành chính cấp thôn, bản và không xác định rõ loại đất, loại rừng. Do cộng đồng thôn, bản chưa được công nhận đầu đủ về tư cách pháp nhân và quản lý rừng thôn, bản cũng chưa được nhà nước công nhận về mặt pháp lý, vì vậy thông thường cộng đồng thôn bản không được giao hoặc thuê hoặc khoán rừng và đất lâm nghiệp. Do đó rất khó khăn về thu nhập cho cộng đồng để chi phí cho các hoạt động bảo vệ, giám sát và tuyên truyền chung trong cộng đồng. [Đỗ Như Khoa, Đàm Văn Long, Đoàn Hoài Nam 2013].

Kết quả đánh giá SWOT cho thấy đặc trưng bổ sung rất rõ ràng giữa thể chế phi chính thức (nguyên tắc bất thành văn truyền thống của luật tục làm cơ sở cho việc soạn thảo quy ước cộng đồng) và thể chế chính thức (nguyên tắc thể chế hóa bằng hệ thống luật pháp, các chính sách, quy định của Nhà nước) thể hiện qua điểm mạnh và điểm yếu trong quá trình kết hợp sử dụng hai loại thể chế này.

Từ trường hợp trên, có thể rút ra bài học quan trọng nhất làm luận cứ khoa học cho vai trò bổ sung của thể chế phi chính thức đối với thể chế chính thức là: i) chế phi chính thức có vai trò to lớn, không thể thiếu trong việc bổ sung, tăng cường hiệu quả thực thi cho hệ thống thể chế chính thức, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững Tây Nguyên; ii) để sử dụng một cách hiệu quả vai trò bổ sung của thể chế phi chính thức thì cần phải không ngừng hoàn thiện hệ thống thể chế chính thức thông qua việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, quy định có liên quan đến các vấn đề phát triển trong từng lĩnh vực cụ thể.

2. Vai trò điều chỉnh của hệ thống thể chế phi chính thức

Nói đến vai trò điều chỉnh của hệ thống thể chế phi chính thức, cũng đồng nghĩa với việc nói đến tính tích cực của hệ thống này, góp phần khắc phục tình trạng lệch hướng và/hoặc tăng cường tính phù hợp của hệ thống thể chế chính thức, nhằm phát triển bền vững Tây Nguyên. Điều này thể hiện rõ ràng ở rất nhiều lĩnh vực tương quan giữa hệ thống thể chế phi chính thức và hệ thống thể chế chính thức trong mọi lĩnh vực đời sống Tây Nguyên, mà một trong những ví dụ điển hình nhất là vấn đề về địa vị pháp lý của cộng đồng dân cư thôn buôn. Trước năm 2003, địa vị pháp lý của cộng đồng dân cư thôn buôn chưa được đề cập trong các văn bản luật hiện hành của nước ta, và Luật Dân sự năm 2005 cũng không quy định cộng đồng dân cư thôn buôn là một pháp nhân, nhưng Luật này lại đưa ra khái niệm sở hữu chung của cộng đồng. Theo đó, cộng đồng dân cư thôn buôn có quyền sở hữu đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên trong cộng đồng đóng góp nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cả cộng đồng. Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng theo thoả thuận vì lợi ích của cộng đồng. (Quốc hội 2005)   

Nghị định số 29/CP ngày 11 tháng 5 năm 1998 của Chính phủ về Quy chế thực hiện dân chủ ở xã (Chính phủ 1998a) đã quy định làng, bản không phải là một cấp chính quyền, nhưng là nơi sinh sống của cộng đồng dân cư và là nơi thực hiện dân chủ một cách trực tiếp nhằm giải quyết các công việc trong nội bộ cộng đồng dân cư. Văn bản này còn nhấn mạnh hội nghị làng, bản được tổ chức để thảo luận và quyết định các công việc của nội bộ cộng đồng dân cư về sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng .v.v.; trưởng làng, bản là người đại diện cho cộng đồng dân cư. Một trong những nhiệm vụ của trưởng làng, bản là phối hợp với các tổ chức kinh tế hướng dẫn nhân dân phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Làng, bản có thể thành lập các ban hoà giải, ban an ninh, tổ bảo vệ sản xuất, ban kiến thiết. Thực hiện Nghị định trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 24/TTg ngày 19 tháng 6 năm 1998 về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản. (Chính phủ 1998b)  

Văn bản có tác động mạnh tới địa vị pháp lý của cộng đồng dân cư thôn buôn là Quyết định số13/ 2002/QĐ-BNV ngày 06 tháng 12 năm 2002 của Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn và Nghị định số79/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ ban hành về Quy chế  thực hiện dân chủ ở xã thay thế Nghị định 29/CP. Hai văn bản này quy định thôn là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, trưởng thôn do nhân dân trực tiếp bầu và Chủ tịch UBND xã ra quyết định công nhận là người đại diện cho nhân dân và đại diện cho chính quyền xã, phường để thực hiện một số nhiệm vụ hành chính tại thôn (Chính phủ 2003). Nhấn mạnh địa vị pháp lý của cộng đồng thôn buôn, Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, quy định các quan hệ liên quan đến rừng (với tư cách là tài sản trên đất) quy định rõ, Nhà nước giao rừng phòng hộ, rừng sản xuất không thu tiền sử dụng rừng cho cộng đồng dân cư thôn quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài với tư cách như một chủ rừng. Điều 29 quy định cộng đồng được giao rừng là cộng đồng dân cư thôn có cùng phong tục, tập quán, có truyền thống gắn bó với rừng trong sản xuất, đời sống, văn hóa, tín ngưỡng; có khả năng quản lý rừng, có nhu cầu và đơn xin giao rừng. Việc giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã được phê duyệt; phù hợp với khả năng quỹ rừng của địa phương. (Quốc hội 2004)

Những dẫn chứng trên cho thấy rất rõ sự chuyển biến của quá trình xây dựng hệ thống thể chế chính thức thông qua việc ban hành các bộ luật, các chính sách, các quy định dưới tác động điều chỉnh một cách đúng đắn và hợp lý của các nguyên tắc truyền thống của hệ thống thể chế phi chính, thể hiện qua vị thế pháp lý của các buôn làng. Điều đó chứng tỏ: i) hệ thống thể chế phi chính thức Tây Nguyên có một vai trò rất to lớn trong việc điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thống thể chế chính thức, nhằm phát triển bền vững vùng này; ii) tác động điều chỉnh của hệ thống thể chế phi chính thức là một trong những luận cứ khoa học không thể thiếu trong quá trình bổ sung và đổi mới hệ thống thể chế nhằm đảm bảo phát triển bền vững vùng Tây Nguyên một cách đúng hướng và ngày càng phù hợp với thực tế của vùng, của đất nước và khu vực. 

3. Vai trò cạnh tranh của hệ thống thể chế phi chính thức

Khi đề cập đến vai trò cạnh tranh của hệ thống thể chế phi chính thức, chúng ta dễ dàng nhận thấy tính chất hai mặt của nó. Cạnh tranh chỉ đóng vai trò tích cực khi hệ thống thể chế phi chính thức tác động thuận chiều, tạo môi trường đua tranh lành mạnh cho quá trình bổ sung và đổi mới hệ thống thể chính thức hướng đến mục đích phát triển bền vững vùng. Ngược lại, cạnh tranh sẽ đóng vai trò tiêu cực khi nó cản trở, làm lệch hướng quá trình bổ sung và đổi mới hệ thống thể chính thức, làm cho quá trình phát triển vùng trở nên khó khăn và thiếu bền vững.

Ở phần trên, chúng tôi đã phân tích một thực tế tại xã Đak Phơi, huyện Lak, tỉnh Đak Lak thông qua hoạt động trao đổi hiện vật với tỷ lệ lãi rất cao luôn có lợi cho những người cung cấp hàng hóa từ bên ngoài vào các hộ dân tộc thiểu số ở đây đã thể hiện một loại hình thể chế cạnh tranh khốc liệt với hệ thống quy tắc chính thức của nhà nước và/hoặc hệ thống quy tắc công bằng của một thị trường lành mạnh, bình thường. Đây không chỉ là hiện tượng cá biệt ở Đak Phơi, mà nó tồn tại phổ biến ở hầu hết các địa phương Tây Nguyên với nhiều dạng thức tương tự hoặc giống hệt như ở Đak Phơi. Tuy nhiên bên cạnh hiện tượng cạnh tranh thể chế bất công bằng và không lành mạnh như vậy trong lĩnh vực đời sống kinh tế của người dân Tây Nguyên, cũng không thiếu những ví dụ cạnh tranh thể chế lành mạnh, mà điển hình là hai ví dụ sau: Năm 2007, khi thực địa tại Xã Mang Cành, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, chúng tôi đã ghi nhận một loại hình thể chế phi chính thức mới xuất hiện: để đối phó với tình trạng ép giá và cho vay nặng lãi của các con buôn người Kinh, nhiều người Rơ Mâm xã Mang Cành tập hợp lại thành một loại hình tổ hợp tác tự nguyện. Họ kết nối với một người vừa là đồng tộc, vừa là đồng hương, là cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu tại thành phố Kon Tum, đề nghị người này làm đầu mối thu mua/bán nông sản/cung cấp tín dụng với tỷ lệ lãi hợp lý cho bà con. Với cách làm này, người Rơ Mâm đã cạnh tranh thành công với mô hình cho vay nặng lãi và thu mua theo kiểu chộp giật của các con buôn người Kinh trong khu vực; và họ cũng đã tạo dựng một loại hình thể chế phi chính thức cạnh tranh lành mạnh với hệ thống thu mua nông sản, và cung cấp tín dụng chính thức của nhà nước.  

Trong đợt thực địa Tây Nguyên năm 2006, chúng tôi còn được chứng kiến một cách hợp tác tự nguyện thành công khác của người Bahnar tại xã Đak Tơ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Ở buôn Tơ Re có một người là tên A. H., là kiều dân tại Pháp, khi trở về thăm quê, ông này biếu chung cho cả buôn một số tiền là 5000 USD để làm ăn. Dân làng họp nhau lại bàn mua một số bò để nuôi chung và họ đã lập được một trại bò với 12 con, hầu hết là bò cái sinh sản. Họ cử ra một người phụ trách trại này là ông A G. và hai thanh niên khác phụ giúp chăn bò. Nguyên tắc chia sẻ sản phẩm là như sau: lứa bê con sinh ra trong hai năm đầu tiên được chia cho những hộ gia đình nghèo nhất và chia cho những người phụ trách trại bò; lứa bê năm sau được chia cho các hộ có phụ nữ làm chủ hộ và tương đối khó khăn; lứa bê năm tiếp theo được chia cho những hộ trung bình; còn những hộ khá giả thì được chia sau cùng. Mô hình trại bò A. G. đã giúp người Bahnar trong buôn không bị phụ thuộc vào nguồn tín dụng đen nặng lãi của các con buôn người Kinh và giải quyết được về cơ bản sinh kế cho các hộ gia đình neo đơn nhất trong buôn.

Các trường hợp trên cho thấy rất rõ tính chất hai mặt của vai trò cạnh tranh giữa hệ thống thể chế phi chính thức và hệ thống thể chế chính thức trong đời sống của người dân Tây Nguyên. Mặt tiêu cực trong cạnh tranh thể chế khiến cho người dân gặp khó khăn, việc thực hiện xóa đói giảm nghèo của Nhà nước bị cản trở (trường hợp cạnh tranh giữa hệ thống tín dụng đen dưới các hình thức trao đổi hiện vật, cho vay nặng lãi với hệ thống tín dụng chính thức của nhà nước). Ngược lại mặt tích cực trong cạnh tranh thể chế một cách lành mạnh thể hiện rất rõ đối với trường hợp người Rơ Mâm ở Mang Cành và người Bahnar ở Đak Tơ Re.

Điều đó chứng tỏ: i) tính hai mặt trong sự cạnh tranh giữa các hệ thống thể chế phi chính thức với nhau và với  hệ thống thể chế chính thức, có vai trò và có tác động to lớn, trực tiếp đến quá trình phát triển bền vững Tây Nguyên; ii) vốn xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng các loại hình thể chế phi chính thức có khả năng cạnh tranh lành mạnh và công bằng giữa chính các loại hình thể chế phi chính thức với nhau và với hệ thống thể chế chính thức; iii) tính hai mặt trong sự cạnh tranh thể chế là một trong những luận cứ khoa học quan trọng giúp nhận thức rõ mặt tích cực, và mặt tiêu cực trong quá trình bổ sung và đổi mới hệ thống thể chế nhằm đảm bảo phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.  

4. Vai trò thay thế của hệ thống thể chế phi chính thức

Ở phần trên đã chỉ rõ, đối với thực tiễn các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, hệ thống phi chính thức cạnh tranh và hệ thống phi chính thức thay thế luôn là cặp bài trùng và luôn song hành cùng nhau, đặc biệt là trong mạng lưới cung cấp tín dụng tư nhân của người Kinh cho người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tính chất thay thế của hệ thống thể chế phi chính thức đối với hệ thống thể chế chính thức cũng thể hiện rất rõ trong các lĩnh vực được xây dựng dựa trên nguyên tắc niềm tin, đặc biệt là lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo ở Tây Nguyên. Các con số về thực trạng phát triển của đạo Tin lành Tây Nguyên cho thấy rất rõ điều đó. Đến năm 2009 đã có tổng số 362.689 người theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên, trong đó hầu hết là người DTTS: ở Gia Lai người DTTS chiếm 98,3%; Đắk Lắk 90,5%. Và hiện tượng đó được lý giải bằng chính niềm tin với lý do như sau: “Khi mà gần ¼ đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên không còn tin vào các vị thần linh, không thực hiện các lễ nghi truyền thống, không còn thấy trong cồng chiêng còn có thần linh trú ngụ…” [Đinh Văn Hạnh, 2010; Nguyễn Cao Thanh 2013].  

Nhưng có lẽ đạo Hà Mòn mới thể hiện rõ nhất mức độ khủng hoảng của hệ thống thể chế phi chính thức Tây Nguyên được xây dựng trên cơ sở niềm tin, và một niềm tin huyễn hoặc đã thay thế cho những niềm tin nhân bản của các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống. Người ta tin cả vào những chuyện vô lý đến mức: nếu theo đạo này thì mọi nợ nần về vật chất và tinh thần đều được xóa, kể cả nợ ngân hàng. Đến nay số người theo Hà Mòn trên 3.500 người thuộc hai dân tộc Ba na và Sê đăng ở 34 thôn, làng của 17 xã thuộc 11 huyện trên địa bàn 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đaklak. Niềm tin thiếu cơ sở ấy đã khiến cho người dân bỏ bê lao động sản xuất, nộp tiền cho các đối tượng cầm đầu "Hà Mòn", ảnh hưởng đến đời sống kinh tế vốn đã rất khó khăn của đồng bào dân tộc thiếu số. Các cháu học sinh là con em gia đình theo Hà Mòn bỏ học nhiều, riêng xã Ea Yiêng huyện Krông Pách, tỉnh Đắk Lắk cuối tháng 4/2012 có 113 học sinh các cấp bỏ học. Việc tin chữa bệnh bằng cầu nguyện, những điều nhảm nhí thay bằng đến các cơ sở y tế đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; ảnh hưởng đến nhận thức trở lại của người dân tộc về việc chữa bệnh bằng cầu cúng, bùa ngải [Phương Liên, 2013].

Các thực tiễn của hệ thống thể chế phi chính thức mang tính thay thế ở Tây Nguyên cho thấy: i) tính chất thay thể của hệ thống thể chế phi chính thức rõ ràng có tác động to lớn, trực tiếp đến quá trình phát triển bền vững Tây Nguyên, nhưng hầu hết đều mang tính tiêu cực; ii) vốn xã hội (quan hệ cộng đồng, gia đình, dòng họ, thể chế già làng) đã bị lợi dụng một cách có mục đích trong việc tạo ra môi trường lan truyền và nuôi dưỡng các tác động tiêu cực của các loại hình thể chế phi chính thức thay thế ấy; iii) sự tồn tại của tính thay thế của hệ thống thể chế phi chính thức là một trong những luận cứ khoa học quan trọng giúp nhận thức rõ mặt tích cực, và mặt tiêu cực trong quá trình bổ sung và đổi mới hệ thống thể chế nhằm đảm bảo phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.  
__________________________________

Nguồn: Hà Hữu Nga 2014. Mối tương tác giữa các thể chế chính thức và phi chính thức ở Tây Nguyên. Bài viết cho Đề tài cấp Nhà nước: Xây dựng luận cứ khoa học cho việc bổ sung và đổi mới hệ thống thể chế phát triển bền vững vùng Tây Nguyên. Mã số TN3/X09. 2013-2014.

Tài liệu dẫn

Bộ Nội vụ 2002. Quyết định của Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn. Quyết định số13/ 2002/QĐ-BNV ngày 06 tháng 12 năm 2002, Hà Nội năm 2002.  

Chính phủ 1998a. Nghị định của Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã. Nghị định số 29/1998/NĐ-CP, Hà Nội năm 1998.

Chính phủ 1998b. Quyết định của Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản. Quyết định số 24/TTg ngày 19 tháng 6 năm 1998, Hà Nội năm 1998.

Chính phủ 2003. Nghị định của Chính phủ về Quy chế  thực hiện dân chủ ở xã thay thế Nghị định 29/CP. Nghị định số79/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2003, Hà Nội 2003.

Đinh Văn Hạnh 2010. Thực trạng phát triển Tin Lành ở Tây Nguyên. Tạp chí Xưa và Nay - Số 370 Tháng 12/2010.

Đỗ Như Khoa, Đàm Văn Long, Đoàn Hoài Nam 2012. Đánh giá và thực hiện quy ước bảo vệ phát triển rừng trong cộng đồng dân cư thôn, làng, bản, ấp. Phòng Bảo vệ và Phòng cháy Chữa cháy rừng, Cục Kiểm lâm. Trong http://mien nui. word press. com/ 2012/ 02/ 03/

Edwards, Michael 2004. Civil Society. Cambridge, England: Polity Press, 2004. 

Gretchen Helmke and Steven Levitsky 2004. Informal Institutions and Comparative Politics: A Research Agenda. Perspectives on Politics, Vol. 2, No. 4 (Dec., 2004), pp. 725-740, Published by: American Political Science Association. 

Nguyễn Cao Thanh 2013. Đạo Tin lành ở Việt Nam từ 1975 đến nay, tư liệu và một số đánh giá ban đầu. Ban Tôn giáo Chính phủ http://btgcp.gov.vn/.

O'Connell, Brian 1999. Civil Society: The Underpinnings of American Democracy. Medford, Mass: Tufts University Press, 1999.

Phương Liên 2013. "Hiện tượng Hà Mòn" ở Tây Nguyên, những vấn đề cần quan tâm. Ban Tôn giáo Chính phủ http://btgcp.gov.vn/.

Quốc hội 2004. Luật bảo vệ và Phát triển rừng. Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004, Hà Nội 2004.

Quốc hội 2005. Bộ Luật Dân sự. Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005, Hà Nội 2005.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét