Powered By Blogger

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Thần thoại và Văn hóa Dân gian (I)



Thần thoại và Văn hóa Dân gian (I)

Franz Boas

Người dịch: Hà Hữu Nga

Thần thoại và truyện dân gian. Không thể vạch một ranh giới rõ ràng giữa thần thoại và tích truyện dân gian, vì những câu chuyện kể tương tự xảy ra khi các chuyện thần thoại cũng xuất hiện dưới dạng các tích truyện dân gian. Nếu chúng ta định nghĩa những câu chuyện thần thoại là các câu chuyện kể đưa ra lời giải thích về các hiện tượng tự nhiên, thì chúng ta phải đối mặt với những khó khăn mà một tích truyện dân gian có thể phù hợp với định nghĩa này trong một trường hợp nào đó, trong khi đối với trường hợp khác thì nó lại có thể là một câu chuyện thuần túy về con người, thậm chí đôi khi có thể là khoảng trống rỗng của các yếu tố lạ kỳ. Do đó, cùng một tích truyện sẽ đồng thời được phân loại ở thời điểm này là một thần thoại, và ở một thời điểm khác lại là một tích truyện dân gian.

Nếu chúng ta lấy sự nhân cách hóa động vật, thực vật, các thiên thể và các hiện tượng tự nhiên làm cơ sở cho định nghĩa của mình thì lại nảy sinh một khó khăn khác, vì các trường hợp nhân cách hóa như vậy cũng xuất hiện trong các tích truyện dân gian thuần túy là tưởng tượng, hoặc thậm chí còn được coi là các sự kiện có thật đã xảy ra với những người đương thời .

Việc quy vào những ý tưởng tôn giáo và các lễ thức cũng không tạo ra một tiêu chí hữu dụng, vì những ý tưởng và lễ thức này có thể gia nhập vào các thần thoại cũng như vào những tích truyện dân gian liên quan đến những sự kiện gần đây.

Các khái niệm thần thoại. Định nghĩa về các khái niệm thần thoại dễ dàng hơn nhiều so với định nghĩa về những câu chuyện thần thoại. Các khái niệm thần thoại là các quan điểm cơ bản của việc tạo dựng thế giới và nguồn gốc của nó. Các khái niệm này gia nhập vào các tích truyện dân gian liên quan đến các sự cố trong cuộc sống của các hữu thể thần thoại, và vào các tích truyện dân gian đề cập đến các kỳ công những đau khổ của những người đương thời của chúng ta, thường của các thể quen biết. Do đó, người châu Phi kể về các cuộc gặp gỡ với các hồn ma của tổ tiên và những việc làm có hại của các phù thủy; thầy phù thủy người Koryak kể lại một cách chi tiết các cuộc chiến đấu với các vị ác thần; người châu Âu thuật lại các sự cố về cuộc đời các vị thánh và những cuộc thông đồng với quỷ dữ; người phương Đông nghe những câu chuyện về ma quỷ được điều khiển bởi chiếc nhẫn phép thuật, và người Mỹ bản địa hành hương về vùng đất của các hồn ma. Trong tất cả những tích truyện này, các khái niệm thần thoại xuất hiện như là một bộ phận của các câu chuyện. [1]

Rõ ràng các tích truyện được phân loại một cách quả quyết là huyền thoại nếu chúng giải thích nguồn gốc của thế giới và nếu chúng có thể được cho là đã xảy ra trong một khoảng thời gian thần thoại, khác với một thời mà chúng ta đang sống. Sự khác biệt ấy được thừa nhận một cách rõ ràng bởi nhiều bộ lạc, như người da đỏ Bắc Mỹ, người dân trên đảo Andaman, và thổ dân Úc.

Nguồn gốc của các tích truyện dân gian. Trong việc xử lý các tích truyện dân gian, câu hỏi đặt ra là liệu chúngcác thần thoại hay truyền thuyết dân gian có thể được bỏ qua. Vấn đề này đúng ra là liên quan đến việc làm sáng tỏ lịch sử và nguồn gốc của các tích truyện, và liên quan đến câu hỏi các khái niệm thần thoại trở thành chủ đề chính của các tích truyện dân gian như thế nào và đến mức độ nào. Tầm quan trọng của việc giải thích về lịch sử của các vị thần của Hesiod rõ ràng khác với việc giải thích về các công nghiệp và đau khổ của Odysseus.

Trước hết, chúng ta sẽ xem xét vấn đề về nguồn gốc của các tích truyện dân gian. Trong một cuộc điều tra không có bất kỳ hồ sơ nào về thời gian trong quá khứ, chúng ta phải cố gắng xác lập các quy trình đang hoạt động tại thời điểm hiện tại và xem liệu chúng có thể giúp chúng ta cố gắng tái tạo lại quá khứ hay không. Không có bất cứ lý do nào để giả định rằng các quy trình tương tự lại không hoạt động trong các khoảng thời gian trước đó, ít nhất là chừng nào các loại hình văn hóa còn phù hợp với các tiêu chuẩn của các bộ lạc nguyên thủy hiện đại. Điều này chắc chắn đã xảy ra từ hậu kỳ thời đồ đá cũ, vì các di tích của người nguyên thủy hiện đại được tìm thấy sau hàng ngàn năm sẽ phù hợp chặt chẽ với cấp độ được chỉ ra bởi các di tích của những buổi đầu ấy.

Việc phân tích các tích truyện dân gian cho thấy chúng hầu như hoàn toàn liên quan đến các sự kiện có thể xảy ra trong xã hội loài người, với các đam mê, đức hạnh, và tệ nạn của con người. Đôi khi những sự kiện ấy lại khá hợp lý, nhưng chúng thường là những sự kiện kỳ quái và một tính cách như vậy không thể có nguồn gốc trong kinh nghiệm của con người, nhưng lại có thể được hiểu là kết quả của trò chơi tưởng tượng với kinh nghiệm hàng ngày. Các sản phẩm tưởng tượng không chỉ đơn giản là bản sao của các kinh nghiệm tri giác, mặc dù chúng được tạo dựng nên. Đó là kết quả của các giấc mộng ban ngày đùa giỡn với họ, và là kết quả của giai điệu cảm xúc của họ. Chúng ta luôn ngập tràn niềm hy vọng mãnh liệt, và trí tưởng tượng cho phép chúng ta luôn thấy mong muốn của mình được tựu thành, không hề có vấn đề các mong muốn ấy lại không thể. Một sự kiện làm chúng ta ngạc nhiên, và trong trí tưởng tượng của chúng ta những yếu tố tuyệt vời sẽ được phóng đại lên. Chúng ta bị đe dọa bởi các hiểm họa, và nguyên nhân của các hiểm họa ấy đối với chúng ta vẻ được phú bẩm bằng những sức mạnh phi thường. Trong tất cả các tình huống này, kinh nghiệm thực tế có thể được phóng đại hoặc biến thành mặt đối lập của nó, và những điều không thể lại sẽ trở thành hiện thực.

Sau cái chết của một người bạn thân thì cả chúng ta lẫn người nguyên thủy đều không suy đoán là linh hồn của anh ta có thể đã trở thành cái gì; nhưng chúng ta lại ham muốn mãnh liệt để hủy bỏ tác dụng của những gì đã xảy ra, và trong trò chơi tự do của trí cuồng tưởng, chúng ta thấy người chết sống lại. Nhà lãnh đạo bị giết chết trong trận chiến, cơ thể ông bị chặt hết chân tay lại được hoàn trả tràn đầy sức mạnh. Người chiến binh bị kẻ thù bao vây, không còn bất cứ con đường rút lui nào, sẽ muốn vượt qua một cách vô hình mọi vòng vây của kẻ thù, và trong trí tưởng tượng mạnh mẽ con người đều mong muốn điều đó trở thành hiện thực.

Các hình thức thần thoại khác có thể được hiểu như là sự phóng đại của kinh nghiệm. Do đó, vẻ đẹp hình thức của cơ thể con người có thể siêu vượt khỏi lãnh địa hiện thực. Vì vậy mà những người trai tráng rực sáng với mái tóc chói lòa như vậy hoàn toàn có thể hiểu được. Các biến đổi hình dáng của cơ thể cũng đem lại chất liệu cho trí tưởng tượng. Những quái vật không hề có cũng được cho là đang tồn tại và trở thành một mối hiểm họa. Nếp nhăn, nốt ruồi, mụn cóc, chân tay thừa ra, những dấu hiệu đổi màu, tất cả đều là những yếu tố giúp cho trò chơi của trí tưởng tượng có thể xây dựng thành nhân vật của mình.

Có một thực tế các kinh nghiệm và tình huống này xảy ra trong mọi xã hội con người và các kích thích tâm lý cho các biến đổi của trí tưởng tượng hiện diện ở khắp mọi nơi,  đủ để giải thích cho sự tương đồng chung của nhiều nhân vật và diễn biến kỳ quặc trong các tích truyện dân gian.

Không thể hiểu thần thoại và văn hóa dân gian chỉ bằng quan điểm triết lý nguyên thủy, như là kết quả của tư duy tư biện về nguồn gốc và cấu trúc của thế giới và của đời sống con người. Sự tuôn trào của hoạt động nghệ thuật cũng không kém hơn, đặc biệt là sự tuôn trào của hoạt động văn học. Việc nhấn mạnh một chiều đối với mối quan hệ gần gũi giữa tôn giáo và thần thoại làm khuất lấp trò chơi giàu trí tưởng tượng có liên quan đến quá trình hình thành các thần thoại.

Các tích truyện dân gian phải được coi là tương tự với văn học tiểu thuyết hiện đại. Những nỗ lực thường xuyên nhằm ám chỉ toàn bộ các truyền thuyết dân gian vào các hiện tượng tự nhiên, vào mặt trăng [2] hay mặt trời, [3] đều không xem xét kỹ lưỡng trò chơi thực tế của trí tưởng tượng phổ biến đối với nhân loại trên toàn thế giới. Không cần phải đồng nhất một nhân vật phủ đầy mụn cóc với mặt trăng, để giải thích về những khoảng tối gợn trên nét mặt cô ta; hoặc để giả định rằng việc cắt thành từng mảnh hoặc nuốt sống thân thể một người anh hùng là thể hiện cho ánh sáng tàn úa của mặt trăng. Các lý thuyết tinh vi của phân tâm học dường như cũng không cần thiết cho mục đích giải thích các yếu tố kỳ quặc của những tích truyện dân gian hay các nhân vật thần thoại. Trò chơi tự do của trí tưởng tượng vận hành với kinh nghiệm hàng ngày cũng đủ để giải thích cho nguồn gốc của chúng. Vốn từ vựng và ngữ pháp trong các ngôn ngữ của các bộ lạc nguyên thủy có các hình thức thể hiện theo phong cách: "nếu tôi có thể", "nếu tôi là", "nếu điều này đã không xảy ra", và những hình thức khác chỉ có thể được nhận thức là biểu hiện của các sự kiện tưởng tượng. Tương tự như vậy, bằng chứng rõ ràng về tầm quan trọng của lối duy giàu trí tưởng tượng là vô số so sánh và các biểu hiện ẩn dụ trong ngôn ngữ của các bộ lạc nguyên thủy. Không cần phải tìm kiếm nguồn gốc của ẩn dụ [4] khi thực sự vốn từ vựng của mỗi ngôn ngữ đều chứng minh rằng quá trình hạn chế, mở rộng, và chuyển giao nghĩa liên tục vận hành bằng cách định hình và tái định hình ý nghĩa của các biểu tượng từ. Mỗi cách chuyển nghĩa đều có thể trở thành kích thích tố để sử dụng ẩn dụ, nếu nó không tự thân là một phép ẩn dụ.

Đối với các lý do này, dường như không cần thiết phải tìm kiếm, trong tự nhiên, các nguyên mẫu của các hiện hữu được phú bẩm bằng các phẩm chất và các sự kiện phi thường, sự phóng đại hoặc xuyên tạc những gì xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Đây là những chất liệu góp phần tạo dựng các tích truyện dân gian và nhiều khái niệm thần thoại.

Lan truyền các tích truyện dân gian. Việc nghiên cứu các tích truyện dân gian như hiện đang được tìm thấy chỉ đem lại một bằng chứng rất mong manh về khả năng phát minh ra các động cơ mới của con người. Dường như trí tưởng tượng của bị hạn chế bởi các hình thức hiện tại của các tích truyện.

Sự tương đồng của các truyền thuyết dân gian tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới đã càng làm cho cuộc luận chiến trở nên dài hơn. Trong khi Tylor, [5] Brinton, [6] và các nhà nghiên cứu sớm khác có khuynh hướng xem, trong các tương đồng này, bằng chứng về một sự thống nhất tâm linh của nhân loại, và giả định rằng mỗi tích truyện tương tự đều có nguồn gốc độc lập bất cứ nơi nào được kể, nên việc điều tra cẩn thận sự phân bố và lan truyền gần đây của tích truyện đã chứng minh rằng trong hầu hết các trường hợp, sự xuất hiện những tích truyện tương tự đều do sự lan truyền. Điều này đã được chứng tỏ một cách thỏa đáng nhất đối với các truyền thuyết dân gian châu Âu và châu Á và đối với các truyền thuyết dân gian Bắc Mỹ. Không thể xác định được xuất xứ của mỗi tích truyện, nhưng các dòng di chuyển của tích truyện thì lại có thể truy tìm được. Ở châu Âu và châu Á văn học là một phương tiện mạnh mẽ để phổ biến các tích truyện; ở châu Mỹ, các khu vực phân bố liên tục rộng lớn của một số tích truyện nhất định đều có vô số bằng chứng cho thấy nguồn gốc chung của chúng. [7] Các bằng chứng ấy còn được củng cố thêm bởi sự lan truyền của cả những tích truyện châu Âu nhập khẩu vào châu lục này sau khi sự hiện diện của người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. [8] Các tích truyện của người Pháp [9] được phổ biến rộng rãi trong các bộ lạc da đỏ Bắc Mỹ. Các truyền thuyết dân gian Tây Ban Nha thậm chí còn được tìm thấy cả trong những vùng rừng hẻo lánh chưa được khám của lưu vực sông Amazon. [10]

Một vài tích truyện phức tạp bao gồm một chuỗi các yếu tố không liên quan được phân bố cực rộng. Có lẽ bằng chứng thuyết phục nhất của một trong số các truyền thuyết đó là tích truyện Chuyến bay ma, các yếu tố nổi bật của nó là các chuyến bay của một con yêu tinh, và các đồ vật quăng quật trên vai tạo thành các chướng ngại  - một hòn đá trở thành một ngọn núi; chiếc lược trở thành một bụi cây; dầu trở thành một đầm nước. Tích truyện này xuất hiện từ biên giới Đại Tây Dương của châu Âu về phía đông trên khắp châu Á và Bắc Mỹ, vươn đến tận bờ biển Đại Tây Dương ở Greenland. [11] Hầu như không thể tưởng tượng được rằng một loạt sự cố không liên quan lại phát sinh độc lập trong các vùng cách xa nhau đến như vậy. Tích truyện này phân bố trong một khu vực liên tục cũng cho thấy rằng nó đã được lan truyền từ nhóm người này đến nhóm người khác, từ bộ lạc này đến bộ lạc khác. Vì vậy có thể truy nguyên, với một mức độ xác suất cao, sự phân bố của các truyền thuyết dân gian phức tạp được xác định về phương diện lịch sử.

Nguồn gốc các yếu tố của tích truyện dân gian. Không thể theo đuổi cùng một phương pháp khi có sự liên quan của các yếu tố phân bố không đều của các tích truyện đó. Sự xuất hiện của chúng đã được sử dụng để chứng minh rằng chúng phải phát sinh không chỉ từ cách vận hành tương đồng về tư duy của tất cả các chủng tộc, từ một xu hướng ngấm ngầm để diễn tả các hiện tượng định kỳ của t nhiên trong khuôn khổ tương đông về trí tưởng tượng. Đúng là mặt trăng có vẻ là một, đúng là nó dần dần tròn đầy để rồi lại khuyết đi trên toàn thế giới, nhưng điều đó không chứng minh rằng mỗi tích truyện về một khuôn mặt bị biến dạng hoặc tích truyện về quá trình tròn và khuyết, về việc nó bị nuốt mất hoặc bị giết chết để rồi lại được tái sinh, đều phải ngụ ý đến mặt trăng, vì có vô tận các kinh nghiệm khác trong đời sống con người cho thấy cùng một nhóm các ý tưởng ấy. Cũng không nhất thiết phải khẳng định rằng tất cả những con rắn dữ tợn phải là luồng sét, và rằng mỗi thanh niên trai tráng đều phải là mặt trời.

Một trong những yếu tố phân bố rộng rãi là tình tiết về một người hoặc một con vật bị quái vật nuốt sống đã thoát ra được và, như một sự cố thường xuyên, đều bị cháy mất lông tóc vì hơi nóng trong cơ thể của con quái vật. [12] Chúng ta đã quen thuộc với các truyền thuyết về Jonah và Leviathan cũng như v Tom Thumb của chúng ta. Việc thực sự nuốt sống cả một con vật có thể quan sát thấy trong thói quen ăn mồi của loài rắn. Sự ra đời của những con vật mới sinh cho thấy khả năng của những hữu thể sống trần trụi khi ra khỏi cơ thể của con mẹ. Thêm vào đó là những xúc cảm tò mò về các cơ thể chuyển động trong dạ dày và ruột trong các trường hợp khó tiêu, và những tiếng ồn sinh ra bởi các chất khí dẫn đến ý tưởng về các động vật xâm nhập vào cơ thể của người bệnh cuối cùng phải tự giải thoát bản thân mình. Những quan sát này cũng có thể đã kích thích trí tưởng tượng và làm xuất hiện chủ đề của động vật bị nuốt sống, mà không cần phải nhờ đến cái ý tưởng xa vời, trong mọi trường hợp, động vật này phải là mặt trăng. Không khẳng định rằng đó phải là nguồn gốc duy nhất của tích truyện. Nó chỉ đơn thuần nhằm mục đích cho thấy các kinh nghiệm của con người cũng đủ cung cấp tất cả các tình tiết như vậy. Cũng rất thú vị khi lưu ý rằng bất chấp những hiểu biết chính xác về giải phẫu động vật, rất nhiều biến dạng huyền ảo nhất vẫn cứ xuất hiện. Con vật bị nuốt sống vào bụngbị kết thúc đột ngột. Nó trượt thẳng qua ống tiêu hóa của con quái vật - giống miếng thịt xông khói Münchhausen [kẻ cuồng tưởng HHN]* móc vào một dây câu cá rồi đàn vịt nối nhau nuốt mồi. Con quái vật lớn đến nỗi toàn bộ các bộ lạc hạ trại trong dạ dày của nó, và hơi thở của nó mạnh đến nỗi nó hút bất cứ thứ gì gần nó.

Một ví dụ khác về các sự cố phân phối rộng rãi và không theo quy tắc con đường lên trời bằng một chuỗi mũi tên. Các cuộc lên thăm bầu trời có lẽ là phổ biến, nhưng các phương pháp lên trời thì lại khác nhau. Tất nhiên, chưa từng có ai nhìn thấy một chuỗi mũi tên có thể giúp leo lên trời được, nhưng có vẻ như việc mở rộng trò chơi khắc một mũi tên tiếp nối với một mũi tên khác để phát triển ý tưởng lên đến vô tận lại hoàn toàn nằm trong tầm với của loại trí tưởng tượng này. Không thể phủ nhận rằng những tia sáng mặt trời chiếu xuyên qua những đám mây trong một bầu không khí ẩm cũng có thể giúp phát triển các ý tưởng tương tự.

Có vẻ không hợp lý khi cho rằng tất cả các lớp sự cố ở đây đều được gọi là các phản xạ tức thì của các hiện tượng tự nhiên gợi ra các tích truyện dân gian, có thể lý giải như một trò chơi của trí tưởng tượng với quá nhiều sự kiện trong cuộc sống của con người. Rất thể trí tưởng tượng của những người kể chuyện đã chuyển các tình tiết này thành các hiện tượng tự nhiên nhân hình hóa, do đó đã được đưa vào lĩnh vực xã hội loài người.

Sau khi một thể loại thần thoại này được phát triển và trong tiến trình thời gian đã mất đi sức sống và ý nghĩa vốn có, thì cũng có thể lại một lần nữa hủy và trở thành chủ đề của các tích truyện dân gian. vậy Grimm đã tìm thấy nguồn gốc tích truyện Người đẹp ngủ trong rừng được bao quanh bởi một hàng rào chông gai không thể vượt qua từ ngọn lửa xung quanh tảng đá của người Valkyrie đang ngủ. [13]

Đặc trưng của các khái niệm thần thoại. Đặc trưng quan trọng nhất của khái niệm thần thoại là nhân cách hóa. Không hề khó hiểu tại sao động vật lại cần được nhân cách hóa, hành vi của chúng, theo nhiều cách thức, đều giống hành vi của con người. Các hành động của chúng có thể dễ dàng nhận thức do thúc đẩy bởi đói khát, sợ hãi, giận dữ, và tình yêu. Khi sức mạnh của chúng lớn hơn sức mạnh của con người và con người không chịu nổi sức tấn công của chúng, thì đó là bằng chứng cho thấy sức mạnh lớn hơn ấy của chúng được đem ra đọ với con người.

Những con vật được nhân cách hóa ấy xuất hiện ở khắp mọi nơi trong các tích truyện dân gian. Tương phản với các nhân tố con người, chúng được đặc trưng một cách sắc nét theo các tập tính được quan sát thấy của mình. Con cáo xảo quyệt tham lam, con sói ngu ngốc của các tích truyện dân gian châu Âu, con khỉ của Ấn Độ, sói, quạ, và thỏ Bắc Mỹ, con báo đốm Nam Mỹ, con rùa và con nhện châu Phi, đều các loại có đặc điểm tinh thần giống nhau trong mỗi tích truyện. Những tập tính của cả loài được tập trung ở một cá thể. Hơn nữa, những gì đã xảy ra với một cá thể đại diện đều quyết định số phận của tất cả các thành viên của loài. Khi trong tích truyện châu Âu mèo và chó cãi nhau, thì điều đó gây ra thù hằn vĩnh viễn giữa hai loài [14]; khi con gấu giật đứt đuôi mình để cố thoát khỏi bị kẹt giữ lớp băng, nó đã giải thích cho nguyên do ngắn đuôi của tất cả loài gấu. [15] Những loại tích truyện này thường được cho là để giải trí và không được sáng tạo một cách nghiêm túc, nhưng đôi khi chúng cũng được coi là để giải thích cho các hoàn cảnh thực của thế giới. Sự kiện vẫn thường xuyên quan sát thấy thì được coi là bằng chứng về sự thật của tích truyện.
________________________________________


Nguồn: Boas, Franz (Ed.) 1938. Mythology and Folklore. In General Anthropology, Edited by Franz Boas, with contributions by  Ruth Benedict, Robert H. Lowie, Franz Boas,  James H. McGregor, Ruth Bunzel N. C. Nelson, and Julius E. Lips Gladys A. Reichard Copyright, 1938 by D. C. Heath and Company. Printed in the United States of America;   (Chapter XIII. Mythology and Folklore, pp. 609-626).

Tác giả: Franz Boas Uri (1858 -  1942) là một nhà nhân học người Mỹ gốc Đức, một người tiên phong của nhân học hiện đại, cha đẻ của Nhân học Mỹ. Ông học tập tại Đức, nhận học vị tiến sĩ vào năm 1881 về vật lý khi còn đang nghiên cứu địa lý. Sau đó, ông tham gia vào một cuộc thám hiểm địa lý bắc Canada, ông trở nên thích thú với các nền văn hóa và ngôn ngữ của người Inuit tại đảo Baffin. Ông tiếp tục công việc thực địa với các nền văn hóa và ngôn ngữ bản địa vùng Tây Bắc Thái Bình Dương. Năm 1887, ông di cư sang Hoa Kỳ, đầu tiên làm quản thủ bảo tàng Smithsonian. Năm 1899 ông trở thành giáo sư nhân học tại Đại học Columbia, và tiếp tục sự nghiệp của mình ở đó cho đến cuối đời. Thông qua các sinh viên của mình, Boas đã tác động ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của nhân học Mỹ. Trong số các sinh viên của ông, có các nhà nhân học nổi tiếng là AL Kroeber, Ruth Benedict, Edward Sapir, Margaret Mead, và Zora Neale Hurston.

Boas là một trong những đối thủ nổi bật nhất của
các hệ tư tưởng phân biệt chủng tộc phổ biến trong khoa học. Đó là ý tưởng cho rằng chủng tộc là một khái niệm sinh học và hành vi của con người được hiểu tốt nhất thông qua loại hình học về các đặc trưng sinh học. Trong một loạt công trình nghiên cứu mang tính đột phá về giải phẫu xương, ông đã chỉ ra rằng hình dạng và kích thước sọ rất dễ thay đổi tùy thuộc vào các nhân tố môi trường như y tế và dinh dưỡng, trái ngược với những tuyên bố của các nhà nhân học chủng tộc thời đó cho rằng hình dạng đầu là một đặc điểm chủng tộc ổn định. Boas cũng đã nỗ lực chứng minh rằng sự khác biệt về hành vi của con người không phải chủ yếu được quyết định bởi các khuynh hướng sinh học bẩm sinh, phần lớn là kết quả của sự khác biệt văn hóa có được thông qua học tập xã hội. Bằng cách đó, Boas đã giới thiệu văn hóa như là loại khái niệm chính để mô tả những khác biệt về hành vi giữa các nhóm người, và như là khái niệm phân tích trung tâm của nhân học.

Trong số những đóng góp chính của Boas cho tư tưởng nhân học có cả việc ông từ chối các cách tiếp cận tiến hóa sau đó trở nên phổ biến đối với việc nghiên cứu văn hóa, coi tất cả các xã hội tiến bộ thông qua một tập hợp các giai đoạn mang tính thứ bậc về công nghệ và văn hóa, với nền văn hóa phương Tây-châu Âu thượng đỉnh. Boas cho rằng văn hóa được phát triển về phương diện lịch sử, thông qua sự tương tác giữa các nhóm người, thông qua việc truyền bá các ý tưởng, và do đó không có quá trình liên tục hướng tới các hình thái văn hóa "cao hơn". Cách hiểu này khiến cho Boas từ chối việc tổ chức các bảo tàng dân tộc học dựa trên các “giai đoạn”, thay vì ưu tiên cho việc xếp đặt trật tự các hng mục trưng bày dựa trên các mối quan hệ và sự gần gũi của các nhóm văn hóa được tiếp cận.

Boas còn đưa vào hệ tư tưởng tương đối luận văn hóa cho rằng các nền văn hóa không thể được xếp hạng một cách khách quan là cao hơn hoặc thấp hơn, tốt hơn hoặc chính xác hơn, mà theo cách toàn bộ con người nhìn thế giới thong qua lăng kính văn hóa riêng của họ, và đánh giá nó theo các chuẩn mực văn hóa riêng của họ. Đối với Boas đối tượng của nhân học là tìm hiểu cách thức mà nền văn hóa quy định cho mọi người hiểu và tương tác với thế giới theo những cách thức khác nhau, và để làm được điều này thì cần phải được sự hiểu biết về ngôn ngữ và các thực hành văn hóa của dân tộc được nghiên cứu. Bằng cách thống nhất các bộ môn khảo cổ học, nghiên cứu văn hóa vật chất và lịch sử, nhân học thể chất, nghiên cứu các biến đổi về giải phẫu người, với dân tộc học, nghiên cứu về biến đổi văn hóa về phong tục tập quán, ngôn ngữ học mô tả, nghiên cứu về các ngôn ngữ bản địa chưa có văn tự, Boas tạo ra phương pháp tiếp cận bốn lĩnh vực  nhân học đã trở nên nổi bật trong nhân học Mỹ thế kỷ 20, gồm Khảo cổ học, Ngôn ngữ học, Nhân học thể chất, và Nhân học văn hóa.

Ghi chú của người dịch từ nguyên văn tiếng Đức:

* Ai không nhớ những cuồng tưởng kỳ quặc giống như Münchhausens cưỡi trên một quả đạn pháo? con ngựa trong mùa đông nước Nga treo trên tháp chuông nhà thờ? con ngựa không mông không ngừng khát nước? con nai với cây anh đào trên trán của nó? Chiếc áo choàng trở nên cuồng dại? Con sói nuốt con ngựa kéo xe trượt tuyết của Münchausens và thay vì [...] điều này đã thu hút chiếc xe trượt tuyết? những con vịt bị dính mồi nhử bằng mẩu thịt xông khói của Münchhausen, sau đó ông bay lên theo không khí chiếc ống khói rồi cuối cùng ông hạ xuống đám lửa, vị tướng có khả năng đặt rượu đứng trên đầu là một phiến bạc, con gấu Thổ Nhĩ Kỳ bị dính mồi nhử mật ong  phóng đi cùng chiếc xe [...] Munchausen leo lên mặt trăng bằng một hạt đậu đang nhanh chóng mọc thành dây, cuộc gặp gỡ của ông với những con người trên mặt trăng có những chiếc đầu mọc dưới cánh tay, vv, vv ...

(Wer erinnert sich nicht an so skurrile Phantasien wie Münchhausens Ritt auf der Kanonenkugel? an das Pferd im russischen Winter, das am Kirchturm hing? an den ewig durstigen Gaul, dem das Hinterteil fehlte? an den Hirsch mit dem Kirschbaum auf der Stirne? an den Mantel, der [...] tollwütig geworden war? An den Wolf, der Münchhausens Schlittenpferd fraß und an dessen Stelle den Schlitten zog? an die Enten, die Münchhausen mit Speck köderte, mit denen er dann durch die Luft und durch den Kamin flog und schließlich auf dem Herd landete, an den trinkfesten General mit der Silberplatte auf [...] dem Schädel, den türkischen Bären, der sich, mit Honig geködert,  mit einer Wagendeichsel aufspießte, an Münchhausens Aufstieg zum Mond mithilfe einer schnell wachsenden Bohne, an seine Begegnung mit den Mondmenschen, die ihre Köpfe unterm Arm tragen, usw. usw....)

FOOTNOTES

1. Wundt, W., Volkerxsychologie (Leipzig, 1909), vol. 2, Part III, p. 19.
2. Ehrenreich, P., Die allgevieine Mythologie und ihre ethnologische'rt Grundlagen (Leipzig, 1910); Siecke, E., Mythologische Briefe (Berlin, 1909).
3. Frobenius, Leo, Das Zeitalter des Sonnengottes (Berlin, 1904).
4. Werner, H., Die Ursprunge der Metapher (Leipzig, 1919).
5. Tylor, E. B., Primitive Culture (1874).
6. Brinton, D. G., The Myths of the New World (1896).
7. Boas, F., Tsimshian Mythology, Annual Report of the Bureau of American Ethnology, vol. 31 (1916).
8. Espinosa, A. M., "Comparative Notes on New-Mexican and Mexican Spanish Folk-Tales," Journal of American Folk-Lore, vol. 27 (1914), p. 211.
9. Teit, James, Mythology of the Thompson Iiulians, Jesup Expedition, vol. 8 (1913), pp. 385 ff.; Thompson, Stith, Tales of the North American Indians (1929), pp. 201 ff. See also "Lidex of the Journal of American Folk-Lore" in Memoirs of the American Folk-Lore Society, vol. 14 (1930), under European Folklore in America.
10. Koch-Griinberg, Th., Vovi Roroima zum Orinoco (Stuttgart, 1924), vol. 2, pp. 140 ff.
11. Bolte, J., and Polivka, G., Anmerhungen zu den Kinder- und Hausmdrchen der Bruder Grimm., vol. 2 (Leipzig, 1915), p. 140; Thompson, Stith, op. cit., p. 333, note 205.
12. Tylor, E. B., Researches into the Early History of Mankind (3rd ed., 1878), pp. 344 ff.; Thompson, Stith, op. cit., p. 321, notes 158, 159.
13. Bolte, J., and Polivka, G., op. cit., vol. 1 (Leipzig, 1913), p. 441.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét