Powered By Blogger

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Lý thuyết giá trị học và phát triển vùng Tây Nguyên (I)




Lý thuyết giá trị học và phát triển vùng Tây Nguyên

Hà Hữu Nga

Theo Thomas Nagel, nhà triết học hiện đại nổi tiếng người Mỹ, chuyên nghiên cứu về giá trị học, thì khái niệm “yêu cầu khách quan trong nghiên cứu giá trị đòi hỏi phải thỏa mãn các điều kiện sau: (a) Người nghiên cứu phải cam kết bằng phương thức tư duy độc lập đối với lĩnh vực có liên quan; (b) Người nghiên cứu phải nhìn nhận thế giới sự kiện luôn biến đổi; (c) Người nghiên cứu không bị chi phối bởi bất cứ một định kiến, thiên hướng, tình cảm, cách diễn giải, hoặc trí tưởng tượng chủ quan nào về các sự kiện và có thể đo lường  các thuộc tính của thế giới sự kiện bằng các phương pháp thực nghiệm” [Nagel 1970, 1986].

Việc ứng dụng khung tiếp cận của Nagel vào mục đích xây dựng và lựa chọn các phương thức phát triển vùng dựa trên các giá trị biến đổi phải thỏa mãn được ba điều kiện trên, cụ thể như sau:

Trước hết, khi Nagel nói: Yêu cầu khách quan đòi hỏi người nghiên cứu phải cam kết bằng phương thức tư duy độc lập đối với lĩnh vực có liên quan, trong thực tế đối với chúng ta, điều đó có nghĩa là phải chứng minh được các giá trị biến đổi là một thực tiễn, thực sự là một đối tượng trong khoa học nghiên cứu phát triển vùng. Vì là một loại đối tượng khoa học, cho nên nó đòi hỏi người nghiên cứu lĩnh vực này phải có một phương pháp tiếp cận khách quan, độc lập của một ngành khoa học cụ thể, chứ không phải là một gán ghép chủ quan. Về phương diện này có thể coi “các giá trị biến đổi” là đối tượng nghiên cứu của môn khoa học độc lập, đó là khoa học nghiên cứu giá trị, hay còn gọi là giá trị học (study of values), với các học giả lớn thuộc các lĩnh vực triết học, tâm lý học, xã hội học, nghiên cứu phát triển cùng các công trình nền tảng của họ, mà điển hình là: K. Popper [1972], T. Kuhn [1962], G. Hofstede [2001] H. Schwartz [1992, 2006], T. Nagel [1970, 1986], M. Rokeach [1968, 1973], …v.v.

Thứ hai, “Người nghiên cứu phải nhìn nhận thế giới sự kiện luôn biến đổi”, để thỏa mãn được điều kiện này cần chứng minh được các giá trị phát triển là một thực tiễn tồn tại khách quan. Dù các giá trị biến đổi thuộc lĩnh vực xã hội loài người, nhưng về tổng thể, dù độc lập tương đối, nhưng loài người vẫn là một loài trong muôn loài của Tự nhiên vô tận, nên nó vẫn chịu sự chi phối của các quá trình biến đổi của thế giới sự kiện. Ngoài ra nó không chịu bất cứ sự chi phối của các lực lượng tưởng tượng nào , hoặc ý muốn chủ quan của bất cứ cá nhân, tập đoàn người nào…v.v., hành xử trái ngược với các quá trình biến đổi của thế giới sự kiện.  

Thứ ba, “Người nghiên cứu không bị chi phối bởi bất cứ một định kiến, thiên hướng, tình cảm, cách diễn giải, hoặc trí tưởng tượng chủ quan nào về thế giới sự kiện, và có thể đo lường các thuộc tính của sự kiện bằng các phương pháp thực nghiệm”. Chúng ta có thể hiểu điều kiện thứ ba như một tuyên ngôn mang tính hệ tư tưởng: việc thể hiện lập trường hệ tư tưởng của người nghiên cứu khoa học, nhất là trong các công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn là tất yếu. Tuy nhiên lập trường đó phải được thể hiện một cách khách quan khoa học, phải đảm bảo tính khách quan khoa học chứ không để bị chi phối bởi định kiến, thiên hướng, tình cảm, cách diễn giải, hoặc trí tưởng tượng chủ quan của ý thức hệ, bất chấp sự đòi hỏi của yêu cầu khách quan về các thuộc tính của sự kiện. Và điều cốt lõi nhất trong việc tránh được tính chủ quan chỉ bằng một cách thức duy nhất khách quan là “đo lường các thuộc tính của sự kiện bằng các phương pháp thực nghiệm”, có nghĩa là bên cạnh phương pháp nghiên cứu định tính, và việc sử dụng các thước đo định tính, nhất định phải có phương pháp nghiên cứu định lượng và các thước đo định lượng.

Việc xây dựng và lựa chọn các phương thức phát triển vùng dựa trên các giá trị biến đổi là một yêu cầu mang tính khách quan. Điều đó cũng đồng nghĩa với tính chất tất yếu của phương thức ấy trong phát triển vùng.

1. Các cơ sở lý thuyết phát triển vùng dựa trên giá trị học

1.1. Các cơ sở lý thuyết giá trị: Giá trị là kết quả những định giá trở thành tiêu chuẩn, mục tiêu, mục đích cho các niềm tin hoặc tư tưởng quan trọng và lâu bền của những con người thuộc một nền văn hóa nhất định về những gì được coi là tốt đẹp và đáng ước vọng nhất. Các giá trị chi phối, tác động đến hành vi của mỗi cá nhân, cộng đồng, nhân loại và được sử dụng làm những hướng dẫn chung cho mọi tình huống của cuộc sống. Giá trị còn là những những mục tiêu, những mục đích cao nhất, xa nhất và cuối cùng mà con người mong muốn có được, thực hiện được, đạt tới được. Giá trị được phân biệt thành nhiều hình thái, nhiều cấp độ căn cứ vào tầm quan trọng được xác định bởi các nguyên tắc định giá sinh tồn và phát triển của mỗi cá nhân, cộng đồng, quốc gia, nhân loại trong những thời gian và không gian khác nhau [Kluckhohn C. 1951; Rokeach M., 1973, 1976; Schwartz 1992; Kahle R., 1996; ].

Trong số các tác giả trên thì M. Rokeach là một trong số các nhân vật hàng đầu đã xây dựng nền tảng lý thuyết cho các định nghĩa về các hệ thống giá trị. Ông chú trọng đến cả hai nhân tố cá nhân và xã hội với phương thức hành xử hoặc trạng thái-mục đích hoàn thiện hơn so với phương thức hành xử hoặc những trạng thái-mục đích khác. Theo Rokeach thì giá trị được tổ chức riêng biệt thành các cấu trúc thứ bậc tương đối lâu bền với tư cách là các giá trị thuần túy và các giá trị phương tiện. Trong đó các giá trị thuần túy, tối hậu được định nghĩa là các niềm tin của con người đối với các phương thức hành xử hoàn thiện để đạt được mục đích [Rokeach 1973, tr.5]. Về phương diện này có thể coi các giá trị thuần túy của ông chính là các giá trị cơ bản về phương diện tinh thần, bao gồm niềm tin vào các tín ngưỡng, tôn giáo, các phong tục tập quán, các giá trị văn hóa, các giá trị đạo đức, các chuẩn mực xã hội, các giá trị chân lý của các hệ thống tri thức, kể cả tri thức truyền thống và các hệ thống tri thức do các khoa học hiện đại đưa lại.

Một điều có ý nghĩa thực tiễn lớn trong cách phân loại giá trị của Rokeach chính là lĩnh vực giá trị phương tiện. Tuy ông không định nghĩa rõ ràng giá trị phương tiện khác với giá trị thuần túy như thế nào, hơn nữa nội hàm giá trị phương tiện của Rokeach vẫn thuộc lĩnh vực tinh thần, nên nó khác xa với cách hiểu thông thường về khái niệm “phương tiện”, nhưng chúng ta có thể mượn khái niệm “giá trị phương tiện” của ông để nhìn nhận các nội hàm của nó từ góc độ đối lập với giá trị thuần túy mang tính tinh thần, để coi nó là thuộc lĩnh vực các giá trị vật chất, có thuộc tính trao đổi trên thị trường, vì chúng là kết tinh của các loại tài sản vật chất khác nhau.

1.1.2 Các cơ sở lý thuyết phát triển: Đối với các trụ cột cơ bản trong phát triển vùng như môi trường, kinh tế, xã hội, con người, văn hóa, và thể chế thì chúng ta có thể thấy rất rõ vai trò của các giá trị phương tiện trong phát triển dựa trên các trụ cột này. Đó là: (a) Đối với trụ cột môi trường thì có thể thấy các giá trị phương tiện cơ bản thể hiện ở các nguồn tài nguyên thiên nhiên như: đất, nước, rừng, khoáng sản, khí hậu, thủy văn, quần động vật, thảm thực vật; các giá trị sinh thái vì mục tiêu phát triển vùng, …v.v; (b) Đối với trụ cột kinh tế, các giá trị phương tiện cơ bản thể hiện ở tính chất khan hiếm của: các nguồn tài nguyên hữu hạn phục vụ cho phát triển; tính khan hiếm của nguồn nhân lực chất lượng cao; tính khan hiếm của các nguồn đầu tư như tài chính hoặc các nguồn vốn để đầu tư cho phát triển bền vững; tính khan hiếm của các loại công nghệ cao, mang lại giá trị lớn cho quá trình phát triển vùng; (c) Đối với trụ cột xã hội, các giá trị phương tiện thể hiện rõ nhất ở các phương diện như: giá trị cố kết xã hội vùng vì mục tiêu phát triển; giá trị đồng thuận xã hội vì mục tiêu phát triển; giá trị an toàn xã hội vì mục tiêu phát triển vùng; các chuẩn mực giá trị đạo đức vì mục tiêu phát triển vùng; giá trị vốn xã hội vì mục tiêu phát triển vùng; giá trị tri thức bản địa vì mục tiêu phát triển vùng; (d) giá trị thể chế chính thức và phi chính thức vì mục tiêu phát triển vùng; (e) các hệ giá trị văn hóa vì mục tiêu phát triển vùng; (f) các hệ giá trị con người vì mục tiêu phát triển vùng v.v…;     

2. Các cơ sở thực tiễn cho phát triển vùng dựa trên giá trị học

Các định nghĩa về giá trị đều đặt cơ sở ở hai cấp độ phát triển, được sử dụng làm cơ sở cho việc định giá sự sinh tồn và phát triển của con người để tạo thành hệ thống giá trị chung. Về phương diện thực tiễn, hiện trạng và lịch sử vùng Tây Nguyên cho đến nay đã thể hiện rất rõ hai cấp độ phát triển vùng này, đó là: a) Cấp độ đáp ứng các nhu cầu sinh kế của một bộ phận lớn người dân Tây Nguyên, mà chủ yếu là người dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ; (b) Cấp độ đáp ứng các yêu cầu phát triển Tây Nguyên về phương diện xã hội của cá nhân, nhóm, cộng đồng, quốc gia, nhân loại, dựa trên các trụ cột môi trường, kinh tế, và xã hội. Dưới đây sẽ phân tích cơ sở thực tiễn của hai cấp độ đó, nhằm đảm bảo cho việc xây dựng và lựa chọn các phương thức phát triển vùng Tây Nguyên dựa trên hệ thống giá trị.

2.1. Cấp độ thứ nhất - các xã hội đơn giản

Các nhà nhân học, sử học, xã hội học sử dụng các thuật ngữ trung tính là "xã hội đơn giản" (simple society) và "xã hội phức tạp" (complex society) để phân chia thứ bậc các xã hội đã từng được phân loại tương ứng "xã hội dã man" và "xã hội văn minh", mang nặng cảm tính và dễ gây hiểu lầm trong các nhóm người còn đang sống ở trình độ bộ lạc [Tainer, J. A.  1989]. Trong các xã hội đơn giản, các nhu cầu sinh học của cơ thể mỗi cá nhân con người tương ứng với những giá trị gắn với tồn tại bản năng ở trình độ hoặc mức độ sinh nhai, chủ yếu gắn với sinh kế của các xã hội phát triển thấp, hay còn gọi là xã hội đơn giản, có các đặc trưng sau: i) có dân số nhỏ, quy mô lãnh thổ hạn chế; ii) nền kinh tế sinh nhai, tự cấp tự túc, chủ yếu khai thác tự nhiên, dựa trên những kỹ nghệ giản đơn gồm săn bắt, hái lượm, làm nương rẫy luân canh bằng kỹ thuật phát - đốt, chọc lỗ, gieo hạt; chăn nuôi ở quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu hội hè, cúng tế và các bữa ăn hàng ngày; phân công lao động dựa trên cơ sở khác biệt độ tuổi và giới tính; xã hội gần như không sản xuất ra các giá trị thặng dư, hoặc nếu có thì rất thấp, không đáng kể; iii) quan hệ xã hội đơn giản, trình độ tổ chức xã hội thấp; iv) lối sống cộng đồng, hài hòa với tự nhiên; v) hệ thống giá trị cơ bản chủ yếu bị chi phối bởi sức mạnh của tự nhiên phụ thuộc vào các quy luật tự nhiên.

Trong các xã hội đơn giản, các mối ràng buộc thân tộc và cộng đồng nhỏ được dùng để phân bổ các nguồn lực và duy trì trật tự xã hội. Các tù trưởng, trưởng dòng họ, hội đồng già làng giải quyết tranh chấp và xung đột, chứ không phải là các quan chức chính phủ hoặc hệ thống tòa án của nhà nước. Đây là các xã hội tiền văn tự, không có ngôn ngữ viết và do đó họ thiếu lịch sử, không có tài liệu bằng văn bản; đó chính là tiền đề cho sự phát triển của loại tư duy thần thoại, huyền thoại, tín ngưỡng vạn vật có linh hồn, văn học truyền miệng phát triển. Về cơ bản đây là các xã hội với sự phân tầng không sâu sắc, vì không có sự phân hóa xã hội dựa trên sự khác biệt về uy tín, quyền lực và sự giàu như trong các xã hội nông nghiệp chuyên canh hoặc xã hội công nghiệp. Các xã hội đơn giản không hoặc chưa có nhà nước, do đó không cần/hoặc không thể có một hệ tư tưởng hoặc một tôn giáo chính thức hợp pháp hóa các hệ thống đó. Trong các xã hội đơn giản, không tồn tại một tập hợp niềm tin chính thức, được hệ thống hóa, thay vào đó thường là quan niệm đa thần giáo, hoặc vạn vật có linh hồn [Tainer, J. A.  1989]. Trong thực tế trước đổi mới hầu hết các nhóm dân tộc thiểu số địa phương Tây Nguyên đều là những xã hội thuộc cấp độ này.

2.2. Cấp độ thứ hai - các xã hội phức tạp

Các yêu cầu phát triển toàn diện của cá nhân, nhóm, cộng đồng, quốc gia, nhân loại liên quan đến toàn bộ các lĩnh vực môi trường, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, con người và thể chế. Đây là cấp độ cao hơn của hệ giá trị cơ bản gắn liền với phát triển, bởi vì khi đã vượt khỏi các nhu cầu sinh tồn cơ bản, khi đã vượt khỏi các điều kiện nhất định của tồn tại, con người vươn tới các yêu cầu phát triển, có nghĩa là vươn tới việc hoàn thiện cá nhân và cộng đồng với tư cách con người trong mọi mối quan hệ của mình. Và quá trình hoàn thiện đó cũng chính là quá trình hoàn thiện về tất cả các phương diện: môi trường, kinh tế, xã hội, văn hóa, con người, thể chế làm cho các giá trị phát triển trở nên có thật. Có nghĩa là nếu không thoát khỏi trình độ của các nhu cầu và của các điều kiện để vươn tới các yêu cầu  thì không thể có phát triển thực sự được.

Trong một xã hội phức tạp quá trình phân tầng xã hội  chia con người và gia đình thành các nhóm được xếp hạng riêng biệt (gọi là các tầng lớp) trên cơ sở của sự giàu có và địa vị của họ. Hơn nữa, xã hội phức tạp có thể được chia thành các nhóm trên cơ sở của ngôn ngữ, tôn giáo, nghề nghiệp, hoặc nơi cư trú. Các xã hội phức tạp còn mang đặc trưng chuyên môn hóa, các cá nhân trong xã hội phức tạp thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn  hóa với tư cách là các tầng lớp người có những chức năng chuyên biệt khác nhau như: nhà quản lý, nông dân, công nhân, trí thức, chuyên gia, nghệ nhân, người lính, hay đội ngũ chuyên phục vụ hệ thống ý thức hệ hoặc tôn giáo [Sahlins M. D. 1959]. Để quá trình chuyên môn hóa như vậy xuất hiện, thì phải có thặng dư cao. Những người sản xuất thực phẩm phải cung cấp đủ hàng hóa không chỉ để cung cấp cho các nhu cầu riêng của họ, mà còn để nuôi những người làm các ngành nghề khác, không trực tiếp tham gia vào sản xuất thực phẩm. Ngoài ra, còn phải tồn tại vô số hệ thống trao đổi trong đó những người sống ở khu vực đô thị cung cấp các hàng hóa và dịch vụ của họ để đổi lấy lương thực do những người ở khu vực nông thôn sản xuất ra.

Các xã hội phức tạp vận hành dưới sự quản lý của các nhà nước, là tổ chức quyền lực xã hội tổng thể, có chức năng tập hợp và phân phối các nguồn lực vì những mục đích công cộng và thực thi các quy tắc mà xã hội đồng thuận. Trong một xã hội phức tạp thường có một hệ tư tưởng hoặc một tôn giáo chính thức cung cấp một hệ thống các giá trị cơ bản chung được dùng để hợp pháp hóa và thực thi trật tự xã hội. Chính điều này giải thích lý do tại sao nhà nước, hệ tư tưởng và tôn giáo lại gắn bó với nhau rất chặt chẽ trong các xã hội phức tạp.  [Tainer, J. A.  1989]. Ngày nay, trong trào lưu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa, hầu hết các xã hội phức tạp thuộc các nước đang phát triển, đã nhanh chóng thực hiện các chiến lược công nghiệp hóa và hiện đại hóa để có được một trình độ phát triển cao hơn.  Về rất nhiều phương diện, đặc biệt là về hình thái xã hội thì các nhóm tộc người địa phương vùng Tây Nguyên của Việt Nam từ sau đổi mới đã bước vào trình độ xã hội phức tạp, xã hội có nhà nước, hay nói cách khác là xã hội văn minh. Tuy nhiên về nội hàm phát triển xã hội, đặc biệt là sự phân hóa xã hội, phân công lao động xã hội và trình độ sản xuất xã hội trong thực tế vẫn còn ở cấp độ của các xã hội đơn giản. Chính thực tiễn này đòi hỏi người dân Tây Nguyên cũng như toàn bộ hệ thống chính trị địa phương và quốc gia phải nỗ lực thay đổi để vùng này không bị tụt hậu, không những thế còn là một vùng phát triển dựa trên các giá trị phát triển cơ bản.

Tài liệu tham khảo

1. Hofstede, Geert 1983. Culture's Consequences: International Differences in Work-Related Values. Published in Administrative Science Quarterly (Johnson Graduate School of Management, Cornell University) 28 (4): 625–629.
2. Hofstede, Geert 2001. Culture's Consequences: comparing values, behaviors, institutions, and organizations across nations (2nd ed.). Thousand Oaks, CA: SAGE Publications.
3. Kahle, L.R. 1996. Social values and consumer behavior: research from the list of values, in Selgman,  C.,  Olson,  J.M.,  &  Zanna,  M.P.  (eds.),  The psychology  of  values:  the  Ontario symposium, Vol. 8, Lawrence Erlbaum Associates, Mahwah, NJ, chapter 6: 135-151.
4. Kluckhohn, C.K.M. 1951. Value and value orientations in the theory of action, in Parsons, T. & Shils, E. (Eds.). Toward a General Theory of Action, Cambridge, MA: Harvard University Press.
5. Kuhn, Thomas 1962. The Structure of Scientific Revolutions. The University of Chicago Press.
6. Nagel, Thomas 1970. The possibility of altruism. Princeton, N.J: Oxford University Press.
7. Nagel, Thomas  1986, The View From Nowhere, New York, NY: Oxford University Press.
8. Popper, Karl 1972. Objective Knowledge: An Evolutionary Approach, Oxford University Press; Revised edition (November 9, 1972).
9. Rokeach M., 1968. Beliefs, Attitudes, and Values. San Francisco: Jossey-Bass.
10. Rokeach M., 1973. The Nature of Human Values. New York: The Free Press.
11. Sahlins, Marshall D., 1959. Social Stratification in Polynesia, Ward H. Goodenough The Journal of the Polynesian Society Vol. 68, No. 3 (September, 1959), pp. 255-258
12. Schwartz S.H. 1992. Universal in the contents and structure of values: theoretical advances and empirical tests in 20-centuries. In M. Zana (ed.) Advances in Experimental social psychology (Vol.25, pp.1-65). Orlando FL: Academic Press
13. Schwartz, S. H. 2006. Value orientations: Measurement, antecedents and consequences across nations. In R. Jowell, C. Roberts, R. Fitzgerald, & G. Eva (Eds.), Measuring attitudes cross-nationally - lessons from the European Social Survey. London: Sage.
14. Tainer, J. A.  1989. The Collapse of Complex Societies in The Economic History Review n.s. 42.4 (November 1989:634)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét