Powered By Blogger

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

Văn hóa với Sinh học trong tư tưởng của Franz Boas và Alfred L. Kroeber (I)



Văn hóa với Sinh học trong tư tưởng của
Franz Boas và Alfred L. Kroeber (I)

Carl N. Degler

Người dịch: Hà Hữu Nga

Trong lịch sử của nhiều lĩnh vực khảo sát có một thời khi các phương thức hoặc tiêu chuẩn được chấp nhận để giải thích hay phân tích đã thay đổi về cơ bản và đầy kịch tính. Điều này đã xảy ra trong các ngành khoa học xã hội trong suốt một phần ba đầu tiên của thế kỷ XX. Sinh học trong hình dạng của các diễn giải mang tính chủng tộc về những khác biệt hành vi của con người đã được thay thế bằng một phương thức diễn giải mới: đó là môi trường xã hội hay văn hóa. Vào những năm 1930, cũng tương đối khó định vị một nhà khoa học xã hội Mỹ chấp nhận cách diễn giải mang tính chủng tộc đối với hành vi của con người khi dễ dàng nhận ra điều đó vào năm 1900. Sự thay đổi tràn lan ấy trong quan điểm của các nhà khoa học xã hội tại Hoa Kỳ đã diễn ra như thế nào? Chỉ có những khởi đầu của sự thay đổi đó có thể được thảo luận ở đây, nhưng những sự khởi đầu đó lại là trung tâm nhận thức về sự biến đổi. Chúng không chỉ cung cấp chất xúc tác cho sự thay đổi, mà còn hình thành nên nội dung của khái niệm văn hóa, một khái niệm đã trở thành khái niệm cơ bản của khoa học xã hội trong thế kỷ XX.

Hai nhà nhân chủng học, Franz Boas và học trò cũ của mình, Alfred L. Kroeber, đã đặt nền móng cho khái niệm đó. Quan niệm về văn hóa của họ là gì, tại sao họ dường như đã phát triển nó, và tại sao các nhà khoa học xã hội khác lại chấp nhận nó, chính là những câu hỏi tôi cố gắng trả lời. Đầu tiên, cho phép tôi nói một chút về hai nhân vật chính liên quan đến hoàn cảnh khiến cho các nhận xét này phải được đưa ra, cụ thể là ở toàn bộ nền tảng chung của họ với tư cách là những con người thuộc văn hóa Đức làm việc tại Hoa Kỳ.

Franz Boas được sinh ra vào năm 1858 và theo học ở vùng Rhenish thuộc Đức vào giữa thế kỷ XIX. Ông đến Mỹ như một người trưởng thành và trở thành một công dân Hoa Kỳ vào năm 1891, ngay sau khi nhập cư. Tuy nhiên, cho đến khi qua đời vào năm 1942, Anh ngữ nói của ông vẫn đang hình thành bởi ông được sinh dưỡng như một người Đức. Kroeber, thực sự được sinh ra tại Hoa Kỳ, nhưng ông cũng có thể được xem như là một người Đức: cha mẹ ông không chỉ những người nhập cư từ vùng Rhineland, họ còn dưỡng dục ông trong một khu vực nói tiếng Đức ở thành phố New York. Ngôn ngữ đầu tiên của Alfred Kroeber, giống như của Boas, là tiếng Đức, chứ không phải tiếng Anh. Boas sinh ra trong một gia đình Do Thái, mặc dù ông tự hào mình đã thoát khỏi bất kỳ sự giáo dục tôn giáo nào. Kroeber cũng tương tự, không có bất kỳ giáo dưỡng tôn giáo nào. Sinh ra trong một gia đình Tin lành, người vợ đầu tiên của Kroeber là một phụ nữ Do Thái có nguồn gốc chủ yếu là người Đức, đã mất bảy năm sau khi họ cưới nhau. Nói tóm lại, cả hai con người đó đều lớn lên trong bầu không khí tự do tư sản Đức vào cuối thế kỷ XIX, trong đó tôn giáo và tộc người không quan trọng, miễn là người Đức về văn hóa.

Boas và Kroeber mỗi người đều gắn bó một cách sâu sắc và vĩnh cửu với nguồn gốc Đức của mình, mặc dù chủ nghĩa bài Do Thái đã từng là một lý do để Boas rời khỏi nước Đức. Người vợ thứ hai của Kroeber cho chúng ta biết rằng trong suốt cuộc đời mình, người chồng của bà yêu ngôn ngữ Đức "vì vẻ đẹp thơ mộng và sức mạnh tình cảm của nó." Boas, về phần mình, đã giúp xây dựng một hội văn hóa Đức tại thành phố New York và đã từng là thư ký của hội đó trong một số năm. Với khả năng đó, ông đã nỗ lực to lớn trong việc rủ rê các giáo sư Đức đến Hoa Kỳ và trong việc gây quỹ cho các chuyến thăm của họ. Ông tự mình quay trở lại Đức hơn một chục lần sau khi di cư; trong một lần quay về, ông đã tặng một phần thư viện của mình cho Đại học Kiel, nơi ông đã nhận học vị tiến sĩ. Lần trở về cuối cùng của ông là vào năm 1931. Một dấu hiệu tầm thường và chưa tiết lộ về sự kết nối liên tục của Boas với Vaterland - Tổ quốc - cũ của mình là vào năm 1906 ông đã yêu cầu Chủ tịch Đại học Columbia Nicholas Murray Butler gửi lời chúc mừng đến Kaiser [Hoàng đế] Wilhelm II (1859-1941) của Đức nhân dịp kỷ niệm hai mươi nhăm năm ngày cưới của ông ta. Sau đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi biết rằng trong suốt Thế chiến I, Boas là người ủng hộ Đức đủ để có nguy cơ bị mất vị trí của mình tại Đại học Columbia.

Kroeber cắt đứt quan hệ với Boas nhân vấn đề nhà nước Đức. Trong chiến tranh Kroeber rất thù địch với Đức, làm cho ông thấy khó sử dụng thuật ngữ "văn hóa" vì cái ý nghĩa tiêu cực xung quanh khái niệm Kultur tương đương trong tiếng Đức. Tuy rất yêu ngôn ngữ Đức, nhưng "ông không bao giờ cảm thấy thoải mái ở đó," người vợ nhớ lại. Boas, ngược lại, vẫn nguyên vẹn là một phần của nền văn hóa Đức, mãi cho đến tận tháng 4 năm 1933, ông vẫn cẩn thận phân biệt giữa những gì ông mô tả là "thói vô lại" của chính phủ Hitler mới và cái nước Đức mà ông vẫn gắn bó một cách sâu nặng.

Boas và Kroeber bất đồng, cũng theo những cách khác, về những cách thức giải thích các đóng góp của mỗi người vào quá trình tiến hóa của khái niệm văn hóa. Boas bước vào ngành nhân học từ địa hạt vật lý và địa lý; do đó các phương pháp chính xác và toán học luôn là những thành phần quan trọng trong tất cả các công trình của mình. Chẳng hạn, ông dạy môn thống kê, từ đầu đến cuối sự nghiệp của mình tại Columbia. Kroeber, ngược lại, đã gần như chọn lựa công việc của mình văn học Anh trong thời gian là sinh viên đại học tại Columbia College; chỉ khi đã là một người có thâm niên, khi ông ghi danh vào một khóa ngôn ngữ học với Boas, ông mới chuyển sang nhân học. Tuy nhiên, tình yêu trí tuệ đầu tiên được phản ánh trong việc ông rất nhấn mạnh vào lịch sử, trong nghiên cứu của ông về phân tâm học, và trong việc mở ra một cơ sở thực hành phân tâm học tại San Francisco trong ba năm, mà đó chính là nguyên do chủ yếu khiến Boas không chấp thuận. Boas đã từng quở trách Kroeber, gọi ông là "kẻ hưởng lạc," tuy nhiên Kroeber lại chào đón cái tên đó một cách thích thú thừa nhận.

ràng, nguồn gốc Đức của Boas đã đóng một vai trò quan trọng trong sự tiến hóa trí tuệ về ý tưởng văn hóa. Tuy nhiên, tôi bắt đầu xem xét quan niệm văn hóa của Boas, với hai công trình của ông xuất hiện trong cùng năm 1911. Một công trình là cuốn sách nổi tiếng nhất của ông, Tâm trí của người Nguyên thủy [The Mind of Primitive Man]; công trình khác là một nghiên cứu ít nhiều quen thuộc về các biến đổi hình thể của con cháu những người nhập cư, thực ra là một báo cáo trong một công trình nghiên cứu nhiều tập về tình hình nhập cư do Quốc hội ủy quyền.

Cả hai công trình năm 1911 đã tuyên chiến về ý nghĩa của chủng tộc và sức mạnh của tính di truyền. Trung tâm thông điệp của Tư duy Nguyên thủy với cái gọi là người dã man thì lại không khác nhau về khả năng tinh thần so với những người văn minh, một nguyên tắc mà theo đánh giá của Boas được áp dụng cho mọi chủng tộc. Cả cuốn sách cũng như nguyên tắc của nó đều không phải là mới. Trong thực tế, Tư duy Nguyên thủy phần lớn là các bài tiểu luận được công bố những năm  trước, sắp xếp lại, viết lại đôi chút, và được kết hợp lại với nhau.

Các nghiên cứu về những thay đổi trong hình dạng cơ thể lại hoàn toàn khác; đó là một cách xem xét tươi mới nhắm một đòn choáng váng vào những kẻ nghi ngờ sức mạnh của môi trường. Boas tiến hành đo đầu của vài nghìn thanh thiếu niên nhập cư tại thành phố New York và thông báo một phát hiện đáng ngạc nhiên: hình dạng đầu của họ đã thay đổi sau khi họ sống tại Hoa Kỳ một số năm nhất định. Vào thời điểm đó các nhà nhân học thể chất thường xuyên sử dụng một cách đo gọi là chỉ số đầu, đó là chiều rộng của đầu chia cho chiều dài. Trong nhiều năm, biện pháp này đã được sử dụng để xác định các loại chủng tộc khác nhau trên thế giới. Bởi vì chỉ số này không thay đổi theo thời gian, nên nó đã được coi là một công cụ có giá trị. Điều mà Boas phát hiện ra đầu của các trẻ em nam, tất cả đều có cùng cha mẹ, thay đổi trong vòng mười năm sau khi cha mẹ đến Hoa Kỳ, như ông diễn đạt trong báo cáo của mình, "đáng ngạc nhiên." cha mẹ các em đều như nhau, thì môi trường là "tác động duy nhất có thể đã gây ra sự thay đổi đó’.

Trong báo cáo của mình, Boas hướng sự chú ý đến một tập hợp các kết quả thậm chí còn ấn tượng hơn trong việc chỉ rõ các ảnh hưởng của môi trường đến những gì thường được coi là biện pháp ổn định nhất của tính đồng nhất chủng tộc. Phát hiện này có liên quan với hình dạng đầu của trẻ em sinh ra Sicilia và cha mẹ là người Do Thái Nga ở châu Âu cũng như những đứa trẻ cùng cha mẹ ở Hoa Kỳ. Các chỉ số đầu của hai tập hợp trẻ em sinh ra ở châu Âu khác nhau đáng kể: trẻ em Sicilia đầu rộng, trẻ em Do Thái Nga đầu dài. Nhưng khi Boas đo đầu của trẻ em sinh ra tại Hoa Kỳ, thì các chỉ số đầu của trẻ em Do Thái Nga và Sicilia lại giống nhau: đó là, trẻ em Sicilia vốn thường rộng đầu thì giờ đây ít rộng, và trẻ em người Do Thái Nga thường đầu dài thì giờ đây lại rộng hơn.

Boas không đưa ra lời giải thích cho sự thay đổi này theo đặc trưng chủng tộc sau khi cha mẹ đã sống ở Hoa Kỳ mới chỉ mười năm, nhưng ông chắc chắn nhấn mạnh đó là một phần bằng chứng quan trọng để tin vào sức mạnh của môi trường so với di truyền. xuất hiện muộn trong sự nghiệp riêng của Boas nhưng, như chúng ta sẽ thấy, phần bằng chứng cụ thể này lại tác động một cách đầy kịch tính đến các nhà khoa học xã hội khác. Vậy thì những loại lập luận và bằng chứng nào Boas đã đưa ra để đi đến các kết luận phản sinh học được tổng kết trong Tư duy của người Nguyên thủy của ông và được hàm ngụ trong các nghiên cứu của ông về những thay đổi cơ thể ở trẻ em nhập cư?

Trong thực tế, không có bước ngoặt rõ ràng hay những phát hiện quyết định để giải thích cho kết luận của Boas hoặc ảnh hưởng của ông đến những người khác. Rất lâu trước khi ông hoàn thành việc nghiên cứu dân nhập cư, ông đã đạt đến các kết luận mà các nghiên cứu sau này hỗ trợ. Tuy nhiên, việc xem xét các tác phẩm của ông trước năm 1911, có thể đem đến một cái nhìn sâu sắc vào quá trình phát triển tư tưởng của ông. Cuộc tấn công của Boas vào khái niệm chủng tộc sinh học như là một yếu tố quyết định hành vi đã đột phá vào một số lĩnh vực.

Hình thức đầu tiên và quan trọng nhất của những lời chỉ trích của ông đều mang tính lịch sử và nhất là tính tương đối luận. Ngay từ năm 1887, ông đã viết rằng "không thể nói mãi rằng, cách lập luận của chúng ta không phải là một loại lập luận tuyệt đối logic, nhưng cái mà nó bị ảnh hưởng bởi cách lập luận của những người tiền nhiệm của chúng tabởi môi trường lịch sử của chúng ta, vì vậy mà, bởi cả các kết luận và lý thuyết của chúng ta," ông kiên trì, “cũng phải được định hình bởi các lực lượng này. "Những sự kiện đã qua," ông viết một chỗi khác, cùng năm đó, "để lại dấu ấn của mình ở đặc tính hiện tại của một dân tộc." Do đó, ông tiếp tục, "trạng thái sinh lý và tâm lý của một sinh vật tại một thời điểm nhất định là một chức năng của toàn bộ lịch sử của nó." Trái với những gì mà các nhà phân biệt chủng tộc thời điểm đó tranh cãi, "đặc tính hoặc sự phát triển tương lai của một hiện tượng sinh học và dân tộc học," Boas nhấn mạnh, "không được thể hiện bởi dáng vẻ của nó, bởi tình trạng hiện tại của nó, mà bởi toàn bộ lịch sử của nó."

Hết lần này đến lần khác, Boas đã dựa vào lịch sử để trả lời những người cho rằng người Tây Âu có nền văn minh cao cả hơn so với người nguyên thủy. Sự khác biệt giữa nền văn minh của Cựu Thế giới và Tân Thế giới, ông kiên định, là "chỉ sự khác biệt về thời gian." Một khu vực đi trước khu vực kia về văn hóa, nhưng chỉ bằng sự khác biệt của ba hay bốn ngàn năm. "Sự khác biệt về giai đoạn", Boas giải thích, "không đủ để biện minh với chúng ta rằng chủng tộc phát triển chậm hơn thì kém tài năng. Chắc chắn sự khác biệt của một vài ngàn năm là không đáng kể so với độ tuổi của loài người."

Nếu một người hoài nghi hỏi Boas làm thế nào ông có thể chắc chắn rằng trong bất kỳ thời gian nào người ta cũng có thể đạt được thành tựu của nền văn minh cao nhất được biết đến, thì câu trả lời chung nhất của Boas stất cả mọi người về cơ bản đều giống nhau về tiềm năng trí tuệ, văn hóa của họ. Nếu người hoài nghi vẫn khăng khăng truy vấn làm thế nào mà Boas thể chắc chắn về điều đó, thì sẽ không có câu trả lời chung nữa, chỉ có những phản ứng hoàn toàn cụ thể được vạch ra để viện vào câu hỏi mà những xác quyết của những người tin rằng sinh vật học hoặc chủng tộc đều giải thích các khác biệt bằng các thành tựu văn hóa. Các tác giả như Herbert Spencer, đã dựa vào sinh học để giải thích các khác biệt bằng văn hóa, lập luận rằng những người dã man thiếu một số thuộc tính quan trọng về tinh thần những người văn minh hiện đại có được, chẳng hạn như tầm nhìn xa, hoặc khả năng kiềm chế cảm xúc.

Do đó, phương thức tấn công thứ hai của Boas vào chủng tộc đặt câu hỏi về bằng chứng dân tộc học được những người có thẩm quyền như Spencer đưa ra. Một cách tiếp cận là lý giải bằng chứng dân tộc học theo những cách thức khác nhau. Khi Spencer cho rằng hành vi nhất định cho thấy tính cách của người nguyên thủy sốc nổi và do đó thiếu một đặc điểm cần thiết để phát triển nền văn minh, Boas phản đối bằng cách nói rằng "tính sốc nổi" của người nguyên thủy còn ít hơn là thói lạc quan của doanh nhân hiện đại và khó mà có thể bị lên án. "Chúng ta có thể thừa nhận sự khác biệt về mức độ không biết lo xa gây ra bởi sự khác biệt về địa vị xã hội," ông công nhận, "nhưng không phải là sự khác biệt cụ thể giữa loại người thấp hơn và loại người cao hơn." Một cách tiếp cận khác mà Boas chủ trương là thách thức trực tiếp hiệu lực giá trị của bản thân các chứng cứ dân tộc học, thường dựa trên cơ sở của các công trình thực địa của ông. Để chứng tỏ rằng người nguyên thủy ít có khả năng chú ý hơn so với người văn minh, Spencer đã trích dẫn từ báo cáo của một người châu Âu về một bộ lạc Indian châu Mỹ nào đó. Boas trả lời vấn đề đó bằng cách bình luận, "Tôi tình cờ biết qua tiếp xúc cá nhân, các bộ lạc đã được đề cập đến." Ông đảm bảo chắc chắn rằng những câu hỏi về người Indian châu Mỹ của vị khách châu Âu được họ coi là tầm thường, vì vậy đương nhiên họ không để ý. Mặt khác, ông có thể làm chứng từ kinh nghiệm của chính mình rằng "mối quan tâm của những người bản địa này có thể dễ dàng được nâng lên một cấp độ cao và tôi trước hết thường xuyên người mệt bã vì loại câu hỏi đó."

Đối với Boas, cấp độ phê phán thứ ba của ông được ra sức dựa vào công việc thực địa, từ ngôn ngữ, văn hóa dân gian, và âm nhạc của các tộc người nguyên thủy để chứng tỏ rằng họ không hề khác với những người văn minh về cảm xúc hoặc khả năng trí tuệ. Sự tương đồng của tất cả các dân tộc, Boas lập luận, thể hiện mạnh mẽ ở chỗ tất cả đều dùng lửa, tất cả đều ăn chín, tất cả đều là những nhóm xã hội, tất cả đều thực hành ngoại hôn, và hầu hết đều có một số nghi lễ liên quan đến cuộc sống sau khi chết, cũng như một thiên giới ở trên và một địa phủ dưới trái đất, nơi mọi người sẽ đến sau khi chết.

Cách tiếp cận quyết định mà Boas sử dụng là yêu cầu bằng chứng thuyết phục hơn về tác động sinh học. Có nghĩa là, ông trút gánh nặng bằng chứng lên những kẻ chấp nhận cách diễn giải chủng tộc. Rất đáng chú ý là ông đã làm thế, mặc dù ông thừa nhận vào năm 1894, là con người của một số chủng tộc có bộ não nhỏ hơn so với chủng tộc da trắng. Ông cũng thừa nhận rằng "những khác biệt về cấu trúc phải được đi kèm với những khác biệt về chức năng, sinh lý cũng như tâm lý", và ông tiếp tục, chúng ta "đã phát hiện ra bằng chứng rõ ràng về những khác biệt cấu trúc giữa các chủng tộc, vì vậy chúng ta phải dự đoán rằng những khác biệt về các đặc trưng tinh thần sẽ phải được tìm ra." Nhưng, ông nhấn mạnh, những khác biệt đó "vẫn chưa được chứng minh." Và ông để lại đó trường hợp của mình: không phải là một sự bác bỏ về chủng tộc, nhưng như George Stocking đã gắn nhãn cho , - một xác quyết bất khả tri luận.

Một điểm chung nữa cần lưu ý về lập luận của Boas. Các ý tưởng của ông, như các bạn có thể nhận thấy, không có bất kỳ thay đổi nào theo thời gian, không có bất kỳ phát triển nào. Các ý tưởng đó về cơ bản vẫn thế, kể từ năm 1887, khi ông lần đầu tiên viết về sự bình đẳng của sự phát triển tinh thần của người Eskimo và người châu Âu, cho đến năm 1911. Nói tóm lại, ngay từ đầu sự nghiệp của mình, như chính ông vẫn thường xuyên thừa nhận, Boas đã cam kết với một cách tiếp cận từ chối chủng tộc như một cách thức diễn giải về các khác biệt xã hội. Các cội nguồn những ý tưởng của ông vừa khác nhau lại vừa quá phức tạp nên không thể đề cập nhiều hơn tóm tắt này. Tuy nhiên trong đó cần phải đề cập đến các nghiên cứu của ông châu Âu, các bài viết của Theodor Waitz - nhà nhân học Đức thiên hẳn về môi trường tại Đại học Marburg, mà Boas liên tục đề cập trong bài viết và các xuất bản phẩm của mình, - và cuối cùng, nền tảng gia đình ông với tư cách là những con người Do Thái Đức tự do. Tất cả những nguyên do đó đã dẫn dắt ông đi theo một hệ tư tưởng xác quyết tiềm năng bình đẳng của tất cả mọi người và do đó, đòi hỏi sự bình đẳng về cơ hội cho mỗi cá nhân. Tôi tin rằng sự cam kết của ông với một hệ tư tưởng tự do, khiến ông đưa ra ngay ở đầu bản báo cáo về sự thay đổi hình dạng đầu một ví dụ khá rõ ràng và chắc chắn đặc biệt về sự tương đồng của các chỉ số đầu của các thanh thiếu niên Sicilia và Do Thái Nga. Đó là một ví dụ quá nổi bật về sức mạnh của môi trường đối với nguy cơ làm cho nó bị biến mất trong các kỹ thuật chuyên môn của bản báo cáo.

Hệ tư tưởng tương tự cũng tự thể hiện trong sự tán thành ngay từ sớm của Boas về quyền bình đẳng cho người da đen trong xã hội Mỹ. Ngay từ năm 1906, ông đã hướng đến các sinh viên da đen tại Đại học Atlanta, bằng cách ra sức thuyết phục họ không nên tin những kẻ khẳng định sinh viên da đen là thấp kém. Hãy nhìn vào những thành tựu của người da đen ở châu Phi, ông khuyên họ, sẽ tìm được câu trả lời cho những kẻ phân biệt chủng tộc. "Lịch sử quá khứ chủng tộc của các bạn không chấp nhận lời tuyên bố của họ," ông đảm bảo với các sinh viên của mình như vậy. Đằng sau hậu trường, Boas đã làm việc hết sức để cải thiện vị trí của người da đen, một lần đề nghị Andrew Carnegie gây quỹ để thành lập một viện nghiên cứu lịch sử châu Phi và nghiên cứu về người Mỹ da đen, và nhưng lần khác đứng ra thành lập các tổ chức như NAACP sau này -tất cả những công việc đó đều vì các quyền công dân của người da đen. Cam kết này với người da đen thậm chí còn quan trọng hơn cả việc thừa nhận công khai của Boas, vào năm 1909, rằng ông đã "không tin rằng người da đen, trong cấu tạo thể chất hoặc tinh thần, lại giống như Châu Âu. Những khác biệt về giải phẫu lớn đến mức các khác biệt tinh thần tương ứng là xác đáng," ông thừa nhận.
__________________________________________

Nguồn: Degler Carl N. 1989. Culture versus Biology in the Thought of Franz Boas and Alfred L. Kroeber. German Historical Institute, Annual Lecture Series No. 2, New York/Oxford/Munich First published in 1989 by Berg Publishers.

Tác giả: Carl Neumann Degler (1921 - 2014) là một nhà sử học Hoa Kỳ và là tác giả đoạt giải Pulitzer. Ông là Giáo sư danh dự Margaret Byrne về Lịch sử Mỹ tại Đại học Stanford. Degler sinh ngày 06 tháng 2 năm 1921 tại Newark, New Jersey. Ông phục vụ trong lực lượng không quân Mỹ từ năm 1942 đến năm 1945. Ông nhận bằng cử nhân lịch sử tại Đại học Upsala College, bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Columbia. Ông dạy lịch sử tại Đại học Vassar College trong 16 năm (1952-1968). Năm 1968, ông tham gia giảng dạy tại Stanford cho đến khi về hưu với tư cách là Giáo sư danh dự vào năm 1990. Năm 1986 Degler được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Lịch sử Mỹ. Ông cũng đã từng là chủ tịch của Tổ chức các nhà sử học Mỹ và Hiệp hội Lịch sử miền Nam. Năm 1972 Degler đã được trao giải Pulitzer Lịch sử cho cuốn Neither Black nor White - Không đen Không trắng - của ông, một công trình so sánh chế độ nô lệ và các quan hệ chủng tộc ở Brazil và Hoa Kỳ. Trước đó, ông đã viết Out of Our Past - Ra khỏi Quá khứ Chúng ta - một công trình nghiên cứu về lịch sử Hoa Kỳ hiện đang được sử dụng trong các trường trung học và đại học cũng như các cơ quan nghiên cứu trên khắp nước Mỹ. Ông được mô tả là "một quán quân học thuật về những con người bình thường trong lịch sử nước Mỹ" và là "một người sang lập nữ quyền luận". Ông là một trong hai thành viên nam sáng lập National Organization for Women - Tổ chức Quốc gia về phụ nữ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét