Powered By Blogger

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Người Trobriand bản địa trên các hòn đảo tây Thái Bình Dương (I)



Người Trobriand bản địa trên các hòn đảo tây Thái Bình Dương (I)

Bronislaw Malinowski

Người dịch: Hà Hữu Nga

Tạm rời xa những tảng đá rám nắng và những khu rừng nhiệt đới âm u của người Amphletts để rồi một ngày sẽ quay trở lại vì công việc nghiên cứu của chúng tôi, và để học hỏi thêm về người dân nơi đây, chúng tôi hướng mũi thuyền về phía Bắc đến một thế giới hoàn toàn khác của các hòn đảo san hô bằng phẳng; đến một vùng dân tộc học, nổi bật bởi vô số phong tục và cách cư xử đặc biệt trong số những khu vực còn lại của Papuo-Melanesia. Cho đến giờ, chúng tôi đã bang qua những vùng biển xanh biếc, trong suốt, bên dưới là những rạn san hô, đầy sắc màu và hình dạng, với thế giới sống tuyệt với của rong tảo và tôm cá, là một cảnh tượng hấp dẫn mà biển cả đã khuôn lại với tất cả vẻ huy hoàng của rừng nhiệt đới, cảnh quan sơn cước và những miệng núi lửa, với những dòng nước và những con thác sôi động, với những đám mây nặng đầy hơi nước lững lờ trong các thung lũng cao. Giã từ những cảnh trí hoang đường đó để hướng mũi thuyền về phương Bắc đang đợi chờ. Các đường viền của người Amphletts sớm biến mất trong khói mù nhiệt đới, cho đến khi chỉ có ngọn kim tự tháp mảnh mai của Koyatabu, nổi bật lên phía đường chân trời, đường nét duyên dáng, vẫn còn vương mãi trong tâm trí chúng tôi thậm cho đến tận vùng đầm phá Kiriwina.

Giờ đây chúng ta lọt thỏm trong một vùng biển biêng biếc mơ hồ, mà vẻ đơn điệu của nó bỗng nhiên bị phá vỡ bởi một vài dải cát trống trải, ngập tràn sóng vỗ, với một vài lùm dứa dại trơ rễ trên những đụn cát trắng. Người bản địa Amphlett đến các dải cát này, ở đó cả tuần để đánh bắt cá, rùa và lợn biển. Chính nơi đây cũng là cảnh trí của một số sự cố bí ẩn huyền thoại của vùng Kula nguyên sinh. Xa xa về phía trước, qua màn sương mù mịt, đường chân trời ken dày đây đó, cứ như ai đó đã phác lên vô số vệt bút chì mờ ảo. Những đường viền huyền ảo đó ngày một trở nên thật hơn thành những vệt dài loang rộng, còn những đường viền khác thì vẽ thành vô số dáng hình theo những cụm đảo nhỏ, cho đến khi chúng tôi bỗng nhận ra mình đã hiện diện trong vùng đầm phá lớn của người Trobriands, với hòn đảo lớn nhất Boyowa ở phía bên phải, cùng vô số hòn đảo khác, có người ở và không có người ở, về phía Tây Bắc và phía Bắc.

Dong buồn trên khu đầm phá, băng qua những eo đất ngoắt nghéo giữa vùng nước nông, và cập bến trên hòn đảo chính, là một khu rừng nhiệt đới thấp, mịt mù cắt qua bãi biển, và chúng ta có thể thấy những lùm cọ, hệt như một bài trí nội thất, được vươn đỡ bởi những riềm cột vậy. Và đó chính là vị trí của ngôi làng. Chúng tôi bước lên bờ ngay trước biển, giống như một chiếc thước kẻ phủ bùn và đầy rác thải, với những chiếc ca nô được kéo xa lên nơi khô ráo, và băng qua lùm rừng nhỏ, chúng tôi đã ở giữa ngôi làng. Ngay sau đó, chúng tôi đã ngồi trên một chiếc kệ kê ngay trước hiên nhà kho khoai mỡ. Chiếc kệ làm bằng những khúc gỗ tròn, màu xám đã trở nên láng bóng vì tiếp xúc với thân thể ở trần của người bản địa; nền sân đất đầy dấu chân trần; màu da nâu của người bản xứ, lập tức vây quanh khách lạ thành các nhóm lớn, tất cả tạo thành một bảng màu đầy sắc thái ánh nâu, xạm màu đồng hun, thật khó quên khi ta đã sống cùng họ.

Thật khó truyền đạt cảm xúc về mối quan tâm mãnh liệt và trạng thái hồi hộp mà một nhà dân tộc học lần đầu tiên đến được khu vực thực địa của mình. Một số đặc tính nổi bật đặc trưng cho nơi này, ngay lập tức thu hút sự chú ý của bạn, làm cho bạn tràn đầy hy vọng hoặc nỗi e ngại. Sự xuất hiện của những người bản xứ, cách cư xử của họ, các loại hành vi của họ, có thể báo trước điềm lành điềm dữ về các khả năng nghiên cứu nhanh chóng và dễ dàng hay khó khan trắc trở. Một là dựa vào triển vọng về các triệu chứng của các sự kiện xã hội học sâu hơn, hoặc nghi ngờ nhiều hiện tượng dân tộc học ẩn và ẩn dấu đằng sau những khía cạnh bình thường của sự vật. Có lẽ việc việc người bản địa thông minh có cái nhìn ngờ vực lại là một phù thủy nổi tiếng; có lẽ giữa hai nhóm nam giới có tồn tại một số đối đầu hoặc thù nghịch, có thể lại rọi sáng cho các phong tục và tính cách của người dân nếu người ta có thể đặt tay trên nó? Như vậy ít nhất là bất cứ suy nghĩ và cảm xúc nào như suy nghĩ và cảm xúc vào cái ngày mà tôi đặt chân đến Boyowa khi tôi ngồi nghe một nhóm thổ dân Trobriand trò chuyện.

Sự đa dạng về ngoại hình của họ điều gây ấn tượng mạnh cho ai lần đầu gặp gỡ ở Boyowa*.  Có những người đàn ông và phụ nữ có tầm vóc cao lớn, dáng điệu thanh nhã, và các đặc điểm thể chất tinh tế, với nét mặt nhìn nghiêng với sống mũi khoằm rõ ràng, trán cao, mũi và cằm trông rất nét, vẻ mặt thông minh, cởi mở. Ngoài ra, những người khác khuôn mặt thuộc chủng negroid, hàm nhô, miệng rộng, môi dày, trán hẹp, và vẻ mặt thô. Những người có các đường nét thanh hơn thì có làn da sáng hơn. Ngay cả mái tóc của họ cũng khác nhau, thay đổi từ các lọn tóc khá thẳng đến gợn sóng của loại hình Melanesian điển hình. Họ đeo những loại đồ trang sức giống nhau như những người Massim khác, chủ yếu là những chiếc băng tay làm bằng sợi, những chiếc thắt lưng, hoa tai làm bằng mai rùa và những chiếc vòng làm bằng sò hải cúc, và họ rất thích sử dụng các loại hoa và cây lá thơm để trang sức thân thể. Về phong thái, họ tự do hơn nhiều, thân thuộc hơn và tự tin hơn bất kỳ giống người bản xứ nào, tôi đã từng gặp cho đến nay. Bất cứ khi nào có khách lạ đến, nửa làng liền tập hợp xung quanh vị khác, lớn tiếng chuyện trò đưa ra các bình xét về khách, thường là nói xấu, và nói chung đều thể hiện một sắc thái thân quen đùa cợt.

Một trong những đặc điểm xã hội học chính, ngay lập tức, đập vào tâm trí một người mới đến - sự tồn tại hệ thống phân cấp và phân biệt xã hội. Một số cư dân bản địa thường những người thuộc loại thanh tú hơn được đối xử với sự tôn trọng rõ rệt nhất bởi những người khác, và đến lượt mình, các tù trưởng và những nhân vật có địa vị này hành xử hoàn toàn khác đối với những người lạ. Trong thực tế, họ cho thấy nhưng cách cư xử tuyệt vời với đầy đủ ý nghĩa của từ này. Khi một vị tù trưởng có mặt, thì không một thường dân nào dám đứng ở một vị trí cao hơn; kẻ đó phải khom người xuống, hoặc phải ngồi xổm. Tương tự như vậy, khi vị tù trưởng ngồi xuống, thì không ai dám đứng. Thể chế tù trưởng bất di bất dịch ấy, được thể hiện bằng những dấu hiệu cực kỳ tôn kính, với một loại nghi thức Cung đình thô sơ, với những biểu hiệu cấp bậc và quyền uy như vậy là hoàn toàn xa lạ đối với toàn bộ tinh thần của cuộc sống bộ lạc người Melanesian, mà ngay từ cái nhìn đầu tiên nó đã đưa nhà dân tộc học vào một thế giới khác. Trong quá trình điều tra của mình, chúng tôi thường xuyên gặp gỡ cách thức biểu hiện quyền uy của vị tù trưởng người Kiriwinian, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt về phương diện này giữa người Trobrianders và các bộ lạc khác, để rồi dẫn đến những điều chỉnh về tập quán bộ lạc.

Một đặc điểm xã hội học khác, cản trở đáng kể đối với việc quan sát của khách là vị thế xã hội của phụ nữ. Hành vi của họ, sau vẻ lạnh lùng xa cách của người phụ nữ Dobuan, và cách thức cư xử rất thiếu thân thiện đối với người lạ của người Amphletts, gần như trở thành một cú sốc trong sự thân quen rất bạn bè của họ. Đương nhiên, đây, cách cư xử của phụ nữ có địa vị hoàn toàn khác với những người dân thường thuộc đẳng cấp thấp. Nhưng, về tổng thể, cao và thấp đều như nhau, mặc dù không hề được dành riêng, tât cả đều có cách tiếp cận vui vẻ, thân ái, và nhiều người trong số họ trông rất thanh thoát. Trang phục của họ cũng khác nhau rất rõ. Tất cả các phụ nữ Melanesian ở New Guinea đều mặc váy lót bằng sợi. Ở những người Massim phía Nam, loại váy sợi này dài đến đầu gối hoặc thậm chí còn dài hơn, trong khi đó váy của người Trobriands thì lại ngắn hơn và lòe xòe hơn nhiều, gồm một số lớp ngoài bao quanh cơ thể giống như một chiếc cổ áo xếp nếp của châu Âu thế kỷ 16 vậy. Hiệu quả trang sức cao của loại váy đó càng được tăng cường bởi những món đồ trang sức công phu được làm bằng ba màu trên vài lớp, tạo thành loại váy liền áo. Về tổng thể, nó rất hợp với phụ nữ trẻ, và làm cho các cô gái trở nên mảnh mai duyên dáng, và tinh nghịch hơn.

Người bản địa ở đây không hề biết đến khái niệm trinh tiết. Ở độ tuổi rất sớm, họ đã bắt đầu cuộc sống tình dục, và nhiều cô gái trẻ vẫn chơi những trò chơi ngây thơ của con trẻ, nhưng họ lại không phải là ngây thơ như cái vẻ ngoài ấy. Khi lớn lên, họ sống trong đời sống tình ái tự do bừa bãi, dần dần phát triển thành những mối quan hệ gắn bó bền vững hơn, một trong số đó được kết thúc bằng hôn nhân. Nhưng trước khi đạt tới kết cục này, các cô gái chưa lập gia đình hoàn toàn được quyền công khai tự do làm những gì mình thích, và thậm chí còn có những nghi lễ được bố trí để các cô gái của một làng chỉnh trang cơ thể để đến một nơi khác; ở đó họ công khai tự bố trí kiểm tra, và mỗi cô được một cậu bé địa phương lựa chọn để qua đêm với nhau. Thể thức này được gọi là katuyausi. Hơn nữa, khi một đội khách đến từ vùng khác, các cô gái chưa chồng mong muốn thỏa mãn ham muốn tính dục, đem thức ăn đến cho họ. Tại các buổi lễ tang lớn, xung quanh tử thi của người mới chết, người dân từ các làng lân cận đi thành các đoàn lớn đến tham gia than khóc và ca hát. Người ta hy vọng các cô gái thuộc bên khách tham dự, theo tập quán đến an ủi các chàng trai của làng tang quyến, bằng cách đem nỗi thống khổ đến cho những người yêu chính thức của họ. Có một hình thức nghi lễ khác rất đáng chú ý, trong đó phụ nữ thực sự công khai những người khởi xướng. Vào mùa làm vườn, những người phụ nữ thường làm việc cùng nhau, và bất kỳ người đàn ông lạ mặt nào đi qua vùng này đều rất dễ gặp rủi ro, phụ nữ sẽ chạy theo anh ta, vây chặt anh ta, xé nát giấy tờ của anh ta, và cư xử điên cuồng với anh ta bằng một thái độ rất ti tiện. Sát cánh với các hình thức nghi lễ dâm loạn này, ở đó trong tiến trình bình thường của các sự kiện, thường xuyên diễn ra những dan díu ngầm, mãnh liệt hơn trong các mùa lễ hội, ngày càng trở nên ít lộ liễu như công việc vườn, các cuộc viễn du đổi trác, hoặc hoạt động thu hoạch, tất thảy đều choán hút năng lượng và tâm trí của bộ lạc.

Hôn nhân hầu như không gắn với bất kỳ nghi thức chung hoặc riêng nào. Người phụ nữ chỉ đơn giản gia nhập vào nhà chồng, và sau đó, có một loạt trao đổi quà tặng, mà các món quà đó không thể nào giải thích được là tiền mua vợ. Với tư cách là một vấn đề thực tế, đặc điểm quan trọng nhất của cuộc hôn nhân Trobriand là ở chỗ gia đình bên n vợ phải đóng góp, một cách rất thiết thực, cho kinh tế của hộ gia đình nhà mình, và họ cũng phải thực hiện tất cả các loại dịch vụ cho bên nhà chồng. Trong cuộc sống hôn nhân của mình, người phụ nữ được cho là vẫn trung thành với chồng, nhưng quy tắc này không hề nghiêm ngặt, cũng không buộc phải thực thi. Bằng nhiều cách khác, cô ta vẫn giữ được lối sống độc lập tuyệt vời, còn chồng cô thì phải rất thận trọng và phải cư xử tốt với cô. Nếu anh ta không làm như vậy, thì rất đơn giản là người phụ nữ sẽ rời bỏ anh ta để trở về với gia đình, còn người chồng, theo quy tắc thì là kẻ bại trận về phương diện kinh tế bởi hành động của người vợ, anh ta phải tự nỗ lực để đưa vợ trở về bằng quà cáp và thuyết phục. Nếu dứt khoát lựa chọn, cô có thể bỏ anh ta để đổi lấy quà cáp, và cô luôn dễ dàng tìm được một người khác để kết hôn.

Trong đời sống bộ lạc, vị trí của phụ nữ cũng rất cao. Theo quy tắc, họ không phải tham gia vào các hội đồng của nam giới, nhưng trong nhiều vấn đề, họ đều có cách riêng của mình để kiểm soát một số khía cạnh của cuộc sống bộ lạc. Vì vậy, một số hoạt động làm vườn là công việc của họ; và điều này vừa được coi là đặc quyền, vừa là nghĩa vụ. Họ cũng trông nom một số công đoạn nhất định trong việc phân chia thực phẩm tại các nghi lễ lớn, gắn liền với các tang lễ được tổ chức rất công phu và hoàn chỉnh của người Boyowans. Một số hình thức ma thuật thực hiện với một trẻ em sinh, ma thuật-vẻ đẹp thực hiện tại các buổi lễ của bộ lạc, một số lớp học phép thuật cũng là độc quyền của phụ nữ. Phụ nữ có địa vị chia sẻ các đặc quyền liên quan, và những người đàn ông thuộc đẳng cấp thấp sẽ phải khom lưng trước họ, quan sát tất cả các thủ tục cần thiết và những điều cấm kỵ xứng đáng với một tù trưởng. Một người phụ nữ có vị thế tù trưởng kết hôn với người bình thường, vẫn giữ được vị thế của mình, thậm chí đối với cả chồng mình, và cô ta phải được đối xử hợp thức.

Người Trobrianders theo chế độ mẫu hệ, có nghĩa là, trong việc truy tìm dòng tộc và giải quyết thừa kế, họ theo dòng mẹ. Một đứa trẻ thuộc về thị tộc và cộng đồng làng của mẹ nó; sự giàu có, vị thế xã hội, khuôn khổ thừa kế, không phải từ cha sang con trai, từ người cậu cho cháu trai. Quy tắc này thừa nhận một số trường hợp ngoại lệ quan trọng và thú vị, mà chúng ta sẽ thấy qua trong công trình nghiên cứu này.

Quay trở lại chuyến thăm đầu tiên tưởng tượng của chúng ta trên bờ biển, điều thú vị tiếp theo cần làm, sau khi chúng ta đã hình dung đầy đủ về dáng vẻ và cung cách cư xử của người bản địa, giờ đây, chúng ta hãy dạo bộ một vòng quanh làng. Để làm điều này, một lần nữa chúng ta sẽ lướt qua nhiều, bằng con mắt được đào tạo, lập tức có thể phát hiện được những sự kiện xã hội sâu sắc hơn. Tuy nhiên ở người Trobriands, có lẽ sẽ tốt hơn nếu chúng ta thực hiện những quan sát đầu tiên tại một ngôi làng lớn trong đất liền, thậm chí tọa lạc trên một vùng đất bằng phẳng với nhiều không gian, do đó, nó đã có thể được xây dựng bằng một thức điển hình. Trong các làng ven biển, được xây dựng trên nền đất lầy lội các rạn san hô, thì tính chất bất thường của đất và không gian chật hẹp đã xóa mờ dấu vết thiết kế, và chúng thể hiện một dáng vẻ hoàn toàn hỗn độn. Mặt khác, những ngôi làng lớn của các vùng trung tâm, được xây dựng đồng đều theo cùng một quy củ gần như hình học.

Ở giữa, một không gian tròn lớn được bao quanh bởi một vòng các kho chứa của từ. Các kho chứa này được làm theo kiểu nhà sàn, có mặt tiền trang trí tinh tế, với những vách tường làm bằng cách súc gỗ tròn lớn, xếp gối đầu lên nhau, để lại khe hở rộng thông qua đó vẫn có thể thấy những đống của từ được tích trữ bên trong. Một số nhà kho ngay lập tức đập vào mắt người quan sát vì được làm công phu hơn, lớn hơn, và cao hơn so với những nhà kho còn lại, và những nhà kho này còn có các  tấm ván lát sàn lớn, được trang trí, chạy vòng đầu hồi và bắt chép qua góc. Đây là những nhà kho của từ của các trưởng hoặc của những người có địa vị. Mỗi nhà kho củ từ, theo quy tắc, đều chiếc kệ nhỏ kê ở phía trước, để những người đàn ông ngồi lại và trò chuyện với nhau vào buổi tối, và nơi du khách có thể nghỉ ngơi.

Đồng tâm với rãy tròn nhà kho của từ, một vòng những căn lều để ở, và như vậy, một đường vòng quanh hết làng được hình thành giữa hai hàng nhà ấy. Những ngôi nhà thấp hơn so với các kho khoai mỡ, và thay vì làm nhà sàn, chúng được dựng trực tiếp trên mặt đất. Bên trong tối, rất ngột ngạt, và mở cửa chỉ có một lối vào duy nhất là cửa, và nó thường khép kín. Mỗi căn lều thuộc về một gia đình, có nghĩa là chồng, vợ và con nhỏ, trong khi các bé trai và bé gái vị thành niên và trưởng thành sống trong những ngôi nhà nhỏ dành riêng cho người chưa có gia đình, chứa khoảng hai đến sáu cô cậu. Tù trưởng và người có địa vị có những ngôi nhà cá nhân đặc biệt, bên cạnh những ngôi nhà của các bà vợ của họ. Nhà của trưởng thường tọa lạc ở vòng trung tâm của các kho khoai mỡ, đối diện với vị trí chính.

Vì vậy, việc khảo sát chung về ngôi làng sẽ tiết lộ cho chúng ta thấy vai trò của sự trang trí với tư cách là những vật biểu trưng vị thế, sự tồn tại những ngôi nhà của người độc thân và các bà cô không chồng, tầm quan trọng rất lớn gắn liền với việc thu hoạch khoai mỡ, tất cả những triệu chứng nhỏ này, dẫn chúng ta đi sâu vào các vấn đề của xã hội học bản địa. Hơn nữa, một cuộc khảo sát như thế sẽ dẫn chúng ta đến việc tìm hiểu về vai trò của các bộ phận khác nhau của làng trong đời sống bộ lạc. Sau đó chúng ta mới biết được rằng baku, không gian tròn ở trung tâm, chính nền cảnh của các nghi lễ và lễ hội công cộng, chẳng hạn như nhảy múa, chia thức ăn, các bữa tiệc, những thực hành tang lễ, nói tóm lại là tất cả những việc làm đó thể hiện ngôi làng như một tổng thể. Trong tuyến đường chạy vòng tròn giữa các kho khoai mỡ và nhà , cuộc sống thường ngày vẫn tiếp diễn, đó là, việc chuẩn bị thực phẩm, ăn uống, chuyện trò, trao đổi và các giao tiếp xã hội bình thường. Nội thất của ngôi nhà chỉ được sử dụng vào ban đêm, hoặc vào những ngày ẩm ướt, và là nơi để có một giấc ngủ hơn là một phòng khách. Phía sau những ngôi nhà và những lùm cây tiếp giáp là quang cảnh của các trò chơi con trẻ và các công việc của phụ nữ. Xa hơn nữa, là những khoảng rừng được dành riêng cho mục đích vệ sinh, các hoạt động quan hệ tình dục có nơi chốn của riêng mình. 

Baku, vị trí trung tâm, là phần đẹp nhất, và có sự phối hợp màu hơi đơn điệu của màu nâu và màu xám bị phá vỡ bởi những tán lá nhô ra của khu rừng, thấy trên mặt tiền gọn gàng và trang trí cầu kỳ của kho khoai mỡ và bởi các hoa văn trang trí bị mài mòn bởi đám đông khi một điệu nhảy hay lễ hội diễn ra. Nhảy múa chỉ được thực hiện vào một thời điểm trong năm, gắn liền với các lễ hội mùa, được gọi là milamala, trong đó mùa cũng là sự trở lại các làng cũ của những linh hồn người đã chết từ Tuma, thế giới-bên dưới. Đôi khi mùa nhảy múa chỉ kéo dài một vài tuần hoặc thậm chí vài ngày, đôi khi nó được mở rộng thành một giai đoạn nhảy múa đặc biệt gọi là múa usigola [nhảy múa tập thể]. Trong thời gian đó của lễ hội, các cư dân của một ngôi làng sẽ nhảy múa ngày này qua ngày khác, trong vòng một tháng hoặc lâu hơn, mùa nhảy múa được khởi đầu bằng một bữa tiệc, rồi thêm một vài tiệc nữa, và kết thúc bằng một màn trình diễn lớn đạt tới đỉnh cao. Vào thời điểm này có nhiều làng trợ giúp làm khán giả, và thực hành phân phối thực phẩm. Trong một cuộc trình diễn usigola, nhảy múa được thực hiện với đầy đủ phục sức, đó là, với những hình vẽ trên khuôn mặt, trang trí hoa, đeo các đồ trang sức có giá trị, và một chiếc mũ lông vẹt mào trắng. Một cuộc trình diễn luôn bao gồm một điệu nhảy thực hiện bằng một vòng tròn kèm theo ca hát và đánh trống, cả hai đều được thực hiện bởi một nhóm người đứng ở giữa. Một số điệu nhảy được thực hiện với chiếc khiên múa có chạm khắc. Về phương diện xã hội học, làng là một đơn vị quan trọng đối với người Trobriands. Ngay cả vị tù trưởng mạnh nhất của người Trobriands cũng cầm quyền chủ yếu trong ngôi làng của mình và sau đó mới đến cấp quận. Cộng đồng làng cùng khai thác các vùng đất vườn của mình, cùng thực hiện các nghi lễ, thực hành chiến tranh, thực hiện các cuộc thám hiểm kinh doanh, và cùng nhau vượt biển trong một con thuyền hoặc thành một nhóm gồm những chiếc thuyền.

Sau lần khảo sát đầu tiên quanh làng, tất nhiên chúng ta muốn biết thêm về vùng xung quanh, và sẽ đi bộ qua các lùm cây. Tuy nhiên, ở đây, nếu chúng ta hy vọng có một cảnh quan đẹp như tranh vẽ và đa dạng, thì sẽ chỉ dẫn đến sự thất vọng lớn. Hòn đảo rộng lớn, bằng phẳng chỉ gồm có mặt bằng màu mỡ, với một dãy san hô thấp chạy dọc theo bờ biển. Nó gần như hoàn toàn được trồng tỉa liên tục, và các bụi cây, thường xuyên bị phát quang sau vài năm, không có thời gian để mọc cao hơn. Một khu rừng rậm, thấp mọc thành một mớ rối bù, và thực tế bất cứ nơi nào trên đảo, chúng ta cũng đều lọt thỏm giữa hai bức tường màu xanh, không có nhiều vẻ, không cho phép được một tầm nhìn rộng hơn. Vẻ đơn điệu chỉ bị phá vỡ bởi một lùm cây già cỗi thỉnh thoảng lại xuất hiện ở một nơi được coi là cấm kỵ hoặc bởi một trong số rất nhiều ngôi làng mà chúng tôi đã gặp sau một hai dặm đường trong khu vực có mật độ dân cư dày đặc này. Yếu tố chính, cả đặc điểm giống như tranh vẽ mối quan tâm về dân tộc học, được tạo nên bởi những khu vườn bản xứ. Mỗi năm có khoảng một phần tư hoặc một phần năm tổng diện tích đất được canh tác dưới dạng những khu vườn, và đây là xu hướng tốt, và thể hiện một thay đổi dễ chịu so với sự đơn điệu của các lùm cây bụi. Trong giai đoạn đầu, các khu đất vườn chỉ đơn giản là một không gian trống trải, được phát quang, cho phép có một tầm nhìn rộng lớn hơn về phía rạn san hô xa xôi ở phía Đông, và lên các lùm cây cao lớn, nằm rải rác trên đường chân trời, xác định là làng mạc hoặc là những lùm rừng thiêng. Tiếp đó, khi dây khoai mỡ, khoai sọ, mía bắt đầu được gieo trồng và đâm chồi nảy lộc, thì vùng đất màu nâu trần đã được bao phủ bởi màu xanh mơn mởn của các loại hoa mầu. Sau một thời gian những chiếc cọc cao lớn, tĩnh lặng bám đầy dây leo khoai mỡ, dây nho quấn quít, phát triển thành một vòng tán lá dâm mát, và tất cả đem đến cho ta ấn tượng về một vườn cây bia xum xuê rộng lớn.
___________________________________________

Nguồn: Bronislaw Malinowski 1932. Argonauts of the Western Pacific, George Routledge & Sons, Ltd. London. (tr.49-62)

Tác giả: Bronisław Kasper Malinowski 1884-1942, người Ba Lan, là một trong số những nhà nhân học quan trọng nhất của thế kỷ XX. Từ năm 1910, Malinowski nghiên cứu kinh tế học tại Trường Kinh tế London. Dưới sự hướng dẫn của các giáo sư Seligman và Westermarck, ông đã tiến hành phân tích các mô hình trao đổi của thổ dân Úc thông qua các tài liệu dân tộc học. Năm 1914, ông đã nhận được tài trợ đến nghiên cứu tại New Guinea cùng nhà nhân học R.R. Marett, nhưng khi Thế chiến I bùng nổ, vì là một thần dân Áo, nên Malinowski đương nhiên là kẻ thù của Khối thịnh vượng chung thuộc Vương quốc Anh, nên ông không thể quay trở lại nước Anh. Tuy nhiên chính phủ Úc vẫn tài trợ và cho phép ông tiếp tục thực hiện công việc nghiên cứu dân tộc học trong lãnh thổ của họ và Malinowski đã chọn quần đảo Trobriand, ở Melanesia, ông ở đó vài năm, nghiên cứu văn hóa bản địa. Sau khi trở về Anh sau chiến tranh, ông xuất bản công trình nổi tiếng Argonauts of the Western Pacific (1922). Với tác phẩm này, ông đã trở thành một trong những nhà nhân chủng học quan trọng nhất ở châu Âu thời đó. Ông trở thành giảng viên và sau đó được bổ nhiệm trưởng khoa nhân học tại Đại học Kinh tế London, thu hút rất nhiều sinh viên giỏi và trở thành nhân vật có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của nhân học xã hội Anh. Trong thời gian này, đã có rất nhiều học trò của ông trở thành các nhà nhân học nổi tiếng như Raymond Firth, E.E. Evans-Pritchard, Hortense Powdermaker, Edmund Leach, Audrey Richards và Meyer Fortes. Từ năm 1933, ông tới giảng dạy tại một số trường đại học Mỹ và khi Thế chiến II nổ ra, ông quyết định ở lại Mỹ và làm giáo sư tại đại học Yale.

Công trình dân tộc học của ông về những người Trobriands mô tả tổ chức phức hợp Vòng Kula, và đã trở thành nền tảng cho các lý thuyết tiếp theo về hoạt động trao đổi và nguyên tắc có đi có lại. Ông cũng được coi là một nhà nhân học thực địa lỗi lạc với các ghi chép nổi tiếng về phương pháp liên quan đến lĩnh vực nhân học, trở thành nền tảng phương pháp cho ngành nhân học sớm. Chính ông là người đã tạo ra thuật ngữ quan sát tham gia. Cách tiếp cận của ông về lý thuyết xã hội đã trở thành cơ sở cho chức năng luận, nhấn mạnh cách thức tổ chức xã hội và văn hóa phục vụ cho các nhu cầu cơ bản của con người, một quan điểm trái ngược với chức năng luận cấu trúc của Radcliffe-Brown nhấn mạnh những cách thức mà các tổ chức xã hội vận hành liên quan đến xã hội như một tổng thể.

Ghi chú:

* Tiến sĩ C.G. Seligman đã lưu ý rằng có những người thuộc loại thể chất thanh thoát nổi bật trong số cư dân Bắc Massim, trong đó người Trobrianders phía Tây, "nhìn chung cao hơn (thường rất dễ thấy như vậy) so với các cá thể thuộc loại mũi rộng, mặt ngắn, với sống mũi rất thấp." Op cit.., p. 8.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét